Saturday, May 9, 2020

TỪ MỘT BẾP LỬA

nguyễnxuânthiệp

Bếp lửa của mẹ

Có thể nói không gì ấm cúng, thân yêu bằng bếp lửa của mẹ. Nó là hình ảnh của ấu thời tôi, và có lẽ cả ấu thời các bạn nữa. Và phải chăng mỗi khi cảm thấy chới với trên đường đời, ta lại tìm về bếp lửa ngày xưa ấy. Tìm về để được thấy an ủi, tin tuởng hơn, hầu cất bước đi tiếp trên con đường chông chênh của kiếp người.
Con đã đi bao năm / mẹ vẫn ngồi bên bếp lửa...
Nguyễn tôi xin mượn một nửa câu thơ của Ngô Kha để gợi lại hình ảnh của mẹ. Dù sáng tinh sương hay khi chiều xuống, mẹ vẫn ngồi ở đó để lo cho bữa ăn gia đình và để nghĩ ngợi, xót thương. Cho tới ngày giọt nắng rụng xa cành, cho tới ngày mẹ không còn nữa trên cõi đời này, thì trong nỗi tưởng nhớ của con mẹ vẫn ngồi bên bếp lửa. Cho nên, Nguyễn tôi rất đồng cảm với Lê Văn Ngăn khi anh viết:
Mỗi buổi mai, lúc nền trời những vì sao chưa tắt
bao nhiêu bếp lửa đã sáng lên trên hành tinh này
và bếp lửa của mẹ, từ tuổi thanh xuân đến tuổi xế chiều
vẫn cháy chập chờn trong căn nhà nhỏ
Mẹ đã khởi đầu sự sống cho con cái mình
bằng một ngọn lửa như thế

   Và người viết có thể nói một cách rất tự tin rằng "Bất cứ anh con trai nào của đất nước mưa phùn và nắng cháy này cũng ra đi từ bếp lửa của mẹ. Chính ở đó bắt đầu sự sống. Chính ở đó dạy cho ta bài học yêu thương và sự biết ơn." Giờ đây, xin cho người viết được ngỏ đôi lời với mẹ của mình.
   Mẹ ơi, từ ấu thơ của con, và có lẽ từ hồi mẹ còn con gái, mẹ đã nhóm lên bếp lửa. Và từ lúc con biết nhìn thế giới chung quanh thì con đã nhìn thấy bếp lửa của mẹ. Thuở đó, trong căn nhà ở Vương Phủ, mẹ đâu đã được hưởng những tiện nghi như các bà mẹ bây giờ. Mẹ đâu có bếp than, bếp điện, bếp gas... Mẹ chỉ có ba hòn gạch hay cái chân kiềng để làm bếp. Còn vật liệu để đốt, chỉ có những nhánh củi mót trong vườn nhà, những tàu dừa tàu cau đem xẻ ra, chặt nhỏ phơi khô. Hay bó rạ, thúng trấu, thúng dăm bào xin từ hàng xóm. Với chừng đó vật liệu, mẹ nhóm lên bếp lửa cho gia đình. Cha cũng vất vả sớm chiều trên chiếc xe đạp màu đen hiệu Saint Etienne đi làm kiếm tiền. Nhưng cha còn được nghỉ ngơi, uống trà, đọc báo. Còn mẹ, mẹ cặm cụi, vất vả, nhọc nhằn từ sớm tinh sương cho tới khi chiều tối. Và mẹ là người gần gũi với con hơn ai hết.
   Như thế đấy, trên bếp lửa của mẹ luôn luôn có ấm nước, niêu cơm, trách cá kho, om canh rau. Từ sáng sớm, mẹ đã thức dậy nấu nước pha trà cúng bàn thờ ông bà, rồi mẹ bắc nồi cơm cho cả nhà ăn và để bới vào mo cau cho con đi học. Cho tới bây giờ, khi đã qua bao nhiêu chặng đường của cuộc đời, con không quên nắm cơm của mẹ cùng với dúm muối mè ăn vào còn dư vị ngọt bùi ở cổ. Cũng vậy, làm sao quên được miếng cá ngừ kho, bát canh hoa lý của mẹ ăn trong chiều hè.
   Thường xuyên hơn cả, mỗi buổi chiều, trên bếp của mẹ sôi sục nồi cám heo. Ôi, con vẫn còn thấy như đang xảy ra trước mắt cảnh mẹ đi đốn từng cây chuồi vào xắt ra rồi bằm nhuyễn trộn với cám nấu lên cho heo ăn. Thuở ấy, mẹ chịu khó nuôi thêm một hai con heo để kiếm thêm lợi tức. Thực chất, đây giống như những đồng xu bỏ ống: nuôi heo cho lớn, mẹ kêu người bán, vậy là nhà có được thêm một món tiền, dành khi kỵ giỗ hay việc nọ việc kia trong gia đình. Chiều nay, con ngồi nhớ lại mà rưng rưng nước mắt. Mẹ ơi!
   Này, các bạn của Nguyễn ơi. Có thể một hai người trong các bạn ra đi từ một nơi sang trọng. Mừng cho các bạn thôi. Riêng Nguyễn này và rất nhiều người nữa đã lớn lên và ra đi từ bếp lửa của mẹ. Thực tình, Nguyễn tôi không có gì mặc cảm hay xấu hổ để nói lên điều này. Gịot nước sông kia khi ra tới biển còn nhớ về nguồn. Huống chi... Phải nói rằng từ căn bếp ấy ta có được bát cơm ăn mỗi ngày. Sự tăng trưởng của các tế bào trong cơ thể cậu bé con hay cô bé, trong đó có những tế bào óc, là từ đâu ra. Nguyễn lớn lên từ niêu cơm và nồi cám heo của mẹ. Rồi sau này, từ những chữ abc và bản cửu chương học thuộc lòng, cho tới những công thức và định đề toán học, những tư tưởng cao siêu của các triết gia, những bài thơ đẹp như châu ngọc của các thi sĩ, những bức tranh những pho tượng những tiếng hát và vở kịch trên sân khấu... vân vân, tất cả đều thấp thoáng ánh lửa của căn bếp trong buổi đầu đời của ta.
   Nơi đó, chái bếp nghèo của mẹ, những lúc chán chơi hay bị bạn bè xịt ra, Nguyễn tôi lại ngồi nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Chuyện gia đình ngoại ở làng Phù Lễ, chuyện cổ tích dân gian. Không hiểu từ đâu mẹ thuộc lòng rất nhiều câu hát và ca dao. Có thể nói một phần tâm hồn của Nguyễn, trong những buổi đầu đã được nuôi bằng những dưỡng chất ấy. Còn nhớ khi đã bể giọng và bắt đầu làm thơ, Nguyễn đem khoe mẹ những bài thơ đầu tiên chép tay, đọc cho mẹ nghe vài câu vài đoạn. Và Nguyễn nói với mẹ: “Sau này, con sẽ đem in thơ lấy tiền nuôi mẹ.” Ôi, ngây thơ khờ khạo như con cún con. Để rồi khi đụng phải bức tường thực tế mới vỡ mặt vỡ mày ra. Hình như trong đời chỉ một lần duy nhất được Tô Kiều Ngân trả cho 500 đồng bài thơ đăng trên báo Tiền Phong của quân đội, còn ngoài ra thơ Nguyễn tôi chỉ được đăng chùa, có khi còn phải đãi cà phê cho người chủ bút để được đăng thơ. Ấy là chưa kể bao nhiêu lần tốn giấy (pelure) tốn mức (waterman) chong đèn (dầu lửa) cặm cụi chép thơ rồi mua phong bì mua tem gởi tặng mấy bà con gái (mà ngày hôm nay Nguyễn đều gọi bằng “má” tất tật…). Làm thơ -như Nguyễn và mấy ông bạn ngây thơ khờ khạo khác- quả chẳng được đồng xu cắc bạc hay sự đoái hoài nào cả. Bụng đói, làm thơ. Thất tình, làm thơ. Ở trong tù, đi đẩy gỗ, đẩy xe đá, cuốc đất, cũng làm thơ. Làm trong đầu, cố nhiên. Gánh cỏ trên vai, thơ trong đầu (TTT)
   Ôi, ôi, hình như Nguyễn này đã đi khá xa đề. Xin trở lại với bếp lửa trong căn nhà xưa. Và xin nhắc: Nguyễn tôi đã ra đi từ một bếp lửa. Ngày nay, khi đã đặt chân lên biết bao sân ga, phi cảng, lái xe trên những freeway ngàn dặm và trên những cây cầu treo qua thế kỷ, thỉnh thoảng trước mắt Nguyễn hiện ra trong đêm sương hay qua màn mưa tuyết phủ, hình ảnh một bếp lửa ấm cúng vá thân yêu. Bếp lửa của mẹ ta ngày nào. Ôi mẹ!
NXT


No comments:

Post a Comment