Văn Học Press
22 Agostino, Irvine,
CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: vanhocpress@gmail.com
• Facebook: Van Hoc Press
PR 05/20/2020
SÁCH MỚI
Trân trọng giới thiệu:
Gặp
gỡ với định mệnh
Tuyển văn dịch
FRANZ KAFKA
GABRIEL GARCÍA
MÁRQUEZ
PHILIP ROTH
MILAN KUNDERA
SALMAN RUSHDIE
ORHAN PAMUK
KURT VONNEGUT
IRIS MURDOCH
WOLE SOYINKA
HERTA MÜLLER
ROBERTO BOLAÑO
BANANA YOSHIMOTO
Người dịch: Trịnh Y
Thư
Thiết kế bìa: Đinh
Trường Chinh
222 trang, giá bán: $18.00
Tìm mua trên:
BARNES & NOBLE
https://www.barnesandnoble.com
Search Keywords: Gap
go voi dinh menh
Hoặc bấm vào đường dẫn
sau:
https://www.barnesandnoble.com/w/books/1137030755?ean=9781078799065
THAY LỜI TỰA
Cuốn
sách bạn đọc đang cầm trên tay là một tuyển tập văn dịch – gồm 12 tác giả thuộc
nhiều quốc tịch khác nhau – và có lẽ chỉ được xem là một cố gắng khiêm tốn,
mang tính cách tìm tòi học hỏi của một kẻ đam mê chữ nghĩa nhiều hơn là một
công trình nghiên cứu hàn lâm nghiêm túc.
Có
hai vấn đề khi thực hiện một tuyển tập như vậy.
Thứ
nhất, những tác giả tôi chọn dịch trong sách là hoàn toàn theo thiên kiến chủ
quan; đó là những tác giả tôi yêu thích xưa nay. Dĩ nhiên, thích mới dịch.
Nhưng không phải ai cũng đồng quan điểm và sở thích với tôi, không phải ai cũng
ưa thích những tác giả tôi chọn dịch.
Thứ
hai, trong phạm vi hạn hẹp của một cuốn sách mỏng, bạn chỉ có thể tiếp cận một
phần trăm, thậm chí đôi khi một phần ngàn tổng thể trước tác văn chương của tác
giả được giới thiệu. Như vậy có công bằng với tác giả không? Câu trả lời dĩ
nhiên là không. Một bản dịch sơ sài vài ngàn chữ một truyện ngắn, một trích đoạn
tiểu thuyết, một bài tiểu luận… trong khi toàn bộ tác phẩm của họ là một kho
tàng văn học quý giá cả mấy chục đầu sách, cuốn nào cũng có thể xem là một kiệt
tác văn chương (như trường hợp Gabriel García Márquez, Milan Kundera, Philip
Roth… ) thì làm sao có thể gọi là công bằng được. Giống như giới thiệu văn hóa ẩm
thực Việt Nam mà tôi dọn ra cỗ bàn duy nhất món nem rán! Món nem rán của tôi dù
ăn ngon miệng cách mấy cũng không thể nói lên trọn vẹn cái siêu tuyệt của thức
ăn Việt Nam nói chung. Bởi thế, xin bạn, nhất là các bạn trẻ đang muốn tìm hiểu
văn học nước ngoài, hãy xem cuốn sách này là món nem rán ăn khai vị để từ đó cất
công tìm hiểu sâu thêm và biết đâu sẽ có lúc chúng ta gặp lại nhau trên những nẻo
đường văn chương, vốn muôn đời là con đường vô hạn định, xuyên vũ trụ, không
bao giờ đến đích.
Hầu
hết các tác giả tôi tuyển dịch trong tuyển tập là đồng thời với chúng ta, mặc
dù ít ai còn trẻ. Họ là những nhà văn sống và viết vào nửa sau thế kỷ XX, có
người sống sang thế kỷ XXI và vẫn đang tiếp tục viết, có người đã qua đời.
Đây
lại là một chọn lựa chủ quan khác.
Chủ
quan bởi tôi muốn tìm hiểu các nhà văn này tư duy gì trên trang viết của họ, những
nhà văn sinh sống cùng thời với tôi, cùng bối cảnh lịch sử, cùng môi trường,
cùng chia sẻ những vấn đề nhân sinh, và đôi khi cùng khí hậu văn hóa.
Thêm
một lý do khác, quan hệ không kém đối với tôi, đó là phong cách văn học của các
nhà văn, mà phần nhiều nghiêng về xu hướng phi thực. Điểm chung khiến tôi đặc
biệt chú ý là, tuy văn chương họ không hẳn miêu thuật đời sống thực tại, nhưng
nó không tách rời thực tại. Họ không phải người viết truyện huyễn tưởng hay viễn
tưởng. Họ làm văn, mà đã làm văn thì phải bám sát đời sống con người, xem bản
ngã và đời sống con người là những đối tượng chính yếu của văn chương.
Phi
thực nhưng không tách rời đời sống, điều này không dễ viết cho hay, nhưng ở những
ngòi bút bậc thầy, cái phi thực lại có sức thuyết phục hơn cái hiện thực tả
chân, vốn chỉ miêu thuật hay minh họa đời sống theo những giác quan cố định,
không cho phép thần trí tưởng tượng bay bổng lên cao. Văn chương chỉ có thể gọi
là nghệ thuật nếu nó đưa người đọc vào một chiều kích nơi óc tưởng tượng có cơ
hội bung nở, mở ra những suy tưởng phi giới hạn. Nếu không nó chỉ là mớ chữ
tuyên truyền cho một chủ thuyết, một quan điểm, một luận đề. Vô hồn, chán ngắt.
Trích đoạn tiểu thuyết Tôi là cái thây ma
của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, hoặc truyện ngắn william burns của nhà văn Chile Roberto Bolaño đều có thể xem là những
thí dụ điển hình.
Tôi
cũng đặc biệt yêu thích nhà văn Colombia Gabriel García Márquez. Vì thế, mặc dù
đã có khá nhiều bản dịch tác phẩm ông sang tiếng Việt, tôi vẫn tìm cách đưa vào
sách một truyện ngắn tiêu biểu cho văn phong của ông. Ông chính là đại diện cho
xu hướng Hiện thực Huyền ảo, vốn làm mưa làm gió trên văn đàn thế giới cả mấy
chục năm qua. Những nhà văn khác như Salman Rushdie, Philip Roth, Kurt
Vonnegut, Milan Kundera… đều ít nhiều sáng tác dưới luồng sáng của xu hướng văn
học này.
Và
gần như tất cả đều chịu ảnh hưởng của Franz Kafka.
Đó
là lý do vì sao tôi không thể bỏ quên Kafka, mặc dù ông là một tác giả không đồng
thời với chúng ta. Sinh sống và sáng tác cách đây cả trăm năm, số lượng trước
tác không nhiều, phải nói là cực kỳ ít ỏi, nhưng Kafka đã là bảng chỉ đường cho
rất nhiều nhà văn quốc tế suốt thế kỷ XX. Cuốn sách Márquez đọc khi mới trưởng
thành, dọn đường cho một văn nghiệp lừng lẫy, chính là cuốn Hóa thân của Kafka. Nhà văn Mỹ Philip
Roth thì viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề The
Breast (Cái vú) nhái theo cuốn Hóa
thân. Một nhà văn khác, Milan Kundera, cũng có mặt trong tuyển tập, không
bao giờ tiếc lời ca ngợi Kafka, xem ông như một nhà văn khai phóng đặt nền tảng
cho tiểu thuyết hiện đại.
Riêng
với Kundera, tôi có một ngoại lệ. Những nhà văn khác, tôi dịch truyện – truyện
ngắn hoặc trích đoạn tiểu thuyết – nhưng với Kundera, tôi chọn những trích đoạn
mà tôi tâm đắc từ cuốn tiểu luận Bức màn của
ông. Điều này dễ hiểu. Kundera là nhà viết tiểu luận xuất sắc bên cạnh cương vị
một tiểu thuyết gia hàng đầu. Tiểu thuyết Kundera đã được dịch sang tiếng Việt
khá nhiều trong suốt thời gian hơn hai mươi năm qua. Tiểu thuyết ông không dễ đọc
và hay bị hiểu sai dưới lăng kính chính trị, do đó, ước mong của tôi khi dịch
những tiểu luận văn học này là giúp người đọc có cái nhìn đúng đắn hơn về một
tác giả quan trọng của văn chương thế giới đương đại. Tiểu luận của Kundera
không nặng tính hàn lâm, không bám dựa mông lung quá nhiều vào lý thuyết văn học;
nó là những điều tâm huyết về văn chương, nghệ thuật, lịch sử và nhân sinh ông
nói thẳng từ lòng mình, lại có nhiều chi tiết lịch sử, văn học thú vị, nên dễ
lĩnh hội và hữu ích.
Bên
cạnh các tác giả vừa kể trên, tôi cũng đưa vào tuyển tập đôi ba tác giả ít được
nhắc đến trong văn chương Việt, như Iris Murdoch, Woly Soyinka, Herta Müller. Họ đều là những tác giả không tầm
thường, rất xứng đáng để tìm hiểu thêm. Và sau cùng, hai tác giả với hai đoản
văn “nhẹ nhàng,” “dễ thương,” Kurt Vonnegut và Banana Yoshimoto, mà tôi thấy rất
thú vị khi dịch.
Câu
hỏi thường được đặt ra cho một tác phẩm dịch thuật văn học là: người dịch nên
tuyệt đối trung thành với văn bản nguyên tác, hay nên đặt trọng tâm vào yêu cầu
tiếp nhận của ngôn ngữ dịch? Ở cuốn sách này, cũng như các tác phẩm dịch khác
đã xuất bản của tôi, tôi đều cố gắng đến mức tối đa có thể kết hợp chặt chẽ cả
hai xu hướng. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ
từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phết trong nguyên tác, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng
hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hy sinh cái chân lý tuyệt đối (đôi
khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
Tôn chỉ ấy tôi luôn luôn tuân thủ, và đã áp dụng vào cuốn sách rất mực đề huề.
TRịNH
Y THƯ
5/2020
No comments:
Post a Comment