Nguyễn
Thị Khánh Minh
Để làm gì. Đỗ Hồng Ngọc
Việc
đầu tiên khi nhận được bản thảo Để Làm Gì
là tôi in ra, với ý nghĩ, phải được cầm tập giấy ấy trên tay, nằm trên chiếc ghế
mây ở ngoài hiên mà đọc, cùng với tiếng gió thổi lùa qua lối vườn hẹp lao xao
giọng lá, cùng tiếng nắng đi khẽ qua thềm, cùng tiếng lòng mình im như đám mây
dường không tan trong màu xám rất gần kia, phải, mấy hôm nay mưa nên trời như
thấp xuống. Vậy mới đủ bộ để cung kính những con chữ trên trang giấy thẳm. Khi
có thơ, văn, trên trang giấy thì giấy kia bỗng sâu huyền, sống động lạ lùng. Nó
như trời có mây, biển có sóng, suối có những hòn cuội lăn theo, sông có những
con đò nhỏ lặng trôi, nó như đôi mắt nhìn mình thăm thẳm… nên chi mình thích lắm,
đọc sách in giấy -hoài cổ-, anh Ngọc có nói và cười bình thản, để làm gì, không
nhỉ.
Và
như thế bên hiên mỗi sáng có người thiền với chữ, có cái gì đó tự nhiên thành,
chả là dịch coronavirus khiến cầm chân mọi người ít dám đi đâu, giờ lại được làm
con mọt sách gậm nhấm chữ thơm. Thế chẳng phải là bất chiến mà có được thú vui
ngàn xưa trong những ngày đầy lo lắng dịch bệnh này đó sao!
Và
đọc, và đọc, vừa đọc vừa dè xẻn như sợ hết, rồi cảm xúc đòi đoạn… Anh Đỗ Hồng
Ngọc gọi là tạp bút là tùy bút gì cũng lọt với Để Làm Gì. Vì có những bài đầy chất thơ (thêm, đẫm thiền vị) của
tùy bút. Xen kẽ với mọi đề tài viết theo ngẫu hứng, rồi những bài cảm nhận về
các tác giả, mà loại nào cũng đều được viết dưới lăng kính thơ mộng để chuyển tải
những suy nghĩ uyên bác một cách rất thâm trầm nhẹ nhàng. Đó là điểm đặc biệt của
bút pháp Đỗ Hồng Ngọc. Lôi cuốn người đọc bằng sự hiểu biết sâu rộng mà không
giáo điều, giáo khoa, chỉ là ở đâu đó thì thầm to nhỏ…, như Emily Dickinson từng
nói “thi nhân chỉ thắp lên những ngọn đèn, còn chính họ thì bước ra ngoài.”
(Sakya Như Bảo dịch)
Khi
tôi đọc đến trang cuối cùng, ngồi yên lặng một mình ngoài hiên với trời đang đổ
mưa, cơn mưa đầu mùa báo hiệu mùa xuân đến. Nhìn những bong bóng nước vỡ tôi thấy
mình quá thấm thía câu tùm tỉm, để làm gì. Có phải khi người ta bình yên nói để
làm gì là lúc người ta buông bỏ mọi mong cầu, là lúc người ta không còn đôn đáo
với những mục tiêu mà mới đây thôi đã là điểm cho họ hăm hở bước đến? Và chợt
lúc nào đó nhìn hạt lệ mình rơi trên những con chữ một buổi “về thu xếp lại”
thì cười một mình, Rồi lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm
gì”, với “sáng, trưa, chiều, tối”… (Lời Ngỏ, tr.2), có khóc có cười, có trầm
ngâm ngẫm ngợi thì dường như biết để làm gì rồi, thưa anh.
Và
có phải, khi hỏi, để làm gì, thì người biết sống đầy đủ từng phút giây, tiếp
xúc trọn vẹn những kỳ diệu đang xảy ra chung quanh và trong mình, có phải vậy gọi
là chánh niệm? Dường như là những năng lực của nuối tiếc của chờ đợi đều dồn
vào năng lực tỉnh thức sống với ở đây và bây giờ nên người đã cảm được triple
cái mầu nhiệm phút hiện tiền? Đó là cảm nhận của tôi khi đọc những tình những cảnh,
những nhận xét, những chiêm nghiệm, trong tập Để Làm Gì này. Tình thì chân thật, hóm hỉnh. Cảnh thì tâm và người quyến
luyến nhau đến nao lòng. Chiêm nghiệm thì sâu lắng, bác học mà giản dị, và lạ
thay giọng kể lại bình yên tự tại đến thế! Nhiều khi phải qua cái tuổi nào
đó, thấm đẫm một chút cuộc đời, nghe được cái tiếng kêu ‘trần thế’ thì mới
nhận ra sự thiết yếu của tự tại. (tr.6)
Khi
đọc xong một bài nào tôi thường ghi chú ngay cảm nghĩ của mình, xin chép vào
đây những ý nghĩ tản mạn đó, không phải là một bài viết mạch lạc về một tác phẩm,
như thể tôi đang ngồi nghe người kể chuyện và tôi được nói ngay ý mình, vậy
thôi, chẳng “để làm gì.”
Tôi
đặc biệt thích những bài tả những cảnh nơi ông đã đi và đã sống, bạn ơi hãy đọc
đi rồi có thấy như tôi, cái gắn bó nhân duyên của tình ấy và cảnh kia, cái “đối
cảnh vô tâm” của người thật là ảo diệu, cảnh có làm tâm quyến luyến nhưng lại
chẳng thể buộc tâm. Phải chăng đó mới thật là thiền?
Ở
đoạn cuối của bài An Lạc, Thử ”chiết
tự” từ Hán Việt thì ra An là ‘dưới mái nhà có người con gái’, còn Lạc là
‘ngôi nhà tràn đầy ánh sáng, có vườn cây xanh mát, có tiếng hát, tiếng đàn,
tiếng dệt cửi, quay tơ…’. Rồi cùng mà cười. “Em lo gì trời gió/ em lo gì trời
mưa…/ em cứ yêu đời đi/ như lúc ta còn thơ/ rồi để anh làm thơ/ và để em dệt
tơ…” (Thoi tơ, thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh) (tr.7)
Tác
giả nối ý nghĩa của An Lạc với những câu thơ khiến tôi vui quá thốt lên, hóa ra
thi sĩ chân quê Nguyễn Bính nhà mình đã vẽ một cảnh An Lạc theo câu chúc “Thân
Tâm thường an lạc” như nhà Phật rồi, mà chắc chắn là Nguyễn Bính lúc viết câu
thơ này chưa học Phật, đúng không?
Cái
thú vị khi đọc Đỗ Hồng Ngọc là ở những chỗ kết nối rất thi vị này, như bài Nhớ
Tiếng Thu Giữa Boston cũng thế, cùng ông nghe Thu.
Và
tôi bỗng nghe. Vâng, lúc đầu tôi chỉ định dòm thôi nhưng tôi bỗng nghe,
không phải là tiếng quạ kêu quang quác thảng thốt, cũng không phải tiếng chim
cu gù rúc rúc quyến rũ mà là một thứ tiếng lạ, tôi chưa từng nghe bao giờ,
tiếng thu.
…
Mà cũng không phải để nghe tiếng, dù là tiếng lá rụng mà để nghe mùa. Cái tiếng
mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng
dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi
rụng nọ, một thứ “tiếng động nào gõ nhịp không hay” (Trịnh Công Sơn) đó
chăng. Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng
thu về.
Người
nghe sống hết cái xao xác của lá vàng để rồi chợt ra, Lưu Trọng Lư! Mới tận tường:
Có phải cái tiếng thổn thức, cái tiếng rạo rực của ai kia đã một hôm thu làm
cho chàng thi sĩ trẻ tuổi trở thành một con nai, lang thang dẫm ngập lá
vàng, hẫng bước đi mà chẳng biết về đâu, vì sao…(tr. 17, 18)
Đường
tơ tiếng mùa đi bỗng nối kết hai tâm hồn đồng điệu, hẳn nơi rừng thu kia Chàng
Nai Lưu Trọng đang dứng chờ để high-five với chàng thơ họ Đỗ một buổi thiên thu nào
đó… Có người đọc cảm mình như mình thế này thì, chẳng là khoái ru, nhà thơ Lưu
ơi?
Ở bài Tôi
Cũng Tin Vậy, Đọc bản thảo Thử Bút của bạn, nhớ lời bạn dặn viết gấp
mấy dòng mà đắm và sợ. Như ngọn lửa ngún trong một gốc cây to, chỉ cần
thổi vài hơi là đủ bùng cháy. Bùi nhùi đâu mà sẵn sàng đến vậy? (tr.34) Người
Đọc và Văn như bùi nhùi và lửa, vậy mới đã đời tan nát tri âm! Đây là câu tôi
viết dưới bài ngay sau khi đọc. Và không hiểu sao hình ảnh chiếc lá bàng đỏ ở
cuối hành lang của một phòng thí nghiệm, làm tôi buồn bã vì nỗi hiu quạnh của
phận người đến vậy, mỉm cười mà ánh mắt vời vợi xa xăm. Như một khung cảnh nào
Đỗ Hồng Ngọc cũng nắm được cái đoạn trường mà lôi ra. Để Làm Gì.
Có
điều này, đối với Đỗ Hồng Ngọc, Nghe cảnh chứ không Nhìn. Cái nghe của tâm hồn
mẫn cảm, khiến những nơi chốn ông đi qua, kể lại, nó như mang một hồn vía khác,
đem lại cho người đọc một cảm xúc mới lạ về một cảnh mà họ đã biết.
Khi
muốn kể cho cô bạn Susan nghe về cái hay của bài thơ Quê Hương của Đỗ Trung
Quân, ông bối rối, Làm sao cho cô nghe được mùi hương cau của những đêm trăng
tỏ (tr.26), muốn vậy, chắc phải mời Susan về quê mùa hoa cau, cùng nhau, thật
yên lặng, dưới trăng tỏ, nói khẽ với Susan, nghe hương cau đi, chắc trong không
khí đó Susan sẽ tự biết lắng lòng bắt nhịp được hơi thở của trăng, của thềm
quê, thì nghe ra hương cau…, khi Đỗ Hồng Ngọc dùng chữ Nghe, tôi cảm thấy, ông sống bằng cách tan mình vào. Phải chăng là
vô ngã?
Lại
có cả cái Nghe này, Và để nghe cái Tết tuổi thơ thấm vào trong da thịt,
trong nhớ nhung… (Tr.157), thế chẳng phải là tan ra đó sao?
Và
tâm thái, kệ nó.
Máy bay êm như ru, hay tôi êm như ru, không
biết. Kệ nó… Thì ra tôi đang bay về phía mặt trời. Thời gian ngắn lại. Tôi vặn
đồng hồ thêm hai tiếng theo thông báo. Không cảm thấy mình mất đi hay được
thêm. Bởi, làm gì có thời gian? Thời gian chỉ đựơc làm bởi không gian đó
thôi. (tr.35)
Đỗ
Hồng Ngọc luôn tự tại thong dong bởi cách nhìn mọi điều, nó là như vậy, và dù
tâm và cảnh quấn quít nhau (sao lạnh như tiền được!), nhưng không vướng bận,
cái sống bây giờ và ở đây của người thiền ở cốt lõi ấy. Tôi rất tâm đắc Không cảm
thấy mình mất đi hay được thêm…, vẫn là thời gian ngay lúc này với hít vào,
thở ra. Người ghi nhận mọi thứ chung quanh thật tha thiết sâu sắc mà bình thản.
…
Một loài hoa lạ. Rực rỡ, choáng ngợp mà lạnh lùng. Chen chúc mà riêng tư. Rộn
ràng mà kín đáo. Mong manh. Thanh thoát. Bỗng dưng tôi nhận ra tất cả cái
đẹp của vô thường! Hoa có vẻ như không có mùi hương, hay không cần có mùi
hương, hay hương rất thoảng vì đã pha trong màu mây, màu nắng, màu gió để rải
đều khắp các rặng núi xa kia? (tr.37)
Tha
thiết vì đang sống trọn vẹn hết tâm ý với đối tượng, và trọn vẹn nên nhận ra
cái đẹp của vô thường. Thế nên, để làm gì là một tâm thái an nhiên, vô ngã. Kệ
nó, Để rồi ung dung tự tại cười nụ niết bàn?
Cách
sống đón nhận mọi thứ theo tùy duyên của ông cũng là một yếu tố khiến sự đổi
thay, không tác động lên tình cảm, ví dụ,
Ôi
vô số là thuyến thúng. Trước kia gọi là thúng chai. Nay sơn xanh đỏ coi cũng
ngộ… Có thể ghé thăm nhà xưa của ngoại, giờ con cháu toàn trồng thanh long,
phá hết cả vườn trầu cau, dừa chuối, bưởi cam… xinh đẹp ngày xưa, lấp cả giếng
nước thiệt là quá uổng. Bù lại, giờ đi hái thanh long cũng vui…(tr.139)
…Chiều tôi lang thang ra bờ hồ. Xuân Hương giờ đã đẹp. Chút lòe loẹt. Chút
diêm dúa. Thôi kệ. Tôi cũng tìm ra được một góc hoang.Thị tại môn tiền náo/
Nguyệt lai môn hạ nhàn phải không? (tr.166)
…
Buổi tối, nhằm ngày 14 âm lịch, sông Hoài trở nên sống động diệu kỳ với muôn
màu sắc hoa đăng đằm thắm rực rỡ, với những chiếc thuyền lang thang xuôi ngược
làm ta có cảm giác như được sống trong huyền sử nào xa… Một nhóm thanh niên
đàn hát quyên tiền làm từ thiện, một nhóm chơi trò chơi… đập niêu ầm ĩ.
Có một cái chợ đêm trời ơi bán đủ thứ trên đời, quà lưu niệm, thức ăn các
thứ… hết sức náo nhiệt. (tr.148,149),
Có
thấy một Đỗ Hồng Ngọc như thế không, một tâm thái xuề xòa không quan trọng điều
chi, phải dùng chữ độ lượng thì đúng hơn, tôi nghĩ có được là do đã trải qua
bao kinh nghiệm thăng trầm của cuộc đời. Này thuyền thúng xưa kia là thúng
chai, nay quết xanh đỏ, ừ, thì coi cũng ngộ, cái giếng nước ngày xưa để tưới trầu
tưới cau bị lấp, thiệt quá uổng, giờ bù lại đi hái thanh long, ừ, thì cũng vui.
Hồ Xuân Hương lòe loẹt diêm dúa, ừ thì, thôi kệ. Và hình như chẳng động tâm buồn
giận khi bên cạnh cái không khí như huyền sử nào xa là cái chợ đêm huyên náo,
làm như người có thể vừa nghe cái ầm ĩ kia lẫn tiếng tơ trầm lặng huyền sử nọ.
Mới thấu cái nhìn đơn thuần của kẻ tu thiền, mới hay cái đạt đạo của đối cảnh
vô tâm.
Trở
lại Chỉ Ngần Ấy Thôi, đoạn tả hoa đào
ở bài này rất tuyệt, chỉ muốn trích hết ra đây…, nhưng tôi muốn nhấn một ý như
đã nói ở trên, Nghe, Nghe tiếng thì thầm nhựa chảy trong cây,
Rồi
từ đồi hoa xa lạ ấy lại bỗng gần gũi thơ Phạm Thiên Thư, Đỗ Hồng Ngọc thuộc nhiều
thơ và kinh Phật, bất cứ một cảnh, một tình huống nào cũng được gắn kết với
Thơ, với Kinh, và cảm nhận qua trung gian của cảm xúc Thơ, nên văn đẹp, siêu thực,
và nội dung chứa nhiều ẩn dụ sâu sắc.
Đường
chim bay hay đường đèo dốc, đường có ánh trăng trong lòng đá hay đường có
nắng hoa đào?… Trên bãi nắng sân trường, cỏ xanh mượt, những cô sinh viên Nhật
nhỏ nhắn xinh đẹp ngồi nép từng cụm dưới hoa, vừa sưởi nắng vừa ăn trưa.
Có tiếng chim ríu rít rụt rè đâu đó. Cầm lòng không đậu, tôi cũng ngả
lưng vào một cội đào để nghe cho hết tiếng thì thầm. Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
(Phạm Thiên Thư). Tôi không phải là gã từ quan, cũng không tìm động để ngủ.
Tôi thức, thao láo thức. Tôi thử nâng một chùm hoa đào trên lòng bàn tay.
Hoa tíu tít bám vào từng kẽ ngón. Hoa bám rất chặt, như níu lấy khiến
tôi cũng giựt mình. Bỗng dưng từng
cánh hoa run rẩy. Càng lúc run càng mạnh. Ô hay, chẳng lẽ? À, mà không,
gió! Xin chứng giám, gió! (tr.38) Tủm tỉm mà cười với tác giả, cái gì đó rất
người mà gió làm cho nó thơ mộng quá trời!
Cũng
trong trang này có câu, Rụng là để rụng vậy thôi như nở là để nở vậy thôi.
Trong lúc nói chuyện qua viber, anh em chúng tôi có bàn, hoa có bao giờ hỏi nở
để làm gì không, tôi trả lời hoa nở không để làm gì, ai đó cứ việc tận hưởng
phút giây ngắm, và anh bảo, vô tác vô nguyện. thanh tịnh bổn nhiên/ tùy chúng
sinh tâm/ chu biến pháp giới/ tòng nghiệp phát hiện…
Chỉ Ngần Ấy Thôi là một trong những
bài tôi thích nhất.
Trong
không khí Trà Đạo Nhật (tr.47), người
sống hết xaMột hồn Nhật lâng lâng của những kawabata, akutagawa…xa lắc xa lơ, để
rồi thấp thoáng ảo diệu lời kinh Ly tướng thì thấy…
Khi
nâng chén ngang mày, nghe thoáng mùi hương trà xanh tỏa ngát. Nếm. Không
chát đắng. Tan loãng. Nghe ngóng. Ngập ngừng. Bàn tay nâng niu, bàn tay che
chở. Bàn tay nào của Đức Phật mà Tôn Ngộ Không cân đẩu vân ngàn lần không thể
vượt qua? Chậm rãi, từ tốn, cẩn trọng. Để nghe cho hết từng tác động thân
hành. Nghi thức chỉ là tướng. Ly tướng thì thấy. Thấy gì? Thấp thoáng
bóng Trương Chi dưới đáy ngọc hay Duy Ma Cật giữa trùng vây?
Ở
Lời Ngỏ,
Không
ngờ mà khi thu xếp, gom góp lai rai như vậy, tôi đã không cầm được nước mắt khi
đọc lại “nỗi cô đơn uy nghi” của Võ Hồng, “người ta ở bển” của Trần Vấn Lệ, “gọi
chiều nước lên” của Trần Hoài Thư, và“lắm nỗi không đành” của Võ Tấn Khanh…
Rồi
cũng không thể không cười một mình với “làm mới thơ”, với “vơ vẩn cùng Mây” với
“hỏi không đáp, bèn…”
Rồi
lại cũng không thể không trầm ngâm ngẫm ngợi với “để làm gì”, với “sáng, trưa,
chiều, tối”… (tr.2)
Tôi
cũng rưng nghẹn khi đọc, “Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc/ Chuối mẹ chuối
con, trời hỡi quê nhà!” … Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng
nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời! (tr.64) Nó đập vào
tâm can mình khiến giờ nhìn bụi chuối, vẫn hàng ngày đứng bên kia đường, thấy
nó như có gì khang khác, nó như ấm áp hơn, mẹ hiền hơn với những tán lá như
cánh tay xòe ra ôm tiếng kêu tha thiết trời hỡi quê nhà của đứa con xa xứ. Cảm
ơn Nhà thơ Trần Hoài Thư. Người bạn anh đã nhắc … gió bấc đã hiu hiu rồi đó
Thư ơi!
Và
cả nỗi cô đơn uy nghi kia, cụm từ này diễm lệ quá, nó gợi một cách chính xác
hình ảnh lẫn nếp sống của nhà văn nổi tiếng Võ Hồng, ông đã sống và sáng tác
trong cô độc, một sự cô độc bận rộn như ai đó đã nói, nên cô độc mà không cô
đơn, bởi, Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ
ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản
thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. (tr.72) từ đó mà bao áng văn
chương cống hiến cho đời. Nên hiểu vì sao là cô đơn uy nghi. Người ở đó nhìn
vào nỗi cô đơn của mình, nhìn vào những con chữ vây quanh mình, và uy nghi nhất,
đó là không gian và thời gian người trở về với mình, cõi tâm thanh tịnh bao la,
và tôi hiểu phút giây không cầm được nước mắt của Đỗ Hồng Ngọc khi về thu xếp lại,
có lẽ lúc ấy ông đã chạm vào cái tơ mành uy nghi thiên thu của Võ Hồng,
Cả
cái không thời gian không gian của hai chàng trai trẻ Đỗ Hồng Ngọc và Trần Vấn
Lệ, cảm động đến ngây thơ, (hay ngược lại?), có lẽ nước mắt này là mừng cho cảm
xúc mãi thanh tân của nhau chăng? … có một cô răng khểnh,/ bẻ gãy sừng trâu,/
rất xinh/ đúng là người xưa của bạn/ nàng nhìn ta/ đôi mắt long lanh/ khi ta
nhắc tên,/ nàng ôm chầm lấy ta rồi kêu to/ ngoại ơi ngoại ơi…/ trần vấn lệ/
ổng dìa nè! (tr.99), có nghĩa là người ở bển cũng mãi hoài cố nhân! Thương hết
biết…
Chẳng
khác là bao tâm trạng, Có một bài thơ không ngày tháng của Lữ Quỳnh như một nỗi
hồi sinh, một lần cứu rỗi:… Tóc trắng mây bay lòng mới lớn/ Từ em anh chợt tuổi
hai mươi (thơ Lữ Quỳnh) (tr.102), làm tôi nhớ Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi/
ta mãi là mùa xanh xưa… Những tình nhân đời đời hai mươi tuổi ơi, Tình yêu vô
hiệu hóa Thời Gian đó chăng.
Rồi
Lắm Nỗi Không Đành kia khiến, thưa
người lệ chẳng đặng đừng nên rơi… (NTKM), vậy đừng cho mình là mít ướt nữa nhe
thiền huynh.
Tôi
nghe trên những con đường trẻ trung mà những người bạn này đã đi qua, giờ này
nó đang, Đường nhớ chân từng lớp cuội rang sầu (thơ Võ Tấn Khanh) (tr.113)…,
Còn mấy ai trở về để được bâng khuâng tâm trạng, hoa đào năm ngoái…?
Phải
nói là những trang viết về bằng hữu của Đỗ Hồng Ngọc, vừa được đọc những thơ
hay, vừa cho thấy được một tình đáng quý ở đời, mà người xưa gọi là đạo, Mây phản
chiếu ánh sáng mặt trời mà thành ráng, suối treo vào bờ đá mà thành thác. Cũng
là một vật nhưng nương vào vật khác thì tên gọi cũng nhân đó mà khác đi. Đạo bạn
bè sở dĩ quý là vì vậy. (Trương Trào, Huỳnh Ngọc Chiến dịch)
Và.
Đồng điệu làm sao:
Nhiều
người sợ rằng đến một lúc nào đó người ta sẽ không còn ai đọc sách in trên
giấy nữa, vì đã có CDRom, Ebook… tiện lợi hơn nhiều!
Thực
ra, với những người yêu sách, mê sách, thì không có lý do gì để phải…hoảng
sợ! Bởi vì sách không chỉ để đọc mà còn để nhìn, để ngắm, để ngửi, để
nghe…(tr.40)
Ngay
đầu bài tôi đã nói rồi, việc đầu tiên tôi nhận bản thảo là in nó ra để đọc, để
nhìn chữ trên giấy. Và cũng giống nhau (có khác chút xíu, bút chì tôi gọt nhọn,
không dắt mép tai).
…
khi đọc, thường có cây viết chì cùn, dắt ở mép tai, thỉnh thoảng đánh dấu chỗ
này chỗ nọ, ghi chú điều này điều khác. Tóm lại, người mê sách đã biến cuốn
sách đâu đâu thành thân quen, gần gũi, riêng tư của mình… Vài chục năm sau,
một hôm dọn dẹp nhà cửa, tình cờ đọc lại những dòng xưa, nét xưa… không
khỏi ngậm ngùi!
Nên tôi đang rất mong cầm được tập sách Để Làm Gì thơm mùi giấy xưa để nhìn, để
ngắm, để ngửi, để nghe. Để làm gì, tôi
e rằng mình cũng sẽ như vậy, để còn sống được chút ngậm ngùi khi một buổi, một
mình thu xếp lại, gặp bạn sách xưa mà rơi lệ…
Santa Ana, ngày mưa đầu
mùa xuân, 12.3.2020
Ntkm
………………………………………………………..
Nói thêm: Khi đọc bản thảo tôi
thấy có nhiều lỗi chính tả và typo, có hỏi anh để sửa, anh trả lời, “anh đã đến
tuổi không cầu toàn nữa, lấy cái vui làm gốc,” nghe vậy thì lấy làm sáng tỏ
thêm về những tiêu chuẩn xưa nay ở đời, tôi nhớ ba tôi khi xưa, lúc in tập thơ
đầu tiên không vừa ý thấy tôi buồn ba tôi bảo, cái gì có khiếm khuyết chút mới
hay, như ai đó nói, tuyệt đối là kẻ thù của cái đẹp, con nhớ đó…(ntkm)
No comments:
Post a Comment