Nguyễn Đức Tùng
Nhà thơ Phạm Thiên Thư
*gởi
Hoàng Thị Hạnh
Thơ
Phạm Thiên Thư là thơ để ngâm, để hát, là chanson poétique.
Tiếng
em hát giữa giáo đường
Chúa
về trong những thánh chương bàng hoàng
Đúng
ra, thơ ông có điệu nói lẫn điệu hát. Là tu sĩ Phật giáo nhưng vẫn nhắc
đến Chúa: đó là tinh thần tự do của Phạm Thiên Thư. Nhiều người cho rằng thơ
ông được phổ biến là nhờ ca khúc do Phạm Duy phổ nhạc, hoặc vì ông là thi sĩ
kiêm thiền sư, những cái ấy đều có thể đúng cả, nhưng thơ không hay thì không
ai nhớ. Vậy phải có mấy thứ cùng lúc: văn hóa và văn bản. Nhà phê bình Đặng Tiến
có một nhận xét thú vị rằng câu “rằng xưa có gã từ quan” là câu thơ được nhớ
nhiều nhất. Điều đó quả nhiên đúng, nhưng tôi nghĩ có lẽ vì nó được phổ nhạc,
và là câu mở đầu của bài hát. Nếu Phạm Duy chọn câu khác, ví dụ câu thứ nhất của
Động hoa vàng “Mười con nhạn trắng về tha”, thì biết đâu câu ấy lại nổi
tiếng hơn?
Bạn
nói vậy hoá ra câu “rằng xưa” ấy không có giá trị gì? Cũng không phải thế. Đó
là câu nghe qua cũng tầm thường, nhưng với lối nói lửng lơ, nhiều hư từ, của
người Việt, nó lại gợi ra nhiều thứ. Nó mở ra, mông lung. Bùi Giáng có nhiều
câu như vậy. Một chữ thành công phải đúng thời điểm, mở đúng cánh cửa. Mà một
cánh cửa chỉ có một người mở. Nhưng trước hết nó phải kết tụ tiếng nói của dân
tộc, như một thứ “tổng kết thời đại.” Ở miền Nam ai không thấy cảnh nữ sinh áo
dài tha thướt ùa ra cổng giờ tan trường, nhưng phải đến Phạm Thiên Thư, thơ mới
bật ra bốn chữ:
Em
tan trường về
Cũng
một trường hợp khác, ví dụ, Nguyễn Tất Nhiên, với:
Có
còn hơn không
Mà
ông thường có những câu những chữ như thế. Đây là một ví dụ khác:
Thì
thôi mù phố xe đường
Thôi
thì thôi nhé đoạn trường thế thôi
Nhiều
hư từ. Nhưng trong lần đọc đầu tiên, tôi nhớ liền. Những chữ như thế xưa nay vẫn
dùng, nhưng khi kết hợp lại, chúng trở nên mới.
Có
ngần ấy thôi
Tất
nhiên là từ câu Kiều:
Ái
ân ta có ngần này mà thôi
Nhưng
tám chữ ấy tuy hay thì hay thật, Nguyễn Du mà không hay?, lại rõ ràng, cay đắng
quá. Cắt ra bốn chữ: thành mơ hồ. Cái gì ngắn cũng mơ hồ. Chỉ có một chữ thần
tình phải giữ lại, chữ ngần. Chữ ấy được ông dùng tới vài lần nữa. Phạm Thiên
Thư láy ca dao:
Leo
lên cành bưởi nhớ người rưng rưng
Động
tác leo trèo là quan trọng nhất, trèo lên cây bưởi hái hoa, chứ không phải chữ,
vậy nên thi sĩ đổi phắt chữ trèo trong ca dao thành leo, miễn nó
hợp vần. Một câu thơ hay không bao giờ để chúng ta yên. Nó đánh thức người ta
như tiếng chuông. Đang ngủ, nó dựng bạn dậy. Ủa, tiếng chuông văng vẳng đâu vậy
kìa?
Ngày
xưa anh đón em
Nơi
gác chuông chùa nọ
Có
bạn còn tưởng mình đang ở Tô Châu, gần chùa Hàn San.
Thì
ra sự nối kết của loài người lớn hơn nỗi cô đơn của họ.
Tôi
cần nhấn mạnh rằng mặc dù tạo ra chữ mới hay tập hợp các chữ mới là một đóng
góp của Phạm Thiên Thư, chính khuynh hướng thẩm mỹ của ông, tư duy nghệ thuật của
ông, phù hợp với thời đại của mình, mới là nguyên nhân làm cho thơ ông có giá
trị lâu dài. Ngay những bài thơ đầy hoài niệm cũng biết lay gọi, đặt câu hỏi.
Những câu hỏi kín đáo, xa vời, nhưng ám ảnh. Bài thơ đầu tiên của Phạm Thiên
Thư là bài tôi vừa nhắc, Vết chim bay:
Ngày
xưa anh đón em
Nơi
gác chuông chùa nọ
Con
chim nào qua đó
Còn
để dấu chân in
Anh
một mình gọi nhỏ
Chim
ơi biết đâu tìm
Mười
năm anh qua đó
Còn
vẫn dấu chân chim
Anh
một mình gọi nhỏ
Em
ơi biết đâu tìm
Ngày
xưa anh đón em
Trên
gác chuông chùa nọ
Bây
giờ anh qua đó
Còn
thấy chữ trong chuông
Anh
khoác áo nâu sồng
Em
chân trời biền biệt
Tên
ai còn tha thiết
Trong
tiếng chuông chiều đưa
Ngày
xưa em qua đây
Cho
tình anh chớm nở
Như
chân chim muôn thuở
In
mãi bậc thềm rêu
Cõi
người có bao nhiêu
Mà
tình sầu vô lượng
Còn
chi trong giả tướng
Hay
một vết chim bay!
Nhịp
năm chữ. Bài này được Cung Tiến phổ nhạc, hình như trước Phạm Duy với Ngày
xưa Hoàng thị, nhịp bốn chữ. Nếu là bài thơ đầu tiên thì cũng hợp lý, vì
ngôn ngữ mộc mạc, không tài hoa như bài kia. Tuy vậy đã lộ ra phong cách riêng
trong những câu như:
Cõi
người có bao nhiêu
Mà
tình sầu vô lượng
Những
chữ như “vô lượng” hay “giả tướng” của nhà Phật lần đầu được đưa vào thơ, mà
đưa tài tình. Nghệ thuật của Phạm Thiên Thư nhấn mạnh ở sự lặp lại. Âm nhạc là
lặp lại, hay trùng điệp. Trong một bài thơ ngắn, chữ chim xuất hiện năm
lần, chữ chuông bốn lần. Trùng điệp (repetition) là thứ dễ nhất mà cũng
khó nhất trong nghệ thuật tu từ. Bên cạnh chữ và nhạc điệu, thơ Phạm Thiên Thư
có hình ảnh đẹp, nhưng mang tính tượng trưng. Chẳng hạn, hoa trong thơ ông, hoa
đào, hoa lan, hoa vàng, cũng nhiều như hoa trong Thơ mới, trong thơ Chế Lan
Viên sau này, nhưng chúng hiện hữu như biểu tượng: nhà thơ không mô tả một bông
hoa cụ thể; không cảm xúc vì một cái bông riêng biệt nào; chúng xuất hiện như
cái phông (background) hay như một đại diện, gây ra các liên kết. Con người
khác nhau, cô đơn, nhưng đó chỉ là những quan sát bề mặt, vì từ trong sâu xa họ
chỉ là một.
Lần
lưng còn một hạt đào
Quyết
đem hạt nọ ương vào vườn kia.
Nguyện
sau cây lớn xum xuê
Bên
đường cho khách đi về nghỉ ngơi.
Nguyện
xin trái thẫm hoa tươi
Lợi
riêng nhưng để người người hưởng chung.
Bốn
câu trên là thơ, hai câu dưới là kệ. Nhờ liên kết trong không gian mà chúng ta
có thế giới, nhờ liên kết trong thời gian mà chúng ta có lịch sử. Mối quan hệ
giữa tính nghệ thuật và tính thông điệp không phải dễ giải quyết. Trước hết bài
thơ phải được bạn yêu mến, sau đó nó mới có thể làm bạn thay đổi. Thơ lục bát
là loại thơ có hệ toạ độ, người đọc có thể đóng vai người viết và ngược lại:
không có sự khác biệt lắm giữa sáng tạo và thưởng thức. Trong nghi lễ và phong
tục, con người trở lại với nhạc điệu, vì vậy mà có hai chữ thơ ca, làm sống lại
tình yêu đối với cuộc sống. Thơ Phạm Thiên Thư, cũng như nhiều nhà thơ ở miền
Nam thời ấy, sử dụng nhiều thơ có vần. Thực ra, về hình thức, như thế là cũ.
Chim chóc, suối, hoa, rừng, cũng là những hình ảnh không có gì mới, nhiều thi
nhân đã nói, nhưng đến Phạm Thiên Thư chúng trở thành thiêng liêng.
Lớn
lên giữa núi xanh rì
Cỏ
hoa như thể tứ chi cận kề
Chữ
tứ chi cũng là thần tình. Ẩn dụ là liên kết hình ảnh có tính linh cảm giữa hai
sự vật, là hoạt động vô thức, bạn không biết tại sao, có những mạch ngầm bên dưới
không hiểu được, những mạch ngầm ấy được chia sẻ bởi nhiều người. Phép ẩn dụ vừa
cần mới lạ, gây ngạc nhiên, nhưng cũng phải chừng mực, dễ hiểu. Không những “động
hoa vàng” là câu chuyện về “gã” bỏ quan trường về, mà còn là hình ảnh của con
người bơ vơ đi tìm nguồn cội. Ẩn dụ của Phạm Thiên Thư lớn, đẹp, hòa hợp với
tâm thức người Việt, trong một xã hội loạn lạc.
Ngày
xưa áo nhuộm hoàng hôn
Dáng
ai cắp rổ lên cồn hái dâu
Tiếng
nàng hát vọng đôi câu
Dừng
tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ
Lều
tranh còn ủ chăn mơ
Mối
tình là một bài thơ vô đề
Ẩn
Lan ơi! Mái tóc thề
Gió
Xuân nay có vỗ về suối hương
Đêm
nao ngồi học bên tường
Nến
leo lét lụi, chữ vương vắt chìm
(Đoạn
trường vô thanh)
Thơ
tình không tạo ra niềm hy vọng giả dối nào: chúng đều buồn. Vì hầu hết tình yêu
sẽ thất bại. Con người chấp nhận thất bại trước số phận nhưng không bỏ cuộc, mà
suốt đời săn đuổi ý nghĩa của tồn tại, ý nghĩa của tình yêu, của đau khổ. Một
chủ đề thường xuyên của Phạm Thiên Thư là mối quan hệ giữa tình yêu và cái chết,
cuộc sống và sự lụi tàn. Xoay quanh chủ đề ấy, phong cách nghệ thuật của ông
ngày càng rõ nét.
Hè
sang phượng nở
Rồi
chẳng gặp nhau
Ôi
mối tình đầu
Như
đi trên cát
Bước
nhẹ mà sâu
Mà
cũng nhòa mau
Tưởng
đã phai màu
Đường
chiều hoa cỏ
Mười
năm rồi Ngọ
Tình
cờ qua đây
Cây
xưa vẫn gầy
Phơi
nghiêng ráng đỏ
Áo
em ngày nọ
Phai
nhạt mấy màu?
Bài
thơ nói về sự vô vọng, sự trống rỗng, cuộc trò chuyện giả tưởng giữa hai người.
Thực ra chưa phải là tình yêu mà là ước muốn, theo đuổi, tìm kiếm, chia ly, sự
im vắng của kỷ niệm được ngôn ngữ bắt giữ, trở thành một thế giới không thể hiểu
được, trở thành lời thì thầm độc thoại. Đôi khi bài thơ tựa như cách diễn tả những
cảm xúc khác nhau, thăm dò những tình huống trái ngược, nhờ vậy tạo ra đáp ứng ở
người đọc. Chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn là khuynh hướng lớn của thơ miền Nam thời
kỳ Phạm Thiên Thư, bên cạnh khuynh hướng hiện thực và khuynh hướng hiện sinh.
Trong khi ở ngoài Bắc cùng thời nó đã bị thay thế bởi chủ nghĩa hiện thực xã hội
chủ nghĩa, thì trong Nam sau một thời gian lùi bước, có sự quay trở lại của
phong cách lãng mạn, mà Phạm Thiên Thư là tiêu biểu. Nhưng đó là một chủ nghĩa
lãng mạn mới, hiện đại hơn; và tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư cũng pha màu
siêu thực, là những thử nghiệm: tình yêu tuổi học trò ở một người đã qua giai
đoạn ấy, tình yêu trần tục ở một thiền sư, tình yêu của cổ nhân trong con người
hiện đại. Đó là tình trạng hưng cảm kèm với lo âu, lo âu về bản thân mình và về
đối tượng hướng tới, bề ngoài gần gũi với thiền, mà bên trong là sự lo lắng. Thực
ra:
anh
trao vội vàng
chùm
hoa mới nở
là
những câu phi thời gian. Không còn cũ hay mới. Cũng như:
nhưng
mỗi năm mỗi vắng
người
thuê viết nay đâu
(Vũ
Đình Liên)
Nhiều
nhà thơ đương đại tránh xa xúc cảm. Kể ra cũng phải, thế giới ngày nay đòi hỏi
một cách biểu hiện khác cho những tình cảm mới, giữa những người sống không quá
khứ, không lý tưởng, quay đảo trong cơn lốc của chủ nghĩa tiêu thụ, ngày càng
xa nguồn cội. Trong hoàn cảnh ấy, Phạm Thiên Thư là người đại diện cuối cùng của
một không khí tiền chiến kéo dài. Kỳ lạ thay, ngay trong chiến tranh, cận kề
cái chết, con người có thể sống đẹp như huyễn mộng. Có một cố gắng phối hợp giữa
các ý tưởng luân lý hay triết học và sự giản dị có tính thơ ca, nhưng không phải
khi nào Phạm Thiên Thư cũng thành công và đạt đến sự hài hòa.
Con
ơi con ngủ cho lành
Chắt
chiu nguyện ước gửi vành trăng non
Mẹ
nghèo còn tấm lòng son
Giờ
gieo câu đố, con tròn mộng sau
Thẳng
gì hơn những thân cau
Mềm
gì hơn những dây trầu leo quanh
(2009)
Tuy
vậy, mười bài Đạo ca của ông là một thành tựu xuất sắc, được Phạm Duy phổ nhạc,
và nghe nói Thái Thanh thích hát nhất.
Xưa
em là kiếp chim
Chết
mục trên đường nhỏ
Anh
làm cội băng mai
Để
tang em, chờ mấy thuở
Xưa
em là chữ biếc
Nằm
giữa lòng cuốn kinh
Anh
là thiền sư buồn
Ngồi
tụng dưới ánh trăng
Tình
cảm tác giả chất phác, mà ngôn ngữ thì không.
Cái
chết không chỉ là sự chấm dứt đời sống mà còn là khởi đầu của một loại thời
gian khác. Chúng ta đến đó, gần bờ vực, biết rằng bên kia mọi việc đã thay đổi,
có người than khóc, có người kể chuyện, hát những bài hát. Bài Em đi lễ chùa
của Phạm Thiên Thư là một trong những bài thơ đặc sắc nói về cái chết. Hình như
người kể là một tu sĩ trẻ, và nhân vật nữ là có thật. Nó nhắc tôi nhớ đến bài của
Huyền Kiêu:
Hạ
đỏ có chàng tới hỏi
Em
thơ chị đẹp em đâu
Chị
tôi hoa trắng cài đầu
Đi
bắt bướm vàng ngoài nội
Tất
cả sức nặng của tình yêu, chiều sâu của cái đẹp, sự tiếc nuối, lòng thương xót,
quyện vào nhau. Bài thơ là lời ai điếu cho người ra đi, nhưng cũng là tiếng cầu
kinh, giúp một linh hồn sớm về cõi khác. Về đâu?
Sao
ta biền biệt chưa về
Lưng
đồi sim tím bốn bề chim ca
Joseph
Huỳnh Văn viết trong tập Động hoa vàng: “tìm về cái muôn thuở – muôn nơi
cũng có nghĩa là không về đâu cả, nên trong thơ, người thi sĩ biết rõ điều nghịch
lý đó, hiểu rằng chỉ còn có cách về, chỉ còn có những lời đẹp cho giấc mộng
không bến bờ. Những chữ tìm tới giấc mộng không bến bờ không ràng buộc thường
có vẻ đẹp hững hờ đạm bạc.” Thơ Phạm Thiên Thư thực ra có nhiều chữ và cách nói
cũ, sáo, chứa một thứ triết lý đạo Phật bình dân; mà ông cũng không cố tỏ ra là
bậc chân tu biết nhiều hiểu rộng. Sự việc một thiền sư làm thơ tình và thơ hay
đã gây dư luận sôi nổi một thời. Sau Phạm Thiên Thư, hiện tượng ấy không lặp lại.
Thơ ông là một thứ thơ thiền nổi loạn. Câu mở đầu của tập Động hoa vàng trong
đoạn đánh số một:
Mười
con nhạn trắng về tha
Như
lai thường tụ trên tà áo xuân
Vai
nghiêng nghiêng suối tơ huyền
Đôi
gò đào nở trên miền tuyết thơm
Thơ
thiền mà tình tứ, không những tình tứ mà nhục thể, gợi tình, táo bạo. Độc giả
lúc nào cũng thích ăn trái cấm. Nguyễn Du từng dạy: tu là cội phúc, tình là dây
oan, nhưng vị thiền sư này làm ngược lại, ông kết hợp hai thứ. Ông nổi tiếng một
phần vì vậy. Nhưng ta cần nhớ rằng những tài năng thực sự cao hơn dư luận.
Trong khi tác giả nói về tình yêu thì cũng nói về tính nguyên thủy của tạo vật.
Đoạn
trường
Sổ
gói tên hoa
Xưa
là giọt lệ nay là hạt châu
Đây
là Đoạn trường vô thanh, ra đời năm 1972, được tặng giải thưởng văn
chương toàn quốc 1973. Tác giả viết tiếp Đoạn trường tân thanh, như một
tri âm của Nguyễn Du đến sau mấy trăm năm. Mê Kiều đến thế là cùng. Năm 1992,
Phạm Thiên Thư viết: “Một đêm nằm mơ, ở đất Tân Bình – gặp Người Đẹp tặng tấm
gương soi và cây bút. Tỉnh dậy, mới biết ấp trang Vô Thanh trên ngực mà ngủ
quên – Tự nghĩ mặt mày mỗi ngày còn phải rửa lại, huống chi là hư truyện đã viết
cách nay trên hai mươi năm – đọc lại lắm chỗ chẳng được như lòng… Nên đêm nay,
khêu đèn dầu hao, tựa mảnh trăng tròn hơn ngoài cửa, mượn Người Đẹp ngọn ý bút,
nhuận sắc lại Vô Thanh, cốt để tự soi mình vậy – Nay thêm đôi dòng tạ tội.
21-4-1992”.
Non
Hồng núi Tản chim ca
Sông
Hà sông Cửu la đà dòng xuôi
Núi
sông chiếu diện tinh khôi
Ngọc
lên mặt biển, vàng trôi mạch rừng
Mừng
Người Trời Đất tưng bừng
Ruộng
Lam trâu kéo một vừng long lanh
Những
câu thơ cuối nhắc lại niềm mơ ước của thi sĩ: đất nước hòa bình, xã hội thanh
bình, thiên hạ thái bình. Phạm Thiên Thư viết rất nhiều thơ trong một giai đoạn
ngắn, những năm bảy mươi, điều này làm người đọc khó theo dõi. Tôi liệt kê lại
cho những bạn quan tâm:
-
Động hoa vàng (1970)
-
Hội hoa đàm (1971)
-
Đạo ca (1972)
-
Đoạn trường vô thanh (1972)
-
Suối nguồn vi diệu – Kinh thơ (1973)
-
Ngày xưa người tình (1974), trong đó có các bài Ngày xưa Hoàng thị và
Em lễ chùa này.
-
Trại hoa đỉnh đồi (1975)
-
Những lời thược dược (2007)
-
Hát ru Việt sử thi (2009)
Sau
năm 1975 ông ít xuất hiện, thế hệ sau chỉ biết đến ông qua vài ca khúc được Phạm
Duy phổ nhạc; nhạc ấy cũng bị cấm phổ biến nhiều năm. Đối với nhiều người khác,
thơ ông quá cảm xúc, trong khi thời đại ngày trở nên khách quan, hài hước. Thế
giới của ông là một thế giới đẫm vị thiền, phảng phất tình yêu thơ mộng, sầu muộn
nhưng không thảm khốc. Tôi nhớ tập thơ Động hoa vàng khổ nhỏ màu vàng
trong sáng, do một người bạn gái tặng, có in lời của Thích Minh Châu và bìa sau
vẽ minh họa thiền sư Phạm Thiên Thư thật đẹp.
Thời
thế thay đổi, chàng thi sĩ của Hoàng thị cởi áo cà sa hoàn tục; người yêu thơ
không mấy khi thấy ông nữa. Điều đó chứng tỏ thơ Phạm Thiên Thư cũng như nhạc
Phạm Duy là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội, một thứ kỳ hoa dị thảo chỉ nở
trong một giai đoạn khi những giấc mơ được phép sống lại, các thế giới được
phép giao thoa. Thực ra Phạm Thiên Thư cũng có cố gắng viết theo yêu cầu mới,
sau 75, nhưng không được chú ý mấy. Tôi thấy tiêu biểu là mấy bài như sau đây.
Trong
lòng đất thâm sâu
Thốt
một nhành thược dược
Đóa
hoa như giọt nước
Lóng
lánh hồn thiên thâu
Từng
cánh hồng đan nhau
Xòe
những lời bất tận
Lòng
đất già lận đận
Ướp
thơm những chùm hoa
Hoa
nhiệm mầu trong ta
Đất
nhiệm mầu trong nụ
Cây
dương cầm vũ trụ
Đất
góp khúc tình ca
Thược
dược hồng môi hát
Gió
tơ trời bay đi
Cây
đàn tình xanh ngát
Mười
ngón đời vân vi
Ai
biết đất nói chi
Trong
những lời thược dược
Đóa
hoa như giọt nước
Lóng
lánh hồn thiên thâu
Trên
môi nàng ca sĩ
Những
cánh tình bay mau
(Những
lời thược dược. 19-12-1988)
Mai
em ra trường
Đi
xa dạy học
Hứa
dạy trẻ đọc
Trang
sử đấu tranh
Của
dân tộc mình
Miệng
cô xinh xinh
Giảng
về cách mạng
Và
trên vầng trán
Ngời
ánh quang vinh
Em
đem bình minh
Về
từng mắt trẻ
Anh
tưởng tượng thôi
Đã
rưng nghẹn lệ
Yêu
em vô kể
Cô
giáo ngày mai
Con
đường tương lai
(Ngày
mai) (1)
Thơ
như thế thì cũng chưa phải là cách mạng lắm. Có lẽ Phạm Thiên Thư giống những
trí thức miền Nam trước, ngây thơ, thánh thiện, cũ. Không khí lãng mạn đã chết,
thiết chế xã hội nâng đỡ nó không còn, một vài nhà văn vẫn viết nhưng Phạm
Thiên Thư gần như đã xong, dù có xuất bản vài tuyển tập khác, và có lần xuất hiện
bên cạnh Phạm Duy, trong một chương trình sân khấu rực rỡ. Vậy, thơ giúp người
ta sống cuộc đời mình như thế nào?
Một
đêm nằm ngủ trong mây
Nhớ
đâu tiền kiếp có cây hương trời
Bài
thơ tựa như người được đánh thức, giây phút bừng sáng chiếu rọi khắp trang giấy.
Bất chấp những ý niệm cũ, những chữ đã được dùng nhiều lần, trở nên mòn sáo, sự
quyến rũ của Phạm Thiên Thư vẫn còn đó. Ông nhiều lần nhắc đến hình ảnh từ
quan:
này
mộng ảo trả về mộng ảo
khăn
gói lên, treo ấn từ quan
Một
bài thơ hay làm ta thao thức, trở đi trở lại, tự hỏi, đặt ta vào dòng chảy của
đời sống. Thơ giải phóng con người khỏi thế giới đầy tin tức, những ứng dụng hữu
ích, ở đó con người đầu hàng các phương tiện, trở thành một phần của các phưong
tiện ấy. Thơ đi ra từ nhịp điệu vũ trụ, bốn mùa, nhịp điệu cơ thể. Thơ làm cho
những kinh nghiệm riêng tư chốc lát trở nên có thể hiểu được và tái lập được.
Tái lập là điều quan trọng trong các thí nghiệm khoa học và cũng quan trọng
không kém đối với nghệ thuật. Một bài thơ hay mang lại cảm giác tương tự, dù bạn
đọc ở đâu, lúc nào. Thơ mang chúng ta vượt qua ranh giới giữa hữu thức và vô thức,
giữa quá khứ và hiện tại, giữa người nói và người nghe.
Đầu
mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ
chùa này – vườn nắng tung bay
Và
ngàn lau – vàng màu khép nép
Bãi
sông bay – một con bướm đẹp
Cái
chết là ngưỡng cửa, không những cho người chết mà còn cho người sống. Người sống
mới là nạn nhân của cái chết. Kẻ thương tiếc nhận ra cái bóng của sự chết, như
nhìn thấy vực thẳm, chia lìa, đoán trước được nó, và sự tiên đoán ấy làm họ lo
âu, khốn khổ.
Trời
cuối thu rồi em ở đâu
Nằm
trong đất lạnh chắc em sầu
(Đinh
Hùng)
Thơ
Phạm Thiên Thư khác thế, cũng dẫn người đọc đi qua mất mát, đi qua cái chết ấy,
nhưng hồi tưởng mà không sợ hãi. Đó là thơ của sự đau buồn sâu xa nhưng dịu
dàng, sự kháng cự số phận theo kiểu khác. Nhà thơ mang lại hình ảnh luân chuyển
của sự sống và cái chết, của hạnh phúc và đứt gãy, như nhịp tuần hoàn vũ trụ. Sự
lặp lại của các chữ trong thơ khi nói về cái chết chính là sự lặp lại của mùa.
Tàn
mùa Đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn
đưa em trong áo quan này
Từng
cội hoa – trầm lặng thương nhớ
Tóc
em xưa – tơ óng như mây
Bài
thơ của Phạm Thiên Thư có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông.
Cho
đến khi nào chúng ta chấp nhận nó, cái chết, chấp nhận thua cuộc, chúng ta chịu
lìa bỏ hạnh phúc tạm bợ trần gian, lúc ấy mới có thể có thức tỉnh. Tuy là một
thiền sư, Phạm Thiên Thư không nhắc nhiều đến các lý thuyết Phật giáo, và về mặt
này, ông hồn nhiên. Nếu có ý thức làm một tu sĩ, ông sẽ có những câu thơ nặng
rao giảng, khuyên nhủ, cũng như trường hợp các thiền sư khác, như thơ Nhất Hạnh.
Nhưng thơ không phải là tiếng nói của triết học. Khác với một số nhà thơ đi trước,
ông không đẩy tình cảm của mình, yêu ghét, hạnh phúc, đau khổ, lên đến cực điểm.
Không có những câu ca ngợi diễm ảo:
Anh
nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà
mùa thu dài lắm ở chung quanh
(Nguyên
Sa)
Thơ
tình Phạm Thiên Thư cũng không nặng về nhục thể như Bích Khê, không thần bí như
Đinh Hùng, không đau đớn như Du Tử Lê, không bất cần như Nguyễn Tất Nhiên. Đó
là sự cân bằng giữa thực và ảo, giữa hiện thực và siêu thực, một thứ chủ nghĩa
lãng mạn hiện đại. Trong một vài năm ngắn ngủi, Phạm Thiên Thư trung thành với
câu chuyện tình yêu của mình. Nhưng có khi ông càng viết, người đẹp của ông
càng trở nên một thánh nữ:
Khép
mắt ta nhìn em
Thấy
hình hài diễm lệ
Đứng
trên ngàn sóng bể
Trấn
át ngàn phong ba
Hình
ảnh ấy không thuyết phục. Tôi e rằng nàng thơ (Muse) của các thi nhân không
thích cái gì quá siêu phàm, mà chỉ thích bay la đà mặt đất? Bốn chủ đề: tình
yêu, đạo pháp, cái chết và thời gian, thiên nhiên và giấc mơ thái bình. Ngôn ngữ
Việt trong thơ ông trở lại với sự trong sáng của thơ có vần, đôi khi như lời
hát ru, đôi khi mạch lạc như sự thức tỉnh. Một thứ chủ nghĩa sinh thái nguyên
sơ, gần với tôn giáo nguyên thủy.
nền
chợ xưa giờ họp lách lau
hỏi
cô hàng xén giạt về đâu
đêm
đêm bầy đóm xanh từng chiếc
tụ
giữa nền hoang nhóm lửa sầu
(Đom
đóm)
Tình
yêu dưới mái hiên chùa là sự táo bạo vừa phải, cũng thách thức xã hội nhưng được
dư luận chấp nhận, vì hình như đó chỉ là tình hư ảo. Việc dùng nhiều điển tích
hoặc giai thoại cũng là một đặc điểm thú vị.
Ván
cờ bày trắng bông đào
Sao
lên núi thẳm trăng vào chén không.
Thiên
nhiên có mặt thường trực. Dù viết về đề tài gì, thơ ông cũng được đặt vào phong
cảnh, cây cối, chim chóc, đất trời, bằng một ngôn ngữ có phần tượng trưng.
Không thấy rõ trong thơ các ý thức về xã hội chính trị, thậm chí chiến tranh
cũng chỉ hiện ra thấp thoáng. Thế nhưng niềm mơ ước đối với hòa bình ở ông thật
lớn. Có ba khái niệm khác nhau: hòa bình là để phân biệt với chiến tranh, không
có chiến tranh tức là hòa bình, không có hòa bình tức là chiến tranh. Thanh
bình tất nhiên phải có hòa bình nhưng là một tình trạng tốt đẹp hơn, không có
xáo trộn, chính sự phiền hà. Nhưng thái bình mới là tình trạng lý tưởng, ngày
xưa được hiểu như thời thịnh trị, chính quyền liêm chính, trí thức trong sạch,
người dân sống tự do, vui vẻ, lành mạnh. Thơ ông là niềm ao ước về một xã hội
thái bình như vậy, lời kêu gọi trở về nguồn cội, đi tìm cái vĩnh viễn trong sự
chuyển dời, là lời cầu nguyện dành cho quê hương. Đó là một trong vài chủ đề lớn
nhất của Phạm Thiên Thư. Kết thúc trường thi Động hoa vàng, tác giả nói
lại giấc mơ của mình lần nữa, về non nước cũ.
Mai
sau trời đất thái bình
Về
lưng núi phượng một mình cuồng ca
Gây
dàn thiên lý vàng hoa
Lên
non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Phạm
Thiên Thư là một trường hợp đặc biệt, về xuất thân và thi pháp. Thơ ông giàu nhạc
tính, di chuyển giữa những trầm tư, giấc mộng, độc thoại và đối thoại, ngôn ngữ
thơ ấy giản dị nhưng không chất phác, vần điệu cũ nhưng phối hợp chữ rất mới,
và ý tứ thoáng đãng, tác động đến người đọc trong mênh mông các liên kết văn
hóa. Người đọc về sau còn nhớ đến thơ ông vì đó là suối nguồn trong lành tắm
mát cái tôi của họ. Cái tôi trong chủ nghĩa lãng mạn tiền chiến là cái tôi cô độc
lẻ loi, với trục tọa độ một chiều, thời gian qua đi không trở lại. Lòng yêu đời
là sự khao khát vội vã, tiếc nuối vì thời gian vụt mất, chóng mặt:
Hỡi
xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
(Xuân
Diệu)
Cái
tôi trong chủ nghĩa lãng mạn mới như trường hợp Phạm Thiên Thư là cái tôi trở lại
với thời gian như những chu kỳ, có sinh có diệt, có được có mất, trong lẽ tuần
hoàn. Thấy được như thế nên thi nhân tiếc nuối mà không đau đớn, yêu đương mà
không vội vã. Đối với cái chết, cái mất mát, những bi kịch con người, câu trả lời
của đạo, của thơ là trở về với uyên nguyên. Nhà thơ có lần tâm sự: “Trước khi
viết, tôi ăn chay, nhập thiền, cầu nguyện và viết. Tôi không nghĩ đó là thứ
ngôn ngữ của mình mà cảm giác có một phép mê dụ, ảnh tượng vô hình nào đó dụ dẫn.
Khi tĩnh tâm đọc lại từng trang thơ, tôi không nghĩ là mình có thể viết được
như vậy”. Nhờ những điều kiện xã hội thời ấy, đầu những năm bảy mươi thế kỷ trước
ở miền Nam, Phạm Thiên Thư đã viết được một loại thơ phi chính trị, phi lịch sử,
“như có một phép mê dụ”. Cõi thơ bát ngát của ông đặt trong bối cảnh loạn lạc ấy
vốn đã là một thứ gì siêu thực.
Tường
thành cũ phiến bia xưa
Hồn
dâu biển gọi trong cờ lau bay
Chiều
xanh vòng ngọc trao tay
Tặng
nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha
Nhà
thơ tìm ra tiếng nói của mình trong tự do, tìm thấy căn nhà của mình trong
chính ngôn ngữ thơ ca mà ông sáng tạo. Mất ngôn ngữ ấy, mất căn nhà ấy, ông
không còn là ông nữa.
Ông
chuyển qua làm nghề hốt thuốc chữa bệnh.
Ngày
xưa có tục con cầu
Khẩn
xin Trời Phật cho đầu thai nhi
Lòng
thành như ngọc lưu ly
Làm
lành lánh dữ suốt kỳ mang thai
Phạm
Thiên Thư chưa bao giờ tỏ ra có ý định làm mới nghệ thuật. Mặc dù trong một cuộc
phỏng vấn đâu đó, thi sĩ ngụ ý rằng ông vào chùa là để trốn quân dịch, và quả
thật sau 75 cũng đã hoàn tục, nhưng thơ ông thấm đẫm sâu sắc vị đạo, hương thiền.
Dòng thơ ấy mở rộng cánh cửa cho mọi người bằng ngôn ngữ nhiều giao tiếp, chính
xác, đẹp. Người đọc không cần phân vân suy nghĩ. Đó là loại thơ giả tưởng rằng
người đọc và kẻ sáng tạo cùng trong một truyền thống văn hóa. Cũng do đó sức hấp
dẫn do tác động liên văn bản là sâu xa. Nhân vật và tác giả đổi chỗ cho nhau. Đừng
quên rằng thơ viết trong thời kỳ lửa đạn, vì vậy còn cảm giác thanh bình tạm bợ,
giữa sự đứt gãy của chủ nghĩa hiện đại, sự phân rã xã hội, vết thương tình tự
dân tộc. Còn lâu Phạm Thiên Thư mới tới gần chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng hoàn
cảnh của một xã hội dịch chuyển mang lại cho thơ ông tính chất vô trung tâm,
tính rời rạc, không cố định, gần như vô mục đích.
Thơ
hôm nay đã đi xa hơn thời của Phạm Thiên Thư, tất nhiên, vì thời đại thay đổi,
đa dạng hơn, mặc dù thế người đọc sẽ còn nhớ đến ông, nghe nhạc phổ thơ, đọc lại,
vì họ tìm thấy ở đó dấu vết của một đời sống khác, ngôi nhà của một tâm thái
khác, không phải chỉ nhớ tiếc mà còn là tham chiếu cho những giá trị hiện tại.
Chúng ta chứng kiến sự trở lại trong thơ Việt ngày càng rõ cái tôi trữ tình sau
một thời kỳ dài vắng mặt trước các hồi ký, tiểu thuyết, trường ca, thơ phản ảnh
hiện thực nông cạn, lời kêu gọi; cái tôi này sẽ làm nên giọng điệu chính của
thơ hôm nay, và không phải là không có một mối liên hệ ngấm ngầm nhưng sâu sắc
giữa nó và thơ thời kỳ những năm sáu mươi bảy mươi ở miền Nam. Sau mỗi khúc
quanh, thơ hình thành một dòng chảy mới, mang theo nó những yếu tố nhận được từ
gia tài quá khứ. Việc nhớ lại Phạm Thiên Thư chỉ bằng một vài ca khúc là điều
đáng tiếc, người đọc thơ cần đọc ông nhiều hơn, một trong những nhà thơ quan trọng
của nền văn học chiến tranh mà ở ngoài chiến tranh. Thơ Phạm Thiên Thư không mới
lắm, mà có lẽ ông cũng không có ý định làm mới, nhưng trước ông và sau ông, chẳng
ai viết thế. So với nhiều nhà thơ cùng thời, những thành tựu của ông khó nắm bắt
hơn, khi miền Nam phải đối diện với những vấn đề lớn như chiến tranh, hỗn loạn.
Đó là tiếng hót của loài chim quý, tiếng hót ngắn ngủi, cuối cùng, ngân lên
trong những ngày cuối, vì vậy mà buồn đau, ngọt ngào, thương xót. Cùng thời với
Phạm Thiên Thư là Du Tử Lê; cả hai đều viết thơ tình. Cần nhớ rằng trong suốt một
thời gian dài thơ miền Nam chính yếu không phải là thơ tình, mà là thơ về thân
phận, quê hương, chiến tranh. Sau những năm thanh bình đầu tiên thời đệ nhất Cộng
hoà, của Mùa thu Paris, Áo lụa Hà đông, thơ chỉ còn là dằn vặt
khôn nguôi về số phận, đất nước, nội chiến. Không phải tình cờ mà ông và Du Tử
Lê cùng được trao giải thưởng văn chương toàn quốc VNCH năm 1973, về bộ môn thơ
(chính xác là Du Tử Lê về thơ, Phạm Thiên Thư về trường thi). Nếu tôi không lầm,
đây là giải thưởng toàn quốc cuối cùng. Như điềm báo hiệu:
Cuối
xuân ta lại tìm qua
Tiểu
thư chi mộ thềm hoa dại tàn
Sớm
thu ta đánh đò sang
Bên
đường cỏ mộ lại vàng cúc hoa
Thân
xác của người nữ hay của giấc mơ tự do?
Thơ
Phạm Thiên Thư còn là lời tri ân đối với đời sống. Nhớ lại tức là sống, quên đi
tức là kết thúc. Khi một người chết đi, không được ai nhớ lại, đó là biến mất
vĩnh viễn. Khi một người chết đi, được người khác nhắc lại, đó là lúc người ấy
trở về. Không cách nhớ nào đẹp bằng cách nhớ của thơ ca. Vì ký ức ấy là ký ức bền
vững, chưng cất, thăng hoa. Chúng ta nhớ lại một người tình, một quãng đời, một
xã hội, một bài thơ, hầu hết là vì ân huệ mà người ấy, quãng đời ấy, nguồn thơ ấy,
bầu khí quyển ấy, trong đó ta hít thở như khí trời, đã từng ban tặng cho ta.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Nguồn tham khảo:
(1)
Toàn bài Ngày Mai. Phạm Thiên Thư, Ngày xưa người tình, NXB Văn nghệ, 2006.
(2)
Tiểu sử:
“Phạm
Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh ngày 1-1-1940 xuất thân trong một gia
đình Đông y. Quê cha: xã Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Quê mẹ: xã Trung Mẫu,
Từ Sơn, Bắc Ninh. Sinh quán: Lạc Viên, Hải Phòng. Trú quán: Trang trại Đá Trắng,
Chi Ngãi, Hải Dương (1943-1951), Sài Gòn – Tp.Hồ Chí Minh (1954 đến nay).
Từ
1964-1973: Tu sĩ Phật giáo, làm thơ. Năm 1973, đoạt giải nhất văn chương toàn
quốc với tác phẩm Hậu Kiều – Đoạn trường vô thanh. Năm 1973-2000: Nghiên
cứu, sáng lập và truyền bá môn Dưỡng sinh Điển công Phathata (viết tắt chữ
Pháp-Thân-Tâm).
Tác
phẩm đã in: Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (thi hoá Kinh
Kim Cương); Động Hoa Vàng (thơ, 1971); Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu
Kiều – Đoạn trường vô thanh (1972); Kinh Thơ…”
(3)
Đặng Tiến: Ngày xuân tìm động hoa vàng (http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c300/n14236/Ngay-xuan-tim-Dong-hoa-vang.html)
No comments:
Post a Comment