Vũ
Hoàng Thư
Schubert Lieder. Wanderers Nachtlied
Tháng
7 mây cao hừng gắt nắng, người hấp ướt những cơn nhớ. Có nồng mồ hôi giọt, có
vai tóc rịn đẫm lưng trần. Lung linh bốc những khát khao đầu đời cho nhớ thả về
những giấc mơ vội vã, và ước ao xanh ngời tuổi dại. Dại không là khờ. Dại vì bỗng
chốc, những bốc lửa làm khoảnh khắc trở thành thiên thu. Nồng cháy vút lên thượng
tầng, bỏ lại mặt đất của loài người dưới kia.
Tháng
7 có ngày nhừa nhựa khói thuốc đục giọng Khánh Ly về những bước chân địa đàng, và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa
(TCS)… Vừa là đủ, không dư mà chẳng thiếu. Tròn no của cánh diều lướt trên đầu
gió, vi vút điệu sáo ngân trưa hè. Tiếng hát như giọt sương đầu về đậu trên lá.
Lá mở đón ngày tinh mơ, nhởn nhơ theo kẽ nắng. Người vộc dậy thâm trầm âm vực.
Len lỏi con dốc Vallejo một ngày hè năm nào trở về không mời gọi. Ở đó Caffe
Trieste ồn ào huyên náo, chốn của những ông thần hoàng văn chương thế giới thường
tới lui ngự trị, Allen Ginsberg, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky… Thêm một điểm
mốc cho du khách đến thăm vùng Vịnh và thêm tên tuổi quảng cáo cho chủ quán,
nơi đây X, Y đã từng ngồi. Từ một góc Caffe Trieste, tối hẳn trong màu gỗ sậm
cũ kỹ, nhớ về những chiếc ghế thấp ở một quán cà phê không tên cuối đường
Pasteur của Sài gGòn dấu yêu một thuở. Không đâu bỗng dưng nhắc đến một nơi như
cái cớ để nhớ về một chốn khác. Những bước nhảy ký ức tung tăng hẹn hò với ngày
mưa, những sáng âm u mù khú.
quán không tên, trễ
vai hờ
có em mắt bão hiếm lời
chốn đây
có café lịm quánh
ngày,
đã thâm cốc lạnh ngật
ngầy cổ sơ…
(Quán không tên – VHT)
Màu
nâu sậm bọt bèo bóng sữa tan dần trong cốc ấm. Trong thoáng một âm, Trieste
nghe thành Tristesse. Liên tưởng làm ly cà phê đậm bốc. Liên tưởng nhào nặn thế
giới nhập hòa quá khứ và hiện tại. Gió tung phần phật, mùi rêu từ vịnh San
Francisco nâng người bay nhẹ lên cao. Ta vẫn là ta sững ngồi tại chỗ của ngàn
năm trước?
Tháng
7 có đêm yên tĩnh theo ngày kinh động, âm điệu dạ khúc “Wanderers Nachtlied” của
Schubert êm đềm ist Ruh… spürest du… vỗ về câu thơ của Goethe. Câu thơ mà Phạm
Công Thiện rất đắc ý và đã chọn làm nhan đề cho tập thơ của mình, “Trên Tất Cả
Những Đỉnh Cao Là Bình Yên”. Không biết ông Phạm tìm thấy bình yên chỉ ở trên
cao hay bình yên tìm thấy được khi đạp bỏ những đỉnh cao? Linh Thứu chỉ là ngọn
đồi bé nhỏ so với núi Hy Mã Lạp nhưng nơi đó trí tuệ vươn xanh, vút hẳn núi non
xứ Tạng. Người dễ bị mất hướng khi mải ngước kiếm một đỉnh cao. Mắt trừng cố
tìm chỗ lặng mà thật sự bình yên nằm ngay trong mắt bão. Bình yên di chuyển với
cuồng nộ. Vấn đề là đi thẳng ngay vào trung tâm lốc cuốn. Trên cao hay dưới thấp
là hai thái cực của ảo vọng và chết người, là bão táp với mưa sa.
Bài
thơ ngắn không đề (*) Goethe viết vào một đêm vắng ở Kickelhahn đã được
Schubert cũng như Liszt, Schumann phổ nhạc.
Über allen Gipfeln
ist Ruh,
in allen Wipfeln
spürest du
kaum einen Hauch;
die Vögelein
schweigen im Walde,
warte nur, balde
ruhest du auch!
Wolfgang
von Goethe(1749-1832)
Trên tất cả đỉnh cao
là yên nghỉ,
khó ai nhận ra
hơi thở
nơi muôn trùng đỉnh
núi;
những con chim non
im bặt trong rừng,
ngươi hãy chờ đi
rồi đến lúc
ngươi cũng lặng im
(Thi
Vũ dịch)
Một
đêm yên tĩnh phương tây, người cũng như chim đợi chờ giấc ngủ đến. Rồi sẽ đến.
Rồi sẽ an bài. Mọi chao động lắng dần cho tĩnh mịch trên cao. Một giấc an lành
hay sẽ không bao giờ thức dậy? Ngươi cũng lặng im. Hững hờ chấm dứt, câu thơ mở
dấu hỏi lớn của kiếp người. Những ôm đồm chìm xuống theo đêm. Có cõi trên yên
tĩnh không cùng? Có băn khoăn đợi chờ mặt đất? Một chữ đợi ngột ngạt bế tắc, nặng
nề thân kiếp Sisyphe. Ngươi cũng lặng im.
Hơn
một ngàn năm trước Goethe, ở phương đông, chim không ngủ, chim hót lên tiếng
kinh động đêm xuân, vỡ òa linh hiển. Người không căng thẳng với thính giác đăm
chiêu một chiều, người an nhàn nghe hoa rụng nhưng sự thức tỉnh chuyển rung như
tiếng sấm. Sự sống tuôn trào bừng bừng của phút giây hé mở. Nguyệt xuất kinh
sơn điểu. Màn đêm vỡ. Sự yên tĩnh vỡ vì một cái gì quá lớn, một cái chẳng thể
nghĩ bàn trước mắt. Trăng ló sáng giữa đêm huyền. Như thị. Phút giây này, không
thời điểm nào khác. Đến như vậy. Đừng gọi bằng tên vì danh từ sẽ xóa mất giây
phút như nhiên. Một sự yên tĩnh trong sát na trước đó và sự nổ bùng của vũ trụ
rất hiện thời ngay trong cùng thời điểm. Thời gian ngừng giữa không gian xóa hết
mọi chiều.
Nhân nhàn quế hoa lạc
Dạ tĩnh xuân sơn
không
Nguyệt xuất kinh sơn
điểu
Thời minh xuân giản
trung
(Điểu
minh giản – Vương Duy)
Người nhàn hoa quế rụng
Đêm vắng núi xuân
không
Trăng tỏ động chim
núi
Khe xuân chợt hót
vang
(Chim
hót trong khe, bản dịch Vũ Thế Ngọc)
Người
nhàn, hoa quế rụng, trăng ló, chim hót. Bốn hoạt cảnh xảy ra trong một đêm xuân
vắng, trước đó là đêm tuyền và sau rốt cùng trong dạ tĩnh. Đêm uyên nguyên bao
trùm dòng lưu sinh, thi sĩ tự tại trong cái thấy thứ nhất về một mặt trăng
nguyên nghĩa đương-là. Nghe chăng tiếng hoa rơi ẩn dụ sự trở về cội nguồn như
người đời vẫn nghĩ hay đây chính là thấu biết tiếng vô ngôn? Thấy hiển hiện một
vầng trăng ló sẽ gợi khêu con người về phút giây sáng thế của hiện hữu hay thật
ra đang bắt gặp một diện mục vốn đã có mặt từ đầu? Thông thường ai không nghĩ
đó như chuyện tuần hoàn kỳ diệu trong một đêm trăng làm kinh động loài chim
núi. Thật ra việc đến đi, sống chết là chuyện của nòi đối đãi. Hoa quế rơi là một
nhân duyên. Vầng trăng ló khởi bước chân đầu thong thả trở lại chân nguyên.
Tháng
7 có điệu kèn bay cao đưa theo xa những đám mây trắng. Ở trên cao lặng yên hay
cuồng động, thật khó biết, chỉ thấy mây bay, có khi chậm rãi và có lúc nhanh dồn.
Những đám mây trắng bay qua đại dương một thời mộng mị. Bạch vân thành Hải Vân.
Mây trên biển trôi vào lục địa quấn trọn chân đèo trắng xóa, quê hương chìm hút
dưới chân mây. Trường Sơn thoáng hiện về xanh ngát lạ lùng trong một ngày tháng
7. Đã cũ xưa hay còn mới mẻ? Chỉ thấy người như dựng giữa lưng chừng núi, dang
tay bắt từng lọn trắng phau bay…
mây bay chẳng ở lại
nhà
đùa phiêu hốt gió gọi
xa xăm về
VHT
Tháng 7, 2011
(Hiệu đính Tháng 6,
2018)
(*)
Bản dịch qua Anh ngữ của H. W. Longfellow:
O’er all the hilltops
Is quiet now.
In all the treetops
Hearest thou
Hardly a breath.
The birds are asleep
in the trees,
Wait, soon like
these,
Thou, too, shalt
rest.
No comments:
Post a Comment