Hồ
Hoàng Thanh
Tác phẩm
Giữa Hoàng Hôn Xưa
Lời mở của Đỗ Hồng Ngọc
Gần đây trong lúc lục soạn đống sách vở cũ, tôi bắt gặp cuốn Về Cái Chân Thật Nghệ Thuật của Hồ Hoàng Thanh, NXB Đà Nẵng 2002, trong đó có Thư Gửi Đỗ Hồng Ngọc, tr 352-360, là những cảm nhận của tác giả về tập thơ Giữa Hoàng Hôn Xưa của tôi, NXB Trẻ Tp HCM 1993 ấn hành, với hình bìa Trịnh Công Sơn, tựa Đỗ Trung Quân và Lữ Quỳnh trình bày. May sao, tôi gặp Đèn Biển và Trần Ngọc Hưởng tình cờ ở Đường Sách Saigon ngày hôm kia (26.7.2018), Đèn Biển đã chịu khó gõ lại giùm bức thư sang word, và nhờ vậy mà hôm nay tôi có dịp chia sẻ bài viết này cùng bè bạn thân quen, như một kỷ niệm. Bức thư đã viết từ hơn 20 năm trước rồi chớ ít gì!
Đa tạ Đèn Biển.
ĐHN
Đà Nẵng, 20/8/1997
Anh
Đỗ Hồng Ngọc quý mến,
Hôm
nhận được thư và sách anh Châu Anh gửi cho, tôi rất ngạc nhiên nhận được tập
thơ Giữa hoàng hôn xưa do chính tay
tác giả đề tặng. Chỉ có điều xin thưa lại ngay để anh rõ: tôi chẳng phải là nhà
văn mà chỉ là một “lều văn”, có biết chút ít gì chỉ là theo kiểu không chuyên
mà thôi. Đến hôm nay, nhẩn nha đọc vừa xong lần đầu tập thơ, tôi cầm bút viết
cho anh nhằm bày tỏ lời cảm ơn chân thành của một bạn đọc chưa từng quen biết
và cũng xin gửi đến anh mấy cảm nhận bước đầu về tập thơ như một món quà đền ơn
tri ngộ.
Đọc
từng bài, cứ đọc dần, tôi càng cảm thấy ngạc nhiên, một thứ ngạc nhiên đầy thú
vị, có phần giống với ý kiến Nguyễn Hiến Lê. Ngạc nhiên về những tứ thơ khá mới
lạ từ những sự kiện đời thường, về những mạch thơ, lời thơ dung dị gần như lời
nói thường, về những bài thơ hay, về điều gì như một sắc thái riêng của tác
giả.
Hình
như không phải bất cứ một bác sĩ – thi sĩ nào cũng viết nên được một bức “Thư
cho bé sơ sinh” ngộ nghĩnh, ngược đời mà ngậm ngùi, chua xót đến thế. Tứ thơ
mới lạ, đầy nghịch lý giữa đời thường. Hầu hết các đoạn thơ đều rất thực mà
cũng rất trớ trêu. “Thư cho bé sơ sinh” là một giả tưởng rất phi lý nhằm làm
nổi bật lên những điều ngang trái, rất thực trong cái xã hội đảo điên này. Tôi
thiết nghĩ, đây là một bài thơ hay.
Cũng
được viết từ 1965, bài “Lời ru” cũng mang tứ thơ mới vì khá phi lý. Phải chăng
những lời ru, lời thủ thỉ ấy chỉ dám ghi vào trang giấy giấu kín (cũng đã “gan
góc” lắm rồi) để tự giải thoát cho “hả” bớt phần nào tâm trạng dồn nén, bức
bối, câm lặng mà ngay việc thổ lộ ra với vợ con cũng là mạo hiểm. Bởi cái tâm
lý không quê hương ấy, cái nỗi lo “gà nhà bôi mặt” giết nhau ấy, nó ngược đời
quá quắt lắm, nhưng tiếc thay nó lại là rất thực. Thật mỉa mai, chua xót.
Mấy
bài liền viết về nỗi đau quay quắt mất con, nhất là hai bài “Con đã lớn” và
“Tình yêu” chân thực bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. “Con đã lớn” hay vì tứ thơ
đã xoáy vào một nghịch huống: đến khi mất con rồi. mới nhận ra được rằng thật
sự con đã lớn khôn (không mãi “trẻ nít” như cha mẹ vẫn tưởng). Điều “Ý ngôn tại
ngoại” là vì thế, nỗi tiếc nuối con càng cháy lòng! Các kỷ niệm về con sao bình
dị mà sống động, mà thiêng liêng! Bài “Tình yêu” lại hay một cách khác. Phải
chăng ở đây đã có sự vượt lên trên những kỷ niệm cụ thể, tình cảm ở đây trở
thành một hoài bão về một tình yêu bộc lộ tràn đầy, một tình yêu “không bao giờ
cũ” và “chẳng sợ dư thừa” bù đắp cho sai lầm về một tình yêu quá kín đáo. Ở đây
không chỉ là tình yêu con mà là cái tình yêu (nói chung) đã được khái quát hóa
và trừu tượng hóa. Tôi nghĩ đây là bài thơ hay nhất trong cả tập thơ, nếu còn
thận trọng, chưa dám gọi là tuyệt tác. Thực ra, đó chính là nỗi lòng đích thực,
là sự suy tư về một tình yêu đích đáng nảy ra từ một sai lầm cụ thể về một tình
yêu quá kín đáo. Điều đó diễn ra trong tâm tư một nhà thơ nên đã trở thành một
bài thơ hay, một bài thơ đích thực.
Viết
đến đây, gặp lúc bà xã nhà tôi (vốn là một giáo viên) mang nước sôi lên đổ vào
phích xong, tôi thử đưa hai bài thơ này cho đọc và hỏi ngay cảm tưởng. Đọc
xong, nhà tôi thốt lên ngắn gọn mà súc tích cảm tưởng của mình: “Hay, hay thật.
Rất thật và rất hay!” (nói thêm: vợ chồng tôi đều trải qua nỗi đau mất con).
Bài
“Đạo diễn” lại góp thêm một tứ thơ mới lạ. Phải chăng từng chứng kiến nhiều
cảnh đóng phim dưới bàn tay đạo diễn, mà sẵn nỗi đau mất con, tác giả lại nảy
ra được thứ ao ước đầy giả tưởng mà lại thật lòng, cháy bỏng như vậy.
Bài
“Đâu có phải tự nhiên” ở cuối tập thơ mộc mạc và “tự nhiên” đến “dễ thương”.
Thú thật với anh, thường khi đến khám bệnh ở Bệnh viện C Đà Nẵng, nhìn thấy các
sân cỏ xanh rờn, tôi từng nghĩ bụng: “sao chẳng ai nghĩ đến việc nuôi ít con
dê, con bò ở đây vừa để dọn cỏ cho sạch, vừa để lấy sữa cho bệnh nhân nhỉ”. Chỉ
thoáng nghĩ vậy thôi chứ chẳng từ đó nảy ra được tứ thơ như anh. Mạch diễn đạt
và lời lẽ bài thơ giản dị, hồn nhiên mà rất thi vị. Qua đó nổi bật lên một tâm
hồn đẹp: bình dị, hồn hậu, thanh thản, yêu đời, yêu nghề, yêu bệnh nhân, yêu
gia đình bởi khéo biết chấp nhận, tự bằng lòng với vị trí xã hội bình thường mà
rất cao đạo (nhân đạo) của mình.
Phải
chăng mảng thơ trên đây là mảnh đất thân thuộc, phong phú, đầy hấp dẫn mà tác
giả càng đi sâu khám phá càng dễ thu hái được nhiều thơ hay? Và phải chăng từ
mảng thơ này và các mảng thơ sau, ta có thể nghĩ rằng hầu như phong cách riêng
của tác giả là khéo biết khai thác, trộn lẫn cái thực cái hư, cái chân cái giả,
cái hợp lý cái phi lý, cái bình dị cái mới lạ tân kỳ, nhờ khéo biết khai thác
các nghịch lý, nghịch cảnh ngay từ trong xã hội?
Đương
nhiên còn có các mảng thơ khác. Một mảng thơ gần gũi với mảng thơ trên cho thấy
thêm đời sống nội tâm của tác giả, một công dân, một trí thức trước thời cuộc.
Có thể xếp vào đây các bài “Buổi tiễn đưa”, “Dỗ em”, “Tôi còn nợ”, “Biển xa”,
“Mai sau dù có bao giờ”, “Giờ mới nên quen”, “Giới tuyến”, “Gặp lại người bạn
cũ”, “Đi cho đỡ nhớ”…
“Buổi
tiễn đưa” như một dạng “Tống biệt hành” (Thâm Tâm) mới, mang tâm trạng u uất
mới: “Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời Và khí phách thôi một thời trẻ
dại”. Hai đoạn thơ cuối bài hay, nhất là đoạn cuối, câu cuối. “Dỗ em” khá ray
rứt. “Đi cho đỡ nhớ” ánh lên một niềm vui, một nguồn hy vọng. Nguồn hy vọng ấy,
sau giải phóng ít lâu, lại là một thời điểm đầy thử thách. “Tôi còn nợ là lời
hạ quyết tâm “ở lại” bởi những món nợ khó lòng trả xong. Trong “Mai sau dù có
bao giờ”, tôi thích hai câu: “Cái nắng Sài Gòn hanh đôi má. Giọt mồ hôi mặn
thấy thương ghê”…
Ở
mảng thơ “quê nhà”, với những “Mũi Né”, “Trên sông khói sóng”, “Gió bấc”, “Đêm
trên biển Lagi”, không hiểu sao tôi thích nhất “Gió bấc”. Ngắn gọn mà súc tích,
ý vị. Cũng không hiểu sao tôi lại chú ý bắt gặp thứ gió bấc ấy trong một đoạn
thơ “Quê nhà”: “Hái đóa hoa màu biển biếc… Bâng khuâng một mái nhà”, lại thoáng
thấy nó trong đoạn đầu “Mũi Né”: “Hình như gió bấc lùa trong tết Những chuyến
xe đò giục bước chân”. Ở đoạn 2 bài “Trên sông khói sóng” lại thấy hơi gió đó:
“Gió ở đâu về thơm bước khuya”.
Đến
mảng thơ tình yêu, gồm hầu hết những bài còn lại, nổi bật lên bài “Có một vì
sao”. Tôi thích những câu mặn mòi vị biển Bình Thuận: “Nhưng đêm ở đây… Đêm rất
mặn vì đêm xanh bát ngát” và đặc biệt là câu kết “Để anh được làm kẻ chăn cừu
khờ dại…”. Bài “Viết tên lên cát” đưa đến “Tên em mênh mông đại dương” mang
dáng vẻ khoa trương nhằm nói lên cái rất thực của ý tình. Bài “Giữa hoàng hôn
xưa” hay ở đoạn kết “Thiếu em hoàng hậu ngai vàng như không”. Có những bài tứ
tuyệt đáng chú ý như “Võ vàng”, “Cố nhân”. “Võ vàng” nhận ra sự tàn phai trong
lòng người. Đến “Cố nhân”, sự e ngại đó đã trở thành sự khẳng định một hiện
thực đáng buồn. Bài “Lục địa giận hờn” hay ở tứ thơ vũ trụ. “Hành hương” nói
lên ước vọng đạt đến một nơi “chỉ có anh và em” lý tưởng…
Cố
gắng điểm hết các mảng thơ như vậy cũng chỉ nhằm muốn tìm hiểu được những dáng
vẻ đa dạng khác nhau của hồn thơ tác giả và tìm hiểu được phần nào sắc thái
riêng của tác giả. Nhưng đương nhiên, chỉ qua lần tiếp xúc buổi đầu, khó mà
hiểu được điều gì sâu sắc.
Về
mặt hình thức nghệ thuật, qua tập thơ này, tôi cảm nhận được rằng anh vốn am
hiểu các thể loại thơ trước nay. Và có những tứ thơ được thể hiện qua những thể
quen thuộc, cũng có không ít bài được thể hiện bằng thơ tự do. Nói thật với
anh, tôi cũng vốn am hiểu ít nhiều các thể loại thơ lâu nay, nhất là từ cao
trào “thơ mới”, tôi cũng có làm thơ và cũng nhận ra được xu thế tiến tới thơ tự
do là điều tất yếu. Tôi đã từng viết bài “Xu thế tự do hóa hình thức thơ” đăng
trên tạp chí Văn học năm 1978. Nhưng trong thực tế sáng tác, do ảnh hưởng của
thói quen, tuy vẫn thường viết theo thể thơ tự do, tôi vẫn chưa dứt khỏi những
âm điệu quen thuộc. Tuy về nhận thức tôi vẫn cho rằng thơ tự do là sự chuyển
biến nội tại cả về nội dung lẫn hình thức trong quá trình tiến triển của thơ ca
Việt Nam (chứ không phải là sự bắt chước thơ tự do của nước ngoài hoặc là sự du
nhập máy móc).
Đọc
thơ anh, tôi cảm thấy anh làm thơ tự do một cách hồn nhiên phóng khoáng hơn,
hầu như không bị ảnh hưởng nặng nề của thói quen cũ trong diễn đạt như tôi,
hoặc anh Châu Anh chẳng hạn. Nói rộng ra một chút. Tôi có theo dõi bước tiến
trong diễn đạt của một bạn thơ. Đến tập thơ tôi rất thích bởi nhận ra được một
bước tiến mạnh bạo theo thơ tự do ở tác giả, khiến tôi muốn viết bài giới
thiệu. Nhưng sau đó, qua những tập thơ kế tiếp, tôi lại thấy xu thế đó không
được mạnh bạo tiếp tục. Cho hay, ngay với một nhà thơ tài năng, khuynh hướng tự
đổi mới đó vẫn chưa thật nhất quán, chắc cũng do ảnh hưởng của thói quen
nghiêng về những âm điệu thông dụng. Trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng, còn
phải đợi thêm ít lâu nữa, lớp nhà thơ mới ít chịu ảnh hưởng của thói quen sáng
tác theo những thể điệu cũ, mới làm cho thơ tự do hồn nhiên, bình dị, phóng
khoáng hơn nữa.
Đọc
anh qua những bài thơ hay như “Tình yêu”, “Con đã lớn” v.v… tôi càng cảm thấy
hầu như anh đã vượt qua được cái ngưỡng cửa khá tai hại của thói quen về âm
điệu cũ, viết một cách dễ dàng, tự nhiên, gần như lời nói thường, chẳng ngại
dùng đến những từ ngữ “nôm na” mà người
ta thường kiêng kỵ trong thơ: “Trước mộ con còn ướt Ba nói với bè bạn ba
rằng…” hoặc không sợ trùng lặp: “Hãy tỏ bày đi Vồ vập đi Âu yếm ồn ào đi” bởi
là sự trùng lặp cố ý. Hoặc nói năng chẳng khác gì lời nói thường: “Đút cho con
ăn Gạt gẫm cho con há miệng Hù con ông kẹ bà già” (vậy mà rất hay) Hoặc nữa:
“Mới ngày nào dẫn con đến trường Bỏ đi không nỡ Những lúc con ốm đau Cả nhà run
sợ Con ho mà ba ran lồng ngực Con sốt mà má đắng chát môi”. Ở “Thư cho bé sơ
sinh” cũng như vậy, với những đoạn thơ 2, 3, 5 chẳng hạn “Anh đã không quên
buộc étiquette vào tay em” Hoặc nữa ở bài “Tôi còn nợ”: “A! Ông thầy về! Tưởng
đi luôn rồi chớ!… Có gì đâu em vì tôi còn nhiều nợ… “. Ở bài “Đạo Diễn” cũng
vậy. Tưởng như đó là lời nói thường, viết chữ lại xuống hàng: “Bạn bè ơi sao mà
giỏi thế Cứ đóng y như thiệt”.
Người
quen với thơ đường luật sẽ khó lòng cho đó là thơ được. Vậy mà “rất thơ” mới lạ
chứ. Đương nhiên cũng không nên quá dễ dãi.
Đến
đây mới thấy thư viết đã quá dài, mong anh miễn thứ cho, bởi tôi có phần “sa
đà” quá. Chẳng qua tôi như người trèo cây, gặp được cây lắm quả, tôi mải mê
“khèo” xuống, “khèo” trái chín lẫn trái xanh. Chỉ mong anh thấy dùng được chút
ít nào cũng đã thỏa lòng rồi!
Chúc
anh và gia quyến mọi sự tốt lành. Mong được trao đổi thư từ với anh những khi
anh rảnh rỗi.
Kính
thơ,
Thanh
BC:
Quên nói thêm với anh rằng tập thơ trình bày rất đẹp, tranh bìa của Trịnh Công
Sơn rất thơ vừa rất hoàng hôn đẫm màu tím khế, vừa có bóng dáng nữ nhân, chim
chóc, đuôi ngựa v.v… mà như một bào thai để tha hồ tưởng tượng.
No comments:
Post a Comment