Saturday, March 29, 2014

NGÔ THẾ VINH & ‘CỬU LONG CẠN DÒNG, BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG’



Bài của bạn văn
   
                                    
                                                              Nhà văn Ngô Thế Vinh




‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng’ là tiểu thuyết dữ kiện (faction; fact+fiction), đã đoạt giải thưởng văn học hội Y Nha Dược Sĩ Hải Ngoại, tổ chức vào năm 2002. Cách đây hơn 30 năm, NTV còn là tác giả một tác phẩm lớn khác. Đó là “Vòng đai xanh” (VĐX), cũng thuộc loại tiểu thuyết dữ kiện, mỏng hơn tác phẩm trên rất nhiều. VĐX đoạt giải thưởng văn học 1971.

Đôi dòng về Ngô Thế Vinh

Ngô Thế Vinh tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1968.
Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương truờng Y khoa Sài Gòn từ 1963 tới khi báo đình bản 1967.
Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco.
Trở về Việt Nam, làm việc tại trường Quân Y.
Sau 1975, tù ba năm qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập…
Ra trại, về sống ở Sài Gòn.
Tới Mỹ tám năm sau 1983, mất thêm 5 năm để trở lại ngành y: thời gian đầu làm volunteer  ở bệnh viện, rồi clinical fellow Đại học USC trước khi trở lại làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh Đại học SUNY Downstate Brooklyn New York.
Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và hiện làm việc tại một bệnh viện miền nam California. (theo Da Màu)

Tác phẩm:

đã xuất bản:
Mây Bão, Sông Mã-Sài Gòn 63, Văn Nghệ-California 93
Bóng Đêm, Khai Trí-Sài Gòn 64
Gió Mùa, Sông Mã-Sài Gòn 65
Vòng Đai Xanh, Thái Độ-Sài Gòn 71, Văn Nghệ-California 87
Mặt Trận Ở Sài Gòn, Văn Nghệ-California 96
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Văn Nghệ 00, tái bản 01
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Văn Nghệ Mới 3/07, tái bản 12/07
Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Văn Nghệ Mới 12/07
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Văn Nghệ Mới tái bản 09

Tác phẩm dịch qua tiếng Anh:
The Green Belt, Ivy House 04
The Battle of Saigon, Xlibris 05

Như ta đã biết, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng là tác phẩm nổi tiếng của Ngô Thế Vinh, liên quan tới “môi sinh và phát triển”.  Ấn bản thứ 3, hoàn thành trong năm 2014 này, có nhiều hình ảnh mới, sống động của tác giả qua những chuyến viếng thăm các khúc sông thượng nguồn Mekong xuống tới đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

Nhiều nhà văn đã viết về tác phẩm này.

*“CLCDBĐDS chứa nhiều sự kiện lịch sử, địa lý, tư tưởng, nhân văn. Tác giả đưa chúng ta vào những vùng đất còn nóng bỏng chiến tranh, còn nồng mùi mồ hôi, nước mắt và máu, còn sôi sục bao điều khiến ta phải trăn trở, suy tưởng, đau đớn. Được như vậy nhờ công phu sưu tầm, đi sâu vào thực tế, thực địa, tìm hiểu đến ngọn nguồn vấn đề, và nhất là kỹ thuật xây dựng tác phẩm, nhờ đó có sức lôi cuốn của một tiểu thuyết.” NG.XUÂN THIỆP, Phố Văn 2002

*“Tựa đề của tác phẩm tự nó đã mang hai chủ đề lớn : Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Đây không phải là tựa đề thích hợp cho một cuốn tiểu thuyết, nhưng chỉ khi nào đọc xong tập truyện, gấp sách lại với bao nỗi niềm xúc cảm dâng lên trong lòng, người đọc mới thấy dụng tâm của tác giả. Ông muốn gửi đến người đọc, không chỉ là những tâm tình khắc khoải, thiết tha mà còn là tiếng kêu thất thanh của một loài chim báo bão về một thảm họa kinh hoàng đang tới, sẽ tới, nhưng giữa một khung cảnh ngổn ngang quá nhiều vấn đề phải toan tính hiện nay, nên rõ ràng thảm họa này chưa được mấy ai chú ý tới. Ngô Thế Vinh do đó đã để cho ngòi bút của mình xuôi chẩy theo những điều mà ông muốn gửi gấm đến người đọc. Trên hai muơi ba chương sách dàn trải rất nhiều vấn đề thuộc về thiên nhiên, về con người, về tâm tình thao thức của nhiều nhân vật điển hình, về môi trường sống và cả những mưu toan chính trị. Tất cả đã được tác giả đã trình bày, khi thì dưới dạng những trang biên khảo cực kỳ phong phú về lịch sử, về phong tục, về tín ngưỡng hay tập quán của nhiều bộ tộc, khi thì là những dữ kiện, những con số, những thống kê khoa học chính xác, và đặc biệt lôi cuốn hơn cả, là những trang du ký sinh động, đầy mầu sắc của nhiều miền đất lạ trên cao nguyên, trên đồng bằng, trong rừng sâu núi thẳm hay ngoài đại dương, những trang ghi chép tuyệt vời đối với những ai chưa có dịp đi và sống ...” NHẬT TIẾN, tác giả Thềm Hoang.

*“Cứu lấy một dòng sông!
  Khi một mạch máu nhỏ bị nghẽn sẽ đưa đến những tai biến đáng tiếc cho con người. Y học đã có thể can thiệp làm tan cục máu đông, đặt stent nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu by pass để khơi thông dòng chảy. Không có máu đưa dưỡng khí đến, các tế bào không sản sinh được năng lượng cho sự sống. Cho nên, khi một dòng sông lớn như Cửu long giang mà bị nghẽn mạch, ấy là cả một vùng đất mênh mông sẽ tắt đi nguồn năng lượng sống!
  Bạn tôi, người thầy thuốc đặt vội ống nghe lên lòng đất để kịp nghe nhịp đập thoi thóp của dòng sông. Anh lặn suối trèo non lên tận đầu nguồn, lắng nghe dòng sông thở, dòng sông rên… Anh kêu to cho mọi người nghe: Dòng sông đang nghẽn mạch. Dòng sông đang nghẽn mạch! Hãy cứu lấy dòng sông! Đừng để nó qua đời. Đừng để nó biến chứng thành một biển Đông dậy sóng!
Căn nguyên thì đã rõ. Chỉ vì lòng “tham sân si” của con người. Không gì khác. Lời kêu cứu của anh cũng đã được lắng nghe. Nhưng có muộn quá không khi can thiệp chỉ là những biện pháp chắp vá sơ cứu tạm thời mà không tìm thấy căn nguyên từ lòng tham không đáy của con người với nào muôn năm trường trị, nào nhất thống giang hồ, trường sinh bất tử…!
Người thầy thuốc đó là bác sĩ Ngô Thế Vinh, bạn tôi. Anh học cùng tôi dưới mái trường Y khoa đại học đường Saigon hơn nửa thế kỷ trước. Lúc còn là sinh viên, anh đã là một nhà văn, nhà báo, đã có những tiểu thuyết nặng lòng với đất nước quê hương. Tôi không chút ngạc nhiên khi thấy bạn tôi vất đi chiếc áo blouse trắng, cầm lấy cây viết, ngược dòng nước Cửu Long để tìm xem dòng sông thương yêu kia đã nghẽn mạch ở đâu, tại sao, lúc nào, bởi ai?
  Tôi mừng thấy nay tiếng kêu cứu của anh đã có vẻ được lắng nghe từ nhiều phía. Người thầy thuốc của dòng sông kia đã làm được phần phải làm của mình để cứu lấy dòng sông, cũng có nghĩa là cứu lấy những mầm xanh cho trái đất.
   Hy vọng rằng dòng sông sẽ hồi sinh kịp lúc. Và dĩ nhiên, đến lúc người ta đã phải “phục hồi chức năng” cho nó phải không Vinh?” BÁC SĨ Đ HNG NGỌC-Saigon, 7.2013

No comments:

Post a Comment