Đà Lạt nỗi nhớ. Tranh Đinh Cường
Harvard Square
Sổ tay trong một ngày cuối tháng 11. 2013:
Mùa thu, thời tiết thường khi trắc trở. Lễ Tạ Ơn ở Miền Đông nước Mỹ năm nay diễn ra trong bão tuyết, nhiều người đã phải hủy bỏ các chuyến đi thăm bạn bè thân nhân. Đến chiếu thứ tư, tức trước Lễ Tạ Ơn một ngày được biết các điều kiện thời tiết còn tồi tệ hơn khi tình trạng ẩm ướt gia tăng mà nhiệt độ lại giảm xuống. Và mưa từ nhỏ đến rất to đã rơi đều trên vùng Đông Nam và Mid-Atlantic hôm thứ tư, tuyết cũng đã rơi trên vùng Thung Lũng Ohio và phía nam Ngũ Đại Hồ, bắc New England… National Weather Service (NWS) cho biết hơn ba phân tuyết có thể rơi ở phía tây Pennsylvania, tây New York và Vermont và cảnh báo về lũ lụt cũng đã được loan ra trong nhiều nơi ở Đông Bắc Hoa Kỳ.
Thời tiết mùa này là vậy đó: đầy trời toàn mưa là mưa. Và lại có tuyết nữa. Riêng ở Garland này, nhiệt độ trong mấy ngày qua bỗng nhiên xuống thấp, chỉ còn 30 độ vào ban đêm, và wind chill muốn cắt đứt thịt da. Sáng nay, bầu trời xám đục, lại có mưa phùn xui nhớ xa xôi. A, đã qua biết mấy cơn mưa phùn. Và hình như mưa phùn đã trở thành căn phần của đời mình, không thể nào quên được. Đầu tiên là mưa phùn ở Đà Lạt những năm cuối thập niên 60 và đầu 70, với bạn bè (bớ Sơn, Cường, Diễm, Tuyến và Thanh Sâm ngày ấy) cùng với thơ và tranh và âm nhạc bập bùng bên ánh lửa. Rồi mưa phùn trên đường lưu đày đất Bắc, ở Cẩm Nhân Yên Bái, với những lán trại mịt mùng. Thôi nhé, bay đi những cơn mưa phùn…
Đã 10 giờ sang. Nguyễn tôi co ro dưới trời rét mướt, chịu hết nổi và lại thèm cái cappuccino ấm nóng, nên bước vào tiệm Starbucks trên góc đường Shiloh-Arapaho. Sương mù lúc này dày đặc và đã chuyển qua mưa phùn bay bay rất nhẹ. A, mưa phùn. Không phải mưa trên Phố Cổ ở DC mà ở thành phố Garland tại Dallas này. Vâng, bây giờ là mưa phùn ở Phố Ga. Làm nhớ mưa phùn ở Đà Lạt ngày nào. Mà Dallas cũng là Đà Lạt theo tinh thần “ở đâu thì cũng là ở quê nhà.”
Vâng, Xin nhắc lại một đoạn thơ đã viết hồi ở Thanh Chương Nghệ Tĩnh đi trong mưa chiều mà nhớ về Đà Lạt: một góc tường bán thưóc lá và diêm / nơi dừng lại rồi đi bao nụ cười tỏa ấm / một quán cà phê mở cửa dưới mưa phùn / rộn rã áo mưa và nón dạ / cô hàng bán sách cài nơ xanh một sáng đã bỏ đi / cửa hàng thành chỗ trú mưa của bầy chim én… A, Đà Lạt của mình, của Lê Uyên Phương, Đinh Cường… À quên, của Phạm Công Thiện nữa chứ -người đã viết Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn rất lãng mạn và thơ mộng –dù khung cảnh là Paris chứ không phải Đà Lạt nữa. Mấy hôm nay trí óc của Nguyễn thường bị ám ảnh bởi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện. Một lần nữa, mình đọc lên để các bạn cùng nghe nhé.
“Hắn thổi những cơn mưa phùn qua khung cửa kính hiệu buôn thuốc lá và cà phê. Chỉ có đất Pháp này mới có những quán thuốc lá chuyên bán đủ loại thuốc hút, đồng thời bán phụ thêm cà phê và rượu đỏ: cà phê đen, rượu đỏ và thuốc bao xanh là ba dấu hiệu của đất Pháp: không có ba thứ này, nhất định nước Pháp sẽ không còn những cơn mưa phùn tháng tư. Hắn ngồi bên cạnh khung cửa kính, quán thuốc lá chỉ mang tên vỏn vẹn là tabac café express; quán thuốc nằm đối diện nghĩa địa. Chung quanh đều im lặng, thỉnh thoảng vài tiếng ho, tiếng cửa đẩy vào, tiếng gió rít vào từ những ngày quá khứ. Bây giờ là tháng tư? Thời gian là những tháng tư còn lại. Không, tháng mười rồi. Mưa bụi và lạnh, những cơn mưa phùn tháng mười ở ngoại ô Paris.
Hắn ho khan vài tiếng cho đỡ buồn ; trời lạnh quá , im lặng quá, nhiều khi mình phải bày đặt ho khan để thấy rằng mình vẫn còn đó, vẫn sống , vẫn thở và thổi những cơn mưa phùn vào nghĩa địa của ngoại ô đầu thu . Đầu thu hay cuối thu ? Đầu cuộc sống và cuối sự chết ? A , tôi phải đi . Paris chỉ nằm bên kia sự chết ; Saigon, Hà Nội , Huế , Đà Lạt chỉ là những thành phố Paris nằm bên kia sự chết. Giết hết tất cả những thành phố, bôi sạch chữ Paris trong tâm hồn mình, bôi tên , quên họ, bỏ quốc tịch, vứt lại đằng sau lưng những bao thuốc lá xanh, vứt lại đằng sau lưng những con đường rầy, những đêm tối , những mùa xuân, những quê hương. Làm một kẻ phản quốc, phản bội bạn bè, phản bội tổ tiên , phản bội văn chương, phản bội tùy bút, truyện ngắn, truyện dài . Trung thành với nỗi chết xa và gần , nỗi chết long đong, nỗi chết của những cơn ho gượng, ho cho đỡ buồn. Chỉ có những cơn ho khan là quan trọng, tất cả còn lại chỉ là văn chương...”
A, mình muốn bạn hình dung quán cà phê Starbucks nơi mình ngồi sáng nay: Chung quanh là cửa kính, như quán Tabac Café Express nơi Phạm Công Thiện ngồi, nhưng có điều khác là ở đây không bán và không ai hút thuốc lá và cũng không có vang đỏ. Cho nên nếu còn trẻ chắc mình mê Tabac Café Express hơn. Nó lại còn đối diện nghĩa địa nữa, cho nên không khí của quán này phải nói là có sức hấp dẫn những tâm hồn cô đơn. Và Phạm Công Thiện ngồi uống cà phê một mình. Tất nhiên là vậy.
… Nhiều người mê “Bay đi những cơn mưa phùn”, trong số đó có thầy Tuệ Sỹ, Đinh Cường, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Đào Hiếu, Gióheomay. Khương Hà… Và Nguyễn này. Ôi, những cơn mưa phùn đến và đi trong đời, để lại nhiều kỷ niệm ray rứt, khó quên. Nó mang vẻ đẹp của tấm vải liệm trên nét rực rỡ của mùa thu. Bay đi những cơn mưa phùn… Và nhớ trở lại lần nữa lần nữa trong đời. Bởi vì ngay giờ phút này mình đang muốn sống lại một sáng mưa phùn ỏ cà phê Tùng Đà Lạt, trong Barnes & Noble ở DC với cà phê Starbucks và Lara cùng nhân vật kịch của Hoàng Cầm… Và ở đâu nữa, ở Harvard Square, nhé?
“Bay đi, những cơn mưa phùn.” Ờ, đã lâu lắm, mình không về lại những nơi trên. Để nhìn những cơn mưa phùn trên phố. Để nhìn tháp nhà thờ con gà đứng lạnh trong mưa. Và cũng đã lâu không về lại khu Phố Cổ. Để thấy mình...
làm con quạ. đứng xếp cánh trong mưa
thỉnh thoảng kêu lên quạ. quạ
giữa trời
như một thiền sư
đốn ngộ
NXT
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete