Saturday, March 29, 2014

NHỮNG CON HẢI ÂU



thơ nguyễn xuân thiệp



những con hải âu
chiều nay
bay quanh hồ nước. từng đàn. từng đàn
chúng đùa vui. kêu rân. trong nắng
a. có phải đây là những con hải âu mùa nào
lại trở về
mang trên đôi cánh
những ảnh hình
nay chỉ còn là cái bóng của hàng cây
anh chợt nghĩ tới em
giờ này cũng ngồi bên hồ nước. ở chinohill. bên những gốc thông. thơm mùi nhựa mới. trong nắng chiều nhẹ rơi. nắng chiều và chiếc khăn lụa với những bông magnolia màu tím
nghĩ đến một câu thơ đã viết
về một bức tranh
với người chơi vĩ cầm trên những mái nhà
hải âu ơi
hãy bay về phía đó
mang cho người tiếng nói của tôi
và chút hương. của ly rượu. chều nay
chim nhé

Tháng 2. 2014

NGÔ THẾ VINH & ‘CỬU LONG CẠN DÒNG, BIỂN ĐÔNG DẬY SÓNG’



Bài của bạn văn
   
                                    
                                                              Nhà văn Ngô Thế Vinh




‘Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng’ là tiểu thuyết dữ kiện (faction; fact+fiction), đã đoạt giải thưởng văn học hội Y Nha Dược Sĩ Hải Ngoại, tổ chức vào năm 2002. Cách đây hơn 30 năm, NTV còn là tác giả một tác phẩm lớn khác. Đó là “Vòng đai xanh” (VĐX), cũng thuộc loại tiểu thuyết dữ kiện, mỏng hơn tác phẩm trên rất nhiều. VĐX đoạt giải thưởng văn học 1971.

Đôi dòng về Ngô Thế Vinh

Ngô Thế Vinh tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1968.
Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương truờng Y khoa Sài Gòn từ 1963 tới khi báo đình bản 1967.
Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù.
Tu nghiệp ngành Y khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco.
Trở về Việt Nam, làm việc tại trường Quân Y.
Sau 1975, tù ba năm qua các trại cải tạo Suối Máu, Trảng Lớn, Phước Long, Bù Gia Mập…
Ra trại, về sống ở Sài Gòn.
Tới Mỹ tám năm sau 1983, mất thêm 5 năm để trở lại ngành y: thời gian đầu làm volunteer  ở bệnh viện, rồi clinical fellow Đại học USC trước khi trở lại làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh Đại học SUNY Downstate Brooklyn New York.
Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và hiện làm việc tại một bệnh viện miền nam California. (theo Da Màu)

Tác phẩm:

đã xuất bản:
Mây Bão, Sông Mã-Sài Gòn 63, Văn Nghệ-California 93
Bóng Đêm, Khai Trí-Sài Gòn 64
Gió Mùa, Sông Mã-Sài Gòn 65
Vòng Đai Xanh, Thái Độ-Sài Gòn 71, Văn Nghệ-California 87
Mặt Trận Ở Sài Gòn, Văn Nghệ-California 96
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Văn Nghệ 00, tái bản 01
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Văn Nghệ Mới 3/07, tái bản 12/07
Audiobook Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, Văn Nghệ Mới 12/07
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng, Văn Nghệ Mới tái bản 09

Tác phẩm dịch qua tiếng Anh:
The Green Belt, Ivy House 04
The Battle of Saigon, Xlibris 05

Như ta đã biết, Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng là tác phẩm nổi tiếng của Ngô Thế Vinh, liên quan tới “môi sinh và phát triển”.  Ấn bản thứ 3, hoàn thành trong năm 2014 này, có nhiều hình ảnh mới, sống động của tác giả qua những chuyến viếng thăm các khúc sông thượng nguồn Mekong xuống tới đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam.

Nhiều nhà văn đã viết về tác phẩm này.

*“CLCDBĐDS chứa nhiều sự kiện lịch sử, địa lý, tư tưởng, nhân văn. Tác giả đưa chúng ta vào những vùng đất còn nóng bỏng chiến tranh, còn nồng mùi mồ hôi, nước mắt và máu, còn sôi sục bao điều khiến ta phải trăn trở, suy tưởng, đau đớn. Được như vậy nhờ công phu sưu tầm, đi sâu vào thực tế, thực địa, tìm hiểu đến ngọn nguồn vấn đề, và nhất là kỹ thuật xây dựng tác phẩm, nhờ đó có sức lôi cuốn của một tiểu thuyết.” NG.XUÂN THIỆP, Phố Văn 2002

*“Tựa đề của tác phẩm tự nó đã mang hai chủ đề lớn : Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Đây không phải là tựa đề thích hợp cho một cuốn tiểu thuyết, nhưng chỉ khi nào đọc xong tập truyện, gấp sách lại với bao nỗi niềm xúc cảm dâng lên trong lòng, người đọc mới thấy dụng tâm của tác giả. Ông muốn gửi đến người đọc, không chỉ là những tâm tình khắc khoải, thiết tha mà còn là tiếng kêu thất thanh của một loài chim báo bão về một thảm họa kinh hoàng đang tới, sẽ tới, nhưng giữa một khung cảnh ngổn ngang quá nhiều vấn đề phải toan tính hiện nay, nên rõ ràng thảm họa này chưa được mấy ai chú ý tới. Ngô Thế Vinh do đó đã để cho ngòi bút của mình xuôi chẩy theo những điều mà ông muốn gửi gấm đến người đọc. Trên hai muơi ba chương sách dàn trải rất nhiều vấn đề thuộc về thiên nhiên, về con người, về tâm tình thao thức của nhiều nhân vật điển hình, về môi trường sống và cả những mưu toan chính trị. Tất cả đã được tác giả đã trình bày, khi thì dưới dạng những trang biên khảo cực kỳ phong phú về lịch sử, về phong tục, về tín ngưỡng hay tập quán của nhiều bộ tộc, khi thì là những dữ kiện, những con số, những thống kê khoa học chính xác, và đặc biệt lôi cuốn hơn cả, là những trang du ký sinh động, đầy mầu sắc của nhiều miền đất lạ trên cao nguyên, trên đồng bằng, trong rừng sâu núi thẳm hay ngoài đại dương, những trang ghi chép tuyệt vời đối với những ai chưa có dịp đi và sống ...” NHẬT TIẾN, tác giả Thềm Hoang.

*“Cứu lấy một dòng sông!
  Khi một mạch máu nhỏ bị nghẽn sẽ đưa đến những tai biến đáng tiếc cho con người. Y học đã có thể can thiệp làm tan cục máu đông, đặt stent nong mạch hoặc phẫu thuật bắc cầu by pass để khơi thông dòng chảy. Không có máu đưa dưỡng khí đến, các tế bào không sản sinh được năng lượng cho sự sống. Cho nên, khi một dòng sông lớn như Cửu long giang mà bị nghẽn mạch, ấy là cả một vùng đất mênh mông sẽ tắt đi nguồn năng lượng sống!
  Bạn tôi, người thầy thuốc đặt vội ống nghe lên lòng đất để kịp nghe nhịp đập thoi thóp của dòng sông. Anh lặn suối trèo non lên tận đầu nguồn, lắng nghe dòng sông thở, dòng sông rên… Anh kêu to cho mọi người nghe: Dòng sông đang nghẽn mạch. Dòng sông đang nghẽn mạch! Hãy cứu lấy dòng sông! Đừng để nó qua đời. Đừng để nó biến chứng thành một biển Đông dậy sóng!
Căn nguyên thì đã rõ. Chỉ vì lòng “tham sân si” của con người. Không gì khác. Lời kêu cứu của anh cũng đã được lắng nghe. Nhưng có muộn quá không khi can thiệp chỉ là những biện pháp chắp vá sơ cứu tạm thời mà không tìm thấy căn nguyên từ lòng tham không đáy của con người với nào muôn năm trường trị, nào nhất thống giang hồ, trường sinh bất tử…!
Người thầy thuốc đó là bác sĩ Ngô Thế Vinh, bạn tôi. Anh học cùng tôi dưới mái trường Y khoa đại học đường Saigon hơn nửa thế kỷ trước. Lúc còn là sinh viên, anh đã là một nhà văn, nhà báo, đã có những tiểu thuyết nặng lòng với đất nước quê hương. Tôi không chút ngạc nhiên khi thấy bạn tôi vất đi chiếc áo blouse trắng, cầm lấy cây viết, ngược dòng nước Cửu Long để tìm xem dòng sông thương yêu kia đã nghẽn mạch ở đâu, tại sao, lúc nào, bởi ai?
  Tôi mừng thấy nay tiếng kêu cứu của anh đã có vẻ được lắng nghe từ nhiều phía. Người thầy thuốc của dòng sông kia đã làm được phần phải làm của mình để cứu lấy dòng sông, cũng có nghĩa là cứu lấy những mầm xanh cho trái đất.
   Hy vọng rằng dòng sông sẽ hồi sinh kịp lúc. Và dĩ nhiên, đến lúc người ta đã phải “phục hồi chức năng” cho nó phải không Vinh?” BÁC SĨ Đ HNG NGỌC-Saigon, 7.2013

Friday, March 28, 2014

NHỮNG CHIẾC LÁ REO CHUÔNG



thơ Nguyễn Thị Khánh Minh



                                    Jerrypoimtspaintings.com
                               
                                           

                                                               Tặng nhạc sĩ của âm thanh. Hoạ sĩ của mầu sắc.
                                                           Và Nhà thơ của những hợp âm trần gian ấy.

Tóc chiêm bao còn bay mùa đông. Đêm thức giấc tiếng gió về tung cửa. Khuya cuối đường bóng lá rủ nhau đi. Nhỏ và nhẹ hạt nước mắt gõ vào tim đau lắm. Ở đó có loài hoa vừa bặt tiếng kèn. Lặng lẽ mùi hương đi tìm sắc trắng.

Cây ơi gió ơi người ơi… đường mùa đông một thời nằm lạnh. Viên sỏi vỡ âm u vệ cỏ dấu bước chân rụng xuống đôi lần. Sợ reo khô những hồn lá mỏng. Sợ phai đi những nốt thời gian người nhạc sĩ lại so dây năm tháng…

Những ngón tay buông mềm trong gió. Gọi như thầm sợi mưa nhỏ em ơi. Là nhịp tim trao gửi rất riêng đêm cuối cùng mùa đông hiền hậu. Bầu trời lại nói cùng lấp lánh ánh hồ khuya lao xao tinh tú khóc. Những niềm vui hớn hở xin nghe…

Nghe. Những mái nhà bé con mọc cánh từng đàn bay trong giấc mộng. Những cánh chim màu xanh bỏ lại khung tranh trong vườn cũ. Người hoạ sĩ nằm mơ đêm xanh chuông nhà thờ đong đưa mắt phố. Cọng rơm vàng đoá môi dấu nụ cười khoảnh khắc.

Réo rắt bốn mùa trong tay người nhạc sĩ, phố âm thanh bay bổng hội hè phố phổ hoa gọi đàn ong bướm. Màu sắc hân hoan đường cọ mới du dương cùng muôn điệu âm thanh. Đón nhân gian ngợp xanh mắt ngó lồng lộng trời một hé mở con ngươi nghe diễm lệ trần gian đến thế…

Khẽ chạm vào mạch vươn lên từ đất cội mầm thoáng giây biết phút sinh sôi. Lòng cây hoang vu hội về đông đúc những chiếc lá reo chuông thánh thót nhựa non. Ấm áp trỗi lên tia nắng mỏng mở biết mấy những ánh nhìn tin cậy rằng mùa xuân có một điểm sum vầy nơi dấu chấm cuối cùng của câu thơ tiễn biệt. Em ơi,

…em ơi. em ơi. Vài bước nữa thôi mặt trời sẽ ôm đàn đi tới. Nhẩy nhót trên ngày âm reo rất lạ đem về từ núi xanh, xa.Tình yêu của những tháng năm dài mất dấu. Sống tận tình phút giây gặp gỡ thời gian em sẽ thấy bước chân mình gần lắm tiếng lá reo chuông môi và mắt tìm nhau.

Những vết son trong tàng cây lấp láy. Ánh mắt xanh liếc dài cỏ mượt. Màu trắng đã về khua những đoá hoa vườn. Đàn kèn ngóc đầu bung loa hoa. Tim vẫn giữ một điều nguyên vẹn rất nôn nao đừng dấu nữa. Nói như từng hạt nắng reo nhỏ nhỏ rồi vỡ oà trong tán lá… có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ*... Nhẹ kẻo vỡ lưu ly trời đất…

Santa Ana

Xuân, 22 tháng 3, 2014



*thơ Olga Bergoltz- Bằng Việt dịch


TRONG THỜI CHIẾN TRANH, TÌNH YÊU ĐÔI KHI LÀ XA XỶ PHẨM


Ban Mai





Tôi nhận cuốn sách anh tặng, gửi từ Cali do một người bạn mang về chiều hôm qua. Suốt đêm tôi đọc một mạch cuốn “Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” có thể gọi là tùy bút cũng có thể gọi là truyện.

Những truyện tình bất ngờ cuồng điên và những bức thư anh gửi cho “Vy yêu dấu”. Tôi tự hỏi, người tình ở đâu mà nhiều quá vậy. Mỗi truyện là một người tình. Có lẽ với chất lãng tử và một người đàn ông quyến rũ như anh là một hấp lực khó cưỡng đối với các cô gái theo phong trào thời đại mới những năm 60.

Với Hà một cô nhà báo chiến trường mạnh mẽ có cá tính, có một đứa con nhưng cô không biết cha nó là ai, mà anh và những thằng bạn thì biết rỏ có lẽ một trong bọn họ. Với Trâm sang trọng rực rỡ tiêu tiền như nước, sài toàn đồ hiệu, cô muốn bao giờ cô cũng phải hơn người, mối tình thân xác trên biển quê nhà mà chính anh và cô chưa bao giờ nói tiếng yêu thương. Với Thủy trong chiếc khăn choàng màu tím đón anh ở phi trường Đà Lạt, anh gặp bất ngờ khi cả hai cùng đón chung một taxi trong buổi chiều mưa. Với Kim người đàn bà như trẻ con, mái tóc tém ngổ ngáo như một nhân vật của Sagan lái chiếc xe thể thao màu đỏ sẫm, một buổi chiều đến tòa soạn, anh chưa kịp ngỡ ngàng đã vào đề nhanh gọn, “anh lái thử xe mới của em nhé” (*), rồi cả hai phóng trên đường, len lỏi trong các con phố Chợ Lớn để tìm cho ra quán Mì Hoành Thánh mà cô thích. Và Vân cô gái Hà Nội di cư vào Nam kín đáo, đoan trang mối tình dại khờ đầu tiên khi thằng con trai mới 14 tuổi Vân đã 20, nhưng Vân trẻ măng như anh nghĩ, thằng con trai ngồi học bài nhưng ghen ngầm không muốn Vân được nhìn ai, nói chuyện với ai ngoài hắn. Nhưng trên hết là Vy yếu dấu, tất cả những người tình trong truyện là những bức thư hắn gửi cho Vy, Vy yêu chi một thằng đàn ông hoang đàng, cộc cằn như hắn, em vượt qua mọi lễ giáo, xem thường "Khổng Mạnh"...

“Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” tưởng là kể chuyện tình, nhưng không tôi nghĩ khác. Dù chúng ta không bắt gặp những hình ảnh bắn giết trên chiến trường, nhưng bàng bạc trong từng chuyện là tâm trạng chán nãn, hỗn loạn, bất cần đời, sống không biết ngày mai của một lớp thanh niên, của một Sài Gòn trong thời chiến tranh. “Khi đang ngồi viết thư cho Vy trong tòa soạn thì hôm qua Vy biết không một thằng bạn của anh vừa mới mất trên chiến trường Cao nguyên không thấy xác, chiều nay lại một thằng bạn nữa”.(*) Là mẹ khóc lặng lẽ đến thăm Sơn ở quân trường, bàn tay mẹ rờ khắp mặt mũi Sơn, kêu Sơn đen quá, gầy nữa. Gia đình mẹ đã cung cấp cho tổ quốc 3 thằng con trai. Là bác lái taxi có đứa con trai lớn vào lính chưa đầy hai năm và mới chết trong một trận đánh tuần vừa rồi, nó bằng tuổi cậu. “Tới chừng nào thì hòa bình hả cậu, cậu có tin hòa bình sắp đến nơi rồi không?(*)
Hay nói theo cô ký giả người Pháp nghe nói chiến tranh hoài mà không biết thế nào là chiến tranh cho nên đến Việt Nam cho biết “…chị đến Việt Nam để tìm hiểu con người, chị muốn biết con người nghĩ gì khi giết người khác và bị người khác giết lại…Chiến tranh là một việc làm vô ích và ngu ngốc, là bằng chứng súc vật nhất về tính ngớ ngẩn của loài người”.(*)

Tôi ngờ những điều anh kể về tình yêu trong “Bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” chỉ là những cuộc tình tưởng tượng của một thằng con trai “trong thời chiến tranh, tình yêu đôi khi là xa xỷ phẩm”.(*)

20.3.2014

(*) “Bất cứ lúc nào Bất cứ ở đâu” Nguyễn Xuân Hoàng; Sài Gòn 1970; California USA 1998, NXB Văn.
* Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thư ký tòa soạn tạp chí Văn Sài Gòn  trước 1975.