tản
mạn bên tách cà phê
Nguyễn Xuân Thiệp
Đã lâu rôi, lúc bà còn
khỏe mạnh…Một hôm, bé Nguyệt Quỳnh đi dạo chơi với bà trong khu cư xá Emerald ở
Ponchatoula, Louisiana. Trời nắng nhẹ, tiếng chim hót trong cây. Mùa xuân sắp
trở về. Nhìn những bông hoa dại màu tím và vàng nở bên vệ cỏ, bé Quỳnh thích
lắm. Bé cúi xuống hái một bông cầm trên tay và nói: “Quỳnh hái về cho ông”. Rồi
bé tiếp tục đi tới cái circle, chỗ có trồng mấy cây lê bắt đầu nở đầy hoa
trắng. Thấy một viên đá màu lam thật đẹp nằm dưới cái ghế gỗ, bé Quỳnh bèn cúi
xuống nhặt lên, nói: “Quỳnh nhặt về cho ông”.
Thế là khi trời báo
hiệu vào xuân, thì Nguyễn đã có được một bông hoa dại và một hòn đá. Từ đó gợi
hứng cho Nguyễn viết bài văn này với ước mong một ngày kia hoa sẽ mọc trên đá.
Cũng như từ những trái tim khô cằn, bỗng vang lên tiếng nói yêu thương và hy
vọng.
“Một lần nọ khi
đến thăm trái đất này, tôi đã trồng ở đây một cây bông hồng.” Đó là lời của Hoàng Tử Bé, nhân vật tưởng tượng của nhà
văn St. Exupery. Thế mới biết bông hoa dù ở đâu, ở một hành tinh nào khác hay
trên trái đất này, cũng đều quý cả. Và dù trong gian khổ nhọc nhằn, hoa cứ vẫn
nở. Như cây bông hồng của ông Sơn Núi không lao động mà vẫn cứ trổ bông...
Vâng. Hoa đem niềm
vui đến cho người. Thử tượng tượng mặt đất này không có những bông hoa và những
cái cây. Lúc bấy giờ nó không còn là quả cam màu xanh nữa mà là một trái cầu
lửa. Do đó, con người cần phải biết gieo hạt giống hoa và trồng cây. Nguyễn còn
nhớ đọc một cái tin trên báo kể chuyện cô bé Cindy ở California cứ mỗi năm lại
cùng các bạn nhỏ Hướng Đạo đi gieo giống hoa poppy trên các đồi cỏ. Kết quả,
giờ đây mỗi lúc xuân sang, hoa poppy nở như một tấm thảm rực rỡ nhiều nơi tại
Cali. Nước Mỹ nhiều hoa, và hoa nở khắp nơi, chính là nhờ những bàn tay như
vậy.
Vậy nhé, Nguyễn xin
tiếp tục về những bông hoa. Mấy hôm nay, trời Dallas nắng đẹp. Nguyễn được dịp
cùng gia đình đi chơi ở vườn Arboritum, xem hoa. Chưa bao giờ trong đời, Nguyễn
được nhìn thấy nhiều hoa như thế. Có đến mấy trăm ngàn bông tulip đủ màu và
daffodil vàng rực trên khắp các lối đi. Ở đây, Nguyễn thật sự được nhìn thấy
những con người hạnh phúc cùng nhau đi dạo chơi, ngồi nằm
trên thảm cỏ, ăn uống và nghe nhạc. Đủ màu da: trắng, vàng, đen, đỏ... Rất
tiếc, có ít người Việt đi xem hội hoa. Ở đây, xin cho phép mình được lộng ngôn:
Không đi xem hoa tulip và daffodil mùa này ở Arboritum là bỏ một dịp vui hiếm
có trong đời. Hội hoa còn kéo dài qua tới tháng Tư lận. Người ơi, xin đừng lãng
quên...
Hoa đem đến cho
người niềm vui... Vâng, đúng như vậy. Viết
tới đây, bỗng nhớ tới một câu hát của Lê Uyên Phương: Như hoa đem tin ngày buồn...
Có thế sao? Là khi tình yêu tan vỡ, người yêu bỏ ta đi? Có bao giờ bạn thấy thế
chưa? Riêng Nguyễn cũng có một đôi lần thấy hoa không là hiện thân của niềm
vui. Ấy là hồi mới đến Mỹ, khoảng 1996-1997 (xin lỗi, đã không nhớ đích
xác), Nguyễn về thăm thành phố Oklahoma
sau trận Tornado. Cả một thành phố như cảnh mặt trăng. Vậy mà trên đống đổ nát
của một khu nhà ở vẫn có những bông đồng thảo (violets) mọc lên. Thì ra vẻ đẹp
và sự sống, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cố gắng đến với người như một an
ủi và hy vọng. Ngày Mother's Day, khi đến nhà thờ cầu nguyệnNguyễn thấy trên
ngực áo các con chiên đều cài bông cẩm chướng, như để tưởng niệm những người mẹ
và người con không bao giờ về nữa.
Bông hoa và hòn đá / hành giả trên đường
khuya/ trăng lên / dế khóc... Có vẻ như thơ haiku. Thưa không, đó là do Nguyễn
liên tưởng khi nhìn thấy những tảng đá nằm trong các thảm hoa uất kim hương và
thủy tiên trong arboritum. Chính những tảng đá đó làm cho hoa càng rực rỡ và
sinh động hơn. Một bên là sự mềm mại, một bên là vẻ sù sì, vậy mà có thể nằm
cạnh nhau, và tạo thành một thực thể đẹp, hoàn chỉnh. Cũng tựa như một nhan sắc
nùng diễm đi bên một gã gồ ghề, bặm trợn. Từ đó, ta hiểu được nghệ thuật vườn
cảnh của Nhật Bản, nơi đá đóng một vai trò quan trọng.
Nói riêng về những
hòn đá thì Nguyễn hiện cất giữ ít ra là năm hòn. Xuất xứ từ nhiều nơi: từ đâu
bên Trung Quốc có, từ Ngũ Hoành Sơn quê nhà có, và từ những dãy rocky mountains của Mỹ. Nói là đá quý thì không
phải. Bởi giá trị vật chất của nó không đáng kể. Chỉ đáng giá một hai đô la
hoặc không gì cả. Làm sao có thể sánh với viên kim cương của một tay lái buôn
dâng tặng cô nhân tình ca sỹ. Thế nhưng những hòn đá ấy đẹp và quý đối với
Nguyễn. Hình như cũng trên mục này, có lần mình có nhắc tới chiếc lược của một
chàng nào đó tặng “Cô Oanh Hay Cười” từ những ngày xửa ngày xưa. Có đáng là bao
đâu vậy mà cô Oanh cứ nhớ mãi cho tới bi
giờ. Thì ra vật quý không cần phải là thứ đắt tiền. Một lần, Nguyễn viết khá là
lâm ly về cái nhẫn cỏ của cô sinh viên. Ôi, báu gì mà cô nâng niu đến vậy. Báu
gì đâu bài thơ người ấy tặng mình lúc còn trẻ mà nhớ hoài nhớ mãi, mỗi lần đọc
lại là tim lại... đập lỗi mất một nhịp.
Đã có một lần
Nguyễn nói tới hòn đá của nhà văn Thảo
Trường. Hôm nay xin nhắc lại ở đây: "Hòn đá to bằng nắm tay. Mầu mận chín.
Nhìn kỹ nó có vóc dáng hình nhân, có khi lại thấy hao hao một loài thú. Cũng có
lúc thấy nó giống thiên thần rồi lại chợt tưởng là quỷ sứ. Có lúc thấy nó hiền
lành nhưng cũng có lúc thấy nó toát ra vẻ hung dữ. Lúc thấy đẹp, lúc thấy xấu.
Lúc thấy dễ thương, lúc thấy đáng ghét. Lúc thấy có hồn, lúc thấy vô tri. Lúc
thấy nó sống động, nhưng có lúc thấy nó là tĩnh vật.. Có lúc thấy nó hiện hữu,
lại có khi chẳng nhìn thấy đâu. Theo người tìm ra thì mảnh vỡ có thể là từ cung
trăng hay một hành tinh nào đó trên vũ trụ xẹt xuống. Sao băng nằm ở đáy
hồ." Tuyệt diệu. Thảo Trường cho biết hòn đá này có lý lịch từ thời anh
đóng quân ở cao nguyên. Nó do một người lính nhặt được đâu dưới lòng suối đem
tặng. "Ông sĩ quan giữ viên đá anh lính cho mãi đến ngày tàn cuộc chiến.
Đổi đi đơn vị nào ông cũng mang theo, tuy không lên tướng nhưng sau này về làm
tham mưu, có văn phòng, ông cũng luôn luôn trưng cục đá màu mận chín đó trên
bàn giấy."
Và đây, một câu
chuyện về đá. Hồi đi tù ở Sơn La, anh Tâm (nhà thơ) đặc biệt gần gũi với một
người cùng lán tên Lãng. Lãng còn rất trẻ (tôi
đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai -ca từ một bài hát quên tên) lên
trung úy khi chưa tới 30 thì đi tù. Lãng dáng vẻ hung hãn, trong tù anh sống
khép kín, chỉ chuyện trò với mỗi mình anh Tâm. Những lúc nhớ nhà, anh Tâm
thường kể cho Lãng nghe về con gái út của mình tên Thảo, năm ấy mới 13 tuổi.
Thảo đặc biệt yêu bố. Nghe chuyện anh Tâm, Lãng chú ý và thỉnh thoảng hỏi về
Thảo. Hai người xem nhau như anh em. Anh Tâm thân mật gọi Lãng là chú -chú Lãng.
Những ngày sau đó, mỗi lúc đi lao động, Lãng lang thang tìm nhặt thứ này thứ
khác. Khi thì đem về cái sừng trâu gãy, khi thì vài hòn đá nhặt ở bờ suối. Rồi
những lúc rảnh, Lãng lầm lì ngồi gọt đẽo, mài dũa. Ngày tháng trôi qua, năm
1979 quân Trung Quốc đánh vào biên giới, thế là ùn ùn biên chế chuyển trại.
Trước lúc lên đường, anh Tâm dặn Lãng là hãy khá giữ mình và bình thản trong
mọi trường hợp. Lãng đưa anh Tâm một cái gói nhỏ bảo mang về cho Thảo quà của
chú Lãng. Đó là chiếc lược bằng sừng trâu và mặt đá hình trăng lưỡi liềm có sợi
dây để đeo vào cổ. Về sau, khi ra trại năm 1982, anh Tâm mang cả hai thứ về cho
bé Thảo. Rồi mãi mãi không được tin tức gì về Lãng nữa. Nghe anh em về nói khi
ở Thanh Hóa, Lãng trốn trại bị bắn chết. Bé Thảo giữ mãi chiếc lược và mặt đá
hình trăng lưỡi liềm có ửng những đường vân xanh và tím. Mãi mãi...
Nói về những hòn
đá, lại nhớ một hôm lang thang trên lưới, vào Google tìm James Dean, gặp nấm mộ
của người quá cố. Ngôi mộ nhỏ, bình dị, nhưng đẹp rực rỡ. Trước mộ có bình hoa
và những hòn đá bằng quả trứng gà. Về sau này Nguyễn mới hiểu đó là những hòn
đá của người viếng mộ để lại như một niềm tưởng nhớ. Đá đã nói hộ người những
nỗi u hoài nhân sinh.
Vậy, bao giờ thì đá
nở hoa? A, cái anh chàng thơ thẩn này nói những điều lảm nhảm vô nghĩa lý như
Hamlet trên sân khấu Shakespeare. Đá nở hoa? Vậy mà có đấy. Trong tranh Đinh
Cường. Nhớ hồi còn ở Việt Nam, Nguyễn tôi rất thích một bức chân dung thiếu nữ
của bạn hiền, ở background vẽ một bông hoa đỏ nở ra từ vách đá xám. Ôi, tuyệt vời.
Đá đã nở hoa như thế đó. Nghệ thuật không chỉ vẽ lại đời sống mà còn sáng tạo
đời sống. A, Nguyễn có đọc đâu đó một
chuyện của Tâm Thanh nói về đóa quỳ vàng mọc từ kẽ đá trong một chung cư của
Oslo, Na Uy. Từ đó, trí óc đầy hoang tưởng của Nguyễn vẽ vời thêm. Ở nơi kia,
trong một phố nhỏ, có hai người trẻ tuổi yêu nhau. Ấy là lúc cây hoa quỳ trong
kẹt đá nơi góc tường chung cư nở hoa. Khi người con trai lên đường nhập ngũ,
chàng hái tặng cô gái một đóa quỳ vàng, hẹn rằng khi cây quỳ lại nở chàng sẽ
trở về. Thế rồi bao lần cây hoa quỳ nở, chàng trai vẫn không trở về cho đến một
hôm người con gái nhận được tin người yêu tử trận. Từ đó, cứ mỗi mùa cây hoa
quỳ trong chung cư nở, cô gái lại hái những bông quỳ vàng rắc đầy lối đi, để
tưởng nhớ... Và mới cách đây mấy hôm, Nguyễn tôi được nhìn tấm ảnh chụp cô Mary
nằm dài trước nấm mộ trong nghĩa trang khóc người yêu là James đã chết ở chiến
trường Iraq. Trước mộ có một cây dã quỳ đang nở hoa vàng chói...
NXT
No comments:
Post a Comment