Tùy bút Nguyễn
Thị Khánh Minh
Hãy hướng về phía mặt trời bạn sẽ
không còn nhìn thấy bóng tối. Đó là những gì hoa hướng dương đang làm. (Helen
Keller)
Trời Santa Ana sáng nay mù mây và mưa nhẹ,
rét hơn mọi hôm. Mở thùng thư ảo nhận được một e-mail mang đến cho mình rất
thật một niềm vui, với cái subject Tuyết phủ. Nghe muốn ước, giá mà được ngồi
uống cà phê nhìn tuyết rơi ở đó. Không biết người nói tuyết phủ ấy có biết đó
là một ước mơ của tôi không, dĩ nhiên tôi chỉ nói đến cảnh tuyết rơi nhẹ thôi,
chứ không thì hai cô bạn Liên và Châu Tỷ ở New Jersey sẽ la toáng lên, qua đây
mà xúc tuyết xem thử có mơ mộng nổi không (mở ngoặc ở đây để cầu nguyện cho cơn
bão tuyết hiện giờ đang tràn các tiểu bang miền Đông và Trung Tây sẽ qua nhanh)
Đêm hôm qua đọc một tin tức về một cậu bé 3
tuổi, Mason Williams, đang bị bệnh tim vào giai đoạn cuối, bé có một ước mơ rất
nhỏ, được nhìn tuyết. Mẹ của bé cùng bạn hữu đã biến giấc mơ ấy thành thực, họ đã
mang được về 105 gallons tuyết, rồi phủ đầy sân trước nhà. Và Mason đã trải qua
những giờ chơi cùng tuyết với tất cả thích thú, ngạc nhiên. Người mẹ đã nói với
The Daily Mail “…If I didn’t do it now,
and something happens to him, I’d never forgive myself for not making the most
of the time we had.” (news.yahoo.com Dec 6, 2013) Chuyện bình thường, mà đối với số phận nhỏ bé
ấy, nó là một ước mơ. Và có bao nhiêu ước mơ như thế trở thành thực? Những ước
mơ đẹp như tinh tú trên trời. Phải chăng nó được nuôi dưỡng bởi những trái tim
thiên thần?
Mỗi mỗi ước mơ của những thiên thần nhỏ… và tưởng không có gì nhân ái hơn là việc làm của các tổ chức như The Make-A-Wish Foundation, Mỹ, Chắp Cánh Ước Mơ, Ước Mơ Của Thuý, Ngân Hàng Heo Đất của Lazada, ở Việt Nam … đã hiện thực hoá những ước mơ ấy, để bên cạnh những đau đớn của thể xác, các em còn hưởng được chút niềm vui trong kiếp sống mong manh.
Có phải Thiên Thần không có mặt được khắp nơi
trên trái đất nên đã gửi đến trần gian này, Trẻ Thơ?* Nghĩ bâng quơ, Trẻ Thơ và Thiên Thần cùng vần
T, ở ngôn ngữ Việt mình, và T cũng bắt đầu chữ Tình Yêu. Ôi những chữ T chỉ
những điều hạnh phúc đẹp đẽ.
Và làm tôi nhớ đến Thư. Anh Thư. Chuyện cách
đây chắc khoảng trên mười năm rồi, tôi không nhớ chi tiết, nhưng tôi còn nhớ
rất đậm cảm xúc mình khi đọc tin lúc ấy, Anh Thư 12 tuổi, bị bệnh ung thư, em
biết trước ngày em sẽ chết, và can đảm lạ thường, em tự chuẩn bị “hành lý” để
ra đi, một mình, sáng nào em cũng ngồi vào bàn và em đã viết một chúc thư, sau
báo chí có đăng lại, tôi tiếc là ngày ấy tôi đã không lưu giữ, chỉ nhớ em đã
viết, em không có gì để lại cho mọi người ngoài ước mơ của mình, em ra đi với
một thân thể khoẻ mạnh, tới một nơi em cũng sẽ đi học trong những buổi mai có
tiếng chim hót, cùng cô giáo và bè bạn. Tôi nhớ vì ngày đó khi buồn vì bệnh tôi
lại nghĩ đến sự kiên cường của Anh Thư. Nhớ, là vì ngày đó, khi em qua đời, từ
những ý nghĩ của em, tôi viết lại thành bài thơ, thật quá sơ suất khi không ghi
ngày tháng, xin ghi lại đây để cảm ơn Anh Thư.
Chúc
thư của Anh Thư
Em lặng nhìn bước chân mình đi.
Từng ngày
Em nghe con đường ngắn lại. Mỗi
phút giây
Em một mình ngồi viết. Mỗi ban
mai.
Từng hạt nắng theo em rơi trên
giấy
Rất bình thường. Em thu xếp hành
trang cho mình, như thể xếp quần áo vào ba lô cho một chuyến cắm trại cuối tuần
Em sửa soạn sự ra đi của mình. Như
thế. Mỗi ngày. Mỗi ngày…
Với niềm tin của một thân thể
khỏe mạnh
Với giấc mơ của trái tim yêu
thiết tha cuộc sống
Cuộc sống sẽ theo em về phía ấy
Đêm vẫn chuyện trò cùng em bằng
những vì sao lấp lánh
Tiếng chim hót trên đường đi đến
trường
Tiếng em học bài. Tiếng nô đùa
bạn nhỏ.
Những buổi mai xanh
Em bảo, “đó là tất cả những gì em
có để em được để lại cho mọi người”
Ôi bản chúc thư yêu đời trong
trẻo
Mỗi khi buồn
Tôi lại trông lên trời đêm tìm
ánh nhìn
Của một vì sao 12 tuổi
Anh Thư ơi…
Tôi
google để hy vọng xem có tìm lại được chút gì rõ hơn về Anh Thư không…không
thấy, nhưng tôi đã gặp Nụ Cười Những Đoá
Hướng Dương. Đó là tên của một buổi triển lãm tranh của các bệnh nhi ung thư
và bản tin được tường thuật bởi phóng viên Anh Thư. Ngẫu nhiên mà có những chi
tiết giống nhau.
Nhờ vậy, mà tôi được dẫn đi theo những cánh
hoa mặt trời.
Mỗi bức tranh cài một đoá hướng dương, buổi
triển lãm được tổ chức lần thứ hai ở Hà Nội năm 2009 bởi nhóm Chắp Cánh Ước Mơ
gồm cả trăm thành viên tự nguyện đa phần là sinh viên học sinh. Tên gọi cho ta
biết mục tiêu của họ, và đối tượng là các bệnh nhi mang những bệnh nan y. Chị
Quế Mai, trưởng nhóm nói “Giá trị lớn nhất của triển lãm là sự chia sẻ yêu thương
của cộng đồng. Tất cả đều chung tay, góp sức vì một cuộc sống, một ước mơ tươi đẹp
hơn cho các bệnh nhi ung thư và bệnh tim”. Anh Thư viết “Mỗi người xem ảnh, xem
tranh với một cảm xúc khác nhau. Có ông cụ dừng rất lâu trước những bức vẽ của
trẻ. Có người ngỡ ngàng khi chứng kiến bức ảnh mang nụ cười tươi tắn, hồn nhiên
nhưng thân thể lại đang bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ” (tin247.com).
Trong triển lãm này có 6 bức tranh của Lê Quang Hiếu 6 tuổi, ung thư xương: Đêm
Trong Rừng, Giáng Sinh, Câu Cá, Ếch Con, Gia đình Khỉ và Thỏ Đi Chơi. Tôi nhắc đến
Hiếu vì một chi tiết buồn, bức Thỏ Đi Chơi đang vẽ dở dang thì em ra đi, theo
Thỏ con rong chơi trên những con đường cỏ xanh, phải không Hiếu ơi…
Tháng 11 ngày 10, 2013 vừa rồi, Hội Hoa Hướng
Dương lại được tổ chức ở sân khấu Sen Hồng, Sài Gòn, triển lãm tranh của những
tác giả bệnh nhi. Tiền bán hoa và tranh gây quỹ hỗ trợ các em. Các bạn trẻ tụ
tập nhau ngồi xếp những cánh hoa hướng dương..
“Những chiếc áo vàng in thông điệp “Như đóa hướng dương hướng về mặt
trời”, những chiếc vòng tay, vòng đội đầu xòe cánh hướng dương… nhanh chóng được
các bạn mua và khoác lên người. Rồi những mảnh vườn hướng dương dần xuất hiện,
nhuộm vàng không gian ngày hội, khu Chợ phiên Mặt Trời…” (tuoitreonline)
Lê Thanh Thúy
Có một nơi triển lãm trong ngày hội gọi là Ước Mơ Của Thuý. Thuý ư. Xin hãy nghe các bạn trẻ nói về đoá hướng dương Lê Thanh Thuý, sinh viên Nguyễn Đình Hạnh (khoa đồ họa, Kiến Trúc) bộc bạch: … không năm nào tụi mình bỏ qua ngày hội, cũng như không bao giờ bỏ chương trình “Ước Mơ Của Thúy”. Thảo Uyên (lớp 10) chia sẻ: “Từ ngày biết chuyện chị Thúy, mình thấy cuộc sống mình đã khác. Trước đây chuyện buồn nhỏ cũng thấy to nhưng nay chuyện nào mình cũng thấy nhỏ,…bây giờ lại chỉ muốn làm điều tốt cho mọi người”. (HảiThi. tuoitre.com)
Ngày Hội Hoa Hướng Dương ngày càng có nhiều
tình nguyện viên, cùng những văn nghệ sĩ, doanh nhân, mạnh thường quân các giới
tham gia, để tiếp sức, hỗ trợ cho các bênh nhi ung thư. Đoá hướng dương Thanh
Thuý ấy, được mọi người cho là sứ giả của niềm tin và nghị lực đã ra đi tháng
11 năm 2007, 19 tuổi.
Trong blog, những dòng entry cuối cùng, Thuý
dặn dò: “Em sắp gục ngã rồi. Mọi người hãy giúp em duy trì chương trình ước mơ
của Thuý. Các em bệnh nhi tội nghiệp lắm…”
Đó là lý do có Hội Hoa Hướng Dương, và đã tổ
chức được 6 lần ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn vào tháng 11 kể từ Thuý mất cho đến
ngày nay. Trong bốn năm chiến đấu với căn bệnh ung thư xương với một tinh thần
lạc quan và nghị lực hiếm có, Thuý lan toả được niềm tin cho những bệnh nhi
khác, lúc đang bệnh, Thuý đã cùng một nhóm bạn thực hiện một chương trình với
tên Ước Mơ Của Thuý như: “Tết yêu thương 2007”,“Tết thiếu nhi 1/6” và “Vầng trăng
yêu thương” để tiếp sức mạnh tinh thần cho các bạn đồng bệnh. Từ lòng nhân ái đó,
đã nảy sinh những ý nghĩ diệu kỳ, Thuý đã viết một tờ em gọi là “hợp đồng sống”
với em Đặng Phúc Thanh Đạm như sau: “ Mỗi ngày em tiếp tiếp tục sống chị sẽ
dành ra 50.000 đồng. Số tiền này sẽ đến Trung Thu năm sau, chị em mình sẽ tổ
chức cho các em. Mỗi ngày của em sẽ mang thêm nhiều niềm vui đến cho các em
nhỏ…” bản “hợp đồng sống” này hai em ký
với nhau ngày 30.10.2007, 3 ngày trước khi Thuý mất. Một thân thể bị bệnh ăn
mòn dần từng phần mà vẫn khích lệ tinh thần những bạn đồng bệnh khác như thế,
hỏi sao Thuý không được ngưỡng mộ?
Vĩnh biệt "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy
Vĩnh biệt "đóa hướng dương" Lê Thanh Thúy
Điều gì khiến người ta gọi Thuý là đoá hướng
dương?
Trong blog của Thuý, em nói đã tìm thấy mình
trong cuốn sách Hoa Hướng Dương Không Cần Mặt Trời của Trần Tử Khâm, một tấm gương
vượt qua số phận ở Trung Quốc. Từ đó bạn bè lan truyền đi, gọi Thuý là đoá Hướng
Dương.
Tôi rất thích lá thư của một em gái viết cho
Thuý: “…em chợt nghĩ đến một câu nói: “Người ta nói mặt trời không bao giờ
khóc, nhưng thật ra những giọt nước mắt của mặt trời chính là những giọt nắng.
Mặt trời đã đem chính nỗi cô đơn của mình sưởi ấm cho nhân loại”. Thế nên, có
một loài hoa luôn sống hướng về phía mặt trời, không phải chỉ để nhận ánh sáng
cho sự sống mà còn mong tìm được yêu thương trong tận cùng nỗi cô đơn. Đó là
hoa hướng dương- là cái cách mà người ta vẫn dùng để nói về chị… một loài hoa
luôn khát khao ánh nắng?… từ những việc làm của chị, em mới thấy hết được giá
trị thật sự của cuộc sống… em cũng rất thích câu nói của Trần Tử Khâm: “Từ đáy
vực sâu đầy nước mắt đau khổ, tôi đứng dậy thề rằng dù còn sống bao lâu nữa, dù
có bao gian khó, tôi cũng không đầu hàng, không chấp nhận, tôi sẽ là một mặt
trời nhỏ để cuộc đời mình được toả sáng ấm áp…” nhưng chị ơi, chị không chỉ toả
sáng ấm áp cho riêng cuộc đời chị, mà chị còn đem nó đến cho hàng triệu người
còn đang bất hạnh một niềm tin…” (Lê Hoài Phương, lớp 10A5 trường Hùng Vương.
Tuoitre online). Thư Phương viết thật hay.
Ngày
cuối cùng, Thuý ra đi trong một không gian đầy hoa hướng dương trên bức tường do
một nhóm sinh viên Kiến Trúc vẽ tặng. Nhóm Modern Wind của đại học Mỹ Thuật
cũng vẽ hoa mặt trời trên chiếc áo quan của Thuý, họ nói: “Nhóm đến với Thuý
bằng những bông hoa hướng dương nơi nhà Thuý. Và bây giờ, mọi người muốn tiễn
Thuý cũng chính bằng những bông hoa ấy.” Thuý đã sống thật trọn vẹn những việc
thực, sống thật đẹp những ước mơ. Và rất đáng ngưỡng mộ, như đoá hướng dương
toả ánh mặt trời.
Khi viết những dòng này, tôi thấy chút mắc
cỡ, số là đêm qua, khi nhà tôi mua về một cây gậy chống, không đưa ngay, lúc
sáng đi ngoài thềm, tôi loạng choạng, lúc ấy anh mới đưa, tôi buồn và như có
khóc. Giờ đọc những nụ cười thiên thần này, thấy bệnh mình chả đáng sá gì mà
cũng rơi lệ.
Lại nói đến hoa mặt trời kia. Một lợi ích
khoa học của nó là có khả năng hút chất phóng xạ. Năm 1986, sau thảm hoạ
Chernobyl, người dân Ukraine đã trồng hướng dương để giảm bớt tác hại của phóng
xạ. Cũng với mục đích ấy, sau trận động đất lịch sử 2011 ở Nhật, nhà sư Koyu
Abe đã phát động một phong trào trồng hoa hướng dương trong vùng nhà máy nguyên
tử Fukushima, cùng với tiếng chuông rền mỗi sáng tại ngôi đền Joenji của thiền
sư, cả rừng hoa hướng dương thức dậy nở dưới mặt trời để xua đuổi bóng đêm của
phóng xạ.
Không những hữu ích, dáng hoa quyến rũ, hướng
dương còn là thông điệp trữ tình của thần thoại Hy Lạp, nàng Clytie yêu thầm
thần mặt trời Helios, chỉ yên lặng nhìn cỗ xe của thần đi ngang bầu trời, sau
nàng hoá thân thành hoa hướng dương hoài trông, thể hiện lòng chung thuỷ. Nên
có thể nói, ở ý nghĩa tâm linh, hướng dương được xem là biểu tượng cho niềm tin
và hy vọng vào tình yêu. Tôi liên tưởng đến một loài hoa cùng họ là sơn quỳ,
còn gọi cúc quỳ. Bé hơn hướng dương, và cũng quay về phía mặt trời. Vào mùa,
hai bên đường từ Bảo Lộc đến Đà Lạt, hoa quỳ cháy rực màu vàng dại đê mê.
…hỡi đóa quỳ vàng/ đêm qua chết.
bây giờ sống lại/ như hồn anh trong nắng mùa xưa… (thơ Nguyễn Xuân Thiệp)
Vâng, mùa xuân này hướng dương lại tới. Với
tôi, những cánh hướng dương rung trong nắng âm vang tiếng cười trong sáng yêu đời
yêu người của những thiên thần, như em Thúy, Anh Thư, Hiếu, Mason… Nụ cười đoá
hướng dương, toát vẻ rực rỡ của mạnh mẽ, tự tin khiến người ta nghĩ rằng tất cả
đều có thể, kể cả giấc mơ…
NGUYỄN
THỊ KHÁNH MINH
Santa Ana 12. 2013
(*) Phỏng theo câu ngạn ngữ
Jewish: God could not be everywhere and therefore He made Mothers.
No comments:
Post a Comment