Monday, February 10, 2014

TÙY BÚT LƯU NA



thư…


                                                   Gwen John. Study of marigolds                              

Cô Diệp ơi,
Bịnh cảm của cô có bớt chút nào không?
Hôm qua cô chú đi rồi,  Na ngồi lại nhìn lại, thầy đã quá gầy quá yếu.  Một nỗi buồn không tên tuổi thấm vào lòng. Trong cái mừng tụ họp sao có một nỗi ê chề vương vấn _ một đứt đoạn dù nối lại cũng không còn được như xưa, nhất là, khoảng cách còn bị xé toang vì tuổi tác bịnh tật, không sao hàn gắn được. Nỗi buồn nhân thế dường thêm nặng.
Na  giúp chở thầy đi mua khuôn hình tặng Thành Tôn và mua một gói hồng sâm.  Những sinh hoạt bình thường, phải nói là tầm thường, sao với Na như một niềm vui to tát, mà lại lấp ló một áng mây đen.  Trong cái buồn lặng lẽ ấy thấy chút ấm lòng khi nhớ tới cô.  Người ta có thể gửi tặng nhau nhiều thứ, viết cho nhau nhiều lời tha thiết, nói với nhau những câu thật ân cần, nhưng những phút bên nhau, những tình cảm chân thật ấm áp tỏa lan khi được gần bên nhau thì có đồng tiền, có chữ nghĩa âm thanh nào mua được.  Cả những nỗi buồn cũng trở thành châu bảo, những phút ngại ngần mơ hoặc, những giây thinh lặng không định nghĩa được điều gì đang đè nặng lòng mình, tất cả, làm nên một kỷ niệm vô giá trong đời.  Mai sau dù có bao giờ, Na  vừa mừng mình có được một tình bạn hiếm hoi đẹp đẽ với mọi người, vừa buồn nghĩ rằng _ thấy trước rằng nó sẽ là vết cắt rất sâu ở lòng mình trong một ngày mai.
Buổi tối, anh Tư mở rượu nếp cô cho ra ăn và khen ngon.  Với Na, cái ngon của men rượu còn nồng thêm với cái đảm đang khéo tay và đầy tình thu vén gửi gấm của cô cho bè bạn.  Hương nồng ấy không tả được, cũng không thuộc về men rượu, mà lại không đứng được một mình trong thinh không.  Nó tựa cái đong đưa nhẹ nhàng của tấm võng dưới gốc bưởi sau nhà cô chú, cái đong đưa thật nhẹ thật mơ hồ phải đọng mắt trông mới thấy và rồi tan biến theo cái chớp mắt.  
Ngồi bên thầy, với hương bưởi sau vườn nhà cô, Na đã được nghe lại một đoạn đời của cô chú.

Chú là một quân nhân, nhưng rắp mộng lấp biển vá trời từ thuở còn trẻ.  Trời chưa rách đã đòi vá, thì cho 10 năm tù đất Bắc.  Ngồi tù đếm chữ trên hai cái bằng Cao Học thấy còn thiếu, khi qua được phố Bôn sa chú lai rai lấy thêm cái Cao học nữa cho khỏi phụ lòng phu nhân đã vì ai xuôi ngược.
Cô cũng ngon lành lắm.  Ngoài hai mươi đã làm bí thư cho thứ trưởng bộ Kinh Tế.  Thi thiếc phỏng vấn phỏng viếc đều trót lọt, đến cái đoạn tuyên thệ bảo mật cô đã nói “không” một cái ngon ơ _ “Tôi biết bổn phận của tôi.”  Làm gì nhau.  Bèn tin nhau!!!  Cô không đẹp gì hơn ai, nhưng mặn mà “cũng đủ lãng quên đời.”  Nàng đã về với chàng trong bộ đầm cưới trắng và khăn voan choàng đầu, trông cứ như đám cưới hoàng gia Anh quốc.  Những là ong bướm dập dìu, mẹ chồng đứng bên trong hỏi đứa nào đến kiếm thằng … thì cô thưa “bồ của anh … mẹ ạ.”  Mẹ chồng trợn mắt, cô chỉ cười.  Yêu nhau không chỉ là ngó nhau mà còn phải ngó lơ!!!
Cách biệt nhau, cô thăm chú tù nơi đất Bắc, rồi đôi đàng giã biệt; một mình thân gái đem 3 con vượt biên.  Có giọt lệ nào mặn hơn khi lửa hương nồng ấm phải đành đoạn?

Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Cô đã một mình nơi đất lạ, trong tuổi hương sắc chín mùi tràn đầy nhựa sống mà thắng được tiếng lòng để nuôi con khôn lớn chờ chồng không biết có toàn mạng, có ngày nào gặp lại không, hết trọn 15 năm.  Khi chú sang được với cô, có dịp, hai người đã cùng nhau về thăm quê hương, thăm người đã cùng chú qua một đoạn đời gian khó.  Đâu chỉ anh hùng mới cư xử cách trượng phu.

Cô Diệp,
Cô biết không, Na nghe câu chuyện, thấy đời sống của những người thế hệ trước thật lắm bất ngờ, thật lắm hoạn nạn thương đau xao xác đằng sau cái cũ kỹ của nề nếp.  Chiến tranh chẳng còn dấu vết gì trên mảnh đất đã xẩy ra, nó chỉ còn là những cơn ác mộng theo mãi những đứa trẻ, nó chỉ còn là thương tật những người lính mang theo đến cuối đời, nó chỉ còn là hình ảnh những bà mẹ chiếc bóng in trên vách nhà, một ngày một thêm tóc sương phai mờ mà Phạm Duy đã viết.  Nhưng không biết sao mỗi lần đi qua đường phố thắm tươi, nhìn vào những tủ kính trưng bầy sản phẩm, Na vẫn thấy phản chiếu một hình ảnh thê lương của quá khứ.  Những lúc ấy, chiến tranh là cuốn nhật ký, là thước phim cũ, mở bung ra, nuốt trọn hình ảnh của bất cứ ai soi bóng.

Nơi căn nhà ấm cúng mà cô chú vui vầy bè bạn, đàn sáo cùng gió mát trăng thanh, Na nghĩ cô và chú quyết bù đắp đoạn tình âu yếm dở dang, và Na tự hỏi, chú có bao giờ dừng lại, bước vào căn phòng quạnh hiu của riêng cô bây giờ cửa đã khép, đứng trong bóng tối để lóng lại một tiếng thở dài, để cảm lại một mối giận hờn thèm khát của cô trong tuổi thanh xuân đơn lẻ xứ người .  

Cô chú đi rồi nhà thật vắng.  Na ngự trên một trong hai chiếc võng châu đầu với nhau dưới gốc bưởi, ngó quanh.  Vườn nhà cô trồng bưởi, trồng hồng, trồng hoa sứ hoa hồng, trồng ổi, trồng lựu.  Dưới trời nắng trong gió nhẹ, tiếng guồng nước quay rào rào êm êm hòa với tiếng leng keng của cái phong linh nhỏ xíu không biết núp ở đâu trong vườn.  Võng đong đưa, tưởng như mình đang ngồi trên chuyến xe thổ mộ đều đều lướt qua những lòng đường nhựa chạy quanh co nơi ngoại ô thành phố, một thành phố nào đã xa, xa lắm.  Nhắm mắt lại đu đưa một lúc, khi mở mắt ra thấy màu xanh của tàn lá bưởi trên đầu như thắm trong lên, ngọt ngào mát rượi tầm nhìn. Trưa bỗng dường như im bặt lại, cái êm ả thân mật đến ngỡ ngàng, tưởng cố hương mà cũng biết rõ rằng không, tưởng đã từng có một buổi như vầy mà thực chưa bao giờ có trong đời.  Thong thả, chuông tòa thị chính đổ vang rền trong không gian, tiếng trầm trầm lúc thong thả lúc dồn dập một nhạc khúc ngoại quốc. 

Cô Diệp,
Na  thật lưu luyến mảnh vườn nhà cô, với cà phê, võng, và bưởi.  Không một dấu vết của tình, mà tình tràn lấp không gian.  Thôi đã hết cơn chia lìa, từ nay tuổi thơ lớn trong tình quê; như gió thu sau tháng hè, thổi về ruộng nâu luống tươi xanh rì  Vài bữa nữa Na trở lại, cô có nấu món bún gì đó cho Na xơi?  Cô có hát cho Na nghe bài Người Về của Phạm Duy? 


Lưu Na
02/09/2014

No comments:

Post a Comment