Wednesday, March 21, 2012

Truyện ngắn của Ý Nhi

Mix

                                                        Portrait of Dr. Gachet. Van Gogh

    Nhà ông nằm giữa một con phố nhỏ. Con phố, không hiểu vì lẽ gì, có rất nhiều công ty, nhiều văn phòng trú đóng. Vì vậy mà, có những lúc con phố rộ lên như ong vỡ tổ, rồi có những giờ con phố lặng im như chốn không người. Buổi chiều, sau giờ tan ca, khi gần như chẳng còn người, còn xe, ông ra phố, đi dọc theo vỉa hè lát những viên gạch màu xám. Ông coi đó là cách tập thể dục hàng ngày của mình. Đoạn đường từ nhà ông đến ngả 5 dài khoảng vài trăm mét. Ông thường đi tới đi lui khoảng dăm lần mỗi tối. Ông bước chậm, đầu hơi cúi xuống, có chút gì do dự trong mỗi bước chân, có thể do tuổi tác. Đôi khi, ông dừng lại lâu hơn chỗ ngã 5, nhìn ngắm dòng xe cộ chảy như nước lũ, nhìn ngắm những cửa hàng sáng choang đèn đuốc, lúc mỉm cười, lúc lắc đầu nhè nhẹ, rồi trở về.
         Trong một buổi chiều như thế, khi mở cửa vào nhà, ông nhìn thấy một con chó đứng ngay bên chân mình. Ông cúi xuống nhìn nó, nó ngước mắt nhìn ông rồi sủa khe khẽ. Ông hỏi nó, mày theo ông hồi nào vậy. Nó vẫy vẫy cái đuôi nhỏ xíu. Ông hỏi, từ đầu phố à. Nó rung rung đôi tai. Ông cúi xuống, ừ, ông cám ơn nghe. Vậy là có bạn đường rồi. Hẹn chiều mai. Còn bây giờ thì về đi kẻo mọi người lại nháo nhác đi tìm. Thế nhưng nó cứ bám sát gót ông, cánh cửa vừa hé mở nó đã chui lọt vào bên trong. Chắc nó đi lạc, ông nghĩ. Thôi, ở tạm đây, để mai rồi tính.
         Ông tìm một chiếc bát nhựa, san một ít cơm, chan một ít canh, xé nhỏ miếng thịt nạc rim mặn cho nó. Nó nằm ngay chỗ chân bàn, cằm tì lên hai chân trước đang doãi ra, vẻ tư lự. Khi ông đưa bát cơm tới gần, nó ngoảnh mặt đi ra chiều xấu hổ. Ông vỗ vỗ lên đầu nó, ăn đi con, ai cũng có lúc lỡ độ đường mà. Mày tưởng lúc nào ông cũng có nhà có cửa có cơm có cháo như vầy sao. Có lúc ông cũng lạc đường, lạc sá, dầm mưa dãi nắng, đói vàng mắt, ăn cả quả dại, uống cả nước vũng. Lúc đó chỉ thèm có một mái hiên, một chén cơm rau, một tiếng người nói. Nó ngước nhìn ông, vẻ như thấu hiểu những lời ông nói rồi cúi xuống ăn nhỏ nhẻ từng miếng một, ra dáng của kẻ được dạy dỗ cẩn thận.
         Thường thì 5 giờ sáng ông trở dậy, đun nước pha trà, tưới cho mấy chậu hoa cúc, hoa thu hải đường đặt trên bậu cửa sổ rồi ra phố lấy báo. Hôm nay, trong lúc còn mơ ngủ, ông nghe có ai đó gọi mình, lại còn giật giật vào mép chăn nữa. Ông choàng dậy, dụi mắt nhìn đồng hồ, 5 giờ kém 5 phút. Con chó đứng bên giường, vẻ hớn hở như vừa làm xong việc chi đó quan trọng. Ông cười, ra là mày. Ai bảo cho mày biết giờ giấc của ông vậy. Nó ngoe ngoảy đuôi, bỏ ra sân, vẻ như người ta phẩy tay, chuyện nhỏ. Ông hỏi người bán báo xem có nghe thấy ai đi tìm chó không rồi ông dán một tờ giấy to ngay trên cánh cửa, mời ai mất chó thì tới nhận. Khi nhìn nó để tìm vài đặc điểm đặng miêu tả hình dáng, ông nhận ra nó chẳng giống bất kỳ loài chó nào. Vóc nó lớn gấp 3 lần chó Phốc và nhỏ bằng 1/3 giống chó ta. Tai nó dựng đứng, mắt to tròn, lông ngắn, màu nâu nhạt với một vệt lông màu trắng viền quanh cổ tựa chiếc vòng bạc xinh xắn. Ông hỏi nó, mày là giống gì vậy. Nó khịt khịt cái mũi ướt thay cho câu trả lời. Ông hiểu nó không muốn công khai danh tính, gốc gác nên bảo nó, ừ thôi, cũng không quan trọng. Có phải ai cũng buộc phải có một nơi chốn, một nòi giống đâu. Vả lại, đâu phải ai cũng có quyền hạch hỏi mình những chuyện riêng tư, phải không. Nhưng dù sao, mày cũng không thể bỏ nhà bỏ cửa mà đi bụi đời như vậy.
         Nhưng ông đợi mãi mà chẳng có ai hỏi han đến con chó. Ông bán báo bảo ông, chắc nó ở đâu xa chứ không phải quanh quẩn đây đâu. Thôi, ông nuôi nó cho có bạn. Con chó nghe vậy, đứng dựng trên hai chân sau, lấy chân trước cào cào vào người ông, vẻ ưng thuận. Ông bảo nó, ừ, thì ở với ông. Nhưng mày phải có tên có tuổi cho đàng hoàng, chí ít cũng để giao tiếp chứ. Để ông nghĩ xem nào, đặt tên là chuyện hệ trọng lắm. Cha mẹ nào cũng muốn đặt cho con mình những cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa, hy vọng con cái mình sẽ đạt được những gì đẹp đẽ nhất, hay ho nhất trong cuộc đời chúng. Nhưng theo kinh nghiệm của ông thì không nên đặt những cái tên kiểu như vậy. Chẳng may có người không đạt đến hoặc không thể hiện đúng với “tiêu chí” đó thì mọi sự tréo ngoe hết cả, rất khó chịu. Ví như một cô có tên Dịu dàng mà lại lanh chanh đáo để, một anh Thành công nhưng làm việc gì cũng hỏng, một cô Duyên dáng mà lại vụng về, một anh Dũng mãnh nhưng lại hèn yếu, một kẻ Trung thực mà lại lèo lá…Không phải vô cớ mà ông bà mình gọi con bằng những cái tên không được bay bướm như Mực, Vàng, Tèo, Xí, Xin, Chắt…  Ông chợt dừng lại, nhớ đến cái tên rất đẹp lại gắn với cuộc đời rày đây mai đó, lên bờ xuống ruộng của mình. Hẳn khi đặt tên con, cha mẹ ông đã kỳ vọng biết bao về tương lai của đứa con trai duy nhất, sau 5 người con  gái. Ông vỗ vỗ vào trán, lắc đầu, xua đi một ý nghĩ buồn chán, rồi bảo, gọi mày là Mix nhé. Mày có ưng cái tên này không, nó có ý nghĩa nhưng dễ nghe, không có chi phô phang, lộ liễu.  Chẳng phải mày là sự hòa trộn hoàn hảo của giống nòi đấy sao. Con chó vểnh tai, sủa lên một tiếng, ra chiều chấp nhận cái tên mới.

         Trước đây dân phố quen thấy một ông già quần áo chỉnh tề, bước đi chậm rãi trên hè phố nhập nhoạng ánh đèn. Nay, họ nhìn thấy, bên cạnh ông có thêm một con chó màu vàng nhạt. Khác với ông chủ lặng lẽ, con chó nhỏ chạy nhảy tung tăng, lúc bên phải, lúc bên trái, lúc lùi lại sau, lúc tiến lên trước, nhìn ngang ngó dọc, như một đứa trẻ tinh nghịch. Thỉnh thoảng có người chào ông , tò mò nhìn Mix, hỏi han về lai lịch của nó. Có khi ông vui vẻ trò chuyện, kể rõ ngọn ngành, có khi ông chỉ nói qua quýt mọi việc, vẻ miễn cưỡng. Thấy con chó nhìn mình không hiểu, ông bảo nó, có phải ai hỏi đến mình cũng có ý tốt đâu. Họ tò mò tọc mạch không đâu ấy mà. Ông đã có đủ kinh nghiệm về những chuyện như vậy rồi. Im lặng một lúc, ông nói thêm, mà nhiều khi kinh nghiệm cũng chẳng ích chi đâu, mình vẫn cứ nhầm lẫn, thậm chí nhầm lẫn tai hại. Hơn nữa, khi hiểu ra mọi điều thì thường là đã muộn. Một nhà nhiếp ảnh lăn lộn suốt đời, khi mắt đã mờ, tay đã run, mới nhận ra rằng cái cần chụp là ánh sáng chứ không phải vật thể, vật thể chỉ là phương tiện truyền tải ánh sáng mà thôi. Lúc đó thì kinh nghiệm để làm gì nữa. Mà cũng chẳng thể truyền cho ai. Đám trẻ sẽ cho đó là một ý nghĩ lẩm cẩm, không chụp vật thể thì chụp cái gì, họ vặn lại. Vài ba người gật đầu vì lịch sự nhưng không làm theo. Một số ít trong số đó, lúc về già, có thể sẽ nhớ lại lời dặn và thừa nhận sự đúng đắn của nó nhưng cũng đã muộn rồi. Ông đọc ở đâu đó câu nói có ý nghĩa khái quát này: biết thì  đã muộn.Vậy đấy, ông thở dài, lặng lẽ bước đi. Con chó bám sát chân ông, đầu hơi cúi xuống.
         Mix đã quen với nếp sống của người chủ. Nó biết im lặng khi ông đọc báo, xem TV. Những lúc như vậy, nó nằm im dưới chân ông, mắt lim dim, tai cúp xuống. Khi ông nghe nhạc, nó lại ngủ, say sưa trong tiếng ru của những bản nhạc êm dịu. Ông hỏi nó, mày thưởng thức kiểu gì vậy. Âm nhạc đâu phải để ru ngủ. Biết vậy nhưng nó không sao cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Nhạc cất lên khoảng dăm ba phút là mắt nó đã díu lại. Nó dựa vào chân ông, thở đều đặn, êm nhẹ. Đôi khi, nó chợt nấc lên rồi rên ư ử, kêu ú ớ. Những lúc như thế, ông không dám trở người, sợ nó giật mình. Ông cúi xuống, nhẹ nhàng, mày nằm mơ hả. Thấy cha mẹ anh em mà không thể chạy tới hả, nghe họ gọi mình mà không thể trả lời hả. Hay thấy làng quê bản quán đã tan tành mây khói. Có lúc, con chó bỗng kêu lên thất thanh rồi choàng trở dậy, đứng thẳng người, ngơ ngác nhìn quanh. Ông vuốt nhè nhẹ dọc sống lưng nó, mày bị truy đuổi à, có ai huýt còi, có ai chạy huỳnh huỵch sau lưng hả, có ai nhìn như xoáy vào gáy của mình hả. Cái cảm giác đó quả thực kinh khủng, nó ám ảnh mỗi phút giây ta sống, mỗi giấc mơ hàng đêm. Rồi ông ngả người, ngồi lặng trong chiếc ghế bành màu nâu đỏ đã cũ.
         Mix đã quen với tên mình, hiểu ý nghĩa của cái tên đó nữa. Tuy vậy, nó hơi bực bõ vì nhiều người cứ nhầm lẫn lung tung. Có người, vừa nghe thấy Mix đã chế diễu, Mic 19 hay Mic 21 đây. Tướng mày mà chở tên lửa để không kích thì chỉ có từ thua tới thua. Họ nhầm nó với một loại máy bay chiến đấu của Nga, hồi còn chiến tranh. Có người lại nhầm tên nó với Mít vì với họ, míx hay mít hay mích thì cũng phát âm như nhau. Họ nheo nheo mắt nhìn nó, mít mật, mít ướt hay mít dừa đây,rồi lại cười cười, hay là mít Thái, mít Tàu. Mà mít thì phải tròn trịa xinh xắn, thơm tho, hấp dẫn chứ. Có người lại còn nhấm nhẳng, tên với tuổi, lãng xẹt. Thấy nó ngoảy đuôi bỏ đi, không dấu nỗi bất bình, ông bảo nó, chuyện nhỏ mà. Người ta nhầm lẫn mà đâu có tự biết. Trách thiên hạ thì còn đâu thì giờ mà làm việc này việc nọ.
           Ông bán báo ngồi dưới vòm hoa giấy trước cổng nhà thì cười tủm tỉm bảo nó, Mix là một cái tên quá thú vị. Người đời hời hợt lắm, họ chẳng hiểu mô tê gì đâu, chớ có nghĩ ngợi làm gì. Vũ trụ này chẳng nháo nhào tan hợp trong từng giây từng phút đó sao. Trước nhà ông có một cậu làm cái nghề rất thời thượng gọi là DJ. Nói nôm na thì đó là việc hòa trộn các bản nhạc với nhau. Anh chàng có mái tóc dài cột túm lại sau gáy, đeo dây chuyền to như một sợi xích vậy, quần bò, áo bò, trông ngầu lắm. Con người ta hay thật, chẳng ai giống ai trên cái cõi này. Mà bề ngoài đôi khi cũng chẳng nói lên điều gì. Cậu ta hiền lắm, sống cùng với một người mẹ đau yếu quanh năm, cậu ta chu toàn mọi nhẽ, chưa khi nào nói to với mẹ. À mà này, Mix có biết gì về cái ông già im như thóc kia không mà lẽo đẽo theo ông ấy vậy. Một nhân vật đấy. Tù đày rồi, trận mạc rồi, hạnh phúc rồi, đau đớn rồi, cuối cùng thì…ông bỏ lửng câu nói. Mix tò mò lắm nhưng không biết làm sao để gợi chuyện, chỉ ngước đôi mắt tròn xoe nhìn ông bán báo.
         Ông bán báo gửi một chiếc dù, một chiếc bàn xếp, một chiếc ghế nhựa vào góc sân.Thường thì khoảng hơn 4 giờ sáng ông đến, đem đồ đoàn ra ngoài, đặt chiếc bàn dưới vòm hoa giấy, bày mươi loại báo lên đó. Chỉ hôm nào mưa mới cần đến dù, còn thì vòm hoa ngũ sắc đủ làm nên một chiếc mái che xinh đẹp. Ông có chìa khóa riêng, đi lại nhẹ nhàng, không gây nên một tiếng động nào vào lúc đầu ngày. Chỉ đến 7 giờ, chậm lắm là 8 giờ sáng, ông đã bán xong số báo trong ngày. Ông lại đem đồ đoàn vào gửi chỗ cũ rồi ra về. Đôi khi ông già tiễn bạn. Họ chào nhau bằng một thứ tiếng hơi là lạ mà Mix đoán là lời từ biệt. Một người nói Ôrvoa, người kia đáp lại Ôrvoa. Ông già thường ra ngoài cổng, đợi ông bán báo đi khuất hẳn, nhìn quanh một vòng rồi mới quay vào nhẹ nhàng khóa cửa. Thỉnh thoảng, ông già mời ông bán báo vào nhà bằng câu hỏi, anh có rỗi không. Ông bán báo cười, một nụ cười héo úa, theo cách nhìn của Mix, xong việc rồi, chắc chắn có cơm ăn rồi, bận bịu chi nữa. Hai ông già uống trà, trò chuyện rất lâu. Mix dỏng tai nghe ngóng nhưng chỉ lọt vào tai tiếng được tiếng mất. Gide này, Camus này, Sartre này, Malraux này, Colette này rồi Lỗ Tấn, Quách Mạc Nhược, Tào Ngu, Ba Kim, rồi Gogol, Bulgakov, Pasternak, Mandelstam, Bunin, Kundera, rồi Woolf, Kafka, Beckett, Mauriac, Grillet, Simon, Butor…Có vẻ như những tên người này gắn với những gì họ đã từng cùng nhau yêu quý, cùng nhau day dứt, cùng nhau chia sẻ trong suốt cuộc đời mình. Họ bàn cãi, tranh luận không mệt mỏi quanh những cái tên đó. Có khi còn đập tay xuống bàn hoặc đứng bật dậy, chắp tay sau lưng, đi loanh quanh trong gian phòng hẹp, mặt mũi đỏ gay như đang cãi nhau vậy. Mix nằm im dưới chân ghế, he hé mắt nhìn hai ông già. Trông họ trẻ ra, mạnh mẽ lên, sảng khoái hơn, khác hẳn những lúc khác trong ngày, những ngày khác trong tuần. Tự nhiên Mix thấy mủi lòng, nó chạy đến bên ông già, giật giật gấu quần ông, ra dấu cảm thông.
         Khi ông bán báo ra về, ông già ngồi xuống bậc thềm, đầu hơi cúi xuống rồi quay sang nói với Mix, mày biết không, cái ông bán báo nghèo khó, kiếm tiền ăn từng ngày này là một bậc thức giả đấy. Ông ấy là bạn của ông từ nhỏ, học cùng trường cả chục năm phổ thông. Ông ấy học giỏi lắm, cái gì ông ấy cũng biết, mà biết thấu đáo nữa. Dù theo học một ngành khoa học tự nhiên, ông ấy am hiểu sâu sắc các lãnh vực khoa học xã hội. Ông ấy có chung quan niệm văn chương với ông. Cái thứ chữ nghĩa ấm ớ này nhiều khi gây ra bao nhiêu tai họa cho con người. Ông ấy vẫn bảo với ông như vậy. Sau này, ông mới nghiệm ra đó là lời tiên tri cho số phận của mình. Ông ấy chọn một ngành thực tế hơn, ít viển vông hơn. Ấy vậy mà, đâu có thoát khỏi tai ương. Đi du học về, ông ấy có một chỗ làm đàng hoàng ở một bộ lớn.  Ông  kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp, nết na, con gái một gia đình khá giả. Cuộc đời vậy là quá đẹp, quá hoàn hảo rồi, có chi mà lo nghĩ. Vậy mà tai họa đổ ụp xuống cái gia đình đó, đúng vào lúc họ ít ngờ nhất. Thời thế thay đổi, ông ấy mất chỗ làm. Sống lay lắt với chút của nả còn lại được vài năm thì vốn cạn. Hai ông bà lén lút sang nhượng ngôi nhà để tìm cách đi xa. Mọi việc bại lộ. Trong cái đêm hãi hùng trốn chạy đó, ông bế đứa con nhỏ trên tay, cố bám theo vợ và hai đứa con lớn nhưng không sao theo kịp. Ông ấy quay lại thành phố, chạy thẳng đến bệnh viện vì đứa nhỏ viêm phổi, người nóng như lửa. Nhưng không kịp nữa. Ông ôm đứa con đứng chết trân trước cổng bệnh viện rồi đổ vật xuống như một vật vô tri. Nhưng số phận ác nghiệt vẫn chưa buông tha ông. Ít lâu sau ông biết tin vợ và 2 con đã biệt tích. Nếu có thể chết được chắc chắn ông đã chết. Nhưng, sống không dễ mà chết cũng chẳng dễ hơn. Ông ấy phải sống cho hết phần số của mình. Ông ấy tìm mua một chiếc bơm xe đạp, ngồi ngay chỗ cột đèn của một con phố rộng. Ông gặp lại ông ấy đúng vào thời kỳ này. Một buổi chiều nọ, không nhớ là đi đâu, ông qua con phố đó và trông thấy ông ấy. Ông ấy quay mặt đi, tránh cái nhìn của ông. Biết vậy, nhưng ông không thể bỏ đi được. Lòng ông đau đớn nghẹn ngào khi nhìn thấy người bạn cũ, gầy gò, áo quần sờn rách, mắt nhìn vô vọng vào những người qua lại. Ông cứ bước tới, chìa tay ra. Ông ấy bật đứng dậy, lùi xa một chút, như cảnh giác. Nhưng ông không chịu thua, ông gọi to tên ông ấy, kể lể những kỷ niệm hồi trai trẻ rồi dứt khoát kéo ông ấy về nhà mình. Mấy người đi đường quay lại nhìn hai ông già lôi nhau đi, một ông còn khư khư chiếc bơm xe cũ nát, mòn rỉ. Hai người uống với nhau vài chung rượu, ngồi rất lâu bên nhau nhưng không trò chuyện nhiều. Tất cả những gì ông biết về cuộc đời của ông ấy là do bà Tư kể lại. Bà Tư là em con dì ruột của ông ấy. Rốt cục, như mày thấy đấy, ông ấy có một quầy báo bé tẹo nhưng cũng đủ cho một đời sống đạm bạc. Ông ấy còn dạy thêm tiếng Anh cho vài cậu sinh viên nhưng đám này nghèo, vừa đi học vừa đi làm nên học hành bữa đực bữa cái, chữ được chữ mất mà học phí cũng ba đồng ba cọc. Ông ấy vẫn đùa, bán thông tin kiếm sống tốt hơn bán chữ. Sau cùng, mọi việc rồi cũng tạm ổn. Dù thế nào thì người ta vẫn phải tìm ra cách để sống, bất luận thời thế ra sao.
         Bà Tư thường đến vào lúc 10 giờ sáng. Bà là một phụ nữ cao ráo, trắng trẻo, tóc đã nhuốm bạc. Bà dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Bữa ăn đơn giản nhưng rất vừa miệng và các món ăn luôn được thay đổi. Mix cũng thường quấn quýt bên bà. Nghe tiếng xe của bà vừa tới đầu phố nó đã chạy ào ra phía cổng. Nó đợi bà Tư hỏi, mày đó hả con, rồi lon ton theo bà vào gian bếp. Hôm nào bà bận, quên chào nó, nó sủa dấm dứt để nhắc nhở. Bà biết ý, cúi xuống, bà quên, bà xin lỗi, chào Mix.
         Bà Tư vừa nhặt rau vừa rủ rỉ trò chuyện với nó. Nó ngẩng nhìn bà, vẻ chăm chú như trẻ nhỏ nghe chuyện cổ tích. Bà bảo, Mix phải ngoan, phải vâng lời ông. Ông già rồi, lại bệnh tật, ốm đau. Những người thân thích của ông ở tận đẩu tận đâu, bà cũng chẳng biết. Ông anh họ của bà bảo rằng đời ông cũng truân chuyên lắm. Chẳng biết đọc những gì, viết lách những gì mà tai hại vậy, tan nhà nát cửa, chẳng bạn chẳng bè. Người như ông thì làm gì nên tội nhỉ. Vậy mà ông có chịu yên đâu, vẫn loay hoay làm cái gì đó. Chắc thứ tiền ông tiêu tốn nhất là để mua sách, mua giấy bút. Viết rồi bỏ, viết rồi bỏ, giấy má bề bộn khắp nhà. Bà không dám động tới, e nhầm lẫn. Mình có biết chi những việc to tát đó. Ông bảo quỹ thời gian còn ít lắm nên phải tranh thủ từng ngày một. Ông anh họ của bà biết ý, bạn không mời là không bao giờ vào nhà. Rồi bà lẩm bẩm, mỗi người mỗi ngả, chẳng ăn nhằm gì đến nhau, thậm chí đối đầu nhau.Vậy mà, cũng sấp ngửa, cũng dập mày dập mặt, khốn khổ có khác chi nhau. May mà trời thương, còn cho họ gặp lại, đối đãi với nhau như anh em ruột thịt. Âu cũng là một chút phúc phận. Nếu không, cũng chẳng biết họ còn trôi dạt tới đâu. Bà thở dài. Mix cũng buồn. Bữa đó nó ăn rất ít, cứ ngồi nhìn chủ, mắt ươn ướt. Bà Tư bảo, sao ăn ít quá vậy. Chê bà nấu ăn dở quá hả. Nó nằm lăn ra đất, dơ cả 4 chân lên ra chiều phản đối. Bà Tư năn nỉ, thôi, không phải vậy. Mix ăn ít để giữ dáng thôi mà. Vài bữa nữa có khi Mix chỉ ăn trái cây với rau thôi, như mấy người mẫu ấy. Ông bật cười thành tiếng. Lâu lắm nó mới nghe ông cười như vậy. Chính xác thì đây là lần thứ hai nó nghe ông cười vui vẻ, thoải mái. Lần đầu cách đây vài tháng. Có thể coi đó là một ngày đặc biệt trong chuỗi ngày tẻ nhạt của ông già. Không biết ông nghe lời khuyên của ai mà quyết định đi tìm mua một cái hồ thủy tinh để nuôi cá vàng. Ông đi sớm lắm, vẻ đầy hăng hái. Khoảng 8 giờ sáng ông về, đúng lúc quầy báo hết hàng, ông bán báo đang đứng ở sân đợi ông. Vừa bước vào nhà ông đã vừa cười vừa kể chuyện mua cá. Ông nhìn thấy một cửa hàng đèn đuốc rực rỡ, mấy chục cái bể cá lấp la lấp lánh, cá bơi lượn lên xuống rất đẹp mắt, bèn bước vào. Thấy ông, cô chủ hỏi, ông mua gì. Ông nghĩ bụng, hỏi kỳ quá, đến đây chẳng mua cá thì mua cây à. Nhưng ông vẫn lịch sự trả lời, tôi muốn mua vài con cá. Cô bán hàng lại hỏi, ông mua cá sống à. Ông đã hơi bực, hỏi lại, có ai mua cá chết sao, tôi mua mấy con đang bơi lượn này này. Cô chủ quán tủm tỉm, cá nhựa đấy ông ạ. Ông mua nuôi thì qua cửa hàng bên cạnh. Ông cười chảy nước mắt, trời ơi, cái gì cũng giả, mà giả như thật mới khiếp chứ. Mình cứ ru rú xó nhà, ra phố thì y như thằng ngố vậy. Ông bán báo vừa đổ nước vào hồ cá vừa nhấm nhẳng, ngố thật chứ như cái gì. Mình bây giờ là kẻ đi lạc, chắng làm sao mà hiểu nổi mọi thứ ở đây, làm cái gì cũng không phải, nghĩ cái gì cũng không đúng, nói như bọn trẻ là, chẳng giống ai. Ông già bỗng hào hứng bắt chuyện, nói năng bây giờ thật lạ, tiếng lóng, lời tục, nói ngọng tràn lan như bệnh dịch. Nghe họ nói nhiều khi chẳng hiểu ất giáp gì, thậm chí thấy chối tai, thấy khó chịu. Nào là nhục như con cá nục, buồn như con chuồn chuồn, nào là nhỏ như con thỏ, bét nhè con gà què, nào là bó tay con gà quay, chán như con gián, xưa như quả dưa, nào là tình yêu bình thường như cân đường hộp sữa, nào là gần mực thì bia gần đèn thì thuốc, lời hứa chẳng mất tiền mua/tội gì không hứa để lừa người ta…Rồi tiền thì gọi là lít, là vé, là sọi, rồi cái gì cũng hoành tráng, một tô phở cũng hoành tráng, một chiếc áo cũng hoành tráng, một mái tóc cũng hoành tráng…Câu nào cũng xen tiếng đệm tục, làm như không như vậy thì lạc hậu, thì không văn minh vậy. Rồi dân quê nói ngọng, dân thành phố nói ngọng, nhà nhà nói ngọng, người người nói ngọng. Rồi từ ngữ dùng sai lạc hết cả, dân sai, quan sai, nhà báo sai, thầy giáo sai…Một thứ ngôn ngữ buông tuồng, cẩu thả, bất chấp quy tắc. Theo tôi thì đây là một hiện tượng mang tính bản chất, phản ảnh sự xáo trộn ghê gớm của xã hội hôm nay. Nó khiến ta liên tưởng đến thời kỳ của ngôn ngữ trật khớp, của ngữ thức phóng túng, của những nhân vật không tên tuổi, không hình dạng, không mục đích, xa lạ, lạc lõng của văn học châu Âu sau thế chiến thứ hai. Tôi không biết các nhà ngôn ngữ, các nhà xã hội học đang làm gì.Các ngành khoa học xã hội của ta yếu kém quá. Nó gần như không có vai trò gì, thậm chí có thể nói, nó im hơi lặng tiếng trước những vấn đề quan trọng, những vấn đề cấp thiết trong xã hội hôm nay. Sự lệch pha giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giữa sự phát triển kinh tế và việc nâng cao dân trí, cần phải được báo động. Thực ra thì cũng có người lên tiếng nhưng nói chẳng đến nơi đến chốn, chẳng ra đầu ra đũa, như nói để mà chơi thôi, nói cho có chuyện, cho phải phép, chẳng có ý nghĩa, chẳng có tác dụng tích cực nào. Cần phải xác định lại vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của người trí thức…Ông chợt ngừng lời khi nhìn thấy vẻ lo âu trong mắt bạn, anh đang nghĩ là chính những suy nghĩ, những kiểu nói năng này đã khiến tôi khốn khổ phải không. Ông bán báo chống chế, không, tôi chỉ đang nghĩ, không biết anh nghe thấy những thứ ấy vào lúc nào, ở đâu. Ông già giơ ngón tay trỏ lên, dứ dứ trước mặt, dấu hiệu của sự phấn khích mỗi khi họ tranh luận, tôi có thể nêu 3 lý do để anh được yên lòng, thứ nhất, ở tuổi chúng ta, ngày nào cũng có thể là ngày sau cùng, thứ hai, đã 9 cú rồi, một đấm nữa chắc cũng chịu được, thứ ba, dù thế nào thì thời thế cũng đã thay đổi nhiều, người ta đã cho phép xuất bản James Joyce, Claude Simon, Le Clezio, Alain Robbe Grillet, Samuel Beckett, Marguerite Duras, Georges Pérec…Tôi chỉ lo sao làm cho xong chút việc của mình. Cuốn sách chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật, nói là nó được soi sáng bởi triết lý đạo Phật cũng không sai. Đó là sự vô thường của vũ trụ, của cõi người, không có cái gì là bất biến, là mãi mãi. Đó là sự nối kết huyền diệu của vạn vật, không có cái gì tồn tại độc lập hoàn toàn, không có cái gì là duy nhất. Từng tự coi mình là kẻ vô thần nhưng trong sâu xa, tôi nghĩ mình là một phật tử, theo một cách nào đó. Anh sẽ là người đọc đầu tiên và có thể là người đọc duy nhất. Tôi không quan tâm đến mọi thứ khác, chỉ cần anh bảo được là tôi yên lòng rồi. Chắc anh có nhớ câu này :” Lời của những tay sành điệu nói cho nhau nghe, một tiếng được ngắn làm cho khoái trá hơn trăm bài phê bình, một câu không được mở ra hàng chục đêm thao thức.” Những ngày sau cùng này, hình như mỗi bước đi tôi lại rũ bỏ được một chút, thành ra người cứ ngày càng nhẹ bẫng. Anh xem này, ông chìa cánh tay chỉ còn da bọc xương về phía bạn. Mặt ông bán báo méo xệch vì cố ngăn một giọt nước mắt. Ông vỗ vào vai bạn, đột ngột chuyển đề tài câu chuyện, nhà bà Tư đã yên chưa. Bọn ta là đàn ông đàn ang, can dự vào thế sự, chịu điều này điều nọ là chuyện tự nhiên. Cơn cớ gì mà một phụ nữ an phận như bà ấy cũng bị lôi vào cuộc, bị hứng chịu tai ương. Bà ấy càng tỏ ra bình thản mình càng thấy đau lòng. Mà thú thực, tôi không dám hỏi han lấy một câu, sợ mọi thứ òa vỡ, không cứu chữa được. Ông bán báo thở dài, ông chồng bà ấy cũng lạ, sợ hãi đến độ đi tố cáo gia đình vợ thế này thế khác thì thật không hiểu nổi. Mà nhà bên ngoại tôi chỉ buôn bán làm ăn chứ có làm gì nên tội đâu. Bà ấy không bỏ hắn nhưng sống với nhau như vậy thì thà chẳng có còn hơn. Hắn cứ thui thủi như kẻ dại, thấy ai cũng xấu hổ, mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống. Bà ấy thì chẳng nói lấy một lời, giờ ăn thì bày mâm ra đấy, giờ ngủ thì bỏ chăn bỏ chiếu ra giường. Thật khủng khiếp. Gọi đó là địa ngục của họ cũng chẳng sai. Bà ấy không phát điên mới lạ. May mà tôi nhờ được bà ấy lo cơm nước cho anh, cũng khuay khỏa phần nào, ít nhất còn có con Mix quanh quẩn bên chân. Nghe nhắc đến tên mình, con Mix chạy tới, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn hai ông già. Ông bảo nó, mày có buồn không. Sống với mấy người già thật chán, phải không. Mix đứng dựng lên, cào cào vào chân ông, không rõ là đồng ý hay phản đối.

         Cuối năm, trời se lạnh. Ông bán báo bảo, thời tiết cũng thay đổi rồi. Anh nhớ đừng để lạnh, tuổi này mà ốm là có khi nằm luôn đó.
         Buổi chiều, khi đi dạo, ông mặc thêm chiếc áo khoác mỏng màu xám nhạt. Trong một buổi chiều như vậy, khi trở về mở cửa, ông không nhìn thấy Mix. Lệ thường, ông vừa hé cửa nó đã chui lọt vào nhà, đứng đợi ông ở sân. Ông quay nhìn ra phố, phố vắng tanh. Ông vội vã trở lại con đường cũ, đứng hồi lâu chỗ ngã 5,  rồi trở về, vừa đi vừa gọi Mix, Mix nhưng vô hiệu. Ông cảm thấy hoang mang , bối rối đến độ xộc vào tất cả các con hẻm, hỏi han bất cứ ai ông nhìn thấy, miệng thì không ngớt gọi tên con chó nhưng rồi đành quay ra trong thất vọng. Về nhà, ông để cửa mở đến 10 giờ đêm mới khóa lại đi ngủ. Giấc ngủ chập chờn hình ảnh Mix. Chốc chốc ông lại trở dậy, tưởng đâu nghe Mix rên ư ử , kêu rít lên ở đâu đó. Sáng ra, ông dậy từ 4 giờ, ngồi đợi ông bán báo. Hai ông già ngồi bên ấm trà, im lặng. Rồi ông bán báo cất lời, thôi, để tôi làm cái thông báo đặt ngay chỗ quầy để tìm nó. Giữa buổi, ông bán báo lại bảo, mình đăng báo đi. Đăng ở mấy tờ báo mua bán thì giá rẻ mà lại có nhiều người đọc. Thiên hạ bây giờ suốt ngày mua mua bán bán mà, may mà có ai thấy nó thì mình xin chuộc. Nhưng cả tuần lễ trôi qua mà Mix vẫn biệt tăm.
         Từ bữa đó, ngày nào xong việc ông bán báo cũng tạt vào thăm bạn. Trong một lần như vậy, ông già bỗng nói, hay tôi nhầm, chẳng có con Mix nào cả. Ông bán báo kêu lên, anh nói lạ, chính tôi cũng thấy nó mà. Ông trầm ngâm, anh quên sao. Có việc một người nhầm, có việc vài người nhầm, có việc một nhóm nhầm, có việc cả đám đông nhầm. Ông bán báo không đáp, nhấp một ngụm trà rồi bất ngờ kêu lên, nguyên cớ là tại anh. Ông nhướng mày, tại tôi sao. Ông bán báo quả quyết, đúng là tại anh. Đang dưng đang lành, ai bảo anh nhắc đến chuyện buồn bã với nó. Khi ý thức được mọi điều, người ta không thể sống như cũ nữa. Ông cười, thôi, anh uống trà đi. Coi chừng bọn ta lại giống với nhân vật của Samuel Beckett đấy, cái gã cứ đếm đi đếm lại mà không biết thềm nhà có bao nhiêu bậc, không biết bắt đầu ở chỗ nào, kết thúc ở chỗ nào. Ông bán báo chêm vào, giọng buồn thiu, mà cái bậc thềm thì thấp chũn, trẻ con cũng lên xuống được.

Sg 12/2011
YN
                                                                                                               
        

No comments:

Post a Comment