Monday, March 5, 2012


nhan sắc1

nguyễn thị thảo an



  
    Shimazu Yoshiha là con gái độc nhất của lãnh chúa Shimazu Yoshihiro vùng Satsuma. Dân gian tin rằng vì muốn dâng Yoshiha cho Thiên Hoàng nên từ nhỏ nàng đã được tắm sữa dê, uống nước sương hứng từ trên núi, phải đốt hương trầm để tẩm xiêm y,...
  Shimazu Yoshihiro cũng là một vị danh tướng lẫy lừng trong lịch sử Nhật Bản. Ông góp công lớn trong việc thống nhất Kyũshũ (1587). Trong bảy năm 1592-1597, Yoshihiro đã tấn công bán đảo Triều Tiên và liên tiếp thắng nhiều trận lớn, giết danh tướng Won Kyun của Cao Ly tại mặt trận. Năm sau 1598, thừa thắng kéo qua đánh Scheon (Tứ Xuyên),  chỉ với 7,000 quân trong tay Yoshihiro đã đánh tan quân nhà Minh đông tới 37,000. Người Trung Hoa truyền rằng những người lính ở dưới tay Yoshihiro đã biến thành những con quái vật Shimazu (Oni-Shimazu), giết người không nháy mắt. Nhưng lịch sử Nhật trân trọng gọi họ là những “thiên tướng nhà trời”, những samurai biểu tượng, đậm đầy dân tộc tính. Có lẽ những nhà viết sử sau này cũng phân vân không biết xếp họ là thiên thần hay ác quỷ. Đừng nói chi ai, ngay Konishi Yukinaga, một chiến tướng tài giỏi, dũng cảm nhất của Yoshihiri đôi khi cũng tự hỏi mình, “Ta là thiên thần hay ác quỷ?” Là thiên thần ư? Sao mình có thể giết người không biết chùn tay? Là ác quỷ ư? Có ác quỷ nào lại biết rung động khi thấy những cánh hoa đào tả tơi trước gió? 

  Năm Yoshiha 17 tuổi, Yukinaga đã trông thấy nàng. Đó là dịp đại quân trở về thủ phủ Satsuma để nhận quân lệnh mới. Lúc Yuki lững thững tản bộ bên bờ cầu, tay vin đốc kiếm thì đột nhiên chàng bất chợt ngó qua. Bên kia cầu, Yoshiha cùng một vài thị nữ cũng vừa trờ tới. Đôi mắt nhìn nhau làm Yoshiha xao xuyến, còn Yuki thì sững sờ. Mấy ngón tay chàng bỗng dưng run rẩy. Chưa bao giờ Yuki được trông thấy một vẻ đẹp nào hoàn hảo đến vậy. Chẳng lẽ tạo hóa khéo tay tới nỗi này ư? Yuki chợt nhớ ngay cái bài ca của trẻ con thường nghêu ngao ngoài phố.
Có hai cô con gái của một thương gia bán lụa ở Kyoto
Cô chị hai  mươi, cô em mười tám.
Một chàng lính có thể giết người bằng lưỡi kiếm của chàng ta
Nhưng các cô gái giết người đàn ông bằng ánh mắt của các nàng.1
   Rồi Yuki thẫn thờ bỏ đi. Nhưng từ đó, cái ánh mắt của Yoshiha vẫn cứ bám riết trong tâm trí chàng. 
  Trong trận chiến cuối ở Noryang, Yoshihiri bị rơi vào một kế hoạch phản công của liên minh Triều Tiên-Trung Hoa, hạm đội 500 chiến thuyền của Yoshihiro hoàn toàn bị đánh tan tác dưới sự chỉ huy của Lý Thuấn Thuần2 và Chen Lin (nhà Minh). Kết thúc trận chiến, 200 trên 500 thuyền Nhật bị chìm. Đây là thất bại lớn nhất trong đời của danh tướng Shimazu. Và đó cũng là trận chiến cuối cùng của Yukinaga, người chiến binh đã không còn có dịp trở về.
  Sau thất trận ở Triều Tiên, Yoshihiro bị thất sủng. Ông không còn tham gia một trận có ý nghĩa nào nữa. Tham vọng của gia tộc Shimazu cũng tan rã. Về sau, Yoshihiro bắt đầu dạy cho những thế hệ trẻ. Ông trở thành một tín đồ của Phật và trở lại Triều Tiên xây dựng một đài tưởng niệm cho quân địch trong cuộc chiến bảy năm.
Giấc mơ làm hoàng hậu không thành.Yuki thì đã bỏ mình trên chiến trường. Những mộng tưởng của Yoshiha bây giờ tan rã, tản lạc như những mớ mây trời. Bất chợt, nàng nhận ra sự biến đổi vô thường của cuộc đời.  
  Nàng đến Edo3 thỉnh cầu thiền sư Tosui Unkei xin làm đệ tử. Liếc thoáng qua, ông thầy xua tay vì nàng quá đẹp.
  Yoshiha tìm đến Oda Nobunaga, gập mình xin theo học. Nhưng ông thầy quát bảo các đệ tử đóng sập cửa lại. Ông xin lỗi vì đã bất nhã, nhưng cửa phải đóng chặt để không ai trong thiền viện này bỏ trốn theo nàng.
  Chặng cuối hành trình, nàng hầu như kiệt lực trước cửa thiền viện vắng vẻ của Toshoku. Thiền sư đành nhắm mắt gật đầu.
  Chỉ ít lâu, thiền viện trở nên nhộn nhịp. Người ta lên núi xin học rất đông.
  Trong những buổi thiền tập, đây đó có nhiều tia mắt bất chợt liếc xéo qua nàng. Có lúc, thiền sư Toshoku đã phải dùng búa gõ giống như quan tòa.
  Một năm sau, ông thầy nói, nhan sắc của nàng là nguyên nhân gây bao phiền toái. Sức của thầy không đủ dập tắt ngọn lửa mê muội của thiền sinh.
  Nàng ngước mắt hỏi, “Vậy nhan sắc có tội hay lòng tham có tội?”
  Thiền sư không trả lời, rồi lệnh cho dời nàng lên căn nhà nhỏ biệt lập ở trên núi.
  Yoshiha vâng lời thầy, lên núi tự tu tập.
  Mỗi sáng mở cửa đón mặt trời, nàng gỡ trên then cài không ít những manh giấy đề thơ giắt vội. Có kẻ hẹn hò, có kẻ tán tỉnh, có kẻ nguyện liều chết mang nàng đi. Không giao động, nhưng những lời rủ rê đó như những mũi tên bắn không trúng đích, cứ lơ lửng vô hình ngáng ngang trong ký ức.
  Dăm ba bữa, thầy lại sai người mang thức ăn, hoa quả lên. Mà đâu phải dễ, người ta phải cạy cục lắm mới xin được một chân vận lương như thế. Khó thế mà không biết làm sao Hakuo, một thiền sinh mới lại được lên núi lần thứ hai. Lần này, hắn cố ỳ chần chừ đến khi trời nổi gió. Lúc trao giỏ đồ, bất chợt một cơn giông ập tới. Gió hất tung xiêm áo, Yoshiha loạng choạng suýt ngã thì Hakuo vội chụp nàng lại. Tấm thân nàng ấm áp và mềm mại như tơ. Khi Hakuo trở xuống, đầu óc hắn lơ tơ mơ thế nào mà lạc xuống suối nước nóng. Mấy ngày sau, người ta mới phát hiện hắn trôi xuống tuốt dưới chân núi.
  Tetsugyu thì không vòng vo như Hakuo. Dù gì, anh cũng là đại đệ tử của thiền sư Toshoku. Anh đến trước căn nhà trên núi, lựa một tảng đá thẳng, khắc một bài thơ rồi ngồi xếp bằng và nhắm mắt chờ.
  Yoshiha ngó ra, nhưng nàng không đọc bài thơ ấy. Đã lâu lắm rồi nàng không đọc thơ. Bây giờ, nàng chỉ chuyên tâm thiền. Nàng học cách tĩnh tâm, tập thoát ly với tâm thân, với cảnh giới,... Nàng định tâm, triệt tiêu mọi cảm xúc, suy nghiệm sự biến thiên luân lưu trong cuộc đời, trong trời đất.
  Mấy năm sau có người trong gia tộc báo tin, danh tướng Shimazu Yoshihiro đã mất. Nàng đang tĩnh tọa, chỉ hé mắt ngắm người đưa tin, “Ờ,...”
 Vài năm sau nữa, thiền sư Toshoku lại qua đời. Nàng vẫn nhắm nghiền mắt, cũng chỉ cất một tiếng, “Ờ,..”
   Hai mươi năm. Rồi ba mươi năm trôi qua.
   Căn nhà nhỏ giờ đã bắt đầu rệu rã với thời gian. Còn Yoshiha, da đã nhăn, mắt đã mờ, lưng đã mỏi.
  Dăm ba bữa, thiền viện lại bắt những thiền sinh trẻ mang lên núi những giỏ thức ăn. Chưa tới trước cổng đã nghe tiếng gào, “Bà ơi,”. Rồi chúng quẳng nhanh cái giỏ, chạy như biến.
  Yoshiha lục trong giỏ. Gạo, dưa, một ít muối. À, kỳ này bọn nó có gửi theo một cây lược và cái gương. Chắc chúng chê tóc nàng rối.
  Yoshiha cầm gương lên. Nàng không còn nhận ra mình. Một bà lão xấu xí nào đó đang đứng trong gương ngó nàng. Phía sau tấm gương, mặt trời chói lọi đang chiếu ra những tia tàn tạ.
  Đêm đó, Yoshiha nghiêm mình trong dáng tĩnh tọa. Nhưng tâm trí nàng dạo chơi trong chốn vô cùng. Nàng nhìn thấy mây, mây già nua. Nàng nhìn thấy núi, núi cổ độ. Nàng nhìn thấy từng rặng thông, từng ngách suối. Hình như cả ngàn năm trước, đã thế. Mà ngàn năm sau, chắc cũng thế.
Tạo hóa sinh vạn vật.
Vạn vật vốn vô tri
Chỉ có con người biết suy nghĩ.
Nghĩ ra cách học để vô tri.
  Nàng chợt nhớ ra, đã lâu lắm rồi, môi nàng không cười, mắt nàng không khóc. Tâm nàng an định như gốc cây, như tảng đá ngoài sân.
  Yoshiha thức trắng đêm. Trời vừa sáng, nàng bước vội ra sân, sụp xuống tảng đá. Nơi mà Tetsugyu đã từng ngồi đây để chờ đợi. Mặt đá sù sì, mấy hàng chữ khắc của Tetsugyu hồi trước vẫn hằn sâu. Yoshiha vớ một nhúm lá lau sạch những hàng chữ và đọc.
Mặt trời lên.
Rồi mặt trời lên.
Khi ngang qua trái núi này.
Ta bắt được khoảnh khắc hoa đang nở, gió đang nhớm, nắng đang soi.
Hãy hít mạnh hơi.
Ngửi lấy hương hoa.
Đón cơn gió lớn.
Tắm trọn ngọn nắng.
Mời nàng cùng ta.
Đi nốt con đường.
Ngày mai.
Rồi ngày mai nữa.
Mặt trời sẽ lên...
    Yoshiha thẫn thờ đứng lên. Hồi ấy, không ai để ý Tetsugyu đã bỏ đi đâu. Bây giờ có đuổi theo thì cũng không bắt kịp. Chàng đã đi quá xa.
Quá xa rồi.
Atlanta, Feb. 15. 2012
ntta

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

1.       Thơ Haiku dân gian.
2.       Lý Thuấn Thuần: danh tướng Triều Tiên, dòng dõi hoàng thân Việt Nam, Lý Long Tường, lưu vong sang Triều Tiên khoảng năm 1225. Danh tướng Lý Thuấn Thuần là người có công lớn trong việc đánh đuổi Nhật Bản, giành lấy độc lập cho Triều Tiên 1598.
3.       Edo: tên cổ của Tokyo. 
4.       Đính chính một chi tiết trong bài . Scheon không phải là Tứ Xuyên (nằm ở miền Tây Nam) của Trung Quốc. Tên đúng là Sacheon là thủ phủ của tỉnh Gyeongsang Nam nằm ở vị trí miền Nam Triều Tiên và trên mạng Bách Khoa Tự điển cũng ghi chú tiếng Việt là Tứ Xuyên. Trong trận chiến 7 quân Nhật đã tiến đánh Sacheon và đã giao chiến với viện quân nhà Minh của Trung Hoa.

No comments:

Post a Comment