Thursday, March 8, 2012


NGHE TIẾNG NGƯỜI XƯA 

Lưu Na



                                                                Tranh Le Uyen Phuong


Năm nọ 2009 có người cho mình cái CD, giờ chả nhớ dịp nào.  CD có chương trình 70 năm tình ca, download vào MP3 vô sở nghe.  Hóa ra chỉ có 30 episodes, thiếu hơn 10 episodes đầu.  Lục đục, mò mẫm, rồi cũng vào được radio Úc châu mà chả download thêm được episode nào.  Mình tiếc, nhưng cái gì không được là không được, thôi qua đi.  Cụt hứng. 

Hai năm sau tình cờ rồi lại có người cho link để download toàn bộ.  Sướng lắm, cất kỹ vào máy chờ dịp nghe cho đã, mà đã qua 1 năm vẫn chưa nghe.  Bây giờ phải viết nên phải lục lọi, và mình nghe lại.  Thật đã, thật bồi hồi.  Những giọng hát ngày xưa, vang tiếng thanh xuân với chút gì non dại khơi lại biết bao hình ảnh của mình cái thuở xa xưa ấy.  Năm 8 tuổi nghe Duy Khánh hát mình đã có thể hát lại bài Cho Tròn Tuổi Loạn.  Kế là cái giọng lanh lảnh hơi mũi hơi cải lương của Hùng Cường một chăm em ơi chiều nay một chăm phần chăm.  Buồn cười, má nghe mình véo von hay quá tính cho mình đi học hát, ba trề môi dè bỉu xướng ca vô loài.  Vậy là thôi.  Thuở đó nhạc lính hát nỉ non quanh mình hàng ngày, bài nào mình cũng có thể hát lại vài câu.  Có anh Long lính không quân ngồi hát về đi kẻo người ta chờ kẻo người ta mong…, anh không khóc mà trong tiếng hát có giọt nước mắt, giữa trưa nắng chảy nhựa đường mình không nhấc chân lên được đến phải đi học trễ, chậy thục mạng. 

Vào trung học mình nghe Elvis Phương khóc lóc rằng nếu ngày mai lỡ chúng mình xa nhau, anh xin muôn kiếp yêu em mà thôi, cảm động tần ngần !!!  Còn cái gì nữa, trong quan tài buồn hồn nghe xa xôi lắm tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe thấy thương thân.  Quả mình thấy thương thân mình.  Cuộc sống, nó lạ lẫm mới mẻ mà sao cứ bay tơi như xác pháo, cứ như có một cái gì đó quấn quanh buồn khi mình chỉ mới bước vào trung học, ngay cả phim Cleopatra cũng không dám xem vì không dám xin ba cho đi xi nê.  Mình cứ mải mê với những bài tình ca, những bài nhạc trẻ.  Mình mua sách kẻ ca rô về chép nhạc, mình học thuộc những lời hát chả rõ ý nghĩa gì.  Và nghe những giọng thanh xuân ấy cất lên, mình cứ thấy như có ai thộp vào ngực mình bóp nghẹn trái tim.   

Khi đã đến tuổi mộng mơ, thì tới những bài Julie Quang hát, cái gì ngày mai đi nhận xác chồng say đi để thấy mình không là mình, rồi anh lên lon giữa hai hàng nến trong, rồi Thái Thanh anh trở về bại tướng cụt chân; trời đất ơi, tuổi biết yêu của mình sao hết hồn, sao tối mù ảm đạm.  Đang giữa lúc ngắc ngư như vậy, thì thọt vào một bài thật lỡ cung đàn, mà rồi mình nhớ hoài, anh yêu em bằng nước mắt đứng lưng trời bằng tia máu ứa trong tim dần khô héo…  Giờ nghĩ lại, nếu không có tháng 4 đen không chừng mình thành đại lý nhạc sến.  Hay mình đã thành mà không biết? 

Đã có Nguyễn tất Nhiên cứu.  Bây giờ những bài thơ của Nguyễn tất Nhiên đọc qua một lần là nhớ vanh vách, nghe cái giọng nhè nhẹ êm đềm của Duy Quang hát thì bài nào cũng là tuyệt phẩm cả.  Không nghe Thái Thanh hú nữa, già nua lắm !!!.  Còn, còn Thanh Mai hát nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, cái giọng nhè nhẹ vừa mỏng vừa dòn vừa mát, tóc stone mắt sáng ngây thơ nhạc rất lạ.  Còn, còn một bài của Quốc Dũng Thanh Mai mà không nghe ông 70-năm-tình-ca nhắc, bài em có nghe gì không tiếng than từ miền hỏa tuyến giữa chiến trường…xác quân thù…chất cao ngập trong hận đầy…không làm sao nhớ được vì không có ai hát lại…  Những tiếng người xưa…  

Và giữa muôn tiếng thanh xuân, muôn âm thanh cũ, mình bất chợt nghe lại một giọng buồn buồn, giọng của người xưa.  Dĩ vãng, chưa xa lắm mà đã thành thiên thu, mà đã khói xây thành.  Nghe tiếng người xưa, một nhịp tim thắt lại.  Một khúc phim buồn, một nhịp sầu rơi.  Mình ngồi trầm ngâm nghe tiếng xưa, nghe một chút ngậm ngùi trong giọng cũ…  có nhiều khi mình nghĩ biết đâu chỉ là mình có những khắc khoải vẩn vơ, chứ cuộc đời xuôi chảy lặng lẽ, có chi đâu mà buồn. 

Rồi tần ngần mở lại trang nhật ký, xem lại những mẩu chat còn lưu…  Những xúc động còn rực trên hàng chữ, mình sững sờ_hình ảnh như lóe trước mắt, you’re my knight in shining armor, người xưa nay đã xa. 

Mình vẫn ngồi trầm ngâm.  Nhớ phim Clara’s Heart.  Cậu bé trước cảnh mẹ cha gấu ó và chia đôi đường thấy chán ngán muốn theo bà vú, nhưng bà không bằng lòng, rằng cậu phải theo mẹ vì đó là nơi tốt nhất.  Nhiều năm sau cậu về thăm vú, và nói với vú rằng cậu không quên bà, nhưng thật khó chịu khi phải nhận rằng vú đã nói đúng, thật khó mà nhận rằng dẫu xa vú là điều khốn khó nhưng đó là quyết định đúng của vú.  Mình nhìn hàng chữ lưu lại, buồn đọng trong lòng.  Khi người ấy đóng cánh cửa vào mặt, mình đau đớn dằng dai.  Ngày tháng qua đi, không ngày nào mình không tự hỏi, người ấy xem thường mình hay người ấy bảo vệ mình, người ấy từ chối mình hay người ấy tự ngăn lòng để không bước quá một biên giới vô hình.  Nhưng thế nào rồi cũng xong.  Nhạn đã quá trường không, ảnh đã trầm hàn thủy.  Chúng ta nay đứng đôi bờ vực, cùng đớn đau một cái chết và cùng ngoảnh mặt với nhau.  Nghe tiếng người xưa, đáy mắt như chao đảo... 

Một ngày mưa bay trên tóc
Một ngày thôi hết nắng vàng
Một ngày rời xa lớp học
Cuộc đời bước xuống, mênh mang 

Ngậm ngùi.  Mình nhớ, Trương Vấn đã có lần viết recap cho 70-năm-tình-ca, giới thiệu và gói ghém những lời cảm tạ.  Hôm nay nghe lại chương trình, mình vẫn muốn gửi riêng đến Hoài Nam lời cảm mến cám ơn dẫu muộn màng, vì những tiếng xưa mà ông đã cất công sưu tập.  Tuổi thơ, những ngày mới lớn, một quê hương xôn xao ngầy ngật, một tuổi trẻ chới với quay cuồng ngơ ngác, và một tuổi buồn khi đã thấm mệt nơi xa…  Tất cả, trong một ngày se nắng.

March 05. 12
LN 




No comments:

Post a Comment