Saturday, March 24, 2012




Hãy yên nghỉ trên Đồi Hồng, Hảo nhé!

Bích Huyền  


   Nhắc đến tên Hồng Hảo thì có lẽ không ai học cùng thời mà không biết.
   Hồng Hảo là một người đẹp của Trưng Vương. Vóc dáng thanh thanh xinh xắn, gương mặt đẹp như thiên thần.



                                        Bìa báo Xuân Kịch Ảnh 1960 với hình của Hồng Hảo 

   Giờ ra chơi, có một lần tôi đứng sau bờ tường hành lang, nhìn xuống sân trường giữa muôn cánh bướm trắng bay lượn, Hồng Hảo như rực sáng khiến ai cũng phải chiêm ngưỡng….
   Tôi không học cùng lớp với Hồng Hảo nhưng chúng tôi vẫn thân nhau vì sinh hoạt văn nghệ trong trường, nào ngồi xe hoa của trường diễn hành trong ngày Phụ Nữ Việt Nam (Lễ Hai Bà Trưng), nào đi uỷ lạo chiến sĩ ngoài tiền tuyến, nào dự đại hội Văn nghệ Học sinh Sinh viên,  nhất là những buổi tập hát tam ca với nhau cùng với Tâm Đạt, bản Thanh Bình Ca của nhạc sĩ Nguyễn Hiền.

                                                Từ trái: Bích Huyền, Tâm Đạt, Hồng Hảo

   Yêu ca hát từ thuở học Tiểu học, cho nên tôi nguỡng mộ hình ảnh Hồng Hảo đứng một mình trước micro với ban hợp ca Hạc Thành trong khi chị Thể Tần và các anh Nhật Bằng, Nhật Phượng cùng đứng bên nhau phía xa xa phụ họa theo Hồng Hảo trong ca khúc Được Mùa, Sáng Rừng, Tiếng Sáo Thiên Thai…
   Ban hợp ca Hạc Thành của nhạc sĩ Trần Nhật Bằng, ban tứ ca đầu tiên ở Hà Nội với bốn anh em Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo. Có thể nói Ban Thăng Long và Ban Hạc Thành là hai Ban hợp ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.
    Hồng Hảo và ban hợp ca Hạc Thành  đã để lại những hình ảnh và giọng hát thư sinh rất đẹp trong lòng giới học sinh, sinh viên thời ấy. Nhìn và nghe ban Hạc Thành trình diễn, người ta cảm nhận được nét thanh xuân tươi tắn và không khí rất Hà Nội một thuở thanh bình…
    Rời trường Trưng Vương, tôi và Hồng Hảo vẫn thân nhau. Bạn của anh Thế tôi là anh D rất yêu Hồng Hảo, thường nhờ tôi mang ô mai vào trường cho Hảo, nhưng rồi chuyện hai người cũng không thành. Sau này, người yêu của Hảo (anh Đoàn Đình Nam, là người bạn đời của Hảo) và người yêu của tôi đều học Y khoa. Chúng tôi có những chuyến đi chơi rất vui, khi Biên Hòa, khi Thủ Đức, có cả Đức Hạnh, Kim Hoàng…
    Thế rồi Hảo và Nam lập gia đình. Ngày cưới Hảo không thiếu một bạn thân. Anh Nam chuyển lên Đà Lạt, chúng tôi chỉ gặp nhau rất ngắn khi Hảo có dịp về chơi Sàigon.
     Mối tình xưa của tôi với người cũ Y khoa có duyên mà không nợ nên đành đứt đoạn. Sang đây, nghe tin anh đau ốm nặng, tôi… “gặp lại” người yêu xưa qua phone, chỉ nghe tiếng anh khóc. Anh nhớ màu son tôi dùng, màu móng tay Pink Cloud tôi sơn…Và tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của anh “đám mây hồng ấy anh không còn nhìn thấy nữa trong đời”. Anh nhắc lại những ngày vui bên tôi cùng với nhóm bạn Trưng Vương, nhất là Hồng Hảo vì anh có chở tôi đến chơi nhiều lần. Và chính anh đã giữ và gửi lại tôi hình chụp hôm đám cưới Hồng Hảo đã vàng úa theo thời gian.
    Vào đời, các bạn xưa mỗi đứa  một nơi, lo chuyện gia đình nhưng Hồng Thủy (khi đó ở Cam Ranh) và Hồng Hảo bao giờ cũng liên lạc với tôi. Tôi không thể nào quên những trái mận ròn tan Đà Lạt của Hảo và những con khô mực vùng Cam Ranh ngọt ngào của Hồng Thủy mang về Saigon cho tôi… 

    Khi tôi theo chồng lên Đà Lạt thì gia đình Hảo lại chuyển về Sài Gòn. Nhưng tình bạn chẳng hề phai cho dù biến nạn 1975. Các bạn tôi ra đi, hình như chỉ có tôi ở lại. Những lá thư, những gói quà vượt đại dương với bao nhiêu nỗi niềm chia sẻ mà tôi nhận được từ các bạn học Trưng Vương...
     Năm 1990 tôi sang định cư tại quận Cam Nam Cali. Năm 1992 Hồng Thủy và một vài người bạn mua vé máy bay cho tôi và con gái tôi sang DC tham dự Đại Hội Trưng Vương Hoa Anh Đào.
      Có lẽ đây là thời gian tôi sống gần Hồng Hảo lâu nhất.
      Khi đó Hảo mới nhuốm bịnh. Năm 1997 đám cưới con gái tôi, Hồng Hảo không tham dự. Mỗi lần Hảo từ Wisconsin về, chỉ hẹn vài người bạn thân ra quán ngồi ăn quà với nhau. Rồi từ đó tôi chỉ nghe tin tức về sức khỏe của Hảo qua những nguồn tin rất xấu từ bạn bè đưa lại, nghe mà ngậm ngùi cho bạn một mình trong nursing home. Đức Hạnh, Hồng Thủy và tôi đã dự định đi Wisconsin thăm Hảo. Gần đây nhất tin tức rất xấu từ những người bạn Trưng Vương: Hảo đã bị cưa chân.
    Nghe cứ lạnh cả người! Và càng thôi thúc chúng tôi phải rủ nhau đi thăm Hảo.
    May anh Nam di chuyển về San Diego. Thế là Đức Hạnh và tôi cùng Thảo, Sâm có dịp đến thăm.

     Chuyến thăm Hảo thật tuyệt vời!
     Những phút giây đầu tiên cả Đức Hạnh và tôi đều hồi hộp đến độ run sợ vì e rằng mình sẽ oà khóc, sẽ …lặng người đi khi nhìn thấy Hảo tang thương.
    Cửa mở ra, Hảo ngồi dựa lưng trên ghế nệm salon, hai chân duỗi dài trên một chiếc ghế khác . Một phong cách rất thoải mái. Anh Nam nói rằng Hảo vẫn thường ngồi như thế để xem Paris By Night. Và thường khen giọng hát Bằng Kiều…
    Da dẻ Hảo trắng trẻo, hồng hào. Gương mặt trẻ thơ, trong sáng. Nếu hàm răng còn đầy đủ , có lẽ Hảo trẻ hơn những người bạn đến thăm nhiều vì tóc Hảo không nhuộm mà vẫn màu đen. Hảo nhận ra từng người bạn thân thiết ngày xưa. Không tự hỏi chuyện ai nhưng Hảo trả lời những câu hỏi rất ngắn gọn, chính xác.
   Đức Hạnh mua mít và trái vải cho Hảo. Hảo chọn trái vải, ăn từ tốn trông rất ngon lành. Khi Hạnh hỏi Hảo thích ăn gì để lần sau đến thăm nấu cho Hảo ăn thì Hảo chọn món bún thang.
   Méo mó nghề nghiệp, tôi muốn nghe lại giọng hát của Hảo, của Ban Hạc Thành ngày trước. Anh Nam mở cho chúng tôi nghe. Khi Hảo hát, chúng tôi giả vờ hỏi có phải giọng chị Thể Tần thì Hảo trả lời ngay: Hảo hát đấy. Đến bài anh Nam hát, mọi người khen hay, Hảo nói rằng : Nam hát cũng được thôi!
    Điều đó chứng tỏ Hảo rất khiêm tốn. Hảo còn thể hiện rõ hơn khi tôi nhắc lại cuối thập niên 1990 Hảo về Sài Gòn đến nhà thăm tôi. Mẹ tôi khi đó bệnh đã lâu mà vẫn còn nhớ “cô Hồng Hảo, người đẹp nhất Sài Gòn”.
    Hảo nghe xong chỉ im lặng.
    Khi tôi hỏi anh Nam “các con có ở gần đây?”, anh nói các cháu mỗi tuần đều về thăm mẹ và yêu mẹ lắm. Thế là Hảo tủi thân oà khóc. Tôi dỗ “Hảo đừng khóc nữa, hãy cười lên đi để Bích Huyền nhìn thấy đôi mắt đẹp và cái lúm đồng tiền của Hảo”. Rất trẻ thơ, Hảo cười trong nước mắt. Ai cũng cười theo. Tôi khen mắt Hảo còn đẹp lắm, má lúm đồng tiền dễ thương lắm. Hảo trả lời “Huyền cũng đẹp vậy!”
    Hảo lại một lần khóc nữa khi chúng tôi từ giã ra về. Chúng tôi đành phải viện cớ về nhà lấy quần áo thì Hảo nói ngay “mặc quần áo của Hảo”…
    Hơn hai giờ đồng hồ bên Hảo, chúng tôi cảm thấy thật vui.
    Hảo vẫn là Hảo trong tình thương yêu của anh Nam, của các con cháu.
    Anh Nam nói rằng “chỉ khi nào tôi vào nursing home thì Hảo mới vào”.
    Tất cả những lời đồn đại về Hảo, về anh Nam đều hoàn toàn sai lạc.
    Anh Nam vẫn yêu thương và săn sóc Hảo. Là bóng mát che chở Hảo mùa hè, là ấm áp ấp ủ Hảo khi trời đông. Thấy ánh mắt Hảo nhìn chồng là thấy hai người hoàn toàn hạnh phúc trong hoàn cảnh an nhiên tự tại.
    Chúng tôi ra về, niềm vui hội ngộ còn giữ mãi…
    Lòng tôi giao động khi sau này nghe anh Nam kể rằng, có đêm Hảo chợt hỏi anh Nam “Bích Huyền đâu? Đức Hạnh đâu?”
   Tôi tự hứa sẽ đến thăm Hảo nhiều hơn.
   Lời hứa sẽ không còn thực hiện được nữa rồi. Buổi sáng 3/3/2012 nghe Minh Trân báo tin, bệnh Hảo trở nặng buổi chiều đưa vào nhà thương ngay, nhưng Hảo đã trút hơi thở cuối cùng vào đêm hôm đó.
    Hồng Hảo đã đi vào nơi miên viễn, bỏ lại những năm tháng dài trên giường bệnh là một giải thoát nhẹ nhàng, thế nhưng sự vắng mặt của Hồng Hảo trên cõi đời này đã để lại một khoảng trống vắng rộng lớn trong gia đình,  trong lòng bạn hữu bao nỗi tiếc thương.
    Nước mắt nào đầy vơi, khóc sao cho đủ, Hảo ơi…
    Hãy yên nghỉ trên Đồi Hồng, Hảo nhé!

BH




Thursday, March 22, 2012


Đóng đinh thập giá

Kahlil Gibran, Nguyễn Ước dịch


                                                          Yellow Christ. Gaugin

Lời người dịch:
Giáng Sinh được xem là một lễ hội hầu như trên khắp thế giới, có lẽ vì tính cách vui tươi, bình an, đại chúng và thậm chí thương mại của nó. Thế nhưng, đại lễ quan trọng nhất của Kitô giáo, mang tính căn nguyên và được giáo hội quy điển hóa hơn 300 năm trước lễ Giáng sinh ngày 25 tháng Mười hai, đó là lễ Phục sinh (Easter hay Pâques). Đức tin Kitô giáo đặt cơ sở trên mầu nhiệm Phục sinh. Lễ Phục sinh là cao điểm kết thúc tuần thương khó (khổ nạn, passion) tuẩn tử cứu độ và sống lại vinh quang của Giêsu mà theo thần học Kitô giáo, cũng là tiêu biểu cho diễn tiến đáng ao ước của cuộc sống Kitô hữu. Nếu không có tín lý Phục sinh, toàn bộ giáo thuyết Kitô giáo sụp đổ. Vì thế, lễ Phục sinh đầy lạc quan đó được tái hiện hằng tuần ở một quy mô nhỏ hơn, vào ngày Chủ nhật.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một tiểu phẩm của Kahlil Gibran có nhan đề “Đóng đinh Thập giá (viết trong ngày Thứ sáu Tuần thánh)” viết về “Giêsu Cứu thế”.
NƯ.
  
Hôm nay, vào đúng ngày này mỗi năm, loài người bừng tỉnh khỏi giấc ngủ say và đứng trước bóng ma của các Thời đại, nhìn với đôi mắt đẫm lệ về Núi Sọ để chứng kiến Giêsu Nadareth bị đóng đinh trên Thập giá. . . Nhưng khi ngày qua đi và tới chiều hôm, loài người lại quay về quỳ gối cầu nguyện trước ngẫu tượng được dựng lên trên mọi gò đồi, mọi đồng cỏ và mọi nơi đổi chác lấy miếng ăn.

Hôm nay, các linh hồn Kitô hữu cưỡi lên đôi cánh ký ức bay tới Jerusalem. Ở đó, họ sẽ đứng thành những đám đông, đấm ngực mình và đau đáu ngó Ngài đầu đội vòng gai, dang hai tay trước trời cao và nhìn từ đằng sau chiếc mạng của Cái chết vào những chốn thẳm sâu của Sự sống.
Nhưng khi màn đêm buông xuống sân khấu ban ngày và vở kịch ngắn ngủi ấy kết thúc, các Kitô hữu sẽ làm thành từng nhóm, trở về nhà rồi ngã mình trong bóng tối lãng quên giữa những chăn màn của mông muội và lười biếng.

Vào ngày độc nhất này của mỗi năm, các triết gia rời hang động tối tăm, các nhà tư tưởng rời căn buồng lạnh lẽo, và các thi sĩ rời lùm cây tưởng tượng của mình; tất cả đến đứng cung kính trên núi đồi tịch mịch đó, lắng nghe tiếng của một người trẻ tuổi nói về những kẻ giết Ngài: "Cha ơi, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm."
Nhưng sau khi thinh lặng của bóng tối làm lịm tắt tiếng nói của ánh sáng, các triết gia, các nhà tư tưởng và các thi sĩ quay về kẽ nứt chật hẹp và khâm liệm linh hồn mình bằng những trang giấy vô nghĩa.

Hôm nay, những phụ nữ thường ngày bận tâm làm đẹp với Cuộc đời, sẽ xõa tóc đi gặp một người mẹ đau khổ đang đứng trước Thập giá, trông như thể chiếc cây nhỏ nhoi mỏng mảnh trước bão giông cuồng nộ; và khi tới gần bà, họ sẽ nghe tiếng nức nở rất thẳm sâu và tiếng than thở rất tê tái.

Hôm nay, những thanh niên và những thiếu nữ đang chạy đua với con nước lũ văn minh hiện đại, sẽ tạm dừng chân ngoái mặt nhìn lui để thấy Maria Magdala trẻ trung đang rửa bằng nước mắt các vết máu từ chân của Đấng thiêng liêng bị treo giữa Trời và Đất, và khi ánh mắt hời hợt của tuổi hoa niên thấm mệt với cảnh tượng đó, họ sẽ ra đi và chẳng mấy chốc rộn lên tiếng cười ròn rã.

Vào ngày này mỗi năm, Loài người thức dậy với cơn tỉnh giấc của mùa xuân, tới đứng khóc lóc bên Người Nadareth đang chịu khổ hình, và rồi Loài người sẽ khép cả hai mắt, đầu hàng giấc ngủ say. Nhưng mùa xuân vẫn thức, đang mỉm cười tiến bước cho tới khi quyện vào mùa hạ mang y trang vàng rực ngan ngát hương. Loài người là kẻ than khóc, kẻ thưởng thức sự than khóc những hồi ức và những anh hùng của các Thời đại.

. . . Nếu loài người có sự hiểu biết, hẳn nó tận hưởng vinh quang của mình. Loài người giống như đứa bé đứng với niềm vui sướng bên cạnh con thú chấn thương. Loài người cười thành tiếng trước khi cơn nước lũ ngày càng mãnh liệt mang vào quên lãng những cành khô và cuốn trôi tất cả những gì không gắn bó với sự mạnh mẽ.
Loài người xem Giêsu Nadareth như một kẻ sinh trong nghèo khó, chịu khốn khổ và bị sỉ nhục cùng với hết thảy những kẻ yếu. Và Ngài được thương xót vì Loài người tin rằng Ngài bị đóng đinh đau đớn vô cùng. . . Và tất cả những gì Loài người dâng lên cho Ngài là lời kêu khóc, rên rĩ cùng than van. Suốt rất nhiều thế kỷ, Loài người đã thờ phụng sự yếu đuối trong con người của Đấng Cứu thế.
Không, Người Nadareth ấy không yếu đuối! Ngài mạnh mẽ và là người mạnh! Nhưng người đời không chịu để ý tới ý nghĩa thật sự của sức mạnh ấy.
Giêsu không bao giờ sống cuộc sống sợ hãi. Ngài cũng không chết trong khổ đau than van. . .
Ngài sống như một thủ lãnh; Ngài bị đóng đinh như một chiến sĩ đấu tranh. Ngài chết với phong thái anh hùng, làm những kẻ giết Ngài và hành hạ Ngài phải run sợ.
Giêsu không là con chim với đôi cánh gãy. Ngài là cơn bão thịnh nộ đánh gãy mọi đôi cánh cong. Ngài không sợ hãi kẻ ngược đãi mình lẫn đối thủ của mình. Ngài không khổ sở trước những kẻ giết Ngài. Ngài tự do, dũng cảm và dám đương đầu. Ngài thách thức hết thảy những kẻ bạo ngược và những kẻ áp bức. Ngài nhìn thấy những mụn nhọt hay lây và Ngài cắt bỏ chúng. . . Ngài làm câm lặng Cái ác, Ngài nghiền nát Dối trá và Ngài làm tắc nghẽn Phản bội.
Giêsu không đến từ tâm điểm của vòng tròn Ánh sáng để phá hủy nhà cửa và xây lên trên đó các nhà dòng hay tu viện. Ngài không thuyết phục kẻ mạnh trở thành một tu sĩ hay một tư tế, Ngài đến để gởi tới thế gian một tinh thần mới, với sức mạnh nghiền nát nền móng của bất cứ đế chế nào xây dựng trên xương người và sọ người. Ngài đến để triệt hạ những cung điện uy nghi được xây cất trên huyệt mộ của kẻ yếu, và nghiền nát các ngẫu tượng được dựng lên trên thân xác của người nghèo. Giêsu không được sai tới chốn này để dạy dân chúng xây lên các thánh đường nguy nga và các đền thờ tráng lệ ở giữa những túp lều lụp xụp lạnh lẽo và những nơi cư ngụ tối tăm ảm đạm . . . Ngài đến để làm cho tâm hồn con người thành đền thờ, linh hồn thành bàn thờ và tâm trí thành tư tế.
Đó là các sứ mệnh của Giêsu Nadareth, và đó là những lời giảng dạy mà vì chúng Ngài bị đóng đinh vào Thập giá. Và nếu Loài người khôn ngoan, ngày hôm nay nó sẽ đứng và hát trong sức mạnh của bài ca chinh phục và khúc ca khải hoàn ấy. . .

Hỡi Giêsu bị đóng đinh, Đấng từ Núi Sọ đang xót xa nhìn cuộc diễu hành buồn thảm của các Thời đại, đang nghe tiếng huyên náo của các quốc gia tối tăm và đang thấu hiểu các giấc mơ của Vĩnh cửu. . . Trên Thập giá, Ngài vinh quang và uy nghiêm hơn một ngàn hoàng đế ngồi trên một ngàn ngai vàng trong một ngàn đế quốc. . .
Trong khổ hình của cái chết ấy, Ngài có quyền năng hơn một ngàn tướng lãnh trong một ngàn cuộc chiến tranh. . .
Với xót xa của mình, Ngài vui sướng hơn mùa xuân và các đóa hoa của nó. . .
Với đau khổ của mình, Ngài thinh lặng dũng cảm hơn các thiên thần đang khóc lóc trên trời. . .
Trước kẻ đánh đập mình, Ngài vững vàng hơn núi đá. . .
Vòng gai nhọn của Ngài sáng chói và siêu phàm hơn vương miện của Bhram. . .
Những cây đinh xuyên qua bàn tay Ngài đẹp đẽ hơn quyền trượng của Jupiter. . .
Những đốm máu rơi vãi trên bàn chân Ngài rực rỡ hơn chuỗi hạt trên cổ Ishtar. . .
Xin tha thứ cho những kẻ nhu nhược than khóc Ngài hôm nay vì họ không biết khóc than cho chính họ. . .
Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng Ngài đã chinh phục sự chết và tuôn sự sống xuống trên kẻ chết. . .
Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng sức mạnh của Ngài vẫn đang chờ họ. . .
Xin tha thứ cho họ vì họ không biết rằng mọi ngày đều là ngày của Ngài. . .

NGUYỄN ƯỚC

Wednesday, March 21, 2012


Chiều ra bến métro nhớ chút Paris nhớ bạn  

Đinh Cường  


                                           Cung tuong nhớ sáu năm ngày mất Thanh Tâm Tuyền * 

Nơi có những người bạn lâu năm
Siphani, Chu Nguyệt Nga, Công Thế Cường,
Bạch Thái Quốc, Kiệt Tấn, Lê Tài Điển,
cách hai giờ lái xe về Orléans có Đặng Tiến

nhớ đêm gặp nhau ở Coulommiers
khu phố cổ nơi căn phòng nhỏ đầy tranh
Ông Quý Công ( Công Thế Cường giải thích vì sao
lấy biệt hiệu này quên rồi )
tranh bạn vẽ, những đốm màu nhũ bạc, đường cong
uốn lượn phiêu hốt phiêu bồng chữ thơ Bùi Giáng
hay những mật ngôn đắm đuối tình yêu
thân phận kiếp người lời nhạc Trịnh Công Sơn

xa xưa hơn nhớ Château de La Grève
nơi Siphani ở, Bửu Ý từng viết người đóng mở cửa sổ
thật vậy cái lâu đài và cánh rừng mênh mông ấy
làm sao Siphani và Gérard lo cho xuể

nhớ buổi chiều Gérard đón tôi ở ga lẻ
gợi nhớ ga Tháp Chàm đêm khuya hoang vu
đêm về ngồi quanh lò sưởi ấm uống rượu quý của château
lò sưởi cũ kỹ lên nước hàng trăm năm

tôi đã vẽ viền theo vách vôi tường cũ
khuôn mặt ai như người thi sĩ tôi thương yêu
Thanh Tâm Tuyền, không hiểu sao lúc ấy tôi nhớ anh
có lẽ vì đốm lửa thông cháy âm ỉ,

mùa đông xám ngoài cửa kính khu rừng già
vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
về trong xây xẩm buổi tàn đông
lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
ảm đạm lòng ta chiều cuối năm**

Lê Hữu Khóa viết và phỏng vấn anh rất hay
Thơ giữa chiến tranh và trại tù trong La Part d’ Exil ***

Khóa và Bích Anh cùng ăn cơm chiều hôm ấy
có muỗng nĩa xưa, hàng nến lung linh tình bạn
và những bức tranh xanh màu hortensia của tôi
hơn hai mươi năm rồi Siphani ơi  

chiều nay ra bến métro nhớ chút Paris nhớ bạn
nhớ ngày mai 22 tháng 3 giỗ Thanh Tâm Tuyền .

Virginia, 21 March 2012


                                                        Phần mộ Thanh Tâm Tuyền
                                                           tại Nghĩa trang Roselawn
                                                             Roseville- Minnesota
                                                              Ảnh Dzư Trinh Thảo
* Thanh Tâm Tuyền tên thật Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3
   năm 1936 tại Vinh ( Nghệ An ) mất trưa ngày 22 tháng 3 năm 2006
   tại thành phố Saint Paul, Minnesota
**Chiều cuối năm qua xóm nghèo – Thơ ở đâu xa, trang 36  
   Trầm Phục Khắc xuất bản 1990   
***La Part d’ Exil- Lê Hữu Khóa, nhà xb Université de Provence 1995




Bay cao lên, những thiên thần bằng sành

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh




1
   Bé Thơ trở về khi mùa đông gần tàn lụi.

   “Bé Thơ” vẫn được gọi là “Bé” khi về đến mái gia đình. Bởi “Bé” xa nhà đã ba mươi năm, khi còn là một cô nhóc đang học những năm đầu bậc trung học. Mà không riêng gì Bé Thơ, hầu như mỗi cô cậu nhóc trong khu xóm này đều có một cái tên để gọi ở nhà. Tên Bé Thơ là còn đẹp đấy, vì Thơ là tên đi học. Có một số đứa tên Xí, tên Tèo, tên Tí, tên Cu… nghe thì tức cười và không ai muốn được gọi bằng những cái tên đó khi lớn lên vì mắc cỡ. Bé Thơ, tên gọi ở nhà, đã thành một chữ kép. Và cái tên đó nghe không mắc cỡ.
   Anh chị Danh đón Bé Thơ về nhà ngay bằng chiếc xe Simca cà tàng, loại thịnh hành từ trước năm 75. Không có máy điều hòa, chỉ có chiếc quạt máy nhỏ xíu gắn ngay bên hông tài xế làm mát cho cả xe. Nhưng không cần mở chiếc quạt này, vì trời đang là cuối đông, và không khí lúc càng lên cao càng mát lạnh. Bé Thơ đang về lại nhà xưa.
    Sương mù! Sương mù đầy cả! Bé Thơ reo lên như đứa con nít. Đã lâu không được hưởng cái cảm giác đi trong sương mù. Bé Thơ nhớ có những khi anh Danh gò lưng đạp xe đạp chở Bé đi học, lên con dốc cao, bỗng anh phải dừng lại vì sương mù từ đâu ập tới làm anh không thấy đường. Sương mù những ngày mùa đông như đám bông gòn xốp, vây lấy hai anh em. Thế là Bé Thơ tha hồ tóm lấy, mà tóm có được đâu! Sương mù lại bay đi nơi khác rất nhanh.
    Nhà xưa đây rồi! Căn nhà nhỏ ở giữa một con dốc rất đẹp. Căn nhà thuở ấu thơ của anh em mình đây, không thay đổi bao nhiêu. Chỉ có một điều mới, đó là phía trước có thêm một lò gốm. Anh Danh bảo gọi là “lò gốm” cho oai chứ đó chỉ là một cái lò gốm mi-ni, lò gốm tí hon, anh chị chỉ sản xuất những món đồ trang trí chứ không có sức để làm ra những hũ bình lu khạp to lớn. Bé Thơ reo lên khi trông thấy những bức tượng búp bê, những con thú, những đồ chơi đủ loại dành cho con nít. Anh Danh hẳn đã có một cách sinh sống khá an nhàn. Nhưng hay hơn hết, là anh đang sống với cái thế giới trẻ thơ do anh tự tạo ra.
   Và đây rồi! Những thiên thần bằng sành!
    Bé Thơ òa khóc. Những thiên thần nhỏ nhắn xếp tăm tắp bên nhau, anh Danh sắp đầy trong một cái tủ. Không phải là hai mươi, mà dễ có đến mấy trăm. Bé Thơ thương anh Danh quá! Ngày xưa, ngày Bé Thơ còn là đứa bé con sắp “tốt nghiệp mẫu giáo”, anh Danh đã làm cho Bé những thiên thần bằng sành. Hai mươi thiên thần. Đúng số tuổi hai mươi của anh. Số tuổi quá đẹp của đời người. Anh đã vội vàng bỏ Bé mà đi trong một buổi sớm mùa đông. Bé thức dậy reo vui khi thấy những thiên thần mơ ước của mình. Một mảnh giấy đặt bên cạnh những thiên thần đó với nét chữ của anh Danh: “Anh là Ông Già Nô-en, đêm nay đến tặng cho bé Thơ món quà này. Ông Già Nô-en hết tiền, nên chỉ cho bé hai mươi thiên thần bằng sành. Cho bé ngoan mãi”. Anh đã đi thật sớm. Đã đến ngày anh đi rồi! Tượng thiên thần thứ hai mươi chưa hoàn thành. Có một cái cánh gắn chưa kỹ vào vai. Dù thế, Bé vẫn cho nó nhập bọn với những tượng kia. Bé sắp cho các thiên thần đứng chung với nhau thành một dãy dài trên bàn học. Bé ngắm những đồ chơi đó và mỉm cười một mình. Tự nhiên Bé thấy nhớ anh Danh kỳ lạ. Khi đó anh đang đi ở một nơi nào. Anh không có mặt ở nhà để thấy Bé vui với những thiên thần nhỏ. Anh đi xa rồi! Bé phải đi học với chị Thi. Và những hôm chị Thi bận, Bé phải đi học một mình. Bé leo về con dốc cao, đường có nhiều hoa Cúc, dừng lại một chốc ở trước lò gốm. Người ta đang tiếp tục làm những chén đĩa hũ bình, phơi đầy sân và chờ đem bán. Lúc đó Bé muốn reo lên cho người ta biết rằng chưa có ai nghĩ ra việc làm những thiên thần bằng sành cho trẻ nhỏ. Chỉ có anh của Bé mới làm được mà thôi. Người ta sẽ hỏi rằng anh của Bé là thợ trong lò gốm, là họa sĩ hay là nhà điêu khắc? Bé sẽ đáp rằng anh của Bé chỉ là một người biết đạp xe đạp chở em đi học và biết mua kẹo cho em ăn. Kỷ niệm của anh Danh và Bé là đó!..
   - Bé Thơ! Nín đi! Bây giờ Bé không cần ao ước nữa nhưng cũng có đến mấy trăm thiên thần. Bao nhiêu năm qua, cứ đến Nô-en thì anh lại ra sức làm những thiên thần bằng sành cho Bé, nghĩ đến một ngày Bé trở lại, Bé sẽ được vui với món quà này.
   - Anh Danh, Bé cám ơn anh.
   -Anh em mình mà!
   -Anh Danh, ngày xưa mỗi năm nhận được quà Nô-en, Bé chỉ nói cám ơn Ông Già Nô-en mà không cám ơn anh. Bây giờ Bé phải nói cám ơn anh mấy chục lần. Nhiều thiên thần quá, Bé chắc phải đóng đến năm bảy thùng để đem đi đó!
   Hai anh em ôn lại những kỷ niệm xưa tưởng chừng vô tận.

2
   Anh Danh dẫn Bé Thơ đi thăm “lò gốm” của anh, cái lò gốm chỉ làm toàn những đồ chơi và hàng trang trí. Anh nói như mơ màng trở về kỷ niệm:
    - Bé Thơ biết không, ngày xưa anh nặn tượng thiên thần tặng Bé, vì là thợ gốm “tay ngang” nên không để ý rằng đồ sành sứ phải được nung lên thì nó mới bền chắc, nếu không thì sẽ nứt gãy. Cái lò gốm này, tuy “mi-ni” nhưng anh theo rất đúng quy trình của một nơi sản xuất gốm nhà nghề. Anh học một ông thầy tốt, truyền hết kinh nghiệm cho anh, và cũng là người giúp anh xây dựng cơ ngơi này, nhờ đó anh chị không đến nỗi chết đói. Hai vợ chồng làm lụng nuôi nhau, thế là vui.
   - Bé cũng vui vì anh chọn ở lại và… không bị đói.
    - Trời thương anh, Bé ạ! Ngày đó khi ba má dẫn các em đi, anh chọn ở lại vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình trên bước đường trốn chạy và cả lúc về sau. Anh biết mình sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì ở lại anh không được ai giúp đỡ hết. May mắn anh đã gặp chị, người con gái mồ côi trong chiến tranh, anh chị sống nương cậy nhau và lập nên cái lò gốm nhỏ này. Chị giúp anh rất nhiều đó! Trong những năm tháng đầu tiên, chị lái xe gắn máy đi chở đất về cho anh làm. Bây giờ anh chị sắm được chiếc Simca cà tàng của một gia đình đi định cư bán rẻ lại nên… anh lái. Mất một chân thì không được lái xe gắn máy nhưng được lái xe hơi, Bé thấy vui không?
   Bé Thơ nghẹn ngào nhìn chân anh Danh, cái chân đã mất. Anh Danh mất chân trên chiến trường sau ngày ký Hiệp định Paris năm 73. Cánh Dù đã rơi. Thiên thần Mũ Đỏ trở thành phế binh sau ngày “hòa bình” vì chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Cái ngày anh Danh trở về với cái chân đã mất, anh nói rằng anh không thể đạp xe chở Bé Thơ đi học được nữa. Bé đã khóc ròng vì thấy thiên thần phải chịu đớn đau. Chiếc xe đạp ngày xưa anh còn giữ trong cái kho sau nhà. Sườn xe, dây xích, “ghi-đông” đã rỉ sét hết. Hai bánh xe xẹp lép. Chỉ còn giữ lại những tiếng quay đều như reo vui khi Bé Thơ quay chiếc bàn đạp ngược chiều. Hai anh em theo tiếng quay đều ấy ngược về kỷ niệm.
   Và họ cùng bắt tay vào nặn tượng những thiên thần. Ngày xưa anh Danh đạp xe đi xin đất ở lò gốm, về nắn tượng, tô mầu, và thế là xong. Ngày nay đã trở thành thợ “nhà nghề”, anh Danh chọn mua đất sét thật tốt, khi muốn làm thì phải đập đất nhỏ ra, phun nước vào đất sét, nhào trộn rồi ủ qua một đêm, hôm sau mới đem ra, trộn đất với cát mịn rồi nhào cho nhuyễn trước khi nắn tượng. Nắn tượng thành hình dáng xong anh lại mang phơi dưới nắng một buổi cho khô bớt, rồi nhúng men, để khô, vẽ trang trí, rồi lại phơi nữa cho khô hẳn rồi mang đi nung. Bé Thơ biết làm giống như anh rồi! Bây giờ những sản phẩm đủ loại của anh, từ con heo “tiết kiệm”, cái tráp đựng nữ trang, cái hũ đựng tiêu hay muối cho đến những cái lọ đựng bút, những chiếc bình cắm hoa trang nhã… sẽ trở thành quà để các Ông Bà Già Nô-en mua về cho trẻ con. Những hang đá Giáng Sinh sẽ vui lên với các thiên thần nhỏ. Bé Thơ sẽ hưởng một mùa Giáng Sinh đầy yêu thương nơi này.

3
    Mấy anh chị em đi mua đất sét, tiện thể anh Danh thăm một người bạn đồng ngũ lâu ngày không gặp, sống ở khu vực gần đó. Anh và chị thay nhau lái xe, còn Bé Thơ thì không, chẳng là anh Danh đã bảo Bé Thơ “về đây là phải treo cái bằng lái lên giàn bếp”.
Đi ra khỏi thành phố sương mù, mới thấy cả một vùng đất bao la. Thuở nhỏ Bé Thơ nào biết quê hương rộng như vậy. Những con đường dốc đầy đất đỏ trơn trợt, những hàng rào hoa quỳ nở vàng rực trong ngày đông, những buổi trời mưa giăng kín, những sáng sương mù mờ ảo, đó là “quê hương” trong tầm mắt của cô bé. Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, Bé Thơ tự hứa sẽ tìm thấy lại một quê hương to tát hơn, thoáng đạt hơn. Bé Thơ sẽ viết một ký sự về vùng đất này.
   Đến nhà người bạn ở huyện Bảo Lâm, anh Danh thất vọng. Người bạn đã dọn đi. Anh đứng lại hỏi thăm. Những nhà hàng xóm cũng đang rục rịch dọn đi. Đi đâu? Họ tỏa ra nhiều phương hướng, nhường vùng đất này cho một dự án lớn. Ở đây làm sao sống?! Hoa màu do họ trồng trọt làm ra, cà phê và chè, đã bị nhiễm độc. Họ lắc đầu ngao ngán. Mấy anh chị em lên xe đi về hướng dự án đang thực hiện. Và chỉ được đứng ngó từ xa. Đây rồi, quê hương to tát của Bé Thơ! Một thung lũng hiện ra đỏ rực. Dưới đó, những chiếc xe lu, những chiếc máy gạt, máy xúc, xe chạy đất… hoạt động rì rầm, trông xa nhỏ như những chiếc hộp diêm. Chúng đang làm những công việc cuối cùng trong việc xây dựng hồ bùn đỏ!
   Mấy anh chị em đứng chết sững. Một quê hương bị tàn phá. Đất thịt đang bị cày xới để bán đi. Màu đỏ của những con đường thơ mộng cũng là màu đỏ của “tài nguyên” đang bị bán. Bauxite!!! Mai đây bùn đỏ sẽ theo những vết rò rỉ tràn ra đầy cả vùng đất dân cư đang sinh sống. Cây cối sẽ chết. Con người sẽ phải bỏ chạy. Những điều Bé Thơ chỉ nghe, bây giờ hiện ra rất rõ trước mắt. Những tiếng động cơ từ xa vẫn vang vọng thấu óc. Đất đỏ màu máu nhức nhối như chảy ra từ tim.

4
    Mùa đông sẽ tàn lụi, Bé Thơ biết như thế. Cả những cơn gió lạnh rồi cũng sẽ không còn. Còn một thứ vui thích của Bé ngày xưa là được nhận những món quà của “Ông Già Nô-en” cũng không còn nữa. Bé Thơ đã lớn, đã làm Ông Già Nô-en cho những đứa con của mình. Nhưng ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh bao giờ cũng trọn vẹn. Vì Bé biết trong những ngày chuẩn bị cho Giáng Sinh, những thiên thần nhỏ từ bàn tay anh Danh và Bé làm ra sẽ đến với các hang đá của thành phố này, trong những căn nhà nhỏ xinh xắn ở phố chợ, nơi ven đồi, hay bên bờ suối. Cho dù là ven đồi loang lổ vì bị cạo gọt cày xới, hay bờ suối nhem nhuốc uế nhiễm vì con người vô tâm, những người dân của xứ sở mù sương này vẫn là những con người thuần hậu. Cho dù những con đường sạch sẽ trong thành phố một thời thanh lịch đã được thay bằng những con phố rộng lớn nhưng lề đường bình an cho khách bộ hành lại chỉ còn dành cho xe cộ quán sá, người dân cũng biết co lại để tự bảo vệ lấy những gì tốt đẹp xưa của mình. Cho dù những ngôn từ lạ lẫm dùng tiếng lóng làm nền có tràn ngập trong sinh hoạt, người dân hiền lành cũng biết dạy cho con em mình những ngôn ngữ hiền hòa một thời làm nên phong cách của họ. Nhưng tội nghiệp lắm, mỏng manh lắm, cái sức đề kháng âm thầm đó!
    Bé Thơ dành nhiều thời gian để đi thu nhặt hình ảnh về “quê hương to tát” của mình. Bé vẫn sẽ viết một ký sự. Nhưng chắc là ký sự này sẽ không thơ mộng một chút nào. Ký sự sẽ nói thật rõ về những vùng-đất-thịt bị cày xới bán rẻ cho ngoại bang, về những người dân hiền lành bỗng chốc thấy mình xa lạ trên chính quê hương của mình.
    Anh Danh thì lại có thêm một suy nghĩ mới: anh đang nghiên cứu làm ra những đất sét màu, không độc hại, dành cho các học trò mẫu giáo và tiểu học. Anh nói người ngoại quốc qua mua đất sét của nước mình về làm ra đất sét màu rồi bán lại cho mình để dùng trong trường học. Một thời tuổi thơ của anh đã trôi qua, anh muốn làm chút gì để đền lại cho người khác.
    Những ngày đông đã tàn lụi. Lễ Giáng Sinh trôi qua êm đềm. Ông Già Nô-en được Bé Thơ cám ơn đến một trăm lần. Tượng thiên thần gãy cánh năm xưa anh Danh làm vội trước khi ra lại vùng hành quân đã được hàn gắn kỹ chiếc cánh gãy vào vai và được phủ thêm một lớp men sáng bóng. Bé Thơ phải đi.

5
    Bé Thơ đứng trong phi trường San Francisco. Bé đã dặn người nhà đừng đón, vì Bé sẽ đến ngay tòa báo. Bé muốn làm việc ngay trước khi trời tối rồi sẽ về nhà. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Cô bé có cái số di chuyển đã không ngừng nghỉ dù ở trong hoàn cảnh, trong công việc nào, đến đâu là bắt tay làm việc ngay nơi đó.
    Bé Thơ vào taxi. Chiếc xe chở Bé đi lên phố, rồi qua cầu Golden Gate. Bé hít một hơi dài như tìm chút thoải mái. Bé ngoẹo đầu định lim dim mắt nghỉ một chút. Nhưng kìa! Trên phần đường nhỏ sát thành cầu dành cho xe đạp và khách bộ hành, có hai anh em chở nhau trên chiếc xe đạp. Bé Thơ nhỏm dậy nhìn. Xem chừng lúc này trời đang gió khá mạnh. Đứa anh gò lưng đạp, trông hơi khó khăn giống như người ta đang đạp xe lên dốc. Đàng sau, đứa em gái nhỏ nhắn ôm chặt lấy anh.
    Rồi bỗng đâu một đám sương mù cuồn cuộn bay tới. Đám sương mù vây lấy hai anh em. Và không thấy rõ họ nữa…
   Thảng thốt, Bé Thơ lấy điện thoại ra, gọi về anh Danh. Đầu bên kia anh Danh hỏi:
   - Bé Thơ?
   - Dạ, anh Danh…
   - Bé đã đến nơi?
   - Dạ.
   - An toàn hả Bé?
   - Dạ…Anh Danh ơi!
   - Sao Bé?
   - Anh Danh ơi, Bé nhớ anh lắm!
   Rồi Bé Thơ bật khóc. Sương mù vẫn che kín hai anh em đang đạp xe trên cầu. Bên kia, anh Danh hẳn đang nghe Bé sụt sùi. Giọng anh nhẹ nhàng, ấm áp:
   - Bé Thơ, đừng khóc. Những thiên thần Bé đem theo về đó, chúng có những đôi cánh vững vàng, hãy cho chúng bay cao, bay cao lên mãi, Bé nhớ nhé!
    - Dạ, Bé sẽ nhớ. Anh Danh ơi! Bé nhớ nhà của mình. Bé nhớ quê của mình.
   - Nhớ quê của mình, Bé nhớ câu gì anh em mình nói với nhau không?
   - Bé nhớ. “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperriem, Give Pleasure to Some and Freshness to Others”, câu của ông Yersin lấy làm tên cho Đà Lạt của mình.
    - Phải rồi, Bé. “Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành”.(*)

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
thơ trần thị nguyệt mai



Cầu xin

Cảm hứng từ tập thơ “ca oán. đến với mùa giải oan”
Thân tặng nhà thơ Nguyễn Thanh Châu.

Lời ca ai oán đêm thâu
Bừng con mắt dậy bạc đầu tử sinh
Quẩn quanh mình chỉ một mình
Hỏi trời xanh với muôn nghìn nỗi đau
Hỏi người chiếc bóng trăng sầu
Nửa đời rồi cũng đã nhầu áo xưa
Trời còn khi nắng khi mưa
Thì người sao tránh những mùa tang thương?
Giải oan – Này một nén hương
Xin Trời Đất chứng mười phương an bình
Cho tình về lại với tình
Cho ngàn sau mãi đẹp xinh cõi người.

27/10/2011


Mưa

Mưa rơi đều trên mái ngói
Mưa rơi tận đáy tâm hồn
Ngày mai, ngày mốt sẽ tới
Hết buồn, hay sẽ buồn hơn ?

Anh ơi! làm sao biết được
Ngày mai đời em ra sao?
Mà mắt bây giờ vẫn ướt
Khóc cho nỗi buồn ngọt ngào

Nếu mai anh có trở về
Nhìn em sau cơn mưa bão
Hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên:
Em đã xa rồi thơ ấu...

Nên mắt trũng sâu lo âu
Vầng trán nhăn nheo suy nghĩ…
Tóc bạc vài sợi trên đầu
Thôi còn chi em nữa nhỉ?

Mà anh, mưa mãi, mưa hoài
Em sợ một ngày phôi phai
Phù sa tình ta trôi mất
Theo cơn mưa lũ hôm nay...

TTNM
Truyện ngắn của Ý Nhi

Mix

                                                        Portrait of Dr. Gachet. Van Gogh

    Nhà ông nằm giữa một con phố nhỏ. Con phố, không hiểu vì lẽ gì, có rất nhiều công ty, nhiều văn phòng trú đóng. Vì vậy mà, có những lúc con phố rộ lên như ong vỡ tổ, rồi có những giờ con phố lặng im như chốn không người. Buổi chiều, sau giờ tan ca, khi gần như chẳng còn người, còn xe, ông ra phố, đi dọc theo vỉa hè lát những viên gạch màu xám. Ông coi đó là cách tập thể dục hàng ngày của mình. Đoạn đường từ nhà ông đến ngả 5 dài khoảng vài trăm mét. Ông thường đi tới đi lui khoảng dăm lần mỗi tối. Ông bước chậm, đầu hơi cúi xuống, có chút gì do dự trong mỗi bước chân, có thể do tuổi tác. Đôi khi, ông dừng lại lâu hơn chỗ ngã 5, nhìn ngắm dòng xe cộ chảy như nước lũ, nhìn ngắm những cửa hàng sáng choang đèn đuốc, lúc mỉm cười, lúc lắc đầu nhè nhẹ, rồi trở về.
         Trong một buổi chiều như thế, khi mở cửa vào nhà, ông nhìn thấy một con chó đứng ngay bên chân mình. Ông cúi xuống nhìn nó, nó ngước mắt nhìn ông rồi sủa khe khẽ. Ông hỏi nó, mày theo ông hồi nào vậy. Nó vẫy vẫy cái đuôi nhỏ xíu. Ông hỏi, từ đầu phố à. Nó rung rung đôi tai. Ông cúi xuống, ừ, ông cám ơn nghe. Vậy là có bạn đường rồi. Hẹn chiều mai. Còn bây giờ thì về đi kẻo mọi người lại nháo nhác đi tìm. Thế nhưng nó cứ bám sát gót ông, cánh cửa vừa hé mở nó đã chui lọt vào bên trong. Chắc nó đi lạc, ông nghĩ. Thôi, ở tạm đây, để mai rồi tính.
         Ông tìm một chiếc bát nhựa, san một ít cơm, chan một ít canh, xé nhỏ miếng thịt nạc rim mặn cho nó. Nó nằm ngay chỗ chân bàn, cằm tì lên hai chân trước đang doãi ra, vẻ tư lự. Khi ông đưa bát cơm tới gần, nó ngoảnh mặt đi ra chiều xấu hổ. Ông vỗ vỗ lên đầu nó, ăn đi con, ai cũng có lúc lỡ độ đường mà. Mày tưởng lúc nào ông cũng có nhà có cửa có cơm có cháo như vầy sao. Có lúc ông cũng lạc đường, lạc sá, dầm mưa dãi nắng, đói vàng mắt, ăn cả quả dại, uống cả nước vũng. Lúc đó chỉ thèm có một mái hiên, một chén cơm rau, một tiếng người nói. Nó ngước nhìn ông, vẻ như thấu hiểu những lời ông nói rồi cúi xuống ăn nhỏ nhẻ từng miếng một, ra dáng của kẻ được dạy dỗ cẩn thận.
         Thường thì 5 giờ sáng ông trở dậy, đun nước pha trà, tưới cho mấy chậu hoa cúc, hoa thu hải đường đặt trên bậu cửa sổ rồi ra phố lấy báo. Hôm nay, trong lúc còn mơ ngủ, ông nghe có ai đó gọi mình, lại còn giật giật vào mép chăn nữa. Ông choàng dậy, dụi mắt nhìn đồng hồ, 5 giờ kém 5 phút. Con chó đứng bên giường, vẻ hớn hở như vừa làm xong việc chi đó quan trọng. Ông cười, ra là mày. Ai bảo cho mày biết giờ giấc của ông vậy. Nó ngoe ngoảy đuôi, bỏ ra sân, vẻ như người ta phẩy tay, chuyện nhỏ. Ông hỏi người bán báo xem có nghe thấy ai đi tìm chó không rồi ông dán một tờ giấy to ngay trên cánh cửa, mời ai mất chó thì tới nhận. Khi nhìn nó để tìm vài đặc điểm đặng miêu tả hình dáng, ông nhận ra nó chẳng giống bất kỳ loài chó nào. Vóc nó lớn gấp 3 lần chó Phốc và nhỏ bằng 1/3 giống chó ta. Tai nó dựng đứng, mắt to tròn, lông ngắn, màu nâu nhạt với một vệt lông màu trắng viền quanh cổ tựa chiếc vòng bạc xinh xắn. Ông hỏi nó, mày là giống gì vậy. Nó khịt khịt cái mũi ướt thay cho câu trả lời. Ông hiểu nó không muốn công khai danh tính, gốc gác nên bảo nó, ừ thôi, cũng không quan trọng. Có phải ai cũng buộc phải có một nơi chốn, một nòi giống đâu. Vả lại, đâu phải ai cũng có quyền hạch hỏi mình những chuyện riêng tư, phải không. Nhưng dù sao, mày cũng không thể bỏ nhà bỏ cửa mà đi bụi đời như vậy.
         Nhưng ông đợi mãi mà chẳng có ai hỏi han đến con chó. Ông bán báo bảo ông, chắc nó ở đâu xa chứ không phải quanh quẩn đây đâu. Thôi, ông nuôi nó cho có bạn. Con chó nghe vậy, đứng dựng trên hai chân sau, lấy chân trước cào cào vào người ông, vẻ ưng thuận. Ông bảo nó, ừ, thì ở với ông. Nhưng mày phải có tên có tuổi cho đàng hoàng, chí ít cũng để giao tiếp chứ. Để ông nghĩ xem nào, đặt tên là chuyện hệ trọng lắm. Cha mẹ nào cũng muốn đặt cho con mình những cái tên thật đẹp, thật ý nghĩa, hy vọng con cái mình sẽ đạt được những gì đẹp đẽ nhất, hay ho nhất trong cuộc đời chúng. Nhưng theo kinh nghiệm của ông thì không nên đặt những cái tên kiểu như vậy. Chẳng may có người không đạt đến hoặc không thể hiện đúng với “tiêu chí” đó thì mọi sự tréo ngoe hết cả, rất khó chịu. Ví như một cô có tên Dịu dàng mà lại lanh chanh đáo để, một anh Thành công nhưng làm việc gì cũng hỏng, một cô Duyên dáng mà lại vụng về, một anh Dũng mãnh nhưng lại hèn yếu, một kẻ Trung thực mà lại lèo lá…Không phải vô cớ mà ông bà mình gọi con bằng những cái tên không được bay bướm như Mực, Vàng, Tèo, Xí, Xin, Chắt…  Ông chợt dừng lại, nhớ đến cái tên rất đẹp lại gắn với cuộc đời rày đây mai đó, lên bờ xuống ruộng của mình. Hẳn khi đặt tên con, cha mẹ ông đã kỳ vọng biết bao về tương lai của đứa con trai duy nhất, sau 5 người con  gái. Ông vỗ vỗ vào trán, lắc đầu, xua đi một ý nghĩ buồn chán, rồi bảo, gọi mày là Mix nhé. Mày có ưng cái tên này không, nó có ý nghĩa nhưng dễ nghe, không có chi phô phang, lộ liễu.  Chẳng phải mày là sự hòa trộn hoàn hảo của giống nòi đấy sao. Con chó vểnh tai, sủa lên một tiếng, ra chiều chấp nhận cái tên mới.

         Trước đây dân phố quen thấy một ông già quần áo chỉnh tề, bước đi chậm rãi trên hè phố nhập nhoạng ánh đèn. Nay, họ nhìn thấy, bên cạnh ông có thêm một con chó màu vàng nhạt. Khác với ông chủ lặng lẽ, con chó nhỏ chạy nhảy tung tăng, lúc bên phải, lúc bên trái, lúc lùi lại sau, lúc tiến lên trước, nhìn ngang ngó dọc, như một đứa trẻ tinh nghịch. Thỉnh thoảng có người chào ông , tò mò nhìn Mix, hỏi han về lai lịch của nó. Có khi ông vui vẻ trò chuyện, kể rõ ngọn ngành, có khi ông chỉ nói qua quýt mọi việc, vẻ miễn cưỡng. Thấy con chó nhìn mình không hiểu, ông bảo nó, có phải ai hỏi đến mình cũng có ý tốt đâu. Họ tò mò tọc mạch không đâu ấy mà. Ông đã có đủ kinh nghiệm về những chuyện như vậy rồi. Im lặng một lúc, ông nói thêm, mà nhiều khi kinh nghiệm cũng chẳng ích chi đâu, mình vẫn cứ nhầm lẫn, thậm chí nhầm lẫn tai hại. Hơn nữa, khi hiểu ra mọi điều thì thường là đã muộn. Một nhà nhiếp ảnh lăn lộn suốt đời, khi mắt đã mờ, tay đã run, mới nhận ra rằng cái cần chụp là ánh sáng chứ không phải vật thể, vật thể chỉ là phương tiện truyền tải ánh sáng mà thôi. Lúc đó thì kinh nghiệm để làm gì nữa. Mà cũng chẳng thể truyền cho ai. Đám trẻ sẽ cho đó là một ý nghĩ lẩm cẩm, không chụp vật thể thì chụp cái gì, họ vặn lại. Vài ba người gật đầu vì lịch sự nhưng không làm theo. Một số ít trong số đó, lúc về già, có thể sẽ nhớ lại lời dặn và thừa nhận sự đúng đắn của nó nhưng cũng đã muộn rồi. Ông đọc ở đâu đó câu nói có ý nghĩa khái quát này: biết thì  đã muộn.Vậy đấy, ông thở dài, lặng lẽ bước đi. Con chó bám sát chân ông, đầu hơi cúi xuống.
         Mix đã quen với nếp sống của người chủ. Nó biết im lặng khi ông đọc báo, xem TV. Những lúc như vậy, nó nằm im dưới chân ông, mắt lim dim, tai cúp xuống. Khi ông nghe nhạc, nó lại ngủ, say sưa trong tiếng ru của những bản nhạc êm dịu. Ông hỏi nó, mày thưởng thức kiểu gì vậy. Âm nhạc đâu phải để ru ngủ. Biết vậy nhưng nó không sao cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Nhạc cất lên khoảng dăm ba phút là mắt nó đã díu lại. Nó dựa vào chân ông, thở đều đặn, êm nhẹ. Đôi khi, nó chợt nấc lên rồi rên ư ử, kêu ú ớ. Những lúc như thế, ông không dám trở người, sợ nó giật mình. Ông cúi xuống, nhẹ nhàng, mày nằm mơ hả. Thấy cha mẹ anh em mà không thể chạy tới hả, nghe họ gọi mình mà không thể trả lời hả. Hay thấy làng quê bản quán đã tan tành mây khói. Có lúc, con chó bỗng kêu lên thất thanh rồi choàng trở dậy, đứng thẳng người, ngơ ngác nhìn quanh. Ông vuốt nhè nhẹ dọc sống lưng nó, mày bị truy đuổi à, có ai huýt còi, có ai chạy huỳnh huỵch sau lưng hả, có ai nhìn như xoáy vào gáy của mình hả. Cái cảm giác đó quả thực kinh khủng, nó ám ảnh mỗi phút giây ta sống, mỗi giấc mơ hàng đêm. Rồi ông ngả người, ngồi lặng trong chiếc ghế bành màu nâu đỏ đã cũ.
         Mix đã quen với tên mình, hiểu ý nghĩa của cái tên đó nữa. Tuy vậy, nó hơi bực bõ vì nhiều người cứ nhầm lẫn lung tung. Có người, vừa nghe thấy Mix đã chế diễu, Mic 19 hay Mic 21 đây. Tướng mày mà chở tên lửa để không kích thì chỉ có từ thua tới thua. Họ nhầm nó với một loại máy bay chiến đấu của Nga, hồi còn chiến tranh. Có người lại nhầm tên nó với Mít vì với họ, míx hay mít hay mích thì cũng phát âm như nhau. Họ nheo nheo mắt nhìn nó, mít mật, mít ướt hay mít dừa đây,rồi lại cười cười, hay là mít Thái, mít Tàu. Mà mít thì phải tròn trịa xinh xắn, thơm tho, hấp dẫn chứ. Có người lại còn nhấm nhẳng, tên với tuổi, lãng xẹt. Thấy nó ngoảy đuôi bỏ đi, không dấu nỗi bất bình, ông bảo nó, chuyện nhỏ mà. Người ta nhầm lẫn mà đâu có tự biết. Trách thiên hạ thì còn đâu thì giờ mà làm việc này việc nọ.
           Ông bán báo ngồi dưới vòm hoa giấy trước cổng nhà thì cười tủm tỉm bảo nó, Mix là một cái tên quá thú vị. Người đời hời hợt lắm, họ chẳng hiểu mô tê gì đâu, chớ có nghĩ ngợi làm gì. Vũ trụ này chẳng nháo nhào tan hợp trong từng giây từng phút đó sao. Trước nhà ông có một cậu làm cái nghề rất thời thượng gọi là DJ. Nói nôm na thì đó là việc hòa trộn các bản nhạc với nhau. Anh chàng có mái tóc dài cột túm lại sau gáy, đeo dây chuyền to như một sợi xích vậy, quần bò, áo bò, trông ngầu lắm. Con người ta hay thật, chẳng ai giống ai trên cái cõi này. Mà bề ngoài đôi khi cũng chẳng nói lên điều gì. Cậu ta hiền lắm, sống cùng với một người mẹ đau yếu quanh năm, cậu ta chu toàn mọi nhẽ, chưa khi nào nói to với mẹ. À mà này, Mix có biết gì về cái ông già im như thóc kia không mà lẽo đẽo theo ông ấy vậy. Một nhân vật đấy. Tù đày rồi, trận mạc rồi, hạnh phúc rồi, đau đớn rồi, cuối cùng thì…ông bỏ lửng câu nói. Mix tò mò lắm nhưng không biết làm sao để gợi chuyện, chỉ ngước đôi mắt tròn xoe nhìn ông bán báo.
         Ông bán báo gửi một chiếc dù, một chiếc bàn xếp, một chiếc ghế nhựa vào góc sân.Thường thì khoảng hơn 4 giờ sáng ông đến, đem đồ đoàn ra ngoài, đặt chiếc bàn dưới vòm hoa giấy, bày mươi loại báo lên đó. Chỉ hôm nào mưa mới cần đến dù, còn thì vòm hoa ngũ sắc đủ làm nên một chiếc mái che xinh đẹp. Ông có chìa khóa riêng, đi lại nhẹ nhàng, không gây nên một tiếng động nào vào lúc đầu ngày. Chỉ đến 7 giờ, chậm lắm là 8 giờ sáng, ông đã bán xong số báo trong ngày. Ông lại đem đồ đoàn vào gửi chỗ cũ rồi ra về. Đôi khi ông già tiễn bạn. Họ chào nhau bằng một thứ tiếng hơi là lạ mà Mix đoán là lời từ biệt. Một người nói Ôrvoa, người kia đáp lại Ôrvoa. Ông già thường ra ngoài cổng, đợi ông bán báo đi khuất hẳn, nhìn quanh một vòng rồi mới quay vào nhẹ nhàng khóa cửa. Thỉnh thoảng, ông già mời ông bán báo vào nhà bằng câu hỏi, anh có rỗi không. Ông bán báo cười, một nụ cười héo úa, theo cách nhìn của Mix, xong việc rồi, chắc chắn có cơm ăn rồi, bận bịu chi nữa. Hai ông già uống trà, trò chuyện rất lâu. Mix dỏng tai nghe ngóng nhưng chỉ lọt vào tai tiếng được tiếng mất. Gide này, Camus này, Sartre này, Malraux này, Colette này rồi Lỗ Tấn, Quách Mạc Nhược, Tào Ngu, Ba Kim, rồi Gogol, Bulgakov, Pasternak, Mandelstam, Bunin, Kundera, rồi Woolf, Kafka, Beckett, Mauriac, Grillet, Simon, Butor…Có vẻ như những tên người này gắn với những gì họ đã từng cùng nhau yêu quý, cùng nhau day dứt, cùng nhau chia sẻ trong suốt cuộc đời mình. Họ bàn cãi, tranh luận không mệt mỏi quanh những cái tên đó. Có khi còn đập tay xuống bàn hoặc đứng bật dậy, chắp tay sau lưng, đi loanh quanh trong gian phòng hẹp, mặt mũi đỏ gay như đang cãi nhau vậy. Mix nằm im dưới chân ghế, he hé mắt nhìn hai ông già. Trông họ trẻ ra, mạnh mẽ lên, sảng khoái hơn, khác hẳn những lúc khác trong ngày, những ngày khác trong tuần. Tự nhiên Mix thấy mủi lòng, nó chạy đến bên ông già, giật giật gấu quần ông, ra dấu cảm thông.
         Khi ông bán báo ra về, ông già ngồi xuống bậc thềm, đầu hơi cúi xuống rồi quay sang nói với Mix, mày biết không, cái ông bán báo nghèo khó, kiếm tiền ăn từng ngày này là một bậc thức giả đấy. Ông ấy là bạn của ông từ nhỏ, học cùng trường cả chục năm phổ thông. Ông ấy học giỏi lắm, cái gì ông ấy cũng biết, mà biết thấu đáo nữa. Dù theo học một ngành khoa học tự nhiên, ông ấy am hiểu sâu sắc các lãnh vực khoa học xã hội. Ông ấy có chung quan niệm văn chương với ông. Cái thứ chữ nghĩa ấm ớ này nhiều khi gây ra bao nhiêu tai họa cho con người. Ông ấy vẫn bảo với ông như vậy. Sau này, ông mới nghiệm ra đó là lời tiên tri cho số phận của mình. Ông ấy chọn một ngành thực tế hơn, ít viển vông hơn. Ấy vậy mà, đâu có thoát khỏi tai ương. Đi du học về, ông ấy có một chỗ làm đàng hoàng ở một bộ lớn.  Ông  kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp, nết na, con gái một gia đình khá giả. Cuộc đời vậy là quá đẹp, quá hoàn hảo rồi, có chi mà lo nghĩ. Vậy mà tai họa đổ ụp xuống cái gia đình đó, đúng vào lúc họ ít ngờ nhất. Thời thế thay đổi, ông ấy mất chỗ làm. Sống lay lắt với chút của nả còn lại được vài năm thì vốn cạn. Hai ông bà lén lút sang nhượng ngôi nhà để tìm cách đi xa. Mọi việc bại lộ. Trong cái đêm hãi hùng trốn chạy đó, ông bế đứa con nhỏ trên tay, cố bám theo vợ và hai đứa con lớn nhưng không sao theo kịp. Ông ấy quay lại thành phố, chạy thẳng đến bệnh viện vì đứa nhỏ viêm phổi, người nóng như lửa. Nhưng không kịp nữa. Ông ôm đứa con đứng chết trân trước cổng bệnh viện rồi đổ vật xuống như một vật vô tri. Nhưng số phận ác nghiệt vẫn chưa buông tha ông. Ít lâu sau ông biết tin vợ và 2 con đã biệt tích. Nếu có thể chết được chắc chắn ông đã chết. Nhưng, sống không dễ mà chết cũng chẳng dễ hơn. Ông ấy phải sống cho hết phần số của mình. Ông ấy tìm mua một chiếc bơm xe đạp, ngồi ngay chỗ cột đèn của một con phố rộng. Ông gặp lại ông ấy đúng vào thời kỳ này. Một buổi chiều nọ, không nhớ là đi đâu, ông qua con phố đó và trông thấy ông ấy. Ông ấy quay mặt đi, tránh cái nhìn của ông. Biết vậy, nhưng ông không thể bỏ đi được. Lòng ông đau đớn nghẹn ngào khi nhìn thấy người bạn cũ, gầy gò, áo quần sờn rách, mắt nhìn vô vọng vào những người qua lại. Ông cứ bước tới, chìa tay ra. Ông ấy bật đứng dậy, lùi xa một chút, như cảnh giác. Nhưng ông không chịu thua, ông gọi to tên ông ấy, kể lể những kỷ niệm hồi trai trẻ rồi dứt khoát kéo ông ấy về nhà mình. Mấy người đi đường quay lại nhìn hai ông già lôi nhau đi, một ông còn khư khư chiếc bơm xe cũ nát, mòn rỉ. Hai người uống với nhau vài chung rượu, ngồi rất lâu bên nhau nhưng không trò chuyện nhiều. Tất cả những gì ông biết về cuộc đời của ông ấy là do bà Tư kể lại. Bà Tư là em con dì ruột của ông ấy. Rốt cục, như mày thấy đấy, ông ấy có một quầy báo bé tẹo nhưng cũng đủ cho một đời sống đạm bạc. Ông ấy còn dạy thêm tiếng Anh cho vài cậu sinh viên nhưng đám này nghèo, vừa đi học vừa đi làm nên học hành bữa đực bữa cái, chữ được chữ mất mà học phí cũng ba đồng ba cọc. Ông ấy vẫn đùa, bán thông tin kiếm sống tốt hơn bán chữ. Sau cùng, mọi việc rồi cũng tạm ổn. Dù thế nào thì người ta vẫn phải tìm ra cách để sống, bất luận thời thế ra sao.
         Bà Tư thường đến vào lúc 10 giờ sáng. Bà là một phụ nữ cao ráo, trắng trẻo, tóc đã nhuốm bạc. Bà dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Bữa ăn đơn giản nhưng rất vừa miệng và các món ăn luôn được thay đổi. Mix cũng thường quấn quýt bên bà. Nghe tiếng xe của bà vừa tới đầu phố nó đã chạy ào ra phía cổng. Nó đợi bà Tư hỏi, mày đó hả con, rồi lon ton theo bà vào gian bếp. Hôm nào bà bận, quên chào nó, nó sủa dấm dứt để nhắc nhở. Bà biết ý, cúi xuống, bà quên, bà xin lỗi, chào Mix.
         Bà Tư vừa nhặt rau vừa rủ rỉ trò chuyện với nó. Nó ngẩng nhìn bà, vẻ chăm chú như trẻ nhỏ nghe chuyện cổ tích. Bà bảo, Mix phải ngoan, phải vâng lời ông. Ông già rồi, lại bệnh tật, ốm đau. Những người thân thích của ông ở tận đẩu tận đâu, bà cũng chẳng biết. Ông anh họ của bà bảo rằng đời ông cũng truân chuyên lắm. Chẳng biết đọc những gì, viết lách những gì mà tai hại vậy, tan nhà nát cửa, chẳng bạn chẳng bè. Người như ông thì làm gì nên tội nhỉ. Vậy mà ông có chịu yên đâu, vẫn loay hoay làm cái gì đó. Chắc thứ tiền ông tiêu tốn nhất là để mua sách, mua giấy bút. Viết rồi bỏ, viết rồi bỏ, giấy má bề bộn khắp nhà. Bà không dám động tới, e nhầm lẫn. Mình có biết chi những việc to tát đó. Ông bảo quỹ thời gian còn ít lắm nên phải tranh thủ từng ngày một. Ông anh họ của bà biết ý, bạn không mời là không bao giờ vào nhà. Rồi bà lẩm bẩm, mỗi người mỗi ngả, chẳng ăn nhằm gì đến nhau, thậm chí đối đầu nhau.Vậy mà, cũng sấp ngửa, cũng dập mày dập mặt, khốn khổ có khác chi nhau. May mà trời thương, còn cho họ gặp lại, đối đãi với nhau như anh em ruột thịt. Âu cũng là một chút phúc phận. Nếu không, cũng chẳng biết họ còn trôi dạt tới đâu. Bà thở dài. Mix cũng buồn. Bữa đó nó ăn rất ít, cứ ngồi nhìn chủ, mắt ươn ướt. Bà Tư bảo, sao ăn ít quá vậy. Chê bà nấu ăn dở quá hả. Nó nằm lăn ra đất, dơ cả 4 chân lên ra chiều phản đối. Bà Tư năn nỉ, thôi, không phải vậy. Mix ăn ít để giữ dáng thôi mà. Vài bữa nữa có khi Mix chỉ ăn trái cây với rau thôi, như mấy người mẫu ấy. Ông bật cười thành tiếng. Lâu lắm nó mới nghe ông cười như vậy. Chính xác thì đây là lần thứ hai nó nghe ông cười vui vẻ, thoải mái. Lần đầu cách đây vài tháng. Có thể coi đó là một ngày đặc biệt trong chuỗi ngày tẻ nhạt của ông già. Không biết ông nghe lời khuyên của ai mà quyết định đi tìm mua một cái hồ thủy tinh để nuôi cá vàng. Ông đi sớm lắm, vẻ đầy hăng hái. Khoảng 8 giờ sáng ông về, đúng lúc quầy báo hết hàng, ông bán báo đang đứng ở sân đợi ông. Vừa bước vào nhà ông đã vừa cười vừa kể chuyện mua cá. Ông nhìn thấy một cửa hàng đèn đuốc rực rỡ, mấy chục cái bể cá lấp la lấp lánh, cá bơi lượn lên xuống rất đẹp mắt, bèn bước vào. Thấy ông, cô chủ hỏi, ông mua gì. Ông nghĩ bụng, hỏi kỳ quá, đến đây chẳng mua cá thì mua cây à. Nhưng ông vẫn lịch sự trả lời, tôi muốn mua vài con cá. Cô bán hàng lại hỏi, ông mua cá sống à. Ông đã hơi bực, hỏi lại, có ai mua cá chết sao, tôi mua mấy con đang bơi lượn này này. Cô chủ quán tủm tỉm, cá nhựa đấy ông ạ. Ông mua nuôi thì qua cửa hàng bên cạnh. Ông cười chảy nước mắt, trời ơi, cái gì cũng giả, mà giả như thật mới khiếp chứ. Mình cứ ru rú xó nhà, ra phố thì y như thằng ngố vậy. Ông bán báo vừa đổ nước vào hồ cá vừa nhấm nhẳng, ngố thật chứ như cái gì. Mình bây giờ là kẻ đi lạc, chắng làm sao mà hiểu nổi mọi thứ ở đây, làm cái gì cũng không phải, nghĩ cái gì cũng không đúng, nói như bọn trẻ là, chẳng giống ai. Ông già bỗng hào hứng bắt chuyện, nói năng bây giờ thật lạ, tiếng lóng, lời tục, nói ngọng tràn lan như bệnh dịch. Nghe họ nói nhiều khi chẳng hiểu ất giáp gì, thậm chí thấy chối tai, thấy khó chịu. Nào là nhục như con cá nục, buồn như con chuồn chuồn, nào là nhỏ như con thỏ, bét nhè con gà què, nào là bó tay con gà quay, chán như con gián, xưa như quả dưa, nào là tình yêu bình thường như cân đường hộp sữa, nào là gần mực thì bia gần đèn thì thuốc, lời hứa chẳng mất tiền mua/tội gì không hứa để lừa người ta…Rồi tiền thì gọi là lít, là vé, là sọi, rồi cái gì cũng hoành tráng, một tô phở cũng hoành tráng, một chiếc áo cũng hoành tráng, một mái tóc cũng hoành tráng…Câu nào cũng xen tiếng đệm tục, làm như không như vậy thì lạc hậu, thì không văn minh vậy. Rồi dân quê nói ngọng, dân thành phố nói ngọng, nhà nhà nói ngọng, người người nói ngọng. Rồi từ ngữ dùng sai lạc hết cả, dân sai, quan sai, nhà báo sai, thầy giáo sai…Một thứ ngôn ngữ buông tuồng, cẩu thả, bất chấp quy tắc. Theo tôi thì đây là một hiện tượng mang tính bản chất, phản ảnh sự xáo trộn ghê gớm của xã hội hôm nay. Nó khiến ta liên tưởng đến thời kỳ của ngôn ngữ trật khớp, của ngữ thức phóng túng, của những nhân vật không tên tuổi, không hình dạng, không mục đích, xa lạ, lạc lõng của văn học châu Âu sau thế chiến thứ hai. Tôi không biết các nhà ngôn ngữ, các nhà xã hội học đang làm gì.Các ngành khoa học xã hội của ta yếu kém quá. Nó gần như không có vai trò gì, thậm chí có thể nói, nó im hơi lặng tiếng trước những vấn đề quan trọng, những vấn đề cấp thiết trong xã hội hôm nay. Sự lệch pha giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, giữa sự phát triển kinh tế và việc nâng cao dân trí, cần phải được báo động. Thực ra thì cũng có người lên tiếng nhưng nói chẳng đến nơi đến chốn, chẳng ra đầu ra đũa, như nói để mà chơi thôi, nói cho có chuyện, cho phải phép, chẳng có ý nghĩa, chẳng có tác dụng tích cực nào. Cần phải xác định lại vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của người trí thức…Ông chợt ngừng lời khi nhìn thấy vẻ lo âu trong mắt bạn, anh đang nghĩ là chính những suy nghĩ, những kiểu nói năng này đã khiến tôi khốn khổ phải không. Ông bán báo chống chế, không, tôi chỉ đang nghĩ, không biết anh nghe thấy những thứ ấy vào lúc nào, ở đâu. Ông già giơ ngón tay trỏ lên, dứ dứ trước mặt, dấu hiệu của sự phấn khích mỗi khi họ tranh luận, tôi có thể nêu 3 lý do để anh được yên lòng, thứ nhất, ở tuổi chúng ta, ngày nào cũng có thể là ngày sau cùng, thứ hai, đã 9 cú rồi, một đấm nữa chắc cũng chịu được, thứ ba, dù thế nào thì thời thế cũng đã thay đổi nhiều, người ta đã cho phép xuất bản James Joyce, Claude Simon, Le Clezio, Alain Robbe Grillet, Samuel Beckett, Marguerite Duras, Georges Pérec…Tôi chỉ lo sao làm cho xong chút việc của mình. Cuốn sách chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Phật, nói là nó được soi sáng bởi triết lý đạo Phật cũng không sai. Đó là sự vô thường của vũ trụ, của cõi người, không có cái gì là bất biến, là mãi mãi. Đó là sự nối kết huyền diệu của vạn vật, không có cái gì tồn tại độc lập hoàn toàn, không có cái gì là duy nhất. Từng tự coi mình là kẻ vô thần nhưng trong sâu xa, tôi nghĩ mình là một phật tử, theo một cách nào đó. Anh sẽ là người đọc đầu tiên và có thể là người đọc duy nhất. Tôi không quan tâm đến mọi thứ khác, chỉ cần anh bảo được là tôi yên lòng rồi. Chắc anh có nhớ câu này :” Lời của những tay sành điệu nói cho nhau nghe, một tiếng được ngắn làm cho khoái trá hơn trăm bài phê bình, một câu không được mở ra hàng chục đêm thao thức.” Những ngày sau cùng này, hình như mỗi bước đi tôi lại rũ bỏ được một chút, thành ra người cứ ngày càng nhẹ bẫng. Anh xem này, ông chìa cánh tay chỉ còn da bọc xương về phía bạn. Mặt ông bán báo méo xệch vì cố ngăn một giọt nước mắt. Ông vỗ vào vai bạn, đột ngột chuyển đề tài câu chuyện, nhà bà Tư đã yên chưa. Bọn ta là đàn ông đàn ang, can dự vào thế sự, chịu điều này điều nọ là chuyện tự nhiên. Cơn cớ gì mà một phụ nữ an phận như bà ấy cũng bị lôi vào cuộc, bị hứng chịu tai ương. Bà ấy càng tỏ ra bình thản mình càng thấy đau lòng. Mà thú thực, tôi không dám hỏi han lấy một câu, sợ mọi thứ òa vỡ, không cứu chữa được. Ông bán báo thở dài, ông chồng bà ấy cũng lạ, sợ hãi đến độ đi tố cáo gia đình vợ thế này thế khác thì thật không hiểu nổi. Mà nhà bên ngoại tôi chỉ buôn bán làm ăn chứ có làm gì nên tội đâu. Bà ấy không bỏ hắn nhưng sống với nhau như vậy thì thà chẳng có còn hơn. Hắn cứ thui thủi như kẻ dại, thấy ai cũng xấu hổ, mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống. Bà ấy thì chẳng nói lấy một lời, giờ ăn thì bày mâm ra đấy, giờ ngủ thì bỏ chăn bỏ chiếu ra giường. Thật khủng khiếp. Gọi đó là địa ngục của họ cũng chẳng sai. Bà ấy không phát điên mới lạ. May mà tôi nhờ được bà ấy lo cơm nước cho anh, cũng khuay khỏa phần nào, ít nhất còn có con Mix quanh quẩn bên chân. Nghe nhắc đến tên mình, con Mix chạy tới, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn hai ông già. Ông bảo nó, mày có buồn không. Sống với mấy người già thật chán, phải không. Mix đứng dựng lên, cào cào vào chân ông, không rõ là đồng ý hay phản đối.

         Cuối năm, trời se lạnh. Ông bán báo bảo, thời tiết cũng thay đổi rồi. Anh nhớ đừng để lạnh, tuổi này mà ốm là có khi nằm luôn đó.
         Buổi chiều, khi đi dạo, ông mặc thêm chiếc áo khoác mỏng màu xám nhạt. Trong một buổi chiều như vậy, khi trở về mở cửa, ông không nhìn thấy Mix. Lệ thường, ông vừa hé cửa nó đã chui lọt vào nhà, đứng đợi ông ở sân. Ông quay nhìn ra phố, phố vắng tanh. Ông vội vã trở lại con đường cũ, đứng hồi lâu chỗ ngã 5,  rồi trở về, vừa đi vừa gọi Mix, Mix nhưng vô hiệu. Ông cảm thấy hoang mang , bối rối đến độ xộc vào tất cả các con hẻm, hỏi han bất cứ ai ông nhìn thấy, miệng thì không ngớt gọi tên con chó nhưng rồi đành quay ra trong thất vọng. Về nhà, ông để cửa mở đến 10 giờ đêm mới khóa lại đi ngủ. Giấc ngủ chập chờn hình ảnh Mix. Chốc chốc ông lại trở dậy, tưởng đâu nghe Mix rên ư ử , kêu rít lên ở đâu đó. Sáng ra, ông dậy từ 4 giờ, ngồi đợi ông bán báo. Hai ông già ngồi bên ấm trà, im lặng. Rồi ông bán báo cất lời, thôi, để tôi làm cái thông báo đặt ngay chỗ quầy để tìm nó. Giữa buổi, ông bán báo lại bảo, mình đăng báo đi. Đăng ở mấy tờ báo mua bán thì giá rẻ mà lại có nhiều người đọc. Thiên hạ bây giờ suốt ngày mua mua bán bán mà, may mà có ai thấy nó thì mình xin chuộc. Nhưng cả tuần lễ trôi qua mà Mix vẫn biệt tăm.
         Từ bữa đó, ngày nào xong việc ông bán báo cũng tạt vào thăm bạn. Trong một lần như vậy, ông già bỗng nói, hay tôi nhầm, chẳng có con Mix nào cả. Ông bán báo kêu lên, anh nói lạ, chính tôi cũng thấy nó mà. Ông trầm ngâm, anh quên sao. Có việc một người nhầm, có việc vài người nhầm, có việc một nhóm nhầm, có việc cả đám đông nhầm. Ông bán báo không đáp, nhấp một ngụm trà rồi bất ngờ kêu lên, nguyên cớ là tại anh. Ông nhướng mày, tại tôi sao. Ông bán báo quả quyết, đúng là tại anh. Đang dưng đang lành, ai bảo anh nhắc đến chuyện buồn bã với nó. Khi ý thức được mọi điều, người ta không thể sống như cũ nữa. Ông cười, thôi, anh uống trà đi. Coi chừng bọn ta lại giống với nhân vật của Samuel Beckett đấy, cái gã cứ đếm đi đếm lại mà không biết thềm nhà có bao nhiêu bậc, không biết bắt đầu ở chỗ nào, kết thúc ở chỗ nào. Ông bán báo chêm vào, giọng buồn thiu, mà cái bậc thềm thì thấp chũn, trẻ con cũng lên xuống được.

Sg 12/2011
YN
                                                                                                               
        

Thursday, March 8, 2012


Lại mở tập thơ “Tôi Cùng Gió Mùa” 

Nguyễn Phước Nguyên



Nguyễn Phước Nguyên là người làm thơ trẻ. Ở trong Nhóm Quạ (Ô Thước) của Phạm Chi Lan. Và là bạn (vong niên) của kẻ này. Ngoài ra, Nguyên còn là nhạc sĩ.
Cách đây khoảng mười năm, khi “Tôi Cùng Gió Mùa” được in ra, Nguyên đã có bài viết và ca khúc do sự đồng cảm với tác giả. Bây giờ, mười năm sau, Ngiuyễn Phước Nguyên lại viết một đoạn ngấn về “Tôi Cùng Gió Mùa”. Đây là điều an ủi với riêng tác giả tập thơ. Cho nên xin đưa lên đây như một kỷ niệm riêng tư.

Chú cảm ơn Nguyên. Và sẽ xin noi về Nguyên trong những  ngày tới đây.
NXT 

Lại mở tập thơ Tôi Cùng Gió Mùa ra dưới mái hiên của chỗ sửa xe.  Lần này đọc thật trọn vẹn từ đầu tới cuối.  Những tiếng động vẫn thỉnh thoảng vang lên, nhưng không còn là chi phối.  Chúng trở nên thân thuộc, và cần thiết.  Bởi thơ của Nguyễn Xuân Thiệp không đòi hỏi một tách rời thực tại.  Thơ Nguyễn Xuân Thiệp là đời sống hằng ngày.  Với những mệt nhoài, những trở trăn, những tin yêu và bi vọng mà mỗi phần đời đã đem đi hay mang đến.  Bất quá, mỗi người có một lối cảm nhận và ghi nhận khác nhau.  Bất quá, Nguyễn Xuân Thiệp đã chọn thơ để làm điều này, cho chính bản thân mình.  Sống trọn vẹn.  Viết nát ý.
Gấp tập thơ lại, tiếp tục ngồi chờ trong tiếng mưa rơi.  Không thuộc được câu thơ nào sau ba lần đọc.  Chỉ thấy man mác, dịu đắng một niềm vui.  Là biết mình đã, trong quyền năng hạn hẹp nhưng tuyệt đối của một người thưởng thức, đến thật gần cùng tác giả.  Và hạnh phúc là biết rằng khi cảm giác ấy vẫn còn cuồng lưu trong mặc tưởng, tác giả vẫn còn ngồi thật gần bên cạnh.  Để nhỏ to, để sẻ chia những niềm riêng liệm kín, những nỗi chung cưu mang.  Bây giờ.  Và mai sau.  Bằng chính ngôn ngữ riêng của trái tim mình:
          chiều ấu thơ.  đi trên đường quê hương
          thấy lòng mình là sông lớn
          ôm đất.  ôm cây
          và muốn làm thi sĩ
          chia sẻ bát cơm với trẻ không nhà
          chuyện trò cùng người tuyệt vọng
          đắp bài thơ lên những phận người
                              (Những Buổi Chiều Qua Trong Đời Tôi)
          ...

          khuya nay. còn ai đọc thơ anh dưới đèn.
          xứ người.  những cánh cửa đã khép
          anh làm thơ.  cho ngọn gió điên
          cuốn bay đi.  bay đi.
          thơ qua hoang mạc
                                (Tempe, Thơ Qua Hoang Mạc)         

     Và nếu điều vừa nêu trên là ước ao chân thật nhất của mỗi thi sĩ, Nguyễn Xuân Thiệp đã thành công.  Dẫu chỉ với tim tôi. 

NGUYỄN PHƯỚC NGUYÊN