Tuesday, January 10, 2023

NGÂP NGỪNG LỐI CŨ

Lưu Na
 
Thành phố Sài Gòn
 
1.
 
Tháng Sáu trời mưa, Ngà về đến Sài Gòn lúc nửa đêm.  Phố vẫn đông người nhưng không ồn ào tất bật, và cái mát dịu của lòng đêm như ôm ấp lấy Ngà.
 
Vào nhà, để nguyên hành lý, Ngà thắp ba nén nhang lên bàn thờ.  Không còn Má cũng chẳng còn em.  Căn nhà vẫn vậy nhưng sao như lỏng lẻo xộc xệch, như có một khe trống gió lùa giữa bốn bức tường gạch.  Ảnh thờ cũ đã không còn, nay là một cái trang với ba hàng ảnh nhỏ của Ông Bà Ba Má hai bên và em.  Cái trang 3 tầng này rồi sẽ thành 4 tầng hay sẽ biến mất khi Ngà và anh chị ra đi – không biết về đâu?  Đêm yên ả mát rượi.  Ngà đứng ở ban công nhìn những mái tôn thấp giữa tường cao chập chùng quanh co khuất lấp trong những sợi mưa giăng nhè nhẹ.  Ai nấy đã về phòng yên giấc, chỉ mình Ngà loanh quanh trong phòng mình cho qua đêm trắng.  Ngà mở nhạc, tiếng Thái Hiền mộc mạc –
 
Bước chân về ngập ngừng em bước chân về
Về lại nơi em đã bỏ đi
Về lại nơi em đã chào đời
Tuổi thơ vui như cánh diều bay…
 
Tuổi thơ của Ngà chả được như cánh diều bay, nhưng, Ngà đã lại về chốn xưa.
 
Ngày rồi cũng đến, buổi sáng bắt đầu với loạt cà phê do anh rể pha.  Ngà ung dung đón nhận những chăm sóc ân cần, bởi Ngà mua tấm vé, bay một ngày đường băng đại dương chỉ là để sống lại những giây phút êm đềm xưa cũ, lúc cùng với gia đình khởi đầu một ngày bằng ly cà phê, bữa ăn sáng trước khi tan hàng cho một ngày quần quật, rồi tối đến tụ họp quanh mâm cơm nghèo nói đủ chuyện buồn vui.  Bao lần rồi, tất cả đều chỉ bấy nhiêu những gì Ngà mong mỏi tìm kiếm.
 
Đứa cháu trai đã mang thẻ điện thoại về thay vào phone cho Ngà.  Ngà gọi Loan.  Đứa ở Úc đứa ở Mỹ, gặp được nhau không khó nhưng cũng phải tùy duyên.  Loan rủ Ngà đi Cam Ranh Đà Nẵng, nhưng Ngà đã hẹn gặp Mai và cũng phải ở nhà để gặp Cậu.  Hai đứa thở than tiếc nuối.
–Hai đứa mình đi chợ đi.  Loan đề nghị.  Ngà xỏ giầy bước theo Loan.  Ra mặt đường, Loan dắt Ngà qua đường rồi cứ vậy hai đứa nắm tay nhau đi thong thả trên lề.  Ngà bồi hồi trong bụng nhớ cái thuở hai đứa còn học trường Bàn Cờ, tan học thường tay trong tay lang thang.  Vô chợ Vườn Chuối xem người ta buôn bán, đi vườn Bờ Rô, qua chung cư Nguyễn Thiện Thuật thăm bạn, vô Kỳ Viên Tự nhặt những cánh hoa Sa La.  Hoa Sa La, bây giờ Ngà và Loan cũng đang mê mẩn trong sân chùa Pháp Hoa đầu ngõ, dưới gốc Sa La đang tưng bừng nở hoa…  Tình bạn thuở ấu thơ như viên kẹo thần kỳ mãi hoài không tan vị ngọt cho dù hai đứa có lúc đã mất liên lạc với nhau gần 25 năm.
 
Loan và Ngà vào chợ Trương minh Giảng.  Chợ nào cũng na ná nhau: hoa trái vải vóc ở mé ngoài, giày dép đồ chơi vào trong hơn một tí, rồi đến khu ăn uống ở giữa, với các dãy rau củ thịt cá bao bọc chung quanh.  Hàng đồ khô và tạp phô thường ở bên hông hoặc cuối chợ.  Hai đứa đi lòng vòng.  Loan rủ rỉ,
–Mấy đứa GL tụi nó chỉ chịu ngồi taxi đi cà phê máy lạnh, mà ngay cả tụi em tao cũng không đứa nào mặn mà cái chuyện đi bộ lang thang và vào chợ!  Chỉ có mày mới có cùng cái thú này!!
 
Với Ngà, đi lang thang qua các con đường hay đi loanh quanh trong chợ không chỉ là để giết thì giờ. Những câu nói bất chợt nghe được trên đường phố, một kiểu áo quần mới hay xưa, một cành hoa lạ, một tai nạn bất ngờ… cũng như một cuộc trả giá trong lòng chợ, hết thảy đều phả ra sự sống vô hình.  Người ta nói gì với nhau, người ta gói hàng cách nào – bao bị loại gì, những cái tẩn mẩn ấy luôn biến đổi sắc màu những khi đặt chân xuống lòng đường hay bước vào nhà lồng chợ.  Ngà chưa bao giờ thấy nhàm chán và mỗi lần quay về mái nhà cũ Ngà đều phải đi lại những bước chân ấy!
 
Ra khỏi chợ, hai đứa tính đi xuôi về nhà Loan bên Bàn Cờ, nhưng trưa nắng gắt làm chùn bước.  Xà vào quán ăn góc Kỳ Đồng Trương Minh Giảng (vẫn không chịu quên tên cũ), Ngà và Loan gọi nước mía, mì hoành thánh và ăn trong những giọt mồ hôi vắn dài.  Không đi về Bàn Cờ thì quay trở lại, hai đứa lẩn thẩn vào chùa Miên.  Quanh co trong hẻm vòng hết cả bờ tường vẫn không biết đâu là cổng vào, chỉ đành nhìn nhau lắc đầu.  Nắng nung nấu rọi xuống.  Mọi ý tưởng êm đẹp, mọi dự tính vui tươi, cả những hẹn hò chắc như bắp trước khi về đều tan chảy dưới nắng Sài Gòn.  Lần này nữa không biết là bao nhiêu lần Ngà tự hỏi – sao mình đã sống được khi xưa?
 
–Thôi vãn tuồng!  Loan nói.  Mai tao đi theo nhóm, tuần sau về sẽ dắt mày đi miền Tây.  Hai đứa mình phải có một ngày về thăm trường cũ thăm những ngõ hẻm mình đã từng lang thang.
 
–Ok liền.  Tao và mày gặp lại nhau ở VN mới khó, đâu thể bỏ qua chuyện đó!  Hai đứa nắm tay nhau lắc mạnh.
 
Ngà tắm xong thì ngã vật ra nệm ngủ, giấc ngủ chiều muộn màng sau 24 giờ thức trắng.
 
2.
 
Mai gọi báo từ Vũng Tàu đã vào đến Sài Gòn.  Ngà nhờ anh rể chở ra điểm hẹn, quán cà phê gần trường cũ.  Lần lượt xuất hiện những khuôn mặt cũ năm xưa, nhưng cũng không nhiều lắm bởi Ngà đã về không đúng lúc.
 
Mùa hè, và lại vừa dịp đẩy lùi được Covid, Sài Gòn như mở hội.  Du học sinh về nước thăm nhà đầy cả chuyến bay, du khách đổ về tấp nập.  Người Việt Nam cũng ồ ạt du lịch.  Khi Ngà về đến Sài Gòn thì một số bạn đã trên đường đi chơi, và một số bạn đang chuẩn bị lên đường trong vài ngày tới.  Sốt cả ruột, cứ như ngày 30 tháng Tư năm nào, nơi bến Bạch Đằng người ta nhảy lên nhảy xuống, xuôi ngược tán loạn trên bến dưới thuyền làm cho những người không phương tiện hoặc bị hoàn cảnh bó buộc đã hoang mang càng thêm xốn xang tấc dạ.  Từ cái chuyện tìm đường sống cho đến chuyện ăn chơi hưởng thụ, dường như chưa bao giờ thiếu sự tất bật!
 
Tất bật hay là một cái gì khác Ngà không gọi được tên, nhưng Ngà luôn nghĩ rằng người mình chưa bao giờ thực sự sống trong cảnh thanh bình suốt mấy trăm năm qua.  Hết Trịnh Nguyễn phân tranh thì đến nội chiến Tây sơn Nguyễn Ánh, chưa kịp thở ra hơi thì lại Pháp xâm lăng; rồi là quốc cộng.  Dây dưa mãi với chiến tranh người ta phải sống ra sao và thói quen gì đã hình thành, suy nghĩ nào đã nằm sâu trong tiềm thức?  Người ta luôn cố gắng luôn sống trong tranh đấu, luôn sống trong sự chắt chiu để bảo tồn, luôn nắm lấy bất cứ cơ hội nào có thể.  Cố tồn tại, cố tạo dựng, và cố hưởng trong cái phập phồng chờ đợi một tai ương.  Bây giờ hết chiến tranh vẫn quát to tranh đấu, vẫn vung nắm tay cao và vẫn đạp lên nhau.  Xã hội như toát ra một sự say sưa- say sưa kiếm tiền say sưa làm việc từ thiện say sưa du lịch say sưa trồng cây…  Đời sống bừng bừng trong thành phố nhỏ, trên cả đất nước, và ngôn ngữ cũng rộn ràng đáp ứng với cái bừng bừng ấy.  Áo đầm “huyền thoại,” xe “đỉnh,” ăn vặt “cổ tích (?),” vườn “cổ tích” (không có truyện cổ tích nào cả), dịch vụ “sang chảnh,” sản phẩm “sang xịn mịn,” cái gì cũng “cực!”  Để bắt kịp đời sống, đối thoại không còn có thể ngắn hơn với những chữ cụt ngủn: cực, chất, đỉnh,…; và cũng để đáp ứng cái hào nhoáng đang ngùn ngụt bốc cao nên viết lách lại dùng chữ văn hoa không cần thiết: “sở hữu” chứ không nói suông một chữ “có” nghe không oai không kêu!  Quy luật chung chung dường như là chữ kép hay cả một cụm chữ thì cắt một nửa, thậm chí cắt chỉ còn một chữ, chữ đơn thì thế vào một chữ Hán Việt hay một câu dông dài, và không cần huyết thống hay liên quan xã hội gì cả người ta “liên hệ” với nhau qua số điện thoại!  Không cần có lý có nghĩa, càng mới càng hay, miễn người ta hiểu nhau và không làm chậm nhịp sống của nhau, cái nhịp sống dàn dụa như khói trong trưa nắng.
 
Trăm năm nữa chăng để có thể “chậm tiến như thể nước Lào,” lừ đừ thong thả như con nước chậm lờ trôi chảy?  Trăm năm nữa chăng để giã cơn rượu thời thế?  Nhưng đó có phải là điều lý tưởng cho xã hội?  Có lẽ Ngà chỉ là một kẻ chết rồi.  Cái ý nghĩ đó cứ âm thầm lẩn quẩn trong tâm trí bởi Ngà nhận ra mình chẳng còn tha thiết với một điều gì được lâu bền.  Điều gì muốn lắm lắm cũng chẳng vật vã tìm đạt, mà nó vuột khỏi tầm tay cũng chỉ thờ ơ.  Ngà không còn biết đâu là ý nghĩa của cuộc sống và có lẽ cuộc sống cũng chả có ý nghĩa gì, nó chỉ là khúc phim bất tận của bầy ngựa già ngựa non ngựa lồng ngựa đẹt –  phi mãi trên chặng đường gió bụi.  Lâu lâu vài con ngã gục làm tung mớ bụi mù, chẳng bao lâu thì đàn ngựa sẽ đầy thêm một tí và rồi lâu lâu sau nữa  sẽ lại có một mớ bụi tung lên, cứ vậy mà khúc phim từ từ trôi mãi, những con ngựa ấy lúc này lúc khác nhưng đường bụi mù thì thăm thẳm không đổi thay.
 
Ly nước của Ngà đã cạn,  cả bọn kéo nhau đi bộ về trường cũ chụp vài bức ảnh kỷ niệm.  Ngà rủ Mai và Tân ra đường sách.  Thấy người ta nói đến nên Ngà cũng tò mò háo hức mong tìm được sách hay.
 
Sau tháng Tư 1975, Ngà nhớ mình đã đi không biết bao nhiêu con đường, qua không biết bao nhiêu tiệm sách tìm mua những thứ sách mà Ngà nghĩ rồi sẽ biến mất để dành lại, khi nhà Khai Trí đã phải đóng cửa.  Số lượng sách nơi “đường sách” này thì cũng khá nhiều, nhưng thể loại thì không phong phú bằng và so với chỉ một nhà sách Khai Trí cũ thì cả con đường sách cũng không thể hơn!
 
Sách mới thì không có gì mới để hấp dẫn, sách cũ thì không phải là chính sách cũ mà chỉ là bản sao, bản in lại của những cuốn sách cũ, và những bản in lại đó cũng chỉ giới hạn trong loại sách học và tìm hiểu làng nhàng vô thưởng vô phạt.  Văn thơ ngày cũ biệt tăm!  Không một cuốn tiểu thuyết của các nhà văn cũ, không một cuốn thơ của các tên tuổi đã xuất bản trong Nam, không một cuốn phê bình giảng luận tư duy triết học, không nghiên cứu tìm hiểu cập nhật với thế giới bên ngoài.  Duy có một tiệm sách nằm khoảng giữa con đường, có bán những bộ sách cũ thứ thiệt, được bao bìa hoặc bọc trong hộp nhựa mềm để bảo toàn.  Những cuốn sách ấy cũng lại là những sách về phong tục tập quán ngôn ngữ và lịch sử, nhưng là những bản sách quí từ rất xưa có lẽ đã nằm trong các thư viện riêng của gia đình nay lưu lạc bôn ba!  Giá sách cũ đó từ 50 đô đến gần 400 đô, tiếng là mắc nhưng với những người nghiên cứu có lẽ không là bao.  Ngà tìm được cuốn Việc Từng Ngày của Đoàn Thêm, bản in lại, vừa thấy vui chưa lâu lại băn khoăn cái nỗi không biết người ta có thêm bớt gì vào trong đó.  Bớt thì còn đỡ, thêm vào mới là chuyện nguy nan cho những kẻ tò mò muốn biết như mình.  Sửa một chữ thì đất trời liền phân cách, đọc sẽ tức anh ách hoặc bị tin vào một điều không thực!
 
Ngắm ngó săm soi nhưng không còn tìm được cái thú vồ lấy mà đọc khi xưa, Ngà đành quay gót.  Bước vào bước ra bước lên bước xuống mấy bậc thềm, Ngà nghe một tiếng “ầm” rồi là thấy mình đang nằm xoài úp mặt dưới đất.  Cặp kính đập vào hố mắt tạo một vòng đỏ hồng, đầu gối xước da rướm máu.  Các em bán sách chạy ra đỡ Ngà dậy, giúp gom lại túi và sách vừa mua.  Mai và Tân đang ngồi nơi bàn nước của tiệm bên cạnh cũng lật đật bước tới.  Ngà chợt thấm thía nỗi già nua, không phải vì cú té ngã mà bởi nhận ra mình không hề thấy mắc cỡ ngượng ngùng như những hồi còn trẻ, còn thấy mình liên can đến cuộc đời chung quanh.  Cái cảm nghĩ mình đã chết rồi đang cầm nắm tâm hồn.  Ngà nán lại đường sách thêm một chút rồi chẳng biết muốn gì ở chỗ này nữa nên chia tay Tân và cùng Mai về nhà.
 
Lên phòng, hai đứa thay bộ đồ ngắn rồi ngả xuống nệm.  Thoáng chốc trời vào tối, nằm bên nhau rủ rỉ mang lại cho Ngà nỗi ấm áp thân tình của tuổi học trò xưa cũ.  Ngà tự hỏi đây có phải là điều kỳ diệu để tình bạn chưa bao giờ được dịp thành hình giữa Mai và Ngà sau 40 năm lưu lạc rồi cũng có một ngày được xanh lộc trổ mầm, và cái tình bạn muộn màng lúc cuối đời đó như một tặng phẩm chưa hề mong ngóng!  Đêm còn non, nhưng cả hai đều bị ảnh hưởng của giờ giấc sai biệt nên chìm vào giấc ngủ sớm thật nhanh.
 
Ngà thức giấc lúc 3 giờ sáng, bên cạnh Mai cũng đã mở mắt.  Hai đứa nhìn nhau cười xòa.  Trong lúc Ngà xuống lầu lấy cà phê, Mai thu dọn đồ dùng vào va li.  Lát trưa Mai sẽ lấy xe đò về lại Vũng Tàu để ở bên mẹ nốt những ngày nghỉ cuối.  Mãi mà trời vẫn chưa sáng, Ngà rủ Mai đi bộ!  Mắt Mai sáng lên:
–Đi bộ ở đâu?
-Ngay đầu hẻm nhà mình là đường Bờ Kè, từ hôm về đến giờ Ngà đã đi mấy buổi sáng rồi.
-Ah, thích quá, nhưng Mai không có giày ba ta.
-Ngà có mang 2 đôi!
Hai đứa thay đồ tắp lự, kim vừa chỉ 5 giờ thì ra khỏi cửa.
 
Tuy vẫn còn bóng đêm, nhưng đã loáng thoáng người, những người muốn trốn nắng, muốn có giờ thể dục trước khi đến sở.  Hai đứa thong thả đi dọc theo lan can hai bên bờ kè, vừa đi vừa nhắc chừng cho nhau những chỗ gập ghềnh.  Cũng như Ngà, Mai thường xuyên vấp một cái gì đó mà nhìn lại thì chả có cái gì, và sau một đỗi đường thì cả hai cùng đi đến một kết luận: mặt đường không bằng phẳng nhưng vì  người địa phương đã quen bước chân nên không sao mà những đứa như Ngà và Mai thì có sao! 
Giòng nước thật im, in bóng những cây Phượng, cây hoa Sứ, hoa bò cạp Thái lan, hoa móng tay trắng hồng.  Hai bên đường đối diện bờ Kè Ngà đếm được chừng 5 mái chùa, một nhà thờ và một nhà nguyện.  Phía bên kia bờ kè có tiếng đọc kinh sáng vọng sang, đã bắt đầu giờ lễ đầu ngày.  Ngà chẳng biết hai đứa đã nói những gì với nhau, nhưng có lẽ trang vở học trò đang được ghi những giòng chữ êm đềm, bởi đó là điều duy nhất thấm vào trí óc của Ngà.  Sao đơn giản như vậy mà người ta không thể nắm lấy được nó, đến nỗi phải đi hai phần ba cuộc đời mới tìm được chút hồn nhiên của tuổi học trò.  Ngà muốn nắm tay Mai như Ngà và Loan đã từng nắm tay nhau, nhưng đã quá muộn cho tình bạn trễ tràng này.  Dẫu sao, lòng Ngà vẫn tràn nỗi hân hoan cảm động, bởi nếu chiều dài phong ba của cuộc sống đã ngăn cách hai đứa thì cũng chính cái chiều dài phong ba đó cho Ngà biết – người ta chỉ cần một ngày một giờ sống trọn vẹn tình cảm với nhau, với chính hoàn cảnh và con người thật của mình, là đủ tạo nên hạnh phúc dài sâu.
Sáu giờ, trời đã sáng.  Cho dù chưa nóng nhưng chặng đường 5 cây số đã làm hai đứa toát mồ hôi sôi nước mắt!  Cuộc hành hương bờ Kè cho tình bạn trễ muộn vậy là đã thành công rực rỡ, hai đứa về nhà tắm rửa sửa soạn cho một ngày mới trên quê cũ.
LƯU NA
01022023
(Còn tiếp một kỳ)

 

 

No comments:

Post a Comment