Thursday, January 19, 2023

BAO NGÀY ĐỢI GIÓ

Đặng Mai Lan
 
Tác giả & Tác phẩm 
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba.(*)
 
Minh chỉ thích nghe bài hát này sau lần anh gặp Diệp, dù Diệp đã mười bảy tuổi. Khuôn mặt thanh tú, cánh mũi thon. Đôi mắt không to tròn nhưng long lanh như nắng trưa, ngơ ngác những khi bị trêu chọc, bối rối. Không hẳn vì sự hồn nhiên trên nét mặt cô gái vừa qua tuổi dậy thì, nhưng có thể Diệp là cô em út của bạn anh; đứa em được ông anh cưng chiều đã khiến gã lính đa tình trong Minh ngại ngần với bao lời muốn nói. Diệp như cánh lá non, mỏng manh trong vườn nhà anh mùa lá mới mà Minh chỉ đứng ngắm nhìn, không dám đưa tay vuốt ve, sờ chạm. Anh biết Diệp cũng có cảm tình với anh. Ngoài những gặp gỡ riêng tư ở quán cà phê gần nhà, cả hai đã từng ngồi bên nhau trong rạp hát, chăm chú coi hết một cuốn phim dài. Nhưng khi nào anh mới được cầm tay cô, hôn lên đôi môi ấy. Ngày mai, ngày mốt hay chẳng bao giờ. Thời gian, cuộc sống có chờ anh không?
Thời chưa nhập ngũ, tuy không thuộc lớp trẻ mê điện ảnh, nhưng Minh vẫn thường đi xem xi-nê với những thằng bạn học. Phim bọn con trai mê thích là những loại phim cao bồi, nói về đời sống của những gã giang hồ ở miền viễn Tây nước Mỹ, cuộc chiến giành chiếm đất đai của các bộ lạc, hay sự xung đột về chủng tộc giữa người da đỏ và da trắng. Anh nghĩ có lẽ Diệp không thích những loại phim đầy cảm giác mạnh và bạo lực, nên lần mời Diệp đi xi nê, Minh đã chọn một phim vui do nữ tài tử lừng danh Brigitte Bardot có thân hình nẩy lửa, nhưng lại thủ vai một dì phước ngây thơ lạc loài trong một thế giới trần tục, nhục cảm của con người. Hơn nữa, anh em mà! Đi xem phim vui là hợp lý.
"Love Story" đang được chiếu ở Rex. Chuyện phim nếu có quảng cáo rầm rộ trên những trang báo cũng chỉ tóm lược sơ sài cốt truyện và tên tuổi của những diễn viên. Nghe đâu cuốn phim đã lấy được rất nhiều nước mắt của khán giả. Diệp nói với Minh như thế và cô muốn anh cùng với cô đi xem.
Nụ cười chúm chím, nhưng giọng nói như ra lệnh:
- Anh phải đi coi phim này với em, em mời anh!
Đôi mắt người lính tròn xoe kinh ngạc:
- Mời? Em có tiền không đó? Nhịn ăn sáng bao nhiêu ngày rồi?
- Anh đừng lo, có người mời anh dùm em.
- Sao rắc rối vậy?
Không đợi Minh hỏi thêm, Diệp mở chiếc túi vải lấy ra cuốn sách có hai tấm vé thẳng thớm vì cô đã cẩn thận ép chúng giữa những trang sách.
- Bảnh không? Ông Ưng Thi, chủ rạp Rex mời đó. Có đóng mộc tên Ưng Thi đàng hoàng, em không nói dối nhe.
- Trời, anh không ngờ em quen biết lớn như vậy.
Thật ra, Diệp có ông anh rể làm việc ở một ngân hàng. Rex thường tặng vé mời cho nhân viên, như một thứ quà nhỏ tỏ lòng biết ơn với những thành viên góp sức vào việc giao dịch tài chánh giữa nhà băng và nhà phát hành phim ảnh. Những tấm vé đôi khi về tay chị của Diệp và lần này đến tay cô.
- Đỡ ghê! Số em được hưởng nhiều bổng lộc, giờ anh còn được ké. Nhưng Diệp nè, thiệt sự anh không thích những loại phim tình cảm. Phim này nghe nói các cô khóc nhiều lắm. Em có khóc không vậy? Anh không biết dỗ đâu nhe.
- Không!
Câu trả lời ngắn gọn cộc lốc của Diệp làm anh bật cười. Cô nhỏ nhất định ăn thua đủ với anh, không nhường một câu. Nhưng đang vui, lòng anh chợt chùng xuống tư lự.
- Diệp à, anh sợ những giọt nước mắt lắm.
Giọng nói đượm buồn của người lính không làm Diệp cảm động. Cô thầm nghĩ, không chừng mình lại rơi vào một cái bẫy nào đó của Minh.
Diệp nhìn anh tra vấn:
- Anh có làm ai khóc chưa mà sợ nước mắt?
- Chưa, nhưng sẽ có người khóc vì anh!
- Không phải em!
Mình đốt điếu thuốc, thả một làn khói mỏng:
- Em nói anh nghe buồn lắm đó! Hiện tại thì anh chưa biết, nhưng em vừa nói là không có em. Nhớ nhe!
Diệp có chiếc răng hơi lệch, không phải là răng khểnh duyên dáng, một nét đẹp mà người đời ca tụng. Mỗi khi cô cười, cái răng cửa chênh chếch của Diệp nhìn rất dễ thương. Nụ cười mới nở trên môi cô, giờ đã biến mất. Diệp trước mặt anh trầm ngâm, lạnh lùng như tượng. Minh thừa biết bên trong vẻ lạnh lẽo đó chắc chắn có một điều gì không bình thường.
Anh nói nhỏ nhẹ:
- Em có gì không vui phải không? Nếu giận anh chuyện gì thì kết tội anh đi. Không chừng vài bữa nữa anh đi hành quân. Anh đi lâu lắm, em không nói bây giờ, anh đi rồi đừng hối hận nhe!
Diệp tránh đôi mắt của Minh, cô nhìn bâng quơ ra khoảng sân trước quán. Những giọt nắng làm đầy buổi trưa giờ đìu hiu quạnh vắng như chiều muộn.
Bây giờ Minh mới nghĩ ra. Hình như cô nhỏ đã hờn ghen với ai đó sẽ khóc vì anh, câu anh mới nói và bỏ lỡ nửa chừng… Nếu vậy thì anh đáng tội và tội nghiệp Diệp quá.
- Nghe nè Diệp, mai anh ra trận, biết đâu sẽ bị lãnh nguyên một trái B40, nằm xuôi tay trong poncho, chờ trực thăng tới chuyển lên máy bay về nhà xác của một bệnh viện nào đó là xong một kiếp. Đâu có thằng lính nào biết được ngày chết của mình. Chết là hết, ngoài những người ruột thịt, anh đâu biết sẽ còn ai tiếc thương mình. Có đúng vậy không Diệp?
Minh nói một hơi dài, ánh mắt trầm tư. Chiến tranh càng ngày càng trở nên khốc liệt. Hình ảnh những đồng đội của anh ngã xuống trong trận đụng độ vừa qua, những người vợ tử sĩ đi nhận xác chồng vật vã khóc lóc đã không ngừng ám ảnh anh. Trung đội anh có thằng tìm cách đập dập bàn tay, vừa đủ thương tích để được ở nhà, có thằng đào ngũ. Mấy ai dám bảo rằng mình không sợ chết.
Diệp cảm thấy mắt mình cay cay, nhưng cô cố gắng kềm lại những cảm xúc.
- Anh chỉ thích nói gở.
Diệp nhìn đồng hồ đeo tay:
- Thôi em về!
Nói "về" mà nghe như chia tay vĩnh viễn...
 - Mai anh đến đón em, vẫn trước căn nhà bông giấy hả? Để anh hỏi chủ nhà coi họ có bán nhà không, anh mua phứt cho tiện nhe.
Diệp không cười, điều cô muốn nghe, muốn biết vẫn ấm ức trong đầu.
 
Minh cầm tấm hình Diệp ngắm nghía, tấm hình cô giấu trong cuốn sách mà anh năn nỉ mượn cả sách và hình về trại đọc. Hình Diệp mặc áo dài trắng, đứng dựa vào một thân cây trên một khúc đường vắng. Mặc áo dài thì chắc là cúp cua đi chơi rồi… Tí nữa, anh phải nói điều suy đoán này với Diệp. Diệp thời trang trẻ trung, Diệp vui tươi sinh động, Diệp lụa bạch ngoan hiền, rồi Diệp sẽ như thế nào trong những ngày tới.
Minh giở vài trang sách. Chịu thôi, anh không thể đọc những loại truyện của các cô tiểu thư học trò. Nhưng anh sẽ giữ nó và đền lại cho Diệp một cái gì đó của anh. Trước tiên là một tấm hình. Tại sao không? Anh có vài tấm hình chụp lúc mới ra đơn vị mà anh rất thích. Đời anh chưa hề tặng hình cho ai. Tặng em để có người nhớ anh. Minh cười đắc ý, không ngờ mình lại sáng tác được một câu hay tới vậy.
Minh ngắm mình trong gương, ba năm nắng gió, bụi bờ đã phủ lên khuôn mặt trắng trẻo thư sinh của anh một làn da khốc khô, sạm sượng. Khuôn mặt này có còn thích hợp với chiếc áo polo màu xanh trời anh yêu một thuở?
Lâu rồi, Minh không còn dịp nào khoác lên người những bộ quần áo dân sự. Anh cảm thấy thoải mái trong bộ đồ lính. Mới, cũ gì cũng không ai để ý. Vô trại hay đi bất cứ nơi nào, xa gần cũng được. Khỏi mất công thay ra thay vào. Nhưng bây giờ nhìn bộ đồ trận, sao lòng anh ngán ngẩm.
Minh để cuốn sách ngay ngắn vào chiếc túi vải màu kaki. Cuốn sách anh mượn của thằng bạn học trước khi nhập ngũ tới giờ vẫn chưa có dịp trả. Cả hai cùng đăng lính, mỗi đứa một nơi, biết ngày nào gặp lại. Thôi để cho Diệp cất làm kỷ niệm. Giữ dùm anh đi em, anh muốn mua cho em một cuốn sách nhưng anh không biết em thích đọc tác giả nào? Sách truyện với anh từ lâu đã là một điều xa xỉ. Tặng em luôn cái túi, cái túi em mang hôm qua không đẹp bằng cái túi này đâu. Vải túi tuy cũ, nhưng anh nghĩ nó hạp với mấy bộ đồ hippie của em lắm. Mấy ông tổ hippie nhìn có sạch sẽ gì đâu. Những ý nghĩ reo vui trong đầu khi nghĩ về Diệp, nhưng lại làm Minh tha thiết nhớ về những ngày tháng cũ, ngôi trường ở một tỉnh lỵ và hồn thanh niên phơi phới mộng. Chiều nay, anh nhất định xếp áo lính, khoác lại áo thư sinh.
 
Dường như mỗi lần gặp Minh là mỗi bất ngờ đến với Diệp. Minh chiều nay lạ lùng, Minh là một người khác. Không phải là người lính ngồi với Diệp ở quán cà phê hôm qua.
Mặc Diệp ngẩn ngơ, Minh vẫn cười, nụ cười đầy bí ẩn:
- Lên xe đi, xe nào cũng chạy được mà. Anh muốn đưa em tới một nơi. Lè lẹ kẻo trễ giờ chiếu phim!
Thay vì rẽ hướng lên phố, Minh cho xe chạy ngược về ngoại ô. Chiếc Vespa to lớn cồng kềnh hơn xe Honda, Diệp chưa từng ngồi trên loại xe này, nên Diệp cảm thấy lúng túng. Cô không biết phải khép đôi chân cùng hai tà áo như thế nào cho gọn.
Cho đến khi quen với nệm xe rồi Diệp mới ghé đầu vào vai Minh thủ thỉ:
- Anh đưa em đi đâu vậy?
Minh cười ngúc ngắc trong cổ họng:
- Đưa em đi may áo dài.
May áo dài, chuyện gì nữa đây? Hay Minh chê chiếc áo cô đang mặc vằn vện sặc sỡ. Áo Diệp mới lấy ở tiệm về hôm qua và phân vân mãi không biết mình có già đi với những đường nét kỷ hà vẽ trên cánh áo. Lần đầu tiên, Diệp xúng xính trong chiếc áo dài đầy màu sắc.
- Bộ anh chê  áo em đang mặc nên muốn đưa đi may áo khác hả? Anh giàu vậy sao?
- Làm gì có lính giàu! Áo em đẹp lắm, anh đang nghĩ chắc em không lấy chồng lính được. Tiền lính làm sao đủ may áo mới cho em hoài hoài.
Diệp trả treo:
- Bao nhiêu đàn ông con trai ra hết chiến trường, không lấy lính thì lấy ai?
- Lấy con cháu nhà ông Ưng Thi, tha hồ có vé đi coi xi nê, không chừng em còn tặng lại cho mấy ông lính nghèo về phép.
Hừ! Diệp bấu vào vai Minh:
- Thật sự em không biết anh đang giở trò gì?
- Sắp biết rồi!
Minh tấp vào lề đường ngay một dốc cầu, cuối một khu chợ sầm uất. Anh chỉ cho Diệp thấy một tiệm may và nói một cách thản nhiên:
 - May đẹp lắm đó. Hôm nay không có thì giờ, lần sau dẫn em đến giới thiệu, may khỏi tốn tiền nhe. Tiệm của bà chị anh.
Minh luôn đùa, nhưng lần này câu nói của anh làm cô lâng lâng cảm động. Diệp nào biết trước khi Minh ra khỏi nhà, bà chị của anh đã đứng ngắm thằng em từ đầu đến chân. Điều gì khiến bữa nay cậu em mình lột xác, thay đổi từ trang phục cho đến chiếc xe. Chiếc xe như một thứ tài sản Minh cưng quý, anh ít khi lấy đi. Người nào được ngồi trên chiếc xe này hẳn rất đặc biệt.
- Đi đâu mà diện láng coóng vậy?
- Đi chơi với em dâu tương lai của chị.
Bà chị bĩu môi vì đã quá quen tính ý của thằng em:
- Chỉ được cái xạo sự!
- Thiệt mà! Em sẽ đem về trình diện chị.
Thực sự Minh không biết mình có xạo hay không? Diệp không còn nhỏ nhưng nào đã lớn. Bao quanh đời cô là những cuộc vui huyên náo của tuổi trẻ và những chân trời mộng tưởng. Mốc chấu tình cảm giữa hai người chỉ vừa chớm. Diệp có thực yêu anh không? Tình yêu với một thằng lính biền biệt tháng ngày không gặp mặt, không biết sống chết lúc nào.
 
Quán chiều vui như ngày hội. Quán gần rạp xi nê, nên dường như khách ngồi quán đều là những người mê điện ảnh, đang chờ giờ rạp chiếu xuất mới để đi coi. Chiều cuối tuần, trai thanh gái tú ăn diện bảnh bao, nói cười rôm rả.
Minh mở cái túi lấy cuốn sách đưa cho Diệp. Cái túi từ lâu bị bỏ quên trong một góc tủ, vậy mà bữa nay nó được anh nâng niu như báu vật.
- Em đọc cuốn sách này chưa?
Hỏi Diệp, nhưng nếu Diệp hỏi ngược về nội dung cuốn sách chắc anh sẽ không biết trả lời. Giờ thứ 25, một tác phẩm được coi là kinh điển của Contanstin Virgil Gheorghiu. Minh đã quên nhiều bối cảnh trong truyện, chỉ nhớ về thân phận bi thảm của một con người bị kéo lê theo nhiều cỗ máy thời cuộc với những chủ nghĩa và quyền bính thống trị trên đất nước của ông vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Diệp cầm cuốn sách, cô chỉ lật qua lật lại để ngắm bìa, nên chưa biết tấm hình anh giấu bên trong. Tựa đề của cuốn sách chẳng xa lạ gì với cô.
- Cuốn này xuất bản lâu rồi, nhưng em chưa đọc, chỉ coi phim.
- Trời, em coi phim đó rồi? Sao em sướng vậy? Anh mê Anthony Quinn thấy mồ mà nào có được coi.
Diệp cười:
- Thì vé chùa mà! Em được coi nhiều phim lắm. Nhưng nghe nói phim không hay bằng truyện.
- Ừ, em giữ đọc đi để nhớ anh, à thêm một người nữa chứ!
Diệp lắc đầu:
- Gặp anh mỗi ngày chắc em đau thần kinh mất.
- Anh lúc nào cũng thành thật. Nghe nè, sách anh mượn của thằng bạn rồi lấy luôn, giờ gửi lại cho em. Quà lính đó, nhưng của hai người lính tặng em, em là nhứt rồi.
 - Vậy nhắn bạn anh em cám ơn. Em sẽ nhớ anh đó luôn.
Không biết thằng bạn Minh hiện đang đồn trú nơi nào? Nếu có gặp lại, anh cũng sẽ chuyển lời của Diệp. Anh định nói thêm với Diệp đó là "kỷ vật" cho Diệp, nhưng không phải là viên đạn đồng đen như lời thơ của một ông lính thi sĩ. Kỷ niệm hay kỷ vật? Đời lính tráng, từ kỷ niệm tới kỷ vật nhanh như tên bay, đạn lạc. Chắc chắn Diệp không thích hai chữ "kỷ vật" chút nào. Diệp sẽ rưng rưng trách anh chỉ toàn nói gở.
 
Minh không thích xem phim tình cảm, nhưng anh không hiểu mình bị cuốn hút vào câu chuyện tình đầy bi thương, hay dáng người con gái đang ngồi bên anh gần như bất động khi phim chiếu cảnh nhân vật nữ Jenny hấp hối trong tay người yêu mà phải qua bao nhiêu khốn khó họ mới đến được với nhau. Diệp ủ rũ như con chim nhỏ bị mắc mưa. Anh muốn ôm Diệp nhưng anh lại ngại ngần... Minh ơi, thằng lính ngỗ ngáo đâu rồi, sao với Diệp mình lại quá ư nhút nhát?
 
Khi chia tay nhau nơi thềm nhà có giàn hoa giấy, nhớ tới câu nói của anh chồng trẻ trong phim đã nói với cha mình sau khi cô vợ qua đời, "Yêu là không khi nào nói lời tiếc nuối". Minh cười thầm khi nghĩ câu nói này rồi cũng sẽ trở thành lời kinh điển cho các cô cậu học trò tỏ tình với nhau, Diệp mơ mộng của anh cũng nằm trong số đó.
- Tập sống như lính tụi anh nè, không "hối tiếc" bất cứ chuyện gì nhe!
Trong bóng tối nhưng Minh cũng mường tượng ra đôi mắt se lạnh, đôi môi mím giận dỗi của Diệp. Có lẽ cô đang hậm hực hờn anh là người gì mà khô khan như củi! Song anh vẫn muốn Diệp phải cười, mang nụ cười vào giấc ngủ đêm nay.
Minh tiếp tục bỡn cợt:
- Anh chồng Oliver đẹp trai nói điều này mà. Anh đâu có bịa để chọc em!
Đôi mắt dường như đang mở to nhìn anh khiêu khích. Minh cảm thấy hối hận.
...
Những ngón tay ăn năn, thao thiết được ôm Diệp trong rạp hát khi phim chiếu một cảnh buồn giờ đang ôm trọn vòng lưng mềm mại.
Minh thầm thì:
- Anh thương em lắm, chẳng lẽ em không biết. Em về ngủ ngon nhe! Nhớ đọc "giờ thứ hai mươi lăm" và quên chuyện phim buồn này đi. Lần sau anh sẽ đến tận nhà đón đưa em.
Buổi chiều vội vã rời quán cho kịp xem xuất phim, Diệp chưa nhìn thấy tấm hình anh ép vào trang sách. Không biết nụ cười của Diệp sẽ thế nào khi đọc những lời anh viết sau bức ảnh. Minh nói thầm: văn chương thằng lính tác chiến của anh chỉ được vậy thôi nhe Diệp!
Suốt đoạn đường về, câu nói "anh thương em lắm, anh sẽ đến nhà đón đưa em" vang vang trong đầu Minh. Có khó khăn gì khi đến ngôi nhà mà anh đã từng vào ra quen thuộc. Nhưng bây giờ, trước cánh cửa đó có một người đang đứng, người bạn luôn có những câu nói khôi hài mỗi lúc gặp anh. Anh phải thế nào để bước vào cánh cửa, đi qua những nụ cười và xin phép được đưa đón Diệp?
Còn Diệp, chỉ một tiếng thương nhẹ hẫng và những ngón tay Minh như từng cánh gió đêm đưa Diệp bay vào cõi mộng. Lá đã bao ngày chờ đợi gió, chờ đón phút giây này?
Tuy nhiên, trầm mình trong thứ cảm xúc ngầy ngật chao đảo, Diệp vẫn còn chút tỉnh táo nhìn Minh ngoa nguýt. Lẽ nào trong tự điển tình cảm của những anh con trai miền Tây sông nước, không hề có chữ yêu.
Cô có nên tặng Minh một cuốn tự điển be bé, tìm trang có hai chữ yêu - thương và lấy bút tô đậm lên chúng bằng hai màu khác nhau? Tiếng Việt mình phong phú lắm, thương và yêu không hẳn cùng nghĩa như love trong Anh ngữ nhe anh.
Ý nghĩ làm Diệp cảm thấy vui, nhưng cô biết mình sẽ không dám làm điều đó. Những gì đang xảy ra giữa cô và Minh chẳng phải là tình yêu sao?
Em còn con nít lắm, tuổi của em anh tưởng mới mười ba. Diệp tin chắc Minh sẽ lặp lại câu nói này với cô.
 
* Tuổi mười ba  (Nguyên Sa/ Ngô Thụy Miên)
 
ĐẶNG MAI LAN
(tháng 12/2022)
 
 
 
 
 
  

No comments:

Post a Comment