Sunday, January 1, 2023

GIỚI THIỆU ‘NGỤC TRUNG MỊ NGỮ’ CỦA TUỆ SỸ

Đào Nguyên Dạ Thảo

 
Vừa bước sang giây thứ nhất  00:01 sáng (giờ California) đầu năm 2023, Dạ Thảo khai “book” quyển sách “NGỤC TRUNG MỊ NGỮ” Thơ Tuệ Sỹ  – Quyển thơ có 18 bài trong 50 bài được Thầy Tuệ Sỹ  viết bằng Hán tự trong thời gian Thầy bị bắt giam lần thứ nhất hơn 2 năm (1978-1981). 
 (HÌNH #1)
Tuy có 18 bài thơ nhưng sách dày 200 trang, gồm có:
 (HÌNH #2 , #3)
- 18 bài Hán thi, bút pháp của Thiền sư Takaoka Shucho trụ trì chùa Đức Lâm ở Nagoya, Nhật Bản.
(HÌNH #4)
  - 18 bài thơ Hán văn; 18 bài chuyển âm Việt; 18 bài dịch nghĩa
(HÌNH #5)
- 18 bài thơ Anh Ngữ do nhà thơ Nguyễn Phước Nguyên dịch.
- 18 bài thơ Việt ngữ do thầy Nguyên Hiền dịch.
- 18 bài thơ Nhật Ngữ do giáo sư Bùi Chí Trung dịch.
 (HÌNH #6)
- Phần đoản văn” Xoay Quanh Chữ Nghĩa Ngục Trung Mị Ngữ” của Bùi Chí Trung và Thầy Tuệ Sỹ  trong thời gian ở Nagoya.
 
  Trong thời gian dịch chùm thơ Thiên Lý Độc Hành (xuất bản năm 2020) ra tiếng Nhật, đôi khi muốn thay đổi ý tưởng nên tìm đọc một số bài thơ của Thầy Tuệ Sỹ  trên sách hay internet, tình cờ thấy một vài bài thơ chữ Hán khi Thầy ở trong tù, dùng chữ đơn giản nhưng ý thâm sâu, đã được dịch và giới thiệu ra tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nhưng chưa thấy sát ý lắm, một phần bởi tính cách hàm súc của chữ Hán, chữ ít mà ý nhiều, và khi dịch ra thơ cũng có những chỗ càng thêm xa nguyên ý.

  Tôi vào internet dò tìm ra được khá nhiều dữ liệu giới thiệu những bài thơ này, đầy đủ nhất là bản PDF “Thơ Tuệ Sỹ” do Quảng Hương Tùng Thư và Ni Sư Tuệ Hạnh phát hành ở Texas năm 1988, trong đó có mười tám bài thơ chữ Hán “Ngục Trung Mị Ngữ” với thủ bút do chính Thầy viết lại sau khi ra tù. Rất tiếc là còn hơn ba mươi bài nữa không biết thất lạc nơi nao, Thầy thì không thể nào nhớ lại hết được. Mong có ngày nào những bài thơ này được tìm ra, xin liên lạc đến Thư Quán Hương Tích, trả về cố chủ và giới thiệu cho mọi người, để tập thơ “Ngục Trung Mị Ngữ” được trọn vẹn thơ được trùng phùng và thơ lại gặp thơ.

Gom góp mười tám bài thơ đó đưa Thầy xem, Thầy nói có vài chữ không chính xác lắm, cũng cần phải chỉnh sửa đôi chút; thế là tôi đánh máy lại và phiên ra âm Việt những bài thơ này, đã cùng hội ý và sửa lại theo ý Thầy. Sau những lần được Thầy giảng nghĩa các bài thơ, tôi viết lại phần dịch nghĩa tiếng Việt ra văn xuôi và xin phép Thầy được cùng với nhóm biên soạn tập thơ Thiên Lý Độc Hành thực hiện phát hành tập thơ này.
Trước tiên là cần tìm người dịch ra thơ tiếng Việt. Theo lời Thầy Tuệ Sỹ, Thượng toạ Nguyên Hiền là người dịch thơ Hán Việt rất chuẩn và hay. Thầy đã trực tiếp nhờ dịch. Thầy Nguyên Hiền rất hoan hỷ nhưng vì trong hai năm qua, nhà chùa có nhiều công tác khẩn cấp hơn nhất là cứu trợ chẩn tế các đồng bào gặp khó khăn ảnh hưởng dịch Covid nên công việc dịch thơ bị chậm trễ. Thế là dịch này làm phiền dịch kia vậy.
Lúc đầu chỉ dự định dịch ra thơ Việt xong phổ biến nhưng trao đổi ý kiến với nhóm biên soạn thì quyết định dịch thêm ra tiếng Anh để sẽ  có thêm nhiều độc giả ở nước ngoài, nhất là với thế hệ lưu vong thứ hai thứ ba của cộng đồng người Việt hải ngoại, và sau này còn có thể làm tài liệu nghiên cứu văn học Việt Nam cuối thế kỷ hai mươi đầu hai mươi mốt.
Khi trình bày ý định dịch thêm tiếng Anh, Thầy nói thế thì dịch luôn ra tiếng Nhật đi, có sẵn người dịch rồi và nhất là vì cùng văn hoá chữ Hán và ảnh hưởng Phật giáo nên dịch từ chính xác hơn tiếng phương Tây. Vì vậy tập thơ này có thêm phần dịch Nhật ngữ.
Năm nay Thầy Tuệ Sỹ  sắp bát tuần, tuy sức khoẻ có phần yếu đi nhưng hằng ngày Thầy vẫn đều đều làm việc như dịch kinh sách, biên soạn và giảng Pháp. Ở Nhật tuổi tám mươi gọi là Tán thọ 傘寿vì trong chữ tán khi viết đơn giản làcó chữ bátvà chữ thập, mong tập thơ này sẽ  là quà tặng dâng Thầy bát tuần.
Thủ bút chữ Hán là do Hoà thượng Takaoka Shucho (高岡秀暢), trụ trì chùa Đức Lâm (徳林寺Tokurinji) tại Nagoya, Nhật Bản viết tặng. Thiền sư Takaoka cũng ngang tuổi với Thầy Tuệ Sỹ, từng tu học ở Nepal và đã đi thăm Việt Nam nhiều lần. Hiện tại chùa Đức Lâm có một đại hồng chung được đúc ở Huế mang về đang được sử dụng trong Phật sự hằng ngày ở chùa.
Bản chữ Hán mỗi bài thơ được viết hai bản, một trên giấy Lokta đem từ Nepal về và một trên Washi (和紙) giấy thủ công của Nhật (giống giấy Dó của ta nhưng rất mịn và bền thường được sử dụng viết kinh sách ngày xưa). Sư phải tập trung tinh thần rất nhiều, tập viết thử nhiều lần trước, và sau đó dành trọn ba ngày đóng cửa tắt điện thoại để khỏi phân tâm mà viết một loạt ba mươi sáu bài thơ chữ Hán trên hai loại giấy. Cảm tạ Sư Takaoka thật nhiều đã giúp cho tập thơ thêm giá trị nghệ thuật.

Tập thơ này có cả thảy mười tám bài, mới đầu đọc thì không để ý nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần thì cảm nhận được từng bài có thứ tự trước sau, tâm sự của Thầy lúc mơ mộng lúc chán nản lúc trầm lặng lúc dâng cao. Ngẫu nhiên hay vô tình, tôi cảm thấy giống một bản giao hưởng.
Chương một (First Movement) mở ra cảnh lao lý cô đơn nhưng vẫn tự tại, tâm sự với người bạn trung thành là cái bóng mình. Sau đó nhắc đến những sinh hoạt hằng ngày từ việc đi vệ sinh cho đến bữa ăn, trước khi thọ trai, cúng dâng Chư Phật rồi đến thầm cám cảnh mong thế gian mau hết hận thù. Những ngày tù vô vị đằng đẵng nối tiếp, nhất là cảm thấy bất lực trước công việc cần thiết nhưng dở dang, bắt đầu thấy hơi tuyệt vọng chỉ biết gởi gắm tình mình qua mấy vần thơ, thơ tuyệt mệnh, tơ lòng cắt đoạn rải trời xanh.
Như khúc nhạc giao hưởng sau Chương một Sonata mở đầu câu chuyện, đến Chương hai biến tấu kể lể tâm tình. Bắt đầu từ bài “Dạ toạ” là vào Chương ba Menuet, tự nói chuyện hằng ngày nhưng là những hoang mang thêm chút bất an, có chút lo lắng về sau; nửa đêm thức giấc nhớ chùa nhớ sư mong một ngày về. Và không chỉ nhớ khi thức dậy mà trong giấc mộng cũng nhớ nhung, nhớ chùa, nhớ Thiền hữu đến nỗi lo rằng chẳng còn ai chờ mình về, sân chùa vắng vẻ đìu hiu chỉ còn cây khô rêu mọc. Ngủ đêm nằm mộng cũng chưa đủ đến ngủ ngày cũng nằm mơ. Đêm ngày gì cũng thấy tương lai mình mờ mịt mọi chuyện đều là huyễn sự cả. Rối ren trong lòng tự hỏi tại sao mình lại ra đến nông nỗi này? Tâm và cảnh đối chọi dằng kéo nhau. Và cả đến những quỉ ma quấy rối kinh thiên động địa làm nghiêng đổ cả núi Nam ngăn trở mục tiêu tu tập của mình.
Tới đây là bắt đầu Chương bốn, chương cuối cùng của nhạc khúc, điệu luân vũ  quay tròn quay tròn nhưng càng về cuối càng hùng tráng và hưng phấn lên. Đoạn đầu nhắc lại ý thức trong tâm đây là mộng hay là thật, mộng và thật thay phiên nối tiếp nhau nhưng khi tan mộng thì đớn đau, ngây ra vén mi thương tiếc giấc mộng giang hồ. Đã đến đỉnh tột cùng tuyệt vọng tiếc cho những ngày dài học Đạo mà chưa giúp được gì cho Đời, ngẫm nghĩ  chuyện luân hồi thôi đành buông tay khỏi vách núi thì may ra mới đạt được “Chân Như”. Nhưng có thật thế không nhỉ? Khi qua đỉnh tuyệt vọng thì mầm hy vọng lại đến. Dù hoàn cảnh khó khăn mấy đi nữa nhưng tịnh tâm thì nỗi nhớ nào cũng qua, nhìn ráng chiều mà nhớ người phương xa. Cuối cùng là giác ngộ, tự mình có thể cười mình, sống với cái mình đang có và đang sống.

Viết gần xong tôi cũng bỗng dưng nhớ tới bản “Giao hưởng dở dang số 8” của Schubert, lặng một chút, thì thầm điệu nhạc trong đầu; rồi lại nhớ đến khúc “Giao hưởng dở dang số 10” của Beethoven còn một vài chỗ  chưa hoàn thành trong mỗi Chương như những bài thơ thất lạc chưa tìm được, thiếu sót của tập thơ này, thêm nữa Beethoven còn khúc giao hưởng số 5, ở Nhật thường có đặt thêm nhan đề là “Vận mệnh” có lẽ gần với hoàn cảnh của Thầy; “Dở dang”, “Vận mệnh”, là những điều xoay quanh trong đầu tôi khi đọc hoặc nghĩ  đến chùm thơ Ngục Trung Mị Ngữ.
(HÌNH #7)
- Phần thoại ngữ trao đổi giữa thầy Tuệ Sỹ  và Nguyễn Phước Nguyên trong thời gian chuyển ngữ.
...
Chuyển ngữ những bài thơ mình thích là một niềm vui, một đam mê.
Chuyển ngữ những bài thơ mình thích của một người thơ mình kính quí, là một hân hạnh.
Làm được hai điều, và cùng lúc, được tương trao cảm niệm với người thơ đó – thật, là hạnh phúc hiếm hoi.
Đây là cảm xúc duy nhất còn lại trong tôi, sau khi phiên bản tiếng Anh của 18 bài thơ trong Ngục Trung Mị Ngữ đã được hoàn tất, đồng thuận, và gửi đi.
...và mãi mãi ...
Nguyễn Phước Nguyên
Riêng phần hình ảnh thầy Tuệ Sỹ  là những khoảnh khắc lưu giữ lại thời gian thầy ở “Thị Ngạn Am” chùa Già Lam vào năm 2002, chuyến đi thăm làng Nghệ Sỹ, quận 2 năm 2004, và thời gian ở Thiền viện Đức Lâm, Nagoya năm 2020 trong máy ảnh của Đào Nguyên Dạ Thảo.
(HÌNH #8)
Sách đã được
CULTURE ART EDUCATION EXCHANGE RESOURCE
và Đào Nguyên Dạ Thảo xuất bản, phát hành tại Mỹ
Sách in màu bìa mềm giá bán: US$40.00 - bìa cứng giá bán: US$50.00
Liên lạc qua địa chỉ email sau:
daodathao@yahoo.com
hoặc inbox qua facebook messenger của DaoNguyen DaThao
 
 

No comments:

Post a Comment