Saturday, April 30, 2022

THÁNG TƯ ĐỌC THƠ TÙ

Poetry. Abstract painting

Chiến tranh và ngục tù là bi kịch đau thương nhất trong lịch sử loài người, nó là kinh nghiệm không được rút tỉa để học hỏi và ngăn chặn, cứ thế lặp đi lặp lại khắp nơi trên thế giới, đánh động mãi ký ức con người nên có thể nói rằng không có cuộc chiến và nhà tù nào trở thành quá khứ, nó luôn là hiện tại với dấu lệ và máu không ngừng chảy. Kinh nghiệm chiến tranh, nhà tù, cùng hệ lụy tang thương của nó như vết cắt hằn sâu trong tâm tư tình cảm con dân Việt nam, mà nhà văn Ngô Thế Vinh đã gọi - vết thương không bao giờ lành-, nó sừng sững ở đó, trên đất đá, trên thân thể, trong tâm hồn, trong sử lịch, mà trái tim và lương tâm con người mãi thúc thủ một câu trả lời.
Bây giờ là tháng tư, tháng của vết thương chưa kéo da non ấy, giở lại những trang thơ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa viết trong trại tù-cải-tạo- như thể chúng ta đang mở băng dán vết thương, hẳn là sẽ rỉ máu, nhưng đồng thời cũng khơi chút hoài mong, rằng, thơ ấy sẽ có tác dụng như một thứ thuốc sát trùng làm vết thương nguôi ngoai. Bạn đọc sẽ thấy thể hiện nơi thơ của họ nỗi bi thương khiên nhẫn, những cõi mơ nương tựa, và họ đã xoay sở, đối diện, với những oan khốc của tù ngục bằng thứ khí giới mơ mộng hồn nhiên, nhân ái của trái tim thi sĩ. Và hiểu được vì sao họ sống sót.
 
Xin giới thiệu mảng thơ tù của: Nguyễn Xuân Thiệp – Thanh Tâm Tuyền – Trần Dạ Từ - Tô Thùy Yên, và một bài hành bi tráng của Cao Vị Khanh. NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
NGUYỄN XUÂN THIỆP
 
Điu hoài hương xanh
 
đêm những vùng xanh châu thổ
dịu như một làn hơi men
bỗng bay rực trời đóm lửa
khi điệu kèn hồng rúc lên
 
đêm đưa ta lên miền bắc
với những chấm đèn trong mưa
một đi bóng nhà xa khuất
còn nghe đôi ngọn gió thu
 
khi ta đi lên miền bắc
nụ cười quên dưới trời xưa
trái tim đeo ngoài túi áo
như chuông trước cổ ngựa thồ
 
lưu thân đi trong trời đất
áo quần như gã hề điên
tóc râu dựng bờm cổ thụ
cõi người chợt lạ chợt quen
 
chân ta đi trên miền bắc
qua dăm thôn xóm buồn teo
đâu đám trẻ thơ bụng ỏng
trố đôi mắt buồn dõi theo
buổi chiều trắng bông chẩu rụng
rắc lên quán chợ quê nghèo
 
đi ta đi lên miền bắc
bóng ngày treo ngọn cây cao
buổi trưa tiếng gà hiu hắt
nhớ đầy dăm vạt áo nâu
có đêm sụp trời mưa lớn
nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
tưởng như những loài nấm đỏ
mọc trên thớ gỗ mục sầu
 
đi trên mùa thu đất bắc
nắng lên tưởng chín trái hồng
lá sen trong hồ đã chết
lòng ơi có nhớ cốm vòng
đâu những hội vui ngày trước
ai về dưới mái đình cong
giữa khuya nằm nghe tiếng ếch
trôi về từ một bãi sông
gió thu thổi bùng liếp cửa
bên tai ngỡ giục trống đồng
 
khi ta đi lên miền bắc
uổng công ngậm ngải tìm trầm
thấy con chim rừng sắc tía
nhả những hạt buồn trăm năm
 
ôi những ngày trên đất bắc
nhớ mùi trái chín phương nam
nhớ ơi đồng bông súng nở
ngọn rau con cá trong vàm
nhớ những cuộc tình sông nước
nửa đêm đứt một dây đàn
 
bao giờ giữa mùa thu biếc
cho ta về lại phương nam
nghe tiếng chim chuyền bụi ớt
tưởng chừng động bóng thời gian
hái những đọt mưa xanh ngắt
khi mùa thu rơi trên đầm
 
khi ta đi lên miền bắc
hồn đầy những sắc tạp âm
thổi chùm cỏ khô bay mất
ôi bóng mùa vui biệt tăm
 
1979 (Trại tù Cẩm Nhân-Yên Bái)
NXT
 
 
THANH TÂM TUYỀN
 
Bài nh thi sĩ
 
Tặng già Ung
Gửi M.T.
 
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
 
Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buồi tình đầu
 
Mưa bụi rì rào
Gió náo nức mù tối
 
Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
Đang lay thức rừng núi biên giới
 
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo, anh tự nhủ
Cũng qua cơn khô cạn khác thường
 
Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc đầu óc quái gở
Từng thiêu đốt anh trên đồi, theo vào đêm dập vùi anh đớn đau
 
Từ lúc nào anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song cửa ngục
 
Hoang vu thơ hát lời lá cỏ heo hút
Dẫn anh về tận nẻo nguồn hừng đông lẩn lút
(Hừng đông Hừng đông ôi Hừng đông anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
Mai, Mai xa, Mai như hoa, Mai hoa. Mai về tình thơ hôm nay)
 
Em có hay kẻ tội đồ biệt xứ một buổi về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dò hỏi lớp bóng mờ tàng ẩn
 
Đêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn
 
Em, soi bóng em hồn nhiên ngược lối thời gian
Lặng lẽ anh gầy lửa tinh mơ đầm ấm.
 
(Lào Cai 5/77, Vĩnh Phú 1/78)
TTT
 
TRẦN DẠ TỪ
 
Cám ơn dế mèn
 
Ai? Ai đó? Ai. Ai đó vừa kêu tôi
Ahaá, anh dế mèn
Đúng là anh dế mèn năm xưa
 
Ngày nào, đêm mưa
Một mùa giông tố
Có anh dế mèn phất phơ
Lạc vào cát sô
Đùa vui với người tù
Và người và dế và mưa gió
Cùng hát, hát vang hát vang xa
Khúc tình ca gió mưa
Ôi bài hát năm xưa.
Cám ơn, cám ơn em, dế mèn
Tiếng kêu vừa lạ lại vừa quen
Thịt xương đáy ngục xưa thức dậy
Lạnh một bên mà nóng một bên
 
Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn
Bao nhiêu năm,
bài hát ấy ta không quên
Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn.
TDT
 
 
TÔ THÙY YÊN
 
Tàu đêm (trích đoạn)
 
Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi
 
Thức dậy, những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi rụng rời ta thất lạc
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau
 
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang
 
Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau
 
Dường như ta chợt khóc đau đớn
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

Đem thân làm gã tù lưu xứ
Xí xóa đời ta với đất trời
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi
 
Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu
 
Liệu còn một bữa cơm đầm ấm
Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con
Chia xẻ chút tình cay mặn cũ
Miếng không ngon cũng lấy làm ngon
 
Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua

Có lúc tàu qua những chiếc cầu
Sầm sầm những nhịp động đều nhau
Dưới kia con nước còn thao thức
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu

Người bạn đường kia chắc vẫn thức
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời đã rỉ han
 
Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối...
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau
1980
TTY
 
 
CAO VỊ KHANH
 
Bài hành tháng tư
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Từ đêm vỡ tuyến lạc ven đô
Người thua trận chót đền trăm tuổi
Ta gánh thù sâu chốn hải hồ
Những tưởng mười năm đời sáng lại
Ta về bươi kiế́m miểng xương khô
Vét hết oan khiên người lỡ vận
Vùi sâu xóa dấu một hoang mồ
Ta đi rong khắp Nam cùng Bắc
Gom hế́t muôn ngàn vải tám thô
May đủ hai hàng cờ lá phướng
Treo lên trắng toát một cơ đô
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đủ lạnh một hương nguyền
Người thơm áo mới mùi hoa vải
Ta cứ u hoài một nỗi riêng
Đã quá xa xôi ngày thất tán
Biển xưa chừng lắng những con thuyền
Ôi trinh tiết gái ngoài hoang đảo
Chắc cũng nhạt nhòa chuyện đảo điên
 
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đánh đổi chuyện keo sơn
Người thân biệt xứ lên rừng núi
Kẻ ngóng đầu non đến mỏi mòn
Thư nhắn trên đầu trang giấy rách
“quên đi mà cứu trẻ măng non
mười năm thân đã mềm như lá
như xác ve sầu đã héo hon
bồng bế con ra ngoài cõi ngoại
giữ lấy giùm nhau chút mộng tròn”
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm giậu đổ nát bìm xanh
Mười năm thôn xóm thành hang ổ
Người sống như loài thú mọc nanh
Con lớn hoang đàng theo cỏ dại
Mẹ buồn như cái vạc sang canh
Mẹ gởi con đi ngoài biển lạnh
Bằng như cọng cỏ ném sau gành
Thuyền con mỏng mảnh trời đen kịt
Mẹ thức từng đêm mắt lạnh tanh
Con đi một sống trăm lần chết
Mẹ đứt từng khoanh ruột đoạn đành
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm ngờ ngợ giữa chiêm bao
Ngày đi tóc rối còn đen mượt
Mắt sáng còn nguyên đốm lửa sao
Lòng đã dặn lòng chờ Câu Tiễn
Gom mộng bình sinh nối chí cao
Ai kẻ mài gươm về đấ́t cũ
Ai mang đoản kiếm nhập Tần sâu
Hẹn nhau xẻ núi dầu sạn đạo
Miễ̃̃̃n thấy cờ bay ải địa đầu
 
Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm nếm đủ vị chua cay
Mười năm mòn lẳn đôi giày cỏ
Ngó lại xem còn mất những ai
Đất khách đãi nhau toàn mật đắng
Tâm giao chưa quá một đêm say
Người ơi ... đất nước mà rao bán
Thiên hạ muôn người sợ lấm tay
 
Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm ... một giấc mộng không thành
Người chờ cho hết đời cô quạnh
Ta đứng bên trời, lệ chảy nhanh
 
C A O V Ị K H A N H
tháng tư 1985
 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment