Đặng
Mai Lan
Đặng Mai Lan & Tác phẩm
Biên được nhận chính thức vào phòng 5 Tâm Lý Chiến, đàn với ban nhạc cho bộ chỉ huy ở Biên Hòa. Nơi đây, anh đã có thêm những người bạn mới. Âm nhạc là một chiếc cầu thân thiết, dễ dàng nối kết những nhạc sĩ và ca sĩ lại với nhau.
Phi đoàn Chinook và UH-1 biệt phái, chuyên chở binh sĩ và tiếp liệu cho các căn cứ của Lực Lượng Đặc Biệt cũng đóng tại Biên Hòa. Nên ngoài nhiệm vụ đi trình diễn ở tiền đồn cho đơn vị mình, đôi khi ban nhạc của phòng 5 cũng được "biệt phái" qua giúp vui văn nghệ cho láng giềng Không Quân mỗi khi họ yêu cầu. Ngoài hai công tác đó, Biên cũng như những nhạc sĩ khác có nguyên một tuần lễ rảnh rang. Họ chỉ cần có mặt mỗi buổi sáng thứ hai điểm danh, chào cờ rồi được phép về nhà.
Không như lính mới Biên vừa được thuyên chuyển từ rừng về phố. Đồng đội của anh, nhạc sĩ nào cũng có show chơi nhạc trong tuần. Họ trình diễn trong những quán bar, hotel để phục vụ những người Mỹ.
Người bạn nói với Biên:
- Mày ở nhà làm quái gì, tối tối tới chơi với tụi tao cho quen không khí. Vui lắm, biết đâu cũng có việc làm.
Cần một việc làm thêm trong tuần chưa hẳn là điều Biên thực lòng mong mỏi. Nhưng kể từ cái đêm đầu tiên chơi nhạc cho buổi sinh nhật của ông Trung tá. Âm nhạc, sân khấu đã là một thứ men ngọt ngào quyến rũ mà Biên khó lòng từ chối khi được mời thưởng thức. Thế nên, gần như có cả tuần lễ rảnh rang, nhưng lúc nào Biên cũng bận rộn. Biên ít có mặt ở nhà, nhất là buổi tối.
Tháng chạp, buổi chiều trời se lạnh. Trước khi lụn tàn theo bóng tối, những giọt nắng vàng thoi thóp cuối ngày chừng như ngả tím. Thứ màu tím nhàn nhạt được nhuộm bởi những ánh đèn chớp tắt, những vòng dây kim tuyến sợi tua tủa kết sao lung linh, giăng trên khắp nẻo đường, đón chào mùa Giáng Sinh đang về.
Hotel Hilton nằm trên đường Công Lý. Một khách sạn bốn tầng, tuy nhỏ nhưng cũng được xếp vào hạng "De Luxe". Chẳng cần phải đợi đến Giáng Sinh. Mỗi ngày khi chiều xuống, bên trong khách sạn đầy những ngọn đèn ống đủ màu bật lên, rực rỡ như một thiên đường dành cho những người Mỹ và các cô gái, nhân tình của họ.
Ở các phòng trà, hiện tại bộ môn khiêu vũ bị nghiêm nhặt cấm đoán, khách đến chỉ đơn thuần thưởng thức âm nhạc. Nhưng Hilton thì khác, nó như một vùng đất riêng tư, đứng ngoài luật lệ. Hiếm có người Mỹ nào khi nghe nhạc lại không ngứa ngáy tay chân, chịu ngồi yên. Cách nào thì họ cũng là những chủ nhân, đủ mọi quyền hành. Vì thế, tầng dưới của khách sạn, dù được trưng dụng làm nhà hàng, đặc biệt ngay giữa phòng lại là một sân khấu và một khoảng trống để làm sàn nhảy. Ưu tiên cho sàn nhảy, nên mấy chục cái bàn ăn sắp xếp chung quanh sân khấu một cách khiêm nhường. Khách cần chỗ rộng rãi để nhảy nhót hơn là ăn uống.
Khởi đầu, Biên đến chơi với các bạn gọi là vui. Thỉnh thoảng anh cũng lên thay bạn đàn một vài bản như một kẻ tập sự vì chẳng nhận được một đồng thù lao nào. Song chỉ vài lần, nhờ thứ vốn liếng học hỏi được từ những bản nhạc nghe qua radio của đài phát thanh Hoa Kỳ bao nhiêu năm nay. Và cũng thật bất ngờ, người nhạc sĩ guitare của ban nhạc xin ngưng một thời gian vì hoàn cảnh. Biên nghiễm nhiên trở thành thành viên của nhóm.
Những người chủ bar, khách sạn luôn có con mắt tinh tế khi nhắm vào lợi ích trong việc phục vụ khách Mỹ. Tránh cho khách sự nhàm chán, họ thay đổi ban nhạc liên tục. Mặt khác, sự thay đổi cũng nằm trong kế hoạch mặc cả tiền thù lao với các ban nhạc. Đương nhiên là có lợi cho họ, các ông bà chủ kiêm bầu Show. Nhóm của Biên cũng không thoát khỏi sự tính toán đó.
Ban nhạc thay đổi chỗ làm liên miên. Nay thì quán bar ở đường Nguyễn Văn Thoại. Bữa khác chạy vào Tân Sơn Nhất. Xa hơn nữa là Long Bình, Vũng Tàu. Đôi khi ở một ngôi nhà, một biệt thự nào đó. Năm anh nhạc sĩ và hai cô ca sĩ chính của ban nhạc có thể ví như những người lính tác chiến. Chiến trường nào cần thì bay đến đó chiến đấu.
Người Mỹ đến Việt Nam, mang theo giòng âm nhạc trẻ trung, nhấn chìm những thanh lịch già nua mà người Pháp để lại. Sài Gòn như thay da đổi thịt, tưng bừng hơn với Soul, Rock, Twist, Disco. Những ban nhạc trẻ thi nhau xuất hiện trên bầu trời âm nhạc của Sài Gòn.
Như lẽ thường của "đến và đi" với đời nghệ sĩ. Biên đã cầm đàn rời khỏi sân chơi Hotel Hilton. Nhưng âm nhạc như một thứ định mệnh đẹp, dẫn dắt đưa đẩy anh đến một sân chơi khác vui thích hơn chốn cũ.
Người đàn ông đến trễ, chân thấp chân cao bước vô phòng chào mọi người bằng một nụ cười thân thiện. Anh tiến đến bắt tay Biên và tự giới thiệu:
- Tôi là Thuần. Cậu mới vào hả? Chưa gặp bao giờ? Trước chơi ở đâu?
Những câu hỏi dồn dập. Tuy nhiên thái độ thân tình, giọng Bắc ấm áp của người đàn ông và với phong cách bùi bụi xuề xòa. Biên cảm thấy mến anh ngay cái nhìn đầu tiên.
- Em chơi cho một ban nhạc ở hotel Hilton, thế một tay guitare chính bận công việc chi đó. Nhưng anh ta mới trở về, và vừa phải trả lại chỗ.
- Thì cũng tốt thôi, về đây chơi phòng trà người Việt chắc là sẽ vui hơn đám Mỹ đó. Ban nhạc này cũng hay lắm, nhưng đầy hệ lụy truân chuyên. Nhìn cậu hiền lành thế này, hy vọng cậu về sẽ không còn những rắc rối nhé.
Thuần nói và cười cười. Nụ cười mà sau này Biên mới hiểu vì những tình cảm riêng tư, quan điểm dị biệt mà ban nhạc phải hai lần tan rã. Biên là người nhạc sĩ guitare thứ ba thay cho hai người cũ đã ra đi. Nên nếu nói bình cũ rượu mới, hay rượu mới bình cũ không khác mấy. Bình được đổi màu và rượu có pha chế đôi chút.
- Cậu không phải đi lính sao?
Câu hỏi của Thuần làm Biên bối rối. Từ một anh lính biệt kích nơi biên phòng, bỗng chốc trở về làm lính tâm lý chiến. Sự thay đổi đó cho anh nỗi mặc cảm như một kẻ quay mặt, chối bỏ trách nhiệm. Vì vậy, ít khi Biên nói về đơn vị mới của mình
Biên không ngờ người đang trò chuyện với anh là một sĩ quan Biệt Động Quân. Một tay trống lừng danh của một ban nhạc thuở Biên còn ngày hai buổi đến trường. Chơi trống, thứ đam mê mà Thuần phải bỏ ngang vì đến tuổi nhập ngũ. Lẫy lừng trên sân khấu và cả chiến trường anh cũng là một người hùng, dám thách thức câu nói "xanh cỏ đỏ ngực" để chọn về đồn trú nơi địa đầu giới tuyến. Kinh qua nhiều trận địa thảm khốc, anh không xanh cỏ mà bể đầu gối. Đôi chân anh không còn có thể chạy nhảy, vượt suối leo đồi. Đi đứng được đã là một điều may mắn. Thuần phải giã từ vũ khí quay lại vũ trường.
Không cùng binh chủng nhưng BĐQ và Biệt Kích gần như có sự tương đồng về chiến thuật, binh lược. Những câu chuyện của họ giờ không còn là đàn trống, là những bài hát nữa. Chuyện rôm rả những địa danh, những vùng rừng núi, những quận lỵ heo hút xa xăm.
Bản tính lạnh lùng ít nói của Biên bỗng trở nên hoạt bát, cởi mở hơn với mọi người ngay lần thứ nhì khi họ gặp lại, bàn tính chương trình dợt chung trước khi trình diễn, ra mắt.
Những lúc giải lao, buông đàn, bỏ trống. Hai anh nhạc sĩ trở thành hai người lính, họ trò chuyện với nhau một cách lý thú. Điều, khiến các cô ca sĩ phải tủm tỉm cười. Nó như một hiện tượng lạ với các nàng thích nói. Thường trong lúc tập dợt, có những vấp váp mà các thành viên nhắc nhở nhau. Biên chỉ ngồi nghe, đến nổi có cô phải gắt lên:
- Gớm! Anh Biên này sao ít nói thế, phải có ý kiến chứ!
Sự lặng lẽ, thâm trầm của Biên như một ngọn đèn sáng trong một góc tối. Ánh sáng là một mục tiêu cho các cô gái lém lĩnh, tò mò lao đến.
Có cô đứng gần Biên ngắm nghía:
- Nghe nói anh ở binh chủng dữ dằn lắm mà sao hiền khô, móng tay móng chân sạch sẽ như học trò vậy?
Có lúc Biên cười đối đáp:
- Bộ lính dơ lắm sao?
Bây giờ thì các cô lại càu nhàu, khi muốn hỏi điều gì đó mà hai ông chiến binh mãi chuyện binh đao không để ý.
Đó là những điều Biên đã kể cho Quyền nghe trong mấy ngày hôm nay. Người lính biên phòng vừa được dăm ngày phép trở về thành phố.
Biên chỉ nói với bạn về những chặng đường đầy may mắn dẫn anh đến với đời sống âm nhạc. Nhưng anh tránh không nói đến những niềm vui đầy ắp tiếng cười mà anh đã sống qua, tận hưởng. Như sau mỗi lần tập dợt, dù chưa ra quân lần nào cả bọn đều kéo nhau lên Thanh Thế để ăn mừng thành công, sự thành công tự phong tự nhận. Niềm hãnh tiến cũng hợp lý vì đám nghệ sĩ có thể nói là "đồng thành tương ứng". Những tài năng kết lại đã tuôn ra những giòng âm thanh mới lạ. Nên tất cả diễn ra chỉ là thời gian tập dượt chưa ra mắt quần chúng, nhưng đã có một ký giả của một tuần báo đặc biệt viết về sân khấu-âm nhạc đã dành nguyên một trang dài giới thiệu cùng những khen ngợi. Anh nhà báo là một tay Hippy nổi tiếng của Sài Gòn. Anh có đến nghe ban nhạc dợt buổi nào đâu? Nhưng có lẽ qua những thành công đã có của ban nhạc trước khi tan rã đã cho anh ký giả một sự tự tin, không e dè ngại ngần khi giới thiệu họ.
Vì tâm tính ít nói, hiền lành hay năng khiếu trời cho mà ngón đàn của Biên đã lọt vào đôi tai, đôi mắt nhà nghề của người bầu show trẻ. Cũng là một tên tuổi lớn trong làng nhạc trẻ, một ca sĩ, kiêm nhạc sĩ. Anh bầu show đã để ý đến Biên ngay từ buổi tập dợt đầu tiên.
Ngoài ba thằng bạn ấu thời, rủ nhau trốn nhà đăng lính rồi biền biệt mỗi người mỗi ngả, Biên không có nhiều bạn. Nên Thuần rồi đến người bầu show tên Phú, sống cùng một môi trường, cùng một đam mê và tình bạn của họ đã thành một thứ tri kỷ. Biên đã sống những ngày đời ấm áp tương giao với hai người bạn mới.
Đó là những niềm vui trong cuộc sống hiện tại Biên muốn chia sẻ với người đồng đội cũ. Nhưng anh hiểu, những thành công, may mắn của anh so với cuộc sống buồn tẻ gian nan nơi biên trấn ít nhiều gì Quyền cũng sẽ buồn. Dù tâm tính Quyền luôn vô tư ngông nghênh, thích chọc ghẹo, thích làm người khác nổi giận.
Đối với Quyền, làm Biên nổi sùng là một việc không hề dễ, nên nó tìm đủ lý do châm chọc khi có cơ hội.
- Từ xưa giờ chỉ nghe mày rền rĩ trên bốn vùng chiến thuật với thằng Hùng. Hết bốn vùng lại tới đêm buồn tỉnh lẻ Tây Ninh. Ông đéo tin mày chơi được nhạc ngoại quốc.
- Tao không đi bốn vùng chiến thuật, nhưng tao đi từ Eve Clup, qua Tự Do rồi tới Baccara. Đánh nhanh rút lẹ mỗi trận nửa tiếng, mày theo nổi không?
Quyền cười sảng khoái:
- OK Salem! Nhưng quan trọng là tao có bị trả tiền không? Đừng quên lính nghèo nhe nhạc sĩ!
Nghe Quyền nói, Biên thấy thương bạn. Quyền đâu biết được số tiền anh kiếm hàng tháng nhiều gấp bao nhiêu lần đồng lương lính lác của Quyền.
- Yên chí! Tao là chủ xị đêm nay. Nhưng nhớ mặc đồ civil và đừng thấy đô thị ăn chơi mà nổi nóng nghe cha nội.
Không phải vì câu nói "thấy mới tin" của Quyền mà tối nay anh rủ Quyền theo anh tới những phòng trà anh chơi nhạc. Biên chỉ muốn thằng lính biên phòng quanh năm đìu hiu nắng gió hưởng thụ chút an nhàn nhộn nhịp nơi đô thị. Tuy nhiên anh cũng căn dặn Quyền nên mặc đồ dân sự và tránh đừng nổi nóng khi thấy một cảnh ăn chơi khó coi nào đó.
Dặn dò bạn vì Biên chợt nhớ tới câu chuyện chỉ vừa xảy ra hôm trước khi hai đứa ngồi trong một quán cà phê trên một con phố đông người.
Hai đứa con gái mặc váy ngắn màu cánh cam. Áo thun xanh nõn chuối ôm sát người. Hai ba vòng dây chuyền bạc lấp lánh thả xuống ngực áo. Dây thắt lưng cũng óng ánh khoen vàng. Đôi giầy xăng đan đính những nụ hoa nho nhỏ cùng màu sắc của váy áo, làm nổi bật đôi chân thon. Một góc phố trưa như linh động vui tươi hơn với thứ màu sắc rực rỡ, lấp lánh trên trang phục của hai cô gái.
Gương mặt xinh đẹp biểu lộ chút kiêu hãnh khi chạm phải những đôi mắt nhìn ngắm của những người qua lại trên đường bỗng tối sầm khi đụng phải hai gã lính trẻ trong bộ quân phục rằn ri. Không hiểu hai gã lính đã có cử chỉ khiếm nhã nào với hai cô gái, nhưng cái nhìn của hai cô gái dành cho họ là một sự hằn học, khinh bỉ.
Gã lính xấn tới, khuôn mặt đanh lại:
- Con ngựa, bỏ cái lối ngó mất dạy của mày đi nhe! Tụi tao chết sống trong rừng cho mày nhởn nhơ đó biết chưa?
Gã thứ hai giơ tay chỉ thẳng vào mặt cô gái:
- Nhớ cái mặt tụi tao, lần sau gặp thì tránh ra. Việt cộng còn sợ, tụi mày là cái thá gì, đồ bạc bẽo!
Ngồi trong quán cà phê với Biên, nhìn cảnh tượng bên ngoài Quyền chỉ muốn nhào ra.
Biên phải ngăn bạn lại:
- Từ từ, xen vô nữa lớn chuyện.
Quyền nói:
- Mẹ ! không giỡn đâu, nó dám quýnh hai con nhỏ này lắm.
May mắn hai cô gái khôn ngoan đã lợi dụng đám đông, lủi vào con đường nhỏ.
Biên nhớ có lần phòng trà xuất hiện một người khách, một anh lính trong bộ đồ Dù. Nghe đâu anh chàng là em ruột của một tay anh chị khét tiếng Sài Gòn. Chiếc áo giáp ngắn tay khoác ngoài của anh ta còn đeo lủng lẳng hai quả lựu đạn. Chẳng biết anh ta từ mặt trận nào về, và bằng ngõ ngách nào tới vũ trường mà bộ dạng đó không bị quân cảnh hốt. Có thể quân cảnh cũng né, sợ những thằng lính du côn, bạt mạng. Ở chiến trường cái chết nhẹ như tơ, xá gì quân lao thành phố.
Tất cả mọi người trong phòng trà mặt mày tái tím, chỉ trừ người đàn ông bán hoa là vui vẻ, hân hoan. Cái rổ có những vòng hoa lài trắng nuốt ông đem đến bán cho khách mua tặng ca sĩ, được anh rằn ri tận tình chiếu cố.
Người lính cầm những vòng hoa tiến về sân khấu, ra hiệu cho ban nhạc ngưng lại. Anh ta nói, giọng ngà ngà men rượu:
- Chơi hay lắm, tui muốn tặng bông cho quý vị chứ không có gì đâu, đừng sợ!
Thật ngược ngạo, cảnh quàng vòng hoa lên cổ chỉ thấy ở những tiền đồn, ngày lễ Quốc Khánh, ngày Quân Lực, hay nơi hậu cứ khi những người lính trở về sau một cuộc hành quân. Các cô học trò mới chính là người choàng hoa cho lính, nào có cảnh lính choàng hoa cho người ở hậu phương, lại ở một phòng trà. Cả ban nhạc gần như nín thở nhận vòng hoa của anh lính. Riêng Biên, anh nhìn người lính bằng đôi mắt thương cảm. May mà anh ta ở lại phòng trà không lâu. Anh bỏ đi khi có một anh rằn ri khác xuất hiện. Phòng trà chỉ là một điểm hẹn, một chọn lựa bốc đồng của họ. Giòng nhạc trẻ không hợp với những tên lính ba gai. Hai người lính trận đi tìm một không gian khác.
Quyền hiền lành, không dễ nổi cáu. Nhưng làm sao biết được, với những người ngày đêm cam khổ gian nan, cận kề cái chết, đứng trước một cảnh gai mắt nào đó trong đô thị xa hoa như hai gã lính rằn ri trên phố trưa mà cả hai đã chứng kiến.
Dặn Quyền nên mặc đồ Civil dân sự cũng không thừa, vì dân phòng trà đa số không thoải mái lắm khi ngồi chung quanh những người lính, những anh "rằn ri" từ mặt trận trở về.
(trích truyện dài)
ĐẶNG MAI LAN
No comments:
Post a Comment