Sunday, April 17, 2022

LÊ KÝ THƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG

Cao Kim Quy
 
Tại nhà Lê Ký Thương: Saigon, 01.04.2022
Từ trái: Đỗ Hồng Ngoc, Thân Thị Huế, Cao Kim Quy,
Thanh Hằng, Thân Trọng Minh, Lê Ký Thương, Châu Vân Thuận.
 
   Không biết cái duyên, định mệnh nào đã gắn kết tôi và Lê Ký Thương, để từ đó gắn kết tôi với họ, những người bạn thiết của chúng tôi. Nhiều lần ngồi ngắm những cành hoa phượng đỏ là đà bên kia mặt hồ rong rêu giờ đã tràn ngập sen, tôi nhấm nháp cà phê một mình, và tự hỏi. Tôi ngồi đó, nhớ về họ, những kẻ đang ở rất gần và những kẻ còn cách xa, những kẻ đã bay cùng gió mây và những kẻ đang còn có thể nắm lấy tay nhau mà vui ngày họp mặt.
   Tôi và LKT có nhiều điểm tương đồng trong “số phận”. Cả hai đều có một người bạn rất thân thời trung học, dự phần vào đời nhau theo một kiểu rất…tương tự. Cả hai lại cùng có một mối tình tuổi học trò âm thầm lãng mạn đủ để vương vấn với thời gian cho đên khi… hết làm học trò. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi gắn bó nhau đúng nghĩa những người bạn đời (liệu tôi có chủ quan không?), có thể san sẻ với nhau mọi điều trong yêu thương, tin cậy và tôn trọng. Có phải vì thế mà LKT đã thoải mái chuyển giao tình bạn và luôn cả những người bạn của anh cho tôi?
   Bạn anh, xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau nhưng có chung những nỗi niềm của một thế hệ thanh niên trí thức thời loạn, chung cả sở thích dùng văn chương để bày tỏ với đời. Người trẻ nhất trong nhóm Ý Thức xưa cũng đã lớn hơn tôi đến 6,7 tuổi. Vậy mà lạ, đến một ngày, tôi chợt nhận ra mình đã trở thành bạn của những bậc đàn anh khác giới, khác tuổi tác ấy tự lúc nào.
   Tôi vốn yêu thế giới văn chương, và LKT là một phần của thế giới ấy. Nhưng tôi không xem mình là một người trong số họ. Tôi chỉ đứng bên kia đường mà ngắm nhìn họ, buồn vui theo cảm xúc của họ, và tôi đã yêu mến biết bao, cái tình bạn lặng thầm mà thật thắm thiết (đôi khi cũng nhiều sóng gió) của những người bạn văn chương  này, trải dài suốt 40, 50 năm.
   Sau 1975 cho đến những năm cuối 80, chúng tôi vẫn còn lận đận với cơm áo gạo tiền trong thành phố nhỏ. Bạn cũ tứ tán. Kẻ chân trời người góc biển, có kẻ cũng như LKT, quay về quê gốc của mình làm đủ thứ nghề chỉ cốt mưu sinh. Cuộc hành trình chung của chúng tôi khá nhọc nhằn nhưng nhớ lại vẫn đầy thi vị vì bên cạnh chúng tôi luôn có những người bạn.
   Đặc biệt là với nhóm Ý Thức. Nhóm nhỏ này xuất hiện khá ngắn ngủi trong đời sống văn học miền Nam (từ 1970 – 1972) nhưng khá nổi tiếng vì những sáng tác mang đầy tính dấn thân của nhiều cây bút tài năng và nhiệt huyết. Tất nhiên, họ gắn bó với nhau rất sớm trước khi tôi và LKT gặp nhau lần đầu, nhưng giờ đây tôi thuộc nằm lòng lai lịch từng người nhờ những kỷ niệm “chung lưng đấu cật” được kể lại lúc nào cũng đầy hào hứng của LKT hay từ bạn anh.
   Sau 1991, chúng tôi vào Sài Gòn, những người bạn năm xưa lại có cơ hội kề cận nhau. Đời sống chung đã phần nào dễ thở để họ lại có thể nghĩ đến sự cần thiết của món ăn tinh thần. Tôi nhớ những ngày đầu cùng LKT đến thăm Nguyên Minh trong ngôi nhà mới thuê ở quận Gò Vấp. Con người này hình như bao giờ cũng chia hai cuộc đời mình, rạch ròi giữa mộng và thực (rạch ròi như cách anh phân biệt vợ với…“người tình”!!!). NM đặc biệt mê việc in ấn nên anh đã bắt đầu lại bằng nghề in lụa để kiếm sống (một vợ năm con không phải là cái gánh nhẹ nhàng). Nửa kia của anh vẫn đầy ắp mộng văn chương, mà hình như giấc mộng ấy luôn ẩn hiện một cái tên T chấm truyền cảm xúc. Tôi nhớ năm 1998, sau cuộc triển lãm chung đầu tiên của LKT và Lữ Kiều (Thân Trọng Minh) được tổ chức tại phòng tranh Tự Do (Sài Gòn), chúng tôi cùng nhau dong ruỗi Đà Lạt để … ”mừng triển lãm thành công tốt đẹp”. Ngoài hai cặp vợ chồng TTM và LKT còn có thêm Nguyên Minh. Một buổi sáng, tôi nhìn thấy cái dáng nhỏ bé của  NM ngồi ở bực cửa trên căn gác gỗ của Thân Trọng điền trang, cắm cúi viết. Những tia nắng vàng trong vắt của cao nguyên đang chiếu xéo lên trang văn của anh. Hình như đó là lần đầu tiên anh thực sự cầm bút trở lại từ sau 1975. Ngôi nhà gỗ nhỏ màu xanh rêu có khung cửa mở ra một mảnh vườn đầy hoa trước thềm nhà, bên kia thung lũng là xanh thẳm núi đồi. Hệt một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Có khi chính khung cảnh đó đã thúc đẩy NM sống lại mộng văn chương? Kể từ ngày ấy, tôi hân hạnh trở thành người mà anh dễ dàng bộc bạch những cảm xúc rất thật của lòng mình về những người bạn, về cuộc tình đã xuất hiện từ mấy mươi năm trước nhưng lúc nào được kể lại cũng dạt dào như chỉ mới hôm qua.
   Thời ấy, khi những người bạn gắn bó của “tòa soạn Ý Thức” cũ chưa ly tán dần vì sức khỏe, hoàn cảnh… những cuộc gặp mặt cứ lặp lại hầu như hàng tuần, thường là trên sân thượng nhiều gió, và có lẽ cả sao đêm, nhà Lữ Kiều. Đôi khi chúng tôi dời địa điểm vào căn phòng làm việc ở tầng ba của anh, quanh ngọn đèn vàng ấm cúng nhưng có chút gì bùi ngùi. Không hiểu tại sao, nói chuyện hay đọc văn Lữ Kiều, lúc nào tôi cũng có cảm giác bùi ngùi. Khác với vẻ ngoài lịch thiệp, quá hoạt bát của anh, tôi chỉ nhìn thấy một Lữ Kiều lăng lẽ đăm chiêu trong bóng đêm, một Lữ Kiều lạc lõng cô đơn giữa đám đông đang ồn ào nhốn nháo. Tôi luôn nhìn thấy anh như kẻ lữ hành cô độc dù chung quanh anh bao giờ cũng đông bạn bè. Chưa kể anh còn có phu nhân trẻ đẹp tài hoa là nữ họa sĩ Thanh Hằng., với những bức tranh hoa đầy nữ tính, có tài nấu nướng thật tuyệt vời khiến chúng tôi cứ phải tấm tắc mỗi lần được thưởng thức.
    Nhà Lữ Kiều luôn sẵn rượu. Đủ loại. Tôi ngồi giữa bọn họ, yên lặng nghe họ trò chuyện, và ngắm màu rượu quyến rũ được rót từ những chai Chivas, Hennessy, Johnny Walker… vào những chiếc ly thủy tinh trong suốt lóng lánh những viên nước đá có hình trái tim. Luôn luôn là những gương mặt quen thuộc ấy, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Châu Văn Thuận, Hồ Thanh Ngạn, Lê Ký Thương, thêm “phu nhân” của các vị, đôi khi vài thân hữu của Ý Thức.. Những chai rượu đầy cứ vơi dần theo đêm. Họ uống với nhau đằm thắm. Nhưng có lúc cãi nhau cũng rất ghê. Rồi tuần sau, tháng sau, họ lai gặp nhau, lại tranh luận. Những cuộc tranh luận có thể gay gắt nhưng phát xuất từ tình cảm quá thiết tha gắn bó dành cho nhau. Họ cãi nhau chỉ vì mong muốn bạn mình hoàn thiện hơn, có lúc “hùng hổ” như NM, không cam lòng thấy bạn “bỏ cuộc chơi” khi sức chưa thật tàn, lực chưa phải đã kiệt. Anh đang mơ trên quãng đường ngắn ngủi còn lại, bọn họ phải quàng vai nhau bước song hàng như đã từng cùng nhau trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn của thời cuộc.
   Có phải do những “cú hích” của NM mà Lữ Quỳnh sau một thời gian khá dài im lặng, xuất đầu lộ diện trở lại với nhiều tác phẩm văn, thơ mới? Nhưng lúc ấy anh đã không còn ở cạnh chúng tôi. Anh đã cách chúng tôi cả một đại dương mênh mông không thấy đâu là bờ bến. Tôi thấy NM thật trong sáng, đáng quý làm sao mỗi khi nhìn anh cười hào hứng, khoe với tôi tác phẩm mới in của bạn bè. Anh xem thành công của bạn như thành công của chính mình. LQ thì đằng đẵng phương xa, mà mỗi email ngắn gọn đều hàm chứa nỗi khát khao âm ỉ được quay về ngồi giữa bạn cũ bên ly cà phê vỉa hè. Nhớ năm 2013 từ Mỹ về, LQ cùng chúng tôi lên Đà Lạt dự buổi triển lãm tranh các họa sĩ Đinh Cường, Thân Trọng Minh và  Phan Ngọc Minh, cũng đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 70 của Lữ Kiều, người bạn gắn bó với anh từ thuở thiếu thời ở xứ Huế thơ mộng. Tướng tá vẫn cao lớn dềnh dàng nhưng sức khỏe anh đã có phần suy giảm, vừa xuống xe anh đã bị choáng, không đứng vững. Thương cái dáng liêu xiêu của anh đang cố giữ cho thăng bằng giữa hai người bạn ốm o là Châu Văn Thuận và Lê Ký Thương. Người xách hộ bạn chiếc túi du lịch không mấy nặng, kẻ vịn hờ tay bạn phòng khi cần đỡ đần. Những chàng trai tráng mười bảy tuổi năm xưa giờ đã ngoài bảy mươi cả, và họ vẫn còn lững thững đi bên nhau dưới nắng chiều, làm sao không thương cho được!
   Lẽ ra trong bàn tròn Ý Thức những đêm khuya ấy còn có mặt Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) nếu anh không có thói quen ngủ sớm và… kỵ rượu. Đỗ Nghê ngày xưa cũng trong nhóm biên tập của Ý Thức và nay luôn sát cánh với bạn bè trừ lúc… “ăn nhậu”. Anh lại là bạn y khoa cùng với Lữ Kiều, Trương Thìn, cùng làm báo với nhau nhiều năm.  Xét về mức độ ”tai tiếng” (chúng tôi thích chọc ghẹo anh bằng từ ngữ này thay cho từ “nổi tiếng” những lúc ngồi cà kê với nhau), Đỗ Nghê thuộc loại “chói sáng” nhất nhóm Ý Thức cũ. Anh là vị thầy khả kính của bao nhiêu sinh viên y khoa, mà nhiều lứa học trò sau này cũng đã trở thành thầy của các thế hệ kế tiếp. Anh thường được mời nói chuyện về những đề tài Phật giáo dưới góc nhìn khoa học ở những chốn trang nghiêm như các trường Phật học hay các chùa lớn nhỏ rải rác khắp các tỉnh thành. Sách anh viết dù về Phật học hay y khoa đều thuộc hàng best seller của các nhà xuất bản và tên tuổi anh thì đã không còn xa lạ với trí thức Việt khắp nơi… Vậy mà anh không bao giờ khiến tôi nhớ ra vị thế “đình đám” đó mỗi khi chúng tôi ngồi uống cà phê cùng nhau. Chỉ bởi vì anh quá bình dị và hồn nhiên. Trước mặt tôi không có một ĐHN “nổi tiếng như cồn” trên nhiều phương diện. Chỉ có một “lão ngoan đồng” thích trêu đùa. Mỗi khi anh nheo nheo đôi mắt sau cặp kính cận, thì thầm vào tai người kề bên điều gì “bí mật” rồi cười hỉ hả, tôi chỉ nhìn thấy một cậu thiếu niên láu lĩnh chưa chịu xa rời tuổi thơ của mình. (Cơ khổ, tiếng là “thì thầm” nhưng do tai anh đã hơi lãng – tám mươi rồi còn gì – nên người được “thì thầm” lúc nào cũng canh cánh nỗi sợ bị “phát hiện” thì… quê!)
   Tôi gọi ĐHN là “người-viết-tản-văn-giáo-khoa-thư” vì, bạn có nhận ra chăng? Đọc “Ghi chép lang thang” của ĐHN ta dễ liên tưởng đến những bài văn giản dị luôn ẩn chứa tính giáo dục thật nhẹ nhàng trong Quốc Văn giáo khoa thư ngày trước. Không áp đặt, không “đao to búa lớn”, nó nhè nhẹ khơi gợi cho ta tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu quê hương dù cho quê hương ấy có bình dị nghèo nàn thế nào.
   Bên cạnh ĐHN “thiền sư”, còn có một Đỗ Nghê thi sĩ. Người ta quen nhìn thấy một nhà nghiên cứu Phật học nghiêm túc mà có thể quên anh từng là, và có thể vẫn đang là, một thi sĩ không thiếu lãng mạn với cuộc đời (không lãng mạn thì làm sao có thể thành…thi sĩ!). Chỉ có điều sự lãng mạn ấy cũng bàng bạc nhẹ nhàng như bản tính của anh khiến độc giả khó thể nhận ra nếu không đọc kỹ. Tôi không trích ra đây câu nào trong những tập thơ anh đã xuất bản. Khám phá là quyền của người đọc thơ. Chẳng phải mỗi phát hiện sẽ đem lại cho ta những cảm xúc thú vị?
 
   Ngoài những người bạn vẫn sống trong nước, LKT còn có những người bạn bên kia bờ đại dương, không kém phần thân ái. Năm LKT gặp tai ương lớn trong đời (2010), tôi nhớ người đầu tiên gọi điện cho chúng tôi là anh Phạm Văn Nhàn, từ Houston, Hoa Kỳ, chỉ một, hai tiếng sau khi tôi đưa LKT nhập viện ở Nha Trang. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa biết ai là người đã báo tin cho anh sớm đến thế, chỉ nhớ nghe giọng anh đầy lo lắng hỏi thăm, tôi không khỏi xúc động. Phạm Văn Nhàn là người đều đặn gởi những số báo Thư quán bản thảo cho chúng tôi hàng kỳ, qua đường hàng không. Nhớ lần anh về VN, chúng tôi đã có được buổi chuyện trò nồng ấm đủ để hiểu không phải cứ xa mặt là sẽ cách lòng.
   Khi chúng tôi có dịp đến Mỹ, tuy không gặp được bạn cũ Trần Hoài Thư vì thời gian và khoảng cách, nhưng anh cũng đã kịp thời bỏ công in vội và gởi phát nhanh tặng chúng tôi bộ sách đồ sộ Văn Miền Nam và Thơ miền Nam (trước 75). Ít liên lạc, chúng tôi vẫn âm thầm theo dõi hoạt động của Trần Hoài Thư. Thương qúy biết bao cái tình anh đối với bạn bè. Càng quý hơn cái tình của anh đối với người vợ yêu đang lâm bạo bệnh. Tôi hình dung một Trần Hoài Thư suốt đời sống với ám ảnh quá khứ hào hùng, âm thầm làm việc dưới basement nhà anh những buổi khuya vắng lặng lạnh lẽo, âm thầm đi về Nursing home chăm sóc vợ hiền trên những con đường trơn trượt trắng xóa tuyết mùa đông, trong khi chính bản thân anh cũng đang mang nhiều bệnh của tuổi già. Hình ảnh cô độc của anh gây cho tôi nỗi xót xa quá dỗi mỗi lần nghĩ đến.
    Mà chưa hết. Hóa ra LKT vẫn còn nhiều bạn lắm. Những buổi cà phê vỉa hè với Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Trần Nhật Vy, Lê Văn Duy.… Những buổi “cụng ly” với Huỳnh Phan Anh, Phù Hư, Nguyễn Thái Dương, Từ Nguyên Thạch… (Đó là khi LKT còn uống được vài lon với bạn). Những chuyến lang thang lên Pleiku, tìm đến Trần Duy Phiên (nhà văn này mỗi lần trò chuyện không thể dưới 4 tiếng vì anh có biết bao nhiêu là điều muốn chia sẻ), xuống Ninh Hòa gặp Khuất Đẩu-Huyền Chiêu, ra Tuy Hòa thăm Nguyễn Lệ Uyên, Trần Huiền Ân, tạt qua Quy Nhơn là Nguyễn Thanh Mừng,  ghé Đà Nẵng cà phê với Nguyễn Nhã Tiên, chạy vào bv cho kịp siết tay Phạm Ngọc Lư trước khi anh vĩnh viễn chia tay bè bạn…
   Nhắc đến sự chia lìa, lại nhớ đến nhiều bạn đã bỏ chúng tôi mà đi trước. Thế Vũ chẳng hạn. Tôi nhớ kỷ niệm những ngày hiếm hoi khi anh từ bệnh viện được về nhà tĩnh dưỡng một thời gian. Muốn bạn đổi không khí, chúng tôi rũ  anh đi uống cà phê, nhưng LKT bận đột xuất, mình tôi đích thân chở T.V. đến quán Thềm xưa, một chỗ ngồi yên tĩnh thích hợp cho những người không còn trẻ. TDọc đường, trời đổ mưa bất ngờ. Tôi lật đật tấp xe vào lề, chỉ sợ anh mắc mưa lại lên cơn khó thở. Mượn tạm chiếc ghế cho anh ngồi nghỉ dưới mái hiên nhà ai mà lòng hồi hộp, sợ anh bỏ cuộc. Thế mà anh vẫn đến được quán giữa những nhịp thở dốc khó khăn. Trong câu chuyện, tôi hiểu anh đang rất băn khoăn khi biết mình sắp ra đi mà con gái đầu “chưa kịp lớn”. Anh lo thế thôi, chứ P.A, con gái anh, đã vững vàng ngay khi bước vào nghề làm báo theo nghiệp cha, chẳng bao lâu sau ngày anh mất. Tôi nhớ hình ảnh chị Hà, người vợ hiền của anh, lăn lóc dưới gầm cầu thang bao nhiêu đêm vì bệnh viện quá tải, trong khi anh dây nhợ đầy người thiêm thiếp trong phòng chăm sóc đặc biệt kề bên.
   Lại nhớ Chu Trầm Nguyên Minh, người bạn văn nghệ hiền lành, nhiệt tình tham gia sinh hoạt với Quán Văn cho đến những ngày tháng cuối. Họ – Nguyên Minh, Lữ Kiều, Sâm Thương, Lê Ký Thương và Chu Trầm Nguyên Minh – cũng đã kịp làm một chuyến về Phan Rang cùng nhau trên chuyến tàu đêm xập xình, chẳng bao lâu trước khi CTNM về với đất mẹ. Phan Rang là nơi CTNM từng dạy học, cũng là địa điểm xuất phát của tờ Ý Thức thời ây.
   Những người bạn ấy của chúng tôi, tất nhiên không có ai là hoàn hảo. Đôi khi còn làm buồn lòng nhau. Nhưng, nếu một tình bạn có thể kéo dài chừng ấy năm, thì ắt là bạn thật rồi.
   Đối với cả hai chúng tôi, hạnh phúc thật sự của một đời người không thể thiếu một trong hai yếu tố, tình yêu-tình bạn. Đó là lý do vì sao tôi dễ dàng gật đầu trước bài thơ cầu hôn của LKT năm xưa. Tôi mong trong mái nhà này/cùng em san sẻ đắng cay ngọt bùi/ con mèo khe khẽ ngoắc đuôi/vờn quanh những quyển sách đời tôi mê/và tình bạn suốt bốn mùa/thiếu bao thứ ấy hóa thừa đời tôi. (LKT phỏng dịch từ bài thơ “Le chat” của nhà thơ Pháp Appolinaire).
(CKQ)
 
*Nguồn: Trang Nhà Đỗ Hồng Ngọc

 

 

  

1 comment: