Saturday, April 30, 2022

THÁNG TƯ ĐỌC THƠ TÙ

Poetry. Abstract painting

Chiến tranh và ngục tù là bi kịch đau thương nhất trong lịch sử loài người, nó là kinh nghiệm không được rút tỉa để học hỏi và ngăn chặn, cứ thế lặp đi lặp lại khắp nơi trên thế giới, đánh động mãi ký ức con người nên có thể nói rằng không có cuộc chiến và nhà tù nào trở thành quá khứ, nó luôn là hiện tại với dấu lệ và máu không ngừng chảy. Kinh nghiệm chiến tranh, nhà tù, cùng hệ lụy tang thương của nó như vết cắt hằn sâu trong tâm tư tình cảm con dân Việt nam, mà nhà văn Ngô Thế Vinh đã gọi - vết thương không bao giờ lành-, nó sừng sững ở đó, trên đất đá, trên thân thể, trong tâm hồn, trong sử lịch, mà trái tim và lương tâm con người mãi thúc thủ một câu trả lời.
Bây giờ là tháng tư, tháng của vết thương chưa kéo da non ấy, giở lại những trang thơ của những người lính Việt Nam Cộng Hòa viết trong trại tù-cải-tạo- như thể chúng ta đang mở băng dán vết thương, hẳn là sẽ rỉ máu, nhưng đồng thời cũng khơi chút hoài mong, rằng, thơ ấy sẽ có tác dụng như một thứ thuốc sát trùng làm vết thương nguôi ngoai. Bạn đọc sẽ thấy thể hiện nơi thơ của họ nỗi bi thương khiên nhẫn, những cõi mơ nương tựa, và họ đã xoay sở, đối diện, với những oan khốc của tù ngục bằng thứ khí giới mơ mộng hồn nhiên, nhân ái của trái tim thi sĩ. Và hiểu được vì sao họ sống sót.
 
Xin giới thiệu mảng thơ tù của: Nguyễn Xuân Thiệp – Thanh Tâm Tuyền – Trần Dạ Từ - Tô Thùy Yên, và một bài hành bi tráng của Cao Vị Khanh. NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
NGUYỄN XUÂN THIỆP
 
Điu hoài hương xanh
 
đêm những vùng xanh châu thổ
dịu như một làn hơi men
bỗng bay rực trời đóm lửa
khi điệu kèn hồng rúc lên
 
đêm đưa ta lên miền bắc
với những chấm đèn trong mưa
một đi bóng nhà xa khuất
còn nghe đôi ngọn gió thu
 
khi ta đi lên miền bắc
nụ cười quên dưới trời xưa
trái tim đeo ngoài túi áo
như chuông trước cổ ngựa thồ
 
lưu thân đi trong trời đất
áo quần như gã hề điên
tóc râu dựng bờm cổ thụ
cõi người chợt lạ chợt quen
 
chân ta đi trên miền bắc
qua dăm thôn xóm buồn teo
đâu đám trẻ thơ bụng ỏng
trố đôi mắt buồn dõi theo
buổi chiều trắng bông chẩu rụng
rắc lên quán chợ quê nghèo
 
đi ta đi lên miền bắc
bóng ngày treo ngọn cây cao
buổi trưa tiếng gà hiu hắt
nhớ đầy dăm vạt áo nâu
có đêm sụp trời mưa lớn
nghe trăm cỗ ngựa qua cầu
tưởng như những loài nấm đỏ
mọc trên thớ gỗ mục sầu
 
đi trên mùa thu đất bắc
nắng lên tưởng chín trái hồng
lá sen trong hồ đã chết
lòng ơi có nhớ cốm vòng
đâu những hội vui ngày trước
ai về dưới mái đình cong
giữa khuya nằm nghe tiếng ếch
trôi về từ một bãi sông
gió thu thổi bùng liếp cửa
bên tai ngỡ giục trống đồng
 
khi ta đi lên miền bắc
uổng công ngậm ngải tìm trầm
thấy con chim rừng sắc tía
nhả những hạt buồn trăm năm
 
ôi những ngày trên đất bắc
nhớ mùi trái chín phương nam
nhớ ơi đồng bông súng nở
ngọn rau con cá trong vàm
nhớ những cuộc tình sông nước
nửa đêm đứt một dây đàn
 
bao giờ giữa mùa thu biếc
cho ta về lại phương nam
nghe tiếng chim chuyền bụi ớt
tưởng chừng động bóng thời gian
hái những đọt mưa xanh ngắt
khi mùa thu rơi trên đầm
 
khi ta đi lên miền bắc
hồn đầy những sắc tạp âm
thổi chùm cỏ khô bay mất
ôi bóng mùa vui biệt tăm
 
1979 (Trại tù Cẩm Nhân-Yên Bái)
NXT
 
 
THANH TÂM TUYỀN
 
Bài nh thi sĩ
 
Tặng già Ung
Gửi M.T.
 
Sáng nay thức giấc trong nhà giam
Anh nhớ những câu thơ viết thời trẻ
 
Bừng cháy trong lòng anh bấy lâu u ám quạnh quẽ
Ánh lửa mênh mang buồi tình đầu
 
Mưa bụi rì rào
Gió náo nức mù tối
 
Trễ muộn mùa xuân trên miền cao
Đang lay thức rừng núi biên giới
 
Đã qua đã qua chuỗi ngày lạnh lẽo, anh tự nhủ
Cũng qua cơn khô cạn khác thường
 
Tắt theo ngọn nắng chon von mê hoặc đầu óc quái gở
Từng thiêu đốt anh trên đồi, theo vào đêm dập vùi anh đớn đau
 
Từ lúc nào anh đứng trân trối cô đơn
Hôn ám trời sơ khai nhìn qua song cửa ngục
 
Hoang vu thơ hát lời lá cỏ heo hút
Dẫn anh về tận nẻo nguồn hừng đông lẩn lút
(Hừng đông Hừng đông ôi Hừng đông anh kêu khẽ cảm động muốn khóc
Mai, Mai xa, Mai như hoa, Mai hoa. Mai về tình thơ hôm nay)
 
Em có hay kẻ tội đồ biệt xứ một buổi về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dò hỏi lớp bóng mờ tàng ẩn
 
Đêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn
 
Em, soi bóng em hồn nhiên ngược lối thời gian
Lặng lẽ anh gầy lửa tinh mơ đầm ấm.
 
(Lào Cai 5/77, Vĩnh Phú 1/78)
TTT
 
TRẦN DẠ TỪ
 
Cám ơn dế mèn
 
Ai? Ai đó? Ai. Ai đó vừa kêu tôi
Ahaá, anh dế mèn
Đúng là anh dế mèn năm xưa
 
Ngày nào, đêm mưa
Một mùa giông tố
Có anh dế mèn phất phơ
Lạc vào cát sô
Đùa vui với người tù
Và người và dế và mưa gió
Cùng hát, hát vang hát vang xa
Khúc tình ca gió mưa
Ôi bài hát năm xưa.
Cám ơn, cám ơn em, dế mèn
Tiếng kêu vừa lạ lại vừa quen
Thịt xương đáy ngục xưa thức dậy
Lạnh một bên mà nóng một bên
 
Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn
Bao nhiêu năm,
bài hát ấy ta không quên
Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn.
TDT
 
 
TÔ THÙY YÊN
 
Tàu đêm (trích đoạn)
 
Tàu đi. Lúc đó, đêm vừa mỏi
Lúc đó, sao trời đã ngủ mê
Tàu rú. Sao ơi, hãy thức dậy
Long lanh muôn mắt tiễn tàu đi
 
Thức dậy, những ai còn sống đó
Nhìn ra nhớ lấy phút giây này
Tàu đi như một cơn giông lửa
Cuồn cuộn sao từ ống khói bay

Toa nêm lúc nhúc hồn oan khốc
Đèn bão mờ soi chẳng rõ ai
Ta gọi rụng rời ta thất lạc
Ta còn chẳng đủ nửa ta đây

Tàu đi như một cơn điên đảo
Sắt thép kinh hoàng va đập nhau
Ta tưởng chừng nghe thời đại động
Xô đi ầm ĩ một cơn đau
 
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang
 
Ta nghe rêm nhói thân tàn rạc
Các thỏi xương lìa đụng chỏi nhau
Nghe cả hồn ta bị cán nghiến
Trên đường lịch sử sắt tuôn mau
 
Dường như ta chợt khóc đau đớn
Lệ nóng cường toan cháy ruột gan
Lệ chảy không ra ngoài khóe mắt
Nghẹn ngào đến cả tiếng than van

Đem thân làm gã tù lưu xứ
Xí xóa đời ta với đất trời
Ngàn dặm lìa tan tình cố cựu
Bàng hoàng thân thế cụm mây trôi
 
Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu
 
Liệu còn một bữa cơm đầm ấm
Bên ánh đèn đoàn tụ vợ con
Chia xẻ chút tình cay mặn cũ
Miếng không ngon cũng lấy làm ngon
 
Tàu đi khoan xoáy sâu đêm thép
Tiếng nghiến ghê người, thác lửa sa
Lịch sử dường như rất vội vã
Tàu không đỗ lại các ga qua

Có lúc tàu qua những chiếc cầu
Sầm sầm những nhịp động đều nhau
Dưới kia con nước còn thao thức
Bát ngát dềnh lên bãi sậy sầu

Người bạn đường kia chắc vẫn thức
Mong tàu đi đến chỗ đêm tan
Có nghe lịch sử mài thê thiết
Cho sáng lên đời đã rỉ han
 
Tàu ơi, hãy kéo còi liên tục
Cho tiếng rền vang dậy địa cầu
Lay động những tầng mê sảng tối...
Loài người, hãy thức, thức cùng nhau
1980
TTY
 
 
CAO VỊ KHANH
 
Bài hành tháng tư
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Từ đêm vỡ tuyến lạc ven đô
Người thua trận chót đền trăm tuổi
Ta gánh thù sâu chốn hải hồ
Những tưởng mười năm đời sáng lại
Ta về bươi kiế́m miểng xương khô
Vét hết oan khiên người lỡ vận
Vùi sâu xóa dấu một hoang mồ
Ta đi rong khắp Nam cùng Bắc
Gom hế́t muôn ngàn vải tám thô
May đủ hai hàng cờ lá phướng
Treo lên trắng toát một cơ đô
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đủ lạnh một hương nguyền
Người thơm áo mới mùi hoa vải
Ta cứ u hoài một nỗi riêng
Đã quá xa xôi ngày thất tán
Biển xưa chừng lắng những con thuyền
Ôi trinh tiết gái ngoài hoang đảo
Chắc cũng nhạt nhòa chuyện đảo điên
 
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm đánh đổi chuyện keo sơn
Người thân biệt xứ lên rừng núi
Kẻ ngóng đầu non đến mỏi mòn
Thư nhắn trên đầu trang giấy rách
“quên đi mà cứu trẻ măng non
mười năm thân đã mềm như lá
như xác ve sầu đã héo hon
bồng bế con ra ngoài cõi ngoại
giữ lấy giùm nhau chút mộng tròn”
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm giậu đổ nát bìm xanh
Mười năm thôn xóm thành hang ổ
Người sống như loài thú mọc nanh
Con lớn hoang đàng theo cỏ dại
Mẹ buồn như cái vạc sang canh
Mẹ gởi con đi ngoài biển lạnh
Bằng như cọng cỏ ném sau gành
Thuyền con mỏng mảnh trời đen kịt
Mẹ thức từng đêm mắt lạnh tanh
Con đi một sống trăm lần chết
Mẹ đứt từng khoanh ruột đoạn đành
 
Vậy đó, tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm ngờ ngợ giữa chiêm bao
Ngày đi tóc rối còn đen mượt
Mắt sáng còn nguyên đốm lửa sao
Lòng đã dặn lòng chờ Câu Tiễn
Gom mộng bình sinh nối chí cao
Ai kẻ mài gươm về đấ́t cũ
Ai mang đoản kiếm nhập Tần sâu
Hẹn nhau xẻ núi dầu sạn đạo
Miễ̃̃̃n thấy cờ bay ải địa đầu
 
Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm nếm đủ vị chua cay
Mười năm mòn lẳn đôi giày cỏ
Ngó lại xem còn mất những ai
Đất khách đãi nhau toàn mật đắng
Tâm giao chưa quá một đêm say
Người ơi ... đất nước mà rao bán
Thiên hạ muôn người sợ lấm tay
 
Vậy đó tưởng quên mà vẫn nhớ
Mười năm ... một giấc mộng không thành
Người chờ cho hết đời cô quạnh
Ta đứng bên trời, lệ chảy nhanh
 
C A O V Ị K H A N H
tháng tư 1985
 
 
 
 
 
 

Friday, April 29, 2022

THƠ THÁNG TƯ

Đức Phổ

Nhà thơ Đức Phổ
 
BÀI THÁNG TƯ
 
khi cây lộc trổ vừa xanh lá
giữa phố người dưng rộ hoa đèn
lại một mùa xuân thêm sầu xứ
lòng nghẹn ngào đau một tháng tư.
 
nửa thế kỷ non. rời binh biến
dân tình đày đọa dưới sai, oan
tủi mặt sông hồ khi cởi giáp
quê hương tràn ngập một màu tang.
 
nửa thế kỷ non. già tiếng quạ
quốc kêu cốt thấu nỗi oan tình
lòng người ròng lớn như con nước
mặc cuộc cơ cầu dậy lửa binh.
 
tháng tư im súng. không yên giặc
bão nổi từng cơn. dịch tứ bề
dân đen ngặm đắng. cay bờ mắt
lệ đã khô từ cuộc biển dâu.
 
ánh sáng tương lai đã vụt tắt
khi bàn tay mẹ cũng vừa run
chờ con mỏi cả niềm mơ ước
thiên hạ đau từ mỗi tháng tư…
 
 
C THÁNG TƯ
 
tháng tư rồi lại tháng tư
hôm qua trời cũng mây mù như nay.
cũng năm xưa cũng giờ này
lòng dân chộn rộn chuyển ngày sang đêm.
 
hồn em từ dòng suối hiền
chuyển sang ghềnh thác ngửa nghiêng đất trời.
kẻ đang sống thành ma trơi
tâm, trí đang thức đã người mộng du.
 
mùa đang xuân chuyển sang thu
anh em đang ruột trở thù như rươi.
gặp nhau dở khóc dở cười
xót cơn quốc biến đau đời lưu vong…
 
ĐỨC PHỔ
 
 
 

Thursday, April 28, 2022

NGUYỄN ĐÌNH TOÀN RA MẮT SÁCH ‘THƠ & CA TỪ’

Phan Tấn Hải
 
Buổi ra mắt tác phẩm "Thơ & Ca Từ"của nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc Nguyễn Đình Toàn đã thực hiện chiều Thứ Bảy 23/4/2022 tại nhà sách Tự Lực ở Garden Grove, Quận Cam, trong tình văn nghệ đầm ấm, thân mật.
 
Hình 1. Từ trái: MC Đinh Quang Anh Thái, nữ tài tử Kiều Chinh,
tác giả Nguyễn Đình Toàn, nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
 
Buổi ra mắt sách của tác giả Nguyễn Đình Toàn có sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ của một Miền Nam VN trước 1975, trong đó vị cao niên nhất là nhà văn Doãn Quốc Sỹ, người chỉ vài tháng nữa là tròn 100 tuổi. Cả hai nhà văn là bạn văn từ những năm trước 1975. Con trai của nhà văn Doãn Quốc Sỹ là nhà báo Doãn Hưng đã đưa cụ Doãn tới dự buổi ra mắt sách, và gợi ý để mời nhà văn Doãn Quốc Sỹ đọc bài thơ nhiều thập niên trước đã sáng tác chung với tác giả Nguyễn Đình Toàn.
Tham dự buổi ra mắt sách còn có nhiều người thế hệ trẻ, trong đó có lẽ trẻ nhất là Jimmy Nhựt Hà, một MC nổi tiếng trong giới hoạt động âm nhạc. Khi được mời phát biểu đã nói rằng anh ưa thích âm nhạc nên quan tâm nhất về tác giả Nguyễn Đình Toàn là các ca khúc mà Jimmy Nhựt Hà gọi là sâu lắng và phong phú - trong đó, anh thích nhất là ca khúc “Quê Hương Thu Nhỏ.” Độc giả có thể nghe Khánh Ly trình diễn ca khúc “Quê Hương Thu Nhỏ” trên YouTube. Riêng phần ca từ của ca khúc này, được đầy đủ ghi lại trong tác phẩm “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn” nơi các trang 170-173.
Người giữ nhiệm vụ MC trong buổi ra mắt sách là Đinh Quang Anh Thái, người có khả năng làm sôi nổi các sinh hoạt văn nghệ. Cũng chính Đinh Quang Anh Thái đã dìu nhà văn Nguyễn Đình Toàn vào nhà sách Tự Lực: sức khỏe tác giả họ Nguyễn đã yếu, vì năm nay là 86 tuổi, và khi xuống xe đã được 2 người dìu hai bên vào nơi ra mắt sách, cũng là nơi gặp nhiều bạn cũ hôm Thứ Bảy.
Điều ghi nhận rằng nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã có một phần lãng trí, nhưng khi được nhà báo Doãn Hưng nhắc về bài thơ làm chung với Nguyễn Đình Toàn và được nhắc câu đầu, thế là nhà văn trăm tuổi này đã đọc luôn 10 câu thơ lục bát. Nguyên ủy bài thơ này là khoảng năm 1984, khi hai nhà văn Nguyễn Đình Toàn và Doãn Quốc Sỹ nghe tin nhau là đã ra tù cải tạo nên đi xe đạp thăm nhau. Nguyễn Đình Toàn ở Làng Báo Chí Thủ Đức, trong khi Doãn Quốc Sỹ trong nội đô Sài Gòn. Thế rồi, hai nhà văn gặp nhau ngay giữa Cầu Thủ Thiêm, thế là cùng đứng lại thở cho đỡ mệt và rồi hàn huyên. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn làm 4 câu thơ đầu, và rồi một thời gian sau nhà văn Doãn Quốc Sỹ nhớ rằng hồi 1980 cụ Doãn cũng có 6 câu thơ lục bát cùng chủ đề bạn văn chia ly. Nên cụ Doãn ráp lại thành bài thơ làm chung để kỷ niệm.
 
Hình 2 trái: Sau lưng nhà văn Doãn Quốc Sỹ là nhà báo Trịnh Thanh Thủy,
ngồi bên cụ Doãn là chị Kim Ngân (Giám đốc Viện Việt Học).
Hình phải: nữ tài từ Kiều Chinh và ca sĩ Thu Vàng.
 
Bài thơ ghi lại sau đây, trong đó 4 câu đầu là của Nguyễn Đình Toàn và 6 câu sau là của Doãn Quốc Sỹ -- và trong buổi ra mắt sách, cụ Doãn đọc lại đầy đủ với giọng rõ ràng, không sai một chữ:
Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi
Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng
Gặp nhau tay bắt mặt mừng
Vui thì vui vậy biết chừng nào xa
.
Đỉnh trời vằng vặc gương nga
Lonh lanh soi tỏ lòng ta lòng mình
Gương trong mình lại soi mình
Thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du
Nẻo đời gió buị kỳ khu
Biết ai còn mất tình thu võ vàng.
 
Tài tử Kiều Chinh trong buổi ra mắt sách cũng kể về một kỷ niệm: tiểu thuyết “Ngày Tháng” của Nguyễn Đình Toàn. Bà kể rằng hãng phim Giao Chỉ của bà đã mua bản quyền cuốn “Ngày Tháng” để làm phim, nhưng rồi 1975 tới là phải đứt phim. Tài tử Kiều Chinh cũng chúc mừng tác giả Nguyễn Đình Toàn, cảm ơn nhà sách Tự Lực đã giúp hoàn tất buổi ra mắt sách chu đáo.
Nhà thơ Đỗ Quý Toàn được mời nói chuyện đã nhận định rằng ở tuổi của tác giả Nguyễn Đình Toàn còn ra mắt sách được là hy hữu, là vui mừng rồi. Thi sĩ họ Đỗ nói rằng sinh hoạt văn nghệ đã tê liệt hơn 2 năm đại dịch bây giờ vui mừng là còn nhà sách Tự Lực duy trì sinh hoạt văn nghệ. Đỗ Quý Toàn cũng đùa giỡn với “trí nhớ lãng đãng” của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi nhắc tới nhà thơ quá cố Tú Mỡ (bố vợ của nhà văn Doãn Quốc Sỹ) và cách cụ Tú Mỡ đặt tên con: không ngờ nhà văn Doãn Quốc Sỹ cao hứng, đã đọc liền mấy câu lục bát về cách đặt tên của cụ Tú.
 
Hình 3. Từ trái: MC Jimmy Nhựt Hà, hai nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Thành Tôn.
 
Tác giả Nguyễn Đình Toàn rất hiền lành, nhìn bề ngoài là thế. Tuy nhiên MC Đinh Quang Anh Thái nói rằng thực tế, Nguyễn Đình Toàn cũng có một kiểu văn nói “đanh đá”; thí dụ, Đinh Quang Anh Thái kể, khi dự tang lễ nhạc sĩ Nhật Ngân, khi trở về Nguyễn Đình Toàn nói với ĐQAT là tới đưa tang một người chết thì gặp cả trăm người sắp chết. Hiển nhiên, thực tế là, những người trong thế hệ của tác giả Nguyễn Đình Toàn hễ ai còn có mặt trên đời này đều là hy hữu (nếu chúng ta nhớ câu “thất thập cổ lai hy”).
Đinh Quang Anh Thái thay mặt nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã cảm ơn anh Đông Đào, chủ nhà sách Tự Lực, người đã giúp hình thành chu đáo buổi ra mắt sách, với bánh ngọt, rượu vang, trà, cà phê… Ông chủ nhà sách Tự Lực đã khiêm tốn nói lời cảm ơn tác giả Nguyễn Đình Toàn và tất cả các văn nghệ sĩ đã tới tham dự, và gửi lời chúc lành tới tất cả mọi người.
 
Điều ghi nhận: trà ở nhà sách Tự Lực rất mực tuyệt vời, đây là loại trà do nhà sách này phân phối.
Một người không thể quên là nhà thơ Thành Tôn, khi được mời lên nói chuyện đã kể rằng anh làm 3 bản thảo viết tay “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn”: khi tác giả Nguyễn Đình Toàn ra hải ngoại, Thành Tôn mới có cơ duyên trao tặng trực tiếp môt bản cho nhà văn, nhà thơ, người viết nhạc này, và rồi bản thảo đó bây giờ trở thành tác phẩm ra mắt hôm Chủ Nhật.
Một điều cũng ghi nhận: buổi ra mắt sách “Thơ & Ca Từ Nguyễn Đình Toàn” cũng đồng thời ra mắt bản CD “Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn 1970: Tình Ca Việt Nam” với nhiều ca khúc của Phạm Duy, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Mỹ Ca, Nhật Bằng, Lê Uyên Phương, Ngọc Bích, Lâm Tuyền Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Công Sơn, Hoàng Trọng Quách Đàm, Cung Tiến, Hoàng Dương, Đặng Thế Phong… qua các lời giới thiệu của Nguyễn Đình Toàn, và các giọng ca Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu…   Độc giả có thể mua cả sách và CD tại nhà sách Tự Lực.
 
Hình 4. Tác giả Nguyễn Đình Toàn (phải) ngồi lắng nghe
tài tử Kiều Chinh kể chuyện làm phim thời Sài Gòn trước 1975.
 
Tham dự buổi ra mắt sách hôm Thứ Bảy của Nguyễn Đình Toàn có nhiều văn nghệ sĩ và trí thức quen tên tới đứng trong và ngoài nhà sách Tự Lực, trong đó có Thu Vàng (ca sĩ), Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh, Phạm Quốc Bảo, Trịnh Thanh Thủy, Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài), Đinh Sinh Long, Kim Ngân (Giám đốc Viện Việt Học), Đặng Phú Phong…
.
Nghĩ gì về Nguyễn Đình Toàn? Nhà báo Trịnh Thanh Thủy trong bài viết “Nguyễn Đình Toàn, người gõ cửa ký ức” hồi tháng 1/2022 ghi nhận về tác giả họ Nguyễn, trích như sau:
“Là một người Việt ly hương, hình như ai cũng có đôi lúc nhớ quê, hình dung lại nơi mình từng sinh ra, quay quắt thương cái chốn mình đã đi về trong tháng ngày quá khứ. Chỉ cần một hình ảnh, một cơn mưa, một vạt nắng, một nhành hoa thơm ngái hương vị quê nhà là lòng người lại bồi hồi tưởng tiếc. Nhất là khi đọc một bài thơ, nghe một khúc nhạc, hát lên một ca từ sóng sánh những âm vang kỷ niệm xưa, ai mà không tự dưng nhè nhẹ mở toang cánh cửa ký ức của lòng mình. Tôi đã làm điều đó khi đọc các bài thơ trong tuyển tập “Thơ và ca từ” của tác giả Nguyễn Đình Toàn.
Là một nhà văn, ông viết dưới nhiều dạng, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm ‘Áo mơ phai’ của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ kiêm xướng ngôn viên của đài phát thanh VTVN trước năm 1975. Chính ông đã phổ những bài thơ của mình thành những bài nhạc được nhiều người yêu thích. Người bạn rất thân lâu năm của ông là Thi sĩ Thành Tôn đã gom góp những bài thơ của ông thành một tập thơ in riêng tặng ông. Gần đây, bạn bè thương mến ông, đã chung lưng giúp ông thiết kế và xuất bản để đứa con tinh thần, tuyển tập “Thơ và Ca từ” được ra đời.”
.
Nhà văn Lưu Na trong tác phẩm “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người” nơi trang 27 ghi nhận về Nguyễn Đình Toàn: “Với mình, ông là người lãng mạn. Mình nhìn ông, nhiều lúc ngạc nhiên thấy những mầm lá xanh non trổ ra trên thân cây già cỗi. Đó là những lúc ông ngồi ôm đàn, một trong những phút hiếm hoi, mắt nhìn ra khung cửa tay riết rung trên phím, ở cái vóc hững hờ vang ra tiếng đàn và giọng hát mỏng manh tha thiết. Như ông yêu đàn đến nỗi phải ngăn mình không chạm đến đàn, sợ rồi không buông được. Hay khi ông bảo buổi chiều là tiếng nhạc reo của xe kem dưới lòng đường, là những chiếc áo đỏ vàng lăn tròn trên sân cỏ trường tiểu học bên đường.”
 
Hình 5. Từ trái: Hai họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Phan Chánh Khánh,
nhạc sĩ Đinh Sinh Long, nhà thơ Đỗ Quý Toàn.
 
Đối với nhà thơ Trần Yên Hòa, trong bài viết “Nhớ Những Lần Nghe Nhạc, Đọc Thơ, Đọc Truyện Của Nguyễn Đình Toàn” trong một bài viết hồi tháng 2/2020 đã đối chiếu các ca khúc về Sài Gòn của nhiều nhạc sĩ, và rồi viết:
“Từ lâu, nghĩa là từ trước năm bảy lăm, tôi nghĩ là Nguyễn Đình Toàn chỉ làm thơ và viết văn thôi, nếu cùng lắm thì ông đặt lời cho nhạc như bài Tình Khúc Thứ Nhất. Nhưng sau này tôi biết ông còn sáng tác nhạc, ông viết rất nhiều ca khúc. Trong những ca khúc của ông tôi thích đâu 3, 4 bài, như bài Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, mà nhiều người biết đến, sau đây:
“Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên – như dòng sông nước quẩn quanh buồn – như người đi cách mặt xa lòng ta hỏi thầm em có nhớ không… Sài Gòn ơi, đến những ngày ôi thành phố xôn xao – trong niềm vui tiếng hỏi câu chào – sáng đời tươi thắm vạn sắc màu – còn gì đâu…”
Theo tôi, bản nhạc này là bản nhạc hay nhất của nhạc Việt Nam viết về Sài Gòn sau khi mất nước và lúc Sài Gòn đã thay đổi tên…”
.
Đối với nhà văn Phan Tấn Hải, các tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn đã trở thành một tượng đài nghệ thuật. Trong bài viết nhan đề “Nguyễn Đình Toàn, Chữ & Người: Như Một Tượng Đài Nghệ Thuật” vào tháng 7/2021, họ Phan ghi nhận:
“Bản thân tôi, trong cương vị của một người cầm bút nhiều thập niên, tôi vẫn tự nghĩ rằng tôi không thể viết nổi về nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho đầy đủ. Nơi Nguyễn Đình Toàn gần như cái gì cũng tuyệt bích. Truyện họ Nguyễn tưởng như viết một cách thờ ơ, hờ hững, nhưng khi gấp sách lại vẫn thấy phảng phất trong trí nhớ của những áo mơ phai nhiều thập niên sau. Thơ Nguyễn Đình Toàn tưởng như rất mực cổ kính của những đêm ba mươi tìm đến thăm nhau, nhưng rồi không thể nào quên được những hương đêm cận Tết và của những mùi hương cải vàng khi tóc mình đã bạc trắng. Thế rồi nhạc Nguyễn Đình Toàn đi một cõi rất riêng, nơi kẻ hậu sinh như tôi chỉ có thể mượn lời người xưa để ví rằng họ Nguyễn y hệt như một cành hoa mai rất hiếm và rồi mình chỉ có thể tự dặn là “một đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” -- Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.”
.
Hình 6, phải: Nhà văn, nhà báo lão thành Phạm Quốc Bảo
và nhà báo Trịnh Thanh Thủy. Hình trái: Sách và CD nhạc.
 
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN, THEO WIKIPEDIA NHƯ SAU.
Nguyễn Đình Toàn (sinh 6 tháng 9 năm 1936) là nhà văn và nhạc sĩ người Việt định cư ở Mỹ. Ông còn có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Ông sinh tại huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh (về sau đổi thành quận Gia Lâm thuộc tỉnh Gia Lâm) và di cư vào Nam năm 1954. Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm Áo mơ phai đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.
Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Việt Nam Cộng hoà như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây dựng, và Tiền Tuyến. Ông cũng có tay trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên đài phát thanh quốc gia VTVN mỗi tối Thứ Năm. Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.
Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là "Sài gòn niềm nhớ không tên" (Đúng ra tên là "Nước mắt cho Sài Gòn") và "Tình khúc thứ nhất" do Vũ Thành An phổ nhạc. Ca sĩ Khánh Ly đã thâu âm và phát hành 2 đĩa nhạc với những sáng tác của ông.
Nguyễn Đình Toàn có khoảng 20 ấn phẩm sách giấy, hầu hết là truyện dài, một số là thơ và kịch thơ. Nguyễn Đình Toàn có khoảng 5 tập nhạc (album).
Các câu hỏi về sách và CD nhạc Nguyễn Đình Toàn, có thể liên lạc:
Nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St.
Garden Grove, CA 92843
Phone: 714-531-5290
 

TỬ ĐẰNG

Vũ Hoàng Thư
 
Hoa tử đằng. Internet
 
tôi bừng tím
          buổi sớm mai
tử đằng rũ
tôi rủ ngày rong chơi
hoa trở dậy
          ngọt tiếng lời
bài dao ca mở trang đời xuân xanh
diệu ngữ nào
thượng thừa thành
bất ngờ giong ruổi
          đơm cành phương nghi
em có ngại?
ngượng ngùng chi?
mà tim tím gọi hồ nghi tôi về
cành nhánh quấn
          nửa hồn mê
vô thanh tôi hát
          không đề bài ca
tuệ trung tôi
          một cõi nhà
ươm màu hương thủy
tím cà nguyên khê
03/2017
VHT

GẶP BẠN BÈ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG XƯA

 Trương Vũ

Tranh TRƯƠNG VŨ
Sơn dầu trên bố, 18” x 24”, thực hiện năm 2010
 
Trước khi nhà văn Cao Xuân Huy qua đời (2010), tôi thường gặp và nghe anh miên man kể về những trận đánh, những bãi chiến trường, những bạn bè đã gục ngã. Tôi có ý định một ngày nào đó rủ anh về VN, thăm lại những chiến trường xưa. Chúng ta sẽ gặp lại hay có cảm giác gặp lại, hay muốn gặp lại như thế nào? Những hồn ma sầu thảm, bi phn? Hay, những linh hồn thanh thoát, nhẹ nhàng như những cơn gió thoảng? Hay, phức tạp hơn, chỉ có tâm linh chạm với tâm linh để nhận nhau? Tôi cố diễn đạt tâm trạng đó trên bức tranh này. Và, dĩ nhiên, diễn đạt theo ý mình muốn.
 
Trong một cuộc triển lãm tại Virginia chung với Đinh Cường và Nguyễn Trọng Khôi cách đây hơn 10 năm, bức tranh được vợ chồng TS Nguyễn Trường Khanh + Thục Anh mua. Nguyễn Trường Khanh là con một cựu Trung Tá QLVNCH, là một nhà khoa học nhưng có nhiều hiểu biết sâu sắc về chiến tranh VN.
 
Nhân ngày kỷ niệm biến cố “30 Tháng Tư”, tôi xin post lại bức tranh này, như một hoài niệm về bạn bè, người thân, đồng đội, hay bất cứ ai đã ngã gục trên các chiến trường xưa.
TRƯƠNG VŨ

Wednesday, April 27, 2022

HOẠT CẢNH. SAU ĐÊM RA ĐI

Nguyễn Thanh Châu
 
Ngôi nhà hoang phế. Photo NTChâu
 
*tặng anh T sau lần vượt biên cuối năm 1988
 
kể từ đêm ấy. đêm không trăng
căn nhà xưa tuyệt tích một người thân
có lẽ ra đi không trở lại
thềm lạnh. mặc tình bông mận rơi
tưởng còn nghe sóng ì ầm đâu đó
mười năm. lây lất cõi đời tàn…
 
kể từ đêm ấy. đêm không trăng
cánh cửa mục khép hờ. rệu rã
xó bếp lạnh tanh những bụi nhang tàn
con chó nằm đau thèm hơi chủ
ngoài hiên gió rợn những tiếng rên
âm âm nỗi nhớ…
 
kể từ đêm ấy. đêm không trăng
con đường xa trải nặng mặt bằng
người khách quen chẳng còn lai vãng
biết chừng đâu gởi chút hơi tàn
sau chấn song. lạnh tràn con bão rớt
ký ức treo ngành những trái hư
chập chùng cảnh mộ…
 
kể từ đêm ấy. đêm không trăng
nàng sương phụ thôi không cầu nguyện
thẫn thờ rời bỏ chiếc giường không
chân bước vô tình vào quán bệnh
giữa một trường sinh kiếp mang mang
ngầy ngật lũ đông. say. chuếnh choáng
diễn mãi trò ngông
sóng rượu tràn bờ ly sóng sánh
mảnh trăng khô vỡ vụn mặt người…
 
kể từ đêm ấy. đêm không trăng
nàng sương phụ dáng buồn như tượng
đăm đăm cõi nào. những hố mắt sâu
tiếng cười như băng chợt thảng thốt
tay vờn. chân hụt bước. lao đao
canh tà hiu hắt mờ dư ảnh
người đâu? người đâu?
1988
NTC
 

Saturday, April 23, 2022

NHỚ NHÀ VĂN VÕ HỒNG VỚI NỖI… ‘CÔ ĐƠN UY NGHI’

Đỗ Hồng Ngọc
 
Nhà văn Võ Hồng
 
Võ Hồng là nhà văn nổi tiếng từ trước 1975. Truyện ngắn đầu tay của ông 'Mùa gặt' đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy vào năm 1939 với bút danh Ngân Sơn. Đến năm 1959, ông gia nhập làng văn với tập truyện ngắn 'Hoài cố nhân'.
Là nhà văn đồng thời có nhiều năm gắn bó với sự nghiệp dạy học. Võ Hồng viết văn thận trọng, biểu cảm chừng mực... Văn của ông chứa đựng sự gắn bó yêu thương con người, yêu thương quê hương, dân tộc một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút Võ Hồng, hình ảnh quê hương, con người Việt Nam được ghi lại như những bức tranh sinh động, trung thực và đầy rung cảm. Nhiều tác phẩm của Võ Hồng đã được trích giảng trong sách giáo khoa văn học cho chương trình trung học trước năm 1975. Sau năm 1975, văn nghiệp của ông là đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ, thạc sĩ văn chương.
 
Ông được đánh giá là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam. Gần đây tạp chí Quán Văn đã dành số 86 để tưởng niệm Võ Hồng, trong đó nhà văn/ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã đóng góp một bài đặc sắc. Mời bạn bè theo dõi. PV
 
    Tôi quen biết anh nhiều năm trước ở Nha Trang. Tính về vai vế tôi phải gọi anh bằng… “ông”, vì dì tôi là bạn của con gái lớn anh. Nhưng anh vốn xuề xòa, dễ tính, bảo gọi bằng anh thôi. Còn anh luôn toa, moa với tôi một cách thân mật. Năm nọ có dịp về Nha Trang, tôi ghé thăm anh. Tìm nhà hơi khó vì đường sá đã mở rộng, nhà cửa thay đổi nhiều. Tôi đang loay hoay tìm cây khế, cây trứng cá “làm dấu” trước nhà thì một bà già đi ngang qua thấy, hỏi tìm ai, “Dạ tìm ông nhà văn Võ Hồng”, bà đáp: “Văn võ nào đâu tôi chả biết, chỉ biết có ông già sống một mình ở ngôi nhà kia thôi!”. Tôi kể lại anh nghe, anh cười ha hả, có vẻ… chịu bà già lắm vì nhà văn Võ Hồng thì không biết mà lại biết anh sống một mình! Mà thiệt vậy! Vợ anh mất sớm lúc anh hãy còn rất trẻ. Anh vẫn ở vậy, không tục huyền, dù không ít cô thầm thương trộm nhớ ông thầy giáo, ông nhà văn nho nhã, dễ mến. Anh vẫn gà trống nuôi con. Tất cả đều thành đạt, đều đang sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn ông… gà trống ngày một lớn tuổi loay hoay một mình với những người hàng xóm, với cây trứng cá, cây khế và mấy gốc dừa.
    Anh nuôi một con chó con làm bạn. Lần tôi đến thăm, anh lững thững ra mở cổng, con chó ùa ra sủa ầm lên. Tôi hơi hoảng, hỏi: chó có dữ không anh? Anh trả lời tỉnh queo: nó còn hiền hơn moa! Rồi anh dẫn tôi lên gác. Căn gác nhỏ với một phòng chừng hai chục mét vuông, vừa là chỗ ăn ngủ, làm việc, tiếp khách… lổn ngổn những sách vở, thư từ, bản thảo… Nhờ cái sân thượng phía trước có bóng râm cây khế, cây dừa mà anh còn có chỗ để mà trầm tư, mà hoài cố nhân (*)… Anh khoe với tôi cái chậu nhỏ trong đó có một cây gai bàn chải to bằng bàn tay. Anh nói miền quê anh đi đâu cũng gặp cây gai bàn chải mọc dọc hai bên đường. Anh nhớ nó quá nên tìm một gốc về trồng. Anh giấu nó ở một góc sân thượng, sợ người ta trông thấy cho là lập dị! Có lần Đài truyền hình Trung ương làm một bộ phim ngắn về “Thầy Võ Hồng”. Anh rất cảm động khi được về thăm lại trường Bồ Đề cũ, chùa Hải Đức, nhà thờ Chánh tòa Nha Trang… nhưng anh vẫn thấy ngường ngượng khi phải… đóng phim. Rồi cô Thu Trang dạy Cao đẳng Sư phạm ở Tuy Hòa, quê hương anh, đã làm một luận văn thạc sĩ ngữ văn về sự nghiệp văn học của anh: “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” do giáo sư Hoàng Như Mai hướng dẫn, mà người phản biện là TS Huỳnh Như Phương ghi nhận xét: mong sớm được thấy in thành sách để giúp bạn đọc hiểu thêm về nhà văn Võ Hồng.
 
    Nhắc đến mình, anh như luôn có vẻ ngượng. Mấy năm trước, trong thư gửi tôi, kèm tập thơ mới in của anh, anh viết: “Đọc lại văn mình moa thấy: nếu là văn xuôi thì Ngộ, còn thơ thì Ngượng. Cái gì mà yêu thương, nhớ nhung, đợi chờ… mắc cỡ thấy mồ!”. Tôi hiểu anh, bởi vì văn thì còn đổ thừa tại hư cấu, tại tâm lý nhân vật nọ kia, chứ thơ thì hết phương chối cãi! Nhưng theo tôi, văn Võ Hồng đã là một thứ thơ, một thứ thơ xuôi, nhàn nhã, đằm thắm, chân thật… làm xúc động lòng người! Hỏi anh lúc này có khỏe không, anh nói khỏe gì nổi, bệnh rề rề. Nhiều tuổi rồi, con ở xa, bệnh cũng làm biếng đi bệnh viện nữa. Phải nhờ người quen đưa đi khám hoài ngại quá! Vậy mà hôm nghe tôi bệnh nặng, phải đi mổ cấp cứu, anh viết thư: “Mười hai giờ khuya, moa ra sân thượng, quỳ hướng về sao Bắc đẩu hết lòng cầu nguyện cho toa tai qua nạn khỏi…”.
    Trở lại chuyện thăm anh ở Nha Trang lần này, lúc anh vừa… lên tuổi 80, tôi thật bất ngờ thấy anh không còn “cô đơn” nữa. Trong phòng anh treo một tấm ảnh chân dung khá lớn của cô đào hát bóng xinh đẹp Lý Linh, người đóng vai Tống Khánh Linh trong phim nhiều tập chiếu trên truyền hình! Thì ra “ông lão” mê cô tài tử này không biết tự bao giờ! Thấy tôi bỡ ngỡ, anh cười: “Đứa cháu mình ở ngoài quê coi phim rồi nói với mình: “Cậu ơi, sao mà cô đào đóng phim này giống hệt mợ… Mình giật mình, “kiểm chứng” lại quả là có nhiều nét giống y hệt vợ mình hồi đó, nên mình treo ảnh này lên đây”. Anh lại có vẻ ngượng. Nhớ anh đã vừa tám mươi, tôi thử “bói” cho anh một quẻ bằng cách mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn Trầm tư của anh mà tôi gọi là “bói Võ Hồng”, tình cờ trúng câu 259, câu trao đổi của anh với một “cô nào đó”, chắc là Lý Linh: – Em như đóa hồng dành cho vương tôn quyền quý, còn anh… – Câu đó phải do em nói. Tâm hồn anh đẹp và mảnh như hoa. Nên khó nuôi dưỡng, khó chăm sóc. Em đành phụ bạc anh… Vậy là anh chàng “Tú Uyên” Võ Hồng với “tâm hồn đẹp và mảnh như hoa” đó vẫn chờ đợi nàng Giáng Kiều từ trong tranh một hôm nào đó lại bước ra…
 
    Võ Hồng là một nhà thơ. Dù ông viết truyện ngắn, truyện dài gì thì với tôi cũng đều là thơ. Thơ xuôi. Đọc ông thấy lòng lành ra. Tuy nhiên ông cũng đã in hẳn một tập Thơ cho riêng mình. Chân tình và mộc mạc. Đằm thắm những yêu thương.
Năm giờ sáng mở mắt
Nhìn quanh: chỉ ghế bàn
Thèm thấy một khuôn mặt
Thèm nghe tiếng dịu dàng
Mười giờ đêm thâm u
Bóng tối như cõi chết
Tình yêu, tìm nơi đâu
Hạnh phúc, chào vĩnh biệt
(Quạnh hiu)
 
    Quạnh hiu. Hoang vắng. Cô đơn. Không muốn “độc cư” mà thành độc cư. Với một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, ông héo hắt dần với tháng năm. An ủi của ông trong tuổi già là những người con đều thành đạt, hiếu thảo, nhưng vì hoàn cảnh riêng mà phải sống xa nhau kẻ chân trời người góc biển.
 
Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ
Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu
(Ba mươi năm sau)
 
    Vẫn căn gác nhỏ đó vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm… Có lần tôi bấm cho ông mấy tấm ảnh kỷ niệm, có cảnh ông ngồi trên chiếc ghế “cô đơn uy nghi” đặt ở sân thượng, dưới tàng cây trứng cá. Lúc đó, ông mới 74 tuổi, còn hoạt bát lắm, đòi khoác áo đàng hoàng rồi mới chịu cho chụp hình. Ông kể hôm họp mặt mừng tuổi 70 của ông, ai cũng nhắc câu “Thất thập cổ lai hy”, nên khi đáp từ, ông sờ tay vào cổ, nói “Thất thập cổ lai hy” nè, rồi lần tay xuống ngực “Lục thập ngực lai hy” nè, “Ngũ thập bụng lai hy” nè, rồi “Tứ thập…”, mọi người la hoảng!
    Khi tôi gởi ông bản thảo Già ơi… Chào bạn! để nhờ ông đọc, ông cười: Sau “Già ơi chào bạn” toa sẽ viết tiếp cái gì nữa đây? Ông là vậy. Lúc nào cũng hóm hỉnh, sâu sắc mà sảng khoái trừ những lúc một mình trong nỗi “cô đơn uy nghi” nhớ đến người thân. Mấy năm gần đây, tình trạng sức khỏe ông yếu dần, nằm liệt giường, được chuyển xuống tầng trệt cho tiện chăm sóc. Cô con gái lớn Diệu Hằng vẫn thỉnh thoảng từ Pháp về thăm cha. Rồi cô lại đi, bận bịu bao điều, nhưng vẫn quán xuyến lo toan. Người con trai thứ ở Đức đã dựng riêng cho cha một trang web, tập hợp toàn bộ các tác phẩm của cha, với nhiều tài liệu quý.
    Năm 2011, có dịp về Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã dần dần khó tiếp xúc… Cô Đạm, người học trò cũ quý thương ông vẫn là người hằng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẽ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.
 
Ông đã sẵn một bài thơ gọi là Di ngôn viết về nỗi “cô đơn uy nghi” của mình:
 
Di Ngôn
 
Sau khi tôi chết Xin giữ y nguyên giùm mọi dấu vết
Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi
Đây: cây bút màu đen sớm tối không rời
Đây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt
Kia chồng sách không bao giờ ngăn nắp
Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi
Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì
Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế
Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường
Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương
Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi
Đợi một người đi không hẹn trở lại
Hun hút đường dài… vun vút xe qua
Những dáng ngược xuôi… những cặp hẹn hò
Bầy chó lang thang… hàng cây đứng lặng
Chia sẻ nỗi niềm: từng ngôi sao xa
Người đi không về. Giờ đang nơi đâu?
Cực lạc non Bồng hay cõi Diêm phù
Đêm trắng trải dài… Mỏi mòn đêm trắng
Canh hai… canh ba… từng canh qua mau
Cho đến một ngày kia… tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ
Hạnh phúc yêu thương… Băng giá mây mù…
Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó
Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.
Võ Hồng (2013)
 
Nhớ Võ Hồng, vừa thương vừa cảm, vừa xót vừa xa. Thấy trôi đi một kiếp nhân sinh phù thế: Ngũ uẩn phù vân không khứ lai/ Tam độc thủy bào hư xuất một… (Chứng đạo ca). Mà mừng ông nay đã vào cõi “tịch diệt vi lạc”!
ĐỖ HỒNG NGỌC
 
(Quán Văn 86, tháng 04.2022 Chân dung Văn Học: Nhà văn Võ Hồng)