nguyễnxuânthiệp
Tranh Phố Phái
Trong
bài có nhắc đến ca khúc của Phú Quang ‘Em Ơi Hà Nội Phố’. Người nhạc sĩ vừa
mới ra đi. Để tưởng niệm người và khi Giáng Sinh sắp về, xin đăng lại bài tản mạn
đã viết năm nào. NXT
Buổi
sáng mùa Đông. Bầu trời Garland một màu xám xịt. Lá rụng đầy đường. Chợt nhớ
màu lá bàng của mái ngói trong tranh Phố Phái. Nhớ cây bàng ở Vương Phủ ngày
nào đầu Đông lá đỏ rụng đầy sân, mẹ và chị Thoa lấy thúng đi nhặt về đun bếp.
Nhớ cây bàng mùa Đông trong nhạc Phú Quang. Và nhớ bài “Nhặt Lá Bàng” của Nhất
Linh. Nhớ lắm. Từ nhiều hôm nay. Cho nên bảo vợ đi tìm (ôi Dung… ) cho bằng được
bài văn của Nhất Linh, do nhà văn tự tay chép với lời đề tặng, trong cuốn lưu
bút của nàng từ những ngày xa xưa thuở còn là cô bé học trò. Nguyễn muốn ghi lại
trang viết đó vì nghĩ “Nhặt Lá Bàng” của Nhất Linh là một áng văn chương hay
vào bậc nhất trong văn học cận đại. Chẳng những hay mà nhiều ý nghĩa nhân sinh.
Chúng ta hãy đọc và lắng nghe tiếng lá bàng rơi trong những trận gió đêm.
“Ở
phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy ra. Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa
bé, vào trạc mười tuổi, đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má, áo nó
rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con
bé ở sau một gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em -tôi đoán là hai chị
em- chạy loăng quăng đuổi những lá bàng gió thổi lăn trên đường.
Một
cơn gió lạnh nổi lên, lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
–
Mau lên chị ơi. Nhặt cả hai tay chị ạ.
–
Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên. Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm
nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ, thằng nỡm.
Tôi
mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thành thạo lắm. Đứa bé không để ý tới lời
chị nó, vừa nhặt vừa reo:
–
Gió lên… Lạy giời gió nữa lên.
Chúng
nó nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt, nhiều khi vì màu áo lẫn với
màu đường, tôi không nom rõ người, chỉ thấy hai cái bóng đen loăng quăng. Chúng
chạy vọt ra xa rồi lại quay vòng trở lại, có khi đang chạy về một phía bỗng
nhiên đứng dừng: một đám lá rơi lỏa toả trên người khiến chúng ngập ngừng bối rối
không biết quay nhặt phía nào.
–
Lạnh quá.
–
Chạy mau lên cho ấm… Thằng nỡm.
Thấy
chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là Nỡm
chăng.
Tôi
tự nhiên thấy vui với chúng và mặc dầu trời rét, tôi cũng như chúng mong mỏi
gió thổi thật mạnh.”
Hay
và cảm động quá phải không các bạn. Chúng ta thấy vui với hai đứa bé nhặt lá
trong đêm đồng thời thương chúng biết bao. Chúng ta cũng thấy yêu và gần gũi với
mùa Đông Hà Nội cùng với màu lá bàng đầy phố. Với kẻ viết những dòng này, những
chiếc lá bàng ấy thật đẹp. Có thể không rực rỡ bằng lá cây maple hay red oak ở
đây, nhưng chúng mạnh mẽ và gần gũi với những kỷ niệm ấu thời của ta hơn bất cứ
thứ gì khác. Và nghĩ tới lá bàng là nghĩ tới mùa Đông Hà Nội. Đây, ta trở về lại
với ca từ bài hát Em ơi, Hà Nội Phố của Phú Quang:
Em
ơi, hà nội phố
Ta
còn em mùi hoàng lan
Ta
còn em mùi hoa sữa
Con
đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai
đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta
còn em cây bàng mồ côi mùa Đông
Ta
còn em nóc phố mồ côi mùa Đông
Mảnh
trăng mồ côi mùa Đông
Mùa
Đông năm ấy
Tiếng
dương cầm trong căn nhà đổ…
Kẻ
này phải mượn ca từ trong bài Em Ơi, Hà Nội Phố của nhạc sĩ Phú Quang để nói
thêm một điều nữa. Đó là âm nhạc. Vâng. Mùa Đông năm ấy / Tiếng dương cầm
trong ngôi nhà đổ. Những điều sắp viết ra đây liên quan tới tiếng đàn dương
cầm của một nhà soạn nhạc, nhạc sĩ Wladyslaw Szpilman trong phim The Pianist
của nhà đạo diễn đầy tài năng và tai tiếng – Roman Polanski. “The Pianist” từng
đoạt 3 Oscar năm 2002 về diễn viên chính xuất sắc nhất (Adrien Brody trong vai
W. Szpilman), đạo diễn xuất sắc nhất và kịch bản phim hay nhất. Cuốn phim kể
chuyện một gia đình ở Warszawa, Ba Lan, bị tan nát vì thảm họa Đức Quốc Xã ở những
năm đầu của thập niên 40. Người nghệ sĩ dương cầm Szpilman đã đi qua tầng đầu địa
ngục: Cha mẹ, anh chị em cùng với vô số người dân vô tội của xứ Ba Lan bị đánh
đập hoặc bắn chết giữa lòng thành phố hoặc bị bức hại trong trại tập trung.
Riêng Szpilman, nhờ may mắn, được đưa vào làm công việc khổ sai trong toán sản
xuất rồi sau đó nhờ đôi vợ chồng nghệ sĩ Ba Lan cứu thoát. Cuốn phim đầy âm
thanh và cuồng nộ với những hình ảnh thảm khốc khiến người xem bàng hoàng đau đớn,
nhiều lúc tim thắt lại đến nghẹn thở. Riêng kẻ này đặc biệt xúc động với những
sequences cuối cùng của cuốn phim, xúc động đến rưng rưng nước mắt. Đây là nét
nhân bản tạo thành giá trị của tác phẩm. Lúc bấy giờ, cả thành phố Warszawa
chìm trong đổ nát, hoang vắng. Szpilman chạy trốn từ ngôi nhà này sang ngôi nhà
khác, đói khát và lạnh cóng cùng với những thương tích tưởng chừng có thể lấy
đi mạng sống của anh bất cứ lúc nào. Anh phải đi sục sạo tìm chút thực phẩm còn
sót lại để cầm hơi. Đau đớn, sợ hãi, cô đơn nhưng Szpilman không quên quá khứ
âm nhạc và tiếng đàn của mình. Thỉnh thoảng, trong những lúc quạnh vắng, tiếng
đàn xưa lại vang lên trong đầu. Thời gian trôi qua, và hạnh phúc cũng tưởng chừng
mất dấu tích. Một hôm đang tìm cách đục một hộp đồ ăn, nhìn lên, Szpilman rụng
rời thấy một viên sĩ quan Đức Quốc Xã đứng trước mặt mình. Viên sĩ quan hỏi anh
làm gì ở đây và biết được Szpilman là nhà soạn nhạc và danh thủ dương cầm lừng
danh của xứ Ba Lan. Là người có học và yêu âm nhạc, nghệ thuật, viên sĩ quan
đưa Szpilman qua một phòng bên, chỉ chiếc dương cầm đầy bụi và những mảnh vỡ, bảo
anh đánh đàn. Ngồi trước chiếc dương cầm như trước người yêu thất tán vừa tìm lại
được, Szpilman xúc động nghẹn ngào. Rồi những âm thanh vang lên trong căn nhà đổ,
vang lên như lửa reo, suối chảy trong khi ngoài trời bông tuyết bay trên gạch
đá của những ngôi nhà mặt trăng. Có vậy sao, trong cảnh địa ngục a tỳ này, còn
có được âm nhạc sao, nghĩa là còn có chút hạnh phúc và hy vọng. Viên sĩ quan của
phía thù địch đứng lặng người nghe tiếng đàn của Szpilman vang lên thánh thót,
có lúc tuôn chảy như đường chim bay, khi ầm ầm như giông tố đi qua bầu trời. Kể
từ bữa đó, viên sĩ quan Đức đầy nhân ái tìm cách tiếp tế thực phẩm cho
Szpilman, giúp anh sống dậy. Rồi Hồng quân Nga tiến vào giải phóng Ba Lan. Binh
lính, sĩ quan Đức trở thành những kẻ bị truy đuổi.
Viên
sĩ quan Đức cùng với các chiến hữu của ông bị bắt nhốt vào một khu tập trung.
Ông nhắn tin cho Szpilman biết. Trong những năm tháng sau đó, khi thành phố
Warszawa và toàn thể Ba Lan được giải phóng, Szpilman cố công đi tìm viên sĩ
quan đầy nhân bản đã cứu mạng sống của mình, và cứu âm nhạc của loài người,
nhưng anh đã hoàn toàn thất vọng. Cuối cùng, những hàng chữ kết thúc tấn bi kịch
có tiếng dương cầm cho biết viên sĩ quan, có tên là Hosenfeld, đã chết trong trại
tù Liên Xô.
Bạn
hiền thơ ấu ơi,
Kết
thúc phim buồn quá, phải không bạn nhỏ? Ôi, mùa Đông năm ấy tiếng dương cầm
trong ngôi nhà đổ. Vâng ít ra, trong cảnh địa ngục ấy còn có tiếng dương cầm,
và trong những giờ phút tuyệt vọng nhất, nghệ thuật cũng đã đem đến cho chúng
ta sự ấm áp và cứu rỗi.
NXT
Cảm Ơn Anh
ReplyDeletehay quá bạn ơi
ReplyDelete