Sunday, September 19, 2021

TÌM NHAU TRÊN TRANG SÁCH

nguyễnxuânthiệp
 


Sách của Nguyễn Trung Dũng và Nguyễn Mạnh Trinh
 
Nguyễn có hai người bạn vừa ra đi: nhà văn Nguyễn Trung Dũng và nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh. Hai bạn ơi, bây giờ nhớ nhau chỉ còn biết tìm trên những trang sách.
 
Nguyễn Trung Dũng là bạn lâu năm, quen nhau từ trong trại tù Thanh Chương. Hồi đó, năm 1979, mình và Tô Thùy Yên cùng nhiều anh em khác được đưa bằng xe molotova từ Bắc Thái về Thanh Chương, Nghệ Tĩnh, nơi đã có một số tù cải tạo ở từ trước. Những ngày đầu ở trại xây bằng đá núi này, cứ khi chiều xuống là vang tiếng chày giã bắp khiến nghĩ đến tiếng chày chiều trên thành Bạch Đế trong bài Thu Hứng của Đỗ Phủ. Số là có những anh em đã rụng gần hết răng phải dùng chày đâm bắp cho nhuyễn với tí muồi hột mới nuốt trôi. Ở trại Thanh Chương thời gian đầu ngày nào mình cũng thấy một anh chàng chân đi cà nhắc cầm chổi quét sân. Hỏi ra mới biết đó là nhà văn Nguyện Trung Dũng từng có tác phẩm xuất bản. Và rồi mình với Nguyễn Trung Dũng quen nhau. Trong trại Thanh Chương thời ấy (tôi gọi là Thành Đá Xanh Thời Trung Cổ) còn có một số nhà thơ, nhạc sĩ nữa: Hà Thượng Nhân, Tô Thùy Yên, Vũ Đức Nghiêm, Chu A Hạnh, Xuân Bích… Anh em kết hợp lại với nhau thành một nhóm, có thêm tay chơi đàn guitar và giọng hát giọng ngâm thơ, kể chuyện… thường tụ lại lúc chiều xuống, ngồi quanh nồi trà, chuyện trò ca hát và đọc thơ cho nhau nghe (phải canh chừng cán bộ đi tuần). Trà thì do Chu A Hạnh hái nhét trong quần áo mang về và Dũng Nhà Bếp lãnh việc sao sấy khô cho anh em nấu uống. Những buổi uống trà này gợi nhiều cảm xúc và mình đã viết bài Trà Oán, sau này được Nguyễn Trung Dũng viết kể lại trong truyện ngắn Khách Viếng Chùa Dưới Trăng Đọc Trà Oán. Thời gian đó, Hà Thượng Nhân viết bài Chiều Long Giao, Tô Thùy Yên viết Tàu Đêm và Mùa Hạn. Nguyễn có Thảo Nguyên, Ánh Trăng, Mưa Ở Đây Như MƯa Ở Quê Nhà, Chiều Bên Sông Giăng,,, được anh em chuyền tay nhau đọc.
 
Thời gian rồi trôi qua… Những tháng ngày ở Thanh Chương gian khổ nhọc nhằn nhưng anh em có nhau bên chén trà, câu ca, bài thơ… nên cũng được an ủi. Tới năm 1980 thì chuyển trại. Anh em lại được xe molotova chở ra Ngã Ba Đồng Lộc đưa tới ga xe lửa xuôi Nam. Đêm ngủ trên những vồng khoai lang ở Đền Cuông, Nghệ An. Sáng sớm hôm sau lên tàu, hai người chung một còng. Khi tàu ngừng ở những ga xép dọc đường, đồng bào buôn bán hai bên vẫy tay nước mắt lưng tròng. Những củ khoai, khúc sắn, gói xôi… được quẳng lên tàu cho anh em. Ôi tình nghĩa ngày xưa vẫn mặn nồng.
Xe lửa ngừng ở Ga Hàm Tân. Anh em được đưa về trại Z30C. Tại đây mình lại gặp Tô Thùy Yên, Hà Thượng Nhân và cả Nguyễn Trung Dũng. Tình cờ mình ở chung lán với Dũng. Hai người nằm cạnh nhau, lại có dịp chuyện trò, đọc thơ… Chiều xuống, mình nấu một gô (lon guigoz) trà mang vào lán hai người cùng uống. Và Nguyễn đọc thơ mình cho Dũng nghe. Trong đêm thao thức vì trà vì thơ, nằm một mình Nguyễn lại nghiền ngẫm Ánh Trăng, Thảo Nguyên, Chiều Bên Sông Giăng… Nhờ vậy mà còn nhớ để sau này về chép lại.
 
Và rồi Nguyễn và Dũng ra trại cùng ngày. Đó là vào năm 1982. Dũng về nhà ở Ngã Tư Bảy Hiền còn mình về Thanh Đa. Về Sài Gòn, hai người lại gặp nhau. Ở trên lầu nhà Dũng dưới cây bông sứ nở hoa. Hoặc nơi một góc quán bia nào đó có cả Dương Nghiễm Mậu bạn chung của hai người. Có khi ở nhà Hà Thượng Nhân trước Nhà Thờ Ba Chuông. Một hai khi ngồi với nhau bên ly cà phê phin dưới bóng cây ngọc lan ở quán cà phê đằng sau rạp Cao Đồng Hưng nơi Thanh Tâm Tuyền thường ngồi. Một nơi nữa còn in trong trí nhớ mình là ở thềm ga xe lửa cũ, trên đường Lê Lai. Vào những buổi chiều bơ vơ mình thường hẹn Dũng tới đây. Thềm ga này vào những ngày ấy thường bày ra những cảnh đời xơ xác, âm dương chập choạng. Một hai người làm nghề tẩm quất. Anh chàng nhà thơ lỡ vận bán quần áo cũ kèm theo ít cuốn sách xưa. Đặc biệt nơi đây có một cô từ đâu ngoài Bắc vào ngồi bán trà bụi và thuốc lào. Nguyễn và Dũng, đôi khi có thêm Nguyễn Minh Diễm bạn xưa, tới đây là tới với cô bán trà này. Một chén trà đậm một bi thuốc lào cũng đủ ngất say quên đi thực tại chung quanh.
 
Và rồi qua Mỹ, Dũng trước mình sau. Lại gặp nhau ở San Jose trong căn apartment của Dũng hay tại nhà ông Hà, nhà Hải Phương. Bên chén rượu, ly trà, tách cà phê lưu xứ. Dũng làm nghề đi phát flyers, nhân thể phát giùm báo cho bạn bè. Và viết truyện, ra sách. Như một cái nợ phải trả cho đời. Rồi vợ mình ra đi, vợ Dũng cũng ra đi. Những năm sau này Dũng lâm trọng bệnh, còn mình do không còn khỏe như xưa và thân đơn mà đường sá lại xa xôi nên không tới được San Jose như ngày nào để gặp bạn bè.
Rồi bạn văn lần lượt ra đi: Hà Thượng Nhân, Nguyễn Xuân Hoàng, Vũ Đức Nghiêm, Hoàng Ngọc BIên… Năm rồi lại được tin Nguyễn Trung Dũng bị ung thư, bác sĩ cho về chờ ngày. Mình gọi điện cho Dũng và được biết Dũng yếu lắm rồi nhưng còn cố gắng hoàn thành tác phẩm dở dang. Và sau đó, cuối tháng 12, Dũng gởi sách tặng mình. Rồi bỗng một hôm cách nay hai ba tháng, Huy Phương gọi điện báo cho biết Nguyễn Trung Dũng đã chết. Lòng mình đau quặn thắt. Đi rồi sao ông Dũng. Còn đâu sách vở gió bụi một thời. Tôi muốn khóc mà nước mắt nghẹn. Thôi thì đành an ủi: Bạn hãy cứ như con dế trong bài văn thuở nào bay vào ánh trăng miên viễn.
 
Still-life-with-flowers-and-books
Karl-Isakson-Oil-Painting
 
Với Nguyễn Mạnh Trinh, tình bạn cũng đã nhiều năm nhưng không nhớ là bắt đầu quen nhau ở đâu, tại tòa soạn báo Văn Học nhà Nguyễn Mộng Giác hay ở quán cà phê Factory nơi anh em thường gặp. Qua chuyện trò và thơ văn hai người hiểu nhau. Mình biết thời chiến tranh Nguyễn Mạnh Trinh ở trong không quân trú đóng tại thành phố Pleiku. Điều này càng khiến mình thêm thân thiết với bạn. Tiếc rằng thời đó mình và Nguyễn Mạnh Trinh không được hội ngộ cùng nhau bên tách cà phê để có thêm kỷ niệm. Sau này khi đã ở Mỹ đọc bài thơ Pleiku, Tháng Ba 1974 của mình, Nguyễn Mạnh Trinh đã viết những dòng tinh tế và cảm động:
   “Chiến tranh lại rõ nét hơn với nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Bài “Pleiku, tháng ba 1974”. Ba mươi năm trôi qua, nhưng ngày tháng đó vẫn còn sinh động. Thơ, không ghi chép lại nhật ký ngày tháng mà sao đầy dấu viết của một quãng đời. Ngày ấy, lửa cháy đỏ. Ngày ấy, là ngày thành phố cao nguyên quặn mình rồi gục ngã.
   “Người thi sĩ kể chuyện một mình. Đâu cần ai hiểu, chỉ để nỗi niềm loang vào sương đêm thành nỗi nhớ mịt mùng.
“cầm bút viết, tháng ba rực cháy / hàng dầu cao trong bình minh / cơn sốt của trái chín và cánh đồng / trận gió hung trưa ngày ấy / cầm bút viết, đồi hoa quỳ vàng / tháng ba xuống khu rừng. bóng quạ / rung những nhánh cây màu tàn lửa / tiếng thét hư không. Chiều rượt qua ngàn…”
     Tháng 3 năm 1974, báo hiệu thời điểm cao nguyên di tản và là một nỗi kinh hoàng còn ám ảnh mãi đến bây giờ. Nguyễn Mạnh Trinh viết tiếp:
      “Nhà thơ hình như đã mang cả tâm tình của một người yêu Peiku vào thơ qua những hình ảnh thật là đặc biệt.
     Những hình ảnh đan vào nhau với những liên tưởng tiếp nối. Ảnh tượng có khi như không liên quan nhau, chỉ là những nét phác sơ lược nhưng lại làm nổi bật được một không gian đầy biến động. Đồi hoa quỳ vàng, khu rừng, bóng quạ, nhánh cây màu tàn lửa, tất cả như chìm đắm trong nỗi bàng hoàng của thế thời. Cơn bão lửa dậy lên từ hoang vu:
“tháng ba, chân trời chớp tía / những chuyến xe lên đường, cơn mưa chợt đến / rào qua mái nhà, bàng hoàng. mưa ngưng bặt / đêm. những căn nhà gỗ sáng đèn / Tháng ba. trên đồi vông nở / tôi trở về thị trấn tháng ba / những sợi dây trời cắt đau trí nhớ / Cườm tay em. rỏ máu. hè xưa…”
     Thơ như của lời chia biệt, như người đánh mất tất cả. Pleiku cũng như cả nước phải khoác khăn tang. Nhà Thơ Nguyễn Xuân Thiệp như đã viết lời trăn trối của một thành phố miền cao đầy lãng mạn dễ thương. Xa rồi những ngày thơ mộng. Gần lắm rồi những nỗi kinh hoàng. Cái linh cảm của một cuộc địa chấn là cái linh cảm chung của những người như những con chuột đang cuống cuồng trong rọ. Thị trấn sẽ thành biển lửa, nay mai. Sẽ đầy những cuộc chia ly đầy nước mắt. Thảm họa sụp xuống, như cơn hồng thủy đến.
“… vò nát chiếc khăn và đừng khóc / chiều nay. chớp bể mưa nguồn / chia tay nhau. sương phụ / người đi. râu bám bụi đường / tháng ba. em. những căn nhà gỗ / ánh đèn khuya. vệt máu hè xưa / đừng tiếc. chiếc khăn tay ngày ấy / sẽ bay trong lửa hoàng hôn / tháng ba. cơn giông rền mặt đất.”
     Đọc xong bài thơ, tôi như ngươì hụt hơi. Đời sống, như một hơi khói nhẹ, loãng bay vào hư không. Tự nhiên, thấy lòng mình chùng xuống những kỷ niệm. Những bài thơ. Thuở đã xa. Ngày còn trẻ. Và hoa quỳ vàng, cái màu vàng loang sắc nắng của buổi nào, bây giờ có còn vương trên núi đồi không? Cái sắc màu hỏa hoàng trong những buổi chiều nhạt nắng ấy sao nhức nhối ký ức…”
 
Như ta vừa thấy. Bài viết đẫm chất thơ. Điều này dễ hiểu, Nguyễn Mạnh Trinh vốn là nhà thơ. Nhà báo Mặc Lâm cũng ghi nhận: Trong bốn thập niên, Nguyễn Mạnh Trinh ban đầu xuất hiện trong giới văn chương là một nhà thơ, dần dần ông chuyển sang biên khảo và trở thành một trong những nhà bình luận văn thơ viết khỏe nhất tại hải ngoại…
Như vậy, Nguyễn Mạnh Trinh khởi đầu là người làm thơ. Từ yêu mến thơ văn, Trinh bước vào con đường viết về văn học. Nguyễn rất yêu thích những bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh. Và nghĩ rằng sau này sẽ còn nhiều người tìm đọc.
 
Trở lại tình bạn của Nguyễn và Nguyễn Mạnh Trinh. Tình bạn đó được đánh dấu bằng những lần gặp gỡ trò chuyện ở đâu đó trong những tháng ngày qua. Và nó được ghi bằng mấy bài Nguyễn Mạnh Trinh viết về thơ và tùy bút của mình. Nó vẫn còn trong video clip ghi cuộc nói chuyện giữa mình với Nguyễn Mạnh Trinh và cô Nhã Lan trên Radio Little Sài Gòn năm nào. Bây giờ nhớ lại không khỏi lấy làm tiếc là mối giao tình sao không có thêm những lần hội ngộ. Còn nhớ cách đây vài năm khi qua chơi Cali mình có gọi cho Nguyễn Mạnh Trinh hẹn gặp ở cà phê Factory nhưng rồi không thực hiện được.
 
Một buổi chiều chớm thu, ngồi tưởng nhớ bạn lòng vẫn thấy xót xa. Cái tin Nguyễn Mạnh Trinh qua đời khiến mình bị shocked cũng như Kiều Chinh, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Bá Trạc, Đỗ Kh… Không ngờ bạn sớm bỏ cõi thơ văn đi về nơi mây trắng. Thôi hãy yên nghỉ nghe Trinh.
Tháng 9. 2021
NXT 

No comments:

Post a Comment