Cam
Li Nguyễn Thi Mỹ Thanh
1
Em
mở mắt ra. Trong đêm tối, nghe có tiếng khua nhè nhẹ bên ngoài. Nhận ra là mẹ
em ở đó, em khe khẽ đi ra. Em hỏi:
“Đã
khuya quá rồi, sao Mẹ không ngủ?”
Mẹ
em nói:
“Mẹ
chờ tin Bà Ngoại.”
“Bà
Ngoại sao hở Mẹ?”
“Bà
ngoại nguy lắm rồi con ạ! Bệnh viện mới báo về.”
“Rồi
làm sao hở Mẹ?”
Mẹ
lắc đầu:
“Không
biết làm sao. Từ lúc Bà Ngoại “cách ly” rồi vào bệnh viện, mình không được gặp.”
Em
không dám hỏi nữa, yên lặng ngồi bên Mẹ, cùng chờ đợi với Mẹ. Đã hơn bốn tháng ở
trong nhà, ý nghĩa hai chữ “cách ly” hầu như ai cũng thấm thía. Rồi từ khi Bà
Ngoại được đưa vào bệnh viện, mấy mẹ con chỉ “gặp” Bà qua điện thoại. Có khi Bà
Ngoại nói chuyện được, Bà gắng gượng vui vẻ. Bà còn dặn dò việc nhà phải làm
cho đàng hoàng. Chẳng là Bà đã quán xuyến hầu hết công việc trong nhà để Ba Mẹ
yên tâm đi làm. Tám mươi tuổi, trông Bà còn nhanh nhẹn, sáng suốt lắm. Vậy mà dịch
bệnh đã tấn công Bà trước nhất. Ba đi làm ở tỉnh xa, giãn cách, Ba không về nhà
được. Mẹ nói thôi để Mẹ lo cho gia đình, Ba hãy khoan về.
Hai
mẹ con ngồi một lát, Mẹ bảo em vào ngủ. Ngày mai không đi học, cũng như những
ngày khác, em không được đến trường. Em lấy đó làm cái cớ để ngồi nán lại với Mẹ.
Một lát, em cảm thấy như mình ngủ gật ngủ gà. Nhìn qua, thấy Mẹ em vẫn trao
tráo mắt.
Rồi
thì tiếng chuông điện thoại reo lên, hai mẹ con giật mình. Mẹ nghe điện thoại,
và rú lên. Bệnh viện báo Bà Ngoại của em đã không qua khỏi. Hai mẹ con ôm nhau
khóc. Cái cột trụ để tựa nương của nhà
em đã mất!
Bà
Ngoại đã tám mươi tuổi. Như em đọc trong sách báo, đến tuổi này thì được kể là
“thọ” rồi. Nhưng Bà Ngoại mất ở thời này, không “thọ” chút nào, không bình thường
chút nào. Không bình thường bởi vì không ai được ở bên Bà, trừ bác sĩ và y tá.
Không bình thường bởi vì Mẹ em và em chỉ làm mỗi một việc là chờ đợi. Không có
đám tang, không có người đến phúng viếng như em thường thấy các đám tang trong
khu xóm nhà em trước đây, hoặc xem trong sách báo, phim ảnh, truyền hình.
Rồi
đến một hôm, Mẹ em khóc ngất nhận một hũ sành từ một người không quen. Mẹ nói
hũ sành đựng tro cốt. Và đó là những gì còn lại của Bà Ngoại em.
2
Mẹ
dạy em xếp một chiếc lồng đèn bằng giấy bông, loại dùng để gói quà, đặt lên bàn
thờ Bà Ngoại. Chiếc lồng đèn bé bằng cái tô, nhưng vẫn có thể thắp một cây nến
nhỏ trong ấy. Bà Ngoại trong bức ảnh, nét mặt vui tươi. Bà chụp hình này lúc
chưa biết đến tên cái bệnh dịch quái ác mà cả thế giới đang đương đầu. Lúc nào
Bà cũng như đang cười. Em nhớ những câu chuyện Bà hay kể, kể hoài không chán.
Mà em nghe cũng không chán, nghe đến thuộc lòng. Yêu nhất là câu chuyện Chú Cuội
Cây Đa. Bà bảo hãy gọi Chú Cuội, đừng gọi Thằng Cuội, nghe không hay. Trẻ con
Việt Nam nào ít nhiều cũng biết câu chuyện này. Em thì mê nhất là lúc Chú Cuội
rình thấy cọp mẹ nhai nắm lá đắp vào vết thương cho cọp con, thế là cọp con
lành ngay. Chẳng là em muốn lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh, hay dược sĩ chế thuốc,
nên em chú ý nhiều đến điểm này. Chuyện đời xưa hay quá, hay ở chỗ người ta
không sợ bệnh. Hễ bệnh thì có cây đa của Chú Cuội như trong chuyện này. Còn thì
có nào là thuốc tiên, nào là ông tiên, bà tiên chữa bệnh cho. Ôi, sao mà em mơ
có một thế giới như vậy! Hễ ai sống hiền thì sẽ gặp lành, như một công thức
không thay đổi. Còn trong cuộc đời thực, em thấy ai cũng có thể gặp chuyện chẳng
lành. Em ngẫm nghĩ hoài, rồi thấy nếu em cứ như vậy, em sẽ lý sự như một bà cụ
non. Nhưng không nghĩ không được. Em thương Bà Ngoại của em quá! Bà hiền lành,
nhân hậu lắm mà! Sao Bà lại bị biến mất lạ kỳ như vậy? Em thương Mẹ em thờ thẫn
suốt ngày, mà em đoán chắc trong lòng Mẹ thì đau điếng.
Em
biết Trung Thu sắp đến, qua xem lịch hàng ngày. Có một vài chương trình trên
ti-vi nhắc đến Tết Trung Thu, nhưng em thấy nhạt nhẽo, gắng gượng quá! “Tết
Trung Thu rước đèn đi chơi.” (1) Ồ không, tụi con nít chúng em không được ra đường!
Người lớn như Mẹ thì quá lắm đi mua thức ăn, đi mua thuốc. Em xem tin, thấy người
ta cũng làm bánh để bán ăn Tết Trung Thu. Nhưng Mẹ em đã làm một chiếc bánh nướng
theo cách của Mẹ, để cúng Bà Ngoại. Em thì muốn thắp đèn cầy thật nhiều, đặt
lên bậu cửa sổ để cho Bà Ngoại cũng thấy, cùng vui với hai mẹ con.
Khu
xóm nhà em vắng vẻ từ mấy tháng nay. Bình thường có khi Bà Ngoại than sao tụi
nhỏ nô đùa la lớn làm Bà nhức óc. Bây giờ một tiếng cười cũng không có. Thỉnh
thoảng có tiếng xe gắn máy, là do người ta phải đi ra đường khi thật cần thiết,
cũng nghe vui vui một chút. Sài Gòn của em đã vắng đi rất nhiều. Mẹ nói người
ta ra đi, về quê, vì Sài Gòn dịch bệnh lan tràn. Sài Gòn, nơi đón người đến và
tiễn người đi. Không có việc để làm, không có tiền trả tiền nhà trọ, thậm chí bị
đói, người ta phải đi thôi! Nói rằng họ bỏ đi cũng rất tội. Đâu ai muốn bỏ Sài
Gòn mà đi! Em thấy thương họ. Em thấy thương Sài Gòn của em lắm!
3
“Bà
Ngoại là một kho chuyện cổ tích, con ạ!”
“Dạ,
con nhớ lắm! Chuyện Bà Ngoại kể… không thể quên được.”
“Ừ,
Bà Ngoại sống trong thế giới chuyện cổ tích. Bà Ngoại rất đơn thuần. Tới thế hệ
của Mẹ, được học hành nhiều hơn, nhìn thế giới rộng mở hơn, ước mơ cũng khác
nhiều.”
Mẹ
em đem hình của Bà Ngoại ra xem, ngồi lặng yên, nước mắt rưng rưng. Em muốn Mẹ
nguôi bớt, nên kiếm chuyện khác để bàn với Mẹ.
“Mẹ
mơ ước gì hở Mẹ?”
“Mẹ
từng mơ mình được lên mặt trăng, nhưng không phải vì muốn gặp Chú Cuội, Chị Hằng.
Mà vì mẹ thấy các vị phi hành gia giỏi quá. Họ thay mặt cho cả thế giới, đến được
vùng đất thần tiên trong cổ tích. Họ biến ước mơ thành sự thật. Mẹ thích khoa học,
con à!”
Em
cảm động quá! Mẹ nói như đang viết văn hay đang giảng bài. Mẹ của em là một nhà
giáo ấy mà!
Mẹ
nói tiếp:
“Khoa
học có thể giải thích những gì bí hiểm nhất. Ngay cả với bệnh tật, khoa học
cũng làm sáng tỏ nguồn gốc, nguyên nhân và cách giải quyết. Với cái con virus
này cũng vậy…”
Em
tưởng mình có thể “dẫn” Mẹ ra xa một chút, nhưng Mẹ đã đưa em về thực tại.
“Vậy
tại sao con người giống như đang chịu thua con virus này hở Mẹ?”
Mẹ
lắc đầu:
“Con
người không chịu thua. Con người hiểu rất nhiều về nó, đang chống lại nó. Nhưng
nó đang biến chủng. Con người cứ bị nó dẫn trước trong cuộc chạy này.”
“Nếu
nước mình có vaccine sớm thì nhiều người đâu có chết ha Mẹ!”
“Phải,
và Bà Ngoại đâu có chết. Bà Ngoại còn sống với mình nhiều năm nữa, đến cả trăm
tuổi…”
“Vậy
còn có những nước có vaccine sớm nhưng vẫn chưa diệt nổi dịch bệnh thì sao hở Mẹ,
như nước Mỹ?”
Mẹ
thở dài:
“Có
những nơi dư thừa vaccine nhưng có những người quay lưng, không muốn chích, vì
hoài nghi, vì không tin vào khoa học, con ạ!”
Em
nghe khó chịu trong mắt. Hình như có một nỗi tức giận đang ùa đến.
Tới
lượt Mẹ dẫn em đi qua chuyện khác. Mẹ cùng em mở máy computer xem lại những bước
chân của các vị phi hành gia đặt lên mặt trăng lần đầu tiên, năm 1969. Chuyến
bay của phi thuyền Apollo 11 lừng danh. Em hào hứng hỏi Mẹ từng chi tiết. Mẹ
quên buồn, kể em nghe về những phút giây cảm động, mọi người ngồi dán mắt lên
màn hình ti-vi, say sưa như thể mình đang được sống trên quê hương của Chú Cuội,
Chị Hằng.
4
“Trên
một ngàn năm trăm học sinh phổ thông rơi vào cảnh mồ côi do cha mẹ mất vì dịch
COVID-19, chỉ riêng ở Sài Gòn.”
Đọc
bản tin, em lạnh cả người. Em nghĩ con số này sẽ còn tăng lên nữa, khi mà dịch
bệnh chưa bị đánh bại. Tự nhiên em muốn cầu xin các đấng thiêng liêng cứu vớt
con người. Tuổi nhỏ của em không mộng mơ như Mẹ ngày trước. Em không mơ lên mặt
trăng. Em chỉ mơ, ngay bây giờ đây, có được một bầu không khí trong lành để thở,
có được lớp học với đông đủ thầy cô, bạn bè, dạy và học với nhau trong không
gian thực, không qua ipad, cell phone; hay phải giam mình lặng lẽ nhớ lớp, nhớ
trường vì không có phương tiện. Em chỉ mơ khu xóm nhà em rộn vui tiếng trẻ con
nô đùa, tiếng xe chạy qua lại rộn ràng. Em chỉ mơ thành phố bừng lên sau giấc
ngủ dài, người người hớn hở mua bán xôn xao.
Em
nhìn lên trăng qua khung cửa sổ. Đêm nay trăng đã tròn. Trăng chiếu vào nơi Bà
Ngoại ngồi. Em thấy nhớ Bà Ngoại quá! Chú Cuội, Chị Hằng đi vắng rồi! Chỉ còn vầng
trăng trải một màu thương nhớ.
Bỗng
em nghe tiếng Mẹ thì thầm. Em lắng nghe. Mẹ ở trong phòng. Mẹ đang nói chuyện
điện thoại với Ba. Tiếng của Mẹ nghe khác lạ.
“Có
gì thì anh về nhé!”
Không
nghe Ba nói gì bên kia đường dây. Em nghe Mẹ nói tiếp:
“Chỉ
là xét nghiệm dương tính thôi. Em sẽ cố gắng tự cách ly. Con mình cũng hiểu biết
lắm, anh đừng lo nhiều. Em đã có một mũi vaccine trong người. Mình sẽ vượt
qua.”
CAM
LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
Mùa
Trung Thu 2021
(1):
Rước Đèn Tháng Tám, tác giả: Nhạc sĩ Vân Thanh (Đức Quỳnh)
Nice Blog Sir
ReplyDelete