Trịnh Y Thư
Nhã Ca. Sinh nhật 80 tuổi.
Nhà
văn Nhã Ca vừa bước vào tuổi 80, cái tuổi mà hầu hết từ lâu đã đi tìm thú vui
an nhàn cho những ngày còn lại đời người. Nhưng với nhà văn thì bà vẫn tiếp tục
sinh hoạt với văn chương, báo chí, như những gì bà đã từng làm suốt hơn 60 năm
qua từ trong nước ra đến hải ngoại. Bà là tác giả nhiều bộ tiểu thuyết giá trị,
có bộ được dịch sang Anh ngữ, như cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, được giáo sư sử học,
Tiến sĩ Olga Dror thuộc Đại học A&M, Texas, chuyển ngữ với nhan đề Mourning
Headband for Huế.
Tôi
hân hạnh được bà tiếp chuyện tại tòa soạn Việt Báo một ngày cuối thu 2019 để biết
thêm đôi điều về một nhà văn sống gần như trọn đời cho văn chương, và dưới đây
là nội dung buổi nói chuyện:
Trịnh
Y Thư (TYT): Xin chị cho biết cảm tưởng của
một người bước vào tuổi 80.
Nhã
Ca (NC): Cám ơn Trịnh Y Thư của Văn Học với câu hỏi dễ với một người viết đương
thời mà khó cho một bà già 80 tuổi, nay nhớ mai quên...
Vui
buồn do tâm sinh, nên tôi chọn vui. Với tuổi 80, mỗi sáng thức dậy thấy còn nụ
cười là hạnh phúc. Cảm thấy mình giàu có, hưởng được gia tài lớn là người bạn đời
và các con thân yêu cùng bao bạn bè tử tế. Biết buông bỏ, biết nhìn lại mình và
biết ơn nghĩa chúng sinh.
TYT:
Chị sinh hoạt trong môi trường văn chương
từ trong nước ra đến hải ngoại suốt mấy chục năm qua với hàng chục đầu sách đã
xuất bản. Chuyện văn chương thì chắc là vô số kể, nhưng xin hỏi, cái gì làm chị
mãn nguyện nhất, và cái gì làm chị thất vọng nhất?
NC:
Vui nhiều thì buồn nhiều. Vui ít thì buồn ít. Không vui thì không buồn. Tôi chọn
vui ít để buồn ít. Nên trong cuộc sống hay trong sách vở, không có gì đáng để
thỏa mãn mà cũng không có gì đáng để thất vọng.
TYT:
Cùng với Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ,
Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, chị được xem là một trong năm nhà văn nữ nổi bật
nhất của văn học miền Nam giai đoạn 54-75. Trong mắt nhìn của chị thì văn
chương phái nữ có gì nổi bật, đáng nói, và trở ngại lớn nhất cho người viết văn
phái nữ là gì? Có sự phân biệt giới tính trong văn chương Việt Nam hay không?
NC:
Các nhà văn nữ cùng thời với tôi như anh vừa nêu tên, đã viết và đã sống hết
mình với văn chương chữ nghĩa, mỗi chị có một cách nhìn, cách viết khác nhau.
Chữ nghĩa không có giới tính. Đâu phải nhà văn mới có trở ngại trong cuộc sống.
Theo tôi, các nhà văn nữ, một tay viết văn, một tay nuôi con và vẫn quán xuyến
việc nhà rất giỏi.
TYT:
Cuốn tiểu thuyết Phượng Hoàng do Văn Học
Press mới tái bản năm 2019 này, chị có thể nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết đó?
Tại sao lại tái bản một cuốn sách đã được viết cách đây trên dưới 60 năm?
NC:
Có lẽ anh Trịnh Y Thư phải giới thiệu lời viết của tôi ở cuối cuốn sách lý do tại
sao tôi để Văn Học in lại cuốn Phượng Hoàng. Cuốn sách viết đã trên dưới 60
năm. Đó là chuyện của bạn, của tôi, của mọi cô gái với những mộng mơ, thơ mộng,
lãng mạn, ngông nghênh và kiêu ngạo thời mới lớn...
TYT:
Dự định tương lai của chị là gì? Chị nghĩ
mình sẽ làm gì sau tuổi 80?
NC:
Tôi rất hiểu câu “Vô thường đến trước ngày mai”, nên tôi chẳng còn dự tính gì nữa.
Tuy nhiên tôi sẽ làm việc nhẹ nhàng, viết, làm thơ nếu còn sức khỏe.
Sau
80 tuổi, như câu thơ của Trần Dạ Từ:
Vẫn nắng vàng dù buổi
chiều của đời...
Vâng,
buổi chiều của chúng tôi.
TYT:
Xin cảm ơn nhà văn Nhã Ca.
No comments:
Post a Comment