Trịnh
Y Thư
Nhà văn Lại Thanh Hà
Trịnh Y Thư: Trong cuốn tiểu thuyết
Butterfly Yellow/ Bướm Vàng, chị thuật
một câu chuyện buồn bằng một ngôn ngữ có tính hài, chủ ý của chị ở đây là gì?
Nó có liên quan gì đến tính cách trái ngược đến buồn cười của hai nhân vật
chính, Hằng và LeeRoy?
Lại Thanhhà: Xin cảm ơn anh đã hỏi một câu hỏi sâu sắc. Tôi luôn luôn tìm cách hòa
nhập tính hài vào những câu chuyện buồn thảm về những con người Việt Nam tị nạn.
Tính hài mở ra cánh cửa sau, một phương cách êm ái hơn để tiếp cận những cảnh
huống thật sự bi thảm. Và cuốn tiểu thuyết Butterfly Yellow/ Bướm Vàng là một
câu chuyện về sự hàn gắn và phục sinh, không hẳn chỉ là những điều khiếp hãi của
chuyến vượt biên trên biển của Hằng. Tôi muốn cho người đọc thấy rằng, một cô
gái vượt biên tị nạn vẫn có thể trải nghiệm những giây phút nhẹ nhàng, vui
tươi, cũng như một anh chàng tập tễnh làm cao-bồi cũng có lúc suy tư, trầm lắng.
Đôi bạn ấy xem có vẻ chẳng giống nhau tí nào nhưng lại biết đỡ đần nhau, điều
đó nhắc nhở chúng ta rằng đời sống luôn luôn chuyển biến – niềm vui giữa cơn hỗn
loạn, và bạo hành giữa một môi trường tưởng là an toàn.
Trịnh Y Thư: Cuốn tiểu thuyết này
của chị chẳng những được giới phê bình văn học Mỹ hết lời ca ngợi, mà còn được
độc giả Việt nhiệt tình đón nhận. Phản ứng của chị ra sao trước sự kiện hiếm
hoi nhưng rất vui này?
Lại Thanhhà: Tôi rất vui. Tôi đã viết lách một mình và vô phương hướng suốt 20 năm
trời, bởi thế, tôi đã vô cùng sung sướng khi cuối cùng có độc giả đọc sách của
tôi. Tôi đã nhắm tới độc giả người Việt khi viết cuốn tiểu thuyết Butterfly
Yellow/ Bướm Vàng, bởi vì tiếng Anh của Hằng được phiên âm thành tiếng Việt. Đó
là cách tôi tự học phát âm tiếng Anh. Dĩ nhiên, chẳng ai hiểu tôi muốn nói gì.
Tính hài cũng nằm ở đó đối với những ai hiểu tiếng Việt.
Trịnh Y Thư: Vâng, chính xác.
Lúc đọc, tôi không giấu được nụ cười thích thú, nhất là những câu tiếng Anh của
Hằng được phiên âm thành tiếng Việt…
Cuốn
tiểu thuyết của chị không trực tiếp nhắc về cuộc chiến, nhưng nó nâng cao ý thức
về những thảm cảnh hậu chiến, về những đau khổ và bất hạnh mà người dân Việt phải
gánh chịu sau khi chiến tranh chấm dứt. Theo chị thì tiểu thuyết, như một hình
thức nghệ thuật, có thể nói lên những điều này tốt hơn là một cuốn sách sử học,
một cuốn hồi ký, hay những sách thể loại tương tự?
Lại Thanhhà: Tôi luôn luôn cảm thấy gắn bó với tiểu thuyết lịch sử nhiều hơn là loại
sách sử học. Trong tư cách một người đọc, tôi muốn tìm tòi những điều sâu xa
hơn một sự kiện lịch sử, tôi muốn sử dụng giác quan mình để ngửi, nhìn, sờ mó,
nếm tất cả những gì các nhân vật trải nghiệm trực tiếp. Thí dụ, thời gian tôi
làm phóng viên cho tờ Orange County Register, tôi từng gặp những người có cùng
cảnh ngộ với Hằng. Nhưng báo chí không thể là một thể loại đúng đắn để thuật
câu chuyện của cô Hằng bởi vì nó lột trần một khuôn mặt thật, một cái tên thật
về một câu chuyện riêng tư cực kỳ thương tâm và đau đớn. Thêm nữa, báo chí (hay
sách sử học) không cho phép tôi sống bên trong tâm trí cô gái, nó không giúp
tôi làm thế nào cho độc giả thấy cô gái đã chiến đấu mãnh liệt với chính ký ức
cô như thế nào. Để thể hiện điều mong ước, tôi phải sử dụng thể loại hư cấu. Và
tôi đã mất 30 năm, cuối cùng cô gái hiện ra trên trang sách.
Trịnh Y Thư: Chị viết văn do những
cảm xúc hay xung lực nội tại thúc đẩy hay vì chị muốn nói về thân phận con người
mà chị chứng kiến, nói chung?
Lại Thanhhà: Tôi mở to đôi mắt nhìn vào tất cả những bi hài kịch trong thế giới này
và ghi khắc chúng vào tâm khảm. Nhưng tôi làm gì với những quan sát, những cảm
xúc nội tại đó? Tôi chuyển hóa chúng thành những câu chuyện với những nhân vật
mà độc giả có thể cảm nhận dễ dàng.
Trịnh Y Thư: Được một nhà xuất bản
lớn như nhà HarperCollins in sách, điều đó chẳng tầm thường tí nào, một ước mơ
của không ít người. Chị có lời khuyên gì cho những nhà văn trẻ đang tìm nguồn hứng
khởi cho sự nghiệp văn chương của mình không?
Lại Thanhhà: Hãy kiên nhẫn và tốt lành với ý tưởng và chữ nghĩa của bạn. Viết là ngồi
một mình hàng giờ vật lộn với cái vô minh. Sách bạn sẽ được xuất bản? Bạn sẽ có
độc giả? Bạn sẽ có tiền trả tiền thuê nhà? Tôi từng làm hầu bàn phục vụ trong
tiệm ăn, từng ngồi đọc và sửa bản thảo ca đêm, từng đi gõ cửa từng nhà một để
quyên tiền giúp bảo vệ môi trường.
Trong lúc viết văn, bạn
hãy tìm cho mình một công việc gì mà nó không lấy đi hết của mình các tế bào óc
và sức lực. Hãy sinh sống và sinh hoạt trong một cộng đồng mà trong đó bạn và
các bằng hữu có cùng một đam mê hỗ trợ lẫn nhau. Hãy ghi tên theo học những lớp
dạy viết văn để thử chữ nghĩa của bạn với đời. Và hãy đọc sách, đọc thật nhiều.
Hãy chú ý đến những gì đã có ngoài kia và tìm hiểu làm thế nào bạn có thể đóng
góp dấu ấn của bạn vào đấy. Tất cả những điều này đòi hỏi thời gian nhiều năm
tháng đầu tư, nhưng cũng tốt thôi. Chẳng bao giờ nghe có kẻ sách được xuất bản
ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng bạn cũng nên biết là sau khi cuốn tiểu
thuyết được xuất bản, nhà văn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu với một trang giấy trắng.
Bạn cũng thế. Không ai bảo đảm được điều gì, nhưng bất cứ điều gì cũng có thể xảy
ra. Tôi đang bắt rễ cho bạn đây.
Trịnh Y Thư: Xin cảm ơn chị nhà
văn Lại Thanhhà.
Lại Thanhhà: Cảm ơn anh Trịnh Y Thư rất nhiều.
TYT
No comments:
Post a Comment