Thursday, November 8, 2018

ĐỌC ‘THƠ NGẮN ĐỖ NGHÊ’


Tô Thẩm Huy

 


Thơ Ngắn Đỗ Nghê là những bài thơ ngắn mà không ngắn chút nào.  Mời đọc một bài.  Lưỡng ngôn, tam cú.  Cả bài thơ vỏn vẹn sáu chữ, tựa đề: Trái Đất.

Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày…

Sáu chữ.  Thinh không bỗng vang vọng lời kinh Bát Nhã:

Sắc bất dị không, không tức thị sắc.  Thọ tưởng hành thức, thảy đều như thế…

Ngân nga lời đồng vọng:

Sáng bất dị đêm.  Ngày tức thị tối.  Viên bi vun vút, trong cõi vô cùng…

Sáu chữ.  Ngắn.  Mà dư âm ngân dài, bất tuyệt.

Đâu là điểm khởi đầu, điểm tận cùng, điểm đến, điểm đi, của vòng tròn ?

Xin thư thả chép lại bài thơ, chép dưới lên trên, chép đầu xuống bụng, chép dọc thành ngang:

Giữa ngày, trái đất, giữa đêm.

Thi sĩ Đỗ Nghê đã lấy con dao mổ của ông y sĩ Đỗ Hồng Ngọc ra rạch một đường, hé lộ cái lẽ thường hằng ở giữa nếp gấp song trùng nhị bội.  Đâu là chân diện mục của quang âm tấc bóng ? Của logos ban sơ nguyên khởi ?

Bài thơ như một công án thiền.

Cái biên giới của sáng và tối, ngày và đêm đã tan biến.  Đọc thơ đôi khi nên tắt cái máy lô gích trong đầu đi, kẻo không chỉ nhìn thấy là nửa bên này nắng gắt, nửa bên kia tối om, mà không thấy cái sự tình kỳ bí của nghìn năm mây trắng du du trên trái tinh cầu.

Thơ hay có khi là những bài thơ lớn.  Hay vì ý tưởng lớn, hỗn mang bờ bãi.  Lớn vì  cánh hạc một thoáng vụt tung đã nghìn trùng bay mất.

Thơ hay có khi lại là mấy bài thơ nhỏ.  Hay vì ý tưởng như cây kim xuyên suốt nhất điểm thông, vì nó là lát cắt nóng hổi từ đời sống, nhịp tim vẫn đang đập trong từng lát cắt.  Nó như lưỡi chuỷ thủ đâm thẳng vào hồn.  Không băn khoăn, do dự, không suy nghĩ, đắn đo.  Nó cấu điếng vào người.

Mời đọc một bài hơi dài hơn bài trước.  Những mười chữ:

SÓNG

Quằn quại

Thét gào

Không nhớ

Mình

Là nước

– Sự tình đã như vậy thì chừ phải làm răng cho sóng nhớ nó là nước ?
– Thưa, chắc phải nhờ ông thi sĩ Đỗ Nghê chích cho nó một mũi thuốc, hay là nhờ ông y sĩ Đỗ Hồng Ngọc làm cho nó một bài thơ, rồi thả trôi trên sóng nước, ắt nó sẽ giác ngộ mà thôi quằn quại thét gào.

Lại xin mời đọc một bài dài hơn chút nữa, mười bốn chữ, sáu tám: Đông Boston

Còn cây
trơ lại với cành
Với linh hồn lá
ngập ngừng trút qua…

–Có cần phải bảo là còn cây hay không?  Mùa đông thì cây nó cũng đứng đấy, chứ nó đâu có chạy đi đâu như đám lá vốn thích phiêu lưu bờ bãi kia, mà phải đặt bút bảo là nó vẫn còn ?  Nước thì nó cứ lững lờ trôi, chứ sông Hương nó có bao giờ đi đâu đâu, sao lại phải bảo là:

Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương ? (BG)

–Thưa đó là chỗ nhiệm màu của thơ, nó khiến thực tại trở về hiển hiện mỗi sát na.  Phải mượn con mắt của thiền sư Vạn Hạnh lúc lâm chung nhắm mắt mới thấy hàng cây vẫn đang đứng đó ven bờ sông Hương núi Ngự.  Thật là hạnh phúc xiết bao khi biết là núi Ngự vẫn còn đó.  Hạnh phúc thật vô vàn khi biết là lúc mùa xuân trở lại thì cây cành vẫn đứng chờ đó để hồi sinh cho linh hồn lá đầu thai trở lại trần gian.

Từ đó sẽ có thể nhậm vận thịnh suy vô bổ uý.

Không biết Đỗ thi sĩ của chúng ta làm gì, đi đâu, mà ngày nọ lại lặn lội đến miền Đông Bắc băng giá, lang thang giữa phố Tàu Boston, đứng nghe gió nó co mà ro lạnh.  Hay là thi sĩ đi ngắm tuyết ?

Tuyết bay
Bay  nhẹ
Phố Tàu

Gió co
Ro lạnh
Phố
Đìu hiu
Theo.

Cách ngắt câu Gió co / Ro lạnh nghe lập cập hai hàm răng.  Hay là gió nó cũng lạnh nên nó co lại ? Thật thú vị !

Hay là thi sĩ đi tìm kiếm một điều gì chăng ?

TÌM KIỀM

Anh không sống
Anh đợi sống
Anh để dành anh
Anh chắt mót em

Anh cắt xén niềm vui
Anh gậm nhấm nỗi buồn
Anh tìm kiếm
Một điều anh chẳng biết

Ông không sống, mà để dành. Ông đợi.  Một điều gì ông không rõ.

Cách nay nửa thế kỷ, một bài thơ trên tờ Bách Khoa có mấy câu nó theo đuổi tôi đến tận giờ:

Tôi làm thơ để lãng quên chờ đợi
Để đánh lừa năm tháng trước hư vô
Xin yêu tôi bằng tội lỗi bất ngờ
Bằng tất cả những giờ em có mặt (Tạ Tỵ)

Ông hoạ sĩ Tạ Tỵ cũng đã chờ đợi.  Ông chờ đợi điều gì chỉ mình ông rõ.  Mà cũng có thể ông cũng không rõ.  Nhưng cái cuộc chờ đợi ấy hẳn là ông chẳng hào hứng gì với nó lắm, nên ông muốn lãng quên là mình đang chờ đợi.  Nên ông làm thơ để khỏi nghĩ đến chuyện ấy.  Để đánh lừa năm tháng trước cái hư vô sâu thẳm.  Đỗ thi sĩ thì muốn để dành anh, muốn chắt mót em.  Tạ hoạ sĩ thì năn nỉ: xin yêu tôi bằng tất cả những giờ em có mặt.  Cái cuộc chờ đợi này, cái cuộc đánh lừa này, liệu sẽ được nước Cam Lồ đền bù ngày em có mặt ?  Hay là cái ngày ấy sẽ không bao giờ đến ?  Và xin tiếp tục chờ đợi.  Và lãng quên chờ đợi.

Và say đắm với tặng phẩm của đất trời tha hồ chờ đợi:

MÓN QUÀ

Anh hôn đằng sau
Anh hôn đằng trước
Anh hôn phía dưới
Anh hôn phía trên…

Đỗ thi sĩ hôn gì mà lung tung thế ?

Chiếc áo của em
Món quà em tặng
Chiếc áo lạ lùng
Có mùi biển mặn
Có mùi dừa xiêm
Có mùi cát trắng
Có mùi quê hương…

Ra là thế.

Rồi ông đưa em đi lễ:

Em tin có Chúa
Ngự ở trên cao
Còn anh tin Chúa
Ngự ở trong nhau

Đưa em đi lễ
Vầng trăng treo nghiêng
Em làm dấu thánh
Anh làm dấu em.

Thật là may mắn người con gái được ông đưa đi lễ.  Tôi mong một ngày nào được ông dạy cho cách làm dấu ấy.

Ông làm dấu xong rồi thì ông giả sử:

GIẢ SỬ

Giả sử sóng thần ập vào Nha Trang
Ập vào Mũi Né
Anh chỉ kịp quẳng em lên một chiếc thuyền thúng
Vút qua những ngọn dừa
Những đồi cát trắng
Em nhớ mang theo đôi quả trứng
Vài nắm cơm
Vài hạt giống
Đừng quên mấy trái ớt xanh…

Biết đâu mai này
Ta làm An Tiêm
Trở về làng cũ
Nơi này ta sẽ gọi là Nha Trang
Nơi kia gọi là Mũi Né…

Cho nên
Sao chẳng sớm mà thương nhau hơn ?

Ông giả sử thật tuyệt vời.  Ông hỏi như thế thì đến cả sỏi đá cũng dạt dào yêu thương.

Những câu thơ cuối bài của ông thường là những cú đấm nốc ao, bất ngờ.  Ông có bài thơ tình đọc lên ắt hoả phải bốc:

THƠ TÌNH

Anh đọc bài thơ tình
Em ngồi nghe lặng thinh
Anh đọc thêm bài nữa
Em vẫn ngồi lặng thinh
Anh buồn không đọc nữa
Em chồm lên hôn anh
Như đổ dầu vào lửa…

Thơ của Đỗ thi sĩ vốn hay bất ngờ chồm lên như thế, lắm lúc làm ta bàng hoàng, lại lắm lúc xui ta bật cười.  Những lát cắt nóng hổi từ đời sống.

Có lúc ông như tự đặt ống nghe lên tim mình mà định bệnh: bệnh nhớ.

NỖI NHỚ

Thôi hết cồn cào
Thôi không quặn thắt
Chỉ còn âm ỉ
Chỉ còn triền miên
Thì thôi cấp tính
Thì đành kinh niên !

Ông lại còn nghe thấy cả tiếng chổi ở trên chùa ?

HỘI AN SỚM

Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương

Không biết ông nghe bằng lỗ tai thi sĩ hay lỗ tai y sĩ ?  Trời gần sáng, mà trăng vẫn nằm trong vòng tay ôm của mái chùa thì hẳn phải là vầng trăng rằm.  Và vì thế nên tiếng gà nó mới vàng trong sương.  Kẻ tiểu sinh này đoán thế có đúng không, thưa Đỗ thi sĩ ?

Cái lỗ tai ấy của ông nghe thật lắm điều thú vị.  Nó nghe được cả tiếng thu.  Không phải tiếng thu xào xạc của nai vàng ngơ ngác, mà là tiếng thu day dứt của bầy quạ:

THU

Chiều thu
Nghe tiếng quạ
Giật mình
Nỗi xa nhà
Nhớ sao
Mà nhớ
Quá!

Tiếng quạ, hay tiếng “Quá”?  Hay quạ tức thị quá ?

Tôi cũng có lần nghe thấy tiếng quạ ấy cách đây bốn mươi mấy năm, cũng trong một buổi chiều thu bơ vơ bên con suối đã cạn ở Minneapolis, cũng ngập hồn nỗi thương nước nhớ nhà những năm mới tản cư.  Xin chép ra đây như mấy lời đồng thanh dị cảm vậy:

…Những viên sỏi đã nổi lên
Lộ những bộ mắt buồn như đưa đám
Tiếng quạ kêu chiều cuối thu nghe ảm đạm
Lòng hỏi lòng tiếng quạ hay tiếng mình
Tôi hỏi tôi tiếng quạ hay tiếng đồng bào tôi
Tôi hỏi tôi có bao giờ quạ khóc ?(TTH)

Đã có bao nhiêu bài thơ viết về Mẹ, cho Mẹ, nhớ Mẹ.   Những bài thơ nghe đã quá quen thuộc, đến độ chưa đọc mà như đã đọc rồi.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Mời quý vị chuẩn bị tinh thần đón đỡ một cú nốc ao đầy yêu thương, vỗ về săn sóc, đầy ngỡ ngàng, ngạc nhiên, sung sướng.  Bài thơ viết về người Mẹ, mà nói thật nhiều về người con:

NỤ CƯỜI CỦA MẸ

Mẹ tôi có nụ cười lạ lắm!
Lúc nào bà cũng nhìn tôi mà cười cười. Không nói.
Lúc tôi có vẻ vội vã chào lẻn đi đâu đó,
bà cười cười tha thứ.
Vậy hả con ?

Lúc tôi lần khân thì nụ cười như biết rồi, khỏi nói.

Những lúc tôi mang chuyện bực mình
thì như thôi đi, đừng sinh sự!

Nhột nhất là khi bà cười như châm biếm
lúc tôi loanh quanh kiếm chuyện…
Mẹ tôi cứ vẫn cười cười như thế
suốt ba năm trên bàn thờ!

Ông thật may mắn có người mẹ không bao giờ ly cách.  Hai mẹ con chẳng xa nhau ngày nào, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào.  Và Mẹ ông hẳn phải thương yêu lắm người con hiếu tử, ngoan ngoãn, ý nhị ấy.

Lại xin mời đọc một bài thơ khác về Mẹ, để kết bài viết này ở đây.  Bài thơ tuyệt diệu, dịu dàng, đẹp.  Giản dị, nhưng thừa năng lực xoá tan mọi u buồn trên trần thế:

BÔNG HỒNG CHO MẸ

Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…

Buổi trao hoa thật ân cần, âu yếm.  Mẹ đang về với Ngoại ở bên kia sông, con gửi Mẹ đoá hồng.  Mẹ cho con hoa trắng.  Buổi vĩnh ly sao êm đềm, hạnh thục.

Ngoại chờ bên kia sông…

Thanh bình, thư thái, hân hoan.

Vì bên kia sông nơi Ngoại đang chờ là vườn tược cây trái, là khói lam chiều, là kinh nước ngọt.  Là hai miền sinh tử đang tan hoà trong cõi trời thanh tịnh, bất sinh, bất diệt.

Chỉ năm chữ,mà gói cả tư tưởng của Kim Cang Bát Nhã kinh.

Năm chữ hiền lành.  An nhiên, tự tại.  Năm chữ đã biến cái phù du ngắn ngủi của thân phận con người thành vĩnh cửu.  Đã biến Thơ Ngắn Đỗ Nghê thành tiếng thơ dằng dặc đến vô cùng.

TÔ THẨM HUY,
Houston, Tiết Thu Phân, 2018

No comments:

Post a Comment