nguyễnxuânthiệp
Đốn cây hoa gạo
Trong
bài Từ Chùa Đàn Đến Mê Thảo, Nguyễn
tôi có nói lên ước mong: Bao giờ mới được xem Mê Thảo. Lời ước đó được viết ra
từ năm 2003. Nhiều năm đã trôi qua, không ngờ giờ đây ước mơ đó trở thành sự thật.
Đúng
như vậy đó. Nhờ một cơ duyên đẹp đẽ, Nguyễn chẳng những đã được xem Mê Thảo mà
còn được đọc lại Chùa Đàn. Cả một thế giới nơi âm dương chập choạng hiện lên
trước mắt: ánh lửa mê hoang và tiếng đàn u uất cùng hòa quyện với bi kịch n người
trong tiếng mưa đêm… đem đến cho người đọc và người xem nhiều cảm xúc. Đó là
nói theo chủ quan của người viết. Có thể bạn trẻ bây giờ không ưa lắm đâu vì
văn của Nguyễn Tuân khó đọc và diễn biến trong phim có phần chậm chạp trong một
không gian nhiều bóng tối của hồn oan.
Đọc
Chùa Đàn cũng như xem phim Mê Thảo, trước tiên người đọc bị lôi cuốn ngay vào cảnh
đốn cây hoa gạo. A, đây rồi cây hoa gạo mà Nguyễn thường hình dung trong trí tưởng
qua những hồi ức thơ. Chợt nhớ lại những câu thơ Xuân Diệu hồi đầu kháng chiến:
Tháng ba hoa gạo nở / Mở cánh ngập đồi xa
/ Máu đào tung tóe vỡ / Chân mây thở sáng lòa… Và nhớ Quách Thoại, ôi Quách
Thoại ngày nào: Mặt trời mọc, mặt trời mọc
/ Rưng rưng mùa hoa gạo / Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
/ Còn sáng tạo, ta vẫn còn sáng tạo… Riêng Nguyễn tôi,
trong một truyện thật ngắn, tựa đề Bến Lú, đã viết mở đầu: Trời sẫm tối. Gió từ mặt sông thổi lạnh buốt. Cây hoa gạo trên đầu dốc,
cạnh cái điếm canh xiêu xó, phát ra những tiếng thầm.
Cây
gạo là như thế: thân nó đen đủi, nhánh cành cong queo, hoa màu đỏ. Hãy nghe dân
ấp Mê Thảo nhận xét: “Cây gạo thì quý gì. Gỗ nó chỉ dùng làm áo quan cho bọn
nghèo. Hoa thì chỉ quyến rũ được sáo đá và quạ thôi.” Đó là chưa kể người ta đồn
nó có ma. Nó thường đứng trơ vơ trên đầu quán dốc. Cô đơn dưới nắng mưa. Ở Mỹ,
ta chưa thấy một cây nào như thế. Nhưng nó là hình ảnh quen thuộc của vùng quê
đất Bắc. Nó có một vẻ đẹp riêng nên các nhà thơ thỉnh thoảng mới nhắc đến, như
trên ta đã thấy. Và bởi vì nó có vẻ đẹp nào đó nên Nguyễn Tuân mới mở đầu chính
truyện Chùa Đàn bằng cảnh đốn cây gạo về trồng trong sân nhà Lãnh Út nhân kỳ hết
giỗ Mợ Lãnh. Ta hãy đọc lại ở đây:
“Mặt
giời lệch bóng, ba chục dân ấp Tháo lực lưỡng bắt đầu thắt cổ cây gạo sừng sững
trên dòng suối Vầu. Nhiều múi thòng lọng dây thừng thít mãi vào những cành to
dang ra như cánh tay đầu hàng. Những cật người uốn cong gò bấy nhiêu đầu thừng
về một phía. Cây gạo xiêu dần rồi vật mạnh xuống như một kẻ chiến tranh bị
trúng độc kế ở mặt trận, làm tung bắn lên những thân hình người đang oằn oại
trên những đoạn luồng già dùng làm bẫy cắm chèn vào kẽ gốc. Suối Vầu tung nước.
Rừng Vầu vang bật lên một tiếng quật gốc già. Đầu rễ cái gốc gạo nhựa rỉ tuôn tợ
máu phun. Bọn người đánh cổ thụ ấp Tháo dúi ngang vào dưới thân cây gạo rồi đẩy
dần cây to xuống dốc. Đến những chỗ không thả đà được thì họ lại lồng đầu thừng
vào cánh nách mà kéo, vừa kéo vừa hò dô ta. Thân họ vẹo về một chiều trước, như
xống ngọn cỏ bị gió lùa mau.”
Nguyễn
tôi cũng đặc biệt thích đoạn phim mở đầu chính truyện trong Mê Thảo khi đàn ông
trai tráng của ấp, mình trần nhễ nhại mồ hôi, quấn dây thừng, ra sức kéo ngã
cây hoa gạo đưa xuống bè chở về. Đây quả là một cảnh đặc sắc trong phim của đạo
diễn Việt Linh. Đẹp, hùng tráng và gây ấn tượng.
Cảnh
mưa trên mái ngói âm dương, với Nguyễn, cũng là những hình ảnh đẹp của cuốn
phim. Như mưa ngày nào ở Vương Phủ. Mưa rào qua những ngôi nhà. Những sợi mưa
loang loáng ánh đèn. Mưa vỡ trên sân gạch hồng. Và những bước chân trần chạy
trong mưa. Bỗng nhiên mưa rộ cười rực rỡ. Hay mưa trong Rashomon, trong Địa Ngục
Môn… Và rồi hình ảnh cô Cam -cô gái câm- hiện ra từng lúc trong từng đoạn phim.
Nguyễn tôi yêu nhân vật cô Cam này. Như đã nói trong bài trước, đây là một sáng
tạo độc đáo của đạo diễn Việt Linh (hay của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân?). Bên
cạnh cô Cam, còn có hình tượng cô Út, người yêu trong mộng của Lãnh Út, được thể
hiện khi thì trong hình nộm bằng rơm, lúc là pho tượng gỗ. Có thể nói, cô Cam
là vai diễn linh động nhất, thật và sống nhất trong toàn bộ cuốn phim. Cô vừa
là nạn nhân, vừa là chứng nhân của thiên bi kịch ở ấp Mê Thảo. Hình ảnh cô Cam
nổi bật qua từng cảnh phim: cô Cam đẫm đam mê trong đêm mưa gió tìm đến phòng
Lãnh Út, núp bên ngoài cánh cửa, chứng kiến cảnh hoang loạn của Lãnh Út và pho
tượng… Cô Cam nổi cơn ghen khuân pho tượng gỗ xô xuống hồ và rồi sau đó cô bị
Lãnh Út trừng phạt, cho vào rọ đẩy xuống nước chìm theo pho tượng. Những hình ảnh
này đã hấp dẫn người xem không ít.
Ở
đây, Nguyễn tôi muốn nhấn mạnh thêm về sáng tạo của nhà biên kịch Phạm Thùy
Nhân và đạo diễn Việt Linh: Có thêm nhân vật cô Cam và những hình nhân thì
thiên bi kịch ở ấp Mê Thảo có nhiều tầng lớp hơn và phim tăng thêm độ đậm và
chiều sâu, nỗi tuyệt vọng và sự điên loạn của Lãnh Út từ đó bộc phát mạnh mẽ,
lôi cuốn người đọc. Mối tình thuở ban đầu của Bá Nhỡ và cô Tơ cũng giúp thêm
vào biến chuyển tự nhiên của câu chuyện.
Hồi
kết cuộc, của truyện cũng như phim là cảnh cô Tơ hát, Bá Nhỡ đánh đàn. Đây là
đoạn tả xuất sắc trong Chùa Đàn, văn Nguyễn Tuân ở đây như một bức phù điêu được
khắc với nét sâu và mạnh, làm nổi bật tính chất nghệ thuật của Chùa Đàn:
“Chưa
bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng
đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm
kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không
tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống
than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao
hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó
là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa.
Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cữ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối
xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm
vô danh hiu hiu ngọc vàng so le, Nó là cái oan uổng nghìn đời của chỉ tơ con
phím. Nó là một chuyện vướng vít nửa vời. Trong buồng thờ Chánh Thú, có tiếng
cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát hương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng
nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất,
kêu đánh xoảng. Riêng Cô Tơ nhận thấy tiếng đổ vỡ này và hiểu nó là điềm báo hiệu
của một điều linh thiêng gì.”
{…}
Phía
sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng
hoàng. Linh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang díu đôi cánh ốm rồi biến dần
vào bóng khuya. Một con châu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay.”
Cảnh
trên đặc sắc và kinh dị. Văn Nguyễn Tuân tới đây lộ rõ sự điêu luyện ít người đạt
được, kể cả ngày nay. Phim không được như thế. Cảnh Bá Nhỡ (Đơn Dương) ngồi
đánh đàn quá bình thường, không diễn tả được cực hình xen lẫn hoan lạc Bá Nhỡ
đang trải qua, tuy tiếng đàn như mưa đổ, lúc nghẹn ngào khi ào ạt. Tuy nhiên,
tiếng hát của cô Tơ quá xuất sắc, đớn đau và vời vợi trong ca từ thoát lên từ Tống
Biệt của Tản Đà: Lá đào rơi rắc lối thiên
thai…
NXT
(Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment