nguyễnxuânthiệp
Kính
thưa quý vị và các bạn.
Do cảnh ngộ và chuyển biến lịch sử, tôi
với tác giả Huy Phương có mối giao tình kéo dài cũng đã 70 năm, lúc đứt lúc liền.
Là bạn với nhau cùng đồng hành, nghĩa là đã đi chung chuyến tàu ở một đôi chặng
đường. Và cũng vì là bạn của Huy Phương nên ở đây có xen cái tôi đôi lúc, xin
quý vị và các bạn thông cảm cho.
Cùng là gốc Huế. Huế lờ lững dòng Hương / năm tháng còn vương / lời ai mong chờ… Học với nhau ở Nguyễn Tri Phương rồi qua Khải
Định, khởi từ năm 1950. Không ai rủ ai, cả hai đứa cùng đi vào con đường văn
nghệ. Ôi, đông vui lắm. Cùng trang lứa có Thanh Thuyền, Tường Phong, Yên Khanh
(Tôn Thất Khái), Tuyền Hiên, Diên Nghị, Thế Viên, Dao Ca, Tạ Ký, Kiêm Đạt… Những
tờ báo Huy Phương và kẻ này cùng các bạn vừa kể cộng tác là tờ Đời Mới, Thẩm Mỹ,
Nhân Loại ở Sài Gòn. Lứa trên chúng tôi có Hoàng Nguyên, Phạm Mạnh Cương, Đỗ
Kim Bảng, Lữ Hồ… Thời gian trôi qua, anh em số lớn đã rơi rụng. Ngày ấy, Huy
Phương và tôi học cùng lớp, với các thầy Huyền Anh, Phạm Văn Nhu, Võ Như Nguyện…
Sau năm năm, Huy Phương rời trường đi học Quốc Gia Sư Phạm, tôi ở lại tiếp tục.
Nhìn về những ngày ở Huế ấy, sao lòng vấn vương xúc động. Tôi nghĩ chắc Huy
Phương cũng thế. Hát trôi nổi mà đi /
sông nước biệt ly / người xa kinh kỳ… Tình xưa không vỡ bao giờ / hồn xưa còn
in trời Huế / chiều hè về trong sương khói mong manh… (Ca khúc Hẹn Một Ngày Về của thầy Lê Hữu Mục)
Rời Quốc Học, hai đứa cùng trôi giạt
vô Sài Gòn, rồi đi dạy học. Huy Phương ở Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Tôi ở Lê Ngọc
Hân Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Rồi lập gia đình. Năm 1963, tôi động viên vào
Khóa 16 Trường Bộ Binh Thủ Đức. Và gặp Huy Phương ở đó. Cùng với mấy anh em nhà
thơ nhà văn nổi tiếng khác: Mai Trung Tĩnh, Chinh Yên, Ngô Kha… Đang sống êm đềm,
bỗng chiến tranh bứt mình ra khỏi tổ ấm. Làm sao không buồn, không nhớ. Nhất là
Huy Phương và tôi vừa mới lấy vợ. Một hôm đi ngang qua Đồn Quân Cảnh 301 thấy
Huy Phương ở trần ngồi trong đó, nhìn ra cười. Thì ra anh chàng vừa mới trốn trại
về thăm vợ nên bị kỷ luật.
Đời đã từng chung một chuyến tàu. Thời gian trôi qua.
Ra trường, hai đứa đều được bổ nhiệm về Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Huy Phương phục
vụ ở Sài Gòn còn tôi đi lên miền gió núi mưa mùa Pleiku. Lại xa vợ, xa con đầu
lòng mới sinh. Hỏi sao không buồn không nhớ. Ở Pleiku chừng 6 tháng, tôi được bạn
học bạn thơ là Thiếu Tá Diên Nghị trưởng phòng Tâm Lý Chiến Quân Đoàn II Quân
Khu II bốc qua phụ trách chương trình phát thanh Quân Đội ở Đài phát thanh Đà Lạt.
Thời gian trong quân ngũ tôi và Huy Phương thỉnh thoảng vẫn gặp nhau ở Phòng
Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến. Lúc tôi và các bạn mở cơ sở Ấn Loát & Thư Trang Nhân
Văn ở Đà Lạt, thiếu vốn điều hành đã kêu gọi Huy Phương đóng góp. Bạn vui vẻ nhận
lời, đưa tiền. Sau bán cơ sở, thu được tiền, lại hoàn trả Huy Phương.
Thế rồi Cộng Sản chiếm Miền Nam. Huy
Phương, các bạn và tôi cùng trên những chuyến ra Bắc. Ôi, làm sao quên ba ngày
ba đêm “bức xúc” trên con tàu Sông Hương. Một bạn trong lúc đeo thang dây lên tàu đã sẩy
tay té vỡ sọ chết. Trên tàu, chúng tôi bị nhốt dưới khoang hầm. Thức ăn nước uống
đều được thả từ trên boong xuống. Chuyến hải hành cặp bến Hạ Lý, Hải Phòng. Tất
cả được lùa vào một cái hangar lớn của Pháp để lại. Tắm thì có vũng trâu đằm nước
đục ngàu. Từ Hạ Lý, anh em được đưa lên xe lửa đi Yên Bái. Cả bọn được nhét
trên những toa bịt kín. Có người chết vì ngộp thở. Kẻ thù nhốt chúng tôi trong toa súc vật / Trời thu bít tiếng kêu… Tô
Tùy Yên có bài thơ Tàu Đêm thuật lại.
Huy Phương cũng đã tả trong những trang tạp ghi Ga Cuối Đường Tàu. Từ Yên Bái
tù được dồn lên những chiếc molotova, một nửa qua sông Hồng đi Sơn La, một nửa
ngược lên phía Thác Bà, Yên Bái. Để dằn mặt đoàn tù, Cộng Sản tố chức dân chúng
đứng hai bên đường ném đá khi đoàn xe molotova đi qua. Rồi anh em được đưa xuống
thuyền máy qua đập Thác Bà để tới xã Cẩm Nhân. Đi trên Thác Bà còn thấy những rừng
cây trầm thủy và nóc nhà thờ với cây thánh giá nổi lên trơ vơ dưới nắng chiều. Những
cảnh này đều được Huy Phương ghi tả trong GCĐT. Trại Cẩm Nhân nằm ngay dưới
chân núi, cạnh một dòng suối. Trong GCĐT, Huy Phương có tả tiếng chim hót trên
ngọn cây buổi sáng. Tôi cũng thường nghe tiếng chim đó. Ở Cẩm Nhân tôi thân với
Huy Phương và Tô Thùy Yên. Lâm Chương cũng ở đó nhưng không biết nhau. Huy
Phương và tôi còn gặp lại nhau ở trại Phú Sơn, Bắc Thái và cùng trên chuyến
molotova tới Ngã Ba Đồng Lộc, Thanh Chương.
Năm
1982, ra tù cùng ngày giáp Tết. Về tới nhà, hôm sau tôi ghé qua nhà Huy Phương
thì gặp bạn tươi cười đón. Ở Sài Gòn hai chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm với
nhau và Huy Phương đã giúp tôi công việc qua cơn túng thiếu. Một lần nữa tôi
xin ghi nhận và cảm ơn bạn hiền. Rồi cùng đi Mỹ, Huy Phương trước, tôi sau.
Sang
Mỹ lại gặp nhau. Bây giờ ở ga cuối đường tàu. Nói gì nhỉ, với mai sau? Đây là
tác phẩm thứ 14 của Huy Phương, có thể xem là cuối cùng, gồm 80 bài. Theo tác
giả, GCĐT gồm những bài tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của Huy Phương. Ở đây
cần hiểu tạp ghi là gì, xuất xứ từ đâu và tạp ghi của Huy Phương có gì đặc sắc.
Thể văn tạp ghi, tạp ký, tạp bút, tùy bút… xuất hiện đã lâu. Chúng ta nhớ lại
Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, những trang
ký và tùy bút của Nguyễn Tuân, Hà Nội Băm Sáu Phố Phường của Thạch Lam, Món
Ngon Hà Nội và Thương Nhớ Mười Hai của Vũ Bằng, Bè Bạn Xa Gần tạp ghi của Phan
Lạc Phúc, Tùy Bút của Võ Phiến, những trang sổ tay của Mai Thảo và Nguyễn Xuân
Hoàng, Phiếm của Song Thao, tạp bút của Trà Lũ, Thư Gởi Bạn Ta của Ký mục gia
Bùi Bảo Trúc, Trèo Lên Cây Bưởi của Tầm Xuân (Nguyên Nhi). Nhiều lắm, nhớ không
hết. Nguyễn Mạnh Trinh cũng viết Tạp Ghi Văn Nghệ. Quỳnh Giao thì có Tạp Ghi
Quỳnh Giao. Chữ Tạp Ghi là do Phan Lạc Phúc đặt ra thời của báo Tiền Tuyến. Bây
giờ tới Tạp Ghi của Huy Phương. Điều phải khẳng định là Tạp Ghi của Huy Phương
khác hẳn với lối viết của những tác giả nói trên. Kể cả Phan Lạc Phúc. Nhiều
tác giả danh tiếng đã ca ngợi Huy Phương. Sách của ông được độc giả đón nhận
nồng nhiệt, tái bản nhiều lần. Ông viết về những vấn đề thực tế, với cái nhìn
tinh tế, cái tâm nhân hậu, không suy tưởng mơ mộng vẩn vở. Ở ông yêu ghét phân
minh. Phản ứng của ông trước những vấn đề nhân sinh không mang tính u mặc
(humour) mà rất thẳng thắn, đôi khi quyết liệt. Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai
cứ bảo là ghét. Trong văn của Huy Phương, qua những bài trong GCĐT và ở những
bài khác, ta ít thấy nụ cười. Đây là một điều lạ vì Huy Phương rất yêu Kim
Thánh Thán và Lâm Ngữ Đường. Cái nhìn của ông là cái nhìn của nhà giáo. Văn của
Huy Phương là văn của nhà giáo: sáng sủa, gọn gang, từ ngữ chính xác. Ông không
làm văn chương, không làm người nghệ sĩ ca hát trước cuộc đời. Ông là nhà giáo,
nhà mô phạm. Trên tất cả, ở ông, như đã nói, là cái tâm nhân hậu.
Bây
giờ xin đi thẳng vào nội dung Ga Cuối Đường Tàu. Nhà văn Nguyên Nhi của chúng
ta gọi đó là Trạm Z. Với Nguyễn, vốn dĩ mang “tâm viên ý mã”, nên nghĩ ngay tới
Ga Xép của Vũ Khắc Khoan và En Attendant Godot của Samuel Beckett. Trong khi
chờ đợi chuyến tàu về nơi vĩnh cửu và chờ Thượng Đế (Godot-God), nhân vật của
Vũ và Beckett như Estragon và Valadimir
tung hứng với nhau, nói những lời loạn ngôn và bày trò khỉ cho qua ngày
giờ. Sự chờ đợi trong một đời sống vô ý nghĩa, phi lý nhưng vẫn chờ đợi một cái
gì đó rất mơ hồ. Ga Cuối Đường Tàu của Huy Phương không thế. Cái gì cũng có
hình thù rõ rệt, với những thống kê, dẫn chứng trong một khung cảnh là đời thực
của mỗi chúng ta. Ta sẽ trở lại những nội dung này ở phần sau.
Như
đã nói ở trên, GCĐT gồm 80 bài đúng với số tuổi của tác giả. Trong số có hơn 10
bài trực tiếp nói đến nỗi buồn và những ưu tư khi sắp giã từ cõi nhân sinh. Có
thể kể ra đây: *Viết cho ngày lên
tám… mươi: Tác giả bàn về tuổi thọ qua dẫn chứng một số nhân vật như Khổng
Khâu, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Phan Khôi… đặc biệt với quan niệm bất hủ của Khổng Tử
“Tới tuổi bảy mươi muốn làm gì thì làm!” Trong bài, Huy Phương nhấn mạnh tới
nỗi niềm của tuổi già: bệnh tật, đói lạnh và nhất là cô đơn. Rồi tới *Bữa ăn
một mình *Buổi tối một mình *Cái chết nghĩ cho cùng… *Những đêm mất ngủ *Nỗi
buồn cuối năm Nỗi buồn cuối đời *Con cái bỏ quên cha mẹ trong nursing home
*Buổi điểm danh cuối cùng… Buồn bã quá!
Nhìn
chung, GCĐT của Huy Phương, như đã nói, ta gặp những thực tại của đời sống này.
Nó gần gũi với mọi người, là của mọi người. Do đó, Huy Phương được rất nhiều độc
giả yêu thích.
Ở trên chúng ta đã nói tới những thực tại u
buồn của tuổi già trong tác phẩm Huy Phương. Bây giờ là hình ảnh của dân tộc,
quê hương đất nước, đồng bào đồng đội. Nghe lại bản quốc ca mà trào nước mắt.
Trở về Huế không còn thấy sen Hồ Tịnh mà thấy cảnh trải chiếu trên cầu Trường
Tiền với các vũ nữ múa hát và đèn hoa. Ôi những chiếc áo mang chữ festival và
nỗi sượng sùng trong tô bún bò. Đừng quên vẻ cao sang của nhà cán bộ, đại gia,
đền liệt sĩ... Nhìn về đất nước, Huy Phương có nói đến hội hè và dân trí -một
đất nước ăn xin. Việt Nam theo thống kê mỗi năm có tới gần 8,000 lễ hội, người
dân tha hồ nô nức dự. Còn dân trí thì u mê, chạy theo tiền của. Một đất nước ăn
xin, một đất nước say xỉn. Đây không còn là một nơi để về nữa vì ta sẽ gặp
nhiều thất vọng, đớn đau.
Huy
Phương cũng là người nặng lòng với bạn bè, chiến hữu, bạn tù. Cảm động siết bao
khi đọc những lời tưởng niệm của Huy Phương viết cho bạn văn Bùi Bảo Trúc. Hay
lời thuật lại khi đi thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trong những ngày cuối đời.
Tôi được biết Huy Phương đã tới thăm và săn sóc Trần Đông Phong, Huy Trâm và
nhiều văn hữu khác. Huy Phương rất thương những người bạn cũ, nhất là những đứa
bạn mày tao thời thơ ấu. Trường đồ nhật
mộ -đường xa chiều xuống, hạnh phúc biết bao khi gặp lại những người bạn
ấy. Là người có trước có sau, Huy Phương rất xót thương các đồng đội không may
của mình -những thương phế binh còn nằm lại trong lòng đất nước. Tôi rất yêu
bài Thiên Đàng và Địa Ngục trong GCĐT với mẩu chuyện của Pablo Coelho. Ở đây,
Huy Phương thống trách những cấp chỉ huy tháo chạy để giữ lấy than, ôm theo tài
sản vào nơi đất hứa, chẳng khác nào chủ chăn “quay đầu chạy, bỏ đàn chiên lại
cho lũ sói rừng!”
Ngoài
những ý tình như vừa kể, Huy Phương còn xót thương những di dân đã mất xác trên
đường oan nghiệt. Như em bé Aylan 3 tuổi từ xứ Syria chết xác trôi giạt nằm
trên một bãi biển. Không cần phân biệt “tị nạn chính trị” hay vì kinh tế, Huy
Phương mở rộng lòng ra với tất cả di dân bỏ nước ra đi. Và ta cũng thấy ở Huy
Phương tấm lòng đối với nước Mỹ. Không phải là Nước Mỹ lạnh lùng nữa mà là nước
Mỹ bao dung đã mở rộng vòng tay đón nhận những kẻ sa cơ lênh đênh bèo giạt.
Nước Mỹ đối xử nhân ái trong tình cảm bao dung đối với những người thua trận
khi kết thúc Nội Chiến. Cả một nước Mỹ với những người homeless. Ở đây ta sẽ
thấy Huy Phương bất bình với thái độ vô cảm của người Việt tị nạn, thờ ơ trước
những kêu gọi đóng góp cho phúc lợi của những người nghèo khổ trên đất Mỹ. Rõ ràng
chúng ta đã là những “người khách trọ vô tình” trên xứ sở này. Vô tình và vô
ơn. Riêng Huy Phương, trong bài Giả Ơn Cái Cối Cái Chày và rải rác trong những
bài khác, đã thay chúng ta bày tỏ lòng biết ơn - trước hết là cha mẹ, vợ hiền, cô
giáo, cả đến những học trò quê, những con đường làng v.v…
Ôi,
còn nhiều lắm những nỗi niềm ẩn chứa trong GCĐT. Có thể khi đọc những những
trăn trở, xúc động và phản ứng của Huy Phương trước một đôi cảnh đời ngang
trái, chúng ta cảm thấy hơi bị dội. Nhưng OK, chuyện nhỏ, xin hãy nhìn trên tổng thể những điều rất quý, đầy tình
người, và tình dân tộc. Nhiều lắm, Nguyễn tôi không thể nào nhìn đủ và nói hết.
Xin quý vị và các bạn cầm lấy cuốn Ga Cuối Đường Tàu, đem về nghiền ngẫm và tự
mình tìm ra những điều quý báu, tốt đẹp Huy Phương đã có lòng gởi đến chúng ta.
Của tin gọi một chút này làm ghi… Cám
ơn Huy Phương.
NXT
No comments:
Post a Comment