Friday, October 5, 2018

CHUYỆN TRÒ CÙNG THU


Hồ Đình Nghiêm

Tranh Đinh Cường

Nhỏ thua anh tới một con giáp, nếu anh là vá là mực là vện thì đích thị Thu là cún là cầy tơ. Và như thế, theo cách luận chuyện của nhà đương cuộc cũng như đương đại Hà Nội, cả anh và Thu đều có cấu trúc tâm thần giống như con người.

Con người mang tên Thu tốt nghiệp đại học, xong cái đầu quân vào làm việc cho tập đoàn CN. Toà nhà cao tầng xám ngoét nọ dựng đặt mẫu tự CN sơn đỏ làm thương hiệu rất bề thế. CN không phải viết tắt từ chữ Con Người, Thu thích anh gọi đùa, rằng Thu là thứ Năm mà luôn bị Chủ Nhật nhốt kín.

Thực ra CN chỉ làm gọn, giản lược, cô lại từ chữ Canadian National Railway. Một thứ tựa như tổng cục đường sắt ở bên nhà. Đi tàu Thống Nhất thì chưa rõ tốn mấy triệu đồng, nhưng ưa nổi máu giang hồ xuyên lãnh thổ Canada, cà khịa cùng Thu thì giá cả rất phải chăng. Thu còn cho hay, nếu tàu khởi hành muộn chỉ năm bảy phút so với giờ giấc dự tính thì bận sau công ty sẽ bồi thường thiệt hại bằng cách giảm bớt 20% tiền vé, nếu quý vị còn ngứa chân ưa phiêu lãng rày đây mai đó.

Mười hai năm cách biệt tuổi tác, muốn lấp đầy cái hố sâu ấy rõ là anh không thích Thu dùng tới chữ chú, cháu khi xưng hô. Vậy thì anh, em? Thứ cầu tre lắc lẻo nhằm bắt qua khoảng cách đôi lứa cũng là chữ anh không mặn lắm, dù anh luôn cổ võ thành ngữ “ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói láo”. Để tránh ngượng mồm, anh dùng ngôi thứ nhất “tôi” và rồi cứ gọi tên “em” là Thu.

Sinh hoạt và sống với, ngay từ bậc Trung học, Thu mãi chung đụng với người bản xứ, nên tiếng Pháp tiếng Anh nhuyễn nhừ như cháo, chả hề vấp váp, nói líu lo tợ “con chim đến từ núi lạ” chẳng đợi phải ngứa cổ, cứ thế mà nước cuốn hoa trôi dưới chân cầu mòn khuyết cả mấy chục năm mộng mị. Có thể vì vậy, Thu thích ôn luyện tiếng mẹ đẻ, vui khi vớ được anh, một đứa có vẻ như suốt đời mãi lang bạt nhàn cư vi bất thiện. Luận theo tử vi, anh là con chó cứ phải chạy rông ngoài đường. Nó hiền khô, không có cấu trúc cũng như biểu hiện là thích nhe nanh gầm gừ, sủa, cắn. Và sau rốt, nhờ trời anh có viết lách linh tinh nên con cún thịt thơm kia lấy làm an lòng khi muốn vẫy đuôi thân cận, làm quen, tâm đắc đôi ta cùng chủng loại, lông lá đàng hoàng chẳng biết tới “sự cố” no hair. Muốn viết đơn trương cho chính phủ, kiểu như xin thêm trợ cấp, cuối năm điền đơn khai thuế hoặc gặp bất kỳ vấn nạn nào, qua trung gian “nhà nước Thu” văn hay chữ tốt, ba mươi giây sau nhận ngay kết quả: Xong, họ hứa sẽ giải quyết. Thu quả quyết, rồi chấm câu: Dễ như ăn ớt!

Ba Mạ Thu đẻ ra Thu ở Huế, người mô người nấy ăn cay vô hậu. Lạ, lý ra tính tình phải theo đó mà đâm nóng nảy, bẳn gắt. Không, ngược lại là đằng khác, anh chưa thấy ai dễ thương như Thu, đằm thắm rất mực, dịu dàng vô đối. Anh có cảm tình với o nớ thêm điểm khác khi nghe o nói, gần như than thở: Tại sao cứ mỗi khi nói tới Huế là phải chưng ảnh thiếu nữ mặc áo dài tím, đội nón lá và đứng tạo dáng trên cầu Trường Tiền? Cũ rích và sáo mòn, nhàm chán và không nói rõ một điều gì cả, thú thật nào có gì là đẹp mắt? Bravo, anh khen thầm về sự nhận xét ấy. Để rồi “ăn mặn nói ngay”: Hình ảnh đó xấu thua tô bún bò của “Mạ” nấu thứ bảy vừa rồi. Mặt đỏ ké, mồ hôi tuôn thành dòng, hít hà khi ham hố lùa húp. Cho gộp thêm cả sông Hương núi Ngự vào thiếu nữ đội nón bài thơ áo dài tím phụ kiện linh tinh lục tặc tới mức nào đi chăng nữa cũng thua xa lơ xa lắc mùi sả mùi ruốc màn nước đỏ au nằm trong đọi bún chết người.

Anh được mời tới nhà Thu, chỉ một lần, đó là ngày Thu tổ chức buổi ăn mừng đoàn tụ khi ngon lành bảo lãnh êm thắm Ba Mạ, giã từ xứ Huế khốn khó mưa lụt triền miên vừa đặt chân ướt chân ráo sang tới chốn phồn hoa đô hội căng phồng không khí tự do no cơm ấm áo. Kỳ dư, có hẹn hò, Thu chẳng thích mượn gia cư làm nơi trò chuyện, thấy nó làm sao ấy, bức bối, không được tự nhiên, màn đó chiếu đó chăn đó gối đó, phòng vệ sinh đó, nội y màu mè láng lườm phơi đó, cửa khép cửa mở đó… Những cái đó khiến hơi bị phân tâm. Thu nhắn: Gặp nhau ở Chủ Nhật. Anh vẫn thích nuông chìu, dễ bảo, không giống cấu trúc của loài Bulldog mặt chằm dằm ngó mất thiện cảm. Ô-kê, anh nói, tôi dựa lưng vô chữ CN (Chờ Người) đợi Thu. Gặp anh, đôi khi giúp Thu tạm quên đi những áp lực do công việc mang lại. Thu cho biết và anh luôn đến hẹn lại lên. Buổi trưa Thu có một giờ nghỉ để ăn trưa, Thu chẳng dại gì ngồi ở caféteria nếu anh dẫn xác tới, Thu sẽ khao anh một bữa cơm ngoài khuôn viên tảng bê-tông xám xịt kia. Phố phường nằm lân cận có biết cơ man nào là hàng quán để tha hồ chọn lựa một chỗ đặt đít tạm xem là… tình tứ.

Thường thì Thu thích đón nghe từ anh những chuyện kể dính líu gần xa tới lãnh vực văn học. Thu cho biết nếu anh thích, Thu sẽ giúp anh việc dàn trang, đánh số, trình bày lay out cũng như cho anh “vay chút chút” tài trợ để in sách. Thu không ngại góp công sức, tiêm thuốc giục cho anh vượt cạn đẻ con. Anh cảm động, đến độ anh đã chẳng dằn lòng, với tay qua mặt bàn để nắm lấy, rờ rịt hai bàn tay đầy ngón suông của Thu, trắng muốt. Anh nói: Thế nào tôi cũng cố nghe lời, Thu đặt đâu tôi ngồi đấy, nhưng hãy đợi đến năm Tuất mới có ý nghĩa. Ba tuất Mạ tuất thì quý tử cũng nên làm chó con cho được vuông tròn thuận thảo giống nòi, trên bảo dưới phải nghe. Thu cười: Ô-kê, nào khó gì, chỉ sợ không biết chuyện ngày mai nó sẽ kéo phăng mình giạt tới bến bờ nào! Thu có đôi bàn tay ấm nóng, mềm mại và in tuồng nó thu cất chút hấp lực tựa một thỏi nam châm, khó gỡ ra.

Trong câu chuyện đẩy đưa, có khi Thu vui miệng kể tên một vài tác giả viết nên truyện ngắn mà khi đọc phải Thu thấy dửng dưng vì dài dòng và nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt. Để giúp Thu giàu có tư duy trong khi nhận định, anh nói: Trong cuốn “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta” do cơ sở Sóng xuất bản ở Sài Gòn vào năm 1974, ban chủ trương có đưa ra câu hỏi cho những văn sĩ góp bài về quan niệm viết truyện ngắn. Thanh Tâm Tuyền trả lời: “Truyện ngắn là truyện không thể nào viết dài”. Thảo Trường phát biểu: “Câu nói hay nhất là câu nói ngắn nhất. Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng một vấn đề có khi… rất lớn”. Võ Phiến thì bảo: “… hồi gần đây tôi thích những truyện ngắn giống như những bài thơ. Dĩ nhiên, thứ thơ bằng tản văn và có ít nhiều chi tiết”. Anh ngó Thu: Tôi chỉ mượn lời của ba người kiệt xuất này vì tôi tán đồng những gì họ chia sẻ. Ngay cả thơ cũng vậy, tôi yêu những bài ngắn, cô đọng… Như bài gì? Anh đọc đi. Ừ, như bài “Trở Về” mới đăng của nhà thơ Huỳnh Minh Lệ:

“con ma đói trở về
con bé năm xưa đã trở thành thiếu nữ
người vợ quỵ xuống nơi bậu cửa
anh ơi!”

Trời ơi! Thu la lên tiếng nhỏ. Trời ơi, anh hiểu đó là biểu tỏ trong nhất thời thế cho ngợi ca chẳng nói nên lời. Khác với anh ơi nằm cuối bài thơ là lời ta thán đớn đau, chất chứa trong câm nín, chịu đựng qua bao năm tháng giờ mới được trút ra, ở phút đoàn viên. Theo anh, bài thơ hoàn chỉnh tới độ không thể thêm, bớt một từ nào cả. Một bức tranh pha nhiều màu tối, sử dụng ít đường nét, giản lược nhưng là một bố cục quá sức hoàn chỉnh. Thu ngồi chống cằm như kiểu đợi dư âm bài thơ rút khỏi tâm trí, lát sau Thu ham hố được nghe anh đọc một bài khác. Bộ nhớ của anh rất tệ, nhưng nhờ bài thơ ngắn, chữ dùng đầy ấn tượng nên khó quên. Và anh đọc bài “Tính Nhẩm” của Hoàng Nhuận Cầm cho Thu nghe, người kém anh một giáp nhưng xem ra gu thẩm mỹ, độ cảm nhận của cô ấy chẳng mấy khác anh:

“21 tuổi hồn nhiên như vậy đó
3 bài thơ nhân với 7 hẹn hò
khi rượu cạn, hoa tàn, tim tắt nến
thỏi son hồng ra ngõ đứng co ro”.

Khoảng lặng. Không trời ơi, chẳng anh ơi. Chừng hai phút sau Thu nhìn vào mắt anh: Dễ thương quá! Phải sinh nhật của cô gái tròn 21 tuổi? Tôi không biết, tuỳ vào góc độ mà người đọc nhìn vào, tự suy diễn. Anh cũng rõ là tuỳ đối tượng, người như Thu chắc không mấy mặn mà với thơ Nguyễn Đức Sơn, thế nên anh chẳng sẵn dịp để quá tam ba bận, dù bài thơ trào lộng, tuyệt vời. Anh cố nhớ từng mặt chữ, đọc thầm bài mang tên “Nguyễn An Ninh”:

“yêu nước
như ông
mà không
cộng sản
quái đản
thấy bà
phiền hà
thấy mẹ
chết lẹ
là phải”.

Những bữa ăn trưa ngoài phố qua đi rất mau. Một tuần “ngó lơ lơ mà siêng” (le chien), hai đứa cọng lại thành bốn chân chỉ họp sức chạy rong hai lần. Thu luôn bận rộn và tuy thích văn chương Thu chỉ mới “học ăn học nói học gói học mở”. Nguyên văn chữ Thu dùng. Riêng thơ ngoại quốc thì lại khác, có lúc không hiểu do đâu Thu đọc cho anh nghe lời của Delmore Schwartz:
All poet’s wives have rotten lives,
Their husbands look at them like knives.

Tất cả những vì phu nhân của những đấng thi sĩ thì đều có những cuộc đời tàn mạt.
Chồng họ nhìn họ như những con dao.

Anh biết hai câu này, hai câu mà Susan De Sola dùng tới, để mở đầu cho bài thơ của bà (nhà văn Nguyễn Quốc Trụ từng dịch sang tiếng Việt).

The wives of the poets,
they never complain.
They know they are married
to drama and pain.

Những bà vợ của các đấng thi sĩ,
họ chẳng bao giờ cằn nhằn.
Họ biết
họ kết hôn với
bi kịch và đớn đau.

Ô hay, vậy thì không riêng gì ở nước mình có người đàn bà chịu làm vợ ông Tú Xương, mà những xứ sở khác cũng hằng hà vô số, thảy cam chịu sự tàn mạt khi “chồng em là thi sĩ”. Giờ mới ngộ ra bản tin “ham làm thơ đến nỗi bị vợ bỏ” là cả một sự thật. Đất nước mình ngộ lắm phải không Thu?

Thu hỏi: Anh thích làm nhà thơ không? Tôi có thích cũng không được, phải có căn cơ và biết thủ phận chứ. Sao tự dưng Thu hỏi tới bi kịch và đớn đau? Thu cười, tuy chẳng có răng khểnh, không luôn má lúm đồng tiền, nhưng điền thế một bóng đèn thắp bên nụ cười: Cũng đúng, anh đang viết văn mờ, đừng tham lam vừa ăn lê đòi luôn cả lựu. Anh rụt cổ: Chắc là khi còn ngồi ghế nhà trường, giờ luận văn thế nào Thu cũng nghe qua tên cổ thụ William Faulkner. Tôi có đọc cuốn Tiểu Luận của nhà văn Võ Phiến, dịch lại câu trả lời của ông William Faulkner khi được hỏi khung cảnh nào là thích hợp nhất đối với một nghệ sĩ: “Được làm chủ một nhà chứa gái điếm. Sẽ tự do mọi thứ, về kinh tế khỏi lo đói lo rét, kiếm tiền dễ dàng. Ban đêm vui nhộn ồn ào, nghệ sĩ lo gì sầu muộn? Buổi sáng thì xung quanh im lặng, tha hồ sáng tác, khỏi bị quấy rầy. Việc tính chia tiền trong nhà đã có vợ lo. Xung quanh mình toàn là phụ nữ kính trọng mình, thưa mình bằng Ông. Thế mà không thích nhất à?” .

Eo ôi? Hơi bị lạ! Anh có đơm mộng ước tựa thế không? Dĩ nhiên, nếu có điều kiện, hoàn cảnh cho phép. Tha hồ vừa ăn lê vừa nhai lựu vừa thắp đèn vừa ngắm trăng, chẳng phụ bạc một ai. Vợ không càm ràm lại còn lo cho việc tính toán tiền bạc, thật là có nằm mộng cũng không tưởng được. Nhưng điều mấu chốt Thu nên nắm bắt, rằng họ là nghệ sĩ thứ thiệt. Nghệ sĩ là chức danh mà tôi nào với tới được, nếu có chỉ là hàng nhái. Anh muốn đề cập tới nền tảng luân thường đạo lý của người mình? Thứ rào cản chuyên làm khó các ông văn nghệ sĩ? Anh câm lặng, việc giản đơn, gần trong tầm tay và xem chừng thiết thực nhất, cần thanh toán nhất là thử hôn Thu một miếng mà cứ lần khân, vụng dại bó tay, thầm thà thậm thụt thì mong chi việc “đại sự” khó nuốt khác. Anh muốn chứng minh rằng anh phải lòng Thu, và đằng khác anh lại sợ vấy bẩn vào sự tin cậy mà Thu mãi trao về anh. Nghệ sĩ kiểu gì kỳ khôi vậy tía?

Thu xin cơ sở CN (Chán Ngắt) nghỉ việc hai tuần, Thu không thích cãi lại cha mẹ trăm đường Thu hư, nên phải lo thu xếp mọi thứ lặt vặt đặng dắt ba mạ đi thăm chú thím cậu mợ đang định cư lai rai trên từng cây số từ miền đông sang tuốt miền tây. Thu hỏi anh có thích đi chung không, dùng xe lửa để ngoạn cảnh luôn, mùa Thu chốn này cảnh sắc đẹp mơ màng suốt bề rộng lãnh thổ. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với con thơ thằng văn thì biết đời nào khôn? Anh cúi đầu trầm ngâm: Giá mà chỉ hai đứa, thôi thì Thu nên rộng cẳng mà dắt ba mạ đi dã ngoại, có mặt tôi thêm phân tâm, thêm lu bu, nâng khăn người này sửa túi người khác, chém người này xức thuốc người kia.

Sớm 14 Thu đi, chiều 13 Thu nhắn anh đến nhà rinh về nồi bún bò Thu gia công củi lửa ninh hầm nêm nếm: Để anh tập ăn cay trong mươi ngày nửa tháng, để nhìn khói bốc che bớt cái giò heo mà tưởng nhớ đến Thu đang xa cách. Có mạ đứng bên hông chỉ bày từng ly từng tý thì không đến nỗi thất bại. Hy vọng thiếu Thu, anh sẽ viết được một cái truyện ngắn thành công. Thu dặn anh không được ra sân ga bịn rịn tiến đưa, may mà Thu không hát “chưa bao giờ buồn thế’. Thu xuống giọng: Thỉnh thoảng anh tạt ngang dòm chừng giúp Thu dù biết khu vực này tuyệt không có phường trộm cắp. Mở hộp thư rồi cất giữ giùm Thu những gì nằm cuộn mình bên trong, hứa là khi về sẽ có quà trả công anh.

Thu nắm tay anh lay lay như kiểu có nói cũng không nên lời cùng lúc với đám lá vàng rơi rụng xuống đầy sân. Thu ôm anh vào lòng, thủ thỉ: Ở nhà bình yên. Anh cất tiếng: Hai bác đi chơi vui vẻ, cũng là cách vận động an hưởng khuây khoả tuổi già. Cảm ơn cậu, trở trời răng lại ăn mặc phong phanh kiểu nớ! Hai đấng phụ huynh này không thích đọc sách, họ ghiền xem dvd phim nhiều tập của Hàn quốc thôi, càng éo le càng bi thương càng oan trái nhiều chừng nào tốt chừng đó, chảy nước mắt cũng là phương thức vật lý trị liệu nhằm đo lường về nhịp đập của tim, nhưng hãy để ý tới vấn nạn cao huyết áp dễ sinh nhồi máu cơ tim. Anh nhớ buổi đầu, khi trông mặt anh, mạ của Thu la lên: Ủa, răng ngó giống y như cái thằng Kim Jong gì đó chuyên đi hãm hại phụ nữ trong phim “Lạc Lối Ở Bình Nhưỡng” rứa? Anh cúi mặt xuống và đã hứa thầm, e mình phải nên thức khuya xem bộ phim ấy để ngồi tủi thân khóc suốt năm canh trường.

Thu lái xe đi. Ngoài ba mạ, Thu như chở theo một bộ phận không nhỏ của mùa thu, như bóp còi gọi đông về, buốt giá từ đâu dâng lên ràng rụa. Ông nhà văn sừng sỏ William Faulkner không cho biết, là nhỡ như vợ vắng nhà trong hai tuần thì ông sẽ làm gì với bầy ma nữ chập chờn như bướm lượn? Ông có tài cán chi để dọn lòng tĩnh tâm ngồi im re mà sáng tác? Anh đọc thầm hai câu thơ của Phạm Công Thiện:

“trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông”.

H ĐÌNH NGHIÊM


No comments:

Post a Comment