Nguyễn
Âu Hồng
Đảo Ngọc Phú Quốc
(Ảnh Internet)
Đảo
Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc,
là hòn đảo lớn nhất và tươi xanh thơ mộng nhất Việt Nam. Đảo ngọc Phú Quốc nằm
trong vịnh Thái Lan, phía tây nam của Việt Nam, cách Rạch Giá 120 km, cách Hà
Tiên 45 km, có diện tích 567 km2 (56.700 ha), dài 49 km, dân số (cả huyện năm
2015) 101.407 người. (Cộng hết 22 đảo lớn nhỏ thì diện tích huyện đảo Phú Quốc
là 589,23 km2 (58.923 ha), chỉ thua quốc đảo Singapore 127 km2 - nếu tính cả
lãnh hải và vùng biển đặc quyền kinh tế quanh các đảo nhỏ gộp lại thì có lẽ Phú
Quốc lớn hơn Singapore - chỉ riêng Công viên biển Phú Quốc đã chiếm 268,63
km2). Địa hình đảo Phú Quốc trông giống quả tim, đầu bắc rộng (nơi rộng nhất 25
km), xuống nam hẹp dần, chập chùng qua 99 ngọn đồi lớn nhỏ, ngọn núi cao nhất
là Núi Chúa, cao 565m, được coi là nóc nhà của đảo. Phú Quốc có hơn 37.802 ha rừng
tự nhiên, nhiều suối, thác nước; quanh đảo có nhiều bãi biển cát trắng tạo nên
những đường lượn ngọt ngào. Năm 2006, Khu
dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được
UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển
thế giới. (Wikipedia).
Bản đồ đảo Phú Quốc.
Ba
chấm đỏ là ba khu VINPEARL LAND PREMIUM và VINPEARL RESORT & VILLAS chiếm cứ
toàn bộ Bãi Dài và vùng phụ cận phía tây bắc đảo Phú Quốc. Vùng xanh lá cây có
ghi rõ VƯỜN QUỐC GIA PHÚ QUỐC (khu bảo vệ nghiêm ngặt). Ngoài ra, Vinpearl còn
chiếm hữu một vùng đất rộng lớn của Vườn Quốc gia, nằm gần ngã ba giao lộ (đường
vạch màu vàng) từ Vinpearl Premium và Vinpearl Resort đi Gành Dầu-Cửa Cạn xuyên
qua Vườn Quốc gia.
Chưa
vội nói đến các ngành công nghệ độc hại sẽ đến sau khi Phú Quốc trở thành Đặc
Khu, chỉ nói tới việc cho Vinpearl sở hữu vĩnh viễn (không phải cho thuê đất có
thời hạn- xem phần Quyền sở hữu vĩnh viễn)
hai vùng đất rộng lớn: một, Vinpearl Land và Vinpearl Resort & Villas chiếm
hữu 302 ha; hai, Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc chiếm hữu 500 ha, đã đủ có
nguy cơ gây xáo trộn hệ sinh thái của Phú Quốc, một hòn đảo đã được cơ quan
UNESCO, vào năm 2006, công nhận là khu dự
trữ sinh quyển thế giới.
Nói
đến Phú Quốc, bà con người Việt ta ở hải ngoại nhớ ngay đến chai nước mắm Việt
Hương ba con cua. Thực ra, ngoài nước mắm cá cơm, Phú Quốc còn có nhiều đặc sản
nổi tiếng khác như: tiêu sọ, xoài thanh ca, chó ngao bờm xoáy… Nhưng, nổi bật
nhất là cảnh quan độc đáo và hệ sinh thái trên rừng dưới biển đa dạng sinh học
quần tụ liền nhau vô cùng hiếm quý.
Một
bãi biển có cát trắng mịn, nước trong ở hòn MÓNG TAY, một trong những hòn đảo
tươi xanh của công viên biển An Thới, được ví như những viên ngọc nhỏ hợp sức
tô điểm cho hòn đảo lớn, viên ngọc lớn Phú Quốc. Nếu được nằm nghỉ trên bãi biển
này, để cho thân tâm buông thả cân bằng với thiên nhiên, bạn sẽ thấy mình cơ hồ
như tan biến cùng cát trắng biển xanh hoặc lơ mơ cùng mây trắng vừa bay vừa
lang thang…
Thật vậy, huyện đảo Phú Quốc là những hòn đảo xanh trong mơ,
những viên ngọc trai hiếm quý của biển Việt Nam. Các đảo ở Phú Quốc có nét độc
đáo: trên cao là rừng đại ngàn xanh ngát, gần mép nước là gành, gộp và nhiều
bãi cát trắng mịn tạo thành những đường cong tuyệt mỹ, đường lượn ngọt ngào.
Hơn một nửa diện tích đảo Phú Quốc (lớn) là rừng nguyên sinh, ở nhiều đảo nhỏ rừng
chiếm hầu như toàn bộ diện tích. Rừng Phú Quốc tràn cả ra biển, cây đại thụ mọc
uy nghi giữa những tảng đá ngập mặn. Biển Phú Quốc vừa giàu hải sản vừa có nhiều
rạn san hô với cảnh sắc thủy cung kỳ ảo, trăm hồng nghìn tía.
Phú Quốc xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển, là trung tâm bảo
tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và thế giới.
Cây san hô độc lạ trong rạn san hô Phú Quốc,
thoạt nhìn tưởng như một lùm cây trên cạn.
(Ảnh: Internet)
Tác
giả bài viết này từng được con trai là Huấn luyện viên của Hiệp hội lặn chuyên
nghiệp PADI (Professional Association of Diving Instructors) có mở Trung tâm dạy
& hướng dẫn lặn bình hơi ở Phú Quốc, đưa đi lặn xuống các rạn san hô ở nhóm
các đảo Móng Tay, Mây Rút, hòn Xưởng (hòn An Tây) trong Công viên biển An Thới,
nhìn ngắm san hô, cá đủ màu, rọi đèn pin vào các hang cá mú già, tôm hùm, chình
biển… (Nhằm tạo sự thích thú và ngạc nhiên cho du khách lặn bình hơi giải trí
và lặn mạo hiểm, các trung tâm dịch vụ lặn phải dày công khảo sát, xây dựng lịch
trình (itinerary) cho từng trình độ du khách-học viên: từ open water, advance
diver, rescue diver, đến master, instructor. Không phải cầu ơ cứ lặn xuống là gặp
hang chình, hang cá mú).
Khu Bảo tồn biển Phú
Quốc
Viết
như vậy chưa hết, chưa đã, vì ngoài đảo lớn ra, Phú Quốc còn có 21 hòn đảo nhỏ.
Đầu tiên phải nói đến là Khu Bảo tồn biển Phú Quốc (tên trong danh mục du lịch:
Công viên biển An Thới - An Thoi Archipelago Marine Park).
Công
viên được thành lập theo quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 03 tháng 01 năm 2007 của
UBND tỉnh Kiên Giang với tổng số diện tích 26.863,17 ha. Khu bảo tồn gồm nhiều
đảo thuộc vùng biển phía nam thị trấn An Thới, gần bờ là hai hòn Dăm Ngang, gần
nhà xa ngõ vì ở phía tây nam xa trung tâm, các đảo đông nam và chính nam tính từ
bờ ra là hòn Dừa, hòn Rỏi, hòn Thơm (lớn nhất và đông dân cư nhất - có cáp treo
ba dây dài nhất thế giới ra tận đảo), các đảo xa hơn có hòn Vang, hòn Vọng, hòn
Mây Rút, hòn Móng Tay, hòn Gầm Ghì, hòn Kim Quy, xa nữa là hai hòn Anh Đông và
Anh Tây. Xa nhất là hai hòn Thổ Châu (cách Phú Quốc 100 km) và Nam Du, nhưng
không thấy ghi trong danh mục.
Cáp
treo ba dây dài nhất thế giới, dài 7.900 mét, nối từ thị trấn An Thới qua các đảo
Hòn Rỏi, Hòn Dừa tới Hòn Thơm - hòn đảo lớn nhất cụm đảo An Thới ở phía nam đảo
Ngọc. Công trình do Tập đoàn SunGroup làm chủ đầu tư đã khai trương ngày 4
tháng 2 năm 2018.
Ngoài hai hòn Anh Đông và Anh Tây và xã đảo Thổ Châu xa ngoài khơi, các đảo nam thuộc thị trấn An Thới nằm rất gần nhau, mỗi hòn chỉ cách nhau năm-bảy trăm mét, hòn gần bờ nhất cách cảng An Thới 3 hải lý. Nhóm đảo này có địa hình trên cạn-dưới nước phong phú, đa dạng sinh học. Công viên biển An Thới là nơi lý tưởng cho du khách bơi ngắm san hô (snorkeling) và là nơi tiện dụng cho các học viên lặn bình hơi (scuba diving) thực hành các bài tập vì có nhiều rạn san hô muôn màu muôn vẻ ở những độ sâu khác nhau: từ 10-20-30-40-50-60m. Khu Bảo tồn biển Phú Quốc được Hiệp hội các huấn luyện viên lặn chuyên nghiêp PADI ghi nhận là một trong những điểm lặn giải trí và lặn mạo hiểm lý tưởng của Việt Nam và thế giới.
Ngoài
công viên biển An Thới, Phú Quốc còn có hai vùng lặn bình hơi quanh hai đảo hòn
Rùa và hòn Móng Tay (Ngoài) ở phía Tây Bắc, trước mặt Bãi Dài của Vinpearl,
cách bờ chừng 6 hải lý. Tuy không được quy hoạch là công viên biển nhưng cảnh sắc
và sinh vật biển ở đây cũng đa dạng, không bị nước xoáy, đường biển từ trung
tâm Dương Đông đi lên thuận lợi.
Lặn bình hơi-Scuba Diving (Ảnh Internet)
Nếu
như đảo lớn Phú Quốc có hơn một nửa diện tích là vườn quốc gia (31.422
ha/56.700ha) trong đó có 8.786 ha rừng nguyên sinh là khu bảo vệ nghiêm ngặt,
thì các đảo nhỏ tươi xanh như trong mơ này lại cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt
hơn, cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước. (Cần xử nghiêm việc hạ cây, săn bắt
chim thú, nghiêm cấm đánh bắt thủy sản, cấm không cho câu cá rạn).
Những
hòn đảo nhỏ này mới thật là những thiên đường, yên tĩnh cách lạ lùng, thanh vắng
hoang dã đến ngây ngất. Đảo tươi xanh mát rượi, bãi biển thoai thoải cát trắng
mịn, nước biển xanh lơ màu ngọc bích. Hãy thử nằm nghỉ trên một trong những bãi
biển này, để cho thân tâm buông thả cân bằng với thiên nhiên, bạn sẽ thấy mình
cơ hồ như tan biến cùng cát trắng biển xanh hoặc mơ màng cùng mây trắng vừa bay
vừa lang thang...
Cần xem qua vài chi tiết:
Thực vật: Hàng trăm loài, nhiều
đại mộc như: tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, sang, sót, da, bứa…,
dược thảo quý như: bí kỳ nam, hà thủ ô, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân…, phong
lan quý như: Lan Vân Hài, Ái Lan Lá Đẹp, Âm Lan Núi… Đặc biệt có khu rừng ngập
mặn, với cây Cóc Đỏ, Tràm đại thụ…
Động vật: Thú rừng trên 30
loài, 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pilê…
Bò sát có 50 loài, 9 loài được ghi vào sách Đỏ VN và danh mục Đỏ của tổ chức IUCN. Chim có 200 loài, 4 loài được ghi vào
danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 được ghi vào sách Đỏ VN.
Sinh thái biển: Biển Phú Quốc rất đa
dạng và phong phú. Ngoài các luồng cá di chuyển từng đàn theo mùa như cá thu,
cá bò, chù, chấm, cá ồ, cá nục, cá cơm… biển Phú Quốc còn có những khu dự trữ
sinh học ở các rạn san hô vốn dĩ chiếm đến 41% diện tích đáy biển quanh đảo.
Khu hệ cá trong các rạn san hô này rất phong phú, tập trung nhiều nhất ở nhóm đảo
thuộc công viên biển An Thới, đã thống
kê được 89 loài san hô cứng, 19 loài san hô mềm, 125 loài cá rạn (*), 132 loài
thân mềm, 32 loài da gai và 62 loài rong biển. (Số liệu Công viên biển An Thới).
(*)
Cá rạn là cá chuyên sống trong các rạn san hô, có sự cộng sinh, được coi như cá
bản địa, cha truyền con nối chỉ sống quanh quẩn một vùng, đôi khi đổi vùng
nhưng không rời các rạn san hô. Cá rạn thân lớn như cá mú, cá hồng, chình… thân
nhỏ như cá mao tiên (golden fish, terky fish), cá bướm, cá thiên thần (angle
fish), cá mó, cá thia, cá mặt địa, cá mặt quỷ… Một số loài, nhỏ nhít bằng hạt đậu
ngự, không chỉ nương nhờ mà vào sống hẳn giữa những cành nhánh san hô. Những
đàn cá này trông như những chiếc lá màu xanh dương hoặc như những chùm trái mơ
vàng óng ả, có điều chúng không tạo ra âm thanh xào xạc mà cứ liên tục di chuyển,
khi dồn cục khi tỏa ra nhịp nhàng như một vũ điệu, trong khi đó, cá mặt hề
Nemo, như một MC, từ một bụi san hô mềm thò đầu ra giới thiệu chương trình biểu
diễn… Ngoài ra còn có nhiều loài chỉ tới sống (tạm trú) hoặc chỉ tới rạn mượn
chỗ để sinh sản như cá bè, cá trác ngộ, cá chim, cá chuồng, cá liệt, cá trích,
cá cơm… Nói chuyện này vui: cá chuồng vào rạn đẻ trứng trong những bãi rong mơ,
buồn buồn không có gì ăn vặt, đám trẻ nhỏ ở đảo chèo thúng chai ra vớt rong mơ
có dính trứng cá chuồng về hấp, ăn cho vui, ăn cả rong lẫn trứng vì nó dính dày
đặc, không hơi đâu mà gỡ; mấy người lớn thấy vậy, nhằm bữa thiếu mồi nhậu cũng
đi vớt về hấp, thêm gia vị, nhậu như một thứ gỏi rong mơ-trứng cá, các chị đang
ngồi sòng tứ sắc nghe khen ngon cũng (tạm) rã sòng, xáp vô…
Kẻ
viết bài này đã từng đi sâu vào rừng đặc dụng, ngắm hoa lan, nghe chim hót, tắm
mát nước Suối Tranh, suối Đá Bàn, và cũng đã từng lặn ngắm san hô, lặn sâu xuống
vương cung thủy tề kỳ bí ở hòn Xưởng, hòn Móng tay, nhìn cá mú già và chình già
lạ người cứ thụt lùi, thấy yêu huyện đảo này vô cùng nhưng cũng vô cùng lo lắng
khi thấy Vinpearl cứ bành trướng chiếm cứ cả ba khu rộng lớn phía tây bắc đảo,
có nguy cơ làm xáo trộn hệ sinh thái của đảo… Phú Quốc và những hòn đảo nhỏ
đang ẩn chứa những của cải vô cùng hiếm quý do thiên nhiên ban tặng, nhưng vì
là thiên nhiên nên cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn sinh thái rừng biển
cách khoa học, kiên quyết và cẩn trọng.
Quyền sở hữu vĩnh viễn
Trang https//www
vinpearl.com đưa tin:
“Báo cáo ngày 25/8 mới
đây của CBRE về thị trường biệt thự/nhà ở nghỉ dưỡng Việt Nam đã khẳng định
Vinpearl là dự án duy nhất cho phép sở hữu vĩnh viễn. Như vậy hiện nay, trên thị
trường mới chỉ có các căn hộ, biệt thự trong các dự án nghỉ dưỡng của Tập đoàn
Vingroup làm chủ đầu tư được cấp sổ đỏ. Còn lại, đa số các dự án chưa có sổ hoặc
là đất thuê có thời hạn từ 50-70 năm.
Vinpearl Phú Quốc
Resort & Villas
Tên dự án: Biệt thự
nghỉ dưỡng Vinpearl Land Premium Phú Quốc.
Vị trí: Bãi Dài, phía
tây bắc đảo Phú Quốc.
Chủ đầu tư: Tập đoàn
Vingroup
Tổng diện tích đất:
302 ha
- Vinpearl Phú Quốc 1
Resort & Villas: 44 ha gồm 33 căn biệt thự, KS H1 Ocean 312 phòng, KS H2
Coreal 294 phòng. Bàn giao tháng 8/2015.
- Vinpearl Phú Quốc 2
Resort & Villas: 39 ha gồm 231 căn biệt thự, 407 phòng KS. Bàn giao 9/2015.
-Vinpearl Phú Quốc 3 Resort & Villas: 38,6 ha gồm
339 căn biệt thự. Bàn giao quý 4/2016.
-Vinpearl Phú Quốc 3
Resort & Villas: 39,5 ha gồm 333 căn biệt thự. Bàn giao quý 4/2016.
Toàn cảnh khu “Biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Land
Premium”.
(Ảnh vinpearl.com).
Như
vầy thì Bãi Dài - Phú Quốc còn gì là “một trong top 10 bãi biển đẹp và hoang sơ
nhất thế giới”. Quý bạn đọc dễ dàng so sánh cảnh này với cảnh trong ảnh Thanh
Sơn chụp một bãi biển hoang sơ ở hòn Móng Tay.
Cần
chú ý: Toàn bộ diện tích 302 ha đất phía trên Bãi Dài mà Tập đoàn Vingroup sử dụng
làm khu biệt thự nghỉ dưỡng đều nằm trong 22.603 ha đất rừng thuộc “phân khu bảo tồn sinh thái” của Vườn
Quốc gia Phú Quốc. Quy chế quản lý rừng đặc dụng (Vườn Quốc Gia) do thủ tướng
chính phủ ban hành năm 2006, điều 1 ghi rõ: “Nghiêm cấm các hoạt động, hành vi làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên,
khai thác tài nguyên sinh vật, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác, chăn thả
gia súc và gây ô nhiễm môi trường”. Thử
hỏi: đào lấp, xây dựng 936 ngôi biệt thự, 1.011 phòng khách sạn, rồi còn đường
sá, cống rãnh… có làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên không? Đó là chưa kể ba
công trình lớn tiếp sau Vinpearl Resort & Golf, Vinpearl Resort &
Casino, vườn thú Vinpearl Safari, cả ba chiếm đến hơn 600 hecta rừng nguyên
sinh. Hàng ngàn người sinh sống ăn ở trong cả ngàn ngôi biệt thự và gần hai
ngàn phòng khách sạn có gây ô nhiễm môi trường không? Nên nhớ, du lịch tuy là
“ngành công nghiệp không khói” nhưng không phải là không gây ô nhiễm môi trường.
Con người sinh sống thì phải ăn uống, phóng uế, thải rác, tắm rửa, giặt giũ. Một
khách sạn 5 sao ở Phuket - Thái Lan ghi một tấm bảng trong phòng “Nhằm góp phần bảo vệ môi trường, xin phép
quý khách cho chúng tôi thay khăn trải giường mỗi hai ngày thay vì hàng ngày”. Nội
việc giặt khăn trải giường thôi, hao tốn bao nhiêu nước ngọt. Được biết, ở Las
Vegas nước tắm giặt được tái sử dụng để dội cầu, tưới cây. Las Vegas ở đất liền
nước ngọt được cung cấp bởi hồ chứa nước Hoover Damp khổng lồ trên sông
Colorado mà còn vậy, đối với đảo Phú Quốc nước ngọt là nguồn sống sinh tử, dùng
nước phải thật dè sẻn. Nên chăng, với các dự án Khu nghỉ dưỡng gồm Khách sạn,
Resort & Villas lớn-cả ngàn phòng khách sạn + cả trăm ngôi biệt thự - sử dụng
nhiều nước ngọt, các chủ đầu tư phải có nhà máy cất-lọc nước biển thành nước ngọt,
hạn chế tối đa việc dùng nước ngọt trên đảo?
Tin quan trọng: Dự án đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 đầu năm 2016, và mới đây nhất, trang tin Vinpearl cho biết: “các căn hộ, biệt thự trong các dự án nghỉ dưỡng của tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư được cấp sổ đỏ”, “cho phép sở hữu vĩnh viễn”, không phải là đất thuê có thời hạn 50-70 năm hay 99 năm.
Chao
ôi, đã bán thân vĩnh viễn rồi thì dẫu chưa đến nỗi “bướm rã ong rời” cũng phải đối
mặt với nguy cơ “ngọc nát vàng phai”. Hay lại tự an ủi: “Đảo ngọc Phú Quốc ơi,
ngọc nát còn hơn miếng ngói lành”…
Hết phần 1.
NGUYỄN
ÂU HỒNG
No comments:
Post a Comment