Hai
mươi bốn
Bảy rưỡi sáng, Chín đã đi học. Mây bốc điện thoại gọi Thu, chỉ nói được câu
“mình bịnh, mà sao buồn quá…” rồi im lặng.
Có điều gì trong giọng nói mình chăng, không biết được, nhưng Thu trả
lời em qua liền. Hai mươi phút sau, một chiếc xe dừng bên
dưới trước cửa ga ra, Thu _ tóc dài, bị vải, bước ra vẫy tay - chiếc xe quay
đầu biến mất.
Vào nhà, ánh mắt sắc như dao quét nhìn bạn. Phải chăng con người mình thật nhất khi thố
lộ niềm đau? Phải chăng con người Thu
rực rỡ nhất khi có người kêu cứu?
-Hai đứa mình đi biển nha, chị?
-Đâu cũng được.
Trời vẫn còn sương và lạnh.
Cầu tàu lốm đốm những bóng người im lặng trong áo khoác trùm đầu sậm mầu
đứng bám sát thành cầu. Hai đứa vào quán
chạp phô mua 2 ly cà phê rồi ra tận đầu cầu lựa chỗ có mái ngồi lên thành lan
can gỗ cũ kỹ. Thu rút gói Capri mong mỏng có hình cánh hoa xanh. Hồi mới chơi với nó Mây nhìn lom lom cái gói
vuông xinh đẹp ấy, vì hình như ở Mỹ đâu có?
Cái này của Tây, nhưng Mỹ có bán
chứ, nếu không sao em có ! Chả biết phải
hay không, Mây gật gù. Thu đốt một điếu
thuốc, cắn đầu lọc giữa hai hàm răng trắng, nhè nhẹ nghiến. Nó ăn mặc lòa xòa, làn da đen đúa, nhưng luôn
toát ra một phong cách, một thái độ, không chỉ riêng vì dạng hình mà còn riêng
một nét không biết nói gì hơn là mượn lời của ai đó cho rằng phụ nữ bên Tây
(bất kể giống nào) có geste hơn phụ nữ bên Mỹ.
Mây tra cứu dữ cũng chỉ tìm ra một chữ gần gần: zest, chả biết phải hay
không nhưng cứ cho là vậy. Chín thì đơn
giản hơn, mụ đó weird !!!
Hút được nửa điếu thuốc, bất chợt Thu quay sang hỏi Mây thử không? Mây lúng túng ngần ngừ. Mà đã sao chứ. Nó đốt cho Mây một điếu. Khói nhẹ vương, Mây tưởng mình đang thở ra
những nỗi muộn phiền. Một tay câu gần đó
quăng lưỡi và lẩm bẩm một câu gì, Thu chợt bật lên đến gần hắn, sổ một tràng
tiếng Tây .
À, thì ra, tha hương ai cũng là cố tri.
Hai bên xí xô coi bộ vui vẻ, Thu ngoắt Mây lại gần. Mây đứng lên mới thấy mình xây xẩm lảo đảo vì
điếu thuốc. Hóa ra không chỉ là nhả chút
khói xám buồn. Anh Tây trẻ móc mồi vào
lưỡi cho Mây thử vung. Dòng nước cuồn
cuộn dưới chân cầu, những thân người lặng im bên những sợi tơ mỏng trong veo
nhẹ nhàng đu đưa vờn trên mặt nước. Coi
bộ còn lâu lắm mới biết có ra gì hay không.
Đứng lâu thấm cái lạnh nơi đầu cầu.
Một lúc, Thu giã từ cố tri vớ vẩn, rủ Mây đi ăn.
Hai đứa vào Denny’s.
Cà phê, french toast với trứng
sunny side up và bacon. Mây rưới mật quét bơ rắc
muối tiêu lên trứng ăn tận tình. Mây ăn
thức ăn hay ăn nguồn an ủi nơi người con gái ấy?
Ra khỏi tiệm đã trưa, Thu hẹn sẽ trở lại khi xong việc. Ừ thôi
em về…
Mây lên máy lần dò các bài viết. Nhưng đọc một lúc, sao họ giống nhau quá -như những tiếng hát, không làm sao phân biệt
được ai là ai vì ai cũng khỏe giọng đầy hơi và gào và ngân và ngắt ư ử, như
nhau. Sao tất cả chúng ta giống nhau quá. Rượu, sách, thú vui văn hóa, dân chủ nhân
quyền, luật pháp, hội nhập, vươn lên, bồi đắp văn hóa,…
Mây vào bồn tắm, để nước ấm và lấy một cuốn truyện. Greg Iles, The Foot Print of God. Tay
này viết truyện giựt gân mà sao chính xác những tơi tả của kiếp người, những
muỗng canh thiu những bát nước mắm hoen dở trên mâm cơm gọn ghẽ của hôn nhân,
những mảnh hồn ngộp thở đi tìm một tình yêu hòa hợp bên cạnh những âu yếm ân
cần của đời tẻ lạnh. Khơi khơi kể chuyện
giật gân mấy trăm trang mà hắn chẻ phận người thành từng sợi quăn queo như rau
muống, lách vào tận máu xương buồn. Chịu.
Buổi chiều, Thu trở lại.
Hai đứa ghé anh Văn rủ nhau đi ăn, đi cà phê. Mây để mặc Thu lèo lái, để mặc Thu dẫn
đưa. Dường như mắt anh Văn vương chút ái
ngại buồn phiền, là Mây ngơ ngác hay là anh cũng nặng một niềm riêng? Vừa ăn vừa nói. Ăn xong rồi nói. Uống xong rồi nói. Tới lúc không còn gì để nói với nhau, không
thể giết thêm phút nào nữa, hai đứa đứng lên từ giã anh.
Về ngồi lại một nửa gara trống. Thu đốt điếu Capri để lên ghế đẩu con rồi dạo
đàn. Ngày
em thắp sao trời… Chai Rosé bấy nay để
không được khui ra. Nhấm một chút, uống
thêm một chút. Uống hết càng hay, thì đã
sao. Mây thấy hình như da Mây đã
dày hơn hồi sáng, dày hơn đêm qua, Mây chợt nghĩ, mình đã dạn dày. Mười hai rưỡi, Thu đứng lên, em về - are you going to be ok? Gật đầu buồn bã.
Mây nằm xuống mệt lả.
Trong mơ Mây thấy mình tự trả lời một câu hỏi: tấm thân này đã là không,
sẽ là không, thì những gì chứa đựng trong nó cũng là không. Giật mình thức giấc _ nhưng cái gì lưu chuyển
qua bao nhiêu kiếp? Thế nào là kinh
nghiệm tâm thức tánh không? Một giờ
sáng, một giờ sáng… Mây nhớ lúc thay tấm áo trong bóng tối đêm qua.
Lúc đó vẫn còn trong cơn đồng thiếp, Mây chậm rải nói với Chín - hỗi
nãy anh Các hẹn tao ra ngoài nói chuyện sau giờ làm… Mây không còn nhớ mình đã nói gì. Im lặng, rồi Chín cất giọng, êm ả trầm lắng,
không như đứa em lóc chóc thường ngày: nếu
bà thấy muốn khóc thì cứ khóc, khóc cho vơi bớt lòng mình. Như được lệnh tha, như được giải bùa
thiêng, những giòng nước mắt Mây bấy giờ mới tuôn tràn, thấm ướt cái nghiến
răng nắm chặt tay, cái lạnh tanh run bần bật của tấm thân. Mây không biết mình nên thương hại mình -không
dám tỏ nỗi đau lòng trước mặt người ta, hay cười trên cái ngu xuẩn của mình,
chờ người ta xác nhận cái điều mình đã biết -đau quá không khóc được?
Mây chong mắt nhìn bóng đêm, với tay bật đèn tìm cuốn
sách. Tấm nệm trũng xuống một vết theo
cái chuyển động của cơ thể. Có gì đó tội
nghiệp, đìu hiu nơi tấm khăn trải giường nhàu nát, nơi vết trũng phảng phất hơi
người. Một chỗ nằm, cuối một ngày hay
cuối một đời, có phải tất cả chúng ta đều phải vào một chỗ nằm? Ý nghĩ làm Mây hốt hoảng, Mây chưa bao giờ
nhìn chỗ nằm của mình như vậy. Mây đã
nằm chỗ này bao lâu nay? Mây sẽ còn nằm
chỗ này đến bao lâu? Tiếng Thu chợt vang
lên trong óc: “anh Các?” -dò dẫm, chặn đầu chặn đuôi, cái kiểu hỏi vậy thôi chứ em biết… Nhưng mãi sau rồi Mây mới biết cái kiểu bắt
nọn ấy, mới hiểu ra con người Thu, cũng như bây giờ, cuối cùng rồi Mây mới thấy
điều gì đã đến 9 tháng qua giữa Mây và Các.
Mà Thu chưa hề gặp Các bao giờ. Khi gặp Thu, Mây vừa chấm dứt mối tình với
Các. Cái tên đó có lẽ là lý do Mây tiếp
nhận Thu không thắc mắc, và cho Thu một vai trò cao cả trong tình bạn. Những ngày đó, Mây lơ mơ sống trong đau khổ
dằn vặt, và Thu thì loay hoay đi tìm một mái ấm, một tình cảm bảo bọc nơi mấy
chị em mỗi kẻ một nơi. Thu quen với đủ
hạng người, biết đủ thứ điều của cuộc sống, và luôn mang với mình một chút bí
mật của lý lịch. Không ai biết rõ quá
khứ của Thu; làm cư dân lậu, Thu sinh sống ra sao cũng là chuyện người chung
quanh không dám thắc mắc dẫu không ai nghĩ bậy cho Thu vì Thu có cái vẻ chững
chạc của người học thức và lại có cái vẻ lão luyện với cuộc đời trôi nổi của
một dân chơi. Một mình, Thu dám bước
những bước thách thức vào cuộc sống không nhà không giấy tờ cư trú không phương
tiện sinh nhai.
Nhưng những ngày ấy Mây còn lòng nào để ý. Mây chỉ biết có người nương nhẹ bờ vai khi Mây
khóc, dẫn Mây đi trong đêm vắng, cho Mây ly rượu, dạo cho Mây một khúc đàn, để
Mây được an ủi được sầu đau một mình trong niềm riêng. Các chỉ là một cái tên treo trên đầu hai đứa,
để Mây dựa dẫm để Thu đưa một vòng tay.
Những đêm rong chơi cùng Thu, Mây gặp đủ mọi thành phần nghệ
sĩ, trừ nghệ sĩ sân khấu. Quen nhau vì
quen nhau, chả ai biết rõ ai và cũng không ai cần nhớ ai. Anh Thiện viết văn tay trái, anh Văn chơi
guitar, Phương và anh Lê làm báo, anh Khánh họa sĩ, triết gia P, anh K làm
computer, cô Vui mắt kính như đít chai cô ca và hút thuốc như ống khói tàu thủy. Cái xã hội sau bức màn sân khấu và sau những
tờ báo là điều thật lạ lùng, hỗn tạp, sắc màu, với chút khó hiểu và ma quái lúc
về đêm vì hình như khi ánh mặt trời chiếu rọi thì khó ai tìm thấy ai!!! Nhưng Mây biết Phương yêu Thu và Thu với anh
Thiện thích nhau. Mây biết vì Mây
biết. Phương không ngại ngần tỏ mối tình
si, Phương tôn thờ Thu, không ngại ngùng cho Thu những gì Phương có trong khả
năng của mình và Thu cũng điềm nhiên nhận lãnh.
Nhưng Phương không biết rõ lòng Thu, có ai biết rõ lòng Thu bao giờ… Những khi ngồi với anh Thiện, Thu luôn có vẻ
hững hờ, hiếm khi nhìn vào mắt anh, còn anh thì luôn có vẻ điềm nhiên của một
người anh lớn. Có lẽ Thu thích cái phong
trần của anh nơi đất Mỹ. Thu lập lại cho
Mây với giọng tin tưởng ngưỡng mộ về những ngày tháng anh sống dưới hầm metro
của Philadelphia, của New York, về cái quá khứ Lực Lượng Đặc Biệt của anh. Cho dù anh đã có vợ, tình yêu của Thu và anh
dường như đứng trên những ràng buộc thông thường của xã hội. Thu chỉ là một bóng dáng chập chờn của đám
đông ấy vì dường như không ai xứng cho Thu làm một người tình kể cả anh Thiện.
Những buổi gặp mặt đó thường dầy đặc thuốc lá, rượu bia, cà
phê, và những trò chọc ghẹo nhiều khi nham nhở -và đến cái biên giới đó, Thu luôn là một bờ
rào một vòng đai bao bọc Mây trước khi Mây kịp nhận ra, trước khi Mây kịp bật
cười ngu xuẩn. Bên Thu Mây luôn tin rằng
mình được chở che, mình có một cận vệ trung thành lịch duyệt, và một trái tim
để tỏ bầy.
Nhưng linh cảm riêng vẫn ngăn Mây không thố lộ mọi điều
trong lòng mình với Thu, những điều có liên quan đến Các. Bây giờ nằm một mình trong đêm dưới ánh đèn,
Mây vẫn thấy được ánh mắt long lanh sắc bén đợi chờ của Thu, tựa như mắt của
một con sói chờ mồi nhưng biết làm yên lòng cô bé quàng khăn đỏ. Dẫu chậm chạp và dễ tin người, vẫn có những
điều vô hình bao bọc chung quanh thái độ hành động của Thu làm cho Mây thấy
nghi ngại -một niềm băn khoăn không rõ
tên tuổi.
Như đêm Mây hẹn đi rong cùng anh Văn. Mây dặn qua với Thu là sẽ về trễ nhưng không
nói đi với ai. Tiếng đồng hồ sau, anh
Văn nhận được tin nhắn lúc đang lái xe, nhưng anh không trả lời điện
thoại. Mây về đã quá khuya nên ngủ dậy
rất trễ. Khi Mây thức giấc, Thu ở đâu về
tới, lấy đồ dùng. Thu chào Mây qua loa,
nói anh Văn cho Thu quá giang về đây và anh đang chờ ngoài xe. Mây mau mắn chạy ra chào anh, Thu cũng theo
ra. Mây chưa kịp hỏi han hết câu với anh
Văn, Thu đã lẩm bẩm với Mây ổng còn đang
nghĩ là em gọi ổng đêm qua nữa chứ.
Nhìn thái độ như oan ức không chỗ phân trần, Mây ngạc nhiên. Hôm sau Mây ghé nhà, anh Văn mới giải thích,
là tối kia lúc đang đi với Mây thì có phone, số phone là của nhà em, mà em đang ngồi với anh thì không lẽ Chín còn
thức giờ đó mà gọi. Chín xác nhận
không gọi, nó đã ngủ từ lâu. Phải một
tháng qua đi Mây mới hiểu đó là cách Thu muốn biết Mây đi với ai. Là mê ám hay là tò mò thì Mây không thể hiểu
hay tin được, và một tuần lễ ở Paris
cùng Thu cũng để lại lòng Mây một cái gì khó giải thích.
Cái thành phố Paris
ấy nhiếp hồn mình lần đầu đặt chân xuống.
Paris đẹp không chỉ vì những kiến trúc
danh tiếng, những địa điểm văn hóa lâu đời, mà Paris còn đẹp vì những con lộ, những tầng
hầm. Đại lộ Champs Elysée “đại” ở cái lề
đường mênh mông đủ chứa một biển người, trong khi nơi khác thì đường lót đá
tảng tròn tròn nhẵn bóng đi lộp cộp gập ghềnh như thủ đô thời trung cổ. Lối khác lòng đường hẹp mát rượi dưới những
tàn cây cao và rải rác những bàn cà phê nho nhỏ. Đứng bám trên “tram” đi vòng vòng thành phố
tưởng mình về lại Chợ Cũ, Hàm Nghi… với
những tòa nhà kiểu dáng màu sắc quen thuộc, xe cộ rối vòng ở những ngã sáu, cả
đến những con bồ câu bay xuống dành mẩu bánh mì cũng gợi nỗi thân quen. Bước xuống Paris tưởng đứng giữa Sài Gòn năm cũ.
Một tuần rong chơi ở Paris
có lẽ là chuỗi ngày đẹp nhất và là điều đáng nhớ nhất trong tình bạn với
Thu. Lúc thì đi taxi ra tháp Eiffel mua
vé lên đủ 3 tầng của tháp để xem cho rõ thủ đô.
Xuống rồi Thu dẫn Mây đi qua hai dãy phố, leo 5 tầng thang lên một quãng
trường rộng. Đứng nơi đó mới có thể chụp
hình ngọn tháp được toàn bộ. Hai đứa đi
bộ ra một cái bùng binh xe cộ rần rần, Mây cười hớn hở với mấy anh Tây lái xe
vui tính. Rong chơi phố phường, vào vườn
xem tượng xem cây, quanh ra ngõ “rệp” đường đá tảng đậu xe mỗi lề 2 hàng song
song, lòng đường hẹp té. Mây thấy sao xe
bên Tây cái bumper mỏng lét !!! Lê la
uống cà phê vỉa hè nơi các danh họa, các nhà nghệ sĩ nổi tiếng xưa đã từng có
lúc ngồi đồng với ly cà phê đã nguội và khói thuốc tan loãng. Đứng dưới cột đèn xanh đỏ tân kỳ hơn bên Mỹ thấy
vui vui tạm quên cái khinh khỉnh của Tây ghét Mỹ ghét luôn du khách nói tiếng
Anh (!) Tối hai đứa về ăn tiệm Tàu có
ghi danh hát karaoke, Thu cũng hát cho Mây một bài thịnh hành lúc đó. Ngày mai đi tàu trên sông Seine rồi xuống phố
Việt mua quà lưu niệm. Hôm kế đi metro
để tới Montmartre . Đi metro cũng là đi vào thành phố dưới lòng
đất, với đủ thứ tiệm hàng hóa như trên “dương thế,” và không chỉ một mà có hai
tầng metro dưới lòng đất. Vào Sacre
Coeur, Mây thích nhất lúc dạo quanh khu bán quà lưu niệm, bán tranh, ngắm những
họa sĩ vẽ truyền thần cho du khách.
Thu tỉ mỉ giải thích mọi thứ cho Mây, đây -bác này xin tiền
trên metro rất đúng điệu, ngả mũ nói đôi lời, đàn một bài, và ngỏ lời cám ơn
quí vị chung quanh. Với tay vĩ cầm trên
quán vỉa hè lúc hai đứa ăn sandwich với gan ngỗng mà Mây chỉ thấy như gan gà
(!) thì cái cách Thu chồng tiền quarters lên nơi góc bàn cho nghệ sĩ ấy là một
cách trân trọng. Dù chỉ có một tuần, Thu
dẫn Mây đi gần hết những chỗ mà sau này có dịp xem trên sách báo internet Mây
mới biết là những địa điểm du khách nên ghé.
Còn vài hôm là hết, Thu gọi thằng Phú tàu lai nói bập bẹ tiếng Việt tới
chở Mây và Thu qua tỉnh kế bên, một địa điểm du lịch của nơi đó để thăm ông Mập
và quán ăn của ông. Ông Mập là một bạn
Tây của Thu, đã để cho Thu và Mây chiếm ngụ căn apartment của ông ở Paris , căn hộ trên tầng
lầu năm trong khi phải đậu xe ở tầng hầm thứ 7.
Đường đi đẹp, 3 tiếng lái xe nhưng thật đã đời, đẹp như mơ. Ngang nhiều cánh đồng, những bó rơm đánh tròn
như những thùng dầu nằm lăn lóc trên khoảng trống dưới trời mây gợi lại những
bài hát tiếng Pháp lời Việt thuở bé nghe Thanh Lan Bích Trâm hát. Đặc biệt ở một trạm xăng, Mây bắt gặp một bàn
cầu xổm giữa những bàn cầu ngồi hiện đại nơi phòng vệ sinh rất sạch sẽ và to
rộng. Lúc đó Mây nghĩ dù sao cũng không
phải là dân Việt mình lạc hậu !!!! Quán
ăn nho nhỏ xinh xinh, và ông Mập rất tế nhị bên bạn. Ông dẫn cả bọn xuống hầm rượu, lựa lấy một
chai mà ông bảo là tuy chưa xuất sắc nhưng uống được. Lần đầu tiên Mây biết rượu chát, và uống hớp
rượu đó rồi về lại Mỹ cho đến nay cũng chưa tìm được thứ rượu nào đúng mùi vị
như thế. Một hớp vào miệng, không ngọt
không chua không nồng, chỉ thơm lừng ngây ngất, và khi nuốt xong mới thấy miệng
của mình còn tráng một lớp mỏng vị chan chát dễ chịu, vẫn còn thoang thoảng
hương rượu. Mây sung sướng với cảnh lạ
đường xa tạm quên cái dằn vặt trong cuộc tình với Các. Mây hát luôn miệng trong suốt quãng đường dài
lúc trở về.
Đêm cuối, hai đứa vào một nhà hàng Tàu khác. Anh bồi là một người Việt còn trẻ và điệu
nghệ. Anh mở một chai rượu và nói đó là
phần của anh đãi khách. Hai đứa hả hê ăn
nhậu tỉ tê, khi đứng lên ra về thì Mây đã say hết biết. Mây chỉ kịp nhảy lên giường là ngủ như
chết. Nửa đêm, trong cái nóng hầm hập
của cơ thể, một bàn tay luồn dưới áo xoa lưng cho Mây. Mây giật bắn mình tỉnh hẳn, nhưng nằm im và
vờ xoay ngửa người ra nằm đè lên bàn tay ấy rồi lại rơi vào giấc ngủ. Sáng dậy Thu kể lể, hôm qua thấy chị ngủ mệt nhọc lăn lộn em tính xoa lưng cho chị mà còn
nằm đè lên tay người ta. Mây vờ như
không biết, nhưng thầm nhớ xót xa những đêm riết róng mồ hôi bên Các, cái ấm
nồng yêu thương không bao giờ tìm lại được.
Hành trang về lại Mỹ của Mây mang thêm chút lòng nghi ngại. Những gì chưa nói được có lẽ sẽ không bao giờ
được nói.
Thu luôn nhẫn nại đợi chờ, nhưng Thu và Mây đều biết -Mây sẽ không bao giờ nói rõ chuyện gì đã xảy
ra giữa Mây và Các. Mây phải nói sao với
Thu, khi Mây đã biết rằng Các sẽ không bao giờ lấy Mây vì Ba không bằng lòng -và dù dứt tình Mây vẫn đi với Các. Mây nói gì với Thu, khi mỗi đêm tan sở Các
đều hẹn Mây ra quán rồi hai đứa ăn một món gì đó và vẫn không nói được gì với
nhau, có giải quyết được gì đâu một số phận.
Không biết bao nhiêu lần Mây nhủ lòng từ chối, rồi nhớ Các thiết tha Mây
lại đi với Các, chỉ để nghe tiếng nói, chỉ để nhìn lại cái vóc cao gầy, và để
biết mình tuyệt vọng. Có hôm nhớ Các
điên cuồng, Mây lái xe qua nhà chỉ mong nhìn thấy bóng dáng Các, hoặc lúc không
chặn được nỗi nhớ, Mây xông đến gặp Các, và thật lạ, lúc đối diện với Các thì
Mây lại chỉ thấy một xúc cảm lạnh nhạt nhờ nhờ, Mây cứ ăn chắc đây là lần cuối
để rồi mai lại về đúng chỗ của lòng, một nỗi chán chường. Nhiều lúc Mây nghĩ mình cố nuôi vết thương lòng
đang phai vì một mai khi nó lành lặn có lẽ chỉ còn một cuộc đời vắng lạnh mênh
mông. Nghĩ đến đó, Mây thương hại mối
tình của mình, thương xót cho mình. Đêm
lạnh cứ ơ hờ chầm chậm phủ lên vai như những giọt nước ngoằn nghèo lăn xuống
nơi mặt kính xe, từng đêm, hằng đêm, như đêm nay.
Tiếng đồng hồ tích tích êm trong đêm vắng, trang sách mở ra
vẫn ở yên trên cánh tay nghiêng. Mây
nhìn chữ mà không đọc được gì. Lẩn thẩn chầm
chậm, dưới ánh đèn vàng, Mây nhớ những lần cãi nhau vặt vãnh. Lần đó khi Mây kể chuyện viết trong hồi ký:
nhà giáo Nguyễn Hiến Lê lấy 2 vợ, nhất là cái cách ông kể lại, Các đã lạnh lùng
cười khẩy, hỏi sao Mây tin những chuyện trời ơi nơi trang sách. Lúc đó bật ra cái khác biệt giữa Các -một người năng động đầy sức sống, sáng tạo, và
thực tế -và Mây, ngơ ngác vẩn vơ thụ động.
Nhưng khác biệt không dừng ở đó.
Các từng chịu không nổi phải thở than, chưa thấy ai luôn nhắc về Má như
Mây. Các không hiểu tại sao không là Ba,
người ảnh hưởng mạnh đến các con vì là người dẫn đưa dìu dắt từ học vấn đến
đường đời, như Ba của Các, mà lại là Má ngự trị trong mọi nghĩ suy sinh hoạt
của mình như Má với Mây. Dĩ nhiên Mây
cũng hỏi điều ngược lại rồi thầm trong đêm vắng tự hỏi sao mình cách biệt nhau
đến vậy. Mà Mây vẫn yêu Các thiết tha cả
khi cái cư xử khôn ngoan của Các làm Mây thương tổn.
Làm sao được, Ba Các không ưng Mây nên Mây chỉ đứng trong
bóng tối. Những dịp họp mặt lễ lạc,
những buổi đấu banh của Các, Nhi luôn đứng bên Các như một đôi thiết thân và
Mây chỉ là một khán giả trong đám đông.
Các nói hoàn cảnh đặt mình vào chỗ đó.
Ừ, nhưng hoàn cảnh đâu bắt buộc Các phải nhận và đáp những ân cần chăm
sóc của Nhi? Hoàn cảnh đâu bắt Các phải
dấu Nhi về quan hệ với Mây? Mây buồn rầu
nhận ra, cũng như Thu, Các cho mình cái quyền được thụ nhận ân tình của người
khác khi vẫn có bên mình một mối tình riêng, cho rằng mối tình đó đứng trên
những eo sèo nhân thế.
Cuốn sách trên tay rớt xuống mặt đất, đồng hồ bật lên báo
thức với chương trình tin tức từ radio.
Mây với tay tắt chuông. Lại một
dấu ấn của Các: nghe radio talk show đài 640 AM. Tha hồ tranh biện, đẩy suy nghĩ niềm tin của
mình tới chỗ tận cùng, thường là câu hỏi mình sẽ làm gì nếu đó là mình với
những điều kiện nhu cầu hoàn cảnh đặt ra. Dấu vết của Các trong đời Mây, là khác
biệt hay là yêu ái, đều quá nhiều quá chi ly -quay bên nào cũng chạm phải. Làm sao Mây quên được Các? Đêm nay cũng như đêm qua. Và đêm mai rồi sẽ tới. Dẫu đêm ngắn lại dẫu ngày chậm đến dẫu mặt
trời không mọc, Mây biết sẽ không tìm được câu trả lời nơi bóng đêm. Ngày sẽ vẫn dài, đời vẫn mỏng. Mây nhắm mắt.
Mây ước mình ngủ được một giấc lâu lâu, càng lâu càng tốt.
Trời ửng dần lên, Chín đã dậy sửa soạn đi học như mọi
ngày. Mây nằm im trên giường không còn
hơi sức, không biết mình muốn gì nữa với cuộc đời này.
Bẩy giờ sáng, Thu gọi.
-Chị, đi ra ngoài?
-Thôi, mình muốn ngủ.
-Vậy lúc nào dậy gọi em.-Ừ, bye.
Mây lắng nghe tiếng sột soạt của cơ thể trên tấm nệm nhàu
nhĩ và hực hơi người. Căn phòng này vẫn
vậy mà Mây tưởng như mình đang nằm ở một nơi nào xa lạ.
Một hình ảnh bé thơ chợt hiện về. Mây và thằng Tỉ Mập chơi trò tung hứng với
một trái banh bằng rơm vo lại. Trái banh
nhẹ và cỡ hơn trái cam, hai đứa 7,8 tuổi cứ ngửa mặt lên trời chờ nó rớt xuống
để đánh bật nó lên không. Có vậy thôi,
mà niềm vui mà tiếng cười như truyền nhiễm như nước tràn, đã lan ra rồi không
cách gì thu chứa lại. Mồ hôi ướt đẫm
lưng, trán; mặt 2 đứa đỏ bừng. Đã mấy
giờ tối? Mây phải chạy vào nhà xem chừng
Ba đã gọi đi ngủ hay chưa. Khi Mây trở
ra, thằng Tỉ Mập vẫn chờ, nhưng không gian sao như nguội lạnh, đứt có 10 phút
mà trò chơi trở nên gượng gạo, tiếng cười chợt như giả dối. Năm ba phút sau trò chơi chấm dứt. Cảm giác nhàn nhạt ngỡ ngàng ấy như cái kim
gút vào trí nhớ bé thơ của Mây.
Cả những niềm vui nỗi buồn vụn vặt cũng còn có riêng những lý lẽ không hiểu được huống chi tình yêu. Dù ai có nói sao chăng nữa, dù Mây có thiệt thòi bao nhiêu đi nữa, thì Mây vẫn yêu Các. Mây không biết mình còn có thể yêu ai hơn Các, và còn có thể tìm thấy nỗi thấm hòa với ai khác như những khi cùng Các cất tiếng cười vang - lúc đàn đúm dóc lác, khi dầm thân dưới mưa đêm, khi co ro những sáng lạnh nơi biển vắng, khi văng mạng tranh biện cho tới cùng một chủ đề, khi thuần phục để cho Các dẫn mình đi những bước dọ dẫm vào cuộc đời xa lạ, thử một món ăn dự một cuộc chơi, đến một khung cảnh mới, và nhất là, lúc im lặng bên nhau ngước mặt nhìn mây.
Im lặng bên nhau, đó là khoảng thời gian Các học vẽ. Những nhát cọ thô sơ, màu sắc và nội dung cứ
như là đánh nhau trên khuôn vải. Những lúc
Các thất vọng vì không tô được sắc trời, hay vì bố cục vụng về không vẽ ra được
cái bao la, Các thường nắm tay Mây ánh mắt thoáng chút buồn rầu cặp mày cau lại
-rồi khoát tay, Các lại cùng Mây xếp dọn cọ sơn để ra đầu ghềnh đón hoàng
hôn. Dần dà, màu sắc rồi cũng bị nét cọ
chế ngự -và Mây thấy như mình dần bị
nhốt vào từng bức vẽ ấy -hóa ra không chỉ Các đắm say mà chính Mây cũng chết
chìm trong biển sắc. Về sau, những khi
Các đắm vào những bức vẽ thì Mây lại bày trò lăm lăm máy ảnh như muốn ghi lại
tâm hồn của Các lúc hòa ra những sắc màu khoát ra những nhát cọ. Quanh quẩn bên Các, dù không làm gì Mây vẫn
cảm thấy êm ấm, tới nỗi Mây nghĩ mình đã thành tấm khăn Các dùng để lau những
cái cọ, thành lọ nước Các dùng để hòa mầu.
Mây không băn khoăn gì khi biết mình sẽ chẳng còn yêu được ai, và khi
bước chân đi Mây sẽ phải chịu mất một phần của chính mình.
Nhưng Các rất thương của Mây, Các có thể kiêu hãnh cho rằng
mối tình của chúng ta đứng trên mọi tầm thường của xã hội -tựa như Thu yêu anh Thiện; nhưng cũng như
Thu -khứng nhận ân tình của Phương, của
Nhi trong sự mù mờ của họ có khác nào tình dối với tình. Một mối tình ngoại lệ thì có thể được cứu rỗi
vì uẩn khúc, nhưng hai ba mối tình thì tất cả những mối tình ấy trở nên tào lao. Dẫu Các tài năng bản lãnh, dẫu Các nghĩ mình
khác thế gian và xứng đứng bên trên để đón trao cùng lúc nhiều mối ân tình, nhưng
đó cũng chỉ là khôn khéo chứ chẳng phải tình.
Gió trời chỉ cần những tiếng lòng dù thảng thốt, mưa trời chỉ đợi hòa
những giọt tình trong ấm, sắc trời chỉ thắm với màu máu của tim. Khôn khéo làm vẹo đi những nhát cọ lệch đi
những nét vẽ nhòe nhoẹt những mảng mầu sắc đã tạo nên hồn của các bức
tranh.
Mây ngồi dậy đi rảo quanh phòng, lần lượt gỡ xuống tất cả
những bức tranh của Các xếp gọn ghẽ vào một góc. Xuống ga ra Mây lục tìm tất cả mọi hộp đựng
khung tranh khệ nệ mang vào phòng. Mây
ngắm nghía từng mảng mầu sắc, từng nét cọ.
Một giọt nước mắt lăn xuống má, nhưng Mây kịp đưa tay quệt giữ không cho
nước mắt rơi xuống tranh. Không thể làm
hoen ố hồn mình. Từng bức vẽ vào nằm lại
trong hộp. Mây xếp gọn ghẽ toàn bộ tranh
thành một chồng. Bộ chân dung Mây chụp
cho Các đã hoàn tất và bức ảnh cuối cùng mới in để thử màu sắc Mây cũng gói vào
một hộp để lên trên. Lấy tấm ra giường Mây
gói ghém chồng hộp như một gói quà vuông vắn.
Với tay lấy hai sợi thừng kết tua cột bộ màn cửa, Mây cột gói quà khổng
lồ lại rồi đẩy vào một bên đầu giường.
Ngày mai _ không phải, hôm nay, lát nữa đây khi thức dậy,
Mây sẽ xin sở chuyển đi nơi khác để không phải tự dối mình những khi Các gọi
điện thoại “hỏi thăm” Nhi, những khi cầm phải một món đồ ai đó gửi tặng Các để
trong xe. Và Mây cũng sẽ không trở lại
thế giới của Thu để thắc mắc rằng Phương có biết. Mây sẽ ngủ một giấc thực ngon. Khi thức giấc dẫu không tìm được bóng mình
nơi gương cũ, Mây biết ngoài kia nắng vẫn chờ soi hạt bụi trong và mây sẽ vẫn
đợi dù chỉ còn một đôi mắt lẻ.
chiếc gương cũ in môi cười khác
vạch mầu son một nét hồng nhan
Lưu Na
06/27/2013
*Trần Mộng Tú - Tuổi
Mới
No comments:
Post a Comment