Ghiền
Bây giờ cô ghiền đi cà phê với họ. Hai ông bạn già, gặp nhau ở bàn cà phê vỉa hè
êm ả lúc 10 giờ sáng. Một ông thì chỉ
biết viết rồi quên luôn tác phẩm đã in; một ông thì thỉnh thoảng làm thơ, bây
giờ dù hết làm thơ vẫn yêu thơ yêu chữ và mang hết cái lòng yêu con chữ đó đổ
xuống việc phục hồi những cuốn sách đã một lần xuất hiện trên cõi đời này; và
cô, một đứa ngớ ngẩn. Cuộc cà phê hình
thành khi một ngày cô đưa khoe ông Thành, người mê chữ, cuốn sách cô tự
làm. Ông cười khà khà sung sướng thấy có
người cũng mê “làm” sách như mình. Cầm
cuốn sách vụng về trên tay ông vui vẻ chỉ cho cô những chỗ có thể sửa cho đẹp
hơn, layout trang chữ sao cho bắt mắt, bìa có màu gì thích hợp, và phông chữ cỡ
nào thì cân đối… Cô sung sướng tặng ông
cuốn sách duy nhất đã “sáng tạo,” và cà phê mười giờ bắt đầu.
Bàn cà phê bằng sắt đan như tấm lưới tròn, vài cái ghế dựa,
cô ngồi với hai ông dưới bóng mát của cái dù xanh bằng vải bố, mỗi bàn một cái
dù kề một gốc cây hay một chậu kiểng. Rải rác vài khuôn mặt quen của phố Bôn sa,
những người trốn cà phê ồn ào nơi khác nên ghé cái hẻm này. Phần nhiều họ chỉ rì rào chuyện vãn, nhưng
cũng có lúc xen vào một bàn có nhiều đại ca văng đủ thứ! Vỉa hè sát tường cao nên không ngại nắng,
nhưng gặp hôm gió Santa Ana thổi về, dù ngã sập lôi theo ghế bàn, dân cà phê
nhớn nhác cùng chủ tiệm dựng dù sắp lại bàn ghế, hai ông cười vui nhìn lá chậy
lao xao dồn về một phía rồi cùng la hoảng ướt, ướt… Cà phê đổ, những giọt nâu sánh văng lấm tấm
lên mấy cuốn sách cũ mèm. Cả ba người loay
hoay lấy giấy chậm nhẹ, như âu yếm lau mặt cho em bé. Cà phê sáng nơi vỉa hè này đã thành điểm hẹn
cho ba con ghiền - ghiền sách, đặc biệt sách cũ!
Sách cũ, có cuốn sách đã được tân trang, nghĩa là được lau
chùi sạch sẽ, bọc lại bằng bìa ny lông.
Đó là những cuốn may mắn trong cuộc phong ba. Có những cuốn rách gáy, mất chữ, bị bôi bẩn
vì mực, vì bị lăn lóc lâu ngày nơi vỉa hè hoặc trong gánh ve chai _ những cuốn
ấy lấy nhiều công sức của ông Thành hơn.
Ông phải tìm cách phục hồi từng trang, nghĩa là rỡ tanh bành cuốn sách
ra, cầm từng tờ giấy vàng sắp mục ấy mà gượng nhẹ lau chùi tẩy vết bẩn, rồi đi
tìm những con chữ, đúng hơn là từng mẫu tự sao cho vừa vặn giống như mẫu chữ
trong nguyên bản để cắt dán điền vào chỗ trống cho hệt như đã được in ra. Ông photocopy lại từng trang trên hai mặt
giấy, rồi lại hì hụi khâu dán cuốn sách photocopy lại với bìa cũ tuy giữ nguyên
nhưng cũng đã được chăm sóc phục hồi. Đặc
biệt, có cuốn sách bìa sau đề tranh bìa
của Ngọc Dũng nhưng tranh bìa ấy không còn, ông gò công tìm cho ra một bức in
tranh khác cũng của Ngọc Dũng và hoàn toàn matched với màu sắc và trang trí của
bìa nguyên bản rồi ghép lại trông hoàn thiện như bìa nguyên thủy! Ông gói từng cuốn sách đã được tái tạo ấy như
món quà bằng những trang tạp chí dầy và tặng bạn, một cho nhà văn quên tác phẩm
và một cho cô.
Mỗi buổi cà phê cô lại được dịp nhìn thấy một cuốn sách thuở
cô chưa biết đọc: tạp chí Văn số Xuân 1968, Văn chủ đề Hà Nội, Tuyển truyện với
những cái tên như Huỳnh Phan Anh, và Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân. Cuốn Vang Bóng… cô dở từng trang để cảm nhận
cái lòng yêu chữ yêu sách của người xuất bản, những trang sách layout thật mỹ
thuật và có nét sáng tạo riêng thuở ấy, đọc cuối trang để biết sinh hoạt in ấn một
thời. Bao nhiêu là công sức tim óc, và
nhất là, thấy một bước tiến xa đã bị xóa nhòa.
Đi kèm với mỗi quyển sách là một kỷ niệm nào đó của văn nghệ sĩ: chủ nhà
xuất bản Nguyễn đình Vượng đối với anh em chữ nghĩa ra sao, tòa báo hoạt động
thế nào, layout trang báo đem in qua những chặng gì, giấy in có những loại nào
khổ bao nhiêu, giá tiền…, thời đó ai viết mới, ai chọc trời khuấy nước ai nhiều
độc giả ai vắn vỏi đường đời. Ông còn
chỉ cho cô những ghi chú của độc giả: một
ngày thật buồn chán, kỷ niệm buổi…, tặng ông…, vân vân. Đọc những giòng ghi chú hay cảm nhận bất
ngờ ấy là cả một sự thích thú cho cả ba người, tưởng như thấy được người dân
lúc đó sống ra sao, nghĩ gì.
Tìm được 1 cuốn sách, ông Thành thường ghi lại nơi trang đầu
một vài chữ đánh dấu công việc đi tìm kiếm sưu tập lại những gì đã bị tịch thu,
xé, đốt, hủy diệt. Phần thư, ông dạy cô
ý nghĩa chữ ấy, và quả thật, chúng ta đã có một cuộc phần thư như cái thời Tần
Thủy Hoàng đốt sách thiên hạ. Trước nụ
cười nhẹ nhàng của ông Thành, những cuốn sách ông sưu tập và phục hồi lại như
nặng xuống vì nó mang theo mình di tích xã hội đau thương và nước mắt của những
người bị cướp mất cả đứa con lẫn chiếc nôi.
Cô những tưởng ông yêu sách cũ vì lòng hoài niệm hay vì tính
thích sưu tập đồ cổ, nhưng cô phải lắc đầu vì sự mê sách đó đi xa hơn chuyện
giữ cho riêng mình. Khi cô vui miệng
nhắc một vài quyển sách xuất bản bên này mà cô muốn có nhưng đã không còn trên
thị trường thì buổi cà phê tới ông Thành đã trao tặng. Ông hân hoan cho biết, tôi mua mấy chục bộ để dành.
Đầu cơ tích trữ? Đúng một
nửa. Ông biết sách đó quý và sẽ tuyệt
bản nên mua, phòng sau này có ai cần thì tặng!!! Sách in bên này dù rẻ cũng không là rẻ, loại
sách dày giá trị càng mắc hơn, mà bỏ tiền ra mua chỉ để dành tặng cho ai cần,
tốn thêm tiền cước gửi về Việt Nam
cho những em trẻ cần sách nghiên cứu làm luận án v.v… Dường như ông sướng lắm khi được nói về sách,
khi làm lại được một quyển sách, khi tặng được cho người một quyển sách!!!
Có bữa tò mò cô hỏi ông một câu như thách đố, và cô được
nghe ông nói về một tác giả mà ông yêu thích.
Ông đưa nhận xét, suy nghĩ, và còn xúi cô viết về tác giả ấy. Ông sao lục những bài viết liên quan cho cô
dành làm tài liệu, còn hứa sẽ giúp chuyện in ấn. Mắt ông lấp lánh như đã thấy sẵn cuốn sách sẽ
được hoàn tất, tựa con ghiền ngửi được mồi thuốc phiện cháy xèo. Con ghiền đã thôi viết đốc thêm vào, con
ghiền ngớ ngẩn cũng mơ màng hẹn sẽ...
Thì cứ hẹn mười giờ.
Lưu Na
10/14/2013
No comments:
Post a Comment