Saturday, October 12, 2013

TẢN MẠN BÊN TÁCH CÀ PHÊ


Một thoáng hồi tưởng:
Đi tìm bóng nắng khuya

Nguyễn Xuân Thiệp



 
 


Bạn thân mến,
     Hôm nay, dưới bầu trời nhiều mây ngồi nhớ nắng, Nguyễn muốn được cùng bạn hiền sống lại một vài khoảnh khắc văn học nghệ thuật nơi xứ người qua một bài viết đã lâu.
     Vâng, cũng đã khá lâu rồi... Một chiều Thứ bảy, lái xe vượt trên mấy trăm dặm đường, Nguyễn tôi đi tìm Bóng Nắng Khuya của Ngu Yên. "Bóng Nắng Khuya", cái tên nghe có vẻ siêu thực, là nhan đề một CD nhạc Ngu Yên. Anh chàng này thật lắm tài: thơ, rồi nhạc, đạo diễn sân khấu, tấu hài, thổi kèn tò te tí te kiểu Trần Văn Trạch...  Vừa rồi, trong buổi ra mắt sách của Phan Xuân Sinh ở Houston, nghe Nhật Hoàng và các bạn ở báo Trẻ nói, anh chàng lại độc diễn một màn Liên Khúc Xe Lửa làm thiên hạ cười bò, mê ly.  

   Trở lại với Bóng Nắng Khuya. Nhân nổi hứng văn nghệ, nhóm Bạn Và Nghệ Sĩ ở Houston tổ chức một buổi trình tấu nhạc Pop và Jazz, giới thiệu dòng nhạc Ngu Yên. Người hát là Nguyễn Thảo và Julie (Quang), hòa âm của nhạc sĩ trẻ Lý Gia Niên. Ban nhạc The Beat, có tăng cường thêm cây guitar Chí Thiện từ Dallas đến. Hỏi Ngu Yên Nguyễn Thảo là ai, hát hò ra sao. Ngu Yên nói qua điện thoại: "Ông nghe nó hát hết hồn luôn."
      Nguyễn có tìm thấy Bóng Nắng Khuya không? Chuyện sẽ được phân giải ở hồi cuối. Nhưng phải nói rằng buổi trình tấu Pop & Jazz của Ngu Yên và ca khúc của những nhạc sĩ  danh tiếng Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương..., thật sự nhiều bài nghe rất đã, rất phê. Về ca sỹ Julie, cứ nghĩ cô mang dáng vẻ sầu muộn, nhưng sao Nguyễn trông cô tươi trẻ thế, như một hóa thân kỳ diệu. Hiền nội  ngồi bên cũng đồng ý như vậy. Julie hát, và quyến dụ mọi người. Nguyễn Thảo có giọng khỏe và nhiều âm vang, không có những tiếng nấc, luyến láy làm dáng như kiểu ca sĩ chuyên nghiệp. Nguyễn thích tiếng hát của anh qua ca khúc Tình Cờ Em Bỏ Tôi của Ngu Yên và Chiều Một Mình Qua Phố của Trịnh Công Sơn, Đường Chiều của Hồng Duyệt. Ban nhạc cũng chơi đầy hứng khởi. Người nghe vỗ tay từng hồi theo tiếng guitar của Chí Thiện bùng lên ngẫu hứng. Ít khi điều này xảy ra trong một buổi nhạc thính phòng bình thường.
     "Bóng Nắng Khuya" của Ngu Yên cũng không giống những CD khác.  Trước hết, ca từ là những lời thơ. Xin hãy nghe: Một giọt nắng khô đã héo bên đường / Gặp dòng nước mưa vừa ướt hồi sinh / Thoáng ai đi nhìn lui tóc bạc / Vẫn thấy người làm thơ ướt mưa rơi... Và những câu: Mai em đi theo gió, cho chị buồn trằn trọc đêm khuya / Mai em đi theo nắng, cho chị chờ vàng vọt tháng ngày... Và rất nhiều, rất nhiều những câu như thế. Có cả  "mùi hương nước miếng bao năm còn nồng". Thơ cũng như nhạc Ngu Yên là một kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Ngoài nét lạ của nhạc chát chúa Pop Rock bây giờ, ta còn bắt gặp cái hồn của Blues, Jazz  thuở nào trên phố khuya Sài Gòn, vọng ra từ phòng trà Tự Do, Mỹ Phụng. Hãy nghe thử một bài trong "Bóng Nắng Khuya" - ca khúc Chị Em chẳng hạn- để hồn tan trong cơn đau lãng mạn buổi sớm mai đời.
     Cuối cùng, Nguyễn xin được nói về những bóng ảnh và sắc màu của hồi ức sống lại trong buổi trình tấu nhạc Pop & Jazz của Ngu Yên và các nghệ sĩ. Đây đúng là bóng nắng khuya chợt dậy trong tiềm thức. Vừa mới bước vào tiền sảnh của Jones Auditorium là nhớ tới Cao Đông Khánh (Ôi, Cao  Đông Khánh, giờ đang ở đâu trong bóng trăng ngoài khơi vịnh Frisco?). Nguyễn vẫn thường gặp Khánh ở những buổi như thế này, và tiếng nói cười yêu đời của bạn. Rồi hình ảnh của Sơn trên những Vết Lăn Trầm và Chiều Một Mình Qua Phố. Ôi Đà Lạt, Sài Gòn của tôi. Nghe Nguyễn Thảo và Julie hát Vũng Lầy Của Chúng Ta mà nhớ Lê Uyên Phương. Các bạn ơi, những bông hoa tường vi hái trong vườn chiêm bao ngày nọ vẫn còn hương thơm ám ảnh. Les jours s' en vont je demeure...Ngày đi qua. tôi còn ở lại * Và Nguyễn đã gặp lại hình bóng mình trên đường Catinat ở chỗ đổ ra bến tàu với "chim én bay đầy bầu trời chiều thành phố Sài Gòn" của Thanh Tâm Tuyền, khi Nguyễn Thảo cất tiếng hát "Chiều xóa thành đô... Lá rơi... Lá rơi... trên đường chiều... " Có phải như thế không, ơi bạn hiền thơ ấu?

2003
*Thơ Guillaume Apollinaire

NXT

No comments:

Post a Comment