Nguyễn Anh Khiêm
Hẻm Sài Gòn
23
Túp
nhà nhỏ của tôi ở Phú Nhuận còn chừa khoảng sân con phía trước, đáng lẽ xây
thêm được vài phòng nhưng giống như cư dân Hội An ngày còn chinh chiến, không mấy
ai đủ tiền sửa nhà nên sau này, may vẫn còn phố cổ. Tôi thì có khác, chẳng có
cái may nhà cổ mà mãi chỉ là nhà cũ. (mỗi lúc xem TV Đà Nẵng, thiệt mệt nghe mấy
cô nhà đài phát âm uốn éo phố cổ thành phố cỗ.) Chiều ngang hẹp tré, bề cao thấp
chủn, phía trong mới có cái gác xây thêm giữa những năm 80 là nột nỗ lực phi
thường. Gần nửa thế kỷ lãnh lương giáo viên, lại giáo viên văn - chao ôi, văn với
vẻ - có cơm ăn áo mặc sống tới giờ, tôi hằng liên miên cám ơn đấng bề trên
thiêng liêng. Nhất là chuyện sống sót sau cuộc chiến điên cuồng bạo liệt, xuẩn
ngốc và tận cùng vô ích. Tuổi lính tráng của tôi rơi đúng vào độ cuộc phân
tranh nam bắc khốc liệt ngập tràn máu xương; thanh niên cùng lứa trong làng độ
vài chục mạng, chết cho XHCN miền bắc hơn phân nửa, cho miền nam tự do ít
hơn, tính lại chỉ còn vài ba người và tôi sống sót. Vậy nên tôi ít cầu ước gì
thêm, nhân loại lúc nhúc sinh sôi như chuột, riêng biệt xứ ta, phải kể thêm, chắc
nhờ kiếp trước khéo tu hay khéo che mắt thần linh, đội ngũ chuột hùng cường đục
khoét của dân hết cả, mình chỉ chuyên làm thuê, được thế này quý lắm rồi; lại
còn bao nhiêu sinh linh đau khổ thấu trời tận chốn sơn cùng thủy tận, làm sao
các ngài nhớ xét tới mình được.Tôi cũng ít khi van xin tổ tiên ông bà vì ngờ có
thương, các cụ cũng không giúp gì được, họ qua đời hết rồi, lấy quyền gì, đâu ra
mà giúp. Nói theo ngôn ngữ CS hiện đại, khả năng được hỗ trợ là rất không
nhiều đành làm thinh cắn răng mà sống.
Dạy Việt văn ở trường cao
đẳng huấn luyện giáo viên tiểu học trên 20 năm, nhìn lại, công đó chỉ là dã
tràng xe cát. Phải chăng chính tôi cũng phải chịu trách nhiệm phần nào đó khi
thế hệ trẻ ngày nay, không hiếm người viết không nổi mẫu đơn trình bày cho rõ
ràng ý tưởng. Không mấy ai tôn trọng quy cách tiếng Việt nên nói càn bừa, lạm
dụng từ LÀ cách điên loạn, nói vài câu ngắn phải lặp cả chục chữ là, vô ích và
chướng tai. (Phương Uyên là trang anh thư lẫm liệt, gan dạ siêu phàm nhưng tôi
thiệt tình buồn bực khi nghe cô nói tiếng Việt chẳng chút gọn nhẹ trên đài
ngoại quốc, ngược lại, cô Lê thị Công Nhân, ông Nguyễn Bắc Truyền là những tài
năng hùng biện hiếm hoi). Tôi chán ngán nghe cô gái dự báo thời tiết “nói chữ”
“mưa cục bộ, nắng cục bộ… nhiệt độ từ 30 lên đến mức LÀ 35 độ”. Phát ngôn chính
thức của TH quốc gia đó nghe.
Trở lại chuyện ngôi nhà
nhỏ, cháu nội gái của tôi học lớp 5, tả cặp cá cảnh và hòn núi giả trước nhà
(tôi có sửa cho cháu vài chỗ chấm câu, vài từ ngữ):
Sân nhà không mấy
rộng nhưng ông tôi vẫn rán chừa chỗ dựng hòn non bộ để ngắm nhìn cho vui tuổi
già. Cũng trên núi dưới nước, núi có cây, tuy ít, nước có cá, nhằm bắt chước
thiên nhiên.
Hồ nhỏ nuôi năm bảy
giống cá nhiều màu sắc, lộng lẫy nhất vẫn là cặp cá tàu màu vàng cam. Thân hình
chúng độc đáo lắm vì chẳng giống ai. Bụng căng tròn như trái bóng bàn, mắt ốc
nhồi lồi hẳn ra như hai viên ngọc trai đính tạm vào đầu. Con người hay vật được
kể đẹp thì phải bụng thon ngực nở, chỉ riêng cá tàu bụng càng phình to, mắt
càng lồi thì càng đẹp. Tôi hỏi ông sao kỳ vậy, ông bảo cái đẹp vô chừng lắm
con, chẳng hạn phụ nữ đẹp mấy thế kỷ trước phải tròn trịa, có da có thịt đầy
đặn chứ không như “người mẫu” khô như xác mắm mới đẹp như ngày nay đâu.
Riêng tôi, cá vàng
đẹp còn nhờ bộ vảy li ti óng ánh vàng đỏ, vây và đuôi như trôi lững lờ trong
làn nước xanh khiến liên tưởng tới tà áo lụa mềm thướt tha trong gió. Cá vàng
rất ưa nhìn còn nhờ cách chúng bơi lội. Bao giờ chúng cũng bơi lượn lờ, nhởn
nhơ. Ngay cả khi đuổi nhau chúng cũng không để lộ sự vội vàng nên trông chúng
hết sức sang trọng đài các. Ngay cả chuyện ăn mồi chúng cũng thong thả như
không thiết gì ăn. Lạ một điều, chúng ít ăn mà bụng vẫn cứ phình tròn vo. Suốt
ngày, cặp cá đùa giỡn, đuổi nhau. Một con lội bên ngoài, con kia ẩn trong hốc
đá. Con bên ngoài bơi vào tìm thì con kia liền thoát ra. Có lúc chúng đuổi nhau
cận kề như con này cắn vào đuôi con kia. Thỉnh thoảng không biết vì đói hay
đùa, chúng mải cạp vào mảng rêu xanh bám trên đá.
Cảnh giả sơn rõ ràng
ít tự nhiên. Ví như lão tiều phu cao bằng mái chùa, ngư ông lớn như nhà tranh,
con cọp to như voi…vậy mà ông tôi ngày nào cũng ra ngắm nghía, chắc để nhớ núi
non quê kiểng ngày tuổi nhỏ. Tôi chỉ thấy bầy cá tung tăng giỡn chơi dưới hồ là
thật và linh động thôi.
Căn nhà kế bên diện tích hệt nhà tôi
nhưng ông cụ người Quảng vốn ham cây cối, trồng tới hai cây mận, một cây vú sữa
và bụi bông giấy um tùm trước cổng. Hai cây mận xúm xít quá đáng nên ốm tong ốm
teo, chẳng chút gì poésie này nọ để mà làm thơ như cây mận nổi danh của thi sĩ
Quách Tấn. Giống bông giấy khá ngược ngạo, càng xanh tốt càng ít trổ bông, chỉ
toàn gai và rậm lá vô duyên; lại tận dụng thân cây vú sữa, đeo bám, leo trèo
tận ngọn. Mùa hè nóng lửa, bông giấy nở lác đác trên…cây vú sữa, trông cũng độc
đáo chút chút. Mấy chục năm, tôi chỉ thấy vú sữa ra trái một vài lần, mỗi lần
vài trái tim tím, chưa kịp chín đã rụng lăn vì bị sâu đục. Cây cối chen nhau
chật ních nên nghiêng đổ về phía sân nhà tôi giành nhau ánh nắng khiến mấy chậu
cây bên dưới ẻo lả tái nhợt, không trổ nổi cánh hoa. Tôi hay càu nhàu, hiền thê
bảo anh dư biết người ta không thể có tất cả một lúc, muốn bóng cây che mát còn
mong chậu kiểng sởn sơ, khó hết sức, đừng phàn nàn mất lòng láng giềng thân
cận. Thế rồi, mấy tháng nay, xảy ra hiện tượng lạ lùng, dân thành phố nằm mơ
cũng không thấy trước đây. Đọc tùy bút (hay chuyện ngắn?) Võ Phiến, nhiều lần,
ông hào hứng kể chuyện tỉ mỉ chim chóc xóm quê. Chiến tranh xô giạt ông ra
thành phố, lâu ngày bồi hồi nhớ chim muông vườn cũ, một sáng thức dậy, thấy mấy
chỗ phân chim trước sân, ông mừng rơn, ngẩn ngơ sống lại tuổi thơ diễm tuyệt.
Tối khuya, ông rình xem thử con chim gì đậu ngủ trên nhánh cây và bẽ bàng nhận
biết, đó chỉ là cứt thằn lằn! Võ Phiến giạt ra đô thành vì chiến tranh, nay
thanh bình, chim chóc bị con người rượt đuổi, tận diệt bằng mọi cách cũng đành
lần lần di cư ra phố. Trên khóm cây nhà tôi, nửa năm rồi, cả bầy chim cu cườm
về đậu nghỉ mỗi chiều, lót tổ đẻ trứng, ca hát tưng bừng từ lúc trời chưa sáng
hẳn. Sau cơn mưa chiều Sài Gòn, tôi lại tha hồ nghe tiếng gáy yên bình như từng
nghe tiếng gáy đổ hồi thong thả trên đọt tre trong nắng vàng nhạt sau mưa chiều
trên bờ khe quê cũ: cặp cu cu, cu, cặp cu cu, cu, cu, cu...Ông ngoại tôi nói
gáy kiểu đó là chim gù ba. Chúng về đông vui, nhiều nhà rải thóc trên sân
thượng giúp chúng đỡ vất vả kiếm sống. Một hôm, anh chim gáy quá tự tin đi vào
phòng cửa kính trên lầu nhà tôi kiếm ăn rồi không biết đường ra. Nghe tiếng
cánh chim đập phành phạch, tôi lên xem, một chàng cu cườm đứng trên nóc tủ, mặt
thất thần lo lắng. Bắt chước chiến dịch đuổi chim sẻ của Mao quân, tôi khép cửa
nhẹ nhàng, đuổi chàng bay lòng vòng chỉ vài phút phải đậu xuống, tôi tóm ngon
ơ. Tôi không ngờ mình làm dễ dàng chuyện kỳ diệu tuổi thơ hằng vọng ước. Giữ nó
một lúc lâu tôi mới đem ra thả ngoài hiên lầu. Chàng bay tót lên cây vú sữa,
tôi bỗng nghe rộn tiếng gáy mấy con khác quanh quẩn trong lùm cây, rõ ràng
chúng đợi chờ căng thẳng và reo mừng người thân thoát nạn trở về đoàn tụ. Quả
thật lần đầu trong đời tôi chứng kiến chuyện yêu thương đoàn kết thú vị khó tin
của một giống chim vốn gần gũi nhưng ta chẳng hiểu gì chúng. Hóa ra tôi may mắn
hơn Võ Phiến, ông “quê xệ” vì lầm phân lằn lằn với phân chim, tôi dễ dàng bắt
được chim trời ngay tại nhà mình, đáng “tự hào” chưa?
Ai cũng biết từ ngày
CS công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê xứ nông nghiệp đời đời đẫm mồ hôi và máu
lệ tổ tiên, bỗng dưng cả nước lâm nguy, chim muông tan tác, phân độc thuốc độc
hủy diệt ruộng nương cùng lúc xuất hiện nhan nhãn như nấm rừng những tay chúa
đất kiểu mới cùng tư sản đỏ các thứ. Hiện đại hóa nên dân quê bị bần cùng hóa,
túng quẩn làm càn, cũng bắt chước hiện đại hóa phương pháp bắt chim bằng cách
thu âm tiếng hót tiếng gáy đặt vào bẫy, hủy diệt cá bằng bình tích điện hiện
đại. Gà nước, mỏ nhác, le le, tích mồng, quấc…gần như muốn tiệt chủng. Về quê
vợ ở Gò Công, đêm ngủ, bất ngờ cảnh lặng trang, không còn tiếng ếch nhái râm
ran, không có chuyện “bìm bịp chiều kêu nước lớn anh ơi, buôn bán không lời
chèo chống mỏi mê”. Nhớ một bữa thăm quê Đại Lộc, chẳng thấy bóng chim tăm cá,
tôi ngạc nhiên, ông anh họ giải thích:
- Không còn chi đâu chú
ơi. Cồn đất cát pha ông bà trồng đậu trồng bắp hồi trước nay người ta thuê bọn
tôi trồng thuốc lá, trả được giá nên ham. Họ giao phân, thuốc trừ sâu mạnh đến
nỗi mỗi lần xịt tôi xây xẩm muốn xỉu, nằm như mê cả ngày. Trời mưa, thuốc độc
chảy lan ra bãi cỏ rồi trôi xuống sông. Chim ăn hột cỏ chết sạch, chim sẻ cũng
tiêu tùng, sâu càng phát triển, lại xịt kỹ, lòng vòng rứa đó. Không còn con cá
nhỏ dưới sông. Mà cũng không cần thuốc trừ sâu đâu. Bọn đãi vàng trên nguồn,
không biết họ làm trò chi mà nước đục ngầu như mủ mít, cá chết hết trơn, khỏi
đợi thuốc trừ sâu. Đừng nói chuyện tắm sông, dại mà ngâm mình xuống, ngứa ngáy
ghẻ chốc phát điên. Còn con cá nào trong ao hồ, dân đánh bắt bằng mìn và que
điện, chừ chỉ còn ăn cá biển ướp tươi bằng phân u rê đắng họng!
Ông anh họ tôi tổng kết
tình hình gọn mà tạm đủ bằng thứ tiếng Việt “trong sáng” hơn mấy vị tiến sĩ ưa
nói lộn xộn rất đáng hổ thẹn trên TV khiến tôi càng hiểu vì sao khóm cây èo uột
nhà mình được bầy chim gáy về cư ngụ! Tôi tỏ ý khen con đường đất đỏ rộng rãi
mới mở ven làng, thuận lợi cho dân nghèo, ông cười:
- Ờ, thuận lợi cho
lâm tặc vận chuyển gỗ lậu đó chú ơi. Mình là dân núi mà không rờ được tới gỗ,
chỉ đi rừng chở thuê cho họ, chuyển từ bến sông vô đường đất, bọn tôi cũng là
lâm tặc được thuê mướn đó chú! Làm vậy biết chính mình bậy bạ, góp sức khiến
nước lụt mỗi năm mỗi lớn hỗn hơn, hung dữ hơn xưa nhiều lắm, nhưng đói quá biết
răng chừ! Nói chuyện lụt lội, có người chỗ khác tới ở mừng phù sa tràn ruộng,
tui tức cười, trầm sa thì có. Thứ bùn đỏ đó ngập vườn, chuối chết khô thảm lắm!
Dòng Vu Gia
nay cũng đà nhiễm bẩn, sông quê nước độc tự nguồn, cô thôn nữ xưa nhớ bạn lòng
ngẩn ngơ, hái dâu quên giỏ, ra sông gánh nước hũ chìm gióng trôi, nay nước đâu
mà gánh. Giếng đào bên sông chắc gì sạch được. Thôn làng còn quẫn bách bi
thương trăm bề hơn chốn thị thành.
Không gian cư
ngụ bẩn chật khiến tự nhiên tôi nhớ tới ngôi nhà trên cây của cha con ông cụ
người rừng. Phải chăng người rừng chính là nhà môi trường chạy trốn sớm. Tôi
vốn không mấy thiện cảm với đất Quảng Ngãi, xứ gì mà đời nào cũng có quan đại
thần gian ác khét tiếng, nhưng nay người rừng vớt vát khiến tôi bắt đầu nghĩ
khác. Ông là chiến sĩ hòa bình, chống chiến tranh “tiêu cực” bằng cách trốn
chạy, xa lánh nhân quần thế tục. Nói ông tâm thần là vu cáo…chính trị điêu
ngoa. Nói ông bị ám ảnh cái chết đau thương của người thân rồi khiếp đảm bỏ
trốn, chỉ đúng phần nào. Đau thương, khiếp sợ thì cần thông cảm, xẻ chia chứ
sao ôm nỗi đau trốn chạy? Phải có điều gì sâu xa trong tâm hồn lạ thường đó.
Tôi nghĩ ông là con người tự do, ông đã chọn tự do tuyệt đối, đã tự lực cánh
sinh với tay trần chân đất, khó như dời núi lấp biển để trả giá cho tự do của
mình. Không ai biết ông bỏ đi lúc nào nhưng rõ ràng có chuẩn bị tối thiểu
phương tiện để tồn tại chốn rừng sâu. Ông tính toán và cân nhắc chứ không đi
trong mê sảng. Ông nhẫn nại còn hơn Sisyphe vì Sisyphe bị thần linh phạt lăn
hòn đá nặng lên núi, ông thì tự chọn mài sắt thành dao, đan áo bằng vỏ cây để
lao tác gần nửa thế kỷ. Lạ lùng nghe nói vẫn có người biết và tìm cách giúp
nhưng hai người luôn trốn chạy. Nghe chuyện ông nuôi con giữa rừng sâu từ ngày
một tuổi, thời núi rừng còn đầy thú hoang rắn độc, tôi không thể tin. Sao đứa
nhỏ qua được chuyện muỗi mòng cùng nước độc rừng già (cháu tôi một tuổi mỗi
tháng ẵm đi bác sĩ 20 ngày, ăn cháo tính từng muỗng). Và cảm động biết chừng
nào được biết đồ mặc của ông và tấm áo mỏng của con trai được giữ gìn, gói kỹ,
nay vẫn còn. Tôi muốn hỏi ông, như vậy để làm gì, phải chăng lưu chút kỷ niệm
nào đó, hỡi người rừng vĩ đại, vĩ đại nhất nhân quần đông tây kim cổ. So với
ông, Robinson Crusoe chỉ là chuyện vặt. Mọi điều diễn tiến tỏ rõ ông là con
người tuyệt đối cô đơn. Thượng đế cũng cô đơn nhưng đầy quyền năng, chắc muốn
thôi cô đơn lúc nào cũng được. Ông phận người yếu đuối mọn hèn nhưng cách chọn
lựa kiểu sống vĩ đại như vậy làm sao ta không nghĩ tâm hồn ông cô đơn và bí mật
muôn trùng như vũ trụ đời đời lặng câm không bày tỏ. Đến đây, lại bỗng nhớ thơ
Tô thi hào:
Hoàng hôn xô bóng ta trên cát
Ta lớn lao và ta cô đơn
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng
gượng
Thân trần đứng lẻ giữa đồng
trơn.NAK
No comments:
Post a Comment