Tại nhà Quận & Hải Phương, San Jose. Thanksgiving 2012,
nhân dịp NXT giới thiệu tác phẩm.Từ trái. Ngồi: Thường Quán, Tưởng Năng Tiến, Trương Thị Thịnh.
Đứng: NXT, Hà Cẩm Tâm, Quận-Hải Phương, Huệ Thu
“ Mọi cái chết đối với những kẻ khác là một sự giản đơn hóa đời sống,
nó tránh cho người ta sự cần thiết phải bày tỏ
tri ân,
sự bó buộc phải làm những cuộc viếng thăm. ”
Marcel Proust (Le temps retrouvé)
Mùa hè
thành phố cảng mang trong nó nắng nôi, sóng nước, độ mở, màu sắc khơi dấy, náo
níu, gió, lang bạt, điệu đàng, sự pha rữa trong sôi bỏng, sôi bỏng của ngày
đang dìm trong cơn hạn, trong sự thiêu đốt, trong chất sống, một chất sống chỉ
cảm được ở một độ tuổi nào đó, kẻ mới trần thân, mới lớn dậy, nó vừa tới bằng
một độ căng nở, một sức nặng, một độ bay bổng, thì cũng vừa vùi lặn trong bí
ẩn, trong tịch mịch điều-không-biết, trong náo nức của điều-muốn và những cấm
kỵ, giới hạn, kềm giữ - những bóng râm của những quán trạm ven biển, những
chiếc lưng trắng muối, những con mắt ngó lơ, những ly nước chanh muối còn lại
những viên nước đá, màu vàng nâu của nửa chiếc vỏ nát. Mùa hè những năm 1972,
73. Chúng là hàng trăm buổi trưa băng ngang sông Hàn đi qua bên kia quận Ba, đi
dọc theo con đường nối từ một bến phà sông Hàn đến bãi biển Mỹ Khê, hoặc là
ngồi trong lòng một chiếc xe lam, hay cỡi một chiếc xe đạp, có cả khi cuốc
những cuốc bộ, con đường không thể nào gọi là Con Đường Cái Quan, ngồi xuống
những đụn cát dưới những cây dương liễu cao nghều, đung đưa những chùm, những
cọng, những trái khô đeo lưng lững mà mài miệt kiên trì khó rơi, thấy một màu
xanh dịu bớt qua mái dương, ngồi cho tới nắng ấm thì moi chút tiền vào một hàng
quán cho vụ giữ khăn, giữ áo, một chiếc phao, và một ly nước hẹn khoảng chừng
một giờ sau, sẽ chìa số sẽ thu hồi. Tung mình vào nước mặn, quẫy đập lung tung,
nằm ngửa cho con mắt gặp con mắt thôi miên mặt trời đã ở đỉnh điểm cao nhất,
thấy cái thân cá dập dình là mình giữa vạn chiếc vẫy bạc của biển vô cùng tận.
Trong cái dập dềnh đó đã có Phạm Duy, như khi trẩy cái con đường xã hẹp, đi
ngang qua những mái nhà không bao giờ bề thế đã đành, cứ tầm tầm nghèo nghèo
với những vồng khoai lang, những gốc xương rồng, và những dây leo kiên trì
ngoài gió nắng, đâm những trái đung đưa gọi là mướp, là bầu, là bí, là dưa. Đất
vùng Đông Giang cát tới trắng mềm, rã xốp, tới nghe được hư hoai muối, nhà rỉ
sét từ mái rỉ xuống, những chiếc giếng đào tới hết ngọn tre mới tràn ra một thứ
nước thân mật, kéo gàu lên có thể tưới từ đầu cổ xuống và quẫy tung như một thứ
ngựa xổng hay một thân vện trong sân hung dữ trưa cày xạt xô nắng. Tiếng ru con
đâu đó, tiếng o nghèo, như khi tới chờ con phà qua lại bên kia thành phố thị
tứ, con đường Bạch Đằng, những ngôi nhà cổ kiến trúc nửa Minh hương Hội An, nửa
Tây tỉnh lẻ, những mái hiên nằm thấp, những tán đa già ngang tuổi thành phố,
vồng rễ đánh bật lề đường, nắng vẫn dội xuống cổ áo đứa thiếu niên đang tưởng tượng những chờ những đợi sông Lô, sông
Đuống, tăm tắp mà kề bên, những tụm lục bình trôi lơ ngơ. Nước chảy đời nước cớ
chi người đứng nghe trong nước thứ tình đời trôi dạt đèo bòng, mông lung, tứ
tán... “ Chiều buông trên giòng sông Cửu Long / Như một cơn ước mong, ơi chiều
”... Phạm Duy là buổi chiều khi ra tới Cửu Long, là buổi sáng tinh mơ khi ở
sông Lô, sông Đáy, là đêm khuya ở một vườn dạ lai bên bờ Hương, nhưng ở Đà
Nẵng ông là trưa. Trưa Những buổi trưa ở đỉnh cao và sắp dứt điểm
của một cuộc chiến tranh mù lòa, anh giết em, em giết anh, hung bạo, mất đầu,
không có mắt ... “ Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán ”. Ông đứng với con sông Hàn
vạm vỡ, chiếc đầu vạm vỡ, làm như đã là một với một bờ sông đợi phà, với gió
không kềm tỏa, với nắng đời ban trưa, với mùi ét xăng, với mùi muôn vạn thứ , mùi vị, chúng tung tỏa trong
gió, khô kiệt, khắc khảm, tan loãng chút gì rồi trở lại keo cháy, thiết tha, cả
là sự đó : thiết tha, những sắc độ thiết tha, tầng lạch trên này nước, dưới kia
bùn, rong tảo, xác người, di sản trăm trận chiến, trong nắng sự mòn phai, hủy
diệt, hủy tán. Ông là người phần nào đã đưa những người đứng đợi phà những buổi
trưa nhiệt đới hôm kia thấy ngoài là con nước gieo neo này, ngoài kia kia còn
là một cửa cảng, những cửa cảng, những tung mình ra, những cuộc viễn du, những
ra khơi, với thế giới, với hòa mình, với sự mở rộng không còn cự ly, biên vực.
Âm nhạc cho người ta hòa mình, âm nhạc cho người ta rộng rãi, rộng lượng, trong
sống, trong chết, trong tái tạo, hồi sinh.
Trưa nay
khi đi dưới những tán bách tán thông ở một nơi gọi là cuối tận cùng phương Nam
thế giới nghe tin ông mất tôi không thể không nghĩ về ông, không thể không thấy
lại ông, ở những buổi trưa sông Hàn của một thời tôi như vậy, nghe lại những âm
sắc trưa, và cảm tạ ông, ông của sự không đơn giản tí nào cả, như lịch sử như
vận nước dải đất cong cong kia chẳng bao giờ đơn giản.
Thường
Quán
30-1-2013
(Nguồn: Da Màu)
Thường Quán sinh 1956 tại Đà Nẵng.
Thơ, tiểu luận đăng phần lớn trên các tạp chí văn nghệ ngoài nước như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Tập Họp, Việt, Nhân Văn, Quê Mẹ, Diễn Đàn....
Thơ Anh ngữ đăng rải rác ở The Age Saturday, Meanjin, Heat
Tác phẩm đã xuất bản: Ngoài Giấc Ngủ (Nhà xuất bản Văn Nghệ Calỉfornia, 1990)
Hiện sống tại Melbourne - Úc.
No comments:
Post a Comment