Wednesday, October 2, 2013

ĐOẢN VĂN LƯU NA


Đạm nhược thủy 
 
 
 

Năm đó, 1997, tôi đã bắt đầu về quê nhà thường xuyên thăm cha mẹ già.  Dẫu chỉ là một người dân, nhưng căn cước tỵ nạn hay cái mác Việt kiều không phải là chuyện dễ chịu khi về lại quê hương.  Và như vậy, tôi đón đọc Quê Nhà 40 Năm Trở Lại để xem người thuộc thành phần “ngụy,” “ác ôn,” và kiêm luôn “văn nghệ sĩ” ấy đã về đến quê nhà ra sao.  Ngoài những ghi chú tỉ mỉ, sống động, và rất cảm động khi về tận cái nôi của mình trong tình cảnh chia rẽ và nghi kỵ, Phan Lạc Tiếp qua cuốn sách đó còn giới thiệu với tôi một phần quê hương mà tôi chưa bao giờ được biết  -Kẻ Nủa, và những nét chính yếu về một dòng tộc lớn của làng, tộc Phan.  Nhà văn Phan Lạc Tiếp trong óc tôi là một người dân Kẻ Nủa chăm học hiền lành nghệ sĩ tính, vì chiến tranh loạn lạc mà phải xa quê nhưng luôn giữ những giềng mối và tình quê như luôn thắm thiết. 

Đọc tới Nỗi Nhớ, tôi biết thêm một quân nhân PLT -một người chỉ huy chừng mực và ngăn nắp, với những ghi chép mạch lạc, nhưng sao quá buồn, quá ngậm ngùi.  Nỗi Nhớ là một tài liệu nhân văn về những ngày sau cùng của cuộc chiến Việt Nam.  Sau nhiều năm tháng, tôi đọc thêm Một Thời Oan Trái, thấy tính cách của ngòi viết PLT vẫn đứng vững với thời gian, mộc mạc chân thật và tha thiết u hoài. 

Con người qua hàng chữ chưa chắc thật, biết PLT ngoài đời có như nhà văn PLT.  

Khi có duyên may gặp gỡ, tôi thấy với ông văn có vẻ đúng là người -thành thật nhỏ nhẹ và chừng mực. Vừa vào cửa, ông trao tôi một gói giấy, tặng tôi quyển sách vì không còn đủ sách tặng  mọi người. Chào đón bạn bè, ông thân mật thăm hỏi chứ không ồn ào khua động, đôi lời vắn tắt vừa đủ để giới thiệu mọi người với nhau cho một cuộc họp mặt đầm ấm.  Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông.  Giữa buổi họp mặt có điện thoại bác Phúc ở Úc châu.  Ông cầm điện thoại nói với anh mình, vui vẻ nhỏ nhẹ nhưng khi đã cúp điện thoại tôi thấy ông thoáng nét buồn lưu luyến như tiếc một điều gì. Buổi họp mặt có văn nghệ bỏ túi, tôi thấy ông vui, nhưng cũng chỉ là cái vui thầm lặng  -suốt buổi ông ngồi yên nhắm mắt thưởng thức hơn là trao đổi với bạn bè. Quân tử chi giao đạm nhược thủy -tôi về không biết sao ba chữ “đạm nhược thủy” lởn vởn hoài không lui. 

Lần trở lại sau, chỉ có mấy người với nhau, tôi được dịp quan sát ông rõ hơn.  Ông đã cho tôi sự ân cần chân thật của người lớn tuổi mà vẫn giữ sự quí mến chủ khách chứ  không ra giọng tiền bối với kẻ hậu sinh. Ăn với ông một bữa cơm, tôi thấy khách đông cũng như ít, bàn ăn luôn được ông bà sắp dọn gọn gàng ngăn nắp, làm tôi nhớ tới bài ông viết về bữa tiếp tân trên tàu Hải Quân. Có phải đời quân ngũ cũng tạo cho mình một thói quen?  Trong lúc ăn ông kể chuyện, sẵn thì nói tới chứ không chủ ý chuyện gì. Nghe một đôi câu chuyện, tôi có cảm nghĩ ông vừa khiêm tốn vừa hơi e thẹn, dường như ông lúng túng lặp bặp những khi phải nói về cuộc sống riêng tư hay nói về cá nhân mình.

Sau bữa cơm tôi lôi máy hình ra muốn ghi lại vài bức ảnh.  Bà rút ra sân như muốn ông được rộng chỗ.  Để có thể bắt được những hình ảnh thong thả tự nhiên, tôi hỏi chuyện ông mong ông quên ống kính đang chĩa vào mình.  Gần một tiếng rưỡi, ông không hề nở một nụ cười.  Tôi chỉ thuận miệng hỏi và ông tùy nghi trả lời, nhưng lạ sao ông không hề lắp bắp vấp váp gì như lúc ngồi quây quần bên bàn ăn; vẫn một khoảng cách, vẫn là những chuyện liên quan đến cuộc đời của ông đó chứ!!! Ông đã là một người khác, một người đang làm việc và là người chăm chú cẩn thận với công việc của mình. Mạch lạc như những trang chữ đã viết, và dẫu chuyện không buồn tôi vẫn cảm như có chút gì vấn vương nhè nhẹ.

Ông đã nói gì về mình?  Không nhiều lắm, hầu như không nói gì cả. Ông cảm ơn những khó khăn trong buổi đầu đời và trong suốt cả hành trình 80 năm vì nhờ nó mà ông vững chãi hơn, giàu khả năng hơn. Ông cảm ơn người vợ đã làm chỗ tựa vững chắc cho ông vì “tôi thì cũng lung tung lắm!” Ông cảm tạ trời đã cho ông một số may mắn để vượt qua hoạn nạn và có cơ hội đóng góp với đời. Hết. Có thể kết luận rằng ông là người tích cực không?

Ông rất hài lòng đã hoàn thành mỹ mãn công việc di tản 5000 dân những ngày cuối cùng của cuộc chiến, cũng như đã góp tay vào công cuộc Cứu Người Vượt Biển. Tôi lặng ngắm ông qua ống kính. Tuổi già, trông ông tròn trịa thắm hồng, nhưng có lẽ khi còn trẻ ông chỉ là một người lính nhỏ con. Tôi nhớ đến những hình ảnh ông đã tự vẽ qua lời nói, qua những trang sách: trò Tiếp “như chột đi” khi người chị lớn rời nhà, rồi đằng ấy giã bạn vào Nam, và rồi “phải lính thì đi, đi Hải quân đỡ chết hơn (!!),” cùng là những nhẫn nại chấp nhận gian nan… Không tìm thấy chỗ nào là anh hùng hảo hớn, là di sơn đảo hải chọc trời khuấy nước. 

Nhưng hoàn tất bổn phận với thao lược dũng cảm là việc cần đầu óc hơn cá tính.  Không chọc trời khuấy nước thì ông cũng đã đưa tàu tiếp tế đạn dược qua vùng du kích mai phục mà không nổ một viên đạn, phòng hữu hiệu hơn chống. 

Ông ra đi năm 1975.  Trên đất liền có những đơn vị tử thủ, có nơi dân quân và tướng tử với thành, thì ông cũng làm chuyến hải hành cuối đưa những người di tản đến nơi an toàn.  Trên chuyến tàu cần 110 nhân viên thủy thủ đoàn mà ông chỉ có 9 người bao biện, trong cái hỗn mang điều động được mọi người để hoảng mà không loạn, có xứng kẻ anh hùng?  Di tản chiến thuật là việc phải biết trong chiến tranh, nghĩ là tầm thường, nhưng có đạt được kết quả như PLT có lẽ những vị chỉ huy biết hơn ai hết. Trong lòng một người dân nhỏ bé, tôi nghĩ ông có quyền hãnh diện, không cần gì những việc lấp biển vá trời, huống chi, những năm sau đó, lợi dụng lúc nghỉ việc ông đã bắt tay góp phần vào công cuộc cứu người.  Phù đồ đã xây, có lẽ không ai nên quên.

 Ông nói hài lòng đã ghi lại được một số điều về cuộc chiến. Ở điểm này tôi cho rằng ông hài lòng đã viết được những điều muốn viết, chứ không vì được tiếng nhà văn. Ông đã viết ra những sự thật cần phải viết mà không gây chia rẽ hận thù, đã bỏ 6 năm góp phần làm Hải sử cho Hải Quân Việt Nam, không đáng quí sao? 

Nơi chiếc ghế dài ông ngồi, nét mặt âm thầm, ông nói  -đại khái, ông cám ơn họ đã cư xử tử tế và nhân đạo với người mình trên đất này, nhưng ông thực buồn họ, Mỹ, buồn và khó quên cái cách họ đã đối xử với Việt Nam trong cuộc chiến. Những điều bất cập ông đã viết đó đây trong sách của mình. Tôi nhìn ông, cả một khối sầu chỉ vắn tắt trong vài lời nhẹ nhàng, nhưng càng nhẹ càng buồn, cái sầu mênh mang như đã bao trùm thinh lặng. Ông buồn tiếc, “mình quá ít nhân tài và người lãnh đạo có khả năng.”  Đọc được dấu hỏi trong mắt tôi, ông cho rằng nước mình hoạn nạn quá nhiều, nên những điều tiếp thu được chưa đủ thời giờ để thẩm thấu hầu biến thành văn hóa thành sức mạnh. Mình học nhanh học nhiều mà chưa đủ sâu.  “Hồi trẻ tôi ước mình được hoàn tất việc học để có thể đi dạy.”  Ước vọng đó có ảnh hưởng phần nào đến những quyết định, thái độ, và cử chỉ của Phan Lạc Tiếp không?  Tôi thấy đằng sau người lính, người viết, người tỵ nạn, bàng bạc hình ảnh một nhà giáo, một nhà giáo nhỏ nhẹ buồn rầu. Trách nào tôi đã liên tưởng đến nhà giáo Nguyễn Hiến Lê khi nghĩ đến ông trong Một Thời Oan Trái (Những Mảnh Hồn Quê). 
 
Nhớ lại, chung quanh căn nhà nhỏ của ông chữ nhiều hơn hết. Chỉ một bức tranh, một bức hình đại gia đình (không tính ảnh thờ).  Bên này, “Sử gia tối lạc duy vi thiện”, nếp nhà vui nhất là làm việc tốt lành, bên kia, “Giáo tử lương đồ tại độc thư,” dạy con hay nhất là khuyên con đọc sách.  Chữ do cụ Bách, một người viết chữ đẹp nhất ở Hà Nội bây giờ sao lại đôi câu đối của gia đình đã có từ mấy trăm năm cũ, coi như một phương châm của gia tiên khuyên con cháu. Nơi phòng khách: “Như nhật sơ thăng,” như mặt trời mới mọc. Lời mừng cũng là lời khuyên của chú, bác nơi quê nhà VN gửi cho con trai ông khi cháu hoàn tất bằng tiến sỹ cách đây 20 năm, ý nói rằng sự thành đạt của cháu rực rỡ như mặt trời mới mọc sau những năm dài gia đình theo vận nước chìm đắm trong chiến tranh, khoa hoạn bị ngưng lại; nay thời cơ đã đến  -cháu thành đạt, trở lại nếp nhà, nhưng cháu đừng coi đây là đỉnh cao nhất của sự học. Chính ở đây, từ đây, từ lúc này, như mặt trời mới bắt đầu chiếu sáng, cháu phải luôn luôn tiếp tục tìm tòi, học hỏi học hỏi hơn nữa, như mặt trời lúc nào cũng rực sáng suốt hành trình của nó. Vắn tắt, mừng lắm nhưng không được kiêu.  
 
Không bằng cấp mề đai huy chương ảnh lưu niệm, chỉ chữ, những câu chữ ông đã ân cần giải thích mà tôi chỉ nghe qua quít vì còn bận cái máy hình!!! 

Tệ nhất là khi tôi tìm thấy ông trong phòng làm việc, ánh sáng đẹp quá và ông buồn quá, tôi vội vàng sợ lỡ một khuôn hình nên đã không chú ý nghe ông giải thích về hai tấm tưởng lục ghi công.  Một là của quốc hội Mỹ, một là của cơ quan gì đó của Orange County  tôi bắng nhắng đến nỗi bây giờ phải vòng lại hỏi người khác, vì ông đã lờ luôn.


 

Chụp hình được ảnh, sao thấy được tâm hồn, và hậu sinh như tôi không dám mong hiểu được tâm hồn PLT.  Nhưng nhìn vào việc làm thấy ông chọn góp phần vào những việc hữu ích thiết thực hơn là những sinh hoạt có tính cách tiêu khiển, gặp - thấy ông nhẹ nhàng thân mật giữa bè bạn, bắt được nụ cười ông hé tươi khi bà đến bên ông (tôi đã phải chờ rất lâu!) tôi tin với ông mọi sự là thanh thủy chi tình.  

Đất nước loạn lạc nhiễu nhương, tiến cũng khó “vi quan”, thoái không đất “vi sư,” thì cứ thuận theo dòng nước. Tôi cho rằng bức chữ Tiến Thoái Vi Nhuệ xứng hợp với ông nhất, có thể là điều ông đã tâm đắc chăng? Ngoài cửa bước vào thấy ngay, Tiến Thoái Vi Nhuệ và một bài chữ nhỏ trên tấm liễn đỏ treo bên cành đào… 

Cánh Vạc Lưng Trời, người muôn năm cũ, trò Tiếp… 

Lưu Na
08/25/2013

No comments:

Post a Comment