Tuesday, August 14, 2012

Người lính trong
TRUYỆN TỪ VĂN*
của Trần Hoài Thư

Bài của Trần Thị Nguyệt Mai



   
Trong bài giới thiệu về tác giả Trần Hoài Thư của nhà văn Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn ngày 1-3- 1972, ông đã viết:
“…Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.”

Thật vậy, trong các truyện ngắn của anh trong tập “Truyện từ Văn” mà tôi hân hạnh được đọc, nổi bật lên hình ảnh người lính VNCH thật hiền, dù là khi nằm trong bệnh viện hay khi đang lâm trận, hoặc ở bên người em, người tình. Họ chỉ có một mơ ước duy nhất, là ngày hòa bình mau trở lại để trở về với làng quê, xóm cũ, bên cha mẹ già, lấy vợ sinh con. Thôi không còn những ngày nằm mương nằm mả truy lùng địch. Không còn hỏa châu, trái sáng, tiếng đạn bom trên quê hương đã quá nhọc nhằn.

Rồi tôi và lũ bạn ở trong trại bịnh sẽ dắt dìu nhau, kẻ chống nạng, người băng bó đầy mình, kẻ tóc râu như con dã thú, kẻ xanh xao, ốm yếu như một tên nghiện thuốc phiện... Chúng tôi sẽ mở cánh cửa sắt của bệnh xá này, trải con tim thật nhạy cảm cùng nhân loại, để làm một cuộc duyệt binh thật vĩ đại cùng những người đang lâm chiến. Họ ở Trường Sơn xuống. Hạ Lào qua. Cao Miên lại. Họ từ muôn nơi tụ hội lại, cùng bắt tay nhau, cùng chúc mừng nhau, cùng nghẹn ngào chào nhau. (Bệnh xá cuối năm - trang 12)

Họ mang một trái tim nhân hậu, không phân biệt đối xử ngay cả với tù binh. Các tù thương phế binh miền Bắc được săn sóc như những người lính miền Nam. Chứ không phải như ngày hòa bình mới lập lại, kẻ chiến thắng đã đuổi tất cả các thương bệnh binh VNCH đang nằm dưỡng thương ra khỏi quân y viện... Anh Trần Hoài Thư đã nhìn, đã tả người lính phía bên kia bằng con mắt anh em, rất người, rất bao dung:

Người thông ngôn hỏi hai người thương binh Bắc Việt về ý muốn của họ về quê hương hay không. Và mục đích của phái đoàn quốc tế này là tìm cách giúp đỡ. Tôi thấy hai người lắc đầu.
Tôi đang tự hỏi, phân tích, suy luận về trường hợp hai người tù thương binh trong bệnh xá miền cao này. Tôi cố gắng tìm trên gương mặt ấy một cái gì biểu lộ một mối thù địch, ác ôn. Nhưng tôi chỉ thấy một đôi mắt thật buồn bã, trên gương mặt thật chất phác bị may vá chằng chịt. Đôi mắt ấy, tôi đã nhận thấy từ bên trong ô lưới sắt. Ánh nắng le lói của hoàng hôn chiếu vào khung lưới. Nắng đọng thành từng mảng nhỏ trên gương mặt của hắn. Hắn nhìn lại tôi. Tự nhiên tôi muốn mời hắn một điếu thuốc.  Tôi muốn bày tỏ sự thân thích vô hình giữa tôi và hắn. Giữa những người trẻ tuổi bất hạnh như nhau. Giữa những tên thanh niên trót sinh ra trong một thế kỷ đen tối. (Bệnh xá cuối năm - trang 13)


Người lính miền Nam đã xem cuộc đấu tranh này như một cuộc đấu tranh về ý thức hệ, nên không coi kẻ phía bên kia là thù địch:

Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
(Nguyễn Bắc Sơn - Chiến tranh Việt Nam và tôi)

Trong khi đó, phía cán binh CS, họ đã bị nhồi nhét tuyên truyền rằng những người ở phía đối diện họ đều là Mỹ Ngụy, là kẻ thù, phải tiêu diệt không khoan nhượng, phải “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Như trong bài thơ “Những ngày xưa thân ái” của nhà văn / nhà thơ Phạm Hổ (anh trai của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ - tác giả bài nhạc “Những ngày xưa thân ái” tại miền Nam), người đã tham gia sáng lập Hội Nhà Văn miền Bắc (1957) và cũng là một trong những người đầu tiên hình thành Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hóa phẩm dành cho trẻ em(**):
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt xách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thuở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.
(Phạm Hổ - Những ngày xưa thân ái)
Thú thật, tôi đọc mà nổi da gà. Bạn thân thuở ấu thơ, ở khác chiến tuyến, gặp lại nhau chẳng mừng thì chớ, lại giết không gớm tay. Chả bù cho người lính miền Nam, nhà thơ Phan Xuân Sinh, đã bày cuộc “Uống rượu với người lính Bắc phương”:
Hãy rót cho ta thêm cốc nữa đi
Ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí
Chuyện ngày mai có chi đáng kể
Dẹp nó đi cho khỏi bận tâm
Thằng lính nào mà không rét lúc ra quân
Khi xung trận mà không té đái
Ta cũng có người yêu nhỏ dại
Mỏi mắt trông chờ song cửa quê nhà …
Chuyện sống chết căn bệnh trầm kha
Đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
Những thằng lính thời nay không mang thù hận
Bạn hay thù chẳng một lằn ranh
Thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
Bày làm chi trò chơi xương máu
Để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
Ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu
Chỉ có bạn, có ta là thua cuộc
Người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
Giờ này đang hối hả tránh bom
Hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
Để chờ người yêu mình trở thành liệt sĩ
Rồi cũng sẽ quên, như bao điều suy nghĩ
Tình yêu như một thứ điểm trang?
Che đi chút dối lòng
Uống với bạn đêm nay ta phải uống thật say
Để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút
(Phan Xuân Sinh - Uống rượu với người lính Bắc phương)

Bởi vậy, người thương binh VNCH trong truyện “Về Thành”, khi trở lại quê nhà, muốn đi thăm mộ chị Hai của anh, một người  “nhảy núi”, ông nội anh đã khuyên:

Ông già lắc đầu:
-       Đừng nên cháu.
-       Sao vậy nội?
-       Từ đây đến đó, có bao nhiêu con mắt nhìn con. Ai ở làng đều biết con qua bên sông.
Người cháu ràn rụa:
-       Nhưng con bây giờ đã trở thành một kẻ cụt tay. Con không còn cầm súng. Con không còn ra mặt trận. Chính một cánh tay họ đã cướp mất của con, trên chiến trường rồi.
-       Làm sao họ hiểu được. Làng xóm đã ly khai con từ khi con trở về thành. Chị Hai con đã không nhìn nhận con là đứa em ruột…
-       Không, chị Hai con không bao giờ nghĩ điều đó. Chị là một người con gái hiền lành và dễ thương nhất, mà con đã gặp, đã biết. Chị đã từng tha lỗi cho con, khi con chọc giận chị. Chị không bao giờ… con biết rõ. Cả chú Ba, cả những người trong làng trong xóm, không ai xô đuổi con. Cho con đi, thưa nội.
-       Nội van con, hãy nghe lời nội. Con nên nhớ không ai nghĩ những điều như con đã nghĩ.
(Về thành – trg 150)

Ngoài những lý do mà anh đã nêu trong truyện, tôi tự hỏi có phải vì chế độ tự do ở miền Nam quá nhân bản, nên hai người tù binh đã xin ở lại chăng? Nếu bạn đã đọc “Cõi Đá Vàng” của nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm thì bạn đã biết chuyện một cô gái lấy chồng Tây về quê thăm nhà bị nghi là Việt gian và bị mang ra xử bắn (thử) bằng 3 mũi tên tẩm thuốc độc. Những cán bộ có tư tưởng tiến bộ, tỏ thái độ chống đối với những điều bất nhân, phi lý như Huỳnh, như Trần… thì bị bỏ tù và mượn tay người khác để giết chết. Vấn đề này cũng được anh đề cập đến trong truyện Cõi sa mạc – trg 279: CS đã mượn tay dân vệ giết cô giáo sinh Sư Phạm khi buộc cô này kéo cờ giải phóng và hô khẩu hiệu.

Hình ảnh người lính VNCH đã rất coi trọng mạng sống đồng bào, làm tôi chảy nước mắt khi nghĩ đến những thước phim của ngày cũ: Tết Mậu Thân ở Huế, vụ pháo kích vào trường tiểu học Cộng đồng Cai Lậy vào tháng 3 năm 1974… Hay như bây giờ, công an trong nước đánh chết người dân là “chuyện thường ngày ở huyện”:

Đằng sau nhà, có tiếng hét của người lính: Lên không. Đầu hàng đi. Tao ném lựu đạn xuống bây giờ. Tôi đứng dậy, tiến về tiếng hét. Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào miệng rút chốt. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mày tưởng bắt bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì sao? Tôi chỉ tay vào trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này? Ai dạy mày, hả. (Mắt đêm – trg 251)

Trong tập truyện này, tôi như đã được tham dự cùng anh và đồng đội ở trận Kỳ Sơn quá khốc liệt và kinh hoàng mà anh đã diễn tả trong bài thơ “Kỳ Sơn”:
Kỳ Sơn đồi trọc chim không đậu
Đại đội đi, một nửa không về
Lớp lớp người nhào lên, ngã gục
Đạn sủi bờ sủi đá, u mê
(Trần Hoài Thư - Kỳ Sơn)

Hình như có lần anh đã nói đúng là một phép lạ mà anh thoát chết trong trận này:

Ngày hôm đó, ngày 9-5 thì phải. Mặt trời thì gay gắt. Chỉ có mặt trời mới thấy bọn tôi. Tôi nằm trong bụi, mặt dầm dề máu và mảnh lựu đạn, đít mông cũng vậy. Tôi, lần đầu tiên, niệm: Nam mô Quan thế âm Bồ tát, cứu nạn cứu khổ… hàng trăm lần. Nhìn mặt trời. Cho con sống. Sống. Sống. Tôi vùng dậy chạy. Đạn bắn dưới chân. Tôi lộn nhào. Chạy. Chạy. Đạn rít trên đầu, tôi nhào xuống bờ suối. Đạn đuổi theo. Nó canh kỹ. Ló đầu ra. Tắc, bùm. Thụt đầu vào. Chạy, lăn. Tội nghiệp thân thể mày chưa, ốm yếu thế kia. Cha mẹ nâng niu thế kia, bây giờ vùng vẫy, bò, chui từng đám bụi, bò hai chân, hai tay. Bò ngửa. Bò sấp. Ngọn cây vừa xê xịch. Tắc bùm. Đ.M. Chó đẻ. Mày giết tao. Mày hả dạ lắm sao. Tao còn viên đạn cuối cùng đây. Tự tử. (Nhật ký hành quân II, trg 53)

Bởi vậy, đừng trách người lính khi lòng chàng thì yêu rất nhiều nhưng đã ngại không dám cưới vợ vì sợ người yêu mình sẽ sớm trở thành “góa phụ ngây thơ”:

Tôi đi vẩn vơ. Những hạt sỏi dưới đôi giày lính, kêu lên rào rào nhè nhẹ. Ở trên bầu trời đen thăm thẳm, một vì sao vụt bay ngang rồi chết lịm. Có một chút bâng khuâng trong hồn tôi. Tôi nghĩ đến thân phận của mình. Còn bốn năm nữa, sẽ từ bỏ bộ áo quần xanh này để về, yên ổn với tấm thân mà cha mẹ nưng niu bế. Hay suốt đời không về, mà nằm trong một mồ hoang thâm u lạnh lẽo. Quỳnh ơi, anh không thể kéo dài mối tình thầm kín này nữa, nhưng anh cũng không thể nhìn em phải khóc như những người vợ trẻ son sắt. Anh biết làm gì bây giờ? (Cõi sa mạc – trg 273).

Tôi xin luôn luôn được mang ơn anh, những người lính VNCH, đã giữ cho miền Nam 20 năm yên ấm. Nhờ đó, chúng ta mới có được một gia tài văn hóa nhân bản, quý giá và đồ sộ mà di tích còn lại của nó là những bộ Văn Miền Nam, Thơ Miền Nam cũng như những tác phẩm văn học mà Thư Ấn Quán đã và đang sưu tầm hoặc tái bản.
Với riêng anh Trần Hoài Thư, em muốn được nói lời biết ơn anh đã giữ gìn cho chúng em, những thế hệ tiếp nối, được biết đến một nền văn học miền Nam lẫy lừng mà “những người muôn năm cũ” đều ngậm ngùi khi nhớ đến.  

Trần Thị Nguyệt Mai
11-7-2012
(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 53 tháng 8 năm 2012)


(*) Thư Ấn Quán xuất bản mùa hè 2012, ấn bản đặc biệt của tạp chí TQBT chủ đề tạp chí Văn.
      Muốn có sách, xin bạn liên lạc với Thư Ấn Quán ở địa chỉ:
      PO Box 58
      South Bound Brook, NJ 08880

      hoặc email:
      tranhoaithu @yahoo.com


(**) nguồn: Wikipedia 





No comments:

Post a Comment