Văn Học
Press
Trân trọng
giới thiệu:
9 KHUÔN MẶT
.
9 PHONG
KHÍ VĂN CHƯƠNG
Phê Bình . Nhận Định
BÙI VĨNH PHÚC
VĂN HỌC PRESS xuất bản,
2024
Tranh bìa:
ĐINH CƯỜNG (Night bird
/ Chim đêm)
Bản vẽ:
ĐINH CƯỜNG – CHOÉ (NGUYỄN
HẢI CHÍ) – PHẠM
CÔNG THIỆN – KHÁNH TRƯỜNG
– TẠ TỴ
Thiết kế sách:
TRỊNH Y THƯ
Thiết kế bìa:
ĐINH TRƯỜNG CHINH
Lời
Vào Sách
Đây
là một cuốn sách viết về chín khuôn mặt văn học miền Nam Việt Nam. Chín khuôn mặt
đặc thù. Chín phong khí văn chương. Chín bờ cõi chữ nghĩa mà cái ánh sáng cùng
khí hậu văn học đặc biệt của miền Nam nước Việt, với thổ ngơi, màu sắc và khí
chất riêng của nó, đã hun đúc nên và làm toả ánh.
Miền
Nam, nhưng không phải là chỉ là do người miền Nam, chỉ cất lên từ một chất giọng
miền Nam. Mà nó là một chất giọng Việt Nam đặc biệt, của cả ba miền Nam Trung Bắc
hợp lại. Miền Nam, ở đây, chỉ là một không gian địa lý, một cõi bờ, một địa vực,
của đất Việt. Những tiếng nói ấy gặp nhau trong một khung cảnh, một giai đoạn lịch
sử đặc thù, làm nên cái chất giọng, cái “phong khí” chung của một dòng văn học,
của một “điệu” văn chương. Rồi, sau thời điểm 1975, cái “điệu” văn chương ấy lại
toả đi khắp chốn. Nó tiếp tục được cất tiếng trên những vùng thổ ngơi không phải
là đất Việt. Nhưng nó làm “hồi cố” những âm vang xưa. Nó làm lấp lánh cái hồi
quang của một trời đất cũ. Và nó cũng hoà quyện trong nó cái ánh sắc của những
vùng không gian mới.
Tại
sao lại chín mà không phải là mười, mười hai, mười lăm, hay thậm chí nhiều hơn
nữa?
Đó
là một câu hỏi hợp lý.
Văn
học miền Nam Việt Nam, trong suốt hai mươi năm rực rỡ và đầy ánh sáng của nó,
đã sản sinh ra biết bao tài năng, làm phong phú và hãnh diện cho dòng văn học
dân tộc nói chung, và cho dòng văn học miền Nam nói riêng, trong cái bối cảnh lịch
sử của đất nước. Những khuôn mặt tài tuấn, những ngòi bút tài hoa, đã làm bừng
sáng cảnh quan phong thổ miền Nam, đất nước cỏ hoa miền Nam, nơi đó, những nét
truyền thống của dân tộc, hoà cùng hương hoa và ánh sáng thế giới, và những âm
vang của thời đại, đã làm dội lên những khúc hoan ca, hạnh ca, tình ca, hùng ca
và bi ca của con người. Tất cả đã phản ánh cái hương vị và nguồn sống của cuộc
đời.
Việc
chỉ chọn, trong biết bao kỳ hoa dị thảo nơi cánh rừng ấy, chín khuôn mặt, chín
phong khí văn chương, không phải vì đây là một con số đẹp. Mà chỉ là vì giới hạn
của con người. Với một vòng tay nhỏ bé, ôm không thể trọn, giữ không thể đầy,
người viết cuốn sách này không có tham vọng trình hiện, trong tác phẩm giới hạn
của mình, tất cả cái khung cảnh rực rỡ tưng bừng của cả một dòng văn học. Tác
giả chỉ hy vọng, qua chín khuôn mặt và phong khí được trình bày, giới thiệu,
phê bình và nhận định trong cuốn sách này, có thể làm ánh lên đâu đó cái đẹp,
cái rực, cái mềm mại, cái cương ngạnh, cái bay lượn, và cái phong nhiêu, sinh động
của cả một vùng trời đất, cỏ hoa, một vùng văn hoá.
Những
khuôn mặt, phong khí văn chương được trình bày trong cuốn sách này, dù sao, và
trong một góc cạnh nào đó, cũng có thể đại diện cho những ánh sắc khác nhau của
vùng văn học được khảo sát. Đó là miền Nam Việt Nam. (Còn văn học miền Bắc,
trong giai đoạn này, lại là một địa vực, một bờ cõi khác, với cái khuôn mặt
riêng và đặc thù của nó.) Khởi đi và được nuôi dưỡng trong hai mươi năm chiến
tranh (1954-1975) trên đất đai, thổ ngơi nước Việt, rồi tiếp tục bừng nở, mang
trong trái tim và lồng ngực mình tiếng đập và hơi thở của thời đại, cùng với
mùi hương cuộc đời trên những hành trình lữ thứ, trong nội tâm hay ngoài Việt
Nam, những nhà văn, nhà thơ Việt được giới thiệu ở đây đã tiếp tục làm lớn mạnh
tiếng nói và tâm hồn dân tộc.
Trong
chín người được chọn này, có ba người khởi đi từ nhóm Sáng Tạo (Mai Thảo, Thanh
Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên), một người từ Vấn Đề (Vũ Khắc Khoan), một người từ Bách
Khoa (Võ Phiến), một người từ Giữ Thơm Quê Mẹ (Phạm Công Thiện), và ba người
còn lại, từ những “phong thổ” khác nhau, là Bùi Giáng, Nguyễn Xuân Hoàng, và
Nguyễn Mộng Giác. Tôi thử đặt một số tác giả trên trong một vài nhóm để chúng
ta có cơ hội nhớ tưởng lại những hành trình ban đầu của họ, cái không gian viết
của họ, cái tiếng nói và, phần nào, quan điểm, thái độ của những diễn đàn đó
trong dòng văn chương, văn học miền Nam thời ấy. Nhưng thực ra, tất cả những
tác giả nói trên đều đã sống, và mở rộng cái sống cùng cái viết mình, không chỉ
trong những không gian viết ban đầu như tôi đã thử nhắc đến. Họ đã hoà lưu vào
cái sống, cái viết của toàn cõi miền Nam. Rồi, sau đó, mở rộng ra, họ đã hoà
lưu vào những thuỷ lưu lớn của thời đại, của thế giới, của văn chương con người.
Mỗi
nhà văn, nhà thơ sẽ được giới thiệu, trình bày, nhận định, đánh giá với một,
hai bài viết của tác giả quyển sách này, qua những mốc thời gian khác nhau, với
những dạng thể khác nhau, và từ những góc độ, tâm thế, những hoàn cảnh, tâm cảnh
khác nhau. Sau đó, mỗi người lại được tiếp tục giới thiệu qua chính chữ viết,
“dấu vân tay” của họ, với một hay hai bài/đoạn văn mà tác giả sách này cảm thấy
là tiêu biểu cho tâm hồn, ngòi bút, và phong cách, khí chất họ. Lại có trường hợp
người viết sách nhìn một tác giả như một khối đá quý, rồi đập vỡ nó ra làm nhiều
mảnh để thấy những “sắc diện”, những mặt sáng, mặt cắt khác nhau. Từ đó, tất cả
và mỗi tác giả được nhìn ngắm, phân tích từ những giác độ khác biệt, được nắm bắt,
chiếu sáng từ những góc hình, góc quay đặc thù. Một hướng trình bày như thế,
nhìn một cách nào đó, rất không truyền thống. Dù sao, hy vọng điều đó cho ta
nhìn ra cái phong khí, cái “chất”, cái cốt cách tinh thần riêng của từng nhà
văn, nhà thơ được khảo sát.
Một
vài tác giả đã từng được tác giả sách này giới thiệu trước đó nhiều năm. Và,
như thế, có một vài tiểu luận được sử dụng lại ở đây. Dù sao, ngay cả đối với
những bài viết này, chúng cũng được tôi xem và nhuận sắc lại, không nhiều thì
ít. Được viết lại, viết thêm, được triển khai mở rộng, hoặc được kết hợp với những
bài viết mới, cái nhìn mới. Tất cả lại được đặt vào một bố cục riêng của quyển
sách này, với những dẫn nhập, dẫn giải mới.
Mỗi
người đọc có một cái nhìn riêng của mình. Mỗi người đọc có cái mã văn hoá riêng
trong việc tiếp cận chữ viết và tâm hồn các tác giả mà họ đọc. Điều đó làm nên
cái lấp lánh kỳ bí của không gian văn học. Nó cũng làm nên cái chiều rộng và
chiều sâu diệu kỳ, uyên áo nơi không gian tâm hồn con người khi đến với các tác
phẩm văn chương.
Đời
sống văn học, cũng như tâm hồn con người—đặc biệt, ở đây, tâm hồn người đọc—là
thế. Đó là một thế giới kỳ diệu, đặc thù, và đầy ánh sắc, gam mầu, đầy hợp âm,
xao động. Tôi mong cuốn sách này, dù sao, cũng có thể cho người đọc thấy được, ở
những giác độ nào đó, cái khuôn mặt, cái phong cách và khí chất của những con
người cầm bút được nhắc đến. Tôi mong, qua họ, người đọc có thể thấy hay cảm nhận
được cái sức sống đẹp tươi và đầy màu sắc của một vùng trời đất hoa cỏ quê
hương, nói riêng, và của cõi sống văn chương con người, nói chung. Cái cõi sống
ấy, người viết và người đọc, ở nơi nào và thời nào, tôi tin, cũng đều muốn hướng
đến. Trong đó, tất cả—người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, cái được viết
và cái được đọc—đều hạnh phúc quây quần và ca hát hạnh ngộ cùng nhau (*).
BÙI
VĨNH PHÚC
Tustin
Ranch, California,
Tháng
Mười Một, 2023.
__________
CHÚ
THÍCH:
(*)
Người viết và người đọc, cái viết và cái đọc, thì rõ ràng, dễ phân biệt. Nhưng
cái được viết và cái được đọc thì, có lẽ, khó phân biệt hơn. Chúng ta có thể
nghĩ: cái được viết ra cũng sẽ chính là cái được đọc, cái đọc được, từ độc giả,
những người đọc. Nhưng, nếu ngẫm nghĩ kỹ, đây là hai cái khác nhau. Sự khác
nhau sẽ là hiển nhiên. Cái phải lưu ý là mức độ khác nhau của chúng.
Mỗi
người viết và mỗi người đọc đều có cho mình một cái mã riêng khi bước vào “cuộc”.
Cuộc viết và cuộc
đọc. Cái mã rất riêng ấy được tạo nên từ tất cả những gì làm nên con người viết
và con người đọc. Đặc biệt là những gì làm nên cái nét mặt tinh thần, cái dáng
vẻ của tâm hồn họ. Những kinh nghiệm khác biệt trong cuộc sống, những lớp vỉa
văn hoá, những phù sa của những trải nghiệm cuộc đời, sự giáo dục, sự va vấp, đụng
chạm của họ, ở những góc độ, những khía cạnh và ở những hoàn cảnh, những tầng mức
khác nhau, tất cả sẽ làm nên cái mã sống, nhìn, cảm và viết, đọc khác nhau. Người
viết viết với sự ý thức và, có những khi, với cái vô thức của họ. Người đọc
cũng đọc với cái mã riêng, từ cái kinh nghiệm sống, cùng cái cảm nhận, thức nhận,
cái hiểu, và với tâm hồn, trái tim riêng của mình. Những cái viết và cái đọc
như thế, có thể không đi cùng nhịp, không cùng song hành, đồng bộ. Nhưng giữa
cái đọc và cái viết ấy, có sự giao thoa, chia sẻ, hoặc đồng cảm, tương đắc,
tương thông ở những mức độ và khía cạnh nào đấy.
Từ
đó, cái gọi là chữ nghĩa, văn chương, được hoà quyện, thẩm thấu, đào sâu, khúc
xạ, ánh xạ, loang xa, lấp lánh, và bay lên. Và đó chính là những “phép lạ” của
văn chương, văn học. Và mỗi cái viết, cái đọc rất riêng ấy, đều làm nên hạnh
phúc và đớn đau riêng trong mỗi một con người.
@@@
Sách
đã có bán trên BARNES & NOBLE
442
trang, bìa mềm, 6” x 9”, giá bán: US$25.00
Xin
bấm vào đường dẫn sau:
9 Khuon Mat . 9 Phong Khi Van Chuong by Bui Vinh Phuc, Paperback | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)
Từ
tìm kiếm: 9 khuon mat . 9 phong khi van chuong
Hoặc
liên lạc với tác giả hay Nhà Xuất bản qua địa chỉ email sau:
bvphuc2000@yahoo.com
vanhocpress@gmail.com
No comments:
Post a Comment