Nguyên Giác
Hãy
thiền như một kẻ khờ? Vâng, cần phải tế nhị chữ nghĩa, khi nói về chuyện nên
thiền như một kẻ khờ. Bởi vì Phật Giáo là con đường trí tuệ, không thể nào có
chuyện tu hành theo một kiểu khờ khạo, ngu ngơ. Hẳn nhiên phải là có ý nghĩa ẩn
mật, khi nhiều Thiền sư tự nhận là kẻ ngu, kẻ khờ, mặc dù quý ngài rất là uyên
bác kinh điển. Và, ngay cả trong thời Đức Phật sinh tiền, vẫn có những kẻ ngu
khờ chứng quả A la hán để giải thoát.
Chỗ
này chúng ta cần phân minh chữ nghĩa. Đúng là, căn cơ cũng có người nhanh kẻ chậm.
Nói người nào ngu hay khờ là bất nhã. Nhưng nói thế, vì sách cổ từng nói như thế.
Điều kiện để có hy vọng giải thoát, bất kể ở căn cơ nhanh hay chậm thế nào, là
phải có niềm tin kiên cố vào Tam Bảo, biết thâm tín luật nhân quả, có chánh kiến.
Còn chuyện tu nhanh hay chậm, hiểu kinh nhanh hay chậm… lại là chuyện khác. Bởi
vì, thiếu chánh kiến là sẽ hỏng, là dễ rơi vào tà kiến để rồi cho rằng có một
cái tiểu ngã nào đó cần được đại ngã cứu vớt, hay sẽ tin vào chuyện hồn xác
ngày sau sống lại.
Trong
lịch sử Thiền Tông Nhật Bản có một Thiền sư nổi tiếng, trong pháp danh có nghĩa
“Kẻ rất mực là ngu” nhưng ngài thực sự là một nhà thơ lớn, một nhà thư pháp nổi
tiếng: Ryōkan Taigu (1758-1831), tên phiên âm là Lương Khoan Đại Ngu. Ngài là một
thiền sư thi sĩ dòng Tào Động ở Nhật Bản. Ryōkan được nhớ đến nhờ thơ ca và thư
pháp, thể hiện tinh hoa của đời sống Thiền. Thơ của Ryōkan đa dạng, từ thơ chữ
Hán theo thể Đường luật, đến các thể thơ riêng của Nhật Bản như waka và haiku.
Cuộc đời và những dòng thơ của ngài gắn liền nhau trong khung lịch sử thơ mộng
của Thiền Tông Nhật Bản.
Một
chuyện kể rằng, một đêm, một tên trộm đến thăm túp lều của Ryōkan dưới chân núi
và thấy không có gì để trộm. Ryōkan quay lại và thấy anh này. Nhà sư nói,
"Bạn đã đi một chặng đường dài để đến thăm tôi, và bạn không nên trở về
tay không. Hãy lấy quần áo của tôi làm quà." Tên trộm bối rối. Anh ta lấy
quần áo và lẻn đi. Ryokan ngồi trần trụi ngắm trăng, trầm tư, “Tội nghiệp anh bạn.
Ước gì tôi có thể tặng anh ta mặt trăng xinh đẹp này.” Câu chuyện này có thể là
sự diễn giải một bài thơ haiku của Ryōkan:
Tên
trộm để lại phía sau:
mặt
trăng
nơi
cửa sổ của tôi.
Như
thế, ngài rất mực trí thức và từ bi. Sao gọi là ngu hay khờ được. Trong Thiền sử
Trung Hoa thế kỷ thứ 9 cũng có ngài Đại Ngu (nối pháp Quy Tông Trí Thường).
Cũng chính ngài Hoàng Bá khuyên ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền tới tham học với ngài Đại
Ngu. Hiển nhiên, rất mực bí ẩn, khi một số Thiền sư tự nhận là ngu, là khờ, là
ít chữ, là nhà quê, thậm chí có khi còn tự nhận là chỉ đọc Kinh vô tự (Kinh
không chữ), hay chỉ là kẻ không dùng lời nói (như ngài Vô Ngôn Thông), và có
lúc còn nói là tự thấy là nghèo (chữ nghĩa) thê thảm, tới mức không còn có mảnh
đất (tâm) nào để cày ruộng nữa…
Trong
đời sống bình thường, đã từng bao giờ chúng ta sống trong một tâm thức của kẻ
khờ? Nghĩa là, một kẻ tự biết là kiến thức của mình chưa đủ, cần khiêm tốn học
nhiều nữa, sẵn lòng chú tâm tới những gì có lợi cho đường học của mình, nơi
chúng ta lắng nghe kỹ hơn, nhìn kỹ hơn, tự thấy chung quanh đều là thầy của
mình, kể cả cây lá hai bên đường cũng làm chúng ta tò mò? Có lẽ, đó là khi
chúng ta vào năm thứ nhất đại học, khi thấy chung quanh mình đều là các giáo
sư, các anh chị ở lớp lớn hơn. Thậm chí, chúng ta cũng tự khiêm tốn khi nhìn
vào bạn cùng năm thứ nhất, biết đâu chừng bạn này, bạn kia vẫn điểm cao hơn
mình. Chính trong tâm thức tự nhận là kẻ khờ nhất trong thế gian như thế, chúng
ta không dám nghịch, chúng ta chỉ mở mắt nhìn kỹ hơn, nghe kỹ, đọc kỹ hơn từng
dòng trong các sách giáo khoa mới nhận được. Khi lên năm thứ hai đại học, tự thấy
bớt là kẻ khờ, thế là sức học sẽ giảm, không đọc hay nghe kỹ nữa. Bởi vậy, tâm
thức của kẻ tự thấy ngu khờ là tâm thức của kẻ toàn lực tu học.
Có
một truyện về một nhà sư rất khờ trong Pháp Cú để Đức Phật đọc lên bài kệ 25. Bản
Việt dịch của Thầy Thích Minh Châu là:
25.
"Nỗ
lực, không phóng dật,
Tự
điều, khéo chế ngự.
Bậc
trí xây hòn đảo,
Nước
lụt khó ngập tràn."
Nội
dung bài kệ 25, đối chiếu với các bản Anh dịch, có nội dung là: “Tinh tấn,
không lười biếng, giữ giới luật, phòng hộ các căn, người trí biến thân tâm mình
thành một hòn đảo, để không cho nước lụt nào vào được.”
Đó
là câu chuyện về nhà sư Culapanthaka. Khi đang cư trú tại tu viện Veluvana, Đức
Phật đã đọc Bài kệ 25 và kể chuyện nhà sư Culapanthaka, cháu trai của một chủ
ngân hàng ở Rajagaha. Ông chủ ngân hàng có hai người cháu trai tên là
Mahapanthaka và Culapanthaka. Anh cả là Mahapanthaka, thường cùng ông nội đi
nghe thuyết pháp. Sau đó, Mahapanthaka gia nhập Tăng đoàn và rồi trở thành một
vị A la hán. Culapanthaka theo anh mình và trở thành một tỳ kheo. Nhưng vì
trong kiếp trước vào thời Đức Phật Kassapa, Culapanthaka đã chế nhạo một vị tỳ
khưu rất đần độn, nên sư Culapanthaka sinh ra là một kẻ đần độn trong kiếp hiện
tại. Thậm chí học trong 4 tháng mà không thuộc nổi một bài kệ. Mahapanthaka rất
thất vọng về em trai và còn nói với em rằng em không xứng đáng với Tăng đoàn.
Lúc
đó, cư sĩ Jivaka đến tu viện mời Đức Phật và các vị Tỳ kheo thường trú đến nhà
dùng bữa. Mahapanthaka, người lúc đó chịu trách nhiệm phân công việc mời các tỳ
khưu dùng bữa, đã loại Culapanthaka ra khỏi danh sách. Khi Culapanthaka biết được
điều này, nên thấy thất vọng và quyết định sẽ quay trở lại cuộc sống của một cư
sĩ. Biết ý định đó, Đức Phật đã dẫn Culapanthaka theo và bắt sư này ngồi trước
điện Gandhakuti. Sau đó Đức Phật đưa một mảnh vải sạch cho Culapanthaka và bảo
vị sư chậm trí này ngồi đó, quay mặt về hướng đông và chà xát mảnh vải. Đồng thời,
anh ta phải lặp lại lặp lại chữ "Rajoharanam," có nghĩa là "tẩy
sạch bất tịnh." Sau đó Đức Phật đi đến nơi ở của Jivaka cùng với các vị tỳ
khưu.
Trong
khi đó, Culapanthaka tiếp tục chà xát mảnh vải, miệng lẩm bẩm chữ
"Rajoharanam." Rất nhanh, tấm vải trở nên dơ bẩn. Nhìn thấy sự thay đổi
của tấm vải, Culapanthaka nhận ra bản chất vô thường của tất cả các pháp hữu
vi. Từ nhà Jivaka, Đức Phật nhờ thần thông biết được sự tiến triển của
Culapanthaka. Phóng hào quang tới Culapanthaka, Đức Phật xuất hiện, ngồi trước
mặt vị sư và nói:
“Không
phải chỉ mảnh vải bị bụi làm bẩn; trong mỗi người cũng có bụi của tham đắm, bụi
của sân hận, và bụi của vô minh, tức là, thiếu hiểu biết về Tứ Diệu Đế. Chỉ bằng
cách loại bỏ các bụi, người ta mới có thể đạt được mục tiêu của mình và đạt được
quả vị A-la-hán.” Culapanthaka nhận được ý chỉ và tiếp tục hành thiền và chẳng
bao lâu sau đã đạt được quả vị A-la-hán cùng với Trí Tuệ Phân Tích (Analytical
Insight). Vì thế Culapanthaka không còn là một kẻ khờ nữa.
Tại
nhà của cư sĩ Jivaka, người ta chuẩn bị rót nước cúng dường, nhưng Đức Phật lấy
tay che bình bát lại và hỏi xem còn vị tỳ khưu nào ở lại tu viện không. Khi được
trả lời là không có, Đức Phật trả lời rằng còn một vị sư, và yêu cầu họ đi tìm
Culapanthaka từ tu viện. Khi một người từ nhà cư sĩ Jivaka đến tu viện, ông
không chỉ gặp một vị tỳ khưu mà còn thấy hàng ngàn vị tỳ khưu giống hệt nhau. Tất
cả đều được tạo ra bởi Culapanthaka, người hiện đã có thần thông. Người này bối
rối và quay lại báo cáo với Jivaka. Người này được cử đến tu viện lần thứ hai
và được lệnh nói rằng Đức Phật đã triệu tập vị tỳ khưu tên là Culapanthaka.
Nhưng khi truyền đi thông điệp, hàng ngàn giọng nói đã đáp lại: “Tôi là
Culapanthaka.” Người này lại bối rối, anh quay về lần thứ hai. Sau đó, ông được
gửi đến tu viện lần thứ ba.
Lần
này, người kia được lệnh phải gặp vị tỳ khưu đầu tiên nào nói rằng sư là
Culapanthaka. Ngay khi anh tóm được vị sư đó, tất cả những người còn lại đều biến
mất, và Culapanthaka đi cùng sứ giả đến nhà cư sĩ Jivaka. Sau bữa ăn, theo sự
hướng dẫn của Đức Phật, Culapanthaka thuyết pháp một cách tự tin và can đảm.
Sau này, khi chủ đề Culapanthaka được các vị tỳ khưu đề cập đến, Đức Phật nói rằng
người nào tinh tấn và kiên định trong nỗ lực của mình chắc chắn sẽ đạt được quả
vị A-la-hán. Rồi Đức Phật nói bài kệ trên.
Chúng
ta thấy rằng, nhà sư trong truyện rất khờ, nhưng đã có cơ duyên nhiều đời, nên
không lạc vào những nơi có tà kiến. Lại có cơ duyên theo anh đi tu trực tiếp với
Đức Phật. Khi đọc đi đọc lại một chữ, đó là tập định, để có sự chú tâm. Nhưng Đức
Phật không nói rõ rằng đó là định gì. Chúng ta có thể suy đoán rằng đó là sơ
thiền, chuyển sang quán vô thường để có tuệ giải thoát (đoạn tận tham sân si),
nên gọi là Trí Tuệ Phân Tích (Analytical Insight). Tiến trình giải thoát rất
nhanh (vì chưa tới lúc rót nước nơi bữa tiệc). Và khi đắc quả là có thần thông
liền. Nơi đây, xin nêu ra câu hỏi: có thể chuyện đốn ngộ, đốn chứng này là cho
thấy không hề có chuyện mài giũa tâm cho sạch bụi, nghĩa là nền tảng cho lý luận
đời sau trong Thiền Tông: Thấy Tánh Thành Phật?
Như
vậy, thái độ tu của kẻ khờ là gì? Trọn lòng tin Tam Bảo, tin sâu nhân quả (kiếp
này khờ vì nhiều nghiệp từ kiếp trước), có chánh kiến (tin lời Đức Phật dạy),
tinh tấn (tập định, như nơi đây là tụng một chữ có nghĩa là “lau bụi”), chuyển
sang quán vô thường để trực nhận pháp ấn Vô thường và đoạn tận tham sân si. Nói
ngắn gọn: vị này không dám làm gì ngoài lời Đức Phật dạy.
Nói
cách khác, thái độ tu của kẻ khờ là luôn luôn cẩn trọng với thế giới trong và
ngoài của thân tâm. Nghĩa là, thường trực nhìn thấy thân tâm của mình là đi đứng
nằm ngồi trong lời Phật dạy. Bởi vì, tự thân tâm mình là một hòn đảo, không nước
lut nào bên ngoài ngấm vào được. Có thể hình dung về sức tinh tân này như người
bưng bát dầu đầy, hễ đổ ra một giọt dầu là bị chém đầu liền. Phải tinh tấn như
thế, đó là sức tinh tấn của kẻ tự khiêm tốn ngồi trong một hòn đảo và không dám
ngó hay nghe cái gì khác.
Kinh
SN 47.20 ghi lời Đức Phật dạy về cách giữ tâm trong hòn đảo này là, trích: “Ví
như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu
của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!” Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với
tất cả sự quyến rũ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rũ của mình,
hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: “Cô gái
hoa hậu của quốc độ múa và hát.” Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết,
muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: “Này Ông, hãy xem đây. Đây là
cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và
người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo
sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống.”
Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu,
phóng tâm hướng ngoại không?”
Rồi
Đức Phật giải thích rõ hơn: “Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát
đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.”
Hình
ảnh bưng bát dầu, đi đứng cẩn trọng, cũng tương tự như cậu sinh viên năm thứ nhất,
khi thấy cái gì cũng là rất mới, cần để thấy, để nghe, để học. Nơi đây, hành giả
bưng bát dầu tự thấy từng bước sơ sẩy là một thế giới của đầu rơi, máu chảy. Đó
là tinh tấn trong từng chuyển động của thân tâm.
Tự
ý thức mình là một hòn đảo, cũng là hình ảnh một con rùa trong Kinh SN 35.240.
Đức Phật kể rằng một con rùa đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông, thì gặp một con
giả can, một loại chồn. Khi con rùa thấy con giả can thì liền rụt bốn chân và rụt
cổ vào trong mai rùa, nằm bất động, im lặng. Vì rằng con rùa không thò ra một
thân phần nào, nên con giả can lật con rùa tới, lui, rồi bỏ đi, không làm gì được.
Kinh
SN 35.240 ghi lời Đức Phật dạy về môn võ rùa này: "Do vậy, này các Tỷ-kheo,
hãy sống hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm
giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến
tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự những nguyên
nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi
ngửi mùi … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng
chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được
chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự
những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn. Này các Tỷ-kheo,
khi nào các Ông sống hộ trì các căn, thời Ác ma nhàm chán các Ông và sẽ bỏ đi,
không nắm giữ được cơ hội, như con giả can đối với con rùa."
Hình
ảnh kẻ khờ cũng có thể hiểu như là có mắt như mù, có tai như điếc, và có trí tuệ
cũng giả khờ. Lời dạy đó có ghi trong Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 8.1, nơi phần cuối
trong bài thơ của Ngài Maha-Kaccana là: "Tất cả được nghe với tai, tất cả
được thấy với mắt. Người trí hãy [kham nhẫn], đừng xua đẩy tất cả những gì được
thấy và nghe. Cho dù ngươi có mắt, hãy cứ như mù; cho dù ngươi có tai, hãy cứ
như điếc; cho dù ngươi có trí tuệ, hãy cứ như ngu khờ; cho dù ngươi có sức mạnh,
hãy cứ như yếu đuối. Và khi có chuyện sinh khởi, hãy cứ nằm im như xác chết."
Thiền
sư Bankei (1622-1693) là một bậc long tượng của Thiền Tông Nhật Bản. Có một số
sách viết về ngài Bankei (Bàn Khuê), trong đó Ni sư Trí Hải đã dịch một cuốn có
nhan đề là “Tâm Bất Sinh.” Hiện thời có một bản Anh dịch của Peter Haskel, có
thể đọc miễn phí trên mạng, đó là cuốn “Bankei Zen: Translations from the
Record of Bankei.”
Trong
bản Anh dịch của Peter Haskel, nơi trang 101 bản PDF, có một đoạn, xin trích dịch
lời dạy của ngài Bankei như sau:
“Tôi
nói với các học trò của tôi và những người thường đến chùa này: 'Hãy ngu khờ
đi!' Bởi vì quý vị có chức năng năng động của Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, ngay
cả khi quý vị buông bỏ những hiểu biết phân biệt, quý vị sẽ không ngu tí nào.
Do vậy, tất cả quý vị, từ đây trở đi, hãy ngu khờ đi!”
Như
thế, hãy thiền như một kẻ ngu khờ, như một em bé mới chào đời, như một sinh
viên năm thứ nhất, như một kẻ buông bỏ hết mọi hiểu biết phân biệt, như một con
rùa thu mình chịu trận, như một người bưng bát dầu đầy không dám sơ xuất từng cử
chỉ, như một hành giả đang cầm miếng vải lau bụi và chỉ nghĩ tới chữ “lau bụi”
và hãy như một kẻ có mắt mà hãy cứ như mù, có tai mà hãy cứ như điếc, có trí tuệ
mà hãy cứ như ngu khờ. Chỉ có an lạc, hạnh phúc, trên một hòn đảo xa lìa các trận
lũ lụt.
NGUYÊN
GIÁC
California,
ngày 7 tháng 2/1024.
No comments:
Post a Comment