Wednesday, February 28, 2024

CHIA TAY PHAN XUÂN SINH

nguyễnxuânthiệp



 

Phan Xuân Sinh và tác phẩm

Chia tay anh. phân xuân sinh
tôi không khóc
chỉ có trang thơ ngắn
và những chiếc lá trên cây
mây bay. mây bay qua
anh không còn đứng dưới trời đỏ nát
hay bơi ngược dòng
anh sinh. cứ thanh thản mà đi
vẫn còn đây. trong trí tưởng mọi người
những buổi đọc thơ. hát xướng
bên hơi rượu nồng
và búp đèn hoa huệ
có chị thiên nga ngồi cười
và bạn bè tưởng nhớ anh
cứ thanh thản mà đi
chia tay nhau chiều nay
tôi không khóc
NXT
Garland, đêm 28 tháng 2.2024

 

Monday, February 26, 2024

HÃY THIỀN NHƯ MỘT KẺ KHỜ

Nguyên Giác

Buddha painting
 
Hãy thiền như một kẻ khờ? Vâng, cần phải tế nhị chữ nghĩa, khi nói về chuyện nên thiền như một kẻ khờ. Bởi vì Phật Giáo là con đường trí tuệ, không thể nào có chuyện tu hành theo một kiểu khờ khạo, ngu ngơ. Hẳn nhiên phải là có ý nghĩa ẩn mật, khi nhiều Thiền sư tự nhận là kẻ ngu, kẻ khờ, mặc dù quý ngài rất là uyên bác kinh điển. Và, ngay cả trong thời Đức Phật sinh tiền, vẫn có những kẻ ngu khờ chứng quả A la hán để giải thoát.
 
Chỗ này chúng ta cần phân minh chữ nghĩa. Đúng là, căn cơ cũng có người nhanh kẻ chậm. Nói người nào ngu hay khờ là bất nhã. Nhưng nói thế, vì sách cổ từng nói như thế. Điều kiện để có hy vọng giải thoát, bất kể ở căn cơ nhanh hay chậm thế nào, là phải có niềm tin kiên cố vào Tam Bảo, biết thâm tín luật nhân quả, có chánh kiến. Còn chuyện tu nhanh hay chậm, hiểu kinh nhanh hay chậm… lại là chuyện khác. Bởi vì, thiếu chánh kiến là sẽ hỏng, là dễ rơi vào tà kiến để rồi cho rằng có một cái tiểu ngã nào đó cần được đại ngã cứu vớt, hay sẽ tin vào chuyện hồn xác ngày sau sống lại.
 
Trong lịch sử Thiền Tông Nhật Bản có một Thiền sư nổi tiếng, trong pháp danh có nghĩa “Kẻ rất mực là ngu” nhưng ngài thực sự là một nhà thơ lớn, một nhà thư pháp nổi tiếng: Ryōkan Taigu (1758-1831), tên phiên âm là Lương Khoan Đại Ngu. Ngài là một thiền sư thi sĩ dòng Tào Động ở Nhật Bản. Ryōkan được nhớ đến nhờ thơ ca và thư pháp, thể hiện tinh hoa của đời sống Thiền. Thơ của Ryōkan đa dạng, từ thơ chữ Hán theo thể Đường luật, đến các thể thơ riêng của Nhật Bản như waka và haiku. Cuộc đời và những dòng thơ của ngài gắn liền nhau trong khung lịch sử thơ mộng của Thiền Tông Nhật Bản.
Một chuyện kể rằng, một đêm, một tên trộm đến thăm túp lều của Ryōkan dưới chân núi và thấy không có gì để trộm. Ryōkan quay lại và thấy anh này. Nhà sư nói, "Bạn đã đi một chặng đường dài để đến thăm tôi, và bạn không nên trở về tay không. Hãy lấy quần áo của tôi làm quà." Tên trộm bối rối. Anh ta lấy quần áo và lẻn đi. Ryokan ngồi trần trụi ngắm trăng, trầm tư, “Tội nghiệp anh bạn. Ước gì tôi có thể tặng anh ta mặt trăng xinh đẹp này.” Câu chuyện này có thể là sự diễn giải một bài thơ haiku của Ryōkan:
 
Tên trộm để lại phía sau:
mặt trăng
nơi cửa sổ của tôi.
 
Như thế, ngài rất mực trí thức và từ bi. Sao gọi là ngu hay khờ được. Trong Thiền sử Trung Hoa thế kỷ thứ 9 cũng có ngài Đại Ngu (nối pháp Quy Tông Trí Thường). Cũng chính ngài Hoàng Bá khuyên ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền tới tham học với ngài Đại Ngu. Hiển nhiên, rất mực bí ẩn, khi một số Thiền sư tự nhận là ngu, là khờ, là ít chữ, là nhà quê, thậm chí có khi còn tự nhận là chỉ đọc Kinh vô tự (Kinh không chữ), hay chỉ là kẻ không dùng lời nói (như ngài Vô Ngôn Thông), và có lúc còn nói là tự thấy là nghèo (chữ nghĩa) thê thảm, tới mức không còn có mảnh đất (tâm)  nào để cày ruộng nữa…
 
Trong đời sống bình thường, đã từng bao giờ chúng ta sống trong một tâm thức của kẻ khờ? Nghĩa là, một kẻ tự biết là kiến thức của mình chưa đủ, cần khiêm tốn học nhiều nữa, sẵn lòng chú tâm tới những gì có lợi cho đường học của mình, nơi chúng ta lắng nghe kỹ hơn, nhìn kỹ hơn, tự thấy chung quanh đều là thầy của mình, kể cả cây lá hai bên đường cũng làm chúng ta tò mò? Có lẽ, đó là khi chúng ta vào năm thứ nhất đại học, khi thấy chung quanh mình đều là các giáo sư, các anh chị ở lớp lớn hơn. Thậm chí, chúng ta cũng tự khiêm tốn khi nhìn vào bạn cùng năm thứ nhất, biết đâu chừng bạn này, bạn kia vẫn điểm cao hơn mình. Chính trong tâm thức tự nhận là kẻ khờ nhất trong thế gian như thế, chúng ta không dám nghịch, chúng ta chỉ mở mắt nhìn kỹ hơn, nghe kỹ, đọc kỹ hơn từng dòng trong các sách giáo khoa mới nhận được. Khi lên năm thứ hai đại học, tự thấy bớt là kẻ khờ, thế là sức học sẽ giảm, không đọc hay nghe kỹ nữa. Bởi vậy, tâm thức của kẻ tự thấy ngu khờ là tâm thức của kẻ toàn lực tu học.
 
Có một truyện về một nhà sư rất khờ trong Pháp Cú để Đức Phật đọc lên bài kệ 25. Bản Việt dịch của Thầy Thích Minh Châu là:
 
25.
"Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn."
 
Nội dung bài kệ 25, đối chiếu với các bản Anh dịch, có nội dung là: “Tinh tấn, không lười biếng, giữ giới luật, phòng hộ các căn, người trí biến thân tâm mình thành một hòn đảo, để không cho nước lụt nào vào được.”
Đó là câu chuyện về nhà sư Culapanthaka. Khi đang cư trú tại tu viện Veluvana, Đức Phật đã đọc Bài kệ 25 và kể chuyện nhà sư Culapanthaka, cháu trai của một chủ ngân hàng ở Rajagaha. Ông chủ ngân hàng có hai người cháu trai tên là Mahapanthaka và Culapanthaka. Anh cả là Mahapanthaka, thường cùng ông nội đi nghe thuyết pháp. Sau đó, Mahapanthaka gia nhập Tăng đoàn và rồi trở thành một vị A la hán. Culapanthaka theo anh mình và trở thành một tỳ kheo. Nhưng vì trong kiếp trước vào thời Đức Phật Kassapa, Culapanthaka đã chế nhạo một vị tỳ khưu rất đần độn, nên sư Culapanthaka sinh ra là một kẻ đần độn trong kiếp hiện tại. Thậm chí học trong 4 tháng mà không thuộc nổi một bài kệ. Mahapanthaka rất thất vọng về em trai và còn nói với em rằng em không xứng đáng với Tăng đoàn.
Lúc đó, cư sĩ Jivaka đến tu viện mời Đức Phật và các vị Tỳ kheo thường trú đến nhà dùng bữa. Mahapanthaka, người lúc đó chịu trách nhiệm phân công việc mời các tỳ khưu dùng bữa, đã loại Culapanthaka ra khỏi danh sách. Khi Culapanthaka biết được điều này, nên thấy thất vọng và quyết định sẽ quay trở lại cuộc sống của một cư sĩ. Biết ý định đó, Đức Phật đã dẫn Culapanthaka theo và bắt sư này ngồi trước điện Gandhakuti. Sau đó Đức Phật đưa một mảnh vải sạch cho Culapanthaka và bảo vị sư chậm trí này ngồi đó, quay mặt về hướng đông và chà xát mảnh vải. Đồng thời, anh ta phải lặp lại lặp lại chữ "Rajoharanam," có nghĩa là "tẩy sạch bất tịnh." Sau đó Đức Phật đi đến nơi ở của Jivaka cùng với các vị tỳ khưu.
Trong khi đó, Culapanthaka tiếp tục chà xát mảnh vải, miệng lẩm bẩm chữ "Rajoharanam." Rất nhanh, tấm vải trở nên dơ bẩn. Nhìn thấy sự thay đổi của tấm vải, Culapanthaka nhận ra bản chất vô thường của tất cả các pháp hữu vi. Từ nhà Jivaka, Đức Phật nhờ thần thông biết được sự tiến triển của Culapanthaka. Phóng hào quang tới Culapanthaka, Đức Phật xuất hiện, ngồi trước mặt vị sư và nói:
“Không phải chỉ mảnh vải bị bụi làm bẩn; trong mỗi người cũng có bụi của tham đắm, bụi của sân hận, và bụi của vô minh, tức là, thiếu hiểu biết về Tứ Diệu Đế. Chỉ bằng cách loại bỏ các bụi, người ta mới có thể đạt được mục tiêu của mình và đạt được quả vị A-la-hán.” Culapanthaka nhận được ý chỉ và tiếp tục hành thiền và chẳng bao lâu sau đã đạt được quả vị A-la-hán cùng với Trí Tuệ Phân Tích (Analytical Insight). Vì thế Culapanthaka không còn là một kẻ khờ nữa.
 
Tại nhà của cư sĩ Jivaka, người ta chuẩn bị rót nước cúng dường, nhưng Đức Phật lấy tay che bình bát lại và hỏi xem còn vị tỳ khưu nào ở lại tu viện không. Khi được trả lời là không có, Đức Phật trả lời rằng còn một vị sư, và yêu cầu họ đi tìm Culapanthaka từ tu viện. Khi một người từ nhà cư sĩ Jivaka đến tu viện, ông không chỉ gặp một vị tỳ khưu mà còn thấy hàng ngàn vị tỳ khưu giống hệt nhau. Tất cả đều được tạo ra bởi Culapanthaka, người hiện đã có thần thông. Người này bối rối và quay lại báo cáo với Jivaka. Người này được cử đến tu viện lần thứ hai và được lệnh nói rằng Đức Phật đã triệu tập vị tỳ khưu tên là Culapanthaka. Nhưng khi truyền đi thông điệp, hàng ngàn giọng nói đã đáp lại: “Tôi là Culapanthaka.” Người này lại bối rối, anh quay về lần thứ hai. Sau đó, ông được gửi đến tu viện lần thứ ba.
Lần này, người kia được lệnh phải gặp vị tỳ khưu đầu tiên nào nói rằng sư là Culapanthaka. Ngay khi anh tóm được vị sư đó, tất cả những người còn lại đều biến mất, và Culapanthaka đi cùng sứ giả đến nhà cư sĩ Jivaka. Sau bữa ăn, theo sự hướng dẫn của Đức Phật, Culapanthaka thuyết pháp một cách tự tin và can đảm. Sau này, khi chủ đề Culapanthaka được các vị tỳ khưu đề cập đến, Đức Phật nói rằng người nào tinh tấn và kiên định trong nỗ lực của mình chắc chắn sẽ đạt được quả vị A-la-hán. Rồi Đức Phật nói bài kệ trên.
 
Chúng ta thấy rằng, nhà sư trong truyện rất khờ, nhưng đã có cơ duyên nhiều đời, nên không lạc vào những nơi có tà kiến. Lại có cơ duyên theo anh đi tu trực tiếp với Đức Phật. Khi đọc đi đọc lại một chữ, đó là tập định, để có sự chú tâm. Nhưng Đức Phật không nói rõ rằng đó là định gì. Chúng ta có thể suy đoán rằng đó là sơ thiền, chuyển sang quán vô thường để có tuệ giải thoát (đoạn tận tham sân si), nên gọi là Trí Tuệ Phân Tích (Analytical Insight). Tiến trình giải thoát rất nhanh (vì chưa tới lúc rót nước nơi bữa tiệc). Và khi đắc quả là có thần thông liền. Nơi đây, xin nêu ra câu hỏi: có thể chuyện đốn ngộ, đốn chứng này là cho thấy không hề có chuyện mài giũa tâm cho sạch bụi, nghĩa là nền tảng cho lý luận đời sau trong Thiền Tông: Thấy Tánh Thành Phật?
 
Như vậy, thái độ tu của kẻ khờ là gì? Trọn lòng tin Tam Bảo, tin sâu nhân quả (kiếp này khờ vì nhiều nghiệp từ kiếp trước), có chánh kiến (tin lời Đức Phật dạy), tinh tấn (tập định, như nơi đây là tụng một chữ có nghĩa là “lau bụi”), chuyển sang quán vô thường để trực nhận pháp ấn Vô thường và đoạn tận tham sân si. Nói ngắn gọn: vị này không dám làm gì ngoài lời Đức Phật dạy.
Nói cách khác, thái độ tu của kẻ khờ là luôn luôn cẩn trọng với thế giới trong và ngoài của thân tâm. Nghĩa là, thường trực nhìn thấy thân tâm của mình là đi đứng nằm ngồi trong lời Phật dạy. Bởi vì, tự thân tâm mình là một hòn đảo, không nước lut nào bên ngoài ngấm vào được. Có thể hình dung về sức tinh tân này như người bưng bát dầu đầy, hễ đổ ra một giọt dầu là bị chém đầu liền. Phải tinh tấn như thế, đó là sức tinh tấn của kẻ tự khiêm tốn ngồi trong một hòn đảo và không dám ngó hay nghe cái gì khác.
 
Kinh SN 47.20 ghi lời Đức Phật dạy về cách giữ tâm trong hòn đảo này là, trích: “Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!” Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rũ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rũ của mình, hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: “Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát.” Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: “Này Ông, hãy xem đây. Đây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống.” Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?”
 
Rồi Đức Phật giải thích rõ hơn: “Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.”
 
Hình ảnh bưng bát dầu, đi đứng cẩn trọng, cũng tương tự như cậu sinh viên năm thứ nhất, khi thấy cái gì cũng là rất mới, cần để thấy, để nghe, để học. Nơi đây, hành giả bưng bát dầu tự thấy từng bước sơ sẩy là một thế giới của đầu rơi, máu chảy. Đó là tinh tấn trong từng chuyển động của thân tâm.
Tự ý thức mình là một hòn đảo, cũng là hình ảnh một con rùa trong Kinh SN 35.240. Đức Phật kể rằng một con rùa đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông, thì gặp một con giả can, một loại chồn. Khi con rùa thấy con giả can thì liền rụt bốn chân và rụt cổ vào trong mai rùa, nằm bất động, im lặng. Vì rằng con rùa không thò ra một thân phần nào, nên con giả can lật con rùa tới, lui, rồi bỏ đi, không làm gì được.
 
Kinh SN 35.240 ghi lời Đức Phật dạy về môn võ rùa này: "Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy sống hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng … mũi ngửi mùi … lưỡi nếm vị … thân cảm xúc … ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự những nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành hộ trì ý căn. Này các Tỷ-kheo, khi nào các Ông sống hộ trì các căn, thời Ác ma nhàm chán các Ông và sẽ bỏ đi, không nắm giữ được cơ hội, như con giả can đối với con rùa."
 
Hình ảnh kẻ khờ cũng có thể hiểu như là có mắt như mù, có tai như điếc, và có trí tuệ cũng giả khờ. Lời dạy đó có ghi trong Trưởng Lão Tăng Kệ Thag 8.1, nơi phần cuối trong bài thơ của Ngài Maha-Kaccana là: "Tất cả được nghe với tai, tất cả được thấy với mắt. Người trí hãy [kham nhẫn], đừng xua đẩy tất cả những gì được thấy và nghe. Cho dù ngươi có mắt, hãy cứ như mù; cho dù ngươi có tai, hãy cứ như điếc; cho dù ngươi có trí tuệ, hãy cứ như ngu khờ; cho dù ngươi có sức mạnh, hãy cứ như yếu đuối. Và khi có chuyện sinh khởi, hãy cứ nằm im như xác chết."
 
Thiền sư Bankei (1622-1693) là một bậc long tượng của Thiền Tông Nhật Bản. Có một số sách viết về ngài Bankei (Bàn Khuê), trong đó Ni sư Trí Hải đã dịch một cuốn có nhan đề là “Tâm Bất Sinh.” Hiện thời có một bản Anh dịch của Peter Haskel, có thể đọc miễn phí trên mạng, đó là cuốn “Bankei Zen: Translations from the Record of Bankei.”
Trong bản Anh dịch của Peter Haskel, nơi trang 101 bản PDF, có một đoạn, xin trích dịch lời dạy của ngài Bankei như sau:
“Tôi nói với các học trò của tôi và những người thường đến chùa này: 'Hãy ngu khờ đi!' Bởi vì quý vị có chức năng năng động của Tâm Phật chiếu sáng kỳ diệu, ngay cả khi quý vị buông bỏ những hiểu biết phân biệt, quý vị sẽ không ngu tí nào. Do vậy, tất cả quý vị, từ đây trở đi, hãy ngu khờ đi!”
 
Như thế, hãy thiền như một kẻ ngu khờ, như một em bé mới chào đời, như một sinh viên năm thứ nhất, như một kẻ buông bỏ hết mọi hiểu biết phân biệt, như một con rùa thu mình chịu trận, như một người bưng bát dầu đầy không dám sơ xuất từng cử chỉ, như một hành giả đang cầm miếng vải lau bụi và chỉ nghĩ tới chữ “lau bụi” và hãy như một kẻ có mắt mà hãy cứ như mù, có tai mà hãy cứ như điếc, có trí tuệ mà hãy cứ như ngu khờ. Chỉ có an lạc, hạnh phúc, trên một hòn đảo xa lìa các trận lũ lụt.
NGUYÊN GIÁC
California, ngày 7 tháng 2/1024.
 

Saturday, February 24, 2024

VỀ LẠI NHÀ

Hoàng Xuân Sơn
 
Still Life of a Basket on a Chair (1900)
Tranh: Lady Edna Clarke Hall 1879-1979
 
[ bài ca của những chấm sao ]
 
nằm trong thân ấm vật vờ
nghe hồn lạnh. rút
bên bờ vực nao
màu trăng màu tuyết dạt dào
màu nguyên âm buốt. nhọn
sao trên trời
khô. và ran trường thiên bôi
 
ẩm. là uống tận miệt lời
mênh mang
cứ đi. rồi trở lại hàng
gióng mình một chiếc cầu thang ngợp ngời
chợt hạnh thấm. tràn
đôi nơi
xin về đội ngũ của đời ấm êm
bước lên. xem một bực thềm
bước lên cao nữa là đêm
vời vời
 
*
*
HOÀNG XUÂN SƠN
16 february 2023
Ngày này năm trước

THƯ TỪ HUẾ

Huỳnh Liễu Ngạn
 
Ôi quê xưa
 
đi mô mà lâu rứa
có làm được cái chi
răng không về thăm mạ
tau tra rồi nghe mi.
2000

HLN

 

Friday, February 23, 2024

TIẾNG CHUÔNG ĐÊM TRỪ TỊCH

Trương Văn Dân
 
Nhà văn Trương Văn Dân
 
Khi năm Dương Lịch 2023 sắp bước qua và 2024 sắp đến, nhà văn Nguyên Cẩn có post lên trang Facebook (Nga Pham) bài thơ “Chào 2024”, trong đó có mấy câu thơ đã làm tôi suy nghĩ, 2 câu đầu nói lên một ước nguyện, nhưng hai câu sau vẽ lên một hiện thực buồn đau về thế giới:
 
Chào 24 nguyện cầu cho thế giới
Đạn bom ngưng oán hận cũng tàn phai.
Hòa bình ơi sao giấc mộng còn dài !
Khi nhân loại điên cuồng trong ảo vọng.
 
Tưởng chừng sau những năm tháng có quá nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều sự kiện “không thể nghĩ tới” thì năm mới sẽ êm ả… nhưng thực tế cho thấy là thế giới càng ngày càng ảm đạm và bất định, liên tiếp có những biến động làm ta lo ngại.
 
Ngay từ đầu năm 2023, các nhà phân tích đều dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy gần đây có vài dấu hiệu tích cực nhưng kinh tế Mỹ vẫn còn khó khăn khiến nhiều người bị ảnh hưởng về việc làm và thu nhập nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Sự bất ổn chính trị, tuy chính phủ đã tạm tránh bị đóng cửa, nhưng kinh tế Mỹ ở giai đoạn tranh cử Tổng thống trong năm 2024, là thời điểm có nguy cơ diễn ra cao nhất.
 
Các nền kinh tế của Âu Châu như Đức, Pháp Ý,… cũng đang trên đà trượt dốc, bất chấp hàng nghìn doanh nghiệp năng động và hàng triệu chuyên gia tài năng đang hoạt động. Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga nên bị ảnh hưởng lớn từ xung đột ở Ukraine. Quan hệ Mỹ-Trung, Nam Bắc Triều Tiên căng thẳng; Mỹ, Anh vừa bắn tên lửa Tomahawk vào các thành phố ở Yemen để trả đũa Houthi gây nên điểm nóng chiến sự mới sau cuộc càn quét của Israel vào Dải Gaza. Trong thế giới hỗn loạn đó, Liên Hiệp Quốc chỉ hữu danh vô thực, hoàn toàn bị tê liệt vì quyền phủ quyết của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.
 
Không ai biết là khi nào chiến tranh hạt nhân sẽ xảy ra, xóa sổ Trái Đất?
 
Lịch sử chuyển động nhanh đến chóng mặt. Hỗn loạn đến bất ngờ.
 
Thế giới mong manh. Nhân loại sẽ về đâu?
 
Có người nói nửa đùa nửa thực: người ta có thể tiên đoán mọi chuyện, trừ những chuyện xảy ra trong tương lai. Chỉ có điều chắc chắn là … cực kỳ bất ổn.
 
Các nhà phân tích cho rằng sắp tới 1% những người giàu nhất không những sở hữu phần lớn tài sản của nhân loại mà cả sắc đẹp và sức khỏe. Công nghệ sinh học sẽ còn chia con người thành siêu giàu và nghèo đói, một tình huống vô cùng nguy hiểm, dẫn đến những biến động xã hội và chính trị mà không ai biết sẽ giải quyết như thế nào!
 
Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua có Cuộc đình công ở Hollywood chống lại hiểm họa từ trí tuệ nhân tạo (AI, Artificial Intelligence). Họ quyết liệt đòi kiểm soát việc lạm dụng như thâu giọng nói, hình ảnh, cử chỉ của các diễn viên để làm phim hay chuyển âm mà không phải trả lương.
Tất nhiên việc lạm dụng không chỉ nằm trong giới điện ảnh vì AI sẽ là một cuộc cách mạng thay đổi xã hội. Nếu AI đã giúp y khoa và khoa học tiến những bước dài, nó cũng sẽ là một đe dọa khủng khiếp cho nhân loại: Khởi đầu là chuyện thất nghiệp, máy làm thay người. Sau đó là văn hóa, sẽ không còn nghệ sĩ, không còn sáng tạo, không còn suy nghĩ. Ngày nay, chỉ cần cho một đề tài, AI sẽ viết một cuốn tiểu thuyết, với đủ tình tiết hỷ nộ ái ố, một cuốn khảo luận với đầy đủ dẫn chứng cổ kim chỉ trong vài phút!
 
Nếu trí tuệ nhân tạo gây xáo động thị trường nhân lực, biến hàng tỷ người thành vô ích và đang đặt ra những lo ngại về đạo đức, thì thiên nhiên cũng không có dấu hiệu ưu đãi con người.
Lụt lội, hạn hán, cháy rừng, nạn châu chấu triệt hạ mùa màng, sóng thần, động đất… luôn luôn thường trực. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Syria và bão ở Hoa Kỳ đã gây ra thiệt hại nặng nề. Âm thầm và đều đặn, mỗi năm đều có những thảm họa dịch tễ ở các châu lục: Ebola, bệnh bò điên, H5N1, SARS, sốt Chikungunya, xuất huyết và hiện tại là COVID-19 và các biến thể.
 
Một thế giới bất an!
 
Nhiệt độ Trái đất năm 2023 đã phá vỡ kỷ lục, cao nhất trong 100.000 năm qua. Những trận cháy rừng tại nhiều quốc gia đang làm tăng khí thải và nhiệt độ hành tinh có khả năng còn tăng cao trong những tháng tới.
 
Hệ sinh thái đang sụp đổ! Biến đổi khí hậu gây thiên tai, bão lụt, mở đầu cho những cuộc di dân khí hậu còn lớn hơn những cuộc di dân vì lý do chính trị, kinh tế hay chiến tranh. Đại họa này đang là một thực tế trước mắt, con người có thể bị diệt vong. Vậy mà lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh trên thế giới vẫn vô tư khai thác tài nguyên, tàn phá những cảnh quan tuyệt vời của thiên nhiên để làm du lịch bất chấp sự mai một văn hóa truyền thống. Tất cả chỉ quan tâm đến tiền, về tăng trưởng kinh tế, hồn nhiên bàn về tầm nhìn 20/ 30 năm sau thì có khác gì căn nhà của mẹ thiên nhiên đang bốc cháy mà các con cứ vô tư ngồi nhậu và tán phét!
 
Liệu 20/ 30 năm sau chúng ta có còn sống sót vì cách sống vô trách nhiệm, tham lam và hủy diệt?
 
&&&
 
Trong bối cảnh chợ búa đìu hiu, người mua, kẻ bán cùng ‘thắt hầu bao’, tiểu thương lo mất Tết, các quốc gia có thể hồn nhiên đốt pháo hay bắn pháo hoa chào “mừng” năm mới? Nhiều trẻ em ở các nước cơm không đủ no, áo không đủ mặc sao có thể lãng phí với trò chơi nguy hiểm? Tai nạn, thương tật, cháy nổ… chưa kể đến chuyện người già con trẻ giật mình. Có nơi thả pháo từ lầu cao, từ xa chỉ thấy một đám khói mù mịt, lãng đãng bay hơn tiếng đồng hồ mà chưa tan.
 
Mà chỉ có dân ở thành phố lớn chứ miền quê nào biết đến pháo hoa? Sao không làm những thước phim rồi chiếu trên TV để mọi người đều được xem mà không tốn kém. Và số tiền tiết kiệm vì pháo được bỏ vào quỹ phống chống tai ương?
 
&&&
 
Thức trong đêm trừ tịch chờ phút giao mùa, tôi miên man suy nghĩ về các mẩu tin vừa đọc: Tháng 10/2023 Hamas tấn công Do Thái, giết 1200 người, bắt cóc đàn bà, trẻ em nên Do Thái trả đũa bằng những cuộc hành quân tàn bạo nhất trong lịch sử. Mới đây họ còn định dẫn nước biển làm ngập lụt đường hầm Gaza bất chấp nguy cơ phá hủy môi trường sống, vừa làm hỏng nguồn nước ngọt nuôi sống người dân Palestine vừa làm ảnh hưởng đến kết cấu nền đất và các ngôi nhà trên mặt đất! Mọi giới hạn đều bị vượt qua và khốc liệt hơn cả những cuốn phim giầu tưởng tượng.
 
Một kỷ nguyên mới với bom rơi đạn lạc bắt đầu!
Vừa qua, có nhiều nơi trong vùng Địa Trung Hải không tổ chức lễ Giáng Sinh và ở một nhà thờ ở Bethlehem người ta đặt Chúa Hài Đồng giữa đống đổ nát của một tòa nhà bị đánh bom!
 
Chúa Hài đồng giữa đống đổ nát
 
Ánh mắt kinh hoàng nhìn cái chết đang đến gần
 
Chiều nay trên TV tôi vừa thấy hình ảnh một người cha đang vuốt ve khuôn mặt con gái và nói “hãy nhìn xem cháu xinh đẹp biết bao!”. Bé gái như đang ngủ nếu không có tấm vải liệm. Trước đó người ta thấy ông trèo trên đống gạch ngói, té lên té xuống, đi tìm những mảnh đồ chơi của con để bé được mang theo. Còn trên đường phố một cậu bé đang vật vã trên con đường lầy lội, mang trên vai thi thể đứa em trai mà cậu vừa kéo ra từ sân nhà sụp đổ.
 
Có lẽ chỉ có chiến tranh mới tạo được những hoàn cảnh bi thảm và kỳ lạ như thế.
 
Một bé gái khác ngồi bó gối, ánh mắt buồn bã ngồi nhìn căn nhà đổ nát. Bé gầy ốm, cổ tay cổ chân như những chiếc que, áo quần rách nát, còn khuôn mặt thì đăm chiêu như một cụ già. Tôi không biết điều gì diễn ra trong đầu bé khi nhìn căn nhà của mình sụp đổ, nhưng chắc một điều là những đổ vỡ ấy sẽ lưu lại suốt cả cuộc đời của bé.
 
Bao nhiêu chiến tranh tương tàn đã làm tan hoang trái đất? Bao nhiêu triệu người đã bỏ mạng trên đường lánh nạn, vượt sông vượt biển…? Máu chảy thành sông, xương chất thành núi, để người ta tranh giành gái đẹp và ngôi báu, cho thỏa lòng tham quyền lực hay ảo tưởng xây dựng một thế giới không có thực.
 
Bỗng dưng tôi buồn vô hạn. Dù biết nỗi buồn thúi ruột ấy không làm ai no, không xoa dịu được những vết thương, không an ủi được người đau khổ hay ngăn được cái chết.
 
Chiến tranh! Chiến tranh!
 
Từng đọc rất nhiều trang về lịch sử nhưng tôi chưa hề thấy có cuộc chiến nào mang lại cơm ăn áo mặc khôi phục lại nhân quyền, đem lại tự do hay công bằng xã hội. Nó chỉ là sự tranh giành quyền lực, kẻ chiến thắng làm ông chủ mới, chưa chắc tốt hơn chủ cũ mà ông vừa đạp đổ.
 
Đâu là công bằng? Đâu là tự do? Ấm no, hạnh phúc? Những thứ mà mấy nghìn năm nay nhân loại mãi kiếm tìm mà chúng không ai nhìn thấy!
 
Vì sao? Có phải cái bệnh nan y của thế giới hôm nay làm nhân loại phải triền miên đau khổ là tham lam, do thiếu tình yêu và tình người.
 
Hơn 2000 năm trước, triết gia Aristotle cũng đã hiểu: Nếu có tình yêu trên trái đất, mọi thứ luật lệ sẽ là thừa!
 
Hình như chưa có quốc gia nào quan tâm đến việc trừng phạt kẻ mạnh mà chỉ dùng đường lối cứng rắn để áp đảo, bóc lột kẻ yếu, gây chiến tranh với nước nghèo, tặng quà cho người giàu, ân xá cho kẻ cướp, bỏ bê đạo đức nên các vụ bê bối và tham nhũng lan rộng, không có điểm dừng.
Cách đây không lâu có một người bạn nói với tôi: “Anh biết không? Điều nổi bật ghê rợn của thế kỷ này là con người đã đánh mất nhân tính, trở thành những cái máy ăn nhậu vô cảm. Tôi thương hại những ai ngồi viết những trăn trở hay ngợi ca giá trị nhân văn mà không ai đọc, còn người đọc thì coi đó là chuyện vô ích!”
 
Bi đát! Vậy chúng ta sẽ phải làm gì?
Liều thuốc hữu hiệu cho tất cả những vấn nạn là tất cả chúng ta đều phải thay đổi lối sống, mỗi người tự thay đổi bản thân và có lẽ chỉ với cuộc chuyển hóa nội tâm này thì may ra mới có thể đóng góp và hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhưng có thể thay đổi được con người? Chẳng phải mọi tai họa đều do con người muốn thay đổi thế giới nhưng không chịu đổi thay chính mình sao?
 
Trong buồn chán tôi nằm ngủ thiếp lúc nào không hay.
Đánh thức tôi là một tiếng chuông chùa từ xa vọng lại.
 
Nghe tiếng chuông ngân nga, tự nhiên lòng tôi cảm thấy bình an và hy vọng. Cơ thể tôi đung đưa nhè nhẹ như đang trôi trên một con thuyền lướt trên mặt sông êm dịu. Tôi nằm yên, nhắm mắt cho thân xác và ý nghĩ bồng bềnh trong một cảm giác êm đềm. Gió mát từ dòng kênh Nhiêu Lộc thổi đến, như có mang theo chút hương thơm của những đóa hoa xuân đầy màu sắc, xanh vàng, nâu, đỏ, đang nở rộ.
 
Tôi ngồi dậy lặng lẽ bước ra ban-công nhìn về phía dòng nước và nghe một tiếng pháo lẹt đẹt lẻ loi của ai vừa đốt. Tự nhiên tôi nhớ đến ý tưởng đã viết 20 năm trước trong tạp bút “Buổi chiều trên nghĩa trang”: “Sao chúng ta không gom hết vũ khí trên trái đất, đúc thành những chiếc chuông” thì trong đầu lóe lên một ý tưởng khác: Thay vì bắn pháo hoa, trong đêm trừ tịch, ngay lúc giao mùa, tất cả các nước trên thế giới cùng lúc gióng chuông chùa, chuông nhà thờ, chuông ở các nơi tôn nghiêm và từ nhà của mọi thường dân, không phân biệt tôn giáo… cho âm thanh ngân vang trong không gian làm tỉnh thức tâm thiện của loài người.
 
Tiếng chuông và lòng thành kính sẽ truyền đến mọi nơi xa xôi tăm tối để ai nấy cũng đều nghe: Thâm trầm giữa náo nhiệt, ngân nga giữa bể dâu và đánh thức những khách trọ trần gian còn mãi theo đuổi danh lợi, gọi thế nhân đang mê đắm nơi bể khổ, trở về cõi an nhiên để cuộc sống mãi bình an trên trái đất.
 
Sài Gòn, 15.1.2024
TRƯƠNG VĂN DÂN
 
* Mời các bạn click vào link để nghe chuông:
Tiếng chuông chùa sáng sớm (nhịp nhanh 10 giây) – cảnh tỉnh và giữ chánh niệm: https://www.youtube.com/watch?v=h7GQaBDVZ9A
Chuông chùa – mõ chùa: https://www.youtube.com/watch?v=hioY8UFYaPU
Chuông trong lễ hội: https://www.youtube.com/watch?v=KvjvYI-ecuY https://www.youtube.com/watch?v=KxDUaQVkMoI
Chuông trong lễ hội ở thành phố Bologna (Ý): https://www.youtube.com/watch?v=HL2vaklhr5o
Chuông ở Tòa thánh Vaticano (33 giây): https://www.youtube.com/watch?v=mqHM9WJ5yq0
Chuông ở Roma (60 giây): https://www.youtube.com/watch?v=RHapsjHDz2U 

Tuesday, February 20, 2024

BUÔNG

Đặng Mai Lan
 
Hình tác giả gởi
 
Cánh cửa khép
tấm màn buông
cửa thời gian, màn quá khứ
một sân khấu sắp khai mạc hay vừa chấm dứt
người diễn viên duy nhất là tôi
im lìm vở kịch câm
với những ngón tay ký ức
 
Tay khô ngày tháng
ấp ủ từng nỗi chia lìa
nâng niu mỗi niềm hạnh ngộ
những đi và đến
nhập cuộc trần gian
qua những đời người.
 
Trần gian tôi
nắng thắp bốn mùa
hồng má tươi môi
chân dung thiếu nữ
áo trắng áo hoa
tôi đi giữa đường xanh
khua động phố suốt những mùa con gái
 
Trần gian tôi
ngày đìu hiu xám
trên những vòng kẽm gai
đậm màu binh đao sinh tử
nhạt như khói trầm hương
lơ lửng hiển linh
bùi ngùi giữa đôi bờ sống chết
hun hút đêm giới nghiêm
phố đỏ từng dòng máu chảy
tối đen lòng huyệt mộ
nâu nâu màu đất mới
động vỡ nát tan
phục sinh xanh
chỉ dành cho cây cỏ
 
Tôi giấu tôi
tôi tìm lại tôi
tôi ngồi tôi đứng
tôi khóc tôi cười
trong thế giới lẻ loi
 
Cửa khép màn buông
tôi giấu tôi vào một cõi riêng
như cất giấu một kho tàng
nguyên vẹn một đời chung thủy
cho đến ngày tận tuyệt bỏ, buông.
 
ĐẶNG MAI LAN
(tháng 2/2024)
 

Monday, February 19, 2024

NHỚ THI VŨ. NGÀY GIỖ ĐẦU

Vũ Hoàng Thư


 
mùa xuân nơi đất khách
ấm mấy cũng nao người
(Thi Vũ – Mùa Xuân Xa)
 
Nắng lên giữa mưa và mưa rơi chen hàng nắng. Tháng giêng lạ kỳ. Tôi như giao mùa nằm khơi biên giới. Lạnh ướt của đông và se hanh của xuân. Không thể gọi là ấm vì xuân hãy còn xa. Xa ngút ngàn như người đã đi mất. Bây giờ người là tro bụi nằm yên bình đâu đó trong lòng địa cầu. Có thật Paris. không thi vũ ? Mới đó, khoảng thời gian này năm ngoái,
 
người về nơi ấy
hai tay xuôi
môi mỉm cười thinh không
tóc bạc luồn mây trắng
như sông seine êm trôi
nước đổ dài ra nghìn dặm
bóng là vạt nắng
vờn bay thành hoa
hoa nắng (1)
            (Vũ Hoàng Thư - paris. không thi vũ)
 
Vắng mặt có thật là hư vô, khi hiện hữu được định nghĩa bằng cái không còn?
“Thi sĩ là người không nói, những buổi mai lúc sương đông chưa vờn qua thung lũng, thi sĩ đã thức và gọi chim trên núi. Les Matinaux.” Les Matineaux, danh từ René Char dùng để gọi người thơ. Phạm Công Thiện viết như thế trong Đề Tựa cuốn Dặm Thơ của Thi Vũ, và ông kết luận “Thi Vũ và René Char cùng nhau đứng trên đồi cao, báo hiệu cho những buổi tinh mơ thi nhân, les matinaux, và triêu dương chuyển động.”
 
Thật vậy khi ánh dương ló dạng, sương sẽ tan nhưng không mất vì sương biến dạng lánh ngời trong mắt người nữ, hoa không chỉ khoe mùi phảng phất bên mình mà cùng gió đưa hương về chốn nhân gian, thi sĩ sẽ khơi vơi cùng chim hát, không có gì còn, cũng không có gì mất, chỉ là biến dạng theo dòng luân sinh, les matinaux gióng lời nguyên sơ,
 
Tiếng chim ca không ngừng bên sông    
và Hoa kia       
chỉ nói bằng hương       
và Sương         
tình nhân giếng mắt.
            (CHIM, HOA VÀ SƯƠNG)
 
Ở một đoạn khác,
 
tiếng hát và lời ca ru gió thổi
thời xanh qua ngọn cỏ biếc quanh đồi
tôi bỗng nhớ tôi
trong đôi mắt em.
(NHỚ)
 
Tôi bỗng nhớ tôi / trong đôi mắt em. Đó là tiếng sấm trong lặng thinh, tiếng sấm giữa hai thời biến dịch. Tiếng hát dậy cùng lời ca trong gió mang lại thời xanh. Tuổi xanh. Ấu thơ. Diện mục. Quê hương. Nhớ là sống, thiếu niềm nhớ mọi thứ sẽ hủy diệt. Tôi hiển hiện khi còn em, Em-quê-hương-muôn-vàn-xa-cách, giao thoa hòa quyện trong liên hệ giữa người với người, chúng ta làm nên thế giới. Tôi cùng em là lẽ không hai, bất nhị từ tia mắt. Từ đó ngời xanh cỏ biếc, từ đó tình yêu tròn trịa hôn phối...
Quê hương phải chăng là ‘Người’ như có lần Thi Vũ viết: “Trên tạp chí Quê Mẹ cuối năm 79 đầu thập niên 80, tôi viết bài xã luận “Quê hương là Người”  làm ngạc nhiên hay thắc mắc một số độc giả. Thời đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận người mới là quê hương thực. Từ nhỏ, quê hương ám ảnh tôi qua bụi tre, ao làng, sông nước, tiếng chuông chùa… nơi chôn nhau cắt rốn. Thử hỏi nếu không có cuốn Quốc văn giáo khoa thư thời tiểu học đăng bài quê hương là nơi đẹp hơn cả, chắc gì những hình ảnh lùa vào mắt mỗi sáng ta mở mi cho nắng rót từng lần ấn tượng in nên cảnh thực. Một cảnh thực chập chùng ảo giác. Ta có sẽ thốt lên ‘quê hương là nơi đẹp hơn cả’ chăng trước những cảnh, những hình hiện quanh thế giới chập chùng lưu luyến?” (2)
 
Sáng thức dậy em không còn ngồi đó
Tất cả thành nguyên do
cho cuộc lữ cuối trời.
(RÁCH)
 
Ngày giỗ đầu của anh Thi Vũ, tôi lần đọc lại một số thơ của anh trong nhớ tưởng. Cuốn Dặm Thơ, như một tình cờ là cuốn tôi kéo ra đầu tiên từ tủ sách. Bìa sách tím, mang mang phong kín Huế, bao lấy nền tranh vẽ, dáng vàng đồng cô tịch, nhan đề bằng thủ bút của tác giả như cánh hạc bay trời Đông phương. Sao gọi là Dặm Thơ? Dặm là đơn vị đo lường khoảng cách. Thơ có thể đo lường được chăng? Hay Thơ, viết hoa, là một cái gì ta vươn tới, một mục tiêu bất khả đạt, nó tiếp tục di dời trong vô vọng của kẻ làm thơ? Nếu nắm được, Thơ sẽ ngừng hiện hữu? Vậy thì Dặm Thơ ắt là con đường Thơ đi qua? Ngẫu nhĩ đến và như nhiên đi. Như nắng, như ngày, như mộng, như hiện sinh. Không gian tuôn khơi thị giác, kết nối thời gian tiến tạo mốc ngày, từ mộng không, Em vỡ ra thành hiện hữu, Tôi. Em là Thơ hay người nữ thịt xương, ta liên quan gì nhau trong thế giới diệu hữu? Cogito, ergo sum hay tâm cảnh nhân duyên? Đừng hỏi lý do, vì đó là mối tương duyên linh hoạt nhân gian.
 
Nắng hắt lên từ mắt
Chiều hắt lên từ ngày
Em hắt ra từ mộng
Tôi ra đời từ em.
(LIÊN QUAN)
 
Một bài thơ khác, mới đọc tưởng là ôn tồn thân ái giữa hai người nam nữ. Vậy mà mênh mang trầm tịch kéo về khi ngoại giới hào nhoáng làm ta vong thân chính ta, Biển cả neo hồn ta phương xa / Gió dìu hương lòng em xa ta. Phải chăng ảo ảnh của một lý tưởng tốt đẹp đã làm tối mắt ta? Mùa thu cách mạng năm ấy, biết bao chàng thanh niên bỏ tất cả cho một mục đích hào hùng để rồi thất vọng não nề? Trông một người giông giống / đến gần chẳng phải em.
 
 
ẢO ẢNH
 
Sóng triều xưa không nhìn
nhìn môi em
Nắng trời xưa không nhìn
nhìn mắt em
Mây trời xưa không nhìn
nhìn tóc em
 
Biển cả neo hồn ta phương xa
Gió dìu hương lòng em xa ta
 
Sóng chiều nay ta nhìn
môi em không còn nữa
Nắng trời nay ta nhìn
mắt em không còn nữa
Mây trời nay ta nhìn
tóc em không còn nữa
 
Trông một người giông giống
đến gần chẳng phải em.
 
Thi Vũ tham gia phong trào chống Pháp từ hồi rất trẻ, bị mật thám Pháp ở Huế bắt giam năm 1949. Đó cũng là năm tôi còn nằm trong bụng mẹ. Tôi nghe kể, mẹ tôi khóc lóc nhớ thương anh dữ lắm, bỏ ăn bỏ ngủ. Sau đó anh bị mật thám buộc phải rời Huế, anh theo kháng chiến ngoài Việt Bắc một thời gian. Anh phát hiện rất sớm mưu đồ cọng sản lợi dụng lòng yêu nước của toàn dân để cướp công trong phong trào kháng chiến nên đã bỏ về thành, sống một thời gian ở Đà Lạt rồi du học Pháp. Màu cờ đỏ mùa thu cách mạng thôi mang màu máu sục sôi huyết quản vì nó đã biến dạng thành màu đỏ ối đậm đặc, bầm rỉ trên thân thể những con người bị đấu tố, thanh trừng. Ngôi sao kia chẳng còn là tinh tú hướng đạo soi đường, mà đã trở thành xa tít lịm mờ trong lệ tủi oan khiên. Bài thơ “Tuổi thơ Huế” đánh dấu một bước ngoặc trong đời anh. Một tuổi thơ, vì cha / hay bởi vì ai / con ba tuổi lớn / đứng phà / đợi sông (Vì đâu, thơ Rằm).
 
TUỔI THƠ HUẾ
 
Với tay vẫy
chào sông
Với trái tim
gọi núi
Với mây trắng
chia tay
 
Người đuổi tôi xa thành phố
Người xua tôi xa tuổi thơ
Xô tôi vào cuộc lữ
 
Người đâu biết
mắt thơ tôi để lại
trong trăng
tuổi thơ tôi
nơi hoa quỳnh
nguyệt vọng.
 
(Huế, 1949
Giáp Tết rời Lao Mang Cá, bắt phải rời Huế)
 
Thế rồi anh lao mình vào nơi gió cát, hứng chịu bao nhiêu phù phiếm biển dâu đổ vào đầu, bài thơ “NHẬT KÝ GIỮA LOÀI CHỒN CÁO XUYÊN SA MẠC TUYẾT BẮC MỸ CH U” vạch lộ sự nham nhở, lừa đảo nơi cuộc đời dưới những tấm áo hào nhoáng bên ngoài của những kịch sĩ đại tài mang danh nghĩa “Triết gia”, “Thi sĩ”, “Tăng sĩ”, v..v... Thi Vũ đã phải rời bỏ hí trường đó sau 7 năm dấn thân để ra đi vì anh kinh tởm sự giả dối, cho dù nhớ đã se tim đường lữ thứ / một mình đem vó đọ thinh không (Độc mã). Đoạn cuối số 12, trong bài thơ dài 12 đoạn, kết thúc như thế nầy,
 
 12. Tiếng nói trong ngày giã t
 
Tiếng con sáng ngát thuỷ tinh
không để lộn sòng
tiếng hét la diễn thuyết
tiếng con má áp vào chuông
trầm cung ngân vọng
 
Những bóng ma thầy tiệc tùng trên mộ địa
giữa chốn tồn sinh
 
Chốn này đây bảy năm gìn giữ
chưa một lần cúi quỵ
tà áo quỷ phất qua
 
Trời sáng rồi tôi phải ra đi
Những thượng đế của đời
đuổi người vào cơn khổ luỵ
Trời sáng rồi tôi phải qua sông
con đỏ bồng tay
giòng Marne tuyết tràn
chân lún dấu bùn nhìn cao Bắc đẩu
Tôi ra đi
tiếc thương cây Tuyết đào chưa kịp nở chia tay
em ở lại nhe
hồn hoa trinh bạch
tới xuân ta lại trở về
tới xuân chim sẽ báo tin
 
Cuộc tồn sinh chung thuỷ. 
 
            (1970 - Ngày giã từ ông Thầy tu giả hiệu)
 
Im lặng hay nói thẳng vào mặt những phi lý cuộc đời luôn là câu hỏi, đặc biệt đối với Thi Vũ, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền và tự do.
 
Thơ giết thơ trong trứng
Đời giết đời khi sinh
Người giết người khi gặp
Lời giết lời nói năng
(IM LẶNG)
 
Tuy vậy như tự bẩm sinh Thi Vũ không ngớt yêu thương, ngợi ca trần gian, tin tưởng và sống với Chân, Thiện, Mỹ, những kim chỉ nam con người phải luôn hướng đến.
 
Nước ơi có nhớ mùa nhân ái
Đất hé đầu tiên lá lục cài
Bỗng nhiên hoa nở như vành nguyệt
Xinh đẹp làm sao một cõi người.
(CÕI NGƯỜI)
 
Hãy là người
đứng bên cạnh con người
khước từ tiêu huỷ.
(WE TWO FORM A MULTITUDE)
 
tôi quỳ dưới mái tóc xanh
ngẩng đầu xin khấn
 
đừng giết nhau cho lời thương lên tiếng
gọi nhau về.
(DÂNG HIẾN - 1965)
 
Tháng 5, 1985, anh Thi Vũ cùng chị Ỷ Lan qua New York để nạp đơn kiện chính quyền Hà nội trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc Việt Nam thiết lập trại “cải tạo” [sic] nhằm giam giữ, đày đọa tù tội hàng trăm ngàn cựu quân cán chính Việt Nam Cọng Hòa sau 1975. Sẵn dịp anh bay về Cali thăm tôi. Cũng hơn 30 năm anh em mới gặp lại nhau. Nếu tính thời gian anh em chúng tôi sống gần nhau trước 1975 thì số ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bài thơ dài “Đêm California” nhắc đến hầu hết những nhân vật tiếng tăm chốn thủ đô tị nạn Litle Saigon thời ấy. Tôi đọc được điều sót lại trong anh ở cuối bài thơ có lẽ là sự cô đơn, một tâm trạng bùi ngùi trước kho tàng thời gian quý giá thiên hạ đã đốt cháy vô vọng trong 10 năm,
 
Tôi ngồi ngó gọi xin ly rau má
 
Đêm Cali
còn chi
khi từ giã
mai đi rồi để nắng lại quanh năm
người gọi rằng xưa
nay biệt lối
người vừa tới
ôm mối sầu rượu độc
 
Đêm Cali mười năm qua vẫn thế
ngôn ngữ đêm
là môi em vồn vã
tiếng hát ngày là mắt
chốn mây qua
 
Và có tôi
khua tiếng cồng du mục
suốt rừng nho qua sóng biếc ghềnh xa.
(ĐÊM CALIFORNIA
Los Angeles tháng 5.1985)
 
Chụp mũ thành một thứ vũ khí đội lên đầu người khác mà ta không ưa thích, những mối thù ghét xuất phát từ lòng đố kỵ, tị hiềm. Mũi tên được bắn ra, ta bị kết án thành kẻ phạm tội với đủ danh xưng: phản chiến, CIA, Việt cộng, Phản động, Mỹ Ngụy, tay sai Hồ, đầy tớ Ngô, v..v... Đối với những người quen việc kết án, Thi Vũ chỉ có một câu hỏi giản dị cho họ,
 
Các Ông đã làm chi
Những ngày tôi phạm tội ?
            (BIA MIỆNG)
 
Tập thơ Mùa Rêu xuất bản năm 1966 gồm 12 bài lục bát nay được gom lại đặt ở cuối tập Dặm Thơ. Đơn cử dăm câu lục bát đẹp thời 60 thế kỷ trước từ Mùa Rêu:
 
đêm qua sao ghé về tim
hạt xoay di động mùa sim xông rừng.
(MẮT NAI)
 
phòng kia năm trượng còn thang
cửa xô lạc thức rảo vang tinh cầu.
(LA CHOPE
VẮNG SYMCHO MOSZCOWICZ)
 
chút duyên trả cõi mù loà
mi đôi khép mở trông nhòa lối xưa.
(TRÙNG PHÙNG)
 
lời chưa cất cõi chia nhà
gió lâm râm lá người xa nghe gì
đời quanh quẩn đảo thầm thì
giú trong mây tóc xanh rì bến không
(HOA ĐỖ QUYÊN)
 
vỏ gầy ôm mặt cố hương
lắng khoe dấu lục giú phương thu vàng
trái từ vô vọng cưu mang
ngủ yên vô lự trẩy ngàn trùng xanh
(NGÔ ĐỒNG TRỖ LỤC)
 
Bài viết này không nhắm đến điểm sách về tập Dặm Thơ của Thi Vũ. Một số bài tôi ngẫu nhiên đọc và nhắc đến như một sự tưởng nhớ trong ngày giỗ đầu của anh. Rất nhiều thơ trong tuyển tập, hy vọng tôi sẽ nhắc đến trong những lần khác khi có dịp.
Tôi trích hai câu thơ từ bài “Mùa Xuân Xa” của anh Thi Vũ, làm năm 1955, đề ở đầu bài viết, vì nhớ đến ngày tang lễ của anh năm ngoái, một đoạn trong điếu văn tôi đọc cho anh như thế này:
 
“Anh Thi Vũ,
Hôm nay thật sự là Mùa Xuân Xa vì anh đã vĩnh viễn ra đi. Quả thật bây giờ có ‘ấm mấy cũng nao người’! Chúng em mất đi người anh Cả đáng kính, chị Ỷ Lan và các cháu mất đi một người chồng, người cha thân yêu, nước Việt Nam mất đi một người con ái quốc đã hiến dâng trọn đời mình cho quê hương Việt Nam. Lý tưởng phụng sự của anh sẽ không bao giờ tắt trong lòng chúng em cũng như trong lòng biết bao người Việt Nam khắp mọi nơi trên thế giới. Xin chào vĩnh biệt anh!”
 
VŨ HOÀNG THƯ
Tết Giáp Thìn, 2024
 
 
1. Hoa Nắng, thơ, Thi Vũ, nxb An Tiêm, Saigon, 1970
2. Quê hương là Người, trích “Sống nơi cõi Người”, Thi Vũ, chưa xuất bản
Thơ in chữ nghiêng (italic) trong bài viết được trích từ Dặm Thơ, thơ, Thi Vũ, nxb Quê Mẹ, Paris, 2018.