Tuesday, February 21, 2023

VÀ NẾN NHỎ GIỌT LÊN MẶT BÀN. CHÁY BỎNG…

Nguyễn Thị Khánh Minh
 
Ukraine pic
 
 
Ngọn nến cháy trên bàn
Ngọn nến cháy.
 
Và nến nhỏ giọt lên mặt bàn. cháy bỏng…
Đó là câu kết một bài thơ của nhà thơ Iya Kiva, là một trong nhiều nhà thơ trẻ Ukraine hiện nay. Bà đã dùng câu thơ “Tháng hai. Lấy mực ra và khóc” của thi hào Nga Boris Pasternak (February. Get ink and weep!) để làm tựa đề cho ba bài thơ của bà. Cùng với các nhà thơ Ukraine khác như, Taras Shevchenko, Pavlo Vyshebaba, Oksana Zabuzhko, chúng ta thấm thía hơn thân phận dân tộc Ukraine, máu và nước mắt họ làm cháy bỏng trái tim thế giới.
 
Trước hết xin đọc bài thơ của Boris Pasternak, được viết vào năm 1913, lúc Liên Xô đang đối mặt với chiến tranh, nạn đói, để hiểu rằng vì sao Iya Kiva đã dùng câu thơ ấy để mở ra không khí “nước mắt và mực tan trong mưa…” cho ba bài thơ của mình.
Trong bi thương của đổ vỡ, chết chóc, trong bi hùng chia lìa, hy sinh, trong kiên định nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng, xin chia sẻ nỗi thống khổ của dân Ukraine qua các bài thơ của: Mạc Văn Trang, Nguyễn Đức Tùng, Trần Hạ Vỵ, Trần Mộng Tú, và ngậm ngùi cùng Bertolt Brecht, Pháp Hoan thương tích của chiến tranh, và dĩ nhiên, cả niềm hy vọng của sống sót.
NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
 
*
 
BORIS PASTERNAK
 
Tháng Hai. Lấy mực ra và khóc!
viết thật nhiều – ùa vỡ những niềm đau
tháng Hai, sấm rung tuyết tan dữ dội
như mùa xuân tăm tối cháy thiêu mau
 
Với nửa rúp, thuê một chuyến xe ngựa
xuyên qua những hồi chuông cùng bánh xe buồn
nơi cơn mưa dầm tối thui trút xuống
nước mắt và mực tan trong mưa tuôn
 
Dường như nơi này ngàn cây lê đã cháy
những con quạ trở về than khóc hàng cây
trong vũng nước có dòng tuyết lở
nỗi buồn đau khô đôi mắt quanh đây
 
Những đốm đen lộ ra trên đất,
gió xới tung trong tiếng thét gào,
bài thơ của tôi – ngẫu nhiên chân thực
như nỗi buồn ùa vỡ những dòng đau
 
– Boris Pasternak
(Mộc Nhân dịch từ bản Anh ngữ – vanchuongviet.org)
 
*
 
IYA KIVA (1984-)
 
THÁNG 2. LY MC RA MÀ KHÓC
 
Quan tài này cho bé, này cậu bé, đừng sợ, hãy nằm xuống,
Một viên đạn có tên là đời sống được nắm chặt trong bàn tay bé.
 
Chúng ta không tin vào sự chết, hãy nhìn – những thánh giá đầy nghịch lý
Bé có nghe chăng – tất cả các tháp chuông đã cắt đứt lưỡi của chúng?
 
Chúng ta không quên bé, hãy tin thế, hãy tin thế, hãy…
Niềm tin chảy máu dọc theo lằn chỉ bên trong tay áo của bé,
 
Thánh ca, kinh nguyện, thánh vịnh phồng lên trong cổ họng bé
giữa mùa đông buốt giá này, tất cả đều mặc vải quân phục,
 
Và Tháng Hai, lấy mực ra, đang khóc sụt sùi.
Và nến nhỏ giọt lên mặt bàn, cháy bỏng và cháy bỏng…
 
(Phan Tấn Hải dịch từ Anh sang Việt, Amelia Glaser và Yuliya Ilchuk dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh.)
 
*
 
TARAS SHEVCHENKO (1814-1861)
 
TARAS SHEVCHENKO, Nhà thơ Ukraine. Tập thơ đầu của Shevchenko là Người Hát Rong (Kobzar) xuất bản năm 1840. Di sản văn học của Taras Shevchenko được coi là nền tảng của văn học, ngôn ngữ Ukraine hiện đại.
 
GI N. N
 
Khi chiều tà phủ bóng những ngọn đồi
khi chim thôi hót ca và những cánh đồng yên tĩnh
khi mọi người cười và tìm chốn nghỉ ngơi
Tôi lặng ngắm khung cảnh này.
Trái tim tôi vội tìm về những khu vườn rực rỡ của Ucrana.
Và tôi vội vã.
Ôi, tôi vội vã biết bao với những ý nghĩ của mình
khi trái tim tôi khao khát được nghỉ ngơi.
Khi những cánh đồng tối dần,
khi những lùm cây tối dần,
khi những quả đồi tối dần,
tôi nhìn một vì sao.
Và tôi ứa nước mắt.
Này vì sao ơi!
Ngươi có chiếu rọi đến Ucraina không?
Những đôi mắt đen có thau rửa trời xanh để tìm ngươi?
Hay chúng chẳng thèm nhìn?
Thôi mặc chúng ngủ nếu chúng không nhìn.
Thôi mặc chúng chẳng biết gì về số phận tôi.
(1847)
 
(Ngân Xuyên dịch theo bản tiếng Anh của Alexander J. Motyl dịch từ tiếng Ukraina.)
 
*
 
PAVLO VYSHEBABA
 
Pavlo Vyshebaba là chiến sĩ đang cầm súng bảo vệ đất nước Ukraine. Từ tiền tuyến Pavlo gửi về ba bài thơ cho vợ cho con cho người bạn đã hy sinh. Dù từng giây đối diện với cái chết, tâm của ngưới lính-thi sĩ này vẫn toát lên lòng nhân ái qua những bài thơ sau.
 
1. THƯ CHO CON GÁI
 
Đừng viết cho cha về chiến tranh
Thay vào đó hãy kể: có cái vườn nào cạnh chỗ con?
Có nghe thấy tiếng hát của châu chấu, của ve sầu?
Và những con sên, chúng nó có bò trên bìm bịp?
họ gọi những con mèo như thế nào?
ở nơi xứ xa xăm con đang ở
cái mà cha khao khát nhất
rằng trong dòng thư con không có não sầu
đào và mơ đã nở hoa chưa ở nơi đó?
và có ai tặng cho con một bó hoa?
đừng kể với họ con đã phải trốn chạy hỏa tiễn như thế nào?
Thay vào đó nói rằng thật tốt biết bao khi còn sống nơi quê cũ
Hãy mời họ sau này sang Ukraine
và tất cả những ai con sẽ gặp nơi xứ lạ
Sau chiến tranh ta sẽ cho mọi người thấy
biết bao ơn nghĩa chúng ta mang với họ
từng là hòa bình và trú ẩn cho con em ta.
 
2. THƯ CHO V
 
Tới khi tất cả súng liên thanh im tiếng
Và kết cuộc ta sẽ nghe được mùa xuân
Hai đứa mình sẽ yêu nhau như kẻ chết khát
để tự gột sạch chiến tranh
ta sẽ đánh tan mùi khốn kiếp của nó
trong mồ hôi mặn muối của đôi ta
qua những nốt ruồi của em, bản đồ của những tinh tú
anh sẽ ngắm kỹ em toàn diện như lúc Chúa tạo em
và đến khi các đại bác đã nguội tanh
sẽ thật ấm nóng biết bao trong giường ngủ
anh sẽ hôn em đến gần như cắn
để xóa đi sự kinh hãi trong trí anh
để những lời rên rỉ của em đuổi đi sự im lặng
Trước một giấc ngủ vì mệt nhoài
anh sẽ ghì ôm em bất tận
và buổi sáng anh sẽ lại yêu em
và nếu định mệnh tha cứu chúng ta
và nếu chúng ta sống sót được cái mùa xuân độc ác này
hai đứa mình sẽ yêu nhau như kẻ chết khát
để tự gột sạch chiến tranh.
 
3. BÀI THƠ T TIN TUYN
 
có những hình ảnh chiến tranh ta làm ngơ chúng từ đâu tới
tựa như một haiku mà chủ đề tạo sự ngạc nhiên
những hoa trắng của cây anh đào non trẻ
đang chùng xuống trên chiếc súng bắn liên thanh
những vụ bùng nổ bất thần tựa dàn nhạc tiếp đón
ném đẩy mặt anh xuống chạm sát đất bùn
giữa những con kiến chìm ngập yêu thương
con cò bay lượn trên những dòng thác đổ
để thoát xa khỏi những trái bom lân tinh
tất cả bị chia cách và chẳng có gì tụ tập
nhưng bất chợt trong phút chốc lại hợp nhau
và thật sáng rõ, xuyên qua những mảnh vụn của bức tường
ở đây là đời sống – chìm đắm trong mùa hạ
ở đây một con người – chìm đắm trong chiến tranh
(Đặng Vũ Vương dịch)
 
*
 
OKSANA ZABUZHKO
 
Oksana Zabuzhko (sinh năm 1960) là một trong những nhà văn Ukraine đương đại.
 
LI T T GIA CÁC VÌ SAO
 
Giản đơn thôi, tôi chẳng thể là ai khác ngoài chính mình.
Rồi cũng sẽ đến lúc phải chết.
Và cũng chẳng thoát khỏi sự phán xét
Tất cả những gì gắn với tên tôi
Cũng sẽ bị thổi bay như bụi thời gian
Khỏi mọi tài sản, bài vở, địa chỉ của mình
(Đang rải rác khắp một bán cầu)
Nhưng, có thể bỗng một đêm
Trong tương lai, một người anh chưa rõ tên
Bật khóc trong giấc ngủ: “Giờ này em ở đâu?”
Và thế là quá đủ.
Hãy nhìn xem: Những dấu vân tay như bụi phấn
Từ những ngón tay chạm vào tấm gương cổ kính
Và tiếng huýt gió lanh lảnh xé thinh không
Như bàn trượt xẻ rãnh trên băng tuyết
Sẽ còn vang vọng giữa không trung
Và một đứa trẻ thơ, giật mình vì bất ngờ
Sẽ ngước nhìn lên trời cao, mắt trào lệ nức nở
Và thế đã là quá đủ: cuộc đời tôi đã trọn vẹn.
Bạn hỡi – hãy tiếp tục cuộc đời không có tôi.
 
(Trần Hạnh dịch theo bản tiếng Anh – vanviet.info)
 
*
 
MẠC VĂN TRANG
 
TÔI ĐÃ THY UKRAINA
 
(Gửi Nataliya Zhynkina)
(Trích đoạn)
 
Tôi đã thấy ngày 24/2/2022
Quân xâm lược Nga tràn vào Ukraina như bầy quỷ dữ
Kín đặc bầu trời máy bay hùng hổ
trút mưa bom, lính nhảy dù, tên lửa…
 
Đen ngòm mặt đất
Xe tăng, thiết giáp, pháo binh, lính bộ …
Cả đất nước Ukraina rung lên rùng rùng trong bão lửa…

Cả đất nước đồng lòng
Mỗi người dân đều xin nhận súng
Trai tráng tha hương lũ lượt kéo về…
Năm mươi nghìn phụ nữ không phải động viên
Cũng xin nhập ngũ…
 
Trong ngôi nhà đổ vì tên lửa Nga
Cô gái Ukraina sống sót
vội chạy đến chiếc đàn piano
Cô giũ bụi,
đàn một bản tình ca
rồi lặng lẽ ra đi…

Nhưng không thấy những khẩu hiệu “Đả đảo!” “Căm thù”, “Giết! Giết!”
Không thấy những tranh áp phích
Vẽ búa liềm và lưỡi lê xung kích
Lại thấy tranh hài “Bán xe tăng Nga đồng nát!”
 
Không thấy những lời bài hát
“Thề phanh thây uống máu quân thù”
Mà thấy tiếng đàn piano
Vĩ cầm hay guitar thánh thót
nhạc Mozart, Chopin, Beethoven hay Bach…
ở giữa quảng trường đổ nát
và dưới hầm sâu ẩn nấp tránh bom …
 
Tôi đã thấy những phụ nữ, cụ già đem bàn ghế, cánh cửa nhà mình
chất chồng cùng bao cát
chở che những tượng đài công trình nghệ thuật…
và khi những trận bom vừa dứt
họ lại xúm vào chăm sóc vườn hoa trên quảng trường thành phố…
 
Người lính xung trận
không hùng hồn tuyên bố…
chỉ thật lòng chia sẻ tâm tư:
Chúng tôi chiến đấu không phải vì lòng căm thù phía trước
mà bởi tình yêu tha thiết ở sau lưng!

 
– Mạc Văn Trang
(28/10/2022)
 
*
 
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
 
BÀI THƠ UKRAINE
(Trích đoạn)
 
Không có tội ác và trừng phạt.
Không có ngày phán xử cuối cùng.
Tội ác dửng dưng đi qua như người khách lạ
Nó đứng lại. Và chúng ta sợ hãi
Và hy vọng: tội ác sẽ đổi ý.
Kìa, nó tha bổng.
Thả chúng ta về nhà. Bếp lửa em lại đỏ.
Bánh mì. Hoa hồng. Gió rét lật từng trang sách cũ.
Chúng ta lại bắt đầu
Nói về lòng dũng cảm, thương yêu nhau, nói về sự cô độc của em.
Bỗng nhiên trong đêm anh nhận ra
Anh đã bước khỏi căn nhà của chúng ta
Anh đã bước ra khỏi thân xác mình
Như một cái cây nứt vỏ, và trổ hoa
Ngoài cành, xa trong thinh không.
 
Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine có phải là cuộc chiến tranh của nhân loại
Đó là câu hỏi quan trọng nhất
Sự bất hạnh của con người làm lên phẩm giá của thế kỷ
Chứ không phải hạnh phúc Châu Âu
Hay tấm gương của Mỹ
Các chủ nghĩa bị đập vỡ sau một đêm
Khuôn mặt em trong gương không lành lặn.
Vặn thấp xuống ngọn đèn.
Đóng chặt cửa.
Dừng lại thời gian
Ở đây bóng tối đã sinh ra
Vào đầu thế kỷ này bóng tối đã sinh ra
Trên đường phố Kiev
Một cậu bé lên bảy tuổi
Xe em bị đánh bom, cha chết, mẹ chết
Hất khỏi xe hơi, chở tới bệnh viện cấp cứu trẻ em
May mắn thay vẫn còn sống
Đau khổ thay vẫn còn sống
Để suốt đời nhớ lại
Hãy để con người nhớ lại: nạn nhân đầu tiên
Bệnh nhân số một của cuộc chiến tranh Ukraine: một cậu bé bảy tuổi tên là Semyon.

– Nguyễn Đức Tùng
 
*
 
TRẦN HẠ VI
 
K T THƯƠNG TRƯỚC NHT
 
Nga – Ukraina
Chiến trường giữa địch và ta
Bom đạn là thật
Máu và nước mắt là thật
Hy vọng tự hào tủi nhục thất vọng căm thù là thật
Giữa những làn thông tin những đám khói mù mịt
Kẻ tử thương trước nhất
Bao giờ cũng là
sự thật
 
– Trần Hạ Vi
(12.03.2022)
 
*
 
TRẦN MỘNG TÚ
 
PH N VÀ CHIN TRANH
 
Người đàn bà thức dậy sáng nay
đứng trước gương soi mình rất lạ
 
hai con mắt của người Mẹ Ukraine
chăm chăm nhìn mình
kinh hoàng
trên gò má nhăn nheo
đầm đìa lệ 
 
Dưới làn áo ngủ mong manh
cặp nhũ hoa nàng
cặp nhũ hoa của người mẹ Ukraine
đang cho con bú
bây giờ sữa bầm màu máu
 
cặp nhũ hoa của nàng
người chồng âu yếm gọi là cặp bồ câu trắng
bây giờ nổ tung từng mảnh
 
Người đàn bà thức dậy sáng nay
nhìn xuống hai tay mình rất lạ
những ngón tay như đã rơi mất cả
hai cánh tay đã bay đi xa
những mảnh đạn bày gọn gàng
trên ngực
 
trên ngực của chàng
nàng bật gọi tên
người chồng vắng mặt
 
Tiếng pháo kích rơi vào buồng
chiếc giường đựng đầy mảnh bom
chiếc áo ngủ phất phơ bay
màu trắng trên cặp cánh bồ câu của chàng, đầy máu
 
Ôi những bà mẹ mất con
những người vợ mất chồng
những người yêu nhau
đã mất nhau.
 
Hãy cho tôi khóc hộ mẹ già
hãy cho tôi khóc hộ người lính
và cho tôi khóc hộ nàng
 
Bằng đôi mắt của Tháng Tư-Việt Nam
 
– Trần Mộng Tú
(3-14-2022)
 
*
 
PHÁP HOAN
 
MI XANH
 
Sau chiến tranh
Sẽ là một địa đàng
Cho những người đã mất
Nơi cây khô sẽ mọc xanh trở lại
Qua mái ngói những ngôi nhà
Nơi tiếng chim ca mỗi sớm mai
Bên miệng hồ xanh thẫm
Sẽ có một địa đàng
Nơi cỏ xanh chen lấn
Xương trắng những người lính
Nơi máu ngủ ngon lành
Trong miệng giếng tối đen
Cùng những ký ức như bom
Vùi sâu trong lòng đất
Sẽ có một địa đàng
Nơi những giọt nước mắt
Không bao giờ rụng
Giữa những hàng mi xanh.
 
– Pháp Hoan
 
*
 
BERTOLT BRECHT
 
KHU HIU
 
Trong những thời kỳ đen tối
Sẽ có những bài hát được cất lên?
Đúng vậy, sẽ có những bài hát được cất lên.
Hát về những thời kỳ đen tối.
 
 
CUC CHIN ĐANG ĐẾN
 
Cuộc chiến đang đến
Không phải là cuộc chiến đầu tiên
Đã từng có
Những cuộc chiến trước đó.
Khi cuộc chiến cuối cùng đến hồi kết thúc
Có những kẻ chinh phạt và những kẻ bị chinh phạt
Giữa những kẻ bị chinh phạt.
Thường dân chết đói
Giữa những kẻ chinh phạt
Thường dân cũng chết đói.
 
(Pháp Hoan dịch)
  

No comments:

Post a Comment