Saturday, February 25, 2023

TRIỀU HOA ĐẠI PHỎNG VẤN LÊ CHIỀU GIANG

Triều Hoa Đại

Lê Chiều Giang April 2021
LCG cùng gia đình rời Việt Nam năm 1984.
Hiện sống tại California
 
Triều Hoa Đại:
Lâu lắm rồi, từ những năm 1999, có lẽ là như vậy. Kể từ lúc tạp chí Văn Học của nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác, rồi Thế Kỷ 21, Văn và Hợp Lưu… cho đăng rải rác những bài thơ của một người cứ tạm coi như là ở một “hành tinh” khác chợt bay vào làng thơ hải ngọai với cái tên “Giang”. [Năm 2014, bút hiệu đổi thành Lê Chiều Giang, khi góp mặt trong tác phẩm “Nguyễn Xuân Hoàng trong và ngoài văn chương” do Da Màu thực hiện].
Độc giả và văn hữu vừa ngạc nhiên, vừa thích thú  đón nhận những hương thơm trong vườn thơ rất lạ.. Thơ của Lê Chiều Giang đọc lên nghe vừa bương bướng, vừa quyết liệt lại xa xót, ngậm ngùi. Thú vị hơn nếu trên tay có một ly rượu chát với chút ánh đỏ của ráng chiều, và rồi hãy nhẩn nha cùng nhau đọc thơ của Lê Chiều Giang. Hoặc với một ly cafe ngát thơm đầu ngày nắng gọi thì mới thấy, thì mới ngấm  đến tận cùng  cái thú của đọc thơ.
Vậy thì Chiều Giang là ai? Bạn bè trong giới thầm hỏi, và rồi biết được rằng Lê Chiều Giang là hiền thê của cố họa sĩ Nghiêu Đề một hoạ sĩ tài hoa, một người mà trái tim luôn luôn mở rộng để chào đón bạn bè.
Những bài thơ của Lê Chiều Giang như những kỷ niệm được cất giấu, như những êm đềm một thuở xa xưa ấp ủ bỗng giờ đây thức giấc với nhân gian, Lê Chiều Giang và cố hoạ sĩ Nghiêu Đề  đã một thời sống với, sống cùng, rất tha thiết với bạn bè. cho nên trong phần mở đầu tập: Không Đứng Mãi Trong Tranh nhà văn Nguyễn Thi Thuỵ Vũ đã viết:” Chúng tôi sẽ đọc Lê Chiều Giang, những dòng chữ chảy lui về quá khứ. Một quá khứ của thời đã “ chết đi, sống lại”.
Trò chuyện với Lê Chiều Giang hôm nay chúng ta sẽ tìm lại những gì đã mất, chúng ta sẽ với nhau (hy vọng) sẽ cùng hát lên những bài ca của Sài Gòn thuở trước với Nguyễn Đình Toàn, với Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, với Nghiêu Đề, với Lê Chiều Giang ở những đêm trăng sáng nơi thuyền trôi tưởng như cùng với Lưu Nguyễn đi vào cõi mộng.
 Nắng đã lên cho một ngày mới. Xin mời mọi người hãy cùng tôi, chúng ta cùng nhau vào chuyện với nhà thơ Lê Chiều Giang.
 
Triều hoa Đại: Thưa chị khởi đầu cho cuộc trò chuyện này cũng như thường lệ là gia chủ vậy thì không gì bằng xin chị tự giới thiệu về mình đôi chút.
 
Lê Chiều Giang:”Tiểu sử”, với tôi là lan man trong những bài tôi đã viết. Những thoáng qua, những nho nhỏ của một đời người. Có khi chính là tôi đó chứ, lại nhiều lúc chẳng rõ nét chút nào. Thôi, anh cứ nhìn tôi như một bức tranh siêu thực. Mông lung và mờ ảo.
 
Thđại: Có đường đột lắm không thưa chị khi mà đọc giả nôn nóng muốn được nghe chị kể về cái thuở xa xưa với những kỷ niệm đầy ắp ở những thuyền trôi mà chị đã cùng với những bạn bè “đi”  dưới ánh trăng đầy thơ, đầy mộng bên dòng sông Thanh Đa của Sài Gòn xưa cũ.
 
LCG: “Ôn bài" thiệt khó, nhất là phải ôn lại những cảm xúc. Anh cho phép tôi trích đoạn nhé:
 
“…Thanh Đa, chúng tôi sống trên một chung cư lầu ba, nơi mà, mỗi sáng nhìn dòng sông với mặt trời soi rọi rất đẹp của bình minh, tôi vẫn cảm nhận ra chút dịu dàng, cho dù đời sống  lúc nào cũng như một chảo lửa đốt cháy hết sự sống của cả một quê hương.
Sông Thanh Đa có chiếc ghe của bà Mười đưa khách từ Làng Báo Chí qua lại. Với chiếc ghe nhỏ xíu đó, chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh Nguyễn Đình Toàn đến chơi Thanh Đa thường hơn. Mỗi lần chị đứng bên kia sông réo gọi, và anh Toàn đưa tay vẫy...
Chúng tôi luôn có với nhau những bữa cơm rất tội nghiệp, chỉ một tô canh thôi, và tôi thường phải giải thích với chị Thụy Vũ: "Thấy chị qua em đã thêm nước vô cho nó nhiều". Anh Toàn hỏi thêm trước khi cầm muỗng: "Thêm nước thì hiểu được, nhưng rồi Chiều Giang có nấu lại không?" Vậy đó thôi mà cười tung toé.
 
Những đêm trăng, chúng tôi xuống hết chiếc ghe nhỏ với cây guitar của Trần Quang Lộc hát hò tới nửa đêm. Nhạc Nguyễn Đình Toàn được hát bởi Khoa, bạn của Trần Quang Lộc. Anh Duy Trác không bao giờ hát... dưới ghe, nên anh Toàn, Khoa, Lộc và tôi thay nhau hát. Hát say mê dưới trăng sáng mơ màng trên sông, hiu hiu chút gió và tiếng khua nước của ghe chèo…
Bóng trăng có khi bị che khuất bởi những tàn cây ven sông, và bóng tối như đã ôm ấp tiếng hát nghìn trùng của chúng tôi, trải dài những âm vang dặt dìu xuôi theo dòng nước.
[Trích:”Nghĩ với Trần Quang Lộc” KĐMTT]
 
Thđại: Bây giờ chúng ta nói tới KĐMTT, tác phẩm rất mỏng của chị, Nhân Ảnh in với bìa thật đẹp, tranh của anh Nghiêu Đề.
Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc ông cứ thắc mắc:” không biết nên gọi KĐMTT là gì cho đúng?, Tuỳ bút? Không phải. Tản mạn? không phải. Viết ngắn? không phải. Thơ…ừ, thơ “Đúng là thơ rồi”, nó cuốn hút, nó xao xuyến, nó ray rứt…“ [Trích Đỗ Hồng Ngọc]. Đọc mãi tìm hoài, cuối cùng ông đã tìm ra KĐMTT là thơ. Còn chị thì mọi người nên gọi thế nào cho chính danh?
 
LCG:
Họa sĩ  Trịnh Cung hay anh Phan tấn Hải khi viết bài điểm sách về cách tôi viết. Thiên hạ cứ nhất định cho rằng tôi viết gần như một bài thơ dài.
Chữ nghĩa, với tôi tự nó muôn đời đã lả thơ. Như đôi khi dù tôi đã gửi bài cho những tạp chí cả tuần rồi, tôi vẫn hay gửi lại chỉ vì muốn sửa một chữ nào đó, cùng một nghĩa, nhưng âm giai khi đọc nó không bị gượng ép. Vậy mà tôi vẫn không nghĩ mình đã viết như thơ, hình như nó lại là như…hát.
 
Thđại: “Không Đứng Mãi Trong Tranh”, tại sao lại thế được nhỉ, độc giả thắc mắc là bởi những bức tranh mà cố hoạ sĩ Nghiêu Đề đã vẽ ra và hiện nay còn được cất giữ từ những người yêu mến ông thì ở trong đó không một bức tranh nào không có bóng dáng của chị thì sao lại bảo là: KĐMTT?
 
LCG:
Như một sự phải “Bước ra với đời", nên tôi “Không đứng mãi trong tranh". Trong bài thơ “Đầu hàng”, tôi tâm sự rằng: Sau những năm dài, vai góa phụ tôi đã “diễn” xong. Hăng hái lắm, tôi trở lại với đời, nhưng tôi lạc lõng, và khi nhìn chung quanh chỉ còn là những úa tàn, khô héo, nên tôi lại phải:
 
“...Bước lại trong tranh. Và
Diễn tiếp.
Hỡi thế gian. Ta
Bỏ cuộc chơi.”
[Trích “Đầu Hàng”. KĐMTT]
 
Thđại:Thơ chị dọc lên thiên hạ bảo là: sao nghe như có những tiếng thở dài, những nuối tiếc, những muộn phiền cam chịu của một hạnh phúc, một số phận, những mặn nồng chưa thoả chị có đồng ý thế không?
 
LCG: Dạ, có thở dài, có tiếc nuối…Nhưng tôi không “cam chịu", bởi thật phi lý nếu tôi cứ nhất định ngồi hết với “Tiết hạnh” xong rồi lại tới “khả phong”.
 
“…Vai “Đào thương” ta đóng
Đã xong.
Thì đi bước nữa. Rồi
bước nữa.
Bảy tỷ!
Nhân gian chẳng thiếu ai
Chợt nghe trong gió lời bạt mạng
Chẳng thiếu ai, vẫn thiếu …
Một người.”
[Trích:”Cinema" KĐMTT]
 
Thđại: Là vợ của một họa sĩ tiếng tăm chị nghĩ sao khi mỗi lần bán được tranh thì Nghiêu Đề cho rằng: “ cứ như là một sự “lường gạt”  khi ông trả lời với nhà văn Nguyễn Ngu Í là bởi tiền nhiều quá “Tôi thấy số tiền đó như từ trời rơi xuống”, công sức của Nghiêu Đề và cả của Người Đứng Mãi Trong Tranh thì sao lại bảo là “lường gạt”, lại bảo là “từ Trời rơi xuống”?
 
LCG: Tự cười cợt, chế nhạo mình là cách sống của anh Nghiêu Đề. Như khi Nguyễn Đức Quang phàn nàn, hoạ sĩ mà sao nhà không treo bức tranh nào của chính mình? Anh giải nghĩa:” Lừa gạt để thiên hạ treo tranh mình đã là quá đủ, phỉnh phờ chi nữa với vợ với con?”.
 Đặc biệt nhất anh thường nói với bạn bè, không ai nhận xét tranh Nghiêu Đề đúng bằng Bé Búp. Khi cô con gái 3 tuổi của chúng tôi nửa đêm dụi mắt, chập chững ngang qua chỗ anh Nghiêu Đề đang vẽ, buông lời phê phán:” Bố vẽ con Ma,…”. Và anh nhận ra Bé Búp mới là người phê bình tranh Nghiêu Đề chân thực nhất, đúng nhất.
Thú vị hơn nữa, khi anh được Medal cho giải Hội Hoạ năm 1962. Một bạn thân từ Huế lang thang vô Saigon, Nghiêu Đề đã tặng để bạn bán đi cho những bữa Cơm Xã hội và những ly nước mía. Với anh, sống là một cuộc vui chơi cùng bè bạn, Medal hay gì gì đi nữa, cũng chỉ là những   phù phiếm, bọt bèo.
 
Thđại: Cố hoạ sĩ Nghiêu Đề đã từng vẽ ra hằng trăm bức tranh nhưng ông ấy lại nói : “ tôi thích nhất bức”Chân dung của Lê”. Của Lê? Chắc là Lê Chiều Giang phải thế không nào?
 
LCG: Ngày anh Nghiêu Đề, mang” Chân dung của Lê" tới phòng triển lãm năm 1962, tôi còn là một cô bé nhỏ xíu, mới học lớp một. Thưa Anh.
“Định mệnh” là những gì rất lạ lùng, và vô cùng khó hiểu.
 
Thđại: “Hội họa là thi ca được nhìn thay vì cảm, và thi ca là hội hoạ được cảm thay vì nhìn” do đó “ thi sĩ và hội hoạ chỉ khác nhau về phương tiện và chất liệu sáng tạo nhưng cứu cánh là một” người ta cho là như thế vậy còn với nhà thơ Lê Chiều Giang?
 
LCG: Tôi rất đồng ý với anh về: Tranh là một bài thơ để đọc và thơ là một bức tranh để xem.
Nhưng để sáng tạo ra một bức tranh, bên cạnh tài năng, Họa sĩ còn phải là người kiên nhẫn.
Anh Nghiêu Đề khi vẽ xong tranh, nếu không bằng lòng chi tiết nào đó, có khi Anh cần cả tháng hay lâu hơn thế để vẽ lại. Thơ thì dễ hơn nhiều lắm, dù như anh nói “cứu cánh” đều như nhau.
 
Thđại: Một bức tranh đẹp là “hôn lễ của trần gian” thế còn một bài thơ hay theo chị là gì?
 
LCG: Bức tranh xấu, đẹp được đánh giá qua chủ quan của từng người khi thưởng lãm nó. Tôi hiểu câu hỏi của anh hoàn toàn theo nghĩa đen, nên với tôi Van Gogh, Michael Angelo…Dù tranh, tượng rất đẹp, nhưng họ đã chẳng có một “Hôn lễ” nào như anh định ví von.
Thơ “hay"? Thôi, tôi đành coi là…Hôn lễ của trần gian như ý của anh vậy.
 
Thđại: “ Văn chương hải ngoại rẻ như trứng gà” nhà văn Tuý Hồng bảo thế, là một nhà thơ chị có cho đó là một điều xúc phạm?
 
LCG: Nếu người viết trang trọng đủ với “chữ” và “nghĩa", họ sẽ thấy Chị Túy Hồng không hề xúc phạm và không thể xúc phạm gì đến họ. Thưa anh.
 
Thđại: Cũng vẫn theo nhà văn Tuý Hồng thì:” Ở hải ngoại nhiều người viết văn kiêm làm thơ. Tài không? …tuy đáng yêu, thơ hải ngoại không khỏi vấp phải một khuyết điểm chung: chữ nhiều nhưng nghĩa ít…” là nhà thơ chị có ý kiến gì về vấn đề này?
 
LCG: Đó là khi tôi làm thơ, rất ngắn. Tôi viết cũng không bao giờ dài hơn điều cần diễn tả.
Có thể tôi không có khả năng làm thơ dài, hay viết ra những truyện kể lê thê bất tận…Tôi thích sự vừa đủ.
 
-Ta?
-...Tố!
-Ta tố hết:
Đời.
Canh bạc cuối
Người dám cùng ta. Chấp?
cuộc chơi.
Hay thôi,
ngồi lại ta cùng uống
Bàn chuyện nhân gian vá đất trời
Nói về trăng tan và
Tuyết nguyệt
Một chút hoàng hôn
Chút mưa bay..
Chỉ xin đừng nhắc thêm gì nữa
Chuyện ta yêu người hay
Yêu ai?
[Trích:”Poker” KĐMTT]
 
 
Thđại: Chị làm thơ có dễ không, tôi biết có nhiều người khi sáng tác họ cần một không gian tĩnh lặng, một chút cafe, một chút âm nhạc, một chút…chị có cần những chuyện như thế để giúp đẩy đưa trong lúc “với thơ”?
 
LCG: Tôi không làm thơ trong những giây phút mơ màng, cũng chẳng phải ngay lúc khổ đau.
Chữ nghĩa chợt đến, như một sáng ngồi trên cỏ mướt xanh, với nắng vàng rực rỡ:
 
Ta chôn chồng ta
Một lần.
Duy nhất.
Ở giữa rừng gai
Không hoa trái mọc
Đất.
Đá.
rực cháy những lửa
Điêu tàn.
Ta đứng giữa trời
Lặng thinh.
Không khóc…”
[Trích” 1998” KĐMTT]
 
Thđại: Hãy kể thêm về những kỷ niệm êm đềm của Sài Gòn năm xưa, những sáng, những chiều trốn lễ nhà thờ, trốn trường lớp để được ở gần CHÀNG và ở gần những bức tranh chưa ráo nước sơn?
 
LCG: “... Những lần trốn học, bỏ nhà thờ, tôi hay tìm đến với Tranh, hít hà mùi sơn dầu chưa khô và trầm ngâm bên cạnh những màu sắc, bố cục mà tôi chẳng hiểu chút gì.
Những khi hò hẹn, phở chỉ một tô, nước mía lề đường có mỗi một ly. Anh Nghiêu Đề ngồi nhìn tôi uống hồn nhiên như tôi khát đâu đã từ tháng trước…Dễ thương nhất là có một chiều, chúng tôi và anh Trần Tuấn Kiệt ngồi ở La Pagode. Anh TTKiệt màu mè hỏi nếu tôi muốn uống thêm? Thích sữa tôi “dạ”. Đến lúc tôi hối anh Nghiêu Đề cho về, vì giờ hẹn hò của tôi phải chấm dứt khi Thánh lễ hết, và nhà thờ sắp đóng cửa. Anh chần chờ, lần khân…Sau này tôi mới hiểu chỉ tại ly sữa uống thêm của tôi, mà anh Nghiêu Đề phải ngồi chờ để anh TTKiệt hớt hải qua bên Khai Trí tìm xem có Văn nhân Thi sĩ nào lảng vảng, hỏi mượn vài đồng trả thêm cho ly sữa… Và nạn nhân hôm đó là Ngọc Thứ Lang, dịch giả đang giàu có với “Bố Già”.
 
Thđại: Có nên không nhờ chị đưa chúng tôi vào “thăm” lại nơi chốn mà CHÀNG cùng những người hoạ sĩ tài danh của hội hoạ sĩ trẻ đã trưng bày tranh của họ, nhưng nay mọi sự đã trễ tràng duy chỉ có một mình chị lả có thể giúp ôn lại “sau, xưa” nơi chốn ấy, chị có thể vẽ” lại cái khung cảnh trước và sau mỗi kỳ triển lãm mà chị hằng có mặt?
 
LCG: “…Không khí phòng triển lãm Alliance Française, tràn đầy những tinh hoa, thoát bay và ấm áp.
Khói thuốc Haft & Haft thơm tho, Basto nặng nồng, hay Lucky mờ mịt. Mắt tôi bốc cay với khói mà tưởng như có thêm cả chút nồng nàn, sướt mướt.
Những bức tranh với tên gọi bàng bạc như Thơ.
Anh Trịnh Cung với “Vương Hương”; “Trăng, Chim, Hoa và Nàng” của anh Đinh Cường; Nghiêu Đề với “Vùng Thanh Thoát”; và Nguyễn Trung của “Đêm Chân Không” …
Tôi mê những bức tranh cổ điển của anh Đỗ Quang Em. Ánh sáng và bóng tối, lạnh toát hay vắng tanh, anh đã làm ấm lại trong tranh chỉ với chút ánh đèn dầu le lói.
Và tranh Cù Nguyễn đẹp như một thinh lặng, gắn bó cùng nỗi chết, đâu đó mãi tận cuối chân trời.
Sàigòn, những ngày xao xác cùng chiến tranh, những lửa đạn kinh hoàng Khe Sanh, Quảng Trị...
Đạn lạc tên bay tận những nơi xa vời để bảo vệ cho Sàigòn. Một Sàigòn không tiếng súng.
Và tôi, trốn hết học hành trường lớp. Tôi mê muội theo những hương thơm ngát của sơn dầu, tôi bàng hoàng bên những nét cọ sắc sảo. Nét cọ mà khi dào dạt cùng tranh, đã phải óng ánh hơn những nét bút rời rạc; chữ nghĩa lơ mơ chợt quên, chợt nhớ của tôi trong trường thi, lớp học.
Tôi bị cuốn theo những chiều rực rỡ La Pagode, những đêm Givral hoa đèn lấp lánh.
Và cả với những sáng khi Sàigòn còn mờ hơi sương, lúc phòng tranh chưa mở cửa. Nơi đó, có năm bảy chàng họa sĩ trong Hội Họa Sĩ Trẻ, ngồi nghi ngút cùng café bên góc hè của Continental Hotel, ngay cạnh phòng triển lãm Alliance Française.
Hình ảnh mà sau này tôi xem trong phim tài liệu về những Họa sĩ thuộc thế kỷ 19th: Claude Monet, Rodin, Degas, Renoir, Cezanne… Họ đã có những sáng vang vang bốc khói cùng café, những đêm rượu đổ đầy đường trên phố Montmartre. Họ cũng đã ngồi cùng nhau bên những câu chuyện đầy màu sắc, ấm áp và chan chứa nhiệt tình, không khác gì những vị trong Hội Họa Sĩ Trẻ.
Từ The Boulevard Montmartre tới Đại Lộ Tự Do Sàigòn.
Trăm giấc mơ đã cùng với khói thuốc mịt mù bay, họ say sưa bàn bàn, nói nói về những tác phẩm tinh khôi, nhằm sáng tạo ra nhiều nét khác biệt hẳn với những tàn dư cũ.
Những bước chân reo cho một ước mơ dài: Làm mới, làm thăng hoa thêm cho nền hội họa của Miền Nam Việt Nam…
“...Tôi cafe mỗi sáng, rượu đỏ mỗi tối bên những tranh của Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nguyễn Lâm, Ngy Cao Uyên, Nguyễn Phước…Những xanh mượt mà. Những vàng ánh xôn xao. Những đỏ thắm như mặt trời, trắng xóa như chẳng còn thấy gì, những âm u lạnh toát trong tranh Nghiêu Đề…
Bắt chước La Dolce Vita, tôi thắp sáng những ánh đèn, tôi tạo ra một không gian ấm áp và bừng lửa. Ánh sáng trầm như nhạc, sắc như gươm đã như ngàn tiếng hét hò trong đời sống tôi: Lặng im.
Ánh sáng như giục giã, như gọi mời, để lắm khi dù đêm đã sắp tàn, những nhân vật vẫn lặng lẽ, vẫn mơ hồ bước ra từ tranh. Họ điềm đạm ngồi uống với tôi, nhắc lại cùng tôi những điều rất xa xôi từ trăm năm cũ.”
[Trích: Nhớ Về Hội hoạ sĩ trẻ. KĐMTT]
 
Thđại: Có lúc chị đã thử cầm cọ như CHÀNG (Nghiêu Đề) nhưng xem ra khung bố cũng như sơn có vẻ như không thích hợp nên chị đành vứt bỏ và chị đã quay sang “thơ”  có phải thế không nào?
 
LCG: Cái ngây ngô rất dễ thương của tôi khi ghi danh học hội họa, chỉ là vì nhớ như điên cái mùi hăng hăng của sơn dầu, chút hương mà tôi đã hít thở suốt 25 năm dài. Đến khi vẽ tôi mới hiểu ra rằng, để có một bức tranh đẹp, Họa sĩ không thể vẽ bằng khứu giác. Họ cần rất nhiều tài năng, những điều mà tôi chẳng hề có.
 
Thđại: Chị nói nhiều về TRĂNG tôi chắc là chị “mê” Trăng lắm, “ Lune, quel esprit sombre/ Promène au bout d’un fil, /Dans l’ombre..” , vậy ngoài trăng, ngoài những bức tranh còn ướt mực sơn ra chị còn thích những thứ gì khác nữa?
 
LCG: Tôi vẫn muôn đời chỉ mê Trăng. Trăng như thời thơ ấu, vàng soi trên cánh đồng mênh mông sáng. Trăng như dấu chấm trên đầu chữ I của Alfred De Musset, với giọng đọc mơ màng từ người Thày cũ. Trăng vời vợi như một đêm trên cầu Charles Bridge Tiệp Khắc, với tiếng Violin tuyệt vời của người hát rong mà tôi suýt mơ để đi hát dưới chân cầu, góc phố như một Bohemian. Và Trăng thảm thương như nước mắt tôi rơi suốt trên đường về nhà, nơi có anh Nghiêu Đề thoi thóp đợi.
Người ta chọn lớp học, trường thi, chọn người để yêu thương và ngay cả chọn nhà, chọn phố…
Nước mắt tôi rơi như sông như suối, khi tôi đã vừa chọn xong chiếc quan tài. Tôi đứng chơ vơ giữa chồng chất áo quan, chọn lựa rất lâu trong kinh hoàng, khiếp sợ. Và cuối cùng tôi đã “chọn” xong. Đêm đó, trăng sáng một cách lạ lùng. Trăng của nỗi chết.
Nhưng mới đây thôi, tuần trước. Trăng đỏ như lửa. Khi nhìn trăng đỏ như máu ai, cũng là lúc tôi nghiệm ra nhiều điều thay đổi, là lúc tôi tập sống với một vầng trăng mới. Chỉ vì, thưa anh: Cũng có khi trăng đỏ.
 
Thđại: Sau cùng một câu hỏi chót muốn được nghe chị cho biết dự tính về những ngày phía trước, những ước mơ và mơ ước chắc là đã có nhưng chưa kịp đơm mầm?
 
LCG: Tới một giai đoạn nào đó của đời người, phải chăng chúng ta đã chẳng còn can đảm nào cho một ước mơ? Tôi không còn nghĩ đến, nhưng biết đâu anh Nghiêu Đề vẫn còn nấn ná với nhiều mơ ước, dù rất lâu rồi đã bỏ đời ra đi.
Kể với anh chút chuyện gia đình. Khi anh Ngô Thế Vinh xuống thăm, nhắn nhủ 3 đứa nhỏ của chúng tôi: đừng theo nhau học ngành thuốc men, như gia đình người bạn trên San Francisco. Gia đình mà 7 người đều là Bác sĩ. Mỹ nó đã chẳng thể nào hiểu nổi. Lập tức anh Nghiêu Đề buông lời bông đùa:” Thôi ông Vinh, 7 đứa bác sĩ trong một nhà thì rất khó hiểu. Nhưng nếu tôi nói rằng:” Thưa bạn, gia đình chúng tôi tổng cộng có 7 Thi sĩ, hay 7 Họa sĩ !”. Thì chắc cả thế giới này sẽ đều không hiểu…
Mang trong tâm thức một đời sống nhiều tai ương, nhọc nhằn. Anh Nghiêu Đề chỉ muốn con cái đừng nối điêu theo lối sống đầy va vấp như chính mình. Nhưng cô út của chúng tôi. Sau khi tốt nghiệp Stanford rồi PHD ở Berkeley… Lại chẳng thiết tha gì với những thứ đã học. Khải Thư nghe theo lời kêu gọi của Art. Ngành Đạo diễn!
Art. Âm vang của những gì đẹp nhất, thanh thoát nhất. Nhưng Art là tiếng nói của một đời sống bấp bênh với rất nhiều bất trắc. Và chắc là ở nơi xa xăm kia, anh Nghiêu Đề đang lo lắng, đang sợ hãi… Anh đành phải thuận theo để cùng mơ ước, mong  Khải Thư Nguyễn thành công trong sự lựa chọn đầy thơ mộng này. Thưa Anh.
 
 
Thđại: Xin cám ơn chị, nhà thơ Lê Chiều Giang đã dành cho chúng tôi có được buổi trò chuyện thân mật này, kính chúc mọi điều tốt đẹp ở mãi cùng chị và gia đình.
 
LCG: Cám ơn anh Triều Hoa Đại. Nhưng vẫn thắc mắc sao anh nhất định cứ cho tôi thành “Thơ"? Trong “Không đứng mãi trong Tranh”, tôi còn có 20 bài viết về “Mơ" nữa chứ. Hay anh nghĩ như anh Đỗ Nghê rằng: Tôi viết như thơ, những bài thơ dài lắm…
Và để kết thúc cho có hậu với cuộc phỏng vấn của anh hôm nay, tôi đọc anh nghe một bài thơ ngắn nhất.
 
“ Ta mê người
Trái tim liều mạng
Dốc hết giang san:
Một môi cười
Thế giới?
Nhỏ.
Như vài chiếc lá.
Giật mình. Ta
Chắc phải yêu thôi.
[Trích:”Liều mạng”] 
 
*Phỏng vấn nhà thơ Lê Chiều Giang do Triều Hoa Đại thực hiện.

 
Tranh Nghiêu Đ
 
 
 

No comments:

Post a Comment