Cam
Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Sergeant Nicole L. Gee
Trong bức ảnh, một người nữ quân nhân rất trẻ, đang bồng một em bé Afghan, vỗ về em. Chỉ vài ngày trước khi tử nạn, cô đăng bức ảnh lên Instagram, với dòng chữ “I Love My Job.” Và đó là nữ Trung sĩ Thủy quân lục chiến Nicole L. Gee, cư dân Sacramento, California.
Phan lặng người trước hình ảnh những người lính Hoa Kỳ hy sinh tại Afghanistan. Họ đã ngã xuống trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến, lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ người dân trong cuộc di tản.
Ký ức trong anh bùng dậy. Cuộc chiến của Việt Nam cũng chấm dứt trong bàng hoàng, đau đớn. Phan cũng như các anh em đồng đội, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ buông súng. Vì vậy họ đã cùng nhau cầm cự cho đến phút cuối. Anh bạn thân nhất của Phan thở hơi cuối cùng ngay trước giờ phút ông Tổng Thống tuyên bố đầu hàng.
Phan không so sánh, bởi mỗi cuộc chiến có nguyên nhân và diễn biến của riêng nó. Nhưng cái cảnh người dân chạy loạn, đổ xô nhau tìm đường sống, ở đâu cũng như nhau. Những người lính như Phan thấm thía nỗi đau khó tả. Nhưng ít ra, những người lính miền Nam Việt Nam cũng biết mình bảo vệ cho mảnh đất tự do của mình. Qua hơn bốn mươi năm mất nước, ý nghĩa đó càng đậm nét, là niềm hãnh diện cho các chiến sĩ, dù cuộc đời của họ đã trải qua những đoạn cay đắng.
**
Gần cuối mùa hè, trời nóng cháy da. Miền Tây nước Mỹ thêm một năm khô hạn.
Phan đi lên rừng. Rừng ở trên cao. Đứng trên rừng, nhìn xuống vùng hồ bên dưới, mênh mông. Còn thấy được chút màu xanh của mặt hồ phản chiếu màu của bầu trời. Phan ngồi xuống, tựa lưng vào một tảng đá, nhắm mắt lại. Mỗi khi thấy lòng không bình yên, Phan thường đi lên rừng. Hôm nay, Phan lên rừng để chữa chứng trầm cảm tái phát của mình, sau khi đọc tin về 13 người lính Mỹ hy sinh. Họ còn quá trẻ, tuổi chỉ mới đôi mươi. Trẻ như anh ngày ở lính. Hai mươi mấy tuổi đời, đã lăn lóc chiến trường đây đó.
Phan thấy nhớ người bạn gần gũi nhất của mình, Nguyễn. Hai người thân nhau từ thuở học trung học. Cùng đậu Tú Tài, cùng lên đại học. Lại rủ nhau học lớp SPCN để chuẩn bị thi vào trường Y Khoa. Thời đó, bạn trai chơi chung, chẳng ngại ai cười như bây giờ. Nhớ nhất lúc cùng nhau theo trường lớp đi lên núi Châu Thới sưu tầm đá. Lúc đó núi Châu Thới chưa bị “du lịch hóa” nên hoang sơ lắm. Đứa nào cũng miệt mài tìm lượm càng nhiều loại đá càng tốt. Lượm đá mệt rồi nhoài người dưới nắng ngắm nghía, ước ao trong đá núi có những hạt ngọc trời cho. Về lớp, say sưa nghe Thầy giảng từng chi tiết về các loại đá. Tuy môn Địa Chất không liên quan gì đến các môn cần thiết cho “chuẩn sinh viên Y Khoa” như các môn Động Vật, Thực Vật, Hóa, Lý, nhưng là môn rất thú vị. Sau này hai người bạn cứ nhắc nhau hoài về những mẩu đá, như vẫn còn thắc mắc nhiều về những sự huyền bí trong đó, như những ước mơ chưa thành.
Chiến tranh. Phan và Nguyễn cùng đăng lính. Như một định mệnh, hai người lại ở cùng đơn vị, lại sát cánh bên nhau…
Trời oi bức lạ thường. Phan không thấy cảm giác tươi mát khi nấp dưới những vòm lá rậm. Thời tiết có cái gì bất an. Phan càng nhớ những lúc di chuyển trong rừng. Rừng lá mát lạnh. Rừng lá che mưa. Rừng lá che chở người lính, giữ cho họ an toàn.
Tiếng lá loạt xoạt. Như là có ai đó đến gần. Phan mở mắt. Nguyễn đứng trước mặt anh. Nguyễn cười hiền hậu, gương mặt như thư sinh thuở còn đi học. Hai người bạn nhìn nhau. Nguyễn như là hình ảnh của Phan ngày trước. Còn Phan, Nguyễn nhận không ra.
“Ai đây?” Người trai trẻ hỏi.
“Nhận không ra hở, Nguyễn?”
Người trai trẻ lắc đầu. Phan đưa mặt đến gần Nguyễn hơn:
“Là Phan đây!”
“Phan sao?”
“Chúa ơi! Nguyễn không nhận ra mình! Phải, mình già lắm rồi, còn bạn thì trẻ mãi.”
Nói đến đó, Phan nghẹn giọng. Nguyễn đã không “được” già! Nguyễn sững sờ một lát, rồi như đã dần dần thấy những nét quen trong giọng nói, trên nét mặt của người bạn cũ. Nguyễn reo lên:
“Nhận ra rồi! Phan!”
“Phải. Mình cùng học chung ở trung học, rồi ở lớp SPCN trường đại học Khoa Học.”
“Nhớ rồi! Lớp SPCN vui lắm, có cô bé không dám mổ con gián trong giờ thực tập Động Vật.”
“Sao Nguyễn nhớ chuyện cô bé đó kỹ vậy?”
“Vì Nguyễn yêu cô bé đó mà lị!”
Cả hai người cười vang. Phan ít để ý đến con gái, cho đến khi gặp được người sau này làm vợ mình. Còn Nguyễn mơ mộng lắm, hay để ý các bạn gái, nhưng chỉ đứng xa nhìn lại thôi.
“Phan nhớ không, cô bé đó khóc rưng rức. Ông thầy tới hỏi vì sao không mổ con gián, cô bé nói sợ lắm. Nhưng trước đó thì cô đã dám mổ con ếch, con tôm, con cá lóc, con tắc kè. Thầy cười ngất. Sau, thầy nói một câu nghe nhớ đời…”
“Thầy nói, theo thầy, con người mới là đáng sợ nhất.”
“Ừ. Thầy nói đúng theo nhiều nghĩa.”
“Không biết sau lớp đó, cô bé đi đâu nhỉ?”
“Không biết nữa. Mà cũng có thể cô bé đã vào học Y Khoa, có thể cô bé không sợ khi mổ… con người, hi hi.”
Hai người bạn cười vui vẻ. Nguyễn nói:
“Nhớ lại, vui ha Phan! Nếu tụi mình học lên, chắc bây giờ đã khác…”
Phan trầm giọng xuống:
“Ừ, sẽ khác nhiều lắm. Nhưng mình không tiếc. Vì mình đã chọn đúng đường.”
“Ừ, mình cũng không tiếc.”
**
“Mưa rồi, Phan!”
Phan lắng tai. Ừ phải, có tiếng mưa lắc rắc. Nguyễn chậc lưỡi:
“Chà, trời mưa, thèm một điếu thuốc quá!”
“Không được. Phan đã bỏ thuốc lá rồi!”
“Sao lại bỏ?”
“Hút thuốc hại phổi. Bây giờ đâu mấy ai hút thuốc lá.”
Nguyễn trố mắt:
“Vậy sao?”
Phan trố mắt nhìn lại bạn. Rồi bỗng nhớ ra, mình đã cách nhau gần nửa thế kỷ! Ngày xưa không có cái khái niệm hút thuốc lá hại phổi. Người bạn ngồi bên cạnh mình đây, vốn thả tâm tư theo làn khói thuốc những lúc có thể, bây giờ chắc nghe điều này thấy lạ. Phan bật cười, nhớ nhung cái thời điếu thuốc gắn giữa hai ngón tay như một món trang sức không thể rời, hay chính xác hơn, là món ăn không thể thiếu của các chàng trai. Biết hút thuốc là có hại, nhưng thương quá cái thời bạn bè chia nhau điếu thuốc lúc trời mưa lạnh.
Nguyễn đứng dậy, nói:
“Nguyễn đi đây!”
“Đi đâu?”
“Đi về nhà của Nguyễn.”
“Nhà nơi đâu?
“Nơi có vườn chuối, ao bèo, có sân phơi thóc lúa, có sông nước mênh mông.”
“Phan biết rồi! Là nhà dân, nơi mình dừng chân tạm trú. Ngủ được một nửa giấc, có lệnh đi hành quân, thế là lên đường.”
“Phan nhớ đúng rồi! Thế Phan có biết nhà thật sự của Nguyễn ở đâu không?”
Phan lắc đầu. Nguyễn cười một nụ cười buồn.
Nguyễn đã đi mất. Phan như thấy trước mắt, mười ba quân nhân Mỹ trở về nước trong những chiếc quan tài phủ cờ. Nguyễn không có gì để trở về.
Trận chiến cuối cùng. Họ đã chiến đấu như thể ngày mai vẫn phải chiến đấu. Nhưng không có cái ngày mai ấy. Sau trận chiến cuối cùng, Phan không còn mặc áo nhà binh. Phan cô độc trên những bước đường nghiệt ngã.
**
Thế đấy! Phan cứ buồn là đi lên rừng. Đứng trên rừng cao, nhìn xuống vùng hồ bên dưới, mênh mông. Khu vực này toàn rừng thông, quen thuộc như Đà Lạt. Nhưng Phan cũng tìm ra được những vùng lá thấp. Những loại cây không tên, mọc thành bụi rậm. Phan chỉ gặp được Nguyễn lần đó, không gặp lại nữa. Có lẽ Nguyễn không muốn kéo Phan về quá khứ khiến Phan sẽ lại trầm cảm chăng?
Nhưng khi nghĩ đến những lúc trời mưa, chia nhau điếu thuốc, Phan thấy thương cho tuổi trẻ của mình quá! Không phải chỉ riêng mình, mà cả một lớp tuổi.
Vẫn không có mưa! Trời nóng cả trăm độ lúc ban ngày. Đất trời như đang phẫn nộ với những cơn gió nóng, khô, xoáy mạnh. Vùng đất mà nhiều người xem như Đà Lạt này, là nơi thông xanh, gió mát, những hồ nước trong veo, bầu trời cũng luôn một màu xanh biếc, bỗng nhiên khô héo ủ ê. Những cây thông kiên cường như cũng không chịu nổi cái khô, nóng, đổi màu vàng vọt. Nghe đâu có những đám cháy rừng lớn ở gần đây. Khói bay mù mù, tỏa mùi khen khét một vùng.
Và rồi, Phan nghe có tiếng sấm. Lạy Trời, Trời cho mưa rồi ư? Phan chợt muốn reo lên và hát bài đồng dao thuở nhỏ - “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp…” Vẫn không có mưa! Tiếng sấm vang dội, rồi tiếp đến là tiếng sét. Ôi, sét khô! Sấm sét nối tiếp nhau, như súng đại bác giận dữ.
Phan biết mình không nên ở lại trên này. Anh chạy vội xuống chân đồi. Lửa đã cháy bén một vùng cây khô. Nguy quá rồi! Phía dưới kia có một khu xóm nhỏ! Phải xuống giúp họ! Phan tận dụng hết kỹ năng mình có được, nhanh chóng giúp người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, xịt nước, phát cây cỏ để chặn lửa…
Một cô gái mặt mũi lấm lem, nói vói tới Phan:
“Chào bác! Cháu đoán bác từng là lính cứu hỏa!”
Phan mừng rỡ, đáp lại:
“Sao cháu biết?”
“Dạ, cháu cũng là tình nguyện viên cứu hỏa.”
“Phải, qua đây bác từng là lính cứu hỏa. Rồi khi quá tuổi, bác xin làm tình nguyện viên.”
“Hay quá! Cám ơn bác đã giúp cho khu xóm của cháu. Mình cũng là lính ở tuyến đầu, phải không bác?”
“Ừ. Tuyến đầu.”
Giọng Phan nghe như lạc đi trong gió. Cô gái cười thật dễ thương. Nhìn cũng có nét quen quen. Phan tự chế nhạo mình giàu tưởng tượng. Cô gái trông giống như cô bé ngày xưa của Nguyễn, cô bé khóc nhè không thích mổ con gián, nhưng chắc đã là một bác sĩ tài giỏi.
**
Phan vẫn đi lên rừng. Nhưng không còn để chữa bệnh trầm cảm, mà là để nghiên cứu xem những gì có thể làm được để cứu rừng. Mùa hè vẫn khô. Những đám cháy rừng vẫn rải rác bùng lên khắp hai miền Nam Bắc, đe dọa cả những cây sequoia cổ thụ ngàn năm, những rừng thông thơ mộng, làm đục ngầu những hồ nước vốn trong xanh như ngọc, làm đỏ rực mặt trời, mặt trăng, đỏ rực cả bầu không khí.
Chiều xuống. Phan đến bên tảng đá mình ngồi tựa hôm trước, nơi mơ hồ thấy Nguyễn hiện ra. Cạnh bên tảng đá, từ một thân cây bị cháy đen, có một nhánh non mọc ra tự bao giờ, xanh ngắt.
Cuối mùa hè 2021
CAM LI NGUYỄN THỊ MỸ THANH
No comments:
Post a Comment