Tuesday, September 1, 2020

VIẾT GIỮA MÙA ÔN DịCH. BÀI 10. GỌI TÊN BẰNG HỮU

Khuất Đẩu

Khuất Đẩu. Huyền Chiêu & Lữ Kiều

Trong bài hát Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn, có một hình ảnh thật dễ thương, đó là “em đứng lên gọi mưa vào hạ”. Tôi thì không dễ thương, nếu không muốn nói là dễ ghét, lại già lụ khụ, nhưng cũng ráng chống gậy đứng lên để gọi tên bè bạn.

Người bạn tôi muốn gọi tên đầu tiên, là anh bạn hàng xóm. Anh họ Hồ tên Vĩ, cùng tuổi rồng với tôi nhưng không học cùng lớp, vì cha anh không háo thắng như cha tôi, nên không cho anh đi học sớm. Nhà anh làm nghề bán cốm bắp, do vậy anh có vẻ vất vả vì suốt ngày phải phơi bắp, lảy bắp, chứ không cà nhỗng rong chơi như tôi.

Tôi gọi tên anh vì trong khi tôi đi học, thì anh bị gọi đi quân dịch (là thương nòi giống!). Xe từ Qui Nhơn đưa anh vào Dục Mỹ, vừa xuống xe sắp hàng đi vào trại Lam Sơn, bước thường-bước chứ không bước đều-bước vì chưa tập ắc-ê, đã bị VC pháo kích toi mạng.

Đời lính đã quá ngắn mà đời anh cũng chẳng dài chi hơn. Trai nhà quê mới 18 tuổi, chưa có vợ nên cũng chưa biết giữa hai chân của “phía bên kia” nó có gì. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ anh lại sang ôm tôi mà khóc suốt.


Cái chết của anh khiến ông bà và mẹ tôi cùng đi tới “thống nhất” rằng, tôi thà làm một kẻ bị nguyền rủa vì không thương nòi giống còn hơn là bỏ xác một cách lãng xẹt như thế. Nay tôi cũng xin thành thật khai báo, hồi đó tôi đã “chốn” đến những 15 năm!

Người thứ hai, là một anh Bắc kỳ thòng lòng cọng rau muống, cùng học hai năm ngũ và tứ ở Cường Để, Qui Nhơn. Anh họ Trần tên Tường, giữa lót chữ văn, thường bị gọi đùa là Trần vanh Vách. Anh hơn tôi 3 tuổi, chững chạc, đạo mạo chứ không lí lắc như tôi. Vì đến tuổi, nên sau khi đậu trung học, anh đi quân dịch. Xong 18 tháng, trở về thấy bạn bè đã thi Tú tài, nghĩ rằng có học nữa cũng không theo kịp bè bạn, thôi thì đi Thủ Đức. Tại đây, anh đậu á khoa, mang lon chuẩn úy cũng le lói lắm. Lúc về, ghé thăm tôi có đem cho một trái mít tố nữ (mà con gái tôi sau này gọi nhầm là mít tố hữu, nghe cũng hay hay). Trong khi ngồi chờ xe lửa ở ga Nha Trang, anh bóc một trái khác, cả hai cùng ăn, lần đầu tôi thấy mít tố nữ đúng là thơm và ngon thiệt.

Đó là lần gặp cuối cùng, vì sau đó, do chuyên về chất nổ, anh được đổi ra coi một kho đạn ở Quảng Ngãi. Vừa mới mon men muốn tìm người để yêu, thì bị VC pháo kích. Kho đạn nổ tung trời, anh cũng tan xác pháo luôn, gia đình không nhặt được chút gì gọi là của anh, đành lập mộ gió!

Người thứ ba là một chàng thi sĩ thứ thiệt, rất nho nhã hiền lành, giỏi chữ Hán và thư pháp, họ Phạm, cùng họ với bà cố tôi, tên là Ngọc Lư.

Tôi nói thi sĩ thứ thiệt vì chưa có thời nào, chưa có nước nào lại nhiều thi sĩ giả như ở nước ta bây giờ. Trước đây, miền Bắc ra ngõ gặp anh hùng (giả), giờ, cả hai miền Nam Bắc ra ngõ đều gặp thi sĩ (giả)!

Giả, trông tướng mạo là biết liền: có kẻ mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao như Mã Giám Sinh, ăn nói đểu cáng như Sở Khanh, cũng có kẻ quan chức đề huề như Kim Trọng, hay ngổ ngáo ngang tàng như Từ Hải, lại có kẻ nham hiểm như Hồ Tôn Hiến hay yếu hèn như Thúc Sinh…, coi lại truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, mới thấy cụ chẳng những tài giỏi mà còn rất thâm, vì tất cả những nhân vật đàn ông trong truyện, đều rất giống với thi sĩ giả!

Còn thiệt, thì như Bùi Giáng, như Nguyễn Nhược Pháp, như Quang Dũng, như Hàn Mặc Tử, như Bích Khê, như Hoàng Trúc Ly… và như Phạm Ngọc Lư.

Trước hết, họ không giống các nhân vật nam trong truyện Kiều, mỗi người tuy có những nét riêng, nhưng dù rách hay lành, dù điên hay tỉnh, họ đều có một nét chung là rất nhân bản. Thơ của họ không nhiều nhưng cùng đồng hành với thời gian, nên vang vọng tới hậu thế.

Như Quang Dũng chỉ cần một bài Tây Tiến, với câu thơ: áo bào thay chiếu anh về đất/ sông Mã gầm lên khúc độc hành, đã là thi sĩ “định mệnh tại thiên thư” rồi. Và, Phạm Ngọc Lư với bài hành Biên cương, mở đầu với lời chào thống thiết: Biên cương, biên cương, chào biên cương/ Chào núi non rừng thẳm nhiễu nhương! Đây biên cương, ghê thay biên cương/ Tử khí bốc lên dày như sương, … nghe như những hồi chuông báo tử.

Được nghe anh đọc thơ trong một đêm gió cuồng ở Tuy Hòa, gần Củng Sơn nơi anh từng dạy học và thai nghén bài thơ, với những âm uông, ương tưởng chừng như đang nghe tiếng hú của những oan hồn!

Sau 75, anh bỏ dạy đi Bến Tre bán dừa, đi đất đỏ Long Khánh cạo mủ cao su, cuối cùng về quê vợ ở Đà Nẵng, nhà gần viện bảo tàng Chăm, bị đuổi để xây cầu mới… nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

Anh sống mực thước giản dị, dù làm gì vẫn ra vẻ một nhà nho lỡ vận. Anh chết vì ung thư phổi, cũng được an ủi đôi chút khi những phút cuối cùng có nhiều người ái mộ đến thăm và có một giọng hát tên Thu Vàng đến tận bên giường hát cho anh nghe.

Người thứ tư tôi muốn gọi tên với tất cả mến thương, là họa sĩ Đinh Cường. Tranh của anh được các nhà sưu tập và bạn bè lưu giữ nâng niu. Anh ưa vẽ chân dung các thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều nhất và có hồn nhất là chân dung của Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn. Còn dị hợm và rừng rú là chân dung của Sơn Núi, tức Nguyễn Đức Sơn.

Anh sinh ra không phải thi sĩ, nhưng trong cả ngàn bài ký theo dạng thơ tự do, lác đác một đôi câu xuất thần khiến Bùi Giáng cũng phải kinh ngạc.

Trong số những họa sĩ mà tôi nghe tên, biết mặt, chưa có ai hiền và nhân hậu như anh. Dường như, chưa có ai phàn nàn về anh điều gì. Những năm cuối đời bị ung thư, anh vẫn âm thầm chiến đấu, vẫn vẽ cho đến khi không cầm được cọ nữa, mới nhắm mắt xuôi tay.

Tôi quen anh qua chủ điền trang Thân Trọng ở Đà Lạt. Anh thường ít nói, ngồi một góc nhà, nhìn ai đó rồi lặng lẽ lấy giấy bút ra ký họa. Nhà tôi được anh vẽ tặng một bức “par mémoire” tưởng như anh mới gặp trong mơ, là một thiếu nữ 15, nhỏ nhắn đáng yêu, khiến bà nội của các cháu tôi rất thích.

Người thứ năm, là Dương Nghiễm Mậu, nhà văn miền Nam nổi tiếng. Anh là bạn cột chèo với Đinh Cường. Đọc và thích anh từ thời anh viết Gia tài của mẹ, nhưng mãi sang đầu thế kỷ này mới quen anh, cũng qua bác sĩ Thân Trọng Minh.

Như một số nhà văn miền Nam, anh cũng bị cầm tù. Khi được thả, trước nhà anh lúc nào cũng có công an canh chừng. Anh có một truyện mà tôi rất thích, truyện Tiếng sáo của người em út. Người em nói với người anh ở xa về, “một đời, cha không làm điều gì xấu, khi chết con nên thổi sáo cho cha nghe”. Anh ta thổi sáo thay cho kèn đám ma, rồi cắm cây sáo lên mộ.

Cuối đời mà nói được một câu an lành như thế, cũng có thể là của anh. Dù phải bỏ bút, học làm tranh sơn mài để sống, dù bị công an canh chừng, bị Vũ Hạnh ganh ghét, anh vẫn thản nhiên, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười.

Tuy nhiên, anh cũng có cách riêng để thầm chứng tỏ phẩm cách của mình. Như chiếc tủ đựng đầy sách do anh viết, sau khi bị tịch thu đem đi đốt, giờ vẫn để trống không giữa phòng khách trông như một quan tài dựng đứng! Và những mặt ghế phủ sơn mài bóng loáng, nổi lên những mặt của tuồng chèo đang quắc mắt, vểnh râu để khách kê… đít lên ngồi, càng nhiều đít kê lên, những khuôn mặt kia càng bóng như được thoa bằng mỡ lợn!

Anh mất rất bất ngờ, nằm bệnh viện chưa được 30 tiếng, các bác sĩ đang loay hoay cố tìm ra bệnh, thì anh đi. Tôi ở xa quá, không kịp đến tiễn đưa anh, cũng thật buồn.

Hãy còn nhiều người bạn khác, tuy già, nhưng vẫn đang khỏe mạnh. Họ là những người dù ở xa vẫn nghĩ đến tôi, là đốm sáng trong những đêm bão giông của thời cuộc, là cuộc gọi tâm tình kín đáo giữa đêm khuya, là đội mưa đến thăm nhau trong một chiều đông lạnh, là một bức tranh vẽ tặng trong lúc cố quên cơn đau ruột thừa, là gói quà từ tầng thứ 16 một cao ốc ở ngoại ô Paris, là tiếng nước sôi trong ấm vọng lại từ bên kia bờ đại dương… tôi gọi thầm họ trong từng trang viết vì tôi biết rằng họ sẽ đọc tôi, sẽ khóc cười chửi rủa cùng tôi…

Xin được cảm ơn tất cả!

KHUT ĐU


No comments:

Post a Comment