Phan Tấn Hải
Đó là nơi quyền lực Trung Quốc bị lu mờ trước sức mạnh chính nghĩa của những người tỵ nạn Tây Tạng tay không tấc sắt: các đại hội phim ảnh quốc tế. Dù vậy, dòng phim của người Tây Tạng lưu vong hoàn toàn không phải là những lời sách động trần gian – đây chính là các thước phim xuất thế gian từ những người bị rượt đuổi ra khỏi quê nhà đang đưa lên thật cao những lý tưởng của từ bi, thương yêu, tha thứ và hòa bình.
Ngay
cả trong mùa đại dịch, một phim hoạt họa ngắn của một nữ đạo diễn gốc Tây Tạng
đã được chọn vào phần chiếu chính yếu trong một đại hội phim quốc tế tại Canada.
Phim hoạt họa dài 5 phút nhan đề ‘Yarlung’ của nữ đạo diễn Kunsang Kyirong được
chọn vào chiếu ở Ottawa International Film Festival 2020, nơi được xem là đại hội
phim về hoạt họa lớn nhất Bắc Mỹ.
Phim
‘Yarlung’ là các bản vẽ bằng chì than (charcoal), nối kết thành dòng chảy thi
ca ghi lại thời thơ ấu của cô Kyirong bên bờ sông Yarlung Tsangpo, còn gọi là
sông Brahmaputra, chảy từ rặng Hy Mã Lạp Sơn xuyên Tây Tạng qua Ấn Độ. Nội dung
phim là hình ảnh nhìn từ một trẻ em Tây Tạng tỵ nạn trong một ngôi làng nhỏ ở
thị trấn Tezu của Arunachal Pradesh, một tỉnh biên giới của Ấn Độ giáp biên
Bhutan. Phim kể về 3 đứa trẻ chỉ sống dựa vào dòng sông và niềm vui, trong đó
ghi các hình ảnh hạnh phúc đời thường như uống trà, bắt cá bên sông và những việc
trẻ nhỏ khác.
Đại hội phim Ottawa International Animation Festival (OIAF) dự kiến kéo dài từ ngày 23/9/2020 tới ngày 27/9/2020, dĩ nhiên sẽ thực hiện trực tuyến vì rơi vào ngay thời đại dịch COVID-10. Cứ mỗi tháng 9 hàng năm, đại hội OIAF diễn ra và biến thành phố Ottawa của Canada thành trung tâm vũ trụ phim hoạt họa; năm nay sẽ thực hiện nhiều phần chính trên mạng, theo địa chỉ OIAF năm nay: https://oiaf2020.ca/
Đạo
diễn Kyirong kể với các phóng viên rằng ban đầu cô dự định làm một phim tài liệu
để nói về sông Yarlung và các cộng đồng sống dựa vào dòng sông chảy từ Tây Tạng
vào Ấn Độ và sẽ hòa vào sông Hằng (Ganges), vì nỗi lo của cô khi thấy dự án xây
đập nước của nhà nước Trung Quốc tương lai sẽ làm hại tới sinh kế của các cư
dân bên sông. Nhưng rồi, cô chuyển sang phim hoạt họa vì yêu thích chất thơ của
dòng sông thơ ấu, và biến thành một tác phẩm nghệ thuật để hòa các ký ức thơ ấu
vào chuyện kể, hình thức y hệt như kể chuyện qua lời nói, khi bạn nhớ một chi
tiết này rồi từ đó lại nhớ sang chi tiết khác, Và do vậy cứ mỗi lần bạn kể, dù
là cùng một câu chuyện thì nó cũng chuyển biến vì nó xuất phát từ giấc mơ thời
thơ ấu và nét vẽ tự nhiên như trẻ nhỏ, cũng như hình ảnh dòng sông chảy vào
tách trà nóng đang rót ra – hình ảnh này có thể xem trong trích đoạn phim ở https://kunsangkyirong.com/ nơi truyện kể
rất mực không chủ ý.
Điều
làm cho thế giới nhìn về những người Tây Tạng lưu vong là tấm lòng từ bi, yêu
người và thương đời, sống hòa hài với thiên nhiên và thế giới, bất kể họ phải bỏ
chạy một quê hương bị người Trung Quốc chiếm đóng. Đức Đạt Lai Lạt Ma sau cuộc
nổi dậy thất bại năm 1959 đã chạy sang Ấn Độ, xây dựng một cộng đồng lưu vong
trong các năm đầu khoảng 100,000 người Tây Tạng tỵ nạn. Bây giờ, sau 70 năm người
Hoa thống trị, đã có khoảng 1 triệu người Tây Tạng bị giết ở quê nhà, 6,000 tu
viện bị phá hủy, tiếng Hoa trở thành ngôn ngữ chính cho các trẻ em trong khi Phật
Giáo Tây Tạng bị biến thể theo ý nhà nước muốn kiểm soát.
Cần
thấy, dòng phim của người Tây Tạng lưu vong không hề có một chút căm thù. Phim
‘Yarlung’ của đạo diễn Kunsang Kyirong kể chuyện về 3 đứa trẻ tương tác với
dòng sông Yarlung Tsangpo theo những cách khác nhau khi gặp một cái chết trong
gia đình. Mỗi đứa trẻ có cảm xúc riêng với dòng sông. Trà là chủ đề xuyên suốt.
Nghi thức uống trà tượng trưng sự gắn liền của đời sống gia đình vào dòng sông.
Các bản vẽ đen trắng từ chì than là dòng chảy của sông, cũng là dòng chảy của
trà và mồ hôi làm việc cực nhọc, cũng là dòng chảy nước mắt của bà nội/ngoại
trong phim và là dòng chảy từ xúc động tới vui mừng của trẻ em khi bọn nhóc
phóng mình vào dòng sông bơi lội, đùa giỡn.
Đạo
diễn Kunsang Kyirong kể rằng trong suốt thời trẻ của cô, trong tất cả những mùa
hè cô đều trở về thị trấn Tezu, nơi cư dân Tây Tạng lưu vong sống dựa chủ yếu
vào sông, và thời thơ ấu có thể là 3 hay 4 lần mỗi ngày ra sông để tắm, rửa
chén nồi và múc nước về nhà sử dụng. Dòng sông là nguồn vui chính của bọn trẻ,
với kỷ niệm nhảy cầu xuống sông, nằm lơ lửng thả trôi xuôi dòng. Cô nói hiện
nay cô đang làm việc cho các dự án kế tiếp, trong đó sẽ làm các búp bê cho thể
loại phim hoạt họa stop-motion, ghi lại môt cách vui nhộn về chuyện thường nhật
của người Tây Tạng như vắt sữa Yaks (một loại bò miền núi Hy Mã Lạp Sơn) và thiền
tập.
Kunsang
Kyirong có văn bằng cử nhân về phim thử nghiệm và hoạt họa tại đại học Emily
Carr University of Art and Design. Cô là thế hệ đầu tiên của người Canada gốc
Tây Tạng, hiện đang học các văn bằng cao hơn về điện ảnh cũng ở Emily Carr
University. Trước đó, cô từng học về hội họa vẽ tranh Tibetan Thangka Art tại
Dharamsala, Ấn Độ.
Tới
đây, chúng ta có thể nhớ rằng, tròn một năm về trước, nhà nước Bắc Kinh không
vui gì với một phim trong đó ngài Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật chính: Phim “The
Dalai Lama – Scientist” (Đức Đạt Lai Lạt Ma – Nhà Khoa Học), được chiếu lần đầu
trong chương trình chính của đại hội phim Venice International Film Festival lần
thứ 76 vào ngày 31/8/2019.
Phim
tài liệu này có nhiều hình ảnh và thước phim lần đầu phổ biến ra công chúng, với
bích chương phim ghi rằng phim này là “kể câu chuyện rất nhân bản về Đức Đạt
Lai Lạt Ma mà chưa ai từng biết tới.”
Đạo diễn Dawn Gifford Engle
Dawn
Gifford Engle, đạo diễn và là người viết cốt truyện phim “The Dalai Lama -
Scientist”, nói rằng phim là câu chuyện kỳ diệu và bất ngờ về Đức Đạt Lai Lạt
Ma và khoa học trong một cách chưa ai trước đó từng thấy. Trong phim, ngài Đạt
Lai Lạt Ma kể về hành trình trọn đời từ thế giới Phật Giáo vào thế giới khoa học
hiện đại, và về cách thế giới đã thay đổi. Phim ghi lại thời gian dài 35 năm, Đức
Đạt Lai Lạt Ma liên tục đối thoại với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, về
các chủ đề từ vật lý lượng tử và thiên văn học cho tới thần kinh học và lĩnh vực
tâm lý cảm xúc. Phim đưa khán giả vào những cuộc đối thoại thâm sâu, khảo sát về
tương tác giữa khoa học và Phật Giáo, và “chia sẻ kinh nghiệm đời sống riêng tư
từ Đức Đạt Lai Lạt Ma về những gì đã tác động sâu vào nhận thức cá nhân của
ngài trong cương vị một lãnh đạo thế giới – và cũng là, vào chính thế giới.”
Phim
được kể qua lời nữ diễn viên Laurel Harris (người nổi tiếng với phim ‘Odd
Thomas’ năm 2013), ghi lại đối thoại giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma với nhiều khuôn mặt
lớn, trong đó có: nhà tâm lý học Paul Ekman; toán học và di truyền học Eric
Lander; thần kinh học Christof Koch; thiên văn học George Greenstein; triết
gia, sinh học, thần kinh học Francisco Varela (1946–2001); tâm lý học Richard
J. Davidson; Susan Bauer-Wu, chủ tịch viện nghiên cứu và quảng bá khoa học thiền
định Mind & Life Institute; tâm lý học, thần kinh học Michael J. Meaney,
professor in biological psychiatry, neurology, and neurosurgery; nhà văn, nhà
sư Matthieu Ricard; Thiền sư Joan Halifax; Thiền sư Jon Kabat-Zinn, người lập
nhiều trung tâm thiền chánh niệm ở Hoa Kỳ.
Bạn có thể xem phim này, khi vào YouTube và tìm nhóm chữ “The Dalai Lama – Scientist” trong đó bạn sẽ nghe lời Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại: “Trong hơn 30 năm qua, tôi đã để nhiều thì giờ làm việc với các khoa học gia Tây phương. Khi tôi nghĩ về tôi bây giờ, đôi khi tôi nghĩ rằng tôi chỉ nửa phần là nhà sư Phật giáo. Nửa phần kia, là khoa học gia.”
Và
chỉ mới xảy ra cách nay 9 tháng là một bước nhảy lớn cho dòng phim Tây Tạng lưu
vong: Nữ đạo diễn Tsering Wangmo thắng 3 giải thưởng trong đại hội phim quốc tế
My Hero International Film Festival (MHIF) trong tháng 12/2019 tại thành phố
Laguna Beach, California.
Phim
ngắn nhan đề “Conversations with My Mother” (Nói chuyện với Mẹ tôi) làm theo thể
loại phim tài liệu và thử nghiệm (experimental documentary), ghi nhận về thân mẫu của đạo diễn Wangmo, đã thắng
3 giải thưởng phim: giải 2019 Eva Haller Women Transforming Media Award trong
lĩnh vực phim sinh viên của đại hội MHIF, giải nhất trong thể loại phim thử
nghiệm Experimental Award, và giải nghệ sĩ mới xuất hiện Emerging Artist Award.
Câu
chuyện gì về một bà cụ Tây Tạng lưu vong? Nhà phê bình nghệ thuật Wendy
Milette, Giám đốc đại hội phim MHIF, nhận xét rằng giọng kể chuyện độc đáo, dịu
dàng của đạo diễn Tsering Wangmo đã gây xúc động cho khán giả tiếp cận với quan
hệ yêu thương, thân mật và tôn kính giành cho người mẹ của đạo diễn. “Đạo diễn
Tsering có nhiều hứa hẹn lớn trong tương lai vì tài năng và nghệ thuật kể chuyện
như thế.”
Đại
hội phim My Hero International Film Festival hàng năm tổ chức ở thành phố biển
Laguna Beach, California, trong đó trình chiếu các phim ngắn từ khắp thế giới gửi
về với nội dung về “những anh hùng trong đời thực.” Đại hội phim nhằm “mang tới
chung nhau các đạo diễn chuyên nghiệp và các sinh viên ngành làm phim để vinh
danh các anh hùng từ khắp thế giới. Hãy khám phá những người tạo ra cảm hứng và
đang làm thay đổi cho thế giới chúng ta.”
Tsering
Wangmo nói về phim cô viết cốt truyện, đạo diễn và thực hiện: “Mẹ tôi và tôi sống
những cuộc đời khác nhau nhưng chúng tôi nối kết vượt qua những gì ngôn ngữ có
thể giải thích. Mẹ là gốc rễ của tôi và tôi có được cảm hứng tuyệt vời từ một
thực thể mà mẹ hiệnd iện. Phim tài liệu theo thể loại thử nghiệm này tập trung vào
cuộc đời của mẹ, chuyển động song song trong lời kể và hình ảnh, với quá khứ và
hiện tại của mẹ. Xuyên qua các hình ảnh trong phim, tôi tìm cách chụp bắt sự
đơn giản của cuộc đời mẹ và hơi ấm mà mẹ đưa tới cho cả gia đình mẹ bao bọc.”
Wangmo
sinh tại Ấn Độ từ ba mẹ là người Tây Tạng tỵ nạn, học ngành báo chí tại đại học
Madras Christian College ở miền Nam Ấn Độ và học ngành truyền thông đại chúng tại
Himachal Pradesh University tại Bắc Ấn Độ, trước khi theo học lĩnh vực làm phim
tài liệu ở New York. Một khoản tài trợ từ quỹ Rowell Fund for Tibet đã cho
Wangmo phương tiện đi quay phim tài liệu về cuộc đời những người du mục Tây Tạng
trong phim ‘Tales from the Pasture’ (Chuyện kể từ đồng cỏ) và phim này thắng giải
Jury Award & Audience Award trong đại hội phim Tibet Film Festival Short
Film Competition 2018 tại Dharamsala, Ấn Độ.
Wangmo
kể về mẹ: “Mẹ tôi và tôi gần nhau từ khởi đầu cuộc đời của tôi. Mẹ chưa bao giờ
đi học và đã sống đời một người du mục cho tới vài năm sau khi sanh chị cả của
tôi. Mặc dù đời thường vất vả khó khăn hàng ngày, cả hai ba mẹ tôi đã có quyết
tâm mạnh mẽ cho con đi học. Mẹ tôi luôn luôn chăm sóc cho gia đình trước khi tự
chăm sóc cho bản thân mẹ. Mẹ có khiếu khôi hài riêng, và khi chúng tôi ngồi
chung nhau, chúng tôi luôn luôn có những cuộc nói chuyện dài và chũng tôi cũng
cười rất nhiều. Mẹ và ba tôi là những lý do tôi là người như hôm nay. Mẹ tôi là
bạn tôi, là thầy tôi, người dạy tôi sông cuộc đời với yêu thương và từ bi.”
Wangmo
viết về mẹ trên trang nhà đại hội phim https://myhero.com/
những cảm nghĩ của chị về mẹ: “Mẹ bị buộc rời nhà ở Tây Tạng khi mới 8 tuổi, vậy
mà tôi chưa bao giờ nghe mẹ nói điều gì giận dữ về quân đội Trung Quốc, những
người xua đuổi gia đình mẹ ra khỏi quê hương. Mẹ là một phụ nữ vững vàng trong
mọi nghĩa, và bất cứ khi nào tôi gặp căng thẳng hay có những cảm xúc bực bội về
bất cứ chuyện gì, mẹ là người giúp tôi nhìn vào cuộc đời hay nhìn vào tình hình
một cách khác đi. Tôi không ngạc nhiên gì về trí tuệ phi thường mẹ có, bởi vì mẹ
đã sống xuyên suốt một cuộc đời phi thường.”
Đạo
diễn Wangmo thêm rằng cô bây giờ đang làm việc cho một phim tài liệu kể chuyện
những người tỵ nạn Tây Tạng vào Ấn Độ và về các kinh nghiệm và trở ngại họ gặp
phải trong những năm đầu lưu vong. Thêm nữa, cô đang khảo sát, nghiên cứu, sắp
xếp diễn tiến truyện phim đầu tiên, dựa vào cuộc đời của cha cô, và dự kiến
hoàn tất bản thảo đầu tiên trong năm 2020.
Wangmo ghi nhận: “Ba mẹ tôi là những người anh hùng của tôi, vì những sức mạnh, tình yêu thương, lòng tử tế và từ bi mà họ giữ được bất kể những khó khăn họ gặp và phải trải qua. Ba mẹ tôi là những anh hùng bởi vì họ nhìn vượct qua những chướng ngại của hoàn cảnh và đã xây dựng niềm hy vong và giấc mơ cho chúng tôi để đạt tới những gì không thể hình dung nổi và những gì rất phi thường.”
Phim
“Conversations with My Mother” (Nói chuyện với Mẹ tôi) có thể xem ở: https://vimeo.com/364434457
Trong
khi phim "Tales from the Pasture" và những cuộc phỏng vấn có thể xem
bằng cách vào YouTube và gõ nhóm chữ “Tales from the Pasture.”
Bước
chân từ bi của người Tây Tạng lưu vong trong lĩnh vực phim ảnh thế giới là những
tiếng nói đậm nét bản chất Phật để đáp trả với đại bác và xe tăng của quân đội
Trung Quốc tại quê nhà họ bị chiếm đã từ lâu. Thế giới đang nhìn thấy hình ảnh
các nhà sư, các cụ già và giới trẻ Tây Tạng lưu vong bước đi rất mực từ bi trên
từng thước phim toàn cầu trong khi các đoàn xe tăng Hoa Lục đang lùi dần vào
bóng tối tủi nhục của lịch sử nhân loại.
PHAN
TẤN HẢI
9/2020.
No comments:
Post a Comment