Trịnh Y Thư
Nhà văn Nhật Tiến
Mùa xuân 2019
Đối
với những người viết thuộc thế hệ tôi, gần như ai cũng ít nhiều đọc văn Nhật Tiến
ở tuổi đang trưởng thành. Những trang viết trong sáng và nhân ái của ông đã là
hành trang cho tuổi trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Và như chính ông nhiều lần khẳng
định, ông là một nhà giáo trước khi là nhà văn, chữ “Nhà Giáo” được ông trân trọng
viết hoa trong suốt cuộc đời ông, và có lẽ đó là lý do chính khiến ông bất chấp
hiểm nguy liều mình bỏ nước ra đi. Ông viết như sau trong cuốn Nhà giáo một thời nhếch nhác: “… trải
gần 4 năm trầy trợt dưới một mái trường XHCN, tôi phát giác ra rằng ở đấy người
ta không những không trang bị điều gì tốt đẹp thêm cho nhận thức của nhà giáo,
mà tệ hơn, lại còn không cho phép các thầy các cô được làm tròn vai trò của một
nhà giáo đúng nghĩa.”
Tôi
nhìn thấy ông trong tư cách một nhà giáo hôm tôi ghé tòa soạn báo Học Đường Mới đâu năm 66 hay 67 gì
đó. Lúc đó tôi là cậu học sinh Trung học tập tành thơ văn và ông phụ trách
trang văn nghệ cho tờ Học Đường Mới,
một tờ báo dành riêng cho thanh thiếu niên. Tôi đến để đưa bài đăng báo, và ông
đã tiếp tôi như một người lớn, dành cho tôi nhiều cảm tình tốt đẹp. Chỉ một lần
mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ dù hơn nửa thế kỷ đời người đã trôi qua. Nhớ vì
cái nhân cách của ông. Nhân cách đó còn mãi sau này, khi tôi gặp lại ông ở hải
ngoại.
Năm
1970 tôi lên đường đi du học, và trong va li của tôi hôm ra phi trường, tôi
nhét vào ba cuốn sách, một trong ba cuốn ấy là tiểu thuyết Chuyện Bé Phượng của ông. Cuốn sách
tôi vẫn giữ kỹ cho đến ngày hôm nay.
Nhật
Tiến là nhà văn của thời đại, một thời đại cực kỳ nhiễu nhương và tang tóc của
dân tộc, và ông đã hoàn tất nhiệm vụ vô cùng khó khăn của nhà văn là nói được
tiếng nói của thời đại mình. Ông viết không phải để cho mình. Ông viết thay những
kẻ bất bất hạnh trong xã hội, những kẻ thấp cổ bé miệng không có tiếng nói, và
ông không bao giờ chịu bẻ cong ngòi bút. Nhà văn Mai Thảo khi còn tại thế, gọi
Nhật Tiến là “người đứng ngoài nắng.” Vâng, ông đứng ngoài nắng để tìm bóng mát
cho chúng ta, và chỉ chừng đó thôi, chúng ta đã chịu ơn ông nhiều biết dường
nào.
Nếu
Võ Phiến định nghĩa nhà văn là kẻ “phải lòng” với cuộc sống, thì Nhật Tiến là
người “mắc nợ” cuộc sống. Ông không lấy sự cảm nhận mọi diễn biến của cuộc sống
xung quanh làm cái sinh thú của mình. Ông nhìn bề trái của sự vật – những điều
chúng ta vô tình hoặc cố ý lảng quên – rồi ông lật phải lật trái nó, cho chúng
ta mục kiến thực tại, một thực tại tuy đau đớn nhưng cần thiết được nói lên.
Nhà
văn Nga Dostoevsky bảo “cái đẹp sẽ cứu vãn thế giới,” nhưng đối với Nhật Tiến
thì “tình người sẽ cứu vãn thế giới.” Ông tin tưởng sâu sắc vào tình người và
chính vì thế ông không tuyệt vọng, ngược lại, ông luôn luôn gieo niềm hy vọng
nơi chúng ta và đặt tin tưởng tràn trề vào tương lai, vào thế hệ của tuổi trẻ.
“Thưa anh Nhật Tiến, anh đã đi đến cuối con đường của
anh. Chúng em những kẻ còn ở lại chẳng biết nói gì hơn một lời tạ ơn, tạ ơn
lòng yêu quê hương và những đóng góp của anh đối với đất nước, tạ ơn con đường
anh mở rộng cho kẻ đi sau chúng em kế thừa, tạ ơn mối thịnh tình anh dành cho tất
cả mọi người thân sơ, tạ ơn một tâm hồn cao quý, một nhân cách hiền hoà luôn
luôn làm tấm gương cho chúng em noi theo. Xin từ biệt anh.”
TRỊNH Y THƯ
No comments:
Post a Comment