Nguyên
Giác
Sách Dreaming Me in lần đầu 2001,
tái bản 2008.
Cứ
mỗi tháng 2 dương lịch, Hoa Kỳ lại đón mừng Tháng Lịch Sử Da Đen (Black History
Month), nhằm vinh danh thành quả của người da đen Hoa Kỳ, một truyền thống lần
đầu tổ chức vào năm 1926 bởi sử gia Carter G. Woodson và kéo dài tới bây giờ.
Đặc
biệt trong năm 2020, Tháng Lịch Sử Da Đen mang thêm một ý nghĩa là kỷ niệm 150
năm Tu Chánh Án Thứ 15 (Fifteenth Amendment), nội dung cho người đàn ông da đen
quyền đi bầu cử, cũng như kỷ niệm 100 năm Tu Chánh Án Thứ 19, nội dung cho phụ
nữ quyền đi bầu cử.
Bên
cạnh các hoạt động văn hóa, như phim ảnh, triển lãm, kịch nghệ, diễn hành…
trong Tháng Lịch Sử Da Đen có một truyền thống lặng lẽ, nhưng đầy chiều sâu: đọc
sách. Bạn có thể đề nghị giới trẻ trong cộng đồng Việt một tác phẩm nào để các
em đọc, để ý thức rằng sự kỳ thị màu da là có thực và rất đau đớn, và Phật Giáo
đã trở thành nơi nương tựa của rất nhiều người da đen Hoa Kỳ hiện nay.
Một
tác phẩm hồi ký nổi bật của Giáo sư Jan Willis-- có nhan đề “Dreaming Me: Black,
Baptist, and Buddhist ― One Woman's Spiritual Journey” (Mơ Tôi: Da Đen, Tín Đồ
Baptist, và Là Phật Tử -- Hành trình Tâm linh của một Phụ Nữ) -- được nhiều độc
giả quan tâm về Phật giáo giới thiệu cho nhau trong tháng này. Sách này in lần
đầu năm 2001, và tái bản 2008.
Trong
phần giới thiệu trên Amazon, ghi nhận rằng: “Jan Willis không phải tín đồ
Baptist hay Phật giáo. Bà đơn giản là cả hai. ‘Dreaming Me’ là chuyện đời của
tác giả, khi niên thiếu trưởng thành trong các vùng Jim Crow South (tiếng lóng chỉ:
các tiểu bang phía nam có luật kỳ thị da đen để thượng tôn da trắng), đối phó với
kỳ thị trong một đại học Ivy League (nhóm đại học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ), và rời
dính líu với Đảng Báo Đen (Black Panther Party – một đảng cách mạng da đen cực
tả, lập năm 1966, giải tán năm 1982). Nhưng chỉ tới khi gặp Lama Yeshe, một nhà
sư PG Tây Tạng cư ngụ trong vùng núi Nepal, bà mới nhận ra con người thực của
bà, và từ đó bà biết cách sống tận lực cuộc đời của bà.”
Nữ
Thiền sư Hoa Kỳ Sharon Salzberg, người có nhiều tác phẩm về Phật giáo, nhận định
về sách Dreaming Me: “Sách của Jan Willis là một cẩm nang hướng dẫn đầy thông
tin, tuyệt đẹp và lôi cuốn cho những ai muốn tìm sự chuyển hóa. Tác giả khéo
léo đan kết chuyện đời riêng và lời Phật dạy, đưa tới hiện thực về hành trình
bước đi tới giải thoát.”
Thupten
Jinpa, người sáng lập viện nghiên cứu và dịch thuật về Phật giáo Tây Tạng
Institute of Tibetan Classics, và là thông dịch riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma,
nhận định về hồi ký Dreaming Me: “Một cuốn sách chân thực gợi cảm hứng về thăng
hoa cá nhân và là chiến thắng của lòng người. Sách tuyệt vời này chạm vào nhiều
chủ đề mà tất cả những người hành hương chân thực – đặc biệt những ai muốn kết
hợp di sản văn hóa và tôn giáo với hành trình tâm linh mới tìm ra – đều phải giải
quyết ở một điểm nào đó trên hành trình của họ.”
Hai
nhà phê bình Frederic và Mary Ann Brussat ghi nhận rằng Jan Willis là người Mỹ
da đen đầu tiên trở thàng một học giả chuyên về Phật Giáo Tây Tạng và là một dịch
gia về lĩnh vực này. Bà là giáo sư môn tôn giáo học tại đại học Wesleyan
University và đã giảng dạy về Phật học trong hơn 25 năm. Với tập hồi ký kể lại
hơn 50 năm trong đời bà, tác giả Willis tập trung vào cuộc đi tìm: “Để vượt qua
cảm thọ về đau đớn và đau khổ mà tôi gánh chịu, tôi biết tôi sẽ phải tìm chữa
lành, để tìm thấy nơi tiềm ẩn rất căn bản cho tất cả chúng ta: cảm thấy là nhà
trong chính làn da của mình. Và do vậy, từ những ngày sớm nhất của tôi, nỗ lực
đơn độc đi tìm của tôi trở thành đi tìm một phương pháp để chấp nhận chính tôi
và để yêu thương tôi.”
Từ bé gái tín đồ Baptist, tới nữ sinh viên theo học Lama
Yeshe.
(Photo courtesy Mandala Magazine)
Tác
giả Jan Willis sinh năm 1948 và trưởng thành ở thị trấn Docena, tiểu bang
Alabama, nơi tổ chức thượng tôn da trắng Ku Klux Klan hoạt động tích cực. Khi
còn là vị thành niên, bà chứng kiến những cây thánh giá với lửa còn đốt cháy
(do KKK) cắm trước nhà của bà. Willis đã tham dự biểu tình, diễn hành của Tiến
sĩ Martin Luther King, Jr. và cảm thấy bà đang trên đường của bà --- đứng dậy
vì điều bà thấy là chính nghĩa quan trọng. Bà được nhận vào đại học Cornell
University năm 1965 và là một trong 8 sinh viên da đen duy nhất.
Sau
khi du học Ấn Độ, nơi bà cũng học tiếng Sanskrit, trong năm junior (năm thứ 3 của
bậc Cử nhân Hoa Kỳ), Willis trở về đại học Cornell và tham dự liên đoàn sinh
viên da đen Black Student Alliance trong cuộc tấn công vũ trang, chiếm tòa nhà
sinh viên trong khuôn viên đại học. Nhưng thay vì gia nhập Đảng Báo Đen, Willis
trở về Nepal để học về PG Tây Tạng dưới
hướng dẫn của đại sư Lama Yeshe. Đại sư đã hướng dẫn tác giả trong 15 năm về
nan đề lớn nhất của bà: “chấp ngã quá sâu dày.” Willis học được cách dịu dàng đối
với sự kiêu hãnh của bà. Phương pháp tu giữ tâm kham nhẫn, trong sáng của PG
giúp bà tới chỗ tự chấp nhận chính mình. Bà bây giờ tự gọi là một Phật tử
Baptist.
Willis
hoàn tất Tiến sĩ về Phật học tại đại học Columbia University và đã học, thực tập
và nghiên cứu tại các trung tâm Phật
Giáo Tây Tạng ở Ấn Độ, Nepal, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ trong hơn bốn thập niên. Bà là
tác giả nhiều sách về PG, viết trên nhiều tạp chí về Thiền tập, vấn đề phụ nữ
và PG, vấn đề PG và màu da.
Trước
khi sách Dreaming Me ấn bản đầu ấn
hành một năm, Tạp chí Time vào tháng 12/2000 đưa bà vào danh sách “Sáu nhà sáng
tạo tâm linh cho thiên niên kỷ mới.” Jan Willis được nhiều giải thưởng và nhiều
vinh danh từ cả giới học Phật và các nhà hoạt động phụ nữ và nhân quyền.
Jan
Willis sinh ra và lớn lên ở thị trấn Docena, một thị trấn nhỏ với kinh tế chính
là hầm mỏ. Willis phải học trường giành riêng cho học sinh da đen, lúc nào cũng
xuất sắc, nhưng liên tục là nhân chứng và là nạn nhân bị da trắng kỳ thị. Những
đau đớn kỳ thị này đi cả vào trong những giấc mơ của tác giả.
Jan
Willis khởi sự tập hồi ký bằng lời kể về một giấc mơ, trong đó bà bị một bầy sư
tử xông tới hăm dọa. Giấc mơ đã hình tượng hóa những gì mơ hồ trừu tượng từ thơ
ấu – những nỗi sợ và gánh nặng tác gia gặp phải trong vị trí “một thiếu nữ từ
miền Nam [Hoa Kỳ].” Trong giấc mơ, mẹ cùa Jan Willis cảnh giác con, “Con phải
biết là đầy nguy hiểm ngoài kia!” Dù vậy, trong giấc mơ những nguy hiểm đó hiện
hình thành bầy sư tử.
Jan
Willis kể lại, “Tôi biết bầy sư tử rượt tôi… Tôi chạy và chạy, mệt thở hết nổi,
hổn hển qua không khí nóng. Tôi không thấy ai cả, không ai tới để giúp.” Khi tỉnh
giấc mơ là trong tâm chỉ còn lại những nỗi phẫn nộ và cực kỳ đau đớn.
Tác
giả Jan Willis kể rằng đại sư Yeshe với lòng từ bi đã xem bà như con. Nhưng vẫn
khác, vì nhiệm vụ một người thầy là phải dạy học trò. Jan Willis viết: Lạt Ma
Yeshe gọi tôi là đứa con gái ruột. Tôi nghĩ rằng Thầy cũng đã gọi nhiều phụ nữ
độc thân khác là con gái tương tự. Nhưng tôi biết Thầy nghĩ về tôi, trong cách
nào đó, là rất đặc biệt. Nhiệm vụ của Thầy là làm cho tôi cũng cảm nhận thấy sự
đặc biệt đó, và để dạy tôi tin tưởng vào chính năng lực của tôi. Có một khoảng
cách mênh mông giữa 'different' (khác biệt) và 'special' (đặc biệt). Mẹ tôi
nhìn tôi như là một đứa khác biệt; Lama Yeshe nhìn tôi như là đặc biệt. Và đặc
biệt có nghĩa là được yêu thương riêng cho chính tự thân, vì sâu tận nội tâm,
nơi tận cùng là trong sạch, trí tuệ, từ bi và vi diệu. Lama Yeshe biết như thế
về tôi, như Thầy biết như thế về tất cả các chúng sinh. Và đó là các vị Thầy
chân thực ứng xử như thế: quý Thầy yêu thương chúng ta không ngằn mé bởi vì quý
Thầy thực sự nhìn chúng ta là rất quý giá, từng người trong mỗi chính riêng tự
thân mình – không gì [nơi chúng ta] thấp hơn các vị Phật.”
Một
tháng trước khi ấn bản đầu của sách Dreaming
Me phát hành, Tập San Phật Học Mandala số tháng 3/2001 phỏng vấn tác giả
Jan Willis.
Có
chuyện gì lạ khi một học giả viết hồi ký? Vâng, khác biệt lắm, và cũng đặc biệt
lắm. Jan Willis lúc đó 52 tuổi (vào năm 2001) là giáo sư dạy Phật học ở
Wesleyan University tại thành phố Middletown, tiểu bang Connecticut, lúc đó đã ấn
hành 4 sách đều có chủ đề nghiên cứu về Phật Giáo.
Tác
giả Jan Willis trả lời phỏng vấn của Mandala rằng trong khi viết tập hồi ký Dreaming Me, nhà biên tập ở nhà xuất bản
Riverhead nhắc nhở rằng đừng có viết kiểu như thờ phượng đại sư Lama Yeshe quá
mức. Bà Willis biết rằng tất cả những sách viết cho độc giả Tây Phương có thể
vướng nỗi nguy hiểm khi viết về các đạo sư phi thường. Bà nói thực sự bà không
viết kiểu “thờ phượng đạo sư” mà chỉ kể những chuyện theo học từ khi là một cô
sinh viên hai mươi tuổi, lúc đó trong lòng còn đầy những giận dữ, đau đớn và tủi
hổ. Tác giả Willis nói phần tập trung là ca ngợi phương pháp Thầy Yeshe dạy bà
cách hồi phục tự tin. Thầy đã nói đi nói lại với cô học trò Willis về cách nhận
ra và thăng hoa sự kiện rằng “tôi là một phụ nữ mạnh mẽ và thông minh, người có
kho tàng nội tâm để đóng góp cho thế giới.” Và cần tới 15 năm học với Lama
Yeshe để hoàn toàn nhận ra tự tâm trong sáng, hoàn toàn không vướng mắc chút
màu da hay chủng tộc, hay bất kỳ ranh giới nào.
Jan
Willis kể rằng câu chuyện bà chuyển hóa tâm linh là phổ quát cho nhiều người, rằng
bà không phải là đứa trẻ da đen duy nhất sinh ra và lớn lên trong một thị trấn
có luật kỳ thị da đen gay gắt ở Miền Nam Hoa Kỳ, và bất kể những giải thưởng
trong thời đi học, khi bà gặp Lama Yeshe, bà vẫn mang đầy những gánh nặng đau đớn,
và chính Thầy Yeshe đã giúp bà hàn gắn vết thương, bằng cách chấp nhận sự kiện
rằng “đôi khi ngay cả tâm Phật cũng phải phẫn nộ.”
Vâng…
xin mời bạn đọc kỹ câu cuối trong đoạn trên. Sẽ không có một Phật Tử Châu Á nào
dám viết như thế. Chỉ Phật Tử Mỹ, và chỉ một số thôi, không nhiều, mới viết kiểu
như thế, rằng thời thơ ấu của một thiếu nữ da đen bị kỳ thị gay gắt tới nỗi
“tâm Phật cũng phải phẫn nộ.”
Tác
phẩm hiển nhiên là, hy vọng sẽ giúp được nhiều độc giả tìm được lối đi trong lời
dạy của Đức Phật.
NG
No comments:
Post a Comment